Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền Thành phố Thủ Đức trong giai đoạn hiện nay

15/04/2023

PGS.TS. TÔ VĂN HÒA

Trường Đại học Luật Hà Nội.

Tóm tắt: Ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 chính thức thành lập thành phố Thủ Đức trong tổng thể mô hình chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14) theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội (Nghị quyết số 131/2020). Thành phố Thủ Đức hiện là thành phố duy nhất của cả nước được thành lập và hoạt động theo mô hình thành phố thuộc Thành phố trực thuộc Trung ương ở Việt Nam. Việc thành lập thành phố Thủ Đức chứa đựng mục tiêu và kỳ vọng hết sức to lớn đối với sự phát triển của thành phố nói riêng, của Thành phố Hồ Chí Minh và của cả khu vực nói chung. Tuy nhiên, sau hai năm thành lập, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong tổ chức và hoạt động của thành phố Thủ Đức.
Từ khóa: Thành phố Thủ Đức, thành phố thuộc Thành phố trực thuộc Trung ương, phân quyền, phân cấp.
Abstract: The 14th National Assembly Standing Committee issued the Resolution No. 1111/NQ-UBTVQH14 dated December 9, 2020 on official establishment of Thu Duc city in the overall modality of urban government in Ho Chi Minh City (Resolution No. 1111/NQ-UBTVQH14) according to the Resolution No. 131/2020/QH14 dated November 16, 2020 of the National Assembly (the Resolution No. 131/2020). Thu Duc city is currently only a city established and operating under the modality of a city under a Central City in Vietnam. The establishment of Thu Duc city is toward enormous goals and expectations for the development of the city in particular, of Ho Chi Minh City and of the region in general. However, after two years of establishment, there are still several shortcomings in the organization and operation of Thu Duc city.
Keywords: Thu Duc city; city under a Central City; power decentralization; authority decentralization
 TP-THỦ-ĐỨC_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Thành phố Thủ Đức - mục tiêu thành lập và kỳ vọng
Trước khi thành lập, Thành phố Thủ Đức là địa bàn của 3 quận phát triển nhất của TP. Hồ Chí Minh là Quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9 với tổng diện tích 211,56 km2, chiếm 10% diện tích TP. Hồ Chí Minh, quy mô dân số 1.013.795 người, bằng khoảng 10% dân số TP. Hồ Chí Minh, đóng góp tổng sản phẩm trên địa bàn bằng 1/3 tổng sản phẩm của TP. Hồ Chí Minh, đóng góp 7% tổng sản phẩm nội địa của cả nước, chỉ sau GRDP của Hà Nội, đứng thứ ba cả nước[1].
Sau khi thành lập, Thành phố Thủ Đức có địa giới bằng đúng Quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9 gộp lại, với diện tích, dân số, chỉ số kinh tế, xã hội của cả ba quận. Yếu tố khách quan khác biệt nổi bật nhất và có lẽ là duy nhất là Thành phố Thủ Đức giờ đây là một khu vực khá tách biệt với phần còn lại của TP. Hồ Chí Minh với ranh giới là sông Sài Gòn.
Theo Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh, mục tiêu tổng quát của việc thành lập Thành phố Thủ Đức là phát triển nơi đây thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao; là khu kinh tế động lực mới của TP. Hồ Chí Minh trong tương lai với các mục tiêu xây dựng, khai thác đồng bộ các thế mạnh hiện có của Thành phố; tập trung phát triển 8 trung tâm trong thành phố, gồm: Trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm giáo dục, đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ trình độ cao; Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng container Cát Lái; Khu đô thị cảng Trường Thọ[2].
Các chỉ tiêu phát triển cụ thể đặt ra đối với Thành phố Thủ Đức cũng hết sức tham vọng, nổi bật là một số chỉ tiêu[3] như:
STT
Lĩnh vực mục tiêu
Chỉ tiêu phát triển
Thời hạn
 
