Hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay

13/09/2023

THS. THS. NGUYỄN THANH TÙNG

Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích một số bất cập trong các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của Chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay và đưa ra những kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: Chính quyền địa phương, nguyên tắc, tổ chức và hoạt động.
Abstracst: Within this article, the author focuses on analyzing a number of shortcomings in the current legal regulations on the organization and operation of local governments in Vietnam, and on that basis also provides a number of recommendations to further improve the legal provisions on organization and operation of local governments in the coming time.
Keyword: Local government, organization and operation.
 HỘI-ĐỒNG-NHÂN-DÂN.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Chính quyền địa phương
Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) năm 2015 đã xác định năm nguyên tắc quan trọng trong tổ chức và hoạt động của CQĐP, bao gồm:
"1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
2. Hiện đại, minh bạch, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân.
3. Hội đồng nhân dân (HĐND) làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số.
4. Ủy ban nhân dân (UBND) hoạt động theo chế độ tập thể UBND kết hợp với trách nhiệm của Chủ tịch UBND".
Việc thực hiện các nguyên tắc trên là cần thiết, vì điều này bảo đảm tính hiệu lực, thống nhất trong chỉ đạo điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước, mặt khác ngăn chặn nguy cơ lạm dụng quyền lực, chuyên quyền, độc đoán làm tổn hại đến lợi ích của người dân, của Nhà nước. Trong tổ chức và hoạt động của CQĐP thì việc thực hiện nguyên tắc trên thể hiện ở những nét đặc trưng sau:
Thứ nhất, trong tổ chức và hoạt động của CQĐP có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước tại địa phương.
Thứ hai, trong tổ chức và hoạt động của CQĐP phải bảo đảm sự liên hệ chặt chẽ với nhân dân, chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, trực tiếp nhất là thông qua cơ chế giám sát của HĐND các cấp.
Thứ ba, những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền quản lý của các cấp chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thảo luận, đóng góp ý kiến hoặc trực tiếp quyết định.
Thứ tư, trên cơ sở quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của mình và căn cứ vào đặc điểm, tình hình, lợi ích của địa phương, CQĐP có quyền chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện quyết định của cấp trên như UBND cấp trên, các cơ quan nhà nước trung ương.
Thứ năm, trong tổ chức và hoạt động của CQĐP, có sự định rõ ràng những vấn đề thuộc thẩm quyền tập thể, những nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của người đứng đầu. Những vấn đề thuộc thẩm quyền tập thể thì thiểu số phục tùng đa số nhưng thiểu số có quyền bảo lưu ý kiến, đa số cũng cần xem xét, tham khảo ý kiến của thiểu số để kiểm tra tính đúng đắn trong quyết định của mình. Những vấn đề cá nhân có quyền quyết định thì cá nhân phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình[1].
2. Thực tiễn tổ chức và hoạt động của Chính quyền địa phương
Qua hơn 4 năm thực hiện những quy định mới của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 (Luật Tổ chức CQDP), tổ chức và hoạt động của CQDP đã bước đầu có những chuyến biến tích cực, nâng cao được vị thế, trách nhiệm của CQDP. Bộ máy chính quyền các cấp ở đô thị, nông thôn bước đầu được đổi mới trên cơ sở phân biệt rõ ràng hơn chức năng, nhiệm vụ của chính quyền nông thôn, đô thị và hải đảo[2].
Xét về mặt lý luận và thực tiễn, trong tổ chức và hoạt động của CQĐP cần chú ý đáp ứng các yêu cầu quan trọng sau:
- "Bảo đảm tính thống nhất của quyền lực nhà nước trong nhà nước đơn nhất. Trong Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự thống nhất của quyền lực nhà nước, sự thống nhất trong tổ chức và hoạt động của chính quyền trung ương và CQĐP là yêu cầu có tính chất cốt lõi.
