Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường

01/07/2012

TS. HỒ THẾ HÒE

Phó trưởng khoa, Trường Đại học An ninh nhân dân.

ThS. NGUYỄN THỊ THƯ

Giảng viên, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: “Nhân dân thế giới đang đứng trước những vấn đề toàn cầu cấp bách có liên quan đến vận mệnh loài người. Đó là …bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu…”[1]. Báo cáo của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa X về các văn kiện Đại hội XI của Đảng xác định một trong tám phương hướng cơ bản để thực hiện mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường”[2]. Báo cáo cũng khẳng định: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mọi công dân. Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát, ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch…”[3].   
Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang từng bước được hoàn thiện, nhận thức về công tác bảo vệ môi trường trong các cấp, các ngành và nhân dân đã được nâng lên, mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường và sự cố môi trường đã từng bước được kiềm chế, công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác về môi trường đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, tình hình tội phạm về môi trường nói riêng, vi phạm pháp luật khác về môi trường nói chung vẫn còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải nhận diện đầy đủ và xây dựng, thực hiện hệ thống giải pháp đồng bộ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống trong thời gian tới.
1. Thực trạng tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường
Tình hình vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực xử lý chất thải, khí thải công nghiệp tiếp tục diễn biến nghiêm trọng ở nhiều địa phương, tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung các công ty, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất… Nhiều khu công nghiệp, nhà máy không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hoặc có xây dựng nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành để đối phó với cơ quan chức năng khi có kiểm tra, thường xuyên xả nước thải chưa qua xử lý hoặc đã xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường. Một số doanh nghiệp sử dụng các thủ đoạn như xây dựng hệ thống xả thải ngầm, xả thải vào ban đêm, khi triều lên, trời mưa, lén lút xả nước thải sản xuất vào đường thoát nước mưa… Các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều doanh nghiệp lớn sử dụng thủ đoạn này, như Nhà máy xử lý nước thải tập trung thuộc Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành (Khu công nghiệp Long Thành, Đồng Nai); Nhà máy xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Linh Trung 1 (Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh); Nhà máy Toyota (Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội)…[4]. Vi phạm pháp luật về môi trường trong việc xả thải là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm nguồn nước các dòng sông, kênh rạch, ao hồ, phát sinh dịch bệnh cho người và các loài vật nuôi, cây trồng.
Khai thác trái phép khoáng sản vẫn diễn ra phức tạp trên nhiều địa bàn, tính chất, qui mô vi phạm đa dạng, khai thác nhỏ lẻ không có giấy phép, khai thác vượt ngoài diện tích cấp phép, không có phương án thiết kế khai thác, không có biện pháp hoàn nguyên, phục hồi môi trường. Đặc biệt là tình trạng khai thác cát sỏi xảy ra trên hầu hết các tuyến sông như sông Hồng, sông Tiền, sông Hậu, sông Đáy… Tình trạng khai thác vàng, titan, than trái phép tại một số tỉnh miền Bắc và miền Trung, tình trạng khai thác đá làm vật liệu xây dựng tại một số tỉnh miền Bắc…Việc không chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong đầu tư, khai thác khoáng sản cùng với sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, thiếu kiểm soát làm thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia, gây ô nhiễm nguồn nước, gây sạt lở đất, biến đổi dòng chảy.    
Trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng, nổi lên tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển, xuất khẩu cây cổ thụ, gỗ quý, cây bóng mát có nguồn gốc từ rừng tự nhiên. Một số đối tượng lợi dụng sơ hở trong quy định của pháp luật để khai thác các loại cây có nguồn gốc tự nhiên đưa về trồng tại vườn, sau đó xin giấy phép để hợp thức hóa việc vận chuyển, tiêu thụ, gây khó khăn cho công tác xử lý. Tình trạng hủy hoại rừng tiếp tục diễn ra công khai, nghiêm trọng ở các khu rừng quốc gia, dự án phát triển rừng nghèo, rừng sản xuất, rừng chuyển đổi mục đích… với thủ đoạn lợi dụng các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, dự án thủy điện, phát triển hạ tầng để khai thác gỗ trái phép. Đặc biệt, tại một số tỉnh miền Trung, Nam Bộ, Tây Nguyên, trước thông tin một số doanh nghiệp Trung Quốc thu mua sắn, khoai lang giá cao, nhiều hộ dân đã phá bỏ cây trồng trước đây, phá rừng lấy đất, mở rộng nương rẫy để trồng sắn, khoai lang. Nếu không có biện pháp quản lý, khoanh vùng kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ phá rừng tràn lan.
