Hoàn thiện pháp luật về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng

01/08/2012

LÊ NGUYỄN GIA THIỆN

Học viên Cao học luật khóa 13, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Hội đồng trọng tài (HĐTT) đóng vai trò quyết định trong cả quá trình tố tụng trọng tài, bởi lẽ, đây là các thẩm phán tư nhân[1], những người sẽ đứng ra giải quyết tranh chấp phát sinh giữa bên các đương sự. Số lượng thành viên của HĐTT (gọi tắt là số lượng trọng tài viên - TTV) là vấn đề rất quan trọng, vì số lượng TTV trong các trường hợp khác nhau sẽ mang đến những hệ quả pháp lý khác nhau, và ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích của các bên khi tham gia tố tụng. Tố tụng trọng tài thượng tôn nguyên tắc thỏa thuận, nên các bên có toàn quyền trong việc thỏa thuận về số TTV sẽ tham gia HĐTT. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận, pháp luật các nước cũng như quy chế các tổ chức trọng tài uy tín đều có quy định về việc sẽ áp dụng một số lượng TTV bắt buộc để đảm bảo cho quá trình tố tụng vẫn được tiếp diễn.
Untitled_560.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Số lượng Trọng tài viên trong Hội đồng trọng tàido các bên thỏa thuận
Pháp luật trọng tài Việt Nam có đề cập cụ thể về số lượng TTV trong Hội đồng tại khoản 1 Điều 39 Luật Trọng tài Thương mại 2010 (Luật TTTM 2010) có hiệu lực từ 1/1/2011, nhưng lại đặt dưới tiêu đề là Thành phần HĐTT[2]: Thành phần HĐTT có thể bao gồm một hoặc nhiều TTV theo sự thỏa thuận của các bên.
Trong tố tụng trọng tài, sự thỏa thuận của các bên luôn được tôn trọng, các bên có quyền thỏa thuận có sử dụng trọng tài làm cơ quan tài phán để giải quyết hay không, có quyền thỏa thuận chọn trọng tài quy chế hay trọng tài vụ việc… và tất nhiên, các bên cũng có quyền chọn số lượng TTV sẽ tham gia giải quyết tranh chấp. Luật TTTM 2010 cũng quy định theo hướng này, theo đó, luật cho phép các bên tự do lựa chọn số lượng TTV khi thành lập HĐTT. Các bên có thể thỏa thuận về việc HĐTT được cấu thành bởi một hay nhiều TTV. Trường hợp HĐTT chỉ bao gồm một TTV duy nhất rất cụ thể và tương đối đơn giản nên chúng tôi xin phép không bàn sâu. Tuy nhiên, vấn đề rắc rối lại phát sinh khi HĐTT được thành lập từ nhiều TTV. Theo ngôn ngữ phổ thông, thì nhiều TTV có thể được hiểu là hai, ba, bốn, năm thậm chí sáu, bảy… TTV. Cách quy định không rõ như vậy của Luật TTTM 2010 trên thực tế sẽ phát sinh nhiều điều bất cập.
Pháp luật trọng tài của một số quốc gia và tổ chức trên thế giới cũng quy định tương tự như khoản 1 Điều 39 Luật TTTM 2010 của Việt Nam. Khoản 1 Điều 10 Luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế của UNCITRAL cho phép các bên toàn quyền trong việc thỏa thuận sẽ có bao nhiêu TTV tham gia HĐTT. Tuy nhiên, khi đề cập đến trường hợp các bên đã đạt được thỏa thuận về số lượng TTV, nhưng không chỉ định được TTV thì Khoản 3 Điều 11 Luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế của UNCITRAL cũng chỉ gói gọn ở hai khả năng là HĐTT bao gồm một hoặc ba TTV.
Các quốc gia điển hình cho hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa như Đức, Pháp, Italia và Hà Lan không có luật trọng tài độc lập, các quy định về tố tụng trọng tài của các quốc gia này được lồng ghép vào Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS)[3]. Tuy nhiên, khi đề cập đến quyền tự do chọn số lượng thành viên cho HĐTT thì duy chỉ có luật của Đức (tại khoản 1 Điều 1034 BLTTDS Đức) là quy định tương tự như khoản 1 Điều 39 Luật TTTM 2010 của Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật trọng tài của Anh, Singapore, và Nhật Bản cũng quy định theo hướng không giới hạn quyền tự do lựa chọn số lượng TTV của HĐTT[4].