- Dân chủ trong tổ chức bộ máy nhà nước: Dân chủ không nên hiểu chỉ là cho CQĐP, trong các thể hiện cụ thể. Xét về bản chất, đó là dân chủ cho cộng đồng dân cư ở địa phương;
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của CQĐP. Xét cho cùng, tổ chức ra bộ máy CQĐP không phải chỉ là vấn đề tổ chức quyền lực, quản lý ở địa phương. Phân cấp, phân quyền còn có yếu tố quan trọng là tổ chức khoa học hoạt động quản lý và cung ứng dịch vụ công để đạt được hiệu quả cao nhất;
- Bảo đảm sự kiểm tra, giám sát đối với CQĐP. Tăng thẩm quyền cho CQĐP cấp dưới là xu hướng trong đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, cải cách hành chính hiện nay. Nhưng, đồng thời sự kiểm tra, giám sát nhà nước và xã hội cần bảo đảm để CQĐP thực hiện quản lý và cung ứng dịch vụ công hợp pháp và hiệu quả"[3].
Thực tiễn những năm qua cho thấy tổ chức và hoạt động của CQĐP vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên. Điều này xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan, biểu hiện ở những nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, vấn đề phân cấp, phân quyền giữa UBND và các cơ quan hành chính nhà nước khác.
Báo cáo Việt Nam 2035 nhận định: Sự thiếu vắng cơ chế phân bổ thẩm quyền một cách rõ ràng, làm cho mỗi cơ quan khó có thể kháng cự lại những quyết định mà họ cho rằng không phù hợp với lợi ích của mình. Điều này làm cho quá trình ra quyết định rơi vào bế tắc hoặc quyết định được ban hành không phải là quyết định tối ưu nhất dưới góc nhìn lợi ích chung của toàn xã hội[4]. Bên cạnh đó, sự phân định thẩm quyền không rành mạch giữa các cơ quan nhà nước dẫn đến trách nhiệm giải trình không cao. Sự thiếu hụt các quy định về phân định thẩm quyền giữa chính quyền trung ương và CQĐP, giữa các cấp CQĐP với nhau sẽ làm mờ nhạt trách nhiệm giải trình của CQĐP và cá nhân người có thẩm quyền.
Báo cáo tổng hợp kết quả Dự án Điều tra đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp hoàn thiện phân cấp quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương do Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ hoàn thành năm 2017 cho thấy, việc phân cấp mạnh mẽ của Trung ương và địa phương và giữa các cấp CQĐP đang là xu hướng nổi trội ở Việt Nam những năm gần đây. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có nhiều vấn đề đặt ra qua điều tra và theo ý kiến của các địa phương[5].
Báo cáo số 1219/BCBNV Tổng kết 3 năm thi hành Luật Tổ chức CQĐP ngày 23/3/2019 do Bộ Nội vụ chủ trì nhận định rằng: “Một số nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã chưa được quy định rõ…” và “…Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp… chưa hợp lý, mạnh mẽ, đồng bộ”.
Bên cạnh đó, sự thiếu vắng phân quyền rành mạch trong luật có thể dẫn đến những khả năng nhiễu loạn trong thực tiễn khi áp dụng. Thí dụ, có những quy định theo hướng thắt chặt hơn quyền hạn của địa phương như Nghị định số 08/2016/NĐ-CP quy định các cấp CQĐP phải báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, xã, trong khi các văn bản khác của các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương lại không quy định nội dung này. Và, có những giải thích theo hướng không thuận lợi cho quyền hạn của địa phương. Câu chuyện về thu phí và thu giá từ các dự án BOT trong thời gian qua là ví dụ điển hình. Trong đó, Luật Phí và lệ phí chưa làm rõ sự khác biệt tại Phụ lục số 2 – Danh mục các sản phẩm dịch vụ chuyển phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá. Sự chưa rõ ràng về giải thích của cơ quan hành chính có thể không tương thích với khả năng phân cấp, phân quyền và sự tham gia của địa phương. Việc một số trạm thu phí đã từng đổi tên thành trạm thu giá rồi ngược lại từ tháng 3/2018 đến nay có liên quan ít nhiều vấn đề xử lý mối quan hệ giữa trung ương và địa phương[6].
