Cần thống nhất trong các quy định về phân định cán bộ và công chức

01/08/2012

ThS. NGUYỄN ĐẶNG PHƯƠNG TRUYỀN

Học viện Hành chính Quốc gia, Cơ sở TP. Hồ Chí Minh.

Luật Cán bộ, công chức (Luật CBCC) được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 4, ngày 13/11/2008. Luật này thay thế Pháp lệnh CBCC năm 1998 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh CBCC năm 2000 và năm 2003 (gọi chung là Pháp lệnh CBCC)[1].
Luật CBCC  ra đời đã trở thành công cụ pháp lý hữu hiệu nhằm xây dựng và quản lý đội ngũ CBCC có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới; phát huy tính năng động, sáng tạo của CBCC và thể hiện được chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn mới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần vào thực hiện quá trình đổi mới hệ thống chính trị và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả.
Trước đây, tất cả những người làm việc trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, của Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, kể cả trong các doanh nghiệp, lâm nông trường quốc doanh... đều được gọi chung là "cán bộ công nhân viên chức" mà chưa có sự phân định rõ ràng, cụ thể về cán bộ và công chức. Năm 1998, Nhà nước ban hành Pháp lệnh CBCC điều chỉnh CBCC trong các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội nhưng vẫn sử dụng chung cụm từ "CBCC", chưa xử lý được vấn đề tách cán bộ với công chức (kể cả Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh CBCC năm 2000 và năm 2003 vẫn quy định chung về CBCC).
 Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh CBCC, do chưa phân định được rõ ràng ai là cán bộ, ai là công chức nên cơ chế quản lý và chế độ, chính sách do Nhà nước ban hành vẫn còn những hạn chế, chưa hoàn toàn phù hợp với từng nhóm đối tượng. Điều này ảnh hưởng đến quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ và đội ngũ công chức vốn là những đối tượng có những đặc điểm hoạt động công vụ và công tác đặc thù riêng.
So với Pháp lệnh CBCC thì Luật CBCC đã phân định tương đối rõ cán bộ với công chức và đã có quy định tiêu chí phân định ai là cán bộ, ai là công chức. Theo đó, “cán bộ” gắn với tiêu chí “được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ”[2] còn “công chức” gắn với tiêu chí được “tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh”[3]. Bên cạnh đó, cụm từ “CBCC cấp xã” đã được tách ra thành “cán bộ cấp xã” (gắn với cơ chế bầu cử) và “công chức cấp xã” (gắn với cơ chế tuyển dụng)[4].
Việc phân định rõ ràng cán bộ và công chức có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Việc phân định này không đơn thuần chỉ là phân định về từ ngữ, mà việc phân định ai là cán bộ, ai là công chức có ý nghĩa trong việc xác định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của CBCC, xây dựng cơ chế quản lý và chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với từng nhóm đối tượng cho phù hợp. Vì vậy, bên cạnh những quy định về quyền và nghĩa vụ của cán bộ và công chức nói chung, Luật CBCC đã đưa ra những quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ, cơ chế quản lý riêng biệt đối với cán bộ và đối với công chức. Theo đó, những quy định về cán bộ được quy định cụ thể từ Điều 21 đến Điều 31 và Điều 78, còn những quy định về công chức được quy định cụ thể từ Điều 32 đến Điều 60 và Điều 79 (CBCC cấp xã được quy định chung từ Điều 61 đến Điều 64)[5].
 Sự phân định cán bộ và công chức có ý nghĩa quan trọng không những đối với các nhà làm luật mà nó còn có ý nghĩa đối với chính những đối tượng này. Khi pháp luật quy định ai là cán bộ, ai là công chức thì pháp luật cũng sẽ trao cho các đối tượng này những quyền hạn và trách nhiệm khác nhau để thực thi công vụ và điều đương nhiên, khi các đối tượng này có hành vi vi phạm những quy định thì cũng sẽ có những hình thức kỷ luật khác nhau[6].
 Để cụ thể hóa và hướng dẫn chi tiết việc thi hành Luật CBCC, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định quy định chi tiết một số vấn đề trong Luật. Tuy nhiên một số nội dung trong các Nghị định này chưa phù hợp với nội dung Luật CBCC và tình hình thực tế hiện nay, đặc biệt là vấn đề phân biệt giữa cán bộ và công chức. Cụ thể là:
Thứ nhất, Luật CBCC quy định đối tượng là cán bộ tại Khoản 1 Điều 4, đối tượng là công chức tại Khoản 2 Điều 4. Theo đó, cán bộ là do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ các chức danh trong cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương cho tới huyện (riêng các chức danh là cán bộ cấp xã được quy định tại Khoản 1 Điều 61); còn công chức là những người được bổ nhiệm vào ngạch, chức danh, chức vụ trong cơ quan Đảng, hành chính nhà nước và lãnh đạo đơn vị sự nghiệp (riêng các chức danh là công chức cấp xã được quy định tại Khoản 2 Điều 61). Như vậy, đối tượng công chức không bao gồm những người giữ các chức danh do bầu cử. Tuy nhiên, theo Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 của Chính phủ quy định về những người là công chức, thì Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban kiểm tra Trung ương; Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy; Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban kiểm tra huyện ủy,quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh là công chức, trong khi đó, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam được Đại hội lần thứ XI của Đảng thông qua thì quy định: “Ủy ban kiểm tra các cấp do cấp ủy cùng cấp bầu, gồm một số đồng chí trong cấp ủy và một số đồng chí ngoài cấp ủy” (Điều 31 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP). Vì vậy, căn cứ theo Điều lệ Đảng thì những người giữ chức vụ trên là do bầu cử, mà đã là do bầu cử thì họ được giữ chức danh theo nhiệm kỳ. Do đó, theo Khoản 1 Điều 4 Luật CBCC thì những chức danh này phải là cán bộ. Đây là điểm thiếu thống nhất của Nghị định số 06/2010/NĐ-CP so với Luật CBCC trong việc quy định những người là công chức.
Thứ hai, Tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 06/2010/NĐ-CP quy định về công chức trong cơ quan hành chính ở cấp huyện gồm “Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) quận, huyện, Chánh Văn phòng, Phó Chánh văn phòng và người làm việc trong Văn phòng UBND quận, huyện nơi thí điểm không tổ chức HĐND; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong cơ quan chuyên môn thuộc UBND” (Khoản 2 Điều 6 Nghị định 06/2010/NĐ-CP). Từ quy định này ta thấy rằng Nghị định 06/2010/NĐ-CP quy định Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND quận, huyện nơi thí điểm không tổ chức HĐND là công chức là phù hợp vì Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND nơi thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp bổ nhiệm “Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Uỷ viên UBND huyện, quận” (7, Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP). Và tại Điểm c, Khoản 2 Điều 61 Luật CBCC quy định một trong số các chức danh cán bộ cấp xã là Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND cấp xã, quy định này của Luật CBCC là phù hợp với quy định hiện hành trước đó vì theo những quy định này thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã do HĐND cùng cấp bầu ra. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là ngày 15/11/2008 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 26/2008/QH12 về thực hiện không tổ chức HĐND quận, huyện, phường[7], tiếp đó ngày 16/01/2009 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 725/2009/UBTVQH12 điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của UBND quận, huyện, phường nơi không tổ chức HĐND. Do đó, các chức danh cán bộ và công chức tại các đơn vị hành chính nơi thí điểm sẽ có thay đổi. Nghị định 06/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã thực hiện tốt nhiệm vụ này khi quy định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, huyện nơi thí điểm không tổ chức HĐND là công chức như đã phân tích (còn Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND cấp huyện những nơi không thí điểm là cán bộ).
Tuy nhiên, Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với CBCC ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã lại quy định chung Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND ở các xã, phường, thị trấn là cán bộ cấp xã. Quy định này là chưa phù hợp, lẽ ra khi Nghị định 06/2010/NĐ-CP chỉ dừng lại việc quy định những người là công chức từ trung ương đến cấp huyện còn Nghị định 92/2009/NĐ-CP đã quy định cụ thể về CBCC cấp xã thì phải bổ sung thêm quy định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường nơi thí điểm không tổ chức HĐND là công chức cho phù hợpvì“Chủ tịch UBND quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND phường”.  
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể thấy rằng, hiện nay những quy định về những ai là cán bộ, những ai là công chức trong các Nghị định của Chính phủ vẫn chưa thống nhất và phù hợp với tinh thần của Luật CBCC và thực tiễn, dù Luật CBCC đã làm sáng tỏ “cán bộ” và “công chức”. Trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện nhiều vấn đề cần bổ sung và hoàn thiện trong việc phân biệt hai nhóm đối tượng này. Xét về mặt pháp lý, Nghị định Chính phủ là văn bản có hiệu lực pháp lý thấp hơn Luật, do đó, những nội dung không phù hợp với Luật cần phải được bãi bỏ, hủy bỏ hoặc sửa đổi bổ sung cho phù hợp với Luật và thực tiễn.
Từ các phân tích trên, chúng tôi xin kiến nghị:
- Sửa đổi Điều 3 của Nghị định 06/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 của Chính phủ quy định về những người là công chức theo đúng quy định của Luật CBCC, theo hướng bỏ các chức danh sau: Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban kiểm tra Trung ương; Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy; Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban kiểm tra huyện ủy,quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh ra khỏi Điều 3 (nghĩa là không quy định các chức danh này là công chức, mà phải là cán bộ).
- Bổ sung Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với CBCC ở xã, phường, thị trấn một điều khoản quy định “Đối với các phường thí điểm không tổ chức HĐND thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường là công chức”./.
 
