Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng trong các văn bản pháp luật chuyên ngành

01/08/2012

TS. ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ

Văn phòng Bộ Tư pháp.

ThS. NGUYỄN NGỌC LINH

Đại học Nội vụ Hà Nội.

1. Khái quát chế định hợp đồng ở Việt Nam
Theo Điều 388 Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS), thì "Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, hợp đồng là một “giao kèo” về quyền và nghĩa vụ của các bên khi thực hiện một hành vi trong xã hội.
Hiện nay, Nhà nước ta đã ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh cụ thể từng vấn đề liên quan đến hợp đồng. Chúng tôi không nghiên cứu toàn bộ hệ thống pháp luật về hợp đồng mà tập trung ở một số quan hệ hợp đồng trong các lĩnh vực như thương mại, KDBĐS, bảo hiểm và lao động.
Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hợp đồng thương mại: Hợp đồng thương mại là thỏa thuận của chủ thể hợp đồng nhằm thực hiện một hoạt động thương mại bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động sinh lời khác. Hiện nay có hai văn bản chủ yếu điều chỉnh quan hệ hợp đồng thương mại là: BLDS và Luật Thương mại năm 2005. Bên cạnh đó, quan hệ hợp đồng thương mại còn chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành như: Bộ luật Hàng hải, Luật Hải quan, Luật Trọng tài thương mại...
Các quy định về hợp đồng trong BLDS sẽ được áp dụng với mọi quan hệ hợp đồng, không phân biệt hợp đồng dân sự hay hợp đồng trong kinh doanh[1]. Trong khi đó, Luật Thương mại tập trung quy định những vấn đề chi tiết liên quan đến thực hiện hợp đồng: giao nhận hàng hóa, chuyển rủi ro hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thanh toán, áp dụng chế tài khi có hành vi vi phạm và giải quyết tranh chấp thương mại. Vì vậy, khi tiến hành thực hiện một quan hệ hợp đồng thương mại, các chủ thể hợp đồng không thể tách rời hệ thống các quy định của pháp luật nằm trong hai văn bản pháp luật này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phương thức xác định một quan hệ hợp đồng có yếu tố thương mại. Theo Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại thì yếu tố thương mại trong hợp đồng được thể hiện qua mục đích sinh lợi khi thực hiện quan hệ của các chủ thể. Tuy nhiên, mục đích sinh lợi là một vấn đề khó xác định, vì ý thức về việc thu lợi nhuận nằm trong đầu óc của nhà kinh doanh[2]. Có những yếu tố sinh lợi mang tính trực tiếp, nhưng có những yếu tố sinh lợi chỉ mang tính gián tiếp; có yếu tố sinh lợi thuộc về cả hai chủ thể trong quan hệ hợp đồng, có yếu tố sinh lợi chỉ thuộc về một bên khi thực hiện hợp đồng. Việc đưa ra các tiêu chí cụ thể để xác định quan hệ hợp đồng thương mại cũng là một điều cần thiết trong điều kiện phức tạp của các quan hệ hợp đồng hiện nay.
Thứ hai, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hợp đồng kinh doanh bất động sản (KDBĐS). Hợp đồng KDBĐS được chia thành hai loại hợp đồng chính: hợp đồng KDBĐS và hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản (Khoản 1 Điều 4 Luật KDBĐS năm 2006- Luật KDBĐS). Hợp đồng KDBĐS bao gồm: hợp đồng mua bán nhà, công trình xây dựng; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; hợp đồng thuê bất động sản; hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng. Hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản bao gồm: hợp đồng môi giới bất động sản; hợp đồng định giá bất động sản; hợp đồng tư vấn bất động sản; hợp đồng đấu giá bất động sản; hợp đồng quảng cáo bất động sản; hợp đồng quản lý bất động sản (Khoản 1, 2 Điều 67 Luật KDBĐS). Điều chỉnh quan hệ hợp đồng KDBĐS chủ yếu là những quy định của Luật Đất đai năm 2003 (LĐĐ), Luật Nhà ở năm 2005 và Luật KDBĐS. Ngoài ra, những vấn đề cơ bản liên quan đến hợp đồng vẫn thuộc điều chỉnh chung của BLDS.