Thứ hai, về mối quan hệ giám sát giữa HĐND với UBND.
Từ khi có Hiến pháp năm 1992 và đặc biệt là sau khi có Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, sau đó là Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019, thiết chế HĐND dần được củng cố và phát huy vai trò của cơ quan quyền lực, đặc biệt trong việc giám sát hoạt động của UBND và hệ thống quản lý nhà nước ở địa phương.  
Tuy nhiên, HĐND vẫn là một thiết chế không thực sự “chuyên nghiệp”. Nhiều địa phương nhân sự các ban của HĐND cấp huyện hầu hết đều mới tham gia lần đầu nên còn lúng túng trong hoạt động; một số nơi thành viên ban của HĐND cũng đồng thời là thành viên của UBND huyện. Điều này mặc dù không trái quy định nhưng phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của thành viên ban. Đa phần các ban của HĐND ở một số huyện, thị xã, thành phố đã phát huy được chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp, nhưng một vài địa phương thực hiện nhiệm vụ này chất lượng chưa cao. Việc tổ chức giám sát, khảo sát phục vụ thẩm tra các nội dung trình kỳ họp chưa nhiều. Hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề cũng còn hạn chế. Bên cạnh đó, các tổ đại biểu HĐND cấp huyện chủ yếu chỉ phát huy trong việc tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, chưa tổ chức được các cuộc họp thường kỳ theo quy chế; hoạt động giám sát của tổ còn lúng túng, hầu như chưa triển khai. Các điều kiện bảo đảm cho hoạt động HĐND cấp huyện như cơ sở vật chất, kinh phí, bộ máy tham mưu, giúp việc còn mỏng[7].
Hoạt động giám sát bằng hình thức xét báo cáo của UBND và các cơ quan chuyên môn trước HĐND còn lúng túng. Hình thức xét báo cáo chủ yếu là nghe các báo cáo, chưa có điều kiện đi sâu thâm nhập thực tế và mổ xẻ vấn đề để tìm nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với những yếu kém tồn tại. Điều này dẫn đến những kiến nghị giám sát chung chung, thiếu cụ thể và thiếu khả thi; hiệu lực sau giám sát chưa cao, kiến nghị chưa đủ mạnh. Thêm vào đó, hoạt động giám sát bằng hình thức xem xét các báo cáo tại kỳ họp thường bị động, còn tình trạng phụ thuộc vào nội dung báo cáo của các đối tượng giám sát chuẩn bị sẵn. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng giám sát, nhất là còn tình trạng sau khi xem xét báo cáo không xác định được trách nhiệm của cá nhân, tập thể đối với sai phạm hay việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của các cơ quan hữu quan chưa tốt[8].
Cho dù số đại biểu chuyên trách đã và đang gia tăng, HĐND chưa có điều kiện hoạt động một cách đầy đủ và thường xuyên như UBND. Chưa nói đến việc đại đa số đại biểu không chuyên trách cũng đang kiêm nhiệm các vị trí then chốt trong bộ máy quản lý nhà nước. Đơn cử, như tiêu chuẩn đại biểu HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 được quy định cụ thể tại Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW năm 2021 về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, cán bộ ứng cử phó chủ tịch HĐND chuyên trách phải là huyện ủy viên, giữ chức vụ từ trưởng phòng hoặc tương đương ở cấp huyện trở lên và đã được quy hoạch phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND cấp huyện trở lên; cán bộ ứng cử trưởng ban chuyên trách của HĐND phải giữ chức vụ từ phó trưởng phòng hoặc tương đương ở cấp huyện trở lên; ứng cử phó trưởng ban của HĐND phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên từ 05 năm trở lên và đã được quy hoạch vào chức vụ từ phó trưởng phòng hoặc tương đương ở cấp huyện trở lên. Đối với các đồng chí dự kiến bố trí làm Trưởng các ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện kiêm nhiệm, cần có năng lực, trình độ, sức khỏe và thời gian để đáp ứng yêu cầu công việc.