Kinh tế:
 
 
 
Tổng thu ngân sách nhà nước
Tăng bình quân 10-12%
Hằng năm
 
Cân đối thu, chi
Bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư
 
 
Giá trị sản xuất chung
Tăng 10-11%
Hằng năm
 
Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng
Tăng bình quân 8%
Hằng năm
 
Giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ
Tăng bình quân 8%
Hằng năm
 
Môi trường
 
 
 
Xử lý nước thải, khí thải đạt chuẩn
100% doanh nghiệp
2025
 
Xử lý nước thải y tế
100% cơ sở y tế
2025
 
Phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ dân, cơ sở kinh doanh, dịch vụ
100%
2025
 
Lĩnh vực đô thị
 
 
 
Số hộ dân sử dụng nước sạch, không sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt và sản xuất
100%
2025
 
Tỷ lệ đất giành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị
10%
2025
 
Mật độ đường giao thông trên diện tích đất toàn đô thị
9 km/km2
2025
 
Diện tích nhà ở bình quân đầu người
29 m2/người
2025
 
Diện tích cây xanh đô thị
1,5 m2/người
2025
 
Lĩnh vực văn hóa – xã hội
 
 
 
Tỷ lệ bác sĩ trên số dân
21 bác sĩ/10.000 dân
2025
 
Tỷ lệ giường bệnh trên số dân
42 giường bệnh/10.000 dân
2025
 
Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của người dân thường trú trên địa bàn
95%
2025
 
Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố
<0,2%
2025
 
Tỷ lệ hộ cận nghèo
0,4%
2025
 
Tạo việc làm mới
15.000 – 20.000
2025
 
Tỷ lệ thất nghiệp đô thị
0,5%
2025
 
Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề
90%
2025
 
Số phường đạt chuẩn quốc gia về y tế
100%
2025
Như vậy, sự thành lập Thành phố Thủ Đức không giống với việc hình thành một thành phố thông thường. Quá trình hình thành một thành phố thông thường chủ yếu nhằm mục đích hình thành cơ chế quản trị một khu vực đô thị tập trung để chăm lo mọi mặt đời sống của dân cư khu vực đô thị đó tương xứng với quy mô của nó. Ở Việt Nam, việc thành lập thành phố thường nhằm mục tiêu đạt được nguồn lực nhiều hơn để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa của địa bàn. Tuy nhiên đối với Thành phố Thủ Đức thì không chỉ như vậy. Không cần thành lập thành phố thì nơi đây cũng đã là một trong những khu vực đô thị đầy đủ với mức độ đô thị hóa cao, nằm trong mô hình quản trị chung của đơn vị hành chính thành phố trực thuộc trung ương. Việc thành lập thành phố là nhằm mục đích phát triển khu vực ngã ba sông Sài Gòn, sông Đồng Nai thêm một bậc, trở thành trung tâm tài chính, trung tâm kinh tế, công nghệ, tri thức, đô thị xanh, hiện đại với nhiều chỉ tiêu phát triển đầy tham vọng.
2. Một số bất cập, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động của chính quyền Thành phố Thủ Đức sau 2 năm thành lập
Sau hai năm thành lập, hiện chưa có báo cáo sơ kết việc thực hiện Đề án số 591/ĐA-CP. Do đó khó có thể nhận diện một cách đầy đủ những kết quả và bất cập trong tổ chức, hoạt động của chính quyền Thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện Đề án số 591/ĐA-CP cho đến nay, điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất trong tổ chức, hoạt động của chính quyền Thành phố Thủ Đức là sự sắp xếp lại theo hướng tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố Thủ Đức so với ba quận trước đây, thể hiện qua các số liệu sau[4]:
STT
Thời gian
Số quận
Số phường
Tổng biên chế thực tế
Hợp đồng
Dôi dư
Đảng (biên chế + HĐLĐ)
Mặt trận, đoàn thể (biên chế + HĐLĐ)
UBND TP. Thủ Đức
Đơn vi sự nghiệp thuộc thành ủy TP Thủ Đức[5]
Đơn vi sự nghiệp thuộc UBND TP. Thủ Đức[6]
1
Trước nhập
3
36
981
149
0
128
112
657
39
246
2
Sau nhập
1
34
822
 
