Chỉ dẫn địa lý nông sản: thực trạng và giải pháp

01/07/2004

Xuân Anh

Khái niệm về chỉ dẫn địa lý
 ở nước ta, khái niệm về chỉ dẫn địa lý được xác định là một trong năm đối tượng sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 786, Bộ luật Dân sự với tên gọi xuất xứ hàng hoá . 1 Tuy nhiên, tên gọi xuất xứ hàng hoá dường như mới nhấn mạnh đến “tên gọi” sản phẩm (hình thức) mà ít thể hiện được chất lượng sản phẩm (nội dung), trong khi chỉ dẫn địa lý chủ yếu được dùng để nêu bật chất lượng sản phẩm được các nước trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thừa nhận. Theo điều 22 Hiệp định TRIPS – Hiệp định  được áp dụng đối với 146 nước thành viên của WTO, chỉ dẫn địa lý được hiểu là một chỉ dẫn nhằm xác định một sản phẩm có xuất xứ từ lãnh thổ của một nước (thành viên WTO), hoặc từ một vùng, một khu vực địa lý của nước đó, với điều kiện chất lượng, danh tiếng hay các đặc tính khác của sản phẩm chủ yếu do nguồn gốc địa lý này mang lại. Như vậy, chỉ dẫn địa lý không chỉ là một tên gọi hoặc thông tin đơn thuần về tên gọi, nơi sản xuất, chế biến ra sản phẩm mà CDĐL nhằm phân biệt một sản phẩm này với các sản phẩm khác cùng loại, do đó CDĐL là dấu hiệu phân biệt về mặt địa lý có quyết định cơ bản đến chất lượng của một sản phẩm. CDĐL nói lên sự gắn kết của sản phẩm với tên một miền, một vùng đất ; được tạo ra từ tay nghề truyền thống , tinh hoa con người của vùng đất đó, làm ra sản phẩm trung thực và mang tính lưu truyền . Truyền thống tạo nên danh tiếng của sản phẩm, vì thế CDĐL không phải sự sáng tạo mà là sự tồn tại lưu truyền từ năm này qua năm khác, từ đời này qua đời khác cần được thừa nhận, phát triển và được Nhà nước bảo hộ. ở các nước châu Âu, một số chỉ dẫn địa lý nổi tiếng được xuất khẩu mạnh và được người tiêu dùng ưa thích như: Rượu vang Bordeaux (Pháp); Vang ngọt Porto (Bồ Đào Nha); Pho mát Parnigiano (Italia); Mứt quả Jijona (Tây Ban Nha); Rau – Khoai Jersey Royal Potatoe (Anh)... Cho đến nay ở nước ta, nước mắm Phú Quốc, chè Shan Tuyết Mộc Châu (Sơn La) được công nhận trong phạm vi quốc gia cũng đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và được người tiêu dùng sử dụng rông rãi và ưa thích. Một số CDĐL nông sản khác như gạo tám thơm Hải Hậu, Cà phê Buôn Ma Thuột, xoài Hoà lộc, dừa Bến Tre, bưởi Năm Roi… đang trong quá trình mở rộng thị trường trong và ngoài nước và tiến tới đăng ký bảo hộ với Nhà nước và nước ngoài.  