Thứ ba, vấn đề xác định người chịu trách nhiệm đối trong tổ chức và hoạt của UBND.
Đối với người đứng đầu, việc thực hiện trách nhiệm người đứng đầu sẽ dễ dàng hơn, bởi Luật Tổ chức CQĐP tại Điều 29 đã có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND. Nhưng đối với các quyết định của UBND thì việc xác định người chịu trách nhiệm lại hoàn toàn khác.
Trong khung cảnh pháp luật hiện hành, HĐND và UBND tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ[9]. Nguyên tắc này đòi hỏi nêu cao vai trò của tập thể trong việc đưa ra những quyết định quan trọng. Vấn đề là UBND cũng quyết định dựa vào ý chí của đa số[10]. Quyết định sai của cơ quan quản lý có thể gây tác hại, có lúc rất nghiêm trọng; nhưng trách nhiệm lại khó được quy kết cho một vị trí quản lý cụ thể. Trong khi đó, việc áp dụng chế tài đồng loạt đối với cả một tập thể lãnh đạo lại không thể thực hiện được do thiếu quy trình pháp lý.
Thứ tư, vấn đề về cơ cấu, tổ chức của UBND các cấp.
Sự thống nhất trong cách thức hình thành nên cơ cấu tổ chức của UBND là một trong đòi hỏi của thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Bởi đây là cơ sở, tiền đề cho việc thống nhất trong chỉ đạo điều hành hoạt động của UBND, cũng như phục vụ hoạt động giám sát của HĐND.
Số lượng thành viên và cơ cấu tổ chức của UBND các cấp được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức CQĐP bao gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Các thành viên UBND là thủ trưởng các cơ quan chuyên môn của UBND, do HĐND bầu[11] và tại Điều 3 Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 của Chính phủ quy định về số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND. Tuy nhiên, Luật Tổ chức CQĐP lại chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục bầu Ủy viên UBND, cụ thể là bầu Ủy viên UBND trước hay bổ nhiệm giữ chức vụ người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND trước; và nếu bầu không được chức danh Ủy viên UBND thì người đó có được bổ nhiệm vào chức danh người đứng đầu cơ quan chuyên môn hay không. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Hướng dẫn số 1138/HD-UBTVQH13 ngày 03/6/2016 hướng dẫn một số nội dung về việc tổ chức kỳ họp thứ nhất của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, tại điểm 5 có nêu “Căn cứ vào kết quả bầu của HĐND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện ra quyết định bổ nhiệm Ủy viên UBND vào chức danh người đứng đầu cơ quan chuyên môn tương ứng thuộc UBND cùng cấp (trừ Ủy viên phụ trách công an và Ủy viên phụ trách quân sự)”. Tuy nhiên, do đây là Hướng dẫn chỉ áp dụng cho việc tổ chức kỳ họp thứ nhất, nên các địa phương không có cơ sở pháp lý để áp dụng lâu dài.
Thứ năm, sự tham gia của người dân vào các công việc quản lý nhà nước tại một số địa phương vẫn còn hình thức.
