Thực trạng xử phạt vi phạm hành chính đối với người nước ngoài vi phạm quy định về nhập cảnh, cư trú, đi lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và giải pháp hoàn thiện

16/10/2023

LÊ THỊ QUỲNH TRANG

Học viên cao học Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Xử phạt vi phạm hành chính là một giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống các vi phạm hành chính, trong đó có vi phạm hành chính về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam. Trong bài viết này, tác giả trình bày thực trạng xử phạt vi phạm hành chính đối với người nước ngoài vi phạm quy định về nhập cảnh, cư trú, đi lại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất giải pháp.
Từ khóa: Xử phạt vi phạm hành chính, vi phạm hành chính, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú, đi lại, người nước ngoài, thành phố Hồ Chí Minh.
Abstract: Sanctioning administrative violations is an effective solution to ensure the effectiveness of the fight against and prevention of administrative violations on exit, entry, transit, residence, and travel of expatriates in Vietnam. Within this article, the author presents the current situation of sanctioning administrative violations for expatriates who violate regulations on entry, residence, and travel in Ho Chi Minh City and proposes recommendations for further improvements.
TP-THỦ-ĐỨC_4.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Thực trạng xử phạt vi phạm hành chính về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại của người nước ngoài trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
Từ năm 2017 đến năm 2022, tại thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), vi phạm hành chính về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại của người nước ngoài chủ yếu tập trung ở các dạng như: tạm trú quá thời hạn theo khai báo với cơ quan chức năng tại địa phương (chiếm khoảng 88% tổng số vi phạm về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại); khai không đúng sự thật để được cấp thị thực (chiếm khoảng 6%); nhập cảnh trái phép (chiếm khoảng 4%). Các vi phạm khác như không xuất trình hộ chiếu; hoạt động trái mục đích nhập cảnh; đi lại không mang theo giấy tờ tuỳ thân; làm mất, hư hỏng thẻ thị thực, thẻ tạm trú; không khai báo tạm trú theo quy định… (chiếm 2%), không phổ biến nên được xếp vào nhóm các vi phạm khác[1]. Số vụ xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại trên địa bàn TP. HCM từ năm 2017 đến tháng 11 năm 2022 được phân loại cụ thể theo bảng sau:
Tổng số vi phạm và phân loại hành vi VPHC về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại trên địa bàn TP. HCM từ năm 2017 đến năm 2022[2]
 
Năm
Tổng số
Quá hạn tạm trú
Khai không đúng sự thật để được cấp thị thực
Nhập cảnh trái phép
Khác
2017
1.198
1.133
33
0
32
2018
1.146
1.035
33
0
78
2019
1.300
958
308
16
18
2020
1.023
842
29
138
14
2021
1.140
953
23
148
22
2022
2.651
2.529
42
66
14
Tổng
8.458
7.450
468
368
178
 
Trong năm 2017 đến năm 2022, khi tiến hành xử phạt các vi phạm về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP. HCM đã xử phạt được 26.057.800.000 đồng, áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với 616 người nước ngoài vi phạm và 06 người nước ngoài bị buộc xuất cảnh[3].
 
Tình hình áp dụng các hình thức xử phạt đối với các vi phạm về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại trên địa bàn TP. HCM từ năm 2017 đến năm 2022
Năm
Số vụ vi phạm
Số tiền phạt thu được
(ĐVT: đồng)
Số người nước ngoài bị
trục xuất
Số người nước ngoài bị buộc xuất cảnh
2017
1.198
3.097.875.000
04
05
2018
1.146
3.302.375.000
78
0
2019
1.300
2.861.575.000
119
0
2020
1.023
2.486.125.000
164
0
2021
1.140
2.543.150.000
170
01
2022
2.651
11.766.700.000
81
0
Tổng
8.458
26.057.800.000
616
06
 
VPHC về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại có ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia. Nhận thức được vấn đề này, trong thời gian qua, các cơ quan nhà nước đã có sự quan tâm sâu sát và tiến hành xử phạt nghiêm các VPHC về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại nhằm góp phần xử lý, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của người nước ngoài; đảm bảo an ninh, trật tự trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.
Quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý xuất, nhập cảnh đối với người nước ngoài là công cụ góp phần đưa hành vi ứng xử của người nước ngoài vào khuôn khổ pháp luật, đảm bảo và hạn chế xảy ra vi phạm, nâng cao nhận thức của người nước ngoài trong việc chấp hành các quy định của luật pháp Việt Nam, cụ thể hoá quy định về nghĩa vụ của người nước ngoài khi nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú tại Việt Nam. Các quy định về xử lý VPHC là công cụ giúp cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật tiến hành các hoạt động công vụ minh bạch, góp phần duy trì sự công bằng và đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Mặt khác, nhờ tính khái quát trong quy định về một số hành vi vi phạm mà có thể giúp cơ quan thực thi pháp luật vận dụng linh hoạt, khéo léo để áp dụng trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật đối với những thủ đoạn vi phạm mới.
Trong những năm qua, đúc kết từ thực tiễn thi hành Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP đã có những tiếp thu để sửa đổi, bổ sung, trong đó việc nâng cao mức phạt đối với hành vi “quá hạn cư trú” mang lại sự công bằng về xử phạt giữa người vi phạm thời gian ngắn và người vi phạm thời gian dài, góp phần răn đe và nâng cao ý thức tự giác của người nước ngoài nên dần hạn chế tình trạng cư trú quá hạn thời gian dài. Tương tự, mức phạt đối với các hành vi liên quan đến việc bảo lãnh cho người nước ngoài nhập cảnh cũng được nâng cao là yếu tố để các cá nhân, tổ chức bảo lãnh cho người nước ngoài nhận thức và quan tâm nhiều hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm bảo lãnh của mình.
Lực lượng xử phạt là yếu tố quan trọng góp phần làm nên hiệu quả của công tác xử phạt VPHC trên thực tế. Nhìn chung, công tác xử phạt VPHC đã được cơ quan chức năng chú trọng đảm bảo. Việc xử phạt vi phạm pháp luật của người nước ngoài đều đảm bảo, căn cứ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo đúng hành vi, đúng người, lỗi vi phạm và đáp ứng yêu cầu đặt ra. Việc phát hiện kịp thời và xử phạt các VPHC về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại theo quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP là một thành công đáng ghi nhận. Điều đó cũng thể hiện được tính khả thi của một văn bản pháp luật ở một thời điểm nhất định khi nó được vận dụng vào thực tế để xử phạt các VPHC về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác xử phạt đối với các vi phạm về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại, song thực tiễn xử phạt đối với vi phạm này trên địa bàn TP. HCM vẫn còn tồn tại một số vướng mắc hạn chế. Cụ thể, việc phát hiện VPHC về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại vẫn gặp nhiều khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến công tác xử phạt. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý VPHC còn chưa hiệu quả. Hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm bộc lộ một số hạn chế nhất định. Cơ quan chức năng thực hiện quyền kiểm tra chưa nhiều, chưa hợp lý. Một số trường hợp xử lý không hiệu quả, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, không đủ sức răn đe, giáo dục người vi phạm nên tình trạng vi phạm pháp luật của người nước ngoài còn diễn biến phức tạp. Ngoài ra, một bộ phận làm công tác tham mưu việc xử phạt VPHC cho người có thẩm quyền xử phạt còn yếu về nghiệp vụ, thiếu kiến thức pháp luật về xử phạt VPHC[4].
2. Những nguyên nhân của thực trạng xử phạt VPHC đối với người nước ngoài vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
Thứ nhất, các văn bản pháp luật quy định về người nước ngoài hiện nay còn chậm, chưa thống nhất, đồng bộ, còn có nhiều điểm chưa phù hợp. Mặc dù đã được chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần nhưng một số quy định của pháp luật vẫn còn thiếu, chưa chặt chẽ, gây khó khăn cho công tác xử phạt VPHC đối với người nước ngoài không thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại; các quy định liên quan về xuất cảnh, nhập cảnh, đăng ký tạm trú chưa đồng bộ, gây vướng mắc, xung đột giữa các văn bản chuyên ngành. Đơn cử, đối với người nước ngoài VPHC tại Việt Nam thì Luật Xử lý VPHC năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý VPHC) quy định một hình thức xử phạt đặc trưng – đó là hình thức xử phạt trục xuất. Theo đó, trục xuất là hình thức xử phạt buộc người nước ngoài VPHC phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điểm b khoản 8 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định người nước ngoài VPHC liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại trên lãnh thổ Việt Nam được quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 18 thì có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là trục xuất.