1.1. Số lượng TTV là số lẻ
Về mặt lý luận, HĐTT có thể bao gồm ba hay năm, bảy… TTV do các bên thỏa thuận. Tuy vậy, số lượng TTV là ba được xem là con số lý tưởng nhất trong tố tụng trọng tài. Vì, kể cả trong trường hợp trọng tài quy chế cũng như trọng tài vụ việc, nguyên đơn sẽ chọn một TTV, bị đơn chọn một TTV và hai TTV này sẽ chọn một TTV thứ ba làm Chủ tịch HĐTT[5]. Điều này đảm bảo tính công bằng trong tố tụng trọng tài, khi mỗi bên đương sự có “một thẩm phán do mình tự lựa chọn”[6]. Hơn nữa, khi tham gia vào quan hệ thương mại quốc tế, ngôn ngữ, văn hóa và luật lệ giữa các bên đương sự là rào cản không nhỏ cho việc giải quyết tranh chấp của HĐTT. Vì thế, để nguyên đơn cũng như bị đơn được quyền chỉ định các TTV theo ý mình sẽ đảm bảo được sự an tâm của các đương sự khi tham gia vào quá trình tố tụng. Ngoài ra, khi HĐTT thảo luận để đưa ra phán quyết trọng tài, số lượng TTV là ba người cũng mang đến nhiều điều thuận lợi: đảm bảo sự xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng giữa các ý kiến bào chữa cũng như cáo buộc của các bên, đảm bảo cho việc đưa ra phán quyết trọng tài không mang tính chủ quan như trường hợp một TTV duy nhất.  
Nếu số lượng TTV không phải là ba, thì có thể là năm, bảy thậm chí là chín… hay không? Trên thực tế, số lượng TTV rất hiếm khi là con số năm, bảy, chín…[7], bởi vì việc chỉ định nhiều hơn ba TTV thường không khả thi[8] vì chi phí trong tố tụng trọng tài rất cao, nếu số lượng thành viên HĐTT nhiều sẽ dẫn đến việc các bên phải trả một chi phí lớn hơn số lượng là ba TTV; hơn nữa nếu có quá nhiều TTV, quá trình tố tụng sẽ kéo dài và không hiệu quả. Qua các lập luận trên, có thể thấy rằng ba TTV hợp thành HĐTT là giải pháp lý tưởng và thực tế nhất.
Trước khi Luật TTTM có hiệu lực, Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 (Pháp lệnh TTTM 2003) tại Điều 4 cũng có đề cập đến vấn đề số lượng TTV của HĐTT, tuy không tách ra thành một điều luật riêng như Luật TTTM 2010. Theo đó, HĐTT gồm ba TTV hoặc TTV duy nhất do các bên thoả thuận. Pháp lệnh TTTM 2003 quy định “đóng khung” số lượng TTV ở hai trường hợp, đó là một hoặc ba TTV. Cách quy định của Pháp lệnh TTTM 2003 có quá cứng nhắc hay không khi chỉ cho phép số lượng TTV trong HĐTT là một hoặc ba người. Chúng tôi cho rằng, việc quy định như Pháp lệnh TTTM 2003 là hợp lý, hơn nữa đã hạn chế được nhiều bất cập khi các bên thỏa thuận về số lượng TTV như phần trên đã trình bày.
