Cần quan tâm đặc biệt tới điều hành giá cả

01/01/2005

Cẩm Ngọc, Chuyên viên Tài chính

Kinh tế

Một đổi mới có tính chiến lược, chắc chắn sẽ tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế là nhận thức về mức độ lạm phát nên có, xấp xỉ với tốc độ tăng trưởng kinh tế diễn ra tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Chúng ta sẽ tận dụng được sức mạnh của tiền tệ để kích thích kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, sự bùng nổ những cơn sốt giá đầu năm 2004 nhắc nhở rằng muốn đạt được sự tăng trưởng nhanh nhưng bền vững, có nhiều việc cần làm.
1. Quan tâm đặc biệt tới điều hành giá cả Có thể nói, năm 2004 là một sự lặp lại của hiện tượng “nhảy cóc” trong tăng giá cả. Nhớ lại thời kỳ lạm phát phi mã năm 1985 –1988, giá cả không tăng ngay hàng tháng, theo tỷ lệ lạm phát 5% ư 10%/tháng, mà cứ vài tháng mới tăng ào ạt một lần tới 50% thậm chí 100%, bù lại cho những tháng giá cả ít thay đổi. Những đợt tăng giá “nhảy cóc ” này gây tâm lý sợ lạm phát rất nặng nề, làm tốc độ lưu thông tiền tệ V tăng cao. Như vậy, giá cả tăng vừa do khối lượng tiền tệ (M) tăng vọt, vừa do tốc độ lưu thông tiền tệ V bị đẩy nhanh lên, dẫn đến giá tăng nhanh hơn tiền, đặc trưng riêng biệt của lạm phát phi  mã. Ngược lại, trong lạm phát lành mạnh, ở mức độ trên dưới 10%/năm, giá luôn tăng chậm hơn tiền, dẫn chứng rõ nhất là Trung Quốc dùng lạm phát cao (bình quân 10,98%) trong 14 năm, từ năm 1984 – 1997, để tăng trưởng GDP gấp 3,6 lần, mà chỉ số giá cả chỉ tăng bằng 45,6% so với mức tăng khối tiền lưu thông (bình quân 24,07%). Hiện tượng giá tăng “nhảy cóc” này xảy ra là do việc điều hành giá cả cứng nhắc, không kịp thời điều chỉnh giá một số nông sản, gây thiệt hại cho nông dân như giá sữa nguyên liệu thu mua bị giữ lại không tăng liền trong mấy năm. Việc bù giá vào lương cũng để cho nợ lại, mặc dù các năm 1999 – 2001 bị thiểu phát, là thời cơ vàng cho việc tăng khối tiền lưu thông để giải quyết hoàn nợ bù giá vào lương và tăng lương. Vì vậy, nhân dịp giá lương thực, thực phẩm tăng vọt do dịch cúm gia cầm và giá xăng dầu tăng vọt từ thị trường thế giới, giá cả liền tăng “nhảy cóc”, bù lại cho những năm bị kìm lại do thiếu nhạy cảm trong điều hành giá cả và tiền tệ. Tất cả là do sự vận dụng quy luật lưu thông tiền tệ không đúng trong thực tế, nên lượng hàng hóa và dịch vụ đưa ra lưu thông (PQ) 1 tăng lên tới trên 30% mà Ngân hàng trung ương không biết tăng khối tiền tệ lên tương ứng, trái lại đã giảm mức phát hành tiền các năm 1999 – 2001 xuống thấp, chỉ còn 19% đến 25% so với mức thực tế 31,5 – 32% của các năm 1993 – 1994. Giảm mức phát hành tiền như vậy đã gây thiểu phát, kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế xuống rất thấp, chỉ còn 4,77% tới 6,84% so với mức 9,54% năm 1994 và 9,34% năm 1995. Những nhân tố sản xuất tăng nhanh tạo cung vượt cầu trong khá nhiều mặt hàng như vật liệu xây dựng, cà phê… đã không được vận dụng để tăng PQ, từ đó tăng lượng vốn phát hành để kích cầu nền kinh tế. Phải chăng, đó là do tình trạng chạy theo những trường phái kinh tế tư bản chủ nghĩa còn đầy nghi vấn khoa học, như trường phái “lạm phát giá cả”, bắt chước các nước phương Tây, dùng chính sách lạm phát gần bằng không, bỏ qua lý luận Mác ư Lênin về tiền tệ và quy luật lưu thông tiền trong quản lý tiền tệ và điều hành giá cả? P ư giá cả theo quy luật sẽ tăng theo mức độ tăng của M. Nhưng trong mấy năm qua, ta lại kìm giữ một số giá hàng hóa nguyên liệu như giá thu mua sữa đã nói ở phần trên. Như vậy, cũng là không vận dụng đúng quy luật lưu thông tiền tệ. Những yếu tố vô cùng thuận lợi cho việc điều hành giá cả như việc hạ giá thành nhanh chóng dẫn tới giá nhiều mặt hàng tiêu dùng giảm tới vài lần, như: đồ dùng điện tử, điện thoại di động, máy vi tính v.v.., cùng với việc hạ giá bán trực tiếp hay gián tiếp bằng khuyến mại đủ kiểu cũng không được tận dụng để kiềm chế mức tăng giá cả. Ngược lại, trong điều hành giá cả, ta đã buông trôi với các kiểu đầu cơ như đầu cơ nhà đất, đẩy giá nhà đất lên vài chục lần, cao nhất thế giới, trong khi nước ta chưa trở thành một đại công trường xây  dựng như Trung Quốc. Kẻ đầu cơ luôn luôn mua về để bán chứ không phải để dùng, vì vậy, giá cao bao nhiêu cũng