Bên cạnh hình thức xử phạt trục xuất, nhà làm luật còn quy định thêm biện pháp buộc xuất cảnh. Theo đó, buộc xuất cảnh là việc người có thẩm quyền của Việt Nam quyết định người nước ngoài phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam[5]. Theo Điều 30 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam), biện pháp buộc xuất cảnh được áp dụng đối với người nước ngoài trong hai trường hợp: một là, hết thời hạn tạm trú nhưng không xuất cảnh; hai là, vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Hình thức buộc xuất cảnh là quyết định hành chính và thẩm quyền ký quyết định xử lý thuộc về Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh.
Đối chiếu hình thức xử phạt trục xuất với buộc xuất cảnh thì dường như hai biện pháp này chưa có sự phân biệt rõ ràng trong việc áp dụng, nói cách khác là có sự chồng lấn nhau về hình thức và nội dung áp dụng. Tuy nhiên, so với hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp buộc xuất cảnh lại không được quy định trong Luật Xử lý VPHC với tính chất là một biện pháp cưỡng chế hành chính. Vì vậy, việc Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định biện pháp buộc xuất cảnh đối với người nước ngoài về mặt thực tế là đã “khai sinh” thêm một biện pháp cưỡng chế hành chính[6]. Vậy khi nào áp dụng trục xuất, khi nào áp dụng buộc xuất cảnh vì cùng một hành vi quá hạn cư trú ở Việt Nam có thể buộc xuất cảnh theo Luật thì Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh ký quyết định; còn áp dụng biện pháp trục xuất thì thuộc về Giám đốc Công an cấp tỉnh.
Thứ hai, về biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính áp dụng đối với người nước ngoài.
Tại khoản 1 Điều 122 Luật Xử lý VPHC quy định việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
“1. Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác;
2. Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
 3. Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc; cơ sở cai nghiện bắt buộc;
 4. Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;
 5. Để xác định tình trạng nghiện ma tuý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy”.
So với Luật Xử lý VPHC năm 2012, Luật Xử lý VPHC hiện hành đã bổ sung thêm một số trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Tuy nhiên, Luật vẫn chưa có quy định về việc được phép tạm giữ người nước ngoài trong trường hợp chưa xác định được nhân thân. Thực tế, có rất nhiều trường hợp người nước ngoài vi phạm không có giấy tờ tuỳ thân, khai báo gian dối nhằm che giấu nhân thân. Những trường hợp này cần phải có thời gian tạm giữ để xác minh. Do vậy, Luật không quy định về trường hợp này đã gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác xử lý của lực lượng chức năng. Ngoài ra, hiện nay xuất hiện người nước ngoài lang thang mà không xác định được nhân thân ngày càng nhiều, trong khi thời gian để xác minh thuộc quốc tịch nước nào khá lâu. Vấn đề đặt ra là khoảng thời gian xác minh nhân thân thì người nước ngoài được lưu giữ ở đâu; bởi lẽ, không thể áp dụng quy định giữ người theo thủ tục hành chính được (không thể lưu giữ người nước ngoài không giấy tờ tuỳ thân ở công an phường)[7].
Thứ ba, về thẩm quyền xử phạt VPHC của Công an nhân dân.
 So với Nghị định số 167/2013/NĐ-CP thì Nghị định số 144/2021/NĐ-CP đã tăng mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại. Tuy nhiên, mức tiền phạt tối đa thuộc thẩm quyền xử phạt của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vẫn được giữ nguyên.