Thứ ba, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hợp đồng bảo hiểm (HĐBH). Khoản 1 Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (Luật KDBH), đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2010, định nghĩa: "HĐBH là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm". HĐBH được chia làm ba loại: HĐBH con người, HĐBH tài sản, HĐBH trách nhiệm dân sự.
Luật KDBH là văn bản pháp luật quan trọng nhất điều chỉnh quan hệ HĐBH; bên cạnh đó là những quy định chung được ghi nhận trong BLDS. Tuy nhiên, khái niệm HĐBH được quy định tại Điều 567 BLDS lại có điểm khác biệt với khái niệm được quy định tại Luật KDBH về chủ thể thụ hưởng bảo hiểm. Theo Điều 567 BLDS, “HĐBH là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, còn bên bảo hiểm phải trả một khoản tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”. Như vậy, BLDS đã không quy định cụ thể về bên thụ hưởng bảo hiểm mà chỉ quy định chung chung về bên được bảo hiểm, điều này dễ dẫn đến các tranh chấp trên thực tế, vì có một số trường hợp xảy ra, nếu áp dụng BLDS và Luật KDBH sẽ ra những phương án và kết quả khác nhau. Ví dụ như quy định về bảo hiểm tính mạng (theo BLDS) hay bảo hiểm con người cho trường hợp chết (theo Luật KDBH). Điều 578 BLDS quy định: “…nếu bên được bảo hiểm chết thì tiền bảo hiểm được trả cho người thừa kế của bên được bảo hiểm”. Như vậy, theo BLDS, khoản tiền bảo hiểm được trả cho người thừa kế của bên được bảo hiểm. Nhưng theo Luật KDBH thì tiền bảo hiểm sẽ được trả cho người thụ hưởng - tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo HĐBH con người (Khoản 8 Điều 3 Luật KDBH). Theo đó, người hưởng tiền bảo hiểm có thể không phải là người thừa kế của bên được bảo hiểm. Vì vậy, việc làm rõ mối quan hệ giữa BLDS và Luật KDBH là rất quan trọng, nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh từ HĐBH.
Thứ tư, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hợp đồng lao động (HĐLĐ). HĐLĐ là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động (Điều 26 Bộ luật Lao động năm 1994 sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006 - BLLĐ). Đối tượng của HĐLĐ là việc làm, HĐLĐ được xác lập một cách bình đẳng song phương, hành vi giao kết hợp đồng là điều kiện ràng buộc giữa người sử dụng lao động và người lao động[3]. Những quy định của pháp luật về một số vấn đề liên quan đến HĐLĐ tập trung chủ yếu tại BLLĐ và các văn bản dưới luật khác. Thực tế hiện nay cho thấy, các quy định này vẫn còn tương đối sơ sài so với mức độ phức tạp của HĐLĐ, một trong những công cụ quan trọng để bảo vệ quyền lợi của các chủ thể tham gia, đặc biệt là người lao động.