Khi đề cập đến số lượng TTV của HĐTT do các bên thỏa thuận là một số lẻ, pháp luật các quốc gia và tổ chức trên thế giới có nhiều cách tiếp cận rất khác nhau. Tuy nhiên, tựu trung lại, có thể phân ra thành hai quan điểm: quan điểm thứ nhất cho rằng số lượng TTV có thể là một hoặc ba; quan điểm thứ hai lại cho rằng số lượng TTV là một số lẻ. Tiêu biểu cho quan điểm thứ nhất là quy định của Quy tắc tố tụng trọng tài của Phòng Thương mại quốc tế (ICC), Quy tắc trọng tài quốc tế của Hiệp hội trọng tài Hoa kỳ (AAA), Công ước về trọng tài thương mại của các nước Ả Rập và Luật Trọng tài Trung Quốc[9]. Các văn bản này chỉ chấp nhận số lượng TTV là một hoặc ba. Nếu số lượng TTV khác hai số này, thì coi như các bên không có thỏa thuận về số lượng TTV của HĐTT. Đại diện cho quan điểm thứ hai là các quy định tại phần Tố tụng trọng tài của BLTTDS Pháp, Italia và Hà Lan[10]. Các quy định này cho phép các bên thỏa thuận về số lượng thành viên của HĐTT là một số không chẵn. Về mặt ngữ nghĩa, số không chẵn được hiểu là một số lẻ, tuy nhiên, về mặt pháp lý quy định như các BLTTDS của Pháp, Italia và Hà Lan mang ý nghĩa sâu sắc. Các BLTTDS này tuyệt đối không cho phép số lượng thành viên HĐTT là một con số chẵn, vì nó có thể phát sinh nhiều vấn đề rắc rối.
1.2. Số lượng TTV là số chẵn
Khoản 1 Điều 39 Luật TTTM 2010 của Việt Nam và pháp luật trọng tài của một số quốc gia và tổ chức trên thế giới cho phép các bên lựa chọn số lượng TTV của HĐTT, nghĩa là, luật không loại trừ khả năng các bên sẽ thỏa thuận chọn số người tham gia HĐTT là một con số chẵn. Như vậy, về mặt lý luận, HĐTT có thể tạo thành từ hai, bốn, thậm chí sáu, tám… thành viên. Tuy nhiên, từ góc độ thực tế, mọi chuyện lại không đơn giản như quy định tại điều này.
Trên thực tế, ở Việt Nam, việc HĐTT gồm một số chẵn thành viên là không tồn tại. Bởi lẽ, nếu số TTV là một số chẵn sẽ dẫn đến một hệ quả là số lượng TTV ủng hộ nguyên đơn bằng với số lượng TTV ủng hộ bị đơn. Và, điều này hoàn toàn có thể làm phán quyết trọng tài không được thông qua khi các TTV trong hội đồng không thể biểu quyết theo nguyên tắc đa số (số phiếu thuận và số phiếu chống bằng nhau). Mặc dù Luật TTTM 2010 không cấm việc các bên thỏa thuận số lượng TTV là một số chẵn, nhưng nội tại trong văn bản luật, vẫn không thể tìm thấy giải pháp hợp lý nào để giải quyết trường hợp này. Điều 40 và Điều 41 Luật TTTM 2010 quy định về việc thành lập HĐTT tại Trung tâm trọng tài và thành lập HĐTT vụ việc cũng chỉ đề cập theo hướng HĐTT được cấu thành từ một hoặc ba TTV. Điều 4 Pháp lệnh TTTM 2003 chỉ cho phép HĐTT được bao gồm một hoặc ba TTV, nên việc số lượng TTV của HĐTT là số chẵn không thể xảy ra. Vì vậy, quy định của Pháp lệnh TTTM 2003 về số lượng thành viên của HĐTT cụ thể và phù hợp hơn so với Luật TTTM 2010.
Trong thực tiễn thương mại quốc tế, các bên thường không chọn HĐTT gồm hai hoặc một số chẵn TTV, bởi vì điều này sẽ dẫn đến rất nhiều bất cập: trong số các TTV ai sẽ là người quyết định, và nếu HĐTT không thể thông qua phán quyết trọng tài do số phiếu thuận và chống bằng nhau thì các bước tiếp theo của quá trình tố tụng sẽ được giải quyết như thế nào. Chính vì lẽ đó, có thể nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, không nên chỉ định một HĐTT gồm hai hoặc một số chẵn các TTV[11].
Phần tố tụng trọng tài trong BLTTDS Hà Lan tại khoản 3 Điều 1026 có đề cập đến trường hợp các bên thỏa thuận chọn một số chẵn TTV để lập thành HĐTT. Tuy nhiên, nếu như các bên thỏa thuận HĐTT gồm một số chẵn TTV thì các TTV này phải bầu chọn thêm một TTV nữa để làm Chủ tịch HĐTT. Quy định này, về mặt bản chất, cũng không thoát khỏi nguyên tắc số lượng TTV không chẵn theo khoản 1 Điều 1026 Bộ luật này.
