Pháp luật về kinh doanh sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch và kiến nghị hướng phát triển tại tỉnh Bình Thuận

18/08/2023

ĐINH ĐÌNH PHÚ ĐỨC

Trường Đại học Trà Vinh.

Tóm tắt: Du lịch mạo hiểm là loại hình du lịch mới với nhiều hoạt động trải nghiệm thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, các hoạt động này lại có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch. Tỉnh Bình Thuận là địa phương thu hút khách du lịch ở trong và ngoài nước với nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn. Đây cũng là địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch mạo hiểm. Trong bài viết này, tác giả phân tích các quy định của pháp luật về kinh doanh sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch, và kiến nghị hướng phát triển hoạt động này tại tỉnh Bình Thuận thời gian tới.
Từ khóa: Sản phẩm du lịch, khách du lịch, tỉnh Bình Thuận.
Abstract: Adventure tourism is a new type of tourism with many experiential activities that attract tourists, but these activities pose a risk to the lives and health of tourists. Binh Thuan province is a locality that attracts domestic and foreign tourists with many attractive tourist sites. This is also a locality with favorable conditions to develop adventure tourism products. Within this article, the author gives out an analysis of the legal regulations on adventure tourism products that are at risk of affecting the lives and health of tourists, as well as the development orientation of this activity in Binh Thuan province in the coming time.
Keywords: Tourism products; tourists; Binh Thuan province.
 DU-LỊCH-BÌNH-THUẬN.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Quy định của pháp luật về kinh doanh sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch
Hiện nay, du lịch được xem như một ngành công nghiệp không khói, mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, luôn được chú trọng phát triển ở các quốc gia. Một trong những đặc trưng của hoạt động du lịch là tính độc đáo, đặc sắc, từ đó gây nên sự hấp dẫn đối với du khách, thỏa mãn tâm lý “hướng tới những điều mới lạ” của du khách[1]. Khám phá thiên nhiên, khám phá sức mạnh của bản thân, vượt qua mọi thử thách, hấp dẫn, dẻo dai và đầy lôi cuốn, các sản phẩm du lịch (SPDL) có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch lại đang dần trở thành một “món ăn tinh thần” hấp dẫn được đa số các bạn trẻ yêu chuộng. Điểm khác biệt và là ưu thế của các SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch so với các loại SPDL khác đó là tính độc lập cao trong khám phá, trải nghiệm và mạo hiểm.
So với nhiều nước trên thế giới, du lịch mạo hiểm ở Việt Nam xuất hiện khá muộn. Tuy nhiên, Việt Nam lại sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch mạo hiểm. Để tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý tốt hơn loại hình du lịch này, Quốc hội đã ban hành Luật Du lịch năm 2017, trong đó quy định về SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2017/NÐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 94/2021/NĐ-CP (Nghị định số 168/2017/NÐ-CP) để quy định chi tiết vấn đề kinh doanh SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch.
Nghị định số 168/2017/NÐ-CP dành hẳn một chương (Chương III - từ Điều 8 đến Điều 10) để quy định về “biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch đối với những SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch”. Cụ thể:
Thứ nhất, Nghị định số 168/2017/NÐ-CP đã liệt kê cụ thể những SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch:
Bay dù lượn, khinh khí cầu; nhảy dù; đu dây mạo hiểm hành trình trên cao.
Đi xe đạp, mô tô, ô tô địa hình trên núi, trên đồi cát; đi trên dây; leo núi, vách đá; đu dây vượt thác.
Lặn dưới nước; chèo thuyền vượt ghềnh thác; đi mô tô nước; lướt ván; ca nô kéo dù bay.
Thám hiểm hang động, rừng, núi”.
Sự liệt kê chi tiết các SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe trong Nghị định số 168/2017/NÐ-CP đã tạo ra tính minh bạch, từ đó xác lập quy chế pháp lý phù hợp cho những chủ thể nhất định trong việc quản lý, tham gia, kinh doanh các SPDL này.
