Phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và giải pháp hoàn thiện

02/11/2023

HUỲNH VĂN THÔNG

Học viên cao học, Đại học Trà Vinh.

Tóm tắt: Phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số là hoạt động có chủ định của các chủ thể phổ biến pháp luật tác động lên đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số một cách thường xuyên nhằm hình thành ở họ những tri thức, tình cảm và thói quen xử sự phù hợp với các quy định của pháp luật. Trong bài viết này, tác giả phân tích về thực trạng phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động này.
Từ khóa: Đồng bào dân tộc thiểu số, phổ biến pháp luật, ý thức pháp luật.
Abstract: Law dissemination for ethnic minorities is a deliberate activity of law dissemination subjects to affect ethnic minorities on a regular basis to form knowledge, emotions, and behavior habits in accordance with the provisions of the law. Within this article, the author gives an analysis of the current situation of law dissemination for ethnic minorities in Binh Thuan Province and proposes a number of solutions to improve the effectiveness of this activity.
Keywords: Ethnic minorities; law dissemination; legal consciousness.
PHỔ-BIẾN-PHÁP-LUẬT-CHO-ĐỒNG-BÀO-DT.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát về hoạt động phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số
Trong đời sống xã hội, ngoài pháp luật, có thể có những quy phạm xã hội thuộc các lĩnh vực khác cũng đòi hỏi phải được phổ biến cho những đối tượng dân cư khác nhau biết. Tuy nhiên, khác với các quy phạm xã hội nói chung, pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận không chỉ dành riêng cho cá nhân, tổ chức cụ thể mà áp dụng chung cho tất cả các chủ thể. Pháp luật là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, nó chỉ được thực hiện tốt khi các đối tượng được biết đến và hiểu rõ về nội dung của pháp luật. Phổ biến pháp luật là một trong những hoạt động quan trọng của quá trình tổ chức thực hiện pháp luật trong một nhà nước. Vậy phổ biến pháp luật là gì và bản chất, đặc trưng của nó như thế nào là vấn đề cần làm rõ.
Theo Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Giáo sư Nguyễn Lân thì “phổ biến được hiểu là làm cho mọi người đều biết”[1], còn theo Đại từ điển Tiếng Việt thì “phổ biến có nghĩa là làm cho đông đảo mọi người biết đến một vấn đề, một tri thức bằng cách truyền đạt trực tiếp hay thông qua hình thức nào đó”[2]. Theo Từ và ngữ Hán Việt: “Phổ biến là làm cho đông đảo mọi người biết đến một vấn đề, một tri thức bằng cách truyền đạt trực tiếp hay thông qua hình thức nào đó hoặc làm cho mọi người đều biết đến”[3].
Phổ biến pháp luật có mục đích là làm cho các đối tượng hiểu thông suốt các quy định của pháp luật để áp dụng pháp luật trên thực tế. Phổ biến pháp luật mang ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, đối tượng tác động rộng rãi. Phổ biến pháp luật có thể được thực hiện thông qua các hội nghị, cuộc tập huấn, buổi sinh hoạt.
Dân tộc được hiểu là quốc gia theo nghĩa rộng, gồm cộng đồng người dân cùng nhau sinh sống trên một lãnh thổ rộng lớn, được vận hành bởi sự quản lý của bộ máy nhà nước, trong một dân tộc thì có thể gồm nhiều tộc người, mỗi tộc người lại có những nét văn hóa và ngôn ngữ khác nhau tạo ra nét phong phú, độc đáo. Bên cạnh đó, dân tộc còn được hiểu là những nhóm người cùng sinh sống với nhau trên một khu vực địa lý nhất định trong lãnh thổ, mang những đặc điểm riêng biệt như về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán.
Trong khái niệm “người dân tộc thiểu số”, “dân tộc” dùng để chỉ một cộng đồng người trong tổng số dân cư của quốc gia, “thiểu số” dùng để chỉ số rất ít, chiếm số lượng không đáng kể trong tổng số chung.
Dân tộc thiểu số là những dân tộc có số dân ít, chiếm tỷ lệ thấp trong tổng dân số cả nước, đa số các dân tộc thiểu số đều tập trung sinh sống ở những khu vực giáp biên giới, vùng sâu vùng xa, có điều kiện kinh tế khó khăn, vấn đề giáo dục, chăm sóc sức khỏe người dân còn nhiều hạn chế. Do đó trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm chú trọng đến việc phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục tại địa bàn các khu vực có dân tộc thiểu số sinh sống, góp phần tạo lập sự bình đẳng, phát triển đồng đều trên cả nước.