Tương tự như khoản 2 Điều 1026 của BLTTDS Hà Lan, khoản 2 Điều 15 Luật Trọng tài Anh cũng quy định rằng, nếu các bên không có thỏa thuận nào khác, và trong trường hợp các bên thỏa thuận về số lượng TTV của HĐTT là một con số chẵn, thì phải bổ sung thêm một TTV nữa để làm Chủ tịch HĐTT. Vậy, nếu các bên thỏa thuận cụ thể rằng HĐTT giải quyết tranh chấp sẽ bao gồm hai TTV thì cũng không thể xem là trái luật được. Luật trọng tài của Anh cho phép các bên được toàn quyền thỏa thuận về việc có chọn Chủ tịch HĐTT hay không. Nếu các bên không chọn Chủ tịch Hội tịch HĐTT thì HĐTT có thể lập bởi một số chẵn TTV. Luật Trọng tài Anh khi cho phép các bên thỏa thuận lập HĐTT gồm một số chẵn TTV, thì cũng đã dự liệu khi HĐTT kiểu này thông qua phán quyết trọng tài sẽ giải quyết như thế nào. Theo đó, các bên được quyền thỏa thuận về cách thức thông qua phán quyết trọng tài, nếu không thỏa thuận thì sẽ biểu quyết theo nguyên tắc đa số (Điều 22 Luật Trọng tài Anh). Thế nhưng, căn cứ vào quy định này, Luật trọng tài Anh không đưa ra được một giải pháp nào để giải quyết trường hợp số lượng thành viên HĐTT biểu quyết thuận và chống bằng nhau. Từ các lập luận trên, có thể thấy rằng, trong các tranh chấp, đặc biệt là các tranh chấp gay gắt, thì tốt hơn hết nên có ai đó đứng ra làm Chủ tịch HĐTT[12] để đảm bảo rằng quá trình tố tụng trọng tài sẽ đi đến cùng, và phán quyết trọng tài sẽ được thông qua. Chủ tịch HĐTT theo Luật Trọng tài Anh có thể được hình thành từ thỏa thuận của các bên, cũng như theo quy định của luật. Khi thông qua phán quyết trọng tài, quan điểm của Chủ tịch HĐTT thường mang tính quyết định. Bên cạnh chế định Chủ tịch HĐTT, Luật Trọng tài Anh còn có một chế định rất thú vị, đó là chế định Umpire. Do Luật TTTM 2010 của Việt Nam không đề cập về chế định này, và pháp luật trọng tài Việt Nam cũng không có bất kỳ một quy định tương ứng nào với chế định này, do đó, chúng tôi xin phép được để nguyên tên gọi là chế định Umpire. Umpire không phải là một thành viên của HĐTT, nhân vật pháp lý này do các TTV thỏa thuận lập nên khi các TTV trong Hội đồng không đạt được sự thống nhất ý kiến biểu quyết (khoản 5 Điều 21 Luật trọng tài Anh). Umpire sẽ thay thế toàn bộ HĐTT, và đóng vai trò là một TTV duy nhất, toàn quyền trong việc đưa ra phán quyết trọng tài. Nhân vật Umpire này có thể được xem như là “trọng tài của các trọng tài”,bởi nhân vật này không chỉ xem xét nội dung vụ tranh chấp mà còn xem xét, đánh giá cả các nhận xét của các TTV trong Hội đồng khi đưa ra các quyết định của mình.