2. Hoàn thiện pháp luật vềhợp đồng trong các văn bản luật chuyên ngành
2.1. Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng thương mại
Các quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa
Luật Thương mại quy định các vấn đề thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa trên cơ sở tiếp thu quan điểm “tôn trọng tối đa tự do thỏa thuận”[4] giữa các chủ thể hợp đồng của WTO và Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG). Tôn trọng nguyên tắc này trong quá trình xây dựng Luật Thương mại tạo điều kiện tốt cho Việt Nam hội nhập nền kinh tế thế giới nhưng cũng đặt ra những khó khăn cho các chủ thể trong quá trình thực hiện hợp đồng. Điển hình như Luật Thương mại năm 1997 quy định nội dung chủ yếu của hợp đồng tại Điều 50: “1) Tên hàng; 2) Số lượng; 3) Quy cách, chất lượng; 4) Giá cả; 5) Phương thức thanh toán; 6) Địa điểm và thời hạn giao nhận hàng…”. Đây này là cơ sở để các chủ thể xác định được nội dung cơ bản của hợp đồng mua bán hàng hóa và ghi nhận vào hợp đồng, hạn chế rủi ro khi giao kết, đặc biệt là đối với các chủ thể có hiểu biết hạn chế về pháp luật. Tuy nhiên, đến Luật Thương mại, nhà làm luật lại bỏ quy định này, thay vào đó là những quy định về khắc phục hậu quả pháp lý nếu hợp đồng không có những điều khoản cơ bản như: Khoản 2 Điều 35 về trường hợp không có thỏa thuận về địa điểm giao hàng; Khoản 3 Điều 37 về trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng; Khoản 1 Điều 39 về trường hợp không có thỏa thuận về chất lượng hàng hóa; Điều 52 về trường hợp không có thỏa thuận về giá..., nhưng chính những quy định này cũng không thật sự rõ ràng, gây khó khăn cho các bên khi thực hiện hợp đồng, cụ thể:
Theo điểm c Khoản 2 Điều 35 Luật Thương mại: “Trường hợp trong hợp đồng không có quy định về vận chuyển hàng hoá, nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng, các bên biết được địa điểm kho chứa hàng, địa điểm xếp hàng hoặc nơi sản xuất, chế tạo hàng hoá thì bên bán phải giao hàng tại địa điểm đó”. Như vậy, bên nhận hàng không thể biết mình sẽ nhận hàng ở đâu, cách tốt nhất cho họ là thỏa thuận lại địa điểm giao hàng với bên mua.
Đối với “trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng thì bên bán phải giao hàng trong một thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng” (Khoản 3 Điều 37 Luật Thương mại) thì xác định thế nào là “một thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng”?. Phương thức và tiêu chí để xác định khoảng thời hạn này không được quy định trong Luật Thương mại. Do đó, nếu hợp đồng không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng, tranh chấp rất dễ xảy ra do cách thức tiếp cận quy định trên của các bên sẽ khác nhau.
Hoặc quy định tại Điều 52 Luật Thương mại: “Trường hợp không có thoả thuận về giá hàng hoá, không có thoả thuận về phương pháp xác định giá và cũng không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá thì giá của hàng hoá được xác định theo giá của loại hàng hoá đó trong các điều kiện tương tự về phương thức giao hàng, thời điểm mua bán hàng hoá, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá”. Có thể thấy rằng, sẽ không dễ dàng để xác định giá hàng hóa nếu không có thỏa thuận về giá hàng hóa khi ký kết hợp đồng, vì trong một số trường hợp, điều kiện hàng hóa không thể lặp lại hoàn toàn để so sánh giá, mà chỉ có thể là những điều kiện tương tự để so sánh.
Từ những phân tích trên, để hoàn thiện Luật Thương mại, nhà làm luật nên bổ sung lại điều khoản về nội dung cơ bản của hợp đồng là cơ sở cho các chủ thể soạn thảo và thực hiện hợp đồng để phòng tránh rủi ro. Những quy định về khắc phục các trường hợp thiếu điều khoản cơ bản của hợp đồng phải rõ ràng, cụ thể để các bên dễ dàng xác định và hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng như: ấn định địa điểm giao hàng cụ thể nếu các bên không thỏa thuận, xây dựng tiêu chí xác định khoảng thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng, hay hệ quy chiếu để xác định giá hàng hóa. Các quy định tại Điều 57, 58, 59, 60, 61 về chuyển rủi ro hàng hóa phải được quy định lại đơn giản và rõ ràng hơn, đồng thời bổ sung khái niệm “Đối tượng là hàng hóa đang trên đường vận chuyển” tại Điều 60.