Ở nước ta thì chỉ có dân tộc Kinh được coi là dân tộc đa số, chiếm tỷ lệ dân số lớn trong tổng số dân số cả nước, còn 53 dân tộc còn lại đều được xếp vào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hiện nay số dân của một số dân tộc ngày càng tăng lên như Chăm, K’ho, Tày, Thái, Mường... đồng thời địa bàn sinh sống đã tản ra, trình độ văn hóa, kinh tế phát triển khá mạnh.
Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc thì: “Dân tộc thiểu số” là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vậy, thế nào là dân tộc thiểu số và dân tộc đa số, như chúng ta đã biết “Dân tộc đa số” là dân tộc có số dân chiếm trên 50% tổng dân số của cả nước, theo điều tra dân số quốc gia, đó là dân tộc Kinh với 85,7% dân số cả nước. Các dân tộc khác đều là dân tộc thiểu số. Như vậy, “dân tộc thiểu số” được hiểu là trên một quốc gia bao gồm nhiều dân tộc khác nhau thì “dân tộc thiểu số” có số dân cư chiếm số lượng nhỏ hoặc rất nhỏ so với tổng số người dân cả nước hoặc so với một hoặc nhiều các dân tộc chiếm số lượng lớn của đất nước.
Từ đây, có thể hiểu, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số là hoạt động có tính định hướng có tổ chức, có chủ định của các chủ thể phổ biến pháp luật tác động lên đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số một cách có hệ thống và thường xuyên nhằm hình thành ở họ những tri thức, tình cảm và thói quen xử sự phù hợp với các quy định của pháp luật.
Vì vậy, công tác phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc (ĐBDT) thiểu số cũng phải tuân theo quy định chung của quá trình phổ biến pháp luật (PBPL) cho các đối tượng xã hội khác; từ các đặc điểm về trình độ dân trí, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, và quan trọng là ngôn ngữ có những đặc trưng cơ bản sau:
Một là, PBPL cho ĐBDT thiểu số là PBPL cho cộng đồng xã hội có cơ cấu lứa tuổi khác nhau. Với nhóm lứa tuổi học sinh phổ thông, với khả năng tập trung cao, hiểu nhanh và có trí nhớ tốt nên có thể tiếp thu kiến thức pháp luật tốt hơn. Đối với những người lớn tuổi thì thường có những mối quan tâm khác về cuộc sống nên thường ít tham gia các hoạt động PBPL. Từ đặc trưng này, các chủ thể PBPL cho ĐBDT thiểu số cần thấu hiểu và phân loại đối tượng phù hợp trước khi tiến hành PBPL cho họ.
Hai là, về chủ thể PBPL, phải căn cứ vào mục tiêu, nội dung, đối tượng để lựa chọn và sử dụng phương pháp cho phù hợp. Chủ thể phổ biến pháp luật cần phải nêu những tình huống cụ thể, đặt câu hỏi, tranh luận, thảo luận để tìm hướng giải quyết vấn đề, từ đó họ rút ra được bài học kinh nghiệm và hiểu vấn đề sâu sắc hơn; cần cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến chính sách pháp luật theo hướng đơn giản hóa cho đồng bào dễ tiếp thu; tổ chức các hình thức sân khấu hóa liên quan đến pháp luật hoặc lồng ghép với các chương trình văn hóa, văn nghệ phù hợp với phong tục, tập quán sinh hoạt của ĐBDT thiểu số.
Ba là, căn cứ vào mục tiêu, nội dung PBPL cho ĐBDT thiểu số, chủ thể lựa chọn hình thức PBPL cho phù hợp. Các hình thức như tuyên truyền miệng; hội thi tìm hiểu pháp luật; thông qua các vị chức sắc tôn giáo, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng góp phần nâng cao hiệu quả PBPL; người có uy tín trong cộng đồng thiểu số có thể là già làng, trưởng bản, trưởng thôn. Ở mức độ nhiều hay ít, họ cũng có được vốn kiến thức, sự hiểu biết pháp luật nhất định từ các kênh thông tin này.