Hình thức tham gia gián tiếp của Nhân dân vào việc quản lý nhà nước phụ thuộc rất nhiều vào người đại diện. Nhưng nếu cách tiếp xúc cử tri chủ yếu thực hiện theo hình tiếp xúc với các “đại biểu của cử tri” thì có thể người có ý kiến thật không được gặp, người đi đại diện thì có nhiều lý do để không thể truyền đạt hết ý chí nguyện vọng của cử tri[12]. Đa số các đại biểu HĐND cấp huyện làm việc kiêm nhiệm nên không có đủ thời gian để giữ quan hệ với cử tri cũng như giải quyết các kiến nghị của cử tri…
3. Kiến nghị giải pháp hoàn thiện
Thứ nhất, hoàn thiện các quy định về phân cấp, phân quyền cho CQĐP theo hướng:
i) Tiếp tục cụ thể hóa khoản 1, khoản 2 Điều 112 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận về thẩm quyền riêng của địa phương. Đây là thẩm quyền riêng biệt, độc lập so với thẩm quyền của các cơ quan nhà nước cấp trên và thừa nhận khả năng phân cấp, phân quyền cho mỗi địa phương[13];
ii) Nghiên cứu sửa đổi và cụ thể hóa điểm đ khoản 2 Điều 11 Luật Tổ chức CQĐP về thẩm quyền giải quyết vấn đề phân định thẩm quyền thuộc phạm vi từ hai đơn vị hành chính trở lên, theo đó: “Những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của CQĐP cấp huyện; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của CQĐP cấp tỉnh; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở trung ương”;
iii) Chính phủ cần sớm ban hành quy định phân cấp về ngành, lĩnh vực, trong đó cần làm rõ: Quan điểm, nguyên tắc phân cấp; các ngành, lĩnh vực cần tập trung phân cấp phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn và yêu cầu quản lý đối với ngành, lĩnh vực; xác định chủ thể, nội dung, phạm vi, đối tượng, quyền hạn và trách nhiệm của đối tượng được phân cấp; tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước được phân cấp. Đề cao nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và quản lý theo lãnh thổ. Phát huy tính năng động, sáng tạo của CQĐP, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước là điều kiện tiên quyết để kiến tạo tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đảm bảo sự quản lý thống nhất của trung ương về thể chế, chính sách, chiến lược… Thực hiện được các nội dung trên sẽ khắc phục những hạn chế như: Phân cấp không phân biệt về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội giữa các địa phương, không đồng bộ, cơ chế phối hợp hạn chế, cơ chế kiểm tra, giám sát chưa cụ thể, tình trạng cục bộ và cạnh tranh giữa các địa phương… Trong phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố, giữa Ủy ban nhân cấp tỉnh và UBND cấp huyện[14].
iv) Cụ thể hóa khoản 1 Điều 14 Luật Tổ chức CQĐP và điểm 7, Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung luật Tổ chức Chính phủ và CQĐP năm 2019, theo hướng làm rõ “trường hợp cần thiết” cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho UBND cấp dưới trực tiếp, UBND có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, Chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Cụ thể hóa quy định này sẽ hạn chế việc thực hiện ủy quyền tùy tiện tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp và cá nhân người có thẩm quyền, khó xác định trách nhiệm giải trình liên quan đến các nhiệm vụ, quyền hạn ủy quyền[15].
Thứ hai, xây dựng HĐND là cơ quan đại diện chuyên trách. Lời giải của bài toán tăng cường năng lực giám sát của HĐND đối với UBND có nhiều yếu tố. Nhưng, một trong những yếu tố cơ bản là xây dựng thiết chế đại biểu dân cử chuyên nghiệp. Tất cả các đại biểu HĐND phải làm việc toàn thời gian cho việc thực hiện chức năng đại diện dân cử và không được phép làm gì khác trong nhiệm kỳ đại diện của mình để tránh áp lực công việc do các nghề, các chức năng khác tạo ra, cũng như để tránh đương đầu với vấn đề xung đột lợi ích tế nhị. 