Điều 66 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt VPHC của Công an nhân dân như sau: “Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 400.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội[8]; Trạm trưởng, Đội trưởng, Thuỷ đội trưởng Cảnh sát đường thuỷ có quyền phạt tiền đến 1.200.000 đồng đối với hành vi VPHCtrong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội[9]; Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền phạt tiền đến 2.000.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội[10]; Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh có quyền phạt tiền đến 8.000.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội[11]; Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 20.000.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội[12]; Cục trưởng Cục Quản lý xuất, nhập cảnh có thẩm quyền phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội[13]”.
Tương tự như trên, Điều 69 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt VPHC của Công an nhân dân như sau: “Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 400.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội[14]; Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, Trạm trưởng, Đội trưởng có quyền phạt tiền đến 1.200.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội[15]; Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Thuỷ đội trưởng có quyền phạt tiền đến 2.000.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội[16]; Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh có quyền phạt tiền đến 8.000.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội[17]; Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 20.000.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội[18]; Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh có quyền phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội[19]”.
Như vậy, thẩm quyền phạt tiền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt đều được giữ nguyên so với Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Quy định về thẩm quyền phạt tiền trên là thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân. Đối với tổ chức thì thẩm quyền này tăng lên gấp đôi.
Điểm b khoản 4 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định như sau: “Người nước ngoài sử dụng chứng nhận tạm trú, gia hạn tạm trú, không cấp đổi thẻ thường trú ở Việt Nam quá thời hạn từ 30 ngày đến dưới 60 ngày mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép” thì sẽ bị “phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng”. Đối chiếu với mức phạt tiền tối đa thì thẩm quyền xử phạt những trường hợp vi phạm này được quy định tại Điều 69 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP do Giám đốc Công an tỉnh hay Cục trưởng Cục Quản lý xuất, nhập cảnh ra quyết định xử phạt. Điểm đ, khoản 3 Điều 17 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định: “Người nước ngoài không khai báo tạm trú theo quy định hoặc sử dụng chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú, thẻ thường trú ở Việt Nam quá thời hạn từ 16 ngày trở lên mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép” thì sẽ bị “phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng”. Theo quy định tại Điều 66 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP thì thẩm quyền áp dụng ngoài Giám đốc Công an tỉnh hay Cục trưởng Cục Quản lý xuất, nhập cảnh còn thuộc về Trưởng phòng Quản lý xuất, nhập cảnh. Thực tế trên địa bàn TP. HCM, số vụ việc người nước ngoài vi phạm sử dụng chứng nhận tạm trú, gia hạn tạm trú, không cấp đổi thẻ thường trú ở Việt Nam quá hạn từ 30 ngày đến dưới 60 ngày mà không được cơ quan thẩm quyền cho phép rất lớn và chủ yếu. Do vậy, việc không tăng mức phạt tiền đối với các chức danh bộc lộ nhiều bất cập, có quá nhiều vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp dưới bị dồn lên cơ quan cấp trên, dẫn tới nhiều vụ việc VPHC quá thời hạn, thời hiệu ra quyết định xử phạt. Việc chỉ tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm mà không tăng mức phạt tiền thuộc thẩm quyền xử phạt của các chức danh có thẩm quyền xử phạt ở mức cơ sở nhằm gia tăng số vụ vi phạm phải đẩy lên các cơ quan, người có thẩm quyền ở cấp cao hơn để xử lý. Từ đó dẫn đến yêu cầu phải sửa đổi quy định về mức phạt tiền đối với các chức danh có thẩm quyền xử phạt để bảo đảm tính kịp thời, nhanh chóng trong việc xử phạt, tránh dồn việc lên cơ quan cấp trên giải quyết.
2.2. Những nguyên nhân từ thực tiễn thực hiện
Thứ nhất, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động xử phạt VPHC đối với người nước ngoài vi phạm về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại chưa phát huy vai trò, trách nhiệm một cách tương xứng. Trình độ, năng lực một số cán bộ chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra cũng là nguyên nhân đáng lưu ý. Đội ngũ cán bộ quản lý vẫn còn thiếu và mỏng, chưa đủ sức bao quát hết tình hình.
