Bàn về khía cạnh pháp lý của tài sản quyền sử dụng đất

01/12/2004

Phạm Xuân Hoàng, SV , Khoa Kinh tế 25c, Đại học Luật Hà Nội

Quyền sử dụng đất ở Việt Nam - một loại tài sản mới
Khởi thuỷ lý thuyết về sở hữu của phương Tây ghi nhận, quyền sử dụng và quyền định đoạt là các quyền cơ bản trong tập hợp các quyền của chủ thể đối với đồ vật - gọi là chủ sở hữu tài sản, và được coi là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm 1 . Song, càng ngày người ta càng nhận ra rằng, phải tìm ra một cách thức mới để phân chia giới hạn kiểm soát tài sản, nhất là đối với các tài nguyên khan hiếm cho cả những người khác, sao cho vẫn không ảnh hưởng đến quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của chủ sở hữu. Và rồi “nền đại công nghiệp tư bản hình như đã góp phần phân tách nhanh chóng các quyền của chủ sở hữu, làm cho chiếm hữu, sử dụng và định đoạt ngày càng được các chủ thể khác nhau thực hiện” . 2 Nắm bắt được đòi hỏi khách quan này, pháp luật Việt Nam quy định: đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu tiến hành giao đất, cho thuê đất cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân (gọi tắt là người sử dụng đất) sử dụng ổn định, lâu dài. Đây là một nguyên tắc hiến định 3 . Thực chất, đây là việc tiền tệ hóa hay còn gọi là thương phẩm hóa quyền sử dụng đất (QSDĐ), làm cho QSDĐ trở thành tài sản có giá trị không chỉ đối với chủ sở hữu đất đai, mà còn cả với người sử dụng đất. Việc khẳng định QSDĐ là tài sản của người sử dụng đất vừa mang tính hợp lý, vừa có cơ sở pháp luật vững chắc. Hợp lý bởi, khái niệm tài sản được quan niệm khá rộng mở: “ là bất cứ những gì có giá trị, một khái niệm rộng và không có giới hạn, luôn được bồi đắp thêm bởi những giá trị mà con người nhận ra” . Về tính pháp lý, 4 đoạn 2, Điều 118 Bộ luật Dân sự (1995) (BLDS) đã ghi nhận rằng: “QSDĐ hợp pháp của hộ gia đình cũng là tài sản chung của hộ”. Từ quy định này, có thể rút ra các kết luận: QSDĐ hợp pháp của cá nhân là tài sản của cá nhân; QSDĐ hợp pháp của tổ chức là tài sản của tổ chức... Như vậy, QSDĐ ở nước ta được hình thành không dựa trên học thuyết về các quyền tự nhiên , mà nó là “con đẻ” của pháp luật. Nói cách khác, chính sự phân chia giới hạn kiểm soát đất đai giữa Nhà nước và người sử dụng đất theo quy định của pháp luật đã tạo ra một loại tài sản vô hình mới ở nước ta.
QSDĐ - một loại bất động sản
QSDĐ là tài sản. Do đó, cần xác định tài sản này là động sản hay bất động sản (BĐS), vì việc phân chia tài sản thành động sản và BĐS mang lại những lợi điểm khác nhau. Chẳng hạn, nếu là BĐS thì có thể dùng làm tài sản thế chấp, hoặc có ý nghĩa trong việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu. Theo Điều 346, khoản 1 BLDS nước ta thì “thế chấp tài sản là việc bên có nghĩa vụ dùng tài sản là BĐS thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên có quyền”. Như vậy, chỉ tài sản là BĐS mới được dùng làm tài sản thế chấp. Song, pháp luật lại thừa nhận người sử dụng đất được thế chấp QSDĐ để vay vốn tại các tổ chức và cá nhân . Như 6 vậy, bằng cách vừa trực tiếp vừa gián tiếp, có đủ cơ sở pháp lý để khẳng định rằng: tài sản QSDĐ là một loại BĐS . Mặc dù, chưa được gọi tên tại khoản 1, Điều 181 BLDS, nhưng có  thể hiểu QSDĐ thuộc vào nhóm “các tài sản khác do pháp luật quy định” theo điểm d, khoản 1, điều này.
QSDĐ - BĐS thuộc quyền tư hữu