Bốn là, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ĐBDT thiểu số là PBPL cho cộng đồng dân tộc có truyền thống văn hóa giàu bản sắc, có tiếng nói và chữ viết riêng. Ở đây, trở ngại lớn nhất là sự bất đồng ngôn ngữ, đó là nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập trong PBPL cho ĐBDT thiểu số. Vì thế sẽ có một bộ phận bà con không thể tiếp cận thông tin khi tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
2. Những hạn chế tronghoạt động phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Thứ nhất, về chủ thể và đối tượng phổ biến pháp luậtcho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- Về đối tượng của PBPL cho ĐBDT thiểu số.
Hiện nay, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện công tác PBPL tại vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Cụ thể, mặc dù trong những năm qua có sự gia tăng về số lượng các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật phục vụ công tác PBPL tại vùng ĐBDT thiểu số của tỉnh, tuy nhiên đội ngũ này hầu hết đều kiêm nhiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn cũng như thiếu kiến thức pháp luật để thực hiện việc PBPL. Năm 2022, có đến 34% báo cáo viên viên pháp luật và 39% tuyền truyền viên pháp luật cấp xã không có kiến thức chuyên ngành luật, đồng thời có đến 92% hòa giải viên cơ sở không có trình độ chuyên ngành luật cũng chưa được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật để thực hiện công tác PBPL cho ĐBDT thiểu số[4]. Đặc biệt, số lượng các chủ thể PBPL có kiến thức, am hiểu về phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa, tiếng nói của ĐBDT thiểu số vẫn còn rất hạn chế, gây khó khăn trong việc vận động, tuyên truyền pháp luật. Cụ thể, hiện nay chỉ có khoảng 3,5% báo cáo viên pháp luật, 4,6% tuyên truyền viên pháp luật, 10% hòa giải viên pháp luật là người dân tộc thiểu số, trong số các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật không phải là người dân tộc thiểu số chỉ có khoảng 2% người có hiểu biết về ngôn ngữ của ĐBDT thiểu số[5]. Có thể thấy rằng chất lượng của đội ngũ báo cáo viên chưa đồng đều, nhất là lực lượng ở cơ sở; thiếu phương pháp sư phạm; thiếu kỹ năng thuyết trình, vận động; thậm chí có báo cáo viên pháp luật không có kỹ năng trình bày trước đông người, từ chối tham gia phổ biến pháp luật trực tiếp[6].
Mặt khác, một bộ phận những người làm công tác phổ biến pháp luật thiếu nhiệt tình, chưa tận tâm còn mang tính hình thức, mang tính đối phó, kém hiệu quả. Thực tế chỉ ra rằng, hầu hết báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chủ yếu chú trọng công tác chuyên môn ở cơ quan, đơn vị nên chưa tận lực, tận tâm với công tác phổ biến pháp luật.
Bên cạnh đó, còn tồn tại trường hợp báo cáo viên pháp luật không tham gia PBPL trực tiếp cho ĐBDT thiểu số. Theo số lượng thống kê năm 2021, có 65/356 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và cấp huyện từ chối tham gia PBPL cho ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 18,25%[7]. Điều này dẫn đến lãng phí nguồn lực khi các cơ quan nhà nước tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, phương pháp tập huấn cho báo cáo viên, nhưng họ không tham gia làm báo cáo viên trực tiếp.
Ngoài ra, khoản 4 Điều 3 Thông tư số 10/2016/TT-BTP quy định số lượng báo cáo viên pháp luật do các cơ quan, địa phương quyết định bảo đảm mỗi lĩnh vực pháp luật thuộc phạm vi quản lý chuyên sâu có ít nhất 01 báo cáo viên pháp luật kiêm nhiệm thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện nay thiếu báo cáo viên pháp luật trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu; một số cơ quan không có báo cáo viên pháp luật hoặc chỉ có 01 báo cáo viên pháp luật nên khó có thể đảm bảo tính toàn diện các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực, địa phương. Cụ thể, “trong năm 2021, trên địa bàn huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận có 12 báo cáo viên pháp luật, tuy nhiên trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và tư pháp hộ tịch không có báo cáo viên pháp luật”[8]. Việc khiếm khuyết các báo cáo viên pháp luật trong các lĩnh vực chuyên sâu dẫn đến việc thiếu nguồn nhân lực cho hoạt động PBPL nói chung và PBPL cho ĐBDT thiểu số nói riêng.