 

[1] Pháp lệnh CBCC năm 1998 ban hành ngày 26/02/1998 có hiệu lực kể từ ngày 01/05/1998, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh CBCC ngày 28/4 /2000, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh CBCC được ban hành ngày 29/4/2003 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2003. Luật CBCC có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2010.
[2]Xem Khoản 1 Điều 4 Luật CBCC.
[3]Xem Khoản 2 Điều 4 Luật CBCC.
[4]Khoản 2 Điều 4 Luật CBCC.
[5]Luật CBCC có 10 chương 87 điều. Trong đó ngoài các điều quy định về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, hiệu lực thi hành thì từ Điều 8 đến Điều 20 và từ Điều 65 đến Điều 77; từ điều 80 đến Điều 82 đưa ra những quy định pháp lý chung về cán bộ và công chức. Còn những quy định về cán bộ được quy định khá cụ thể từ Điều 21 đến Điều 31 và Điều 78 (các hình thức kỷ luật cán bộ); những quy định về công chức được quy định cụ thể từ Điều 32 đến Điều 60 và Điều 79 (các hình thức kỷ luật công chức).
[6] Trước đây Pháp lệnh CBCC quy định chung các hình thức kỷ luật CBCC bao gồm “khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc”. Luật CBCC đã quy định riêng biệt các hình thức kỷ luật đối với cán bộ bao gồm “khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm “còn các hình thức kỷ luật đối với công chức bao gồm “khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc”.
[7]Thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 724/2009/UBTVQH12 xác định danh sách 67 huyện, 32 quận và 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thí điểm không tổ chức HĐND (Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, Đà Nẵng, Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang).

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 16(224), tháng 8/2012)


Thống kê truy cập

33060912

Tổng truy cập