Thứ hai, hạn chế về trình độ ngoại ngữ của lực lượng chức năng. Hiện nay, có một vấn đề lớn được đặt ra trong quá trình xử phạt VPHC về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại của người nước ngoài trên phạm vi cả nước nói chung và địa bàn TP. HCM nói riêng là hạn chế về khả năng sử dụng ngoại ngữ của các chủ thể có thẩm quyền xử phạt.
Thứ ba, ý thức chấp hành pháp luật của người nước ngoài chưa cao. Đây được xem là một khó khăn thực sự mà cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm chú trọng và giải quyết kịp thời. Công tác tuyên truyền, phổ biến để người nước ngoài hiểu rõ và chấp hành các quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại trên lãnh thổ Việt Nam và xử phạt VPHC về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại ở một số quận, huyện chưa được quan tâm, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa tuyên truyền, phổ biến với xử lý hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, các nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chưa đổi mới, chưa sáng tạo cho phù hợp với từng vùng, từng đối tượng, dẫn đến hiệu quả còn hạn chế.
3. Giải pháp hoàn thiện
Một là, cần xem xét lại cơ sở pháp lý của biện pháp “buộc xuất cảnh”. Trong trường hợp nhận thấy “buộc xuất cảnh” là một biện pháp tốt để phòng ngừa, hạn chế các VPHC thì cần quy định chặt chẽ những điều kiện cần thiết để áp dụng, tránh áp dụng tràn lan đối với cả những hành vi không đáng bị áp dụng. Và nếu thừa nhận biện pháp này, để tránh sự chồng chéo trong quá trình áp dụng thì chỉ nên áp dụng “buộc xuất cảnh” đối với người nước ngoài vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không bao gồm trường hợp “hết thời hạn tạm trú nhưng không xuất cảnh” vì trường hợp này đã có thể áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định về biện pháp tạm giữ người. Về mặt thực tiễn, cần xây dựng thêm các nhà tạm giữ hành chính vì có rất nhiều trường hợp không có nơi để giữ người nước ngoài vi phạm. Ngoài ra, thẩm quyền phạt tiền của lực lượng chức năng cần được tăng lên tương ứng với các mức phạt tiền trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội để tăng cường hiệu quả công tác xử phạt VPHC, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng ngừa VPHC hiện nay và đảm bảo tính răn đe, giáo dục.
Hai là, nhằm đáp ứng yêu cầu phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các vi phạm về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra. Để khắc phục những sai sót trong hoạt động xử phạt VPHC về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại, lực lượng chức năng cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ban hành quyết định xử phạt để bảo đảm tính hợp pháp của việc xử phạt. Điều này đòi hỏi lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt phải kịp thời cập nhật các quy định mới bảo đảm hiệu quả của việc xử phạt.
Ba là, cần tăng cường mở các lớp đào tạo ngoại ngữ, đặc biệt chú trọng các nội dung liên quan đến xử phạt VPHC để các chủ thể có thẩm quyền khi phát hiện VPHC về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại của người nước ngoài có thể tự tin sử dụng ngôn ngữ để thực hiện các thủ tục xử phạt đối với người nước ngoài VPHC về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại theo quy định của pháp luật.
Cuối cùng, hiện nay, một bộ phận người nước ngoài thiếu hiểu biết pháp luật Việt Nam, thiếu ý thức trong tuân thủ, chấp hành pháp luật Việt Nam còn diễn ra khá phổ biến. Do đó, việc tác động vào ý thức của người nước ngoài chủ yếu bằng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật có ý nghĩa hết sức quan trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nếu thực hiện tốt sẽ hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại đối với người nước ngoài./.
 

 


[1] Báo cáo số 588/BC-PQLXNC của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP. HCM về báo cáo tình hình và công tác quản lý xuất nhập cảnh năm 2017, ngày 13/12/2017; Báo cáo số 646/BC-PQLXNC của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP. HCM về báo cáo tình hình và công tác quản lý xuất nhập cảnh năm 2018, ngày 19/11/2018; Báo cáo số 924/BC-PQLXNC của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP. HCM về báo cáo tình hình và công tác quản lý xuất nhập cảnh năm 2019, ngày 19/12/2019; Báo cáo số 601/BC-PQLXNC của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP. HCM về báo cáo tình hình và công tác quản lý xuất nhập cảnh năm 2020, ngày 21/12/2020; Báo cáo số 638/BC-PQLXNC của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP. HCM về báo cáo tình hình và công tác quản lý xuất nhập cảnh năm 2021, ngày 15/12/2021; Báo cáo số 527/BC-PQLXNC của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP. HCM về báo cáo tình hình và công tác quản lý xuất nhập cảnh năm 2022, ngày 13/12/2022.