399
92
76
459
30
165
3
Tỷ lệ tinh giản
 
 
16%
 
 
28%
32%
30%
 
 
   Việc tinh giản biên chế một cách bắt buộc cũng chính là bất cập rất lớn trong tổ chức và hoạt động của thành phố Thủ Đức[7]. Chưa cần có những số liệu thực tiễn thì điều này cũng đã thể hiện sự bất hợp lý của nó. Thành phố Thủ Đức giờ đây là phép cộng của 3 quận, với diện tích, quy mô, mật độ dân số, khối lượng công việc không thay đổi, nếu không nói là có xu hướng tăng lên do số phường giảm đi. Sự bất hợp lý ở chỗ Thành phố bây giờ là một siêu đô thị hành chính cấp huyện với các chỉ tiêu phát triển cao hơn và những chi tiêu đó được giao nhiệm vụ cho bộ máy nhân sự ít hơn nhiều so với trước đây.
Bất cập thứ hai trong hoạt động của Thành phố Thủ Đức là dường như chính quyền thành phố chưa thực sự hoạt động trong tư cách mới để có thể tạo ra những chuyển biến như kỳ vọng mà vẫn đang loay hoay với những vấn đề mang tính chất nền tảng để hoạt động. Hai năm đầu thành lập Thành phố cũng là 2 năm dịch Covid hoành hành. Tuy vậy, đây vẫn là bất cập mọi người đều nhận thấy[8]. Sau khi được thành lập, địa vị pháp lý của Thành phố Thủ Đức không khác nhiều so với các quận cấu thành trước đó. Quá trình thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 131/2020 và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ cho đến nay về cơ bản không có sự phân biệt đáng kể giữa Thành phố Thủ Đức và các quận ngoài sự hiện diện của Hội đồng nhân dân Thành phố Thủ Đức[9]. Bản thân việc sắp xếp cơ cấu, tổ chức của Thành phố Thủ Đức cũng không được quy định trong một văn bản riêng mà lồng ghép trong cùng văn bản về sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh, đó chính là Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14.
2. Nguyên nhân và một số giải pháp đột phá
Những bất cập, vướng mắc trên đây mới chỉ là những vấn đề ban đầu, nếu không được giải quyết sẽ dẫn tới những bất cập khác lớn hơn trong tương lai đối với Thành phố Thủ Đức, cản trở sự phát triển như kỳ vọng của Thành phố này. Nguyên nhân chính là “không gian thể chế” hiện tại đang chưa phù hợp với cấu trúc và địa vị chính trị - pháp lý mới của Thành phố. Có thể nói Thành phố Thủ Đức đang như một người khổng lồ chưa thoát ra khỏi không gian thể chế chật hẹp giành cho những người tí hon trước đó, hệ quả là chân tay bị bó buộc mà không thể phát huy được khả năng của mình. Không gian thể chế này được duy trì, vận hành không phải chỉ bởi chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh mà bởi cả các cơ quan ở trung ương, không phải chỉ bởi những quy định của pháp luật có liên quan mà còn bởi những quan niệm truyền thống về quản trị địa phương, về mối quan hệ thứ bậc tuần tự trong hệ thống hành chính nhà nước. Do vậy, những bất cập, vướng mắc trong giai đoạn này không thể được giải quyết chỉ bởi những biện pháp thông thường mà đòi hỏi những biện pháp táo bạo, đột phá, cụ thể:
Thứ nhất, tăng sự chủ động của chính quyền Thành phố Thủ Đức trong việc xác định số lượng biên chế, tổ chức cho bộ máy chính quyền thành phố. Như trên đã đề cập, việc giảm số lượng cán bộ, công chức làm việc trong bộ máy chính quyền Thành phố Thủ Đức hiện là bất cập lớn. Đành rằng việc tinh giản bộ máy hành chính theo hướng gọn hơn để chuyên nghiệp hơn luôn là một chủ trương đúng để xây dựng một nền hành chính hiện đại, song việc áp dụng chủ trương này vào bối cảnh của Thành phố Thủ Đức thời điểm mới thành lập như lúc này là không phù hợp. Đề án thành lập thành phố Thủ Đức không đặt mục tiêu tinh giản bộ máy hành chính của Thành phố[10]. Từ góc độ lý luận, tinh giản biên chế bản thân nó cũng không phải mục tiêu mà chỉ là phương tiện để đạt hiệu quả vận hành bộ máy hành chính