- Về đối tượng của PBPL cho ĐBDT thiểu số
Thực tế cho thấy rằng, chất lượng, hiệu quả phổ biến pháp luật cũng phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, thái độ của chính bản thân ĐBDT thiểu số được phổ biến, giáo dục pháp luật trong quá trình tham gia vào hoạt động này. Với đặc thù địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, lại có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác trên một địa bàn rộng, trình độ dân trí còn thấp, tình trạng người dân không biết chữ, không thạo tiếng phổ thông ở địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khá phổ biến, do ảnh hưởng của phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào. Do đó, việc tiếp nhận, hiểu hết các nội dung mà chủ thể phổ biến pháp luật đến với đồng bào còn có những hạn chế nhật định. Cụ thể, hiện nay đa số người dân vùng ĐBDT thiểu số tỉnh Bình Thuận có trình độ bậc tiểu học 24% và trung học cơ sở 21%, vẫn còn khoảng 10% ĐBDT thiểu số không biết đọc, biết viết, gây khó khăn trong việc tiếp nhận các quy định pháp luật[9]. Phần lớn người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, chưa thật sự quan tâm đến việc tìm hiểu pháp luật. Bên cạnh phần lớn người dân đã có ý thức nhiệt tình tham gia hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thì vẫn còn một bộ phận đáng kể người dân chưa tích cực tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật do các cơ quan chức năng tổ chức.
Qua thực tế, các buổi phổ biến pháp luật, có thể nhận thấy: một số người dân chưa chủ động, tích cực tham dự các buổi phổ biến pháp luật dành cho họ, một số người dân dù đã có mặt nhưng còn kém nhiệt tình, thiếu nghiêm túc trong lúc tham dự hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Các hiện tượng như đi muộn, về sớm, nói chuyện riêng, ngủ gật, không có thái độ hợp tác trong giờ phổ biến pháp luật diễn ra thường xuyên. Điều đó nói lên rằng, một bộ phận người dân chưa thực sự tích cực, nghiêm túc học hỏi trong quá trình tham gia hoạt động phổ biến pháp luật, dẫn đến suy giảm chất lượng, hiệu quả của hoạt động này[10].
Thứ hai, về nội dung phổ biến pháp luật cho ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật thì “căn cứ vào đặc điểm của từng đối tượng mà tập trung vào các quy định pháp luật về dân tộc, tôn giáo, trách nhiệm tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh, quốc phòng, biên giới, chủ quyền quốc gia, biển, đảo, tài nguyên, khoáng sản và các lĩnh vực pháp luật khác gắn liền với đời sống, sản xuất của người dân”. Tuy nhiên, hiện nay nội dung PBPL cho ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận còn chung chung, dàn trải, chưa thật sự tập trung quan tâm những nhu cầu thực tế của người dân vùng ĐBDT thiểu số. Cụ thể:
Một là, hoạt động phổ biến pháp luật chưa tập trung phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân vùng ĐBDT thiểu số.
Bình Thuận là một tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo. Trong khi đó, tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị xã hội và sự phát triển bền vững vùng ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian qua, chính quyền địa phương tỉnh Bình Thuận đã tập trung phổ biến nhiều văn bản pháp luật trong đa số các lĩnh vực, tuy nhiên các vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo chưa được tập trung phổ biến sâu rộng cho ĐBDT thiểu số. Cụ thể, “theo kết quả thống kê trong năm 2022, chỉ mới phổ biến 02 chuyên đề về tín ngưỡng, tôn giáo cho ĐBDT thiểu số đó là: Chuyên đề về quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo và hoạt động tín ngưỡng cho người dân vùng ĐBDT thiểu số. Các vấn đề quan trọng như các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, đăng ký sinh hoạt tôn giáo… vẫn chưa được chú trọng phổ biến cho người dân vùng ĐBDT thiểu số”[11]. Đặc biệt, trong thời gian qua, “các nội dung PBPL về tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân vùng ĐBDT thiểu số chỉ chiếm khoảng 7% trên tổng số các nội dung văn bản pháp luật khác được biên soạn để phổ biến cho ĐBDT thiểu số”. Trong khi đó, nhu cầu về pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo của người dân vùng ĐBDT thiểu số là rất lớn. Chính sự thiếu hiểu biết khi hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, đã dẫn đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật của người dân vùng ĐBDT thiểu số. Cụ thể, “trong năm 2022, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 09 trường hợp là người ĐBDT thiểu số vi phạm quy định “lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điểm c khoản 4 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ – CP[12]. Chính vì vậy, việc không phổ biến kịp thời và thường xuyên các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo là một hạn chế lớn trong công tác PBPL cho ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Hai là, các quy định của pháp luật về chế độ ưu tiên của ĐBDT thiểu số trong một số lĩnh vực nhất định.
Đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và ở tỉnh Bình Thuận nói riêng có thể được xem là những “thành phần dễ bị tổn thương” trong xã hội. Do đó, đây luôn là nhóm đối tượng được Đảng, chính quyền nhà nước đặc biệt quan tâm xem trọng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã và đang triển khai nhiều nội dung PBPL cho ĐBDT thiểu số, tuy nhiên các quy định của pháp luật về chế độ ưu tiên cho người dân vùng ĐBDT thiểu số chưa được triển khai phổ biến. Chẳng hạn như các quy định miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với hộ ĐBDT thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với đất do chuyển mục đích sử dụng từ đất không phải là đất ở sang đất ở do tách hộ đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số; quy định về chế độ ưu tiên trong tuyển sinh đại học đối với người dân vùng ĐBDT thiểu số; quy định về ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức đối vưới người dân tộc thiểu số; các chính sách ưu tiên đối với thanh niên là người dân tộc thiểu số theo quy định tại Luật Thanh niên, quy định về quyền được trợ giúp pháp lý…[13]. Việc phổ biến các quy định về chế độ ưu tiên đối với ĐBDT thiểu số là nội dung quan trọng trong PBPL cho ĐBDT thiểu số; bởi lẽ, đây là những quy định đặc thù chỉ dành riêng cho người dân vùng ĐBDT, khi biết được các quy định này người dân vùng ĐBDT thiểu số sẽ có cơ sở để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình mà nhà nước đã ghi nhận.
Ba là, việc PBPL cho ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh chỉ mới tập trung phổ biến các văn bản luật quan trọng mà chưa chú trọng đến việc phổ biến các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Cụ thể, “Trong năm 2021, đã phổ biến cho ĐBDT thiểu số 14 văn bản luật và 5 nghị định hướng dẫn thi hành, trong năm 2022, phổ biến cho ĐBDT thiểu số được 16 văn bản luật và 7 nghị định hướng dẫn thi hành”[14]. Để luật đi vào cuộc sống thì người dân vùng ĐBDT thiểu số không chỉ phải nắm bắt được những quy định cơ bản của luật mà còn phải biết cách vận dụng các quy định của pháp luật trong cuộc sống. Tuy nhiên, đối với hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, để vận dụng được các quy định của pháp luật lại phụ thuộc nhiều vào các quy định của Nghị định hướng dẫn Luật và thông tư hướng dẫn nghị định. Chính vì vậy, việc chỉ phổ biến luật không đi kèm với nghị định thì công tác PBPL không đạt được hiệu quả cao, bởi lẽ người dân ĐBDT thiểu số chỉ biết luật mà không biết cách vận dụng, không biết được những chế tài nào bị áp dụng khi vi phạm các quy định đó.
 Chẳng hạn như, hiện nay cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn các địa phương vùng ĐBDT thiểu số đã được cải thiện đáng kể, đời sống người dân được nâng cao, do đó việc phổ biến các quy định của pháp luật về Luật giao thông đường bộ cần phải được tăng cường. “Trong năm 2022, chính quyền địa phương đã mở rộng tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, các loại biển báo giao thông đường bộ,… tuy nhiên nội dung PBPL lại chưa chú trọng đến việc tuyên truyền, phổ biến về các hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ và mức xử phạt đối với các trường hợp phổ biến theo cho người dân vùng ĐBDT thiểu số theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ- CP”[15].
Thứ ba, về hình thức, phương pháp PBPL cho ĐBDT thiếu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Một là, chưa thực hiện đa dạng các hình thức PBPL cho ĐBDT thiểu số theo từng đối tượng cụ thể.
Để phát huy tối đa hiệu quả công tác PBPL cho ĐBDT thiểu số trên đại bàn tỉnh Bình Thuận cần phải đa dạng hóa các hình thức PBPL khác nhau. Việc đa dạng hóa các hình thức phổ biến không chỉ đơn thuần là áp dụng càng nhiều hình thức càng tốt mà sự đa dạng này phải dựa trên đặc điểm của từng nhóm đối tượng mà lựa chọn hình thức phổ biến cho phù hợp. Trong thời gian qua, chính quyền địa phương tỉnh Bình Thuận đã triển khai áp dụng nhiều hình thức PBPL khác nhau, tuy nhiên lại chưa có sự phân nhóm đối tượng, tất cả các đối tượng khác nhau đều áp dụng chung một hình thức phổ biến giống nhau. Cụ thể “hầu hết mọi hoạt động PBPL cho ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đều huy động tất cả các đối tượng tham gia không phân biệt thành phần độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp… do đó, có những hoạt động phù hợp với đối tượng này nhưng lại không thu hút được sự quan tâm của đối tượng khác, làm giảm đi tính hiệu quả của công tác PBPL”[16].