Lợi ích của chỉ dẫn địa lý
Trong buổi nói chuyện chuyên đề ”Chỉ dẫn địa lý và thương hiệu nông sản Việt Nam” do Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội tổ chức ngày 30/5/2004 tại Hà Nội , GS,TSKH Nguyễn Ngọc Trân chỉ ra lợi ích của CDĐL thể hiện trên bốn phương diện: • CDĐL bảo vệ nhà sản xuất chống lại nạn hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng không để bị đánh lừa; • CDĐL hỗ trợ việc xúc tiến thương mại và là một hộ chiếu cho xuất khẩu, bởi lẽ nó là cơ sở bảo đảm uy tín , sản phẩm đến từ gốc và có chất lượng được khẳng định bằng chính tên gọi của vùng lãnh thổ và được quốc tế công nhận; • CDĐL là một công cụ để phát triển nông thôn và mở ra một cách sản xuất khác: Giữ gìn và hồi sinh năng lực các vùng nông thôn; tăng thêm giá trị của sản xuất theo phương pháp truyền thống; cho phép quảng bá di sản nông nghiệp của quốc gia đồng thời giữ được truyền thống văn hoá; bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học; • CDĐL góp phần thực hiện sự công bằng kinh tế, bởi lẽ sự phong phú về các CDĐL tiềm năng được phân bổ đều giữa các nước đã phát triển và các nước đang phát triển. Mặt khác, CDĐL được các quốc gia bảo hộ, với mức chi phí thấp đối với các nhà sản xuất 
Khai thác tiềm năng chỉ dẫn địa lý nông sản nước ta ư nguyên nhân và giải pháp
 Tiềm năng chưa được khai thác Là một nước nông nghiệp với bốn mùa thiên nhiên và những con người vừa tài hoa vừa cần cù, chịu khó, ở khắp các vùng quê đầy truyền thống đã tạo ra những sản phẩm về nôngưthuỷ sản, thủ công mỹ nghệ nổi tiếng gắn bó với mảnh đất, tình người sâu đậm như nhãn lồng Hưng Yên; xoài cát Hoà Lộc; hồ tiêu Phú Quốc; nước mắm Phan Thiết; chè Thái Nguyên; quế Trà My; gạo Hải Hậu; gốm Bát Tràng; lụa Vạn Phúc... Bước vào thời kỳ đổi mới, nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường và xu thế tiến tới hội nhập kinh tế quốc tế thì một số sản phẩm nông sản của nước ta đã được đưa ra xuất khẩu và chiếm được ngay những vị trí hàng đầu thế giới như hồ tiêu, hạt điều xuất khẩu đứng đầu thế giới; gạo, cà phê xuất khẩu đứng thứ hai thế giới. Những năm gần đây, nông nghiệp nước ta không ngừng tăng năng suất. Tuy nhiên, những sản phẩm có chỉ dẫn địa lý nổi tiếng khác của nước ta chưa được quan tâm phát triển và có sự bảo hộ từ phía Nhà nước để có thể xuất khẩu mạnh mẽ ra thị trường thế  giới, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Hiện nay, nhiều vùng quê có các sản phẩm nổi tiếng vẫn bao năm bị lạc hậu, cuộc sống của người nông dân vất vả, nghèo khó. Đó là một nghịch lý nông sản. Nguyên nhân Trong quá trình xem xét và kiểm nghiệm thực tiễn, đại diện của Câu lạc bộ xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản của nghịch lý nông sản nước ta như sau: • Công tác dự báo thị trường yếu dẫn đến sản xuất “theo đuôi” thị trường; • Chất lượng nông sản chưa cao, chưa ổn định và có giá trị cộng thêm cao; • Bao bì chưa hấp dẫn, bảo quản sản phẩm chưa tốt, thất thoát sau thu hoạch cao ; 2 • Phân phối xuất khẩu dưới dạng thô 3 (trình độ công nghệ chế biến thấp). Chưa đủ khả năng và tính chủ động trong việc phân phối xuất khẩu trực tiếp mà còn thông qua nhà trung gian dưới tên thương hiệu nước ngoài; • Chưa đầu tư đầy đủ vào tiếp thị và quảng bá cho sản phẩm
Giải pháp