Trong một số trường hợp, như quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và thương sự Sài Gòn 1972 (BLTTDSTS), bộ luật này đề cập cụ thể rằng các bên trong tranh chấp có quyền chọn cử một hoặc nhiều Trọng tài mà tổng số có thể là một số chẵn (Điều 486 BLTTDSTS). Khi biểu quyết mà có sự đồng số phiếu giữa các TTV, BLTTDSTS dự liệu thông qua hai trường hợp: Trường hợp thứ nhất, Thỏa thuận trọng tài (khế ước trọng tài) cho phép chọn cử một TTV thứ ba (đệ tam trọng tài). Trong trường hợp này, các TTV trong Hội đồng sẽ chọn cử một người làm TTV thứ ba, người này sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng. Nếu các TTV không thỏa thuận được việc chọn cử TTV thứ ba, và theo thỉnh cầu của đương sự mẫn cán nhất, chánh án tòa sơ thẩm nơi họp trọng tài sẽ chỉ định TTV thứ ba. Trường hợp thứ hai, khế ước trọng tài không dự liệu việc chọn TTV thứ ba. Trong trường hợp này, việc có sự đồng số phiếu giữa các TTV sẽ là nguyên cớ để chấm dứt khế ước trọng tài[13]. Chúng tôi cho rằng, quy định như khoản 3 Điều 491 BLTTDSTS là không hợp lý, bởi lẽ, đến khi HĐTT đưa ra phán quyết, quá trình tố tụng trọng tài đã diễn ra nhiều giai đoạn và làm phát sinh nhiều chi phí cho các bên đương sự. Nếu quá trình tố tụng không đi đến cùng và chấm dứt một cách thiếu thuyết phục như vậy, thì quyền lợi hợp pháp của các đương sự sẽ không được bảo đảm.  
2. Số lượng TTV trong HĐTT không do các bên thỏa thuận
Pháp luật trọng tài Việt Nam hiện hành có đề cập cụ thể về trường hợp các bên không thỏa thuận có bao nhiêu TTV trong HĐTT. Theo đó, nếu các bên không có thỏa thuận về số lượng TTV thì HĐTT bao gồm ba TTV (khoản 2 Điều 39 Luật TTTM 2010). Quy định này xác định rõ số lượng TTV khi các bên không thỏa thuận là ba, chúng tôi cho rằng đây là một quy định hợp lý và phù hợp thông lệ quốc tế. Trước đây, Pháp lệnh TTTM 2003 quy định rằng, HĐTT được cấu thành bởi một hoặc ba TTV. Tuy nhiên, Pháp lệnh TTTM 2003 không quy định rõ, khi các bên không thỏa thuận thì số lượng TTV của Hội đồng sẽ là bao nhiêu. Căn cứ vào khoản 1, khoản 4 Điều 25 và khoản 1, khoản 5 Điều 26, chúng tôi cho rằng Pháp lệnh TTTM 2003, dù không quy định rõ, nhưng cũng đã lập luận theo hướng nếu các nên không có thỏa thuận gì khác thì HĐTT sẽ gồm ba thành viên.  
Khi đề cập đến việc các bên không đạt được sự thỏa thuận về số thành viên của HĐTT, pháp luật các nước và các tổ chức trên thế giới đi theo nhiều hướng khác nhau, theo đó, số lượng thành viên Hội đồng sẽ là: một TTV; ba TTV; và, một hoặc ba TTV. Theo một số học giả, dường như, số lượng TTV trong HĐTT khi các bên không thỏa thuận, mang bản chất của truyền thống pháp luật mà quốc gia, tổ chức chịu ảnh hưởng[14]. Các nước chịu ảnh hưởng của hệ thống thông luật (hệ thống pháp luật Anh - Mỹ) như Anh, Singapore ấn định số thành viên HĐTT là một người khi các bên không có thỏa thuận, Quy tắc tố tụng trọng tài của ICC cũng quy định theo hướng này[15]. Chúng tôi cho rằng, vì các nước theo hệ thống thông luật thường ưu tiên yếu tố nhanh chóng, thực dụng khi giải quyết tranh chấp, nên chọn số lượng TTV là một để dễ thông qua phán quyết trọng tài. Trái lại, các nước theo hệ thống dân luật (hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa) lại quy định số thành viên HĐTT là ba khi các bên không thỏa thuận về số lượng TTV, Luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế của UNCITRAL cũng quy định theo hướng tương tự[16]. Theo nhận định của chúng tôi, vì hệ thống dân luật chuộng tính chặt chẽ, trọng lý luận nên khi các bên không thỏa thuận về số lượng TTV thì Hội đồng sẽ bao gồm ba TTV, điều này phù hợp với tính lý luận, chặt chẽ của hệ thống dân luật. Trường hợp số lượng trọng tài khi các bên không thỏa thuận là một hoặc ba sẽ tùy thuộc trị giá cũng như mức độ phức tạp của vụ tranh chấp giữa các bên đương sự[17]. Ví dụ: Quy tắc tố tụng trọng tài của Tòa án trọng tài thường trực tại Phòng thương mại Croatia (gọi tắt là Quy tắc Zagreb) quy định rằng: nếu vụ tranh chấp có trị giá từ 50.000 euro trở xuống thì sẽ do một TTV duy nhất giải quyết, nếu giá trị vụ tranh chấp lớn hơn 50.000 euro thì sẽ do ba TTV giải quyết[18].  