Theo tác giả, cần lựa chọn giữa hai giải pháp: Hoặc Chủ tịch UBND do cử tri trực tiếp bầu, giống như bầu đại biểu HĐND, hoặc Chủ tịch UBND được cấp hành chính cao hơn bổ nhiệm. Trong cả hai trường hợp, Chủ tịch UBND có trách nhiệm giải trình trước HĐND. Cơ quan đại diện dân cử, về phần mình, phải được trao quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND. Trong trường hợp số phiếu bất tín nhiệm đạt một tỷ lệ áp đảo, thì cấp có thẩm quyền phải bổ nhiệm một người khác vào cương vị đứng đầu UBND hoặc phải tổ chức bầu Chủ tịch UBND mới.
Thứ ba, cá nhân hoá trách nhiệm quản lý. Trong tổ chức vận hành bộ máy, nên giới hạn việc áp dụng nguyên tắc dựa vào ý chí tập thể trong phạm vi quan hệ nội bộ UBND. Đối với nhân dân địa phương, chính Chủ tịch UBND là người phải chịu trách nhiệm về các quyết định nhân danh UBND. Có thể, trong quá trình bàn bạc, thảo luận về việc xây dựng phương án quản lý, Chủ tịch UBND có trách nhiệm và có quyền tham khảo ý kiến của các thành viên UBND. Nhưng, một khi được lựa chọn và trở thành quyết định chính thức, phương án đó phải mang tên cá nhân Chủ tịch và gắn với trách nhiệm của người này.  
Giải pháp này cũng hoàn toàn phù hợp với các ý tưởng cải cách liên quan đến việc tổ chức cơ quan chấp hành, điều hành ở địa phương như đã đề cập ở trên: một khi được bổ nhiệm hoặc được dân trực tiếp bầu ra, người đứng đầu cơ quan chấp hành, điều hành tất nhiên phải chịu trách nhiệm cá nhân, tương ứng với những quyền hạn rộng rãi mà cấp bổ nhiệm hoặc nhân dân trao cho riêng mình để thực thi phận sự.
Thứ tư, xây dựng quy định thống nhất cách thức hình thành nên cơ cấu tổ chức của UBND.
Đối với hầu hết các chức danh khi trình HĐND bầu làm Ủy viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện thì trước đó, các chức danh này đều đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp. Nếu sau khi trình HĐND bầu làm Ủy viên UBND, lại tiến hành bổ nhiệm chức danh này vào vị trí người đứng đầu cơ quan chuyên môn UBND lần nữa sẽ dẫn đến tình trạng ‘‘bổ nhiệm lại’’ chức danh này (vì thời điểm đó vẫn đang là người đứng đầu cơ quan chuyên môn). Nếu thực hiện việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan chuyên môn sau khi HĐND cùng cấp bầu làm Ủy viên UBND thì Luật Tổ chức CQĐP, Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐND cần quy định cụ thể quy trình, thủ tục tiến hành bổ nhiệm chức danh này, vì hiện nay chưa có quy định và cần làm rõ thời điểm tính thời hạn bổ nhiệm là như thế nào. Thời điểm bổ nhiệm sẽ tính theo nhiệm kỳ của HĐND, UBND hay theo Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo. Đối với quy trình, thủ tục bầu Ủy viên UBND, cần cân nhắc quy định người nào được HĐND tín nhiệm bầu đạt chức danh Ủy viên UBND mới đủ cơ sở để thực hiện thủ tục bổ nhiệm vị trí đứng đầu cơ quan chuyên môn của UBND[16].
Thứ năm, hoàn thiện pháp luật nhằm tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước tại địa phương.
Để sự tham gia quản lý nhà nước thông qua các cơ quan đại diện trở nên hiệu quả, cần chuyển các đại biểu được bầu sang chế độ hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Tách bạch, không để vai trò đại biểu nhân dân và vai trò hành chính do cùng một cá nhân thực hiện[17]. Ngoài ra, cần đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Chuyển dần hoạt động của các tổ chức này theo hướng tự chủ về kinh phí hoạt động trên cơ sở huy động các nguồn đóng góp tự nguyện, từ đó tạo tiền đề cho các tổ chức này ngày càng độc lập để thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, tập trung chuyển tải những ý kiến, nguyện vọng của người dân tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền… Đi kèm với đó, cần có cơ chế khuyến khích mở rộng việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, Internet, mạng xã hội, các báo điện tử trong việc tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Nhà nước và thu thập, phản ánh các ý kiến đóng góp của nhân dân./.

