Giám sát việc bảo vệ quyền trẻ em

01/02/2005

Trương Thị Mai

Thành quả thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em
Cùng với 60 quốc gia trên thế giới tham gia ký Công ước quốc tế ngay từ ngày đầu tiên, Việt Nam đã trở thành nước thứ hai và là nước đầu tiên trên thế giới phê chuẩn không bảo lưu Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Hơn 15 năm thực hiện Công ước về quyền trẻ em, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả khả quan: ư Góp phần thúc đẩy việc tôn trọng thực hiện quyền con người trong đó có quyền trẻ em; ư Các quốc gia thành viên có nhận thức đúng đắn về trẻ em và những vấn đề về trẻ em; ư Xây dựng và phát triển pháp luật quốc gia và quốc tế về quyền trẻ em; ư Hình thành, phát triển những cơ quan, tổ chức, cơ chế riêng cho trẻ em và về trẻ em ở các nước;  ư Có các mục tiêu cụ thể về sự sống còn, phát triển của trẻ em; ư Những trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và vấn đề bảo vệ trẻ em được chú ý, quan tâm hơn bao giờ hết; ư Trẻ em được tham gia phát biểu ý kiến của các em và được tôn trọng, lắng nghe hơn. Việc ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991 là một hành động tích cực của Việt Nam tham gia thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Nội dung của Luật đã thể hiện được tinh thần cơ bản của Công ước quốc tế phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật đã góp phần quan trọng đối với việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Với tinh thần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về trẻ em, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) đã được Quốc hội khoá XI kỳ họp thứ 5 thông qua (tháng 5/2004) với 5 chương, 60 điều và có hiệu lực từ ngày 01/01/2005.
Nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi)
 Trên cơ sở kế thừa những nội dung của Luật 1991, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 đã tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các quyền cơ bản của trẻ em, các chính sách và chế tài nhằm tăng cường hiệu lực của pháp luật đối với việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong giai đoạn mới. Những nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được sửa đổi, bổ sung, đó là : a)ư Bổ sung nguyên tắc quan trọng đối với trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, “Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu”. Đây cũng là một nguyên tắc đã được ghi nhận tại Điều 3 của Công ước quốc tế về quyền trẻ em. b)ư Các quyền cơ bản của trẻ em: Trên cơ sở 4 nhóm quyền cơ bản của Công ước quốc tế về quyền trẻ em (nhóm quyền sống còn, nhóm quyền được bảo vệ, nhóm quyền được phát triển, nhóm quyền được tham gia), Luật đã cụ thể hoá thành những quyền cơ bản của trẻ em Việt Nam: Quyền được khai sinh và có quốc tịch; quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; quyền được sống chung với cha mẹ; quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng,  thân thể, nhân phẩm và danh dự; quyền được chăm sóc sức khoẻ; quyền được học tập; quyền được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch; quyền được phát triển năng khiếu; quyền có tài sản; quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội. Tương ứng với mỗi quyền là trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội cùng với các chính sách cụ thể. c)ư Chính sách mới đối với trẻ em được bổ sung: Chính sách miễn lệ phí đăng ký khai sinh cho trẻ em nghèo; chính sách về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em được quy định phù hợp với trình độ phát triển kinh tế – xã hội; chính sách cho trẻ em có cha mẹ đang thi hành án phạt tù trong trại giam không có nơi nương tựa, chính sách khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi ở các cơ sở y tế công lập; chính sách để trẻ em được học hết phổ cập và tạo điều kiện để học cao hơn; chính sách đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao cho trẻ em; chính sách bảo đảm quyền dân sự; chính sách phát triển năng khiếu; chính sách cho trẻ em của các gia đình nhập cư và đặc biệt là chính sách đối với trẻ em con gia đình thương binh liệt sỹ, người có công, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em con hộ nghèo, trẻ em ở vùng điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. d)ư Chương dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em là nận nhân chất độc hoá học; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em bị nghiện ma tuý; trẻ em vi phạm pháp luật. Luật quy định các chính sách khác nhau cho mỗi đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. e)ư Một số chính sách mới được đưa vào Luật: Chính sách trợ giúp gia đình, cá nhân, cơ sở trợ giúp trẻ em ngoài công lập nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; chính sách đối với trẻ em nhiễm HIV/AIDS không bị phân biệt đối xử, được tạo điều kiện để chữa bệnh, nuôi dưỡng tại gia đình hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em; chính sách đối với trẻ em làm việc xa gia đình được chính quyền địa phương và chủ cơ sở giúp đỡ để học văn hoá, học nghề, bảo đảm an toàn cuộc sống; chính sách đối với trẻ em lang thang và trẻ em theo gia đình lang thang được giúp đỡ để hồi gia, ổn định cuộc sống; chính sách đối với trẻ em đã chấp hành xong thời hạn giáo dục hoặc hình phạt mà không có nơi nương tựa được đưa vào cơ sở trợ giúp trẻ em, tạo điều kiện để học nghề và có việc làm.