Quy định vềcung ứng dịch vụ liên quan đến hàng hóa
Luật Thương mại đã ghi nhận nhiều loại hình dịch vụ liên quan đến hàng hóa từ trung gian thương mại, xúc tiến thương mại, đấu giá, đấu thầu, logistics, gia công hàng hóa, nhượng quyền thương mại, cho thuê hàng hóa, giám định hàng hóa. Tuy nhiên, có nhiều loại hình dịch vụ lại do các văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh.
Đối với hoạt động môi giới thương mại (một trong các dịch vụ trong nhóm trung gian thương mại), Luật Thương mại quy định rất đơn giản; tuy nhiên trên thực tế, đây là một hoạt động có tính chất phức tạp cao và được điều chỉnh cụ thể tại các văn bản chuyên ngành như: môi giới bất động sản được quy định tại Mục 1, Chương IV, Luật KDBĐS; môi giới chứng khoán được quy định tại Luật Chứng khoán...
Đối với hoạt động quảng cáo, bên cạnh các điều (từ Điều 102 đến Điều 116) của Luật Thương mại còn có các quy định trong Pháp lệnh Quảng cáo và hệ thống văn bản hướng dẫn. Trên thực tế, khi thực hiện hoạt động quảng cáo, thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo gần như không sử dụng các quy định trong Luật Thương mại.
Đối với hoạt động đấu thầu, Luật Thương mại dành quy định tại mục 3 Chương VI để điều chỉnh, tuy nhiên, những quy định này hết sức sơ sài, không cụ thể, vì vậy trên thực tế, dù là các thương nhân ở khu vực dân doanh nhưng khi tiến hành đấu thầu lại chủ yếu tham khảo những nội dung tại Luật Đấu thầu năm 2005 (mặc dù theo Khoản 1 Điều 1 của Luật Đấu thầu, đối tượng điều chỉnh của Luật này là các dự án sử dụng vốn Nhà nước từ 30% trở lên).
Đối với các hoạt động gia công hàng hóa hay cho thuê hàng hóa, những nội dung trong Luật Thương mại không có điểm khác biệt so với những quy định về hoạt động gia công và cho thuê trong BLDS.
Với những phân tích trên, Luật Thương mại nên có những điều chỉnh để hoàn thiện hơn theo hướng: đối với những dịch vụ đã có văn bản pháp luật chuyên ngành quy định chi tiết có thể lược bỏ khỏi nội dung của Luật hoặc có quy định dẫn chiếu cụ thể; đối với những dịch vụ được quy định trong BLDS chỉ nên quy định những điểm khác biệt quan trọng, còn lại thì dẫn chiếu về BLDS để tránh chồng chéo; đối với những dịch vụ mới xuất hiện ở Việt Nam như logistics hay nhượng quyền thương mại cần quy định rõ ràng hơn để các dịch vụ này dễ đi vào đời sống kinh doanh tại Việt Nam.
Quy định về chế tài thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại
Luật Thương mại ghi nhận bảy hình thức chế tài tại Điều 292: “1) Buộc thực hiện đúng hợp đồng; 2) Phạt vi phạm; 3) Buộc bồi thường thiệt hại; 4) Tạm ngừng thực hiện hợp đồng; 5) Đình chỉ thực hiện hợp đồng; 6) Huỷ bỏ hợp đồng; 7) Các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế”. Các hình thức chế tài đều được quy định cụ thể, mặc dù vậy, vẫn còn một số vấn đề đặt ra đối với phần nội dung này.
Đối với chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, Luật Thương mại không nêu cụ thể hệ quả pháp lý cho bên vi phạm, do đó, làm cho bên bị vi phạm còn e ngại khi áp dụng chế tài trên thực tế.
Đối với khái niệm “vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng”, đây là một khái niệm mới được ghi nhận trong Luật Thương mại trên cơ sở Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG)[5]. Theo khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại: “Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”. Khái niệm này không thể giúp các bên chủ thể xác định rõ hành vi vi phạm nào được coi là vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Việc quy định mức phạt vi phạm tối đa trong hợp đồng là “8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm” (Điều 301 Luật Thương mại) làm ảnh hưởng tới quyền tự do thỏa thuận hợp đồng của các bên. Đồng thời, hệ thống văn bản luật thương mại thiếu hướng dẫn trong trường hợp các bên quy định vượt quá mức phạt vi phạm trong Luật.