[2] Báo cáo số 588/BC-PQLXNC của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP. HCM ngày 13/12/2017 về báo cáo tình hình và công tác quản lý xuất nhập cảnh năm 2017. Báo cáo số 646/BC-PQLXNC của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP. HCM ngày 19/11/2018 về báo cáo tình hình và công tác quản lý xuất nhập cảnh năm 2018. Báo cáo số 924/BC-PQLXNC của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP. HCM ngày 19/12/2019 về báo cáo tình hình và công tác quản lý xuất nhập cảnh năm 2019. Báo cáo số 601/BC-PQLXNC của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP. HCM ngày 21/12/2020 về báo cáo tình hình và công tác quản lý xuất nhập cảnh năm 2020. Báo cáo số 638/BC-PQLXNC của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP. HCM ngày 15/12/2021 về báo cáo tình hình và công tác quản lý xuất nhập cảnh năm 2021. Báo cáo số 527/BC-PQLXNC của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP. HCM ngày 08/11/2022 về báo cáo tình hình và công tác quản lý xuất nhập cảnh năm 2022.
[3] Báo cáo số 588/BC-PQLXNC của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP. HCM về báo cáo tình hình và công tác quản lý xuất nhập cảnh năm 2017, ngày 13/12/2017; Báo cáo số 646/BC-PQLXNC của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP. HCM về báo cáo tình hình và công tác quản lý xuất nhập cảnh năm 2018, ngày 19/11/2018; Báo cáo số 924/BC-PQLXNC của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP. HCM về báo cáo tình hình và công tác quản lý xuất nhập cảnh năm 2019, ngày 19/12/2019; Báo cáo số 601/BC-PQLXNC của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP. HCM về báo cáo tình hình và công tác quản lý xuất nhập cảnh năm 2020, ngày 21/12/2020; Báo cáo số 638/BC-PQLXNC của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP. HCM về báo cáo tình hình và công tác quản lý xuất nhập cảnh năm 2021, ngày 15/12/2021; Báo cáo số 527/BC-PQLXNC của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP. HCM về báo cáo tình hình và công tác quản lý xuất nhập cảnh năm 2022, ngày 13/12/2022.
[4] Báo cáo số 527/BC-PQLXNC của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP. HCM ngày 08/11/2022 về báo cáo tình hình và công tác quản lý xuất nhập cảnh năm 2022.
[5] Khoản 8 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
[6] Cao Vũ Minh - Nguyễn Nhật Khanh (2018), “Hoàn thiện pháp luật xử phạt vi phạm về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 9.
[7] Báo Người Lao động, “Việc xử lý người nước ngoài vi phạm gặp vướng mắc”, ngày 26/2/2020. Truy cập: https://nld.com.vn/thoi-su/viec-xu-ly-nguoi-nuoc-ngoai-vi-pham-gap-vuong-mac-20200225215159963.htm, ngày 11/3/2023.
[8] Điểm b khoản 1 Điều 66 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
[9] Điểm b khoản 2 Điều 66 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
[10] Điểm b khoản 3 Điều 66 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
[11] Điểm b khoản 4 Điều 66 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
[12] Điểm b khoản 5 Điều 66 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
[13] Điểm b khoản 7 Điều 66 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
[14] Điểm b khoản 1 Điều 69 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
[15] Điểm b khoản 2 Điều 69 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
[16] Điểm b khoản 3 Điều 69 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
[17] Điểm b khoản 4 Điều 69 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
[18] Điểm b khoản 5 Điều 69 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
[19] Điểm b khoản 7 Điều 69 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 13 (485), tháng 07/2023.)