Thứ hai, bên cạnh việc liệt kê các SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe thì Nghị định số 168/2017/NÐ-CP đã đặt ra những biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho khách du lịch. Theo đó, khi kinh doanh các SPDL này, cá nhân, tổ chức trực tiếp kinh doanh phải thỏa mãn các biện pháp bảo đảm an toànnhư:(i) có cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện khí hậu, thời tiết, sức khỏe và các yếu tố liên quan; (ii) có phương án cứu hộ, cứu nạn; bố trí lực lượng cứu hộ và can thiệp, xử lý, ứng cứu kịp thời các sự cố, tai nạn, rủi ro; (iii) bố trí, sử dụng huấn luyện viên, hướng dẫn viên có chuyên môn phù hợp; (iv) phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn, hướng dẫn các thao tác kỹ thuật cho khách du lịch trước khi cung cấp SPDL; (v) cung cấp, hướng dẫn sử dụng và giám sát việc sử dụng trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Thứ ba, Nghị định số 168/2017/NÐ-CP cũng đã xác định rõ ràng trách nhiệm pháp lý của các cơ quan, cá nhân, tổ chức tham gia quản lý, tổ chức, kinh doanh những SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch.
Thứ tư, Nghị định số 168/2017/NÐ-CP xác định cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm rất cụ thể. Điều này không chỉ tạo ra tính hiệu quả trong hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước mà còn tạo ra sự an toàn cho khách du lịch.
Bên cạnh những điểm tích cực nêu trên, quy định của pháp luật về kinh doanh SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch vẫn còn những hạn chế nhất định, cụ thể như sau:
Thứ nhất, sự liệt kê các SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch tại Nghị định số 168/2017/NÐ-CP chưa thực sự đầy đủ.
Không thể phủ định tác dụng tích cực của phương pháp liệt kê trong kỹ thuật xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ưu điểm của phương pháp này là sự rõ ràng và tạo ra cách hiểu thống nhất. Tuy nhiên, cái khó của phương pháp này là không thể nào liệt kê đầy đủ. Kết quả là nhiều SPDL có tính mạo hiểm rất cao nhưng nếu không được liệt kê trong Nghị định số 168/2017/NÐ-CP thì lại “thoát khỏi” vòng “cương tỏa” của Chương III Nghị định số 168/2017/NÐ-CP. Hệ quả là các SPDL mạo hiểm này lại không cần tuân thủ những yêu cầu khắt khe về biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch.
Thứ hai, pháp luật hiện hành hoàn toàn thiếu vắng các quy định liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn của những phương tiện, thiết bị trong kinh doanh SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe.
Khi tham gia các SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, khách du lịch phải được trang bị những phương tiện, thiết bị cần thiết. Những phương tiện, thiết bị này nhất thiết phải đáp ứng điều kiện nghiêm ngặt về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn. Đơn cử, sản phẩm “leo núi, leo vách đá” thì phải có dây leo, dây leo phải có những tính năng đặc trưng và chuyên dụng. Chắc chắn rằng, dây leo núi, dây leo vách đá sẽ rất khác biệt so với loại dây đu mạo hiểm hành trình trên cao. Tương tự, sản phẩm “đi xe đạp địa hình trên núi, trên đồi cát” sẽ phải có phương tiện là xe đạp. Đương nhiên, xe đạp ở đây phải là xe đạp chuyên dụng, có khả năng chạy trên địa hình đồi núi chứ không phải là bất cứ một loại xe đạp thông thường nào đó. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại thiếu vắng các quy định liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn của những phương tiện, thiết bị này.
Thứ ba, pháp luật hiện hành không có những quy định liên quan đến yêu cầu sức khỏe, trạng thái tâm lý, thể lực của khách du lịch khi tham gia các SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe.