Như vậy, để hoàn thiện các quy định trong phần nội dung liên quan đến chế tài thương mại, Luật Thương mại cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể về khái niệm “vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng” bằng việc đưa ra một số trường hợp cụ thể; quy định chi tiết hơn chế tài “buộc thực hiện đúng hợp đồng” theo hướng làm rõ hệ quả pháp lý dành cho bên vi phạm; bỏ quy định về mức phạt vi phạm tối đa theo quy định của hợp đồng.
2.2. Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng KDBĐS
Hợp đồng mua bán nhà hình thành trong tương lai
Khoản 1 Điều 14 Luật KDBĐS cho phép chủ đầu tư và khách hàng được thỏa thuận trong hợp đồng về việc mua bán nhà hình thành trong tương lai. Quy định này tạo điều kiện cho chủ đầu tư dễ dàng huy động vốn và cũng là cơ sở để khách hàng có được căn nhà với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, do đặc điểm đối tượng là một loại tài sản hình thành trong tương lai, tất cả những vấn đề liên quan đến chất lượng công trình, thời hạn giao nhà chỉ được ghi trong thỏa thuận trong hợp đồng. Vì lẽ đó, nhà làm luật đã xác định các trách nhiệm pháp lý của chủ đầu tư tương đối rõ ràng: trường hợp chủ đầu tư giao bất động sản chậm tiến độ ghi trong hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm với khách hàng theo hợp đồng và phải trả khách hàng khoản tiền lãi của phần tiền ứng trước tính theo lãi suất vay ngân hàng thương mại tại thời điểm giao bất động sản tương ứng với thời gian chậm tiến độ; trường hợp chủ đầu tư giao nhà, công trình xây dựng không đúng chất lượng, thời hạn và các cam kết trong hợp đồng thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm với khách hàng; khách hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư có biện pháp khắc phục kịp thời và bồi thường thiệt hại do lỗi của chủ đầu tư gây ra, nếu chủ đầu tư không thực hiện thì khách hàng có quyền đơn phương chấm dứt hoặc huỷ bỏ hợp đồng và chủ đầu tư phải hoàn trả toàn bộ số tiền khách hàng đã ứng trước và một khoản tiền lãi của phần tiền ứng trước theo lãi suất vay ngân hàng thương mại[6]. Thực tế cho thấy, dù chủ đầu tư phải chịu nhiều trách nhiệm pháp lý nhưng rủi ro trong các giao dịch về mua, bán nhà trong tương lai vẫn chủ yếu thuộc về khách hàng, bởi những quy định về chất lượng nhà thường rất chung chung, khách hàng không có cơ hội đàm phán vì các hợp đồng này đều là những hợp đồng mẫu được thương nhân kinh doanh cung cấp; thời gian xây dựng cũng bị trì hoãn và giá bán có thể tăng do những điều khoản trong hợp đồng đều tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thực hiện việc này. Hơn nữa, một thực tế là chế tài chấm dứt hay hủy bỏ hợp đồng như luật quy định ở trên không mấy khi được sử dụng vì toàn bộ số tiền mà khách hàng đã ứng trước và cả tiền lãi nhiều trường hợp vẫn chưa bằng giá trị của căn nhà tại thời điểm chủ đầu tư vi phạm thỏa thuận, khách hàng luôn bị đặt ở thế bị động - hủy hợp đồng thì mình chịu thiệt, không hủy hợp đồng thì bị chủ đầu tư “ép”. Vì vậy, hoàn thiện pháp luật về hợp đồng mua bán nhà trong tương lai là một vấn đề phức tạp đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ chế khác nhau, trước mắt, đối với Luật KDBĐS nên bổ sung điều khoản về nội dung hợp đồng mua bán nhà tương lai rằng: trong trường hợp chủ đầu tư vi phạm "nếu khách hàng hủy bỏ hợp đồng, chủ đầu tư phải bồi thường khoản tiền tương ứng với giá trị nhà trên thị trường”.