Hai là, chưa chú trọng việc PBPL cho ĐBDT thiểu số thông qua hình thức trợ giúp pháp lý lưu động.
Trợ giúp pháp lý lưu động là trong những hình thức phổ biến pháp luật đặc thù cho ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, hiện nay số lượt trợ giúp pháp lý lưu động được thực hiện ở vùng ĐBDT thiểu số còn khá hạn chế. Trong giai đoạn năm 2019 – 2022, chỉ mới thực hiện được 701 lượt trợ giúp pháp lý cho người dân vùng ĐBDT thiểu số. Sở dĩ như vậy là bởi vì vùng ĐBDT thiểu số là các vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, trong khi đó kinh phí bảo đảm cho các hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế. Hơn thế nữa, người dân vùng ĐBDT thiểu số chưa ý thức được quyền yêu cầu trợ giúp pháp lý của mình hoặc có trường hợp họ biết quyền được trợ giúp pháp lý nhưng lại gặp trở ngại trong các thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý như việc chứng minh thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý… Chính vì vậy, yêu cầu trợ giúp pháp lý của họ không được chấp thuận. Là một trong những hình thức PBPL quan trọng cho ĐBDT thiểu số, tuy nhiên công tác này lại chưa được quan tâm đúng mực và được tổ chức thường xuyên là một trong những hạn chế làm ảnh hưởng đến quyền được tiếp cận pháp luật của người dân vùng ĐBDT cũng như hiệu quả hoạt động PBPL cho ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Ba là, chưa chú trọng việc cung cấp tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số cho ĐBDT thiểu số
Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đã quy định việc cung cấp các tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số như một hình thức đặc thù trong công tác PBPL cho người dân đồng bào. Tuy nhiên, hiện nay số tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số cung cấp cho ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 1,9% trên tổng số tài liệu phát hành cho ĐBDT thiểu số hằng năm. Sở dĩ như vậy vì việc biên soạn các tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn do không có các chuyên viên chuyên trách vừa am hiểu quy định pháp luật vừa am hiểu về tiếng dân tộc thiểu số, cùng với đó, Bình Thuận là tỉnh đa dân tộc, mỗi dân tộc lại có tiếng nói, chữ viết khác nhau, với những sắc thái văn hóa, cách diễn đạt khác nhau.Trong khi đó, có thể thấy rằng việc cung cấp các tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số đóng vai trò rất quan trọng trong công tác PBPL cho ĐBDT thiểu số. Bởi lẽ, ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có trình độ dân trí thấp, không đồng đều, do đó rất khó tiếp cận với các tài liệu pháp luật bằng ngôn ngữ phổ thông. Việc không cung cấp đủ số lượng tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số đã làm hạn chế sự tiếp cận của người dân đến các quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác PBPL.
Bốn là, về phương pháp PBPL cho ĐBDT thiểu số, trong hoạt động PBPL cho ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, các phương pháp chủ thể sử dụng chủ yếu là thuyết trình theo lối độc thoại, chủ thể PBPL đứng ở vị trí trung tâm đóng vai trò “thợ nói” còn người dân vùng ĐBDT thiểu số cứ việc nghe, nghe được thì nghe, hiểu được thì hiểu. Phương pháp theo kiểu này không phù hợp với đối tượng ĐBDT thiểu số nên dẫn đến hiệu quả của quá trình này bị giảm sút do tính quan liêu và đối phó, thành tích.
3. Các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
3.1. Các giải pháp về mặt pháp luật
Thứ nhất,các quy định về tiêu chuẩn của báo cáo viên pháp luật.