Ở nhiều nước trên thế giới, du lịch mạo hiểm được coi là loại hình chuyên biệt với những yêu cầu cao và nghiêm ngặt về tính an toàn nhằm giảm rủi ro gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho khách du lịch. Do đó, không chỉ huấn luyện viên, hướng dẫn viên mà ngay cả đến khách du lịch cũng phải có chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe theo tiêu chí của từng hoạt động du lịch mạo hiểm. Đồng thời, trước khi tham gia các SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, khách du lịch phải được kiểm tra về trạng thái tâm lý, thể lực và bắt buộc phải tham gia các khóa huấn luyện. Đơn cử, đối với môn lặn dưới nước thì người bị bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh đường hô hấp sẽ tuyệt đối không được tham gia. Những người không thuộc các trường hợp trên sẽ có thể tham gia nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc mà huấn luyện viên, hướng dẫn viên đưa ra (như phải lặn cùng đoàn, không tự ý lặn một mình, bơi chậm và không lặn quá sâu)[2]. Đặc biệt, trước khi lặn dưới nước, huấn luyện viên, hướng dẫn viên sẽ kiểm tra thực nghiệm và có quyền từ chối đối với người sử dụng rượu bia, chất kích thích. Trong khi đó, ở nước ta, những khâu như kiểm tra sức khỏe, trạng thái tâm lý, thể lực hay các buổi huấn luyện thao tác, kinh nghiệm cho khách du lịch không được pháp luật quy định cụ thể. Từ đó, dẫn đến tình trạng, cá nhân, tổ chức trực tiếp kinh doanh thường bỏ qua các khâu kiểm tra sức khỏe, trạng thái tâm lý, thể lực, tiền sử bệnh lý hoặc thực hiện công việc huấn luyện một cách qua loa để rút ngắn quá trình tổ chức, tiết kiệm chi phí.
Thứ tư, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP không quy định trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong trường hợp để quá thời gian quy định mà không xem xét, trả lời bằng văn bản đối với thông báo của cá nhân, tổ chức kinh doanh SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe.
Điều 10 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định: trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cá nhân, tổ chức kinh doanh SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kiểm tra và công bố trên Cổng thông tin điện tử Danh mục cá nhân, tổ chức đáp ứng đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn. Trường hợp cá nhân, tổ chức chưa đáp ứng được các biện pháp bảo đảm an toàn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo bằng văn bản yêu cầu hoàn thiện, bổ sung các biện pháp bảo đảm an toàn và chỉ được kinh doanh sau khi đáp ứng đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch. Tuy nhiên, trong trường hợp “Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch không tổ chức kiểm tra và công bố trên Cổng thông tin điện tử Danh mục cá nhân, tổ chức đáp ứng đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn” và cũng “không ra thông báo bằng văn bản yêu cầu hoàn thiện, bổ sung các biện pháp bảo đảm an toàn” trong thời gian nêu trên thì cá nhân, tổ chức có được tiến hành kinh doanh hay không? Trường hợp này, cá nhân, tổ chức vẫn phải “chờ đợi” hay đương nhiên tiến hành kinh doanh SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe?
Vấn đề có tính pháp lý đặt ra là Nghị định số 168/2017/NĐ-CP không quy định trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nếu để quá thời gian quy định mà không xem xét, trả lời bằng văn bản đối với thông báo của cá nhân, tổ chức kinh doanh sản phẩm. Theo tác giả, đây là một sự thiếu sót bởi một khi không phải dè chừng những hệ luỵ phát sinh từ trách nhiệm pháp lý bất lợi thì theo một thiên hướng tự nhiên, con người sẽ trở nên cẩu thả, tùy tiện trong hành vi của mình.
 Thứ năm, pháp luật hiện hành thiếu vắng các quy định về chế tài xử phạt đối với hành vi “tiến hành hoạt động kinh doanh SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe khi chưa được công bố trên Cổng thông tin điện tử Danh mục cá nhân, tổ chức đáp ứng đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn”.