Bản chất của quá trình Nhà nước tiến hành giao đất, cho thuê đất để người sử dụng đất sử dụng ổn định lâu dài là sự phân chia giới hạn kiểm soát tài sản đất đai giữa Nhà nước và người dân. Như vậy, “ việc sáng tạo ra khái niệm QSDĐ cả người Việt Nam và người Trung Quốc đã tạo ra một khái niệm sở hữu kép, một khái niệm sở hữu đa tầng: đất đai thuộc sở hữu toàn dân, song QSDĐ thuộc sở hữu của cá nhân hoặc tổ chức gọi là quyền tư hữu” 7 . Mặc dù chưa đầy đủ, song pháp luật thực định nước ta đã có những quy định ghi nhận tài sản QSDĐ thuộc quyền tư hữu như đoạn 2, Điều 118 BLDS vừa nêu, hay khoản 5, Điều 105 Luật Đất đai 2003 cũng ghi nhận: “người sử dụng đất được Nhà nước bảo hộ khi bị người khác xâm phạm đến QSDĐ hợp pháp của mình”. Khi phân tích về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự trong luật thực định Việt Nam, TS. Nguyễn Ngọc Điện cho rằng: “không phải BĐS - không phải vật - mà chính quyền sở hữu BĐS mới là đối tượng của hợp đồng thế chấp” . Như vậy, dù đối tượng 8 của hợp đồng thế chấp là QSDĐ hay quyền sở hữu tài sản QSDĐ, thì điều kiện tiên quyết là tài sản đó phải thuộc sở hữu của người thế chấp, và gọi chung là quyền tư hữu. Quyền tư hữu vốn được quan niệm là quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm; và “một khi pháp luật bảo hộ tài sản tư, có nghĩa là pháp luật đã góp phần bảo hộ một động lực mạnh mẽ thúc đẩy xã hội phát triển” .
Một số kiến nghị
Theo lôgíc thông thường, quyền sở hữu tài sản là QSDĐ của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải là quyền mang tính loại trừ (exclusive rights) và được tuyệt đối tôn trọng. Nói cách khác, quyền sở hữu QSDĐ phải được pháp luật thừa nhận là quyền tư hữu theo nghĩa đầy đủ nhất. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta hiện nay, “Nhà nước vẫn có quyền rộng rãi trong việc thu hồi đất (tức là tước đi quyền tài sản tư), trong rất nhiều trường hợp – về cơ bản vẫn theo ý chí nhà nước” 10 ; Nhà nước ta là một Nhà nước “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, thiết nghĩ, cần phải có những phương cách để cùng san sẻ, lo toan với nhân dân. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh” . 11 Thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc gia, lợi ích công cộng là chính đáng và cần thiết, song, cần có một cơ chế, bảo đảm hài hoà giữa lợi ích công cộng, lợi ích cá nhân, hộ gia đình và tổ chức. Theo TS. Phạm Duy Nghĩa (Đại học Quốc gia Hà Nội), muốn thay đổi tận gốc rễ những rắc rối trong vấn đề đất đai hiện nay, cần ghi nhận rõ ràng trong luật, QSDĐ của cá nhân và tổ chức là quyền tài sản tư được Nhà nước bảo hộ. Song, điều này không có nghĩa là phải thay đổi sở hữu về đất đai. Chúng tôi xin được chia sẻ quan điểm này. Như đã phân tích, đất đai và QSDĐ là hai tài sản khác nhau, mặc dù có liên quan mật thiết với nhau, nhưng giữa chúng có sự độc lập tương đối và không hề loại trừ nhau. Thừa nhận QSDĐ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân là tài sản tư không làm ảnh hưởng đến tính chất sở hữu toàn dân về đất  đai. Nói cách khác, “ sở hữu toàn dân không hề mâu thuẫn và cản trở quyền tài sản tư; người làm luật hoàn toàn có thể tăng quyền cho người sử dụng đất và giảm thiểu hoặc loại trừ quyền can thiệp của Nhà nước vào những tài sản tư đó. Tư điền, đôi khi được sử dụng hoàn toàn vì mục đích công” . Do đó, Nhà nước cần 12 phải có cơ chế bảo hộ để tăng tính loại trừ cho tài sản gắn liền cuộc đời và quyết định sự mưu sinh của dân chúng. Theo chúng tôi, nên chăng, cần phân loại các “lợi ích” để có thể áp dụng linh hoạt các biện pháp nhằm thực hiện mục đích đó. Chẳng hạn như: (i) Đối với trường hợp vì “lợi ích công cộng” cần thay hình thức thu hồi bằng trưng mua . Đồng thời, pháp luật cần xác định rõ trường hợp vì “lợi ích công cộng” là những trường hợp nào? (ii) Còn với mục đích “phát triển kinh tế”, cách làm quy định trong khoản 2, Điều 40 Luật Đất đai 2003 cần được coi là giải pháp chủ yếu trong một nền sản xuất hàng hoá. Có thể định danh cách làm vừa nêu theo phương châm của người Trung Quốc là: Nắm vững đại cục mà linh hoạt trong tiểu tiết./.