không ngại. Giá nhà đất tăng cao đẩy giá thành sản xuất và phí lưu thông tăng lên, làm cho giá hàng hoá tại các đô thị lớn tăng cao. Nhiều cửa hiệu không chịu nổi giá thuê cao ngất nghểu ở các thành phố nên biển hiệu trương lên một năm, có khi vài tháng đã phải hạ xuống do buôn không đủ lời để trả tiền thuê nhà. Trong khi đó, nhà nước chỉ lo định giá nhà đất cho sát giá   “thị trường” do đầu cơ thao túng, mà không có những giải pháp mạnh hạ giá đầu cơ nhà đất. Chỉ cần tập trung các giấy viết tay mua, bán nhà không hợp pháp là thống kê được ngay ai mua đất để canh tác hay cất nhà ở, ai mua về để bán đầu cơ nâng giá. Khi đó, chỉ cần đánh thuế nặng những trường hợp đầu cơ, còn miễn hẳn hay giảm nhiều cho những người mua để dùng.
2. Vận dụng khéo léo quy luật lưu thông tiền tệ
Ngân hàng trung ương được nhà nước giao cho nhiệm vụ điều hành tiền tệ, nhưng đường lối phát hành tiền và chỉ đạo việc tạo tiền của các Ngân hàng Thương mại vẫn ở mức độ chung chung, khó hiểu như “phát hành tiền theo tín hiệu của thị trường”. Tín hiệu thị trường cụ thể là gì, không ai giải thích rõ. Phải chăng, đó là biến động giá cả thị trường? Như thế chẳng khác gì mò mẫm thấy giá không biến động nhiều thì tiếp tục phát hành. Như vậy, giá cả do tiền tệ làm tiền giấy mất giá hay do thiên tai đều coi là lạm phát như nhau. Cuối cùng các cơn sốt giá đầu năm mới làm bộc lộ mọi sự yếu kém của cơ chế “phát hành theo tín hiệu thị trường” và cho thấy, trường phái “lạm phát giá cả” đã ngầm điều hành chính sách tiền tệ mấy năm nay. Nếu phân tích kỹ tín hiệu thị trường, chắc Ngân hàng Trung ương phải bàn từ lâu việc chọn mặt hàng trong cái rổ hàng hóa dùng để tính chỉ số giá (loại trừ những yếu tố thiên tai bấp bênh), không để nó chiếm tới 47% tỷ trọng trong cái rổ hàng hóa chung. Các nước xung quanh chúng ta cũng bị dịch cúm gia cầm, nhưng chỉ số giá cả của họ có tăng cao như của ta đâu, vì họ đã loại trừ được yếu tố thiên tai bất thường trong việc tính chỉ số giá cả. Tôi cho rằng, vận dụng khéo quy luật lưu thông tiền tệ là phải chủ động thúc đẩy các yếu tố có lợi cho tiền tệ phát triển mạnh, như tìm cách cho PQ tăng nhanh. Điều kỳ diệu là ta đã làm được chuyện này, năm 1989, khi chuyển từ chỗ thiếu hàng sang chỗ PQ tăng gấp đôi, hàng dãy phố tràn ngập hàng hóa mọc ra như nấm sau cơn mưa, cho phép phát hành tiền thêm tới 162% so với năm 1988, (nghĩa là gấp 2,62 lần). Bên cạnh điều kỳ diệu đó lại có một điều kỳ lạ là, nhiều người lại không biết, năm 1989 nước ta đã chấm dứt lạm phát phi mã bằng cách nào, mặc dù thống kê cho thấy rõ, chỉ số giá cả năm 1989 chỉ còn 34,6% so với 500% ở các năm trước đó và thế giới đã ca ngợi Việt Nam đạt được những thành tựu ngoạn mục, đáng kinh ngạc vào năm đó. Có sách giáo khoa về tiền tệ và ngân hàng chỉ làm việc kê lên các công thức về tiền tệ trong các cuốn kinh tế học của các tác giả nước ngoài, mà không phân tích chỗ nào đúng, chỗ nào sai, đặc biệt là không liên hệ thực tế với việc vận dụng quy luật lưu thông tiền tệ ở nước ta. Vì vậy, sinh viên được học cả những quan niệm kỳ lạ: tiền nào cũng là tiền,  nên tiền giấy và tiền vàng cũng có lạm phát như nhau. Không ai tìm hiểu xem, tác giả thuyết “lạm phát giá cả” đã giải thích như thế nào về cách in ra tiền vàng cũng rẻ như in tiền giấy để lạm phát vàng. Vì vậy, Ngân hàng trung ương nên phối hợp với các trường đại học kinh tế, gắn liền việc giảng dạy với thực tế nước ta để kiểm chứng những trường phái tiền tệ còn đầy nghi vấn khoa học, làm cho lý luận và thực tiễn không bị tách rời nhau. * * * Các cơn sốt giá cả năm nay đã giúp chúng ta phân tích và tìm ra nhiều vấn đề tiền tệ lâu nay không rõ ràng. Điều cần khẳng định là, chúng không làm cho lạm phát nặng thêm nhiều và lạm phát vẫn nằm trong khả năng kiểm soát của chúng ta. Hơn nữa, điều đáng mừng là, quyết định nâng mức lạm phát ngang với mức tăng trưởng GDP nhất định sẽ làm tăng trưởng đạt mức hai con số, có thể là ngay trong năm 2005, nếu các khiếm khuyết về trì trệ và thất thoát trong xây dựng cơ bản được khắc phục kịp thời. Rất mong những điều cần bàn bạc sẽ được trao đổi kỹ, để chính sách tiền tệ xa rời được tình trạng chung chung, làm tròn nhiệm vụ kích thích tăng trưởng nhanh và bền vững./.