Đối tượng hợp đồng KDBĐS
Theo Khoản 2 Điều 7 Luật KDBĐS, quyền sử dụng đất được đem vào kinh doanh phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất- GCNQSDĐ). Một thực trạng hiện nay ở Việt Nam là nhiều diện tích đất chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng[7], nhưng các giao dịch ở những diện tích đất chưa được cấp GCNQSDĐ vẫn được diễn ra dưới hình thức mua bán trao tay rất đơn giản, hành vi mua bán “ngầm” tạo ra rủi ro cho cả người bán và người mua. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước đã tiến hành đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định cụ thể và rõ ràng các vấn đề về cấp GCNQSDĐ. Hiệu quả của các biện pháp này đã được ghi nhận, tuy nhiên, vẫn cần phải có những hành động quyết liệt hơn nhằm tạo ra môi trường KDBĐS lành mạnh.
Như vậy, hợp đồng KDBĐS là một loại hợp đồng phức tạp về nội dung do đối tượng điều chỉnh là một loại tài sản đặc biệt, có giá trị lớn, dễ xảy ra tranh chấp. Việc hoàn thiện các quy định về hợp đồng KDBĐS là một vấn đề không đơn giản và phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các hệ thống quy phạm pháp luật và các cơ quan quản lý nhà nước. Trước mắt, một số vấn đề cần phải giải quyết ngay là: mức vốn pháp định 06 tỷ đồng đối với thương nhân KDBĐS chưa phản ánh đúng nhu cầu vốn và tài chính của thương nhân kinh doanh hoạt động đặc biệt này; việc cấp GCNQSDĐ cần phải được đẩy mạnh, một số trường hợp đặc biệt như các chung cư, chung cư mini phải có cơ chế rõ ràng; giá cả thanh toán, việc thanh toán được thực hiện bằng đồng ngoại tệ (USD) là vi phạm Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005... Luật KDBĐS cần có những quy định rõ ràng về việc sử dụng tiền đồng Việt Nam trong giao dịch về giá bất động sản; quy định cụ thể về hoạt động huy động vốn thông qua hợp đồng KDBĐS.
2.3. Hoàn thiện pháp luật về HĐBH
Về HĐBH vô hiệu
Điểm đ Khoản 1 Điều 22 Luật KDBH quy định HĐBH sẽ vô hiệu trong trường hợp: “Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết HĐBH”. Khi hợp đồng vô hiệu, hai bên trong quan hệ HĐBH hoàn trả lại cho nhau những nghĩa vụ đã thực hiện để khôi phục lại tình trạng ban đầu (Điều 137 BLDS). Tuy nhiên, tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 19 Luật KDBH về trách nhiệm cung cấp thông tin, khi bên mua bảo hiểm có hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết HĐBH để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện HĐBH và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện HĐBH. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết HĐBH thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện HĐBH; doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm do việc cung cấp thông tin sai sự thật. Trong trường hợp này, quy định của BLDS và Luật KDBH đã có mâu thuẫn. Để hợp lý, chúng tôi cho rằng, Luật KDBH nên bỏ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 22, mà nên xử lý trường hợp lừa dối cung cấp thông tin theo Khoản 2, 3, Điều 19 Luật KDBH.