Để mở rộng phạm vi các cán bộ, công chức, viên chức tham gia vào đội ngũ báo cáo viên pháp luật thì cần thiết phải sửa đổi các quy định về tiêu chuẩn công nhận báo cáo viên pháp luật. Theo đó, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 cần được sửa đổi theo hướng không chỉ những người tốt nghiệp bậc đại học mà cả những người tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng chuyên ngành luật hoặc chuyên ngành khác nhưng đáp ứng đủ điều kiện về thâm niên công tác trong lĩnh vực pháp luật đều có thể được xem xét công nhận trở thành báo cáo viên pháp luật. Bên cạnh đó, cần làm rõ quy định “có thời gian công tác liên quan đến pháp luật”, cụ thể là phải làm rõ mức độ “liên quan đến pháp luật” là như thế nào. Tức là ở vị trí công tác đó có phải thường xuyên vận dụng các quy định của pháp luật để giải quyết các nhiệm vụ, công việc được giao hay không. Chẳng hạn như, đối với vị trí chuyên viên phụ trách lĩnh vực tài nguyên và môi trường không yêu cầu có bằng cấp chuyên ngành luật, nhưng trong quá trình công tác luôn phải căn cứ vào quy định của pháp luật để xử lý các vấn đề về chuyển mục đích sử dụng đất, hợp thức hóa quyền sử dụng đất, tham mưu cho Trưởng phòng trong việc giải quyết các khiếu nại hành chính về đất đai… như vậy sẽ phù hợp với điều kiện là “công tác liên quan đến pháp luật”.
Thứ hai, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác PBPL cho ĐBDT thiểu số theo hướng ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động PBPL; ban hành “chính sách ưu tiên sử dụng người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số tham gia công tác PBPL” theo quy định tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và khoản 3 Điều 17 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật để xây dựng, củng cố, đào tạo, bồi dưỡng và huy động lực lượng này tham gia PBPL cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chú trọng chính sách đãi ngộ, thu hút các em sinh viên là người dân tộc thiểu số đang theo học tại các cơ sở đào tạo luật trong nước và nước ngoài về công tác và làm việc tại các cơ quan pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên bố trí làm báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Bổ sung nội dung một số kỹ năng PBPL (trong đó, có kỹ năng PBPL đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số) vào trong sách giáo khoa, giáo trình đào tạo sinh viên luật cho phù hợp.
Thứ ba, tăng mức chi ngân sách cho các hoạt động trong công tác PBPL cho ĐBDT thiểu số và hòa giải tại cơ sở. Việc tăng các mức chi cho hoạt động PBPL cho ĐBDT thiểu số theo Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP là cần thiết, vì hiện nay đã trải qua 08 năm thi hành, các điều kiện kinh tế - xã hội đã dần thay đổi, các mức chi theo thông tư hiện nay không còn phù hợp, không đủ bảo đảm cho hoạt động PBPL, đặc biệt là ĐBDT thiểu số ở các vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn. Đối với các ĐBDT thiểu số, việc biên soạn tài liệu, tổ chức các chương trình giáo dục, phổ biến pháp luật đòi hỏi nhiều kỹ năng, sự sáng tạo, đầu tư một cách chỉnh chu hơn; bởi lẽ, đây là những đối tượng rất đặc biệt, đa ngôn ngữ, đa văn hóa. Do đó, nếu không bảo đảm đủ mức chi ngân sách thì các hoạt động PBPL cho ĐBDT thiểu số rất khó để đạt được hiệu quả.
Bên cạnh đó, hòa giải tại cơ sở là một trong những hình thức quan trọng trong việc PBPL cho ĐBDT thiểu số. Tuy nhiên, với mức chi cho các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ việc hòa giải như hiện nay theo Thông tư số 100/2014/TTLT – BTC – BTP là còn quá thấp, trong khi đó các vụ việc hòa giải của người dân vùng ĐBDT thiểu số thường rất phức tạp, phải tiến hành hòa giải nhiều lần. Với mức thù lao thấp sẽ không đủ để bù đắp các chi phí cũng như khuyến khích tinh thần làm việc của các hòa giải viên. Do đó, trong thời gian tới, cần phải quy định về việc tăng mức chi thù lao cho các hòa giải viên phụ trách các vụ việc của người dân vùng ĐBDT thiểu số cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện nay.
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo sâu sát của chính quyền đại phương tỉnh Bình Thuận trong công tác PBPL cho ĐBDT thiểu số.
Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tỉnh Bình Thuận đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác PBPL cho ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận cần yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 32- CT/TW nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác PBPL cho ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh. Triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức từ cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đến cán bộ, công chức, viên chức về vai trò, ý nghĩa của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ĐBDT thiểu số.
Thứ hai,kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Để nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ĐBDT thiểu số thì nhân tố con người là quan trọng nhất, nó quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác này. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cần phải tập trung xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, có phẩm chất chính trị tốt, trình độ chuyên môn vững vàng, có kỹ năng truyền đạt, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội; trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ là người dân tộc thiểu số có am hiểu pháp luật và kỹ năng truyền đạt, phù hợp với nguyện vọng và trình độ dân trí của người dân tộc thiểu số.