 


[1] Đồng Văn Quân, Về nguyên tắc tập trung dân chủ, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Thái Nguyên, số 225 (15): 127 – 134.
[2] Nguyễn Minh Phương, Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của CQĐP ở nước ta hiện nay, Tạp chí sinh hoạt lý luận, số 04/2021, tr. 51.
[3] Vũ Thư (2021), Nguyên tắc tập trung dân chủ và việc phân quyền, phân cấp cho CQĐP ở Việt Nam, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 1 (457), tr.13.
[4] Ngân hàng thế giới, Bộ Kế hoạch và đầu tư (2017), Báo cáo Việt Nam 2035 hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, tr. 102.
[5] Trần Văn Ngợi (2017), Báo cáo Tổng hợp kết quả Dự án “Điều tra đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp hoàn thiện phân cấp quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương”, do TS. Trần Văn Ngợi, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước chủ nhiệm, Bộ Nội vụ chủ trì, Hà Nội, tr. 45-142.
[6] Hồ Đức Hiệp (2020), Thực trạng phân cấp, phân quyền và vấn đề tự quản địa phương tại Việt Nam hiện nay, Tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật, (Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương), số 31, tr.127- 128.
[7] Thanh Hiền, Nhiều bất cập trong hoạt động HĐND cấp huyện, cấp xã, http://dbnd.quangnam.gov.vn/Default.aspx?tabid=286&Group=20&NID=3719&nhieu-bat-cap-trong-hoat-dong-hdnd-cap-huyen-cap-xa&dnn_ctr905_Main_rg_danhsachkhacChangePage=18&dnn_ctr905_Main_rg_danhsachmoiChangePage=2, truy cập ngày 13/7/2021.
[8] Hồ Thức Tài, Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND huyện vùng Tây Nam Bộ Việt Nam hiện nay, hạn chế và giải pháp, Tạp chí Khoa học chính trị, số 5/2019, tr.81.
[9] Điều 5 Luật Tổ chức CQĐP.
[10] Điều 117 Luật Tổ chức CQĐP. Xem thêm: Vũ Hữu Kháng, Phân định thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, tập thể Uỷ ban nhân dân, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 3/2003, tr. 11 - 14.
[11] Các Điều 20, 27, 34, 41, 48, 55, 69 và Điều 123 Luật Tổ chức CQĐP.
[12] Lê Thị Thiều Hoa, Một số vấn đề đặt ra về quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân và nhu cầu hoàn thiện pháp luật, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 11/2014, tr. 39-40.
[13] Nguyễn Hoàng Anh (2018), Phân cấp, phân quyền và thực tiễn triển khai theo Hiến pháp năm 2013, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Luật học, Tập 34, Số 4, 41-50.
[14] Trần Thị Diệu Oanh (2013), Phân cấp giữa Chính phủ và UBND cấp tỉnh, Tạp chí Quản lý nhà nước, Học viện hành chính Quốc gia, tháng 10/2019.
[15] Hà Ngọc Anh (2020), Trách nhiệm giải trình của CQĐP theo pháp luật Việt Nam, Luận án Tiến sĩ luật học, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.130.
[16] Nguyễn Thị Hường, Luật Tổ chức CQĐP - thực tế áp dụng và một số kiến nghị, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 12 (388), tháng 6/2019.
[17] Trương Văn Dũng, Sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước và xã hội vì mục tiêu phát triển con người, Tạp chí Nghiên cứu Con người số 5 (38) 2008, tr.23-24.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 09 (481), tháng 05/2023.)