Chuyển nhượng HĐBH
HĐBH là một loại hợp đồng rất phức tạp về nội dung và phương thức thực hiện. Xét từ khía cạnh dân sự, HĐBH có thể coi là một loại tài sản có giá trị (một loại giấy tờ có giá) nên có thể tiến hành chuyển nhượng như một loại tài sản. Tuy nhiên, đây là một loại tài sản có tính chất phức tạp, việc chuyển nhượng HĐBH sẽ kéo theo các hệ quả pháp lý phức tạp về phương thức bảo hiểm, người thụ hưởng... Điều 26 Luật KDBH còn quy định chung chung và đơn giản về chuyển nhượng HĐBH mà chưa quy định về điều kiện chuyển nhượng, thủ tục chuyển nhượng, quyền hạn và trách nhiệm của các bên trong quan hệ cũng như hậu quả pháp lý sau khi tiến hành chuyển nhượng[8]. Hơn thế, HĐBH con người, HĐBH tài sản, HĐBH trách nhiệm dân sự có nội dung và tính chất hoàn toàn khác nhau, việc chỉ có một quy định chung là điều không hợp lý. Để hoàn thiện pháp luật về vấn đề này, nên quy định việc chuyển nhượng HĐBH cho từng loại HĐBH, đặc biệt là HĐBH con người với những tính chất và điều kiện phức tạp hơn.
Nhiều thuật ngữ trong Luật KDBH được giải thích chưa cụ thể và rõ ràng như “giá trị hoàn lại” (Điều 34, 35, 39) và “chi phí hợp lý” (Điều 34, 39, 42) dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng[9]. Ví dụ, theo quy định tại Khoản 3 Điều 39 Luật KDBH: “Trong những trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của HĐBH hoặc toàn bộ số phí bảo hiểm đã đóng sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan; nếu bên mua bảo hiểm chết thì số tiền trả lại được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế”. Việc xác định chi phí nào là chi phí hợp lý ở đây sẽ quyết định số tiền trả lại của doanh nghiệp bảo hiểm, chi phí hợp lý lại do doanh nghiệp bảo hiểm xác định, việc không có quy định và tiêu chí xác định cụ thể sẽ tạo ra rủi ro lớn cho bên mua bảo hiểm trong những trường hợp như vậy.
2.4. Hoàn thiện pháp luật về HĐLĐ
HĐLĐ là một loại hợp đồng đặc biệt với chủ thể tham gia hợp đồng là chủ sử dụng lao động và người lao động; đối tượng của hợp đồng là việc làm hay sức lao động của con người. Vì vậy, điều chỉnh quan hệ trong HĐLĐ là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật lao động rất cụ thể và chi tiết, việc hoàn thiện pháp luật liên quan đến HĐLĐ đòi hỏi những nghiên cứu kỹ lưỡng và ở mức độ cao hơn.
BLLĐ không đưa ra khái niệm “HĐLĐ vô hiệu” làm cho nhiều chủ thể khi tham gia quan hệ HĐLĐ hiểu không đúng về tính chất của loại hợp đồng này. Mặc dù không ghi nhận khái niệm “hợp đồng lao động vô hiệu”, nhưng BLLĐ vẫn có những quy định liên quan đến vấn đề này tại Khoản 2 Điều 29 và Khoản 2 Điều 49. Theo hai điều khoản này, BLLĐ lấy tiêu chí về thỏa ước lao động tập thể và quy định của pháp luật về điều kiện làm việc trở thành tiêu chí để xác định tính chất vô hiệu của hợp đồng, nếu như thỏa thuận trong hợp đồng tạo ra điều kiện lao động thấp hơn so với thỏa ước, thỏa thuận đó sẽ bị vô hiệu và cần phải sửa đổi, bổ sung.
Trong khi đó, BLDS quy định các trường hợp hợp đồng vô hiệu do chủ thể giao kết hợp đồng chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, không nhận thức được hành vi; một bên giao kết hợp đồng bị ép buộc, lừa dối, đe dọa hoặc nhầm lẫn; nội dung hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật; vi phạm về hình thức hợp đồng. Có thể thấy quy định của BLDS và BLLĐ về HĐLĐ vô hiệu không có sự phối hợp hài hòa.