Theo quy định của pháp luật, trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh thì cá nhân, tổ chức trực tiếp kinh doanh phải thông báo bằng văn bản cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nếu cá nhân, tổ chức trực tiếp kinh doanh các SPDL vi phạm nghĩa vụ thông báo sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo khoản 1 Điều 15 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP (Nghị định số 45/2019/NĐ-CP). Ngoài ra, cá nhân, tổ chức trực tiếp kinh doanh vi phạm các quy định về biện pháp bảo đảm an toàn khi kinh doanh cũng sẽ bị xử phạt theo Điều 15 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, Điều 15 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP đã không dự liệu cũng như không thiết lập chế tài đối với hành vi “tiến hành hoạt động kinh doanh SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe khi chưa được công bố trên Cổng thông tin điện tử Danh mục cá nhân, tổ chức đáp ứng đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn”.
2. Kiến nghị hướng phát triển hoạt động kinh doanh sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch tại tỉnh Bình Thuận
Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ Việt Nam, nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Thuận có biển dài 192 km kéo dài từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná thuộc Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Là một tỉnh ven biển, khí hậu quanh năm nắng ấm, nhiều bãi biển sạch đẹp, cảnh quan tự nhiên và thơ mộng, giao thông thuận lợi, Bình Thuận đang là một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam[3]. Hiện nay, Bình Thuận đang phát triển mạnh các SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch như đi xe đạp, mô tô, ô tô địa hình trên đồi cát; lặn dưới nước; đi mô tô nước; lướt ván buồm; ca nô kéo dù bay, dù lượn.
Chẳng hạn, Hòn Hồng là một trong những địa điểm nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận rất được người chơi dù lượn ưa thích. Hòn Hồng cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 45km và cách Mũi Né 25km, thuộc địa phận xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình. Nơi đây có ngọn núi cao hơn 200m, một phần được bao quanh bởi một eo biển hoang sơ, bên cạnh là một đồi cát vàng óng ánh. Khi đến đây, nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên vì vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên. Từ đỉnh núi nhìn xuống du khách sẽ choáng ngợp trước vẻ đẹp của thảm thực vật xanh mọc rải rác khắp sườn núi xen lẫn với những bãi cát trông không khác gì một hoang mạc rộng lớn. Với lợi thế núi cao, thoáng đãng và dốc núi thoai thoải ít chướng ngại vật nên rất thích hợp với trò chơi mạo hiểm này. Qua khảo sát thực tế, Hòn Hồng đáp ứng được các yêu cầu đặt ra của môn dù lượn như bãi cất cánh, địa hình có khoảng trống không có cây, bãi hạ cánh an toàn… Đặt biệt, khu vực này có hai hướng gió và gió rất đều là một trong những điều kiện tuyệt vời cho môn dù lượn[4].
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, hiện Tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, giai đoạn 2021 – 2025. Việc phát triển các môn thể thao mới lạ, mạo hiểm là phù hợp định hướng của tỉnh. Bên cạnh đó, kết hợp phát triển du lịch gắn với phát triển thể thao biển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú sản phẩm để phục vụ du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì việc kinh doanh các SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch tại tỉnh Bình Thuận vẫn còn nhiều hạn chế cần được chấn chỉnh. Không thể phủ nhận sức hấp dẫn cũng như lợi ích kinh tế từ các SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe. Sự hấp dẫn, sức thu hút của các SPDL này chính là do mang nhiều yếu tố khám phá và trải nghiệm những cảm xúc khác lạ. Từ đó, khách du lịch có cơ hội vượt qua những thử thách nhất định. Tuy nhiên, càng mạo hiểm và càng thách thức thì yếu tố an toàn càng phải được đặt lên hàng đầu. Nhằm bảo đảm an toàn khi kinh doanh các SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch tại tỉnh Bình Thuận, cần phải có những giải pháp nhất định:
Thứ nhất, khoản 3 Điều 21 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh “tổ chức thực hiện ngân sách tỉnh, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch. Khoản 3 Điều 28 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định UBND cấp tỉnh ban hành quyết định để quy định các biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương. Hiện nay, Luật Du lịch năm 2017 và Nghị định số 168/2017/NÐ-CP chỉ liệt kê một số SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe khách du lịch. Tuy nhiên, sự liệt kê này là không đầy đủ. Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận cần xây dựng và ban hành các tiêu chí để từ đó có thể xác định đâu là SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch”. Khi đã có các tiêu chí này thì việc đánh giá đâu là SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch” sẽ trở nên rõ ràng, thống nhất. Việc xây dựng và ban hành bộ tiêu chí này cần dựa trên các luận chứng về khoa học, về y khoa,[5] về nghiên cứu địa mạo, địa hình, độ cao[6]. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng cần ban hành các quy định cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn của những phương tiện, thiết bị trong SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch.
Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của tỉnh Bình Thuận cần quy định cụ thể hơn về quyền từ chối cung cấp các SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe đối với khách du lịch không đáp ứng yêu cầu sức khỏe, trạng thái tâm lý tại thời điểm tham gia. Theo đó, ở trạng thái thông thường, khách du lịch thỏa mãn các yếu tố về sức khỏe, tâm lý nhưng tại thời điểm tham gia lại đang trong trạng thái say rượu bia, sử dụng chất kích thích, tâm lý không ổn định thì huấn luyện viên, hướng dẫn viên có quyền từ chối không cho những người này tham gia. Hiện nay, Điều 13 Luật Du lịch năm 2017 chỉ quy định cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch có trách nhiệm cảnh báo nguy cơ gây nguy hiểm cho khách du lịch. Tuy nhiên, sự “cảnh báo” này không có nhiều ý nghĩa trong việc ngăn chặn rủi ro do khách du lịch say rượu bia, sử dụng chất kích thích, tâm lý không ổn định khi tham gia các SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe. Do đó, chính quyền tỉnh Bình Thuận cần ghi nhận biện pháp dứt khoát, mang tính loại trừ rủi ro hữu hiệu là quyền từ chối cung cấp các SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe đối với khách du lịch không đáp ứng yêu cầu sức khỏe, trạng thái tâm lý tại thời điểm tham gia.
Thứ ba, để tránh tình trạng “treo quyền” kinh doanh của cá nhân, tổ chức đối với các SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, UBND tỉnh Bình Thuận cần xác định rõ ràng trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nếu để quá thời gian quy định mà không xem xét, trả lời bằng văn bản đối với thông báo của cá nhân, tổ chức kinh doanh SPDL này.
Thứ tư, cần phát huy vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với các vi phạm trong kinh doanh SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Bên cạnh đó, cần chú trọng việc thực hiện thủ tục thanh tra, kiểm tra một cách khoa học, hạn chế sự không trùng lặp, chồng chéo. Có như vậy, công tác thanh tra, kiểm tra vừa bảo đảm được hiệu quả công vụ, vừa giảm bớt sự phiền hà cho chủ thể kinh doanh SPDL có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch./. 

[1] Ngô Quang Duy (2018), “Tính hấp dẫn của di sản văn hóa Hạ Long trong phát triển du lịch”, Tạp chí Văn hóa học, (6), tr. 36.
[2] Nguyễn Anh Tuấn, “Phát triển du lịch mạo hiểm ở Việt Nam”, Tạp chí Du lịchsố 8, năm 2007. 
[3] Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận, https://www.binhthuan.gov.vn/4/469/54238/563858/Dieu-kien-tu-nhen/Dieu-kien-tu-nhien.aspx, truy cập ngày 5/3/2023.
[4] Nguyễn Thanh, “Đặc sắc bay dù lượn mạo hiểm tại Bình Thuận”, https://baotintuc.vn/du-lich/dac-sac-bay-du-luon-mao-hiem-tai-binh-thuan-20220328141503680.htm, truy cập ngày 28/2/2023.
[5] Theo nghiên cứu của Cơ quan y tế quốc gia tại Vương quốc Anh thì một người trưởng thành bình thường có nhịp tim 60 - 100 lần/ phút. Khi ở vào trạng thái sợ hãi, lo lắng thì tim có thể đập nhanh hơn. Nếu tham gia các sản phẩm du lịch mà tim đập ít nhất 150 lần/ phút thì có thể xác định đây là sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch”.
[6] Phương Thảo, “Xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về du lịch mạo hiểm”, Tạp chí Du lịch, số 3, năm 2018.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 08 (480), tháng 04/2023.)