3. Một số kiến nghị
Qua các phân tích, bình luận về số lượng TTV trong HĐTT theo pháp luật Việt Nam và pháp luật, quy định của một số quốc gia, tổ chức trên thế giới, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện quy định về số lượng thành viên HĐTT như sau:
Một là, sửa tiêu đề Thành phần HĐTT tại Điều 39 Luật TTTM 2010. Từ “thành phần” có nghĩa là “tập hợp người có cùng tiêu chí nào đó, nằm trong một tập hợp người lớn hơn”[19], ví dụ: thành phần nữ trong Ban giám đốc, thành phần giai tầng trong xã hội. Trong khi đó, từ “số lượng” lại đơn thuần là “con số biểu thị sự có nhiều hay có ít”[20].Về mặt bản chất, những ai chỉ cần đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 20 Luật TTTM thì có thể trở thành TTV, bất chấp các vấn đề nhân thân như giới tính, tôn giáo… Hơn nữa, Điều 39 Luật TTTM lại hoàn toàn chỉ đơn thuần đề cập đến số lượng TTV trong HĐTT. Vì thế, để cho phù hợp với nội dung của Điều 39 Luật TTTM 2010, chúng tôi kiến nghị sửa tiêu đề Thành phần HĐTT thành Số lượng TTV trong HĐTT.
Hai là, như đã phân tích ở trên, việc Điều 39 LTTTM 2010 quy định rằng: “Thành phần HĐTT có thể bao gồm một hoặc nhiều TTV theo sự thỏa thuận của các bên”, về mặt lý luận, sẽ dẫn đến rất nhiều vấn đề bất cập mà chúng tôi đã phân tích. Vì thế, chúng tôi kiến nghị rằng, nên sửa khoản 1 Điều 39 Luật TTTM 2010 theo hướng như quy định tại Điều 4 Pháp lệnh TTTM 2003. Cụ thể Điều 39 Luật TTTM sẽ được sửa lại thành:
Điều 39. Số lượng TTV trong HĐTT.
1. HĐTT có thể bao gồm một hoặc ba TTV tùy theo thỏa thuận của các bên.
2. Trường hợp các bên không có thoả thuận về số lượng TTV thì HĐTT bao gồm ba TTV.
Ba là, do tố tụng trọng tài thượng tôn nguyên tắc tự do thỏa thuận của các bên, do đó, khi các bên soạn thảo thỏa thuận trọng tài, lý tưởng nhất, các bên nên thỏa thuận cụ thể rằng: “Tranh chấp phát sinh sẽ do HĐTT gồm ba TTV giải quyết”./.

 


[1] Nguyễn Huy Đẩu, Luật Dân sự tố tụng Việt Nam, Xuất bản dưới sự bảo trợ của Bộ Tư pháp, Sài Gòn, 1962, tr. 225.
[2]Việc sử dụng thuật ngữ “thành phần Hội đồng trọng tài” về mặt ngữ nghĩa, theo chúng tôi, là chưa hợp lý. Vấn đề này sẽ được bàn luận kỹ ở phần Một số kiến nghị.
[3]Tương ứng là các Quyển X BLTTDS Đức, Quyển IV BLTTDS Pháp, Quyển IV BLTTDS Italia , và Quyển IV BLTTDS Hà Lan.