Để hoàn thiện quy định của pháp luật về HĐLĐ, một nội dung quan trọng là xây dựng khái niệm “HĐLĐ vô hiệu” với những quy định cụ thể về các trường hợp HĐLĐ vô hiệu trên cơ sở quy định của BLDS. Tuy nhiên, HĐLĐ có tính chất khác so với các hợp đồng dân sự thông thường; vì vậy, khi quy định về HĐLĐ vô hiệu, nhà làm luật phải chú ý tới các yếu tố riêng biệt của loại hợp đồng này. Ví dụ, đối với trường hợp hợp đồng vô hiệu do chủ thể giao kết hợp đồng chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, không nhận thức được hành vi, đây là một hình thức hợp đồng vô hiệu toàn bộ và hậu quả pháp lý là người lao động cũng mất việc làm, do đó, trong trường hợp này nhà làm luật cần phải tính tới các yếu tố khác của quan hệ lao động. Nếu chủ thể giao kết HĐLĐ vào thời điểm giao kết hợp đồng đang bị tâm thần và không có người giám hộ thực hiện giao kết hợp đồng, tuy nhiên, đến thời điểm xét tính hiệu lực của hợp đồng, người lao động không còn bị tâm thần và chủ sử dụng lao động cũng không có vi phạm nghiêm trọng thì hợp đồng không được tuyên vô hiệu.
3. Kết luận
Hệ thống pháp luật về hợp đồng ở Việt Nam rất đồ sộ, các quy định khá chi tiết. Một vấn đề hiện nay là nhiều văn bản pháp luật cùng điều chỉnh về một quan hệ hợp đồng, tuy nhiên, thời gian ban hành và cơ quản chủ trì soạn thảo khác nhau dẫn đến những quy định còn chồng chéo, điển hình như điều chỉnh quan hệ hợp đồng KDBĐS có BLDS (do Bộ Tư pháp chủ trì); Luật Đất đai (do Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì); Luật Nhà ở và Luật KDBĐS (do Bộ Xây dựng chủ trì).
Cơ cấu lại hệ thống pháp luật về hợp đồng theo hướng tinh giản hóa là một nhu cầu cấp thiết. Vấn đề cần được ưu tiên hiện nay là xây dựng BLDS trở thành luật chung “thực sự”, cơ sở “gốc” cho hệ thống pháp luật chuyên ngành. Việc nâng cao vai trò của BLDS là điều kiện để thống nhất những nội dung cơ bản của hợp đồng, các văn bản pháp luật chuyên ngành sẽ tập trung quy định những vấn đề riêng biệt, tránh sự chồng chéo về luật như hiện nay. Xác định vai trò của BLDS là một hình thức luật “gốc”, do đó, không nên quy định những hợp đồng chuyên ngành trong BLDS như: hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng vay vốn, hợp đồng thuê khoán tài sản, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng gia công, HĐBH. Việc gỡ bỏ khỏi BLDS những quy định trên cũng là để tránh những trường hợp quan niệm về hợp đồng giữa pháp luật dân sự và pháp luật chuyên ngành có sự khác nhau hay trùng lặp./.

 


[1] Nguyễn Thị Dung, Pháp luật về hợp đồng trong thương mại và đầu tư - Những vấn đề pháp lý cơ bản, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2008, tr. 28.
[2] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Thương mại, tập 1, Nxb. Công an nhân dân, H., 2006, tr. 22.
[3] Trường Đại học Luật Hà Ni, Giáo trình Luật Lao động Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, H, 2005, tr. 123, 124, 125.
[4] Khoản 1.1 Bộ nguyên tắc Hợp đồng thương mại quốc tế PICC.
[5] Điều 25 Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế.
[6] Khoản 4 Điều 4 Nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật KDBĐS.
[7] Theo Cổng thông tin Tổng cục Quản lý đất đai: Đến hết năm 2009 mới chỉ có 60% đất đô thị được cấp GCNQSDĐ.
[8] Phí Thị Thanh Nga, Bất cập trong quy định về chuyển nhượng HĐBH, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp điện tử http://ncpl.org.vn
[9] Trần Vũ Hải, Một số vấn đề pháp lý về HĐBH nhân thọ, Tạp chí Luật học số 7/2006.

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 16(224), tháng 8/2012)