nhà nước, do đó có thể và nên được áp dụng phù hợp với bối cảnh cụ thể của đối tượng áp dụng. Như vậy, hoàn toàn có cơ sở hợp lý tăng sự chủ động của chính quyền Thành phố Thủ Đức trong việc xác định số lượng biên chế, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo hợp đồng làm việc trong bộ máy chính quyền Thành phố đáp ứng yêu cầu công việc và định hướng phát triển Thành phố, đặc biệt trong giai đoạn đầu mới thành lập như hiện nay. Để bảo đảm sự chủ động của Thành phố không vượt quá các giới hạn cần kiểm soát, các cơ quan ở trung ương có thể ấn định trực tiếp khung trần số lượng biên chế cho Thành phố. Bên cạnh đó, Thành phố cũng cần cơ chế đặc thù trong việc trả lương, bảo đảm thu nhập để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của bộ máy công vụ, thu hút người tài làm việc cho chính quyền thành phố. Với cơ chế đặc thù này, giai đoạn ban đầu hiện nay số lượng biên chế của Thành phố có thể nhiều hơn hiện tại, thu nhập hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố có thể cao hơn mặt bằng chung. Trong tương lai khi công nghệ số được áp dụng hiệu quả trong quản trị thành phố, mục tiêu tinh giản biên chế vẫn có thể đặt ra, song phải phù hợp với trình độ, yêu cầu phát triển của Thành phố.
Thứ hai, cần sớm xây dựng cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho Thành phố Thủ Đức. Giải pháp này đã được đề cập trong Đề án số 591/ĐA-CP[11]. Gần đây, trong Nghị quyết số 08-NC/TU ngày 31/12/2021 của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về phương hướng, nhiệm vụ và một số cơ chế phát triển Thành phố Thủ Đức giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, giải pháp này tiếp tục được nhắc đến (Nghị quyết số 08)[12]. Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh cũng đã giao nhiệm vụ cho các sơ, ngành liên quan xây dựng Đề án phân cấp, ủy quyền cho Thành phố Thủ Đức[13]. Tuy nhiên, nội dung phân cấp, phân quyền còn tương đối mờ nhạt và chủ yếu nhấn mạnh sự cần thiết phân cấp, ủy quyền cho Thành phố Thủ Đức.
Cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền cần xác định được các lĩnh vực cụ thể có thể giao cho Thành phố chủ động thực hiện, trên cơ sở tính chất của từng lĩnh vực mà xác định phương thức phân quyền, phân cấp hay ủy quyền cho phù hợp. Trong đó, cần nghiên cứu mạnh dạn áp dụng cơ chế phân quyền trực tiếp cho Thành phố Thủ Đức để phát huy vai trò của Hội đồng nhân dân Thành phố, giảm tải trách nhiệm đối với lĩnh vực tương ứng cho chính quyền thành phố Hồ Chí Minh. Song song với các lĩnh vực phân quyền, phân cấp, ủy quyền cần quy định phương thức kiểm soát phù hợp như báo cáo, hướng dẫn, phê duyệt… phù hợp với từng cơ chế; đồng thời cần xây dựng, ban hành hệ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động và cơ chế theo dõi, giám sát bảo đảm Thành phố thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền.
Thứ ba, cần sớm thúc đẩy việc ban hành hệ thống các quy hoạch cho Thành phố Thủ Đức bao gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu trọng điểm sáng tạo… Nhiệm vụ xây dựng quy hoạch đã được Đề án số 591/ĐA-CP và Nghị quyết số 08 nhấn mạnh như những giải pháp hàng đầu để hoạch định không gian phát triển cho Thành phố Thủ Đức[14]. Đây là giải pháp mang tính đột phá, bởi nếu không có quy hoạch thì sự điều hành của chính quyền thành phố theo cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền rất dễ dẫn tới sự phát triển tự phát, tùy tiện, lộn xộn và trong tương lai sẽ phá hủy các mục tiêu phát triển bền vững của Thành phố. Do đó, ban hành quy hoạch là cơ sở cho hoạt động quản trị thành phố, cũng là công cụ để kiểm soát hoạt động điều hành của chính quyền thành phố./.
 