[4] Khoản 1 Điều 15 Luật Trọng tài Anh, khoản 1 Điều 12 Luật Trọng tài Singapore, và khoản 1 Điều 16 Luật Trọng tài Nhật Bản.
[5]Nếu các bên không chọn được trọng tài viên hoặc các trọng tài viên không chọn được Chủ tịch Hội đồng trọng tài thì, đối với trọng tài quy chế, Chủ tịch Trung tâm trọng tài sẽ chỉ định, còn đối với trọng tài vụ việc sẽ do Tòa án có thẩm quyền giải quyết (Điều 40, 41 Luật TTTM 2010).
[6] Tập thể tác giả: Alan Redfern, Martin Hunter, Nigel Blackaby và Constantine Partasides, Pháp luật và thực tiễn Trọng tài thương mại quốc tế, Nxb. Sweet & Maxwell, Luân Đôn, 2004, tr.222.
[7] Trên thực tế, số lượng trọng tài viên là năm hay bảy rất hãn hữu, và điều này chủ yếu mang tính chính trị hơn là kinh doanh, thương mại. Xem: Tập thể tác giả Alan Redfern, Martin Hunter, Nigel Blackaby và Constantine Partasides, Pháp luật và thực tiễn Trọng tài thương mại quốc tế, Nxb. Sweet & Maxwell, Luân Đôn, 2004, tr.223.
 
[8] Trung tâm thương mại quốc tế UNTAD, Trọng tài và phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn, Bản dịch của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), 2003, tr.109.
[9] Khoản 1 Điều 8 Quy tắc tố tụng trọng tài của ICC, Điều 5 Quy tắc trọng tài quốc tế của Hiệp hội trọng tài Hoa Kỳ, khoản 1 Điều 15 Công ước về trọng tài thương mại của các nước Ả Rập và Điều 30 Luật trọng tài Trung Quốc.
[10] Điều 1453 BLTTDS Pháp, đoạn 1 Điều 809 BLTTDS Italia, khoản 1 Điều 1026 BLTTDS Hà Lan.
[11] Tập thể tác giả: Alan Redfern, Martin Hunter, Nigel Blackaby và Constantine Partasides, sđd, tr.221, 223.
[12]Tập thể tác giả: Alan Redfern, Martin Hunter, Nigel Blackaby và Constantine Partasides, sđd, tr.221.
[13] Khoản 3 Điều 491, Điều 495 BLTTDSTS.
[14] Alan Uzelac, Number of Arbitrators and Dicisions of Arbitral Tribunals, Tạp chí Arbitration International, quyển 23, số 4, 2007, tr.579. 
[15] Khoản 3 Điều 15 Luật Trọng tài Anh, khoản 2 Điều 12 Luật Trọng tài Singapore, khoản 2 Điều 8 Quy tắc tố tụng trọng tài của ICC.       
[16]Khoản 1 Điều 1034 BLTTDS Đức, Điều 809 BLTTDS Italia, khoản 2 Điều 10 Luật Trọng tài Nga, khoản 2 Điều 10 Luật mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế của UNCITRAL.
[17] Khoản 2 Điều 1026 BLTTDS Hà Lan, khoản 2 Điều 6 Quy tắc trọng tài quốc tế của Thụy Sỹ, khoản 2, khoản 3 Điều 16 Luật Trọng tài Nhật Bản, Điều 5 Quy tắc Trọng tài quốc tế của Hiệp hội trọng tài Hoa kỳ (AAA).
[18]Alan Uzelac, Number of Arbitrators and Dicisions of Arbitral Tribunals, Tạp chí Arbitration International, quyển 23, số 4, 2007, tr.579.
[19] Tập thể tác giả: Chu Bích Thu, Nguyễn Ngọc Trâm, Nguyễn Thị Thanh Nga, Nguyễn Thúy Khanh và Phạm Hùng Việt, Từ điển Tiếng Việt phổ thông, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.840.
[20] Tập thể tác giả: Chu Bích Thu, Nguyễn Ngọc Trâm, Nguyễn Thị Thanh Nga, Nguyễn Thúy Khanh và Phạm Hùng Việt, sđd, tr. 793.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 15(223), tháng 8/2012)


Thống kê truy cập

33063403

Tổng truy cập