Công tác quản lý chất thải nguy hại đã và đang bị buông lỏng. Cả nước hiện có 80 doanh nghiệp được cấp phép xử lý chất thải nguy hại, phần lớn các doanh nghiệp này có công nghệ, thiết bị lạc hậu, ký kết hợp đồng xử lý chất thải nguy hại nhưng không xử lý hoặc có xử lý nhưng không đảm bảo yêu cầu rồi chôn lấp tại các khu xử lý chất thải sinh hoạt hoặc trong khuôn viên nhà máy. Tình trạng nhập khẩu phế liệu lẫn tạp chất và chất thải nguy hại qua các cửa khẩu lớn tại Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh và qua tuyến biên giới một số tỉnh miền Tây Nam bộ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý trái phép chất thải nguy hại như dầu máy thải, ắc quy chì cũ, bùn thải và bã quặng kim loại vẫn diễn ra tràn lan, nhất là các cơ sở tái chế chất thải nguy hại quy mô nhỏ trong các làng nghề - một trong những tác nhân quan trọng làm ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Trong lĩnh vực bảo vệ động vật quý hiếm, hoang dã, do lợi nhuận cao nên vi phạm có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn che giấu ngày càng tinh vi. Nổi lên là hoạt động săn bắt, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép nhiều loại động vật hoang dã, quý hiếm như hổ, voi, tê tê, rùa, rắn… và các sản phẩm của chúng, thậm chí hình thành những đường dây buôn bán có sự cấu kết chặt chẽ, khép kín giữa các đối tượng ở trong nước và nước ngoài. Việc vận chuyển, buôn bán động vật quý hiếm, hoang dã khi bị phát hiện các đối tượng thường dùng thủ đoạn khai nhận chở thuê cho đối tượng không quen biết để gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý của cơ quan chức năng.
Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ở nhiều địa phương tiếp tục diễn biến phức tạp. Kết quả khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, 100% mẫu nước thải ở các làng nghề có nhiều thông số vượt quá tiêu chuẩn cho phép, hầu như không có cơ sở sản xuất làng nghề nào đáp ứng đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường. Kết quả giám sát việc thực hiện pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, ô nhiễm môi trường làng nghề là một trong những thách thức lớn và rất khó kiểm soát, khó quy hoạch và chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả, nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, tỷ lệ người mắc bệnh có xu hướng tăng cao qua các năm.
Trong lĩnh vực y tế, việc bảo vệ môi trường tại các bệnh viện và cơ sở y tế chưa được chú trọng, đặc biệt là ở các bệnh viện, cơ sở y tế cấp huyện, công tác quản lý chất thải còn lỏng lẻo, sơ hở, hành vi mua bán chất thải bệnh viện còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh, dược phẩm sử dụng hóa chất, nguyên liệu, hương liệu… không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Công tác quản lý thực phẩm chức năng còn sơ hở, thực phẩm chức năng không đảm bảo chất lượng vẫn được lưu thông, buôn bán tràn lan trên thị trường.
Vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng với các hành vi phổ biến như thu mua hàng giả, kém chất lượng rồi đóng gói mới, làm giả bao bì sản phẩm, dập lại hạn sử dụng những mặt hàng đã hết hạn sử dụng, vận chuyển, buôn bán các loại gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch tại các tỉnh phía Bắc và Tây Nam Bộ (chủ yếu khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia); nhập khẩu thực phẩm “bẩn”, kém chất lượng, sử dụng các chất phụ gia ngoài danh mục, phụ gia vượt quá liều lượng cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm[5]. Gần đây nhất, ngày 24/5/2012 đoàn kiểm tra gồm Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra việc kinh doanh xí muội trên địa bàn thành phố, đã phát hiện tại một cơ sở ở quận 11 có 303 kg xí muội có nguồn gốc từ Trung Quốc đã hết hạn sử dụng, niêm phong số sản phẩm trên và lấy mẫu kiểm nghiệm. Trưa cùng ngày, một đoàn kiểm tra của Quản lý thị trường thành phố phát hiện 20,5 kg xí muội không rõ nguồn gốc, nhãn mác, chứng từ mua bán tại một sạp ở chợ Bình Tây (quận 6), đã tịch thu để tiêu hủy[6].
2. Công tác đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường
Trong thời gian qua, cáclực lượng chức năng phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường đã triển khai đồng bộ các biện pháp, phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh có hiệu quả các loại vi phạm pháp luật về môi trường. Nhiều vụ vi phạm pháp luật về môi trường kéo dài, gây bức xúc trong dư luận bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, tạo niềm tin và sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân. Cáclực lượng chức năng phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường đã tiến hành điều tra, nắm tình hình các lĩnh vực quan trọng, như khai thác khoáng sản, lâm sản; chế biến hải sản; sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc đông dược; sản xuất thép; các công trình thủy điện vừa và nhỏ khu vực miền Trung và Tây Nguyên; lĩnh vực xây dựng cơ bản trên địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; lĩnh vực sản xuất có nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao, như rượu, bia, nước uống và thức ăn; công tác bảo vệ môi trường tại bệnh viện tuyến trung ương, các bệnh viện và phòng khám tư nhân. Các cơ quan chức năng đã đấu tranh, xử lý đạt hiệu quả cao: phát hiện 7.868 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, làm rõ 3.355 tổ chức, 4.784 cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường; xử phạt vi phạm hành chính 3.254 vụ, 1.554 tổ chức, 1.671 cá nhân, phạt tiền 58,011 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra khởi tố 113 vụ, 145 đối tượng; chuyển cơ quan khác xử lý vi phạm hành chính 3.837 vụ, 1.321 tổ chức, 2.795 cá nhân, xử phạt vi phạm hành chính trên 50 tỷ đồng[7]. Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, song công tác đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trườngcòn bộc lộ nhiều nhiệu hạn chế, bất cập:
Một là, hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường chưa đầy đủ, chưa thống nhất, chưa đồng bộ, chưa minh bạch, chưa đủ tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường.
 Hai là, tổ chức bộ máy của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường vẫn còn bất cập. Cấp huyện là cấp tố tụng hình sự cơ sở, song vẫn chưa có đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường nên công tác chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện vẫn còn khó khăn.
 Ba là, công tác phối hợp giữa các lực lượng trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường có nơi, có lúc chưa đồng bộ, còn lúng túng, bị động do chưa có kinh nghiệm và chưa rõ về cơ chế; công tác phối hợp trong phát hiện, điều tra, xử lý chưa thống nhất.
Bốn là, ý thức pháp luật của một số cấp, ngành về bảo vệ môi trường còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Năm là, cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu công tác.
Trước tình hình đó, cần tập trung thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, các lực lượng chuyên trách cần chủ động nắm chắc tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường để tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xác định địa bàn, lĩnh vực trọng điểm về môi trường để tập trung lực lượng đấu tranh. Đó là các địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất; các lĩnh vực trọng điểm, như khai thác khoáng sản, lâm sản, nhập khẩu, buôn bán chất thải nguy hại, buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, quí hiếm; lĩnh vực an toàn thực phẩm…
Thứ hai, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường, nhất là Bộ luật Hình sự quy định các tội phạm về môi trường theo hướng đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, cụ thể, hiện đại và có tính khả thi cao. Đặc biệt phải định lượng một cách rõ ràng tại các cấu thành tội phạm các chất nguy hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép.  
Thứ ba, tăng cường công tác xây dựng lực lượng, coi công tác xây dựng lực lượng là then chốt. Tiếp tục đổi mới, kiện toàn, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường. Tăng cường công tác huấn luyện, đào tạo, xây dựng quy chế về đào tạo cán bộ (trình độ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ, cử đi học nước ngoài, bồi dưỡng các chuyên đề nghiệp vụ…) nhằm đáp ứng số lượng và chất lượng cán bộ. Trước mắt, thành lập Trung tâm kiểm định về môi trường thuộc Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thành một Trung tâm kiểm định đạt chuẩn quốc gia, có năng lực kiểm định, giám định độc lập, kết quả giám định, kiểm định có giá trị pháp lý phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường. Thành lập đội cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường ở công an cấp huyện, tiến tới kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 theo hướng quy định lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thành Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường - cơ quan cảnh sát điều tra chuyên trách về tội phạm môi trường.
Thứ tư, định kỳ 6 tháng, hàng năm, lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng ở các cấp tổ chức tổng kết rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác điều hành, chỉ đạo, tổ chức đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường.
Thứ năm, trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại và kinh phí phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường.
Sáu là, lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường chủ trì tăng cường mối quan hệ phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan trong phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, xử lý vi phạm và ứng dụng khoa học, công nghệ trong xử lý ô nhiễm, khắc phục sự cố môi trường. Nắm tình hình, diễn biến an ninh môi trường thế giới và khu vực, những tác động gây mất an ninh môi trường trong nước, để kịp thời đề xuất những giải pháp đấu tranh phòng, chống có hiệu quả, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Đây là những giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài, cần phải được tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả, góp phần đắc lực vào công cuộc đảm bảo an ninh môi trường - bộ phận cấu thành quan trọng của an ninh quốc gia - an ninh phi truyền thống - trong thời đại ngày nay./.

 


[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. NXB Chính trị quốc gia, H., 2011, tr. 69.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Tlđd, tr. 26.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Tlđd, tr. 42-43.
[4] Báo cáo số 4829/C41-C42 ngày 14/12/2011 của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an.
[5] Báo cáo số 4829/C41 - C42 ngày 14/12/2011 của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an.
[6] Báo Thanh niên, ngày 25/5/2012.
[7] Báo cáo số 4829/C41 - C42 ngày 14/12/2011 của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an. 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 13(221), tháng 7/2012)


Thống kê truy cập

33064021

Tổng truy cập