 


[1] Đề án số 591/ĐA-CP của Chính phủ ban hành ngày 11/11/2020 về thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh (Đề án số 591/ĐA-CP), tr.4.
[2] Đề án số 591/ĐA-CP, tr. 55-63.
[3] Đề án số 591/ĐA-CP.
[4] Số liệu theo Đề án số 591/ĐA-CP, Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14.
[5] Trung tâm bồi dưỡng chính trị, nhà thiếu nhi.
[6] Trung tâm TDTT, BQL dự án đầu tư xây dựng khu vực, Ban bồi thường GPMB, Trung tâm văn hóa, TTGDTX-Nghề nghiệp.
[7] Bộ Nội vụ, Tháo gỡ những khó khăn liên quan đến vận hành chính quyền đô thị, https://moha.gov.vn/75-nam/van-ban-huong-dan/thao-go-nhung-kho-khan-lien-quan-den-viec-van-hanh-chinh-quyen-do-thi-47664.html, truy cập ngày 12/9/2022; Bộ trưởng Nội vụ: Khó ủy quyền hoàn toàn cho TP. Thủ Đức, https://vnexpress.net/bo-truong-noi-vu-kho-uy-quyen-hoan-toan-cho-tp-thu-duc-4479377.html, truy cập ngày 12/9/2022.
[8] Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh, Phân cấp, trao quyền xây dựng, quản lý và phát triển TP. Thủ Đức, https://ttbc-hcm.gov.vn/phan-cap-trao-quyen-xay-dung-quan-ly-va-phat-trien-tp-thu-duc-18507.html, truy cập ngày 12/9/2022.
[9] Báo cáo số 128/BC-UBND ngày 15/7/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Sơ kết 01 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
[10] Xem Đề án số 591/ĐA-CP.
[11] Đề án số 591/ĐA-CP của Chính phủ ban hành ngày 11/11/2020 về thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, trang 70.
[12] Nghị quyết số 08-NC/TU ngày 31/12/2021 của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về phương hướng, nhiệm vụ và một số cơ chế phát triển TP. Thủ Đức giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trang 6.
[13] Báo cáo số 128/BC-UBND của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh ngày 15/7/2022 Sơ kết 01 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ, trang 6.
[14] Đề án số 591/ĐA-CP của Chính phủ ban hành ngày 11/11/2020 về thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, trang 65 đến 68; Nghị quyết số 08-NC/TU ngày 31/12/2021 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về phương hướng, nhiệm vụ và một số cơ chế phát triển thành phố Thủ Đức giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trang 3.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 01+02 (473+474), tháng 01/2023.)


Thống kê truy cập

32755664

Tổng truy cập