Bên cạnh việc tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ kiến thức, hiểu biết pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cũng cần chú trọng đến việc tập huấn, trang bị kiến thức về phương pháp sư phạm, kinh nghiệm truyền đạt thông tin, kỹ năng giải quyết các tình huống pháp lý, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, các kỹ năng PBPL đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số (kỹ năng nắm bắt tâm lý, giao tiếp, tiếp cận...), đạo đức nghề nghiệp (sự cảm thông, chia sẻ, tận tâm ...) vì đây là đối tượng có điều kiện tiếp cận với đồng bào dân tộc thiểu số và có thể là người được tìm đến đầu tiên khi đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu tìm hiểu pháp luật. Để làm được việc này đòi hỏi phải có sự hợp tác, giúp đỡ từ phía các thầy, cô giáo, chuyên gia có uy tín, kinh nghiệm thuộc các cơ sở giáo dục - đào tạo chuyên ngành pháp luật. Đặc biệt, cần có các chính sách ưu tiên sử dụng người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Bởi lẽ, đội ngũ báo cáo viên pháp luật người dân tộc thiểu số là những người am hiểu hơn về các phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số, qua đó đóng vai trò quan trọng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số. Kết quả sẽ làm chuyển biến nhận thức đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong sản xuất, kinh doanh, công tác xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Thứ ba, tăng cường kinh phí cho hoạt động PBPL cho ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hằng năm.
Kinh phí là vấn đề rất quan trọng để bảo đảm hiệu quả các hình thức PBPL cho ĐBDT thiểu số. Kinh phí cần để đào tạo, bồi dưỡng, phụ cấp cho lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở, chi phí tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật (chi phí tổ chức, giải thưởng..), chi phí cung cấp các tài liệu pháp luật, trang bị tủ sách pháp luật cho ĐBDT thiểu số… Chính vì vậy, UBND các cấp tỉnh Bình Thuận phải chủ động dự kiến nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến pháp luật trong phạm vi ngân sách của địa phương, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả đúng quy định của luật ngân sách nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực, hỗ trợ kinh phí, phương tiện tham gia công tác phổ biến pháp luật cho ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh như: vận động nguồn kinh phí đóng góp từ các tổ chức phi chính phủ, Việt kiều… các tổ chức này thường quan tâm đầu tư phát triển cho ĐBDT thiểu số; huy động sự đóng góp từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đang sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Bình Thuận và những địa bàn lân cận. …
Thứ tư, tiến hành rà soát nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân vùng ĐBDT thiểu số để kịp thời bổ sung các nội dung PBPL phù hợp.
Nội dung PBPL cho ĐBDT thiểu số có vai trò hết sức quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả phổ biến pháp luật. Bởi lẽ, nội dung ngoài đóng vai trò trọng tâm của công tác PBPL còn chi phối phương pháp và hình thức phổ biến pháp luật./. 

 


[1] Nguyễn Lân (1997), Từ điển Từ và ngữ Hán - Việt, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, tr.492.
[2] Đại từ điển Tiếng Việt (1998), Nxb. Văn hoá thể thao, tr.3.
[3] Từ và ngữ Hán Việt (2002), Nxb. Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, tr.18.
[4] Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Báo cáo số 345/2022/BC-UBND ngày 28/12/2022 về tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
[5] Như trên.
[6] Như trên.
[7] Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Báo cáo số 178/2021/BC-UBND ngày 23/11/2021 về tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
[8] Ủy ban nhân dân huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, Báo cáo số 120/BC-UBND ngày 12/10/2021 về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho ĐBDT thiểu số trên địa bàn huyện năm 2021; phương hướng nhiệm vụ năm 2022.
[9] Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Báo cáo số 345/2022/BC-UBND ngày 28/12/2022 về tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
[10] Như trên.
[11] Như trên.
[13] Như trên.
[14] Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Báo cáo số 178/2021/BC-UBND ngày 23/11/2021 về tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022; Báo cáo số 345/2022/BC-UBND ngày 28/12/2022 về tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
[15] Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Báo cáo số 345/2022/BC-UBND ngày 28/12/2022 về tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho ĐBDT thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
[16] Như trên.
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 14 (486), tháng 07/2023.)