Vai trò, nội dung hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
 Nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật cùng với các quy định cụ thể về quyền của trẻ em, trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội, những chính sách bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tốt hơn đã ngày càng thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với thế hệ tương lai. Để Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được thực thi có hiệu quả, hoạt động giám  sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đóng vai trò quan trọng. Thông qua hoạt động giám sát, một mặt để xem xét, đánh giá việc thực hiện Luật trong đời sống xã hội và tổ chức thực hiện của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được trao trách nhiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trên cơ sở đó, đưa ra những đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc thực hiện quyền trẻ em. Hoạt động giám sát cũng là cơ sở quan trọng để Quốc hội đánh giá lại những chính sách đề ra trong luật từ những kết quả ghi nhận được từ thực tiễn cuộc sống. Ngoài hoạt động giám sát tối cao được thực hiện tại kỳ họp, Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát thông qua cơ chế uỷ quyền cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, đoàn Đại biểu Quốc hội để thực hiện quyền giám sát của mình, đặc biệt là những Uỷ ban phụ trách lĩnh vực có liên quan nhiều đến quyền trẻ em. Nội dung giám sát tập trung vào việc : ư Giám sát việc tuân thủ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và pháp luật có liên quan; ư Đánh giá hiệu quả của việc thực thi pháp luật về trẻ em; ư Xem xét các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực hiện Luật. Trên tinh thần đổi mới công tác lập pháp, hướng tới luật được ban hành phải có hiệu lực ngay, Chính phủ không nhất thiết phải hướng dẫn thực hiện toàn bộ luật mà chỉ hướng dẫn thực hiện một số điều theo quy định của luật để hạn chế việc chờ đợi nghị định, thông tư ra đời luật mới được thực thi.
ư Đánh giá năng lực tổ chức thực hiện của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của Luật.
Phương thức giám sát đảm bảo hiệu quả giám sát
Hoạt động giám sát được tổ chức thông qua các hình thức như giám sát chuyên đề, tổ chức Đoàn giám sát, xem xét Báo cáo của Chính phủ, của các cơ quan hữu quan hoặc tổ chức Uỷ ban lâm thời để điều tra một vấn đề xét thấy cần thiết... Trên cơ sở đó mà hàng năm Quốc hội tiến hành xem xét, đánh giá việc thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cùng với việc thu thập ý kiến của nhân dân để tiếp tục hoàn thiện luật pháp về trẻ em. Quốc hội thực hiện quyền giám sát thông qua hoạt động chất vấn tại các kỳ họp, đại biểu Quốc hội có quyền đưa ra các câu hỏi đối với Chính phủ về những vấn đề liên quan tới trẻ em mà mình quan tâm và Chính phủ có trách nhiệm phải trả lời cũng như xem xét các kiến nghị của đại biểu Quốc hội và cử tri gửi đến. Thực tiễn hiện nay, một số chuyên đề có thể nghiên cứu để giám sát đó là: Việc thực hiện các chính sách mới cho trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng; hoạt động của các cơ sở trợ giúp trẻ em công lập và ngoài công lập; hoạt động phối hợp của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến quyền trẻ em; đầu tư của Nhà nước, xã hội cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em...
Chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội góp phần đảm bảo chất lượng giám sát. Do đó, bên cạnh nhiệm vụ tăng cường công tác phục vụ đại biểu Quốc hội, cung cấp thông tin đầy đủ và sự hỗ trợ chuyên gia cho đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát, mỗi đại biểu Quốc hội phải nâng cao năng lực trong hoạt động thu thập, phân tích thông tin, kỹ năng đánh giá chính sách, xem xét, đánh giá việc thực thi Luật và đưa ra được những kiến nghị giám sát thiết thực. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần xây dựng kế hoạch, chương trình nội dung, hình thức giám sát phù hợp. Đặc biệt dành sự quan tâm giám sát việc thực hiện các chính sách được quy định trong Luật, lựa chọn vấn đề trọng điểm để giám sát và kịp thời kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành những quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND sẽ tăng cường hiệu lực của hoạt động giám sát, đảm bảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Giám sát thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng chính là góp phần thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em tại Việt Nam./.