Chỉ dẫn địa lý cần gắn với thương hiệu mạnh: Bên cạnh lợi ích to lớn của chỉ dẫn địa lý về chất lượng sản phẩm, việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường còn cần tới thương hiệu thể hiện uy tín của sản phẩm. Chỉ dấn địa lý và thương hiệu nông sản là những công cụ để nâng cao thu nhập của nông dân và góp phần phát triển nong thôn. Để xây dựng thương hiệu nông sản, cần thiết tạo sản phẩm tốt và ổn định. Cải tạo giống cây trồng chất lượng cao, hoàn thiện công nghệ sau thu hoạch và đầu tư công nghệ chế biến, chọn lọc sản phẩm giá trị cao. Việc thiết kế bao bì hấp dẫn và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng cũng làm tăng thêm giá trị sản phẩm. Bà Trần Thị Ngọc Sương, giám đốc nông trường Sông hậu (Cần Thơ) cho biết kinh nghiệm về màu sắc bao bì cho các sản phẩm của SOHAFARM: Nếu như thị hiếu của châu Mỹ, châu Âu là màu sắc nhẹ nhàng thì châu Phi lại ưa gam màu nóng. Thí dụ như hàng lương thực xuất qua thị trường châu Phi, bao bì đóng gói phải sử dụng màu xanh đậm, bao bì đóng gói hàng thực phẩm thì sử dụng màu đỏ đậm, vì nếu sử dụng màu nhạt thì người tiêu dùng châu Phi thường chê là hàng cũ.  Một vấn đề cần phải chú ý trong việc nâng cao thương hiệu của sản phẩm là chú ý đầu tư vào xây dựng hình ảnh thương hiệu và quảng bá đến đối tượng mục tiêu. Nắm vững nhu cầu thị trường, kết hợp với nhà phân phối trung gian, đem sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Phối kết hợp 6 “Nhà” Đại diện Câu lạc bộ thương hiệu nông sản Việt Nam nêu ra biện pháp phối hợp, liên kết giữa sáu nhà: Nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp, Nhà nước, nhà băng (ngân hàng), nhà truyền thông nhằm thúc đẩy hiệu quả phát triển chỉ dẫn địa lý và thương hiệu nông sản mạnh. Trong đó quan trọng nhất là vai trò của các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp và Nhà nước. Vai trò của nhà nước thể hiện ở việc tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng, hỗ trợ phát triển thương hiệu nông sản và quan tâm đầu tư quảng bá cho các ngành nông sản chủ đạo của quốc gia.
Cần quan tâm phát triển và bảo hộ chỉ dẫn địa lý nông sản trong khuôn khổ pháp lý
 ở nước ta, CDĐL được thừa nhận trong Bộ luật Dân sự với khái niệm “Tên gọi xuất xứ hàng hoá” (Điều 786). Tuy nhiên, việc xếp “Tên gọi xuất xứ hàng hoá” đứng thứ năm trong số năm đối tượng sở hữu công nghiệp được nhà nước bảo hộ (bao gồm sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng nông nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá) cũng như việc ít đề cập đến đối tượng này trong tổng thể nội dung của phần thứ VI chương II (năm mục từ điều 780 đến điều 805) Bộ luật Dân sự  (xem Hộp 1) thể hiện việc nhận thức, đánh giá và sự quan tâm chưa đúng mức về sự phát triển sản phẩm từ lợi ích quan trọng của CDĐL. Thực tế, việc triển khai thực hiện chế độ Nhà nước bảo hộ đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp nêu trên, trong đó có CDĐL mới chỉ là các văn bản dưới luật (các Nghị định của Chính phủ ) có nội 5 dung đối với các sản phẩm chung chứ chưa có văn bản riêng quy định cụ thể việc bảo hộ cho các CDĐL nông sản. Chính vì thế, cho đến nay ở nước ta mới chỉ có hai CDĐL nông sản được đăng ký bảo hộ là nước mắm Phú Quốc và chè Shan Tuyết Mộc Châu. Ngay cả với hai CDĐL nông sản này, các chỉ tiêu và biện pháp để bảo hộ thực thụ cũng chưa hoàn tất . Một 6 số đặc trưng chất lượng của các sản phẩm này đưa ra nhằm phân biệt với các sản phẩm khác cùng loại chưa thật sự thuyết phục. Bản thân chủ nhân của CDĐL chưa ý thức đầy đủ về vai trò và bảo vệ CDĐL. Đó là một trong các nguyên nhân dẫn đến nạn sử dụng CDĐL giả mạo, làm hàng giả, làm giảm uy tín, vai trò, lợi ích của CDĐL. Các quy định về phạm vi bảo hộ của Nhà nước đối với CDĐL nêu trong các Nghị định của Chính phủ chỉ là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp nên mang tính hình thức và chưa khuyến khích phát triển được CDĐL)
Vì vậy, cần tiến tới có một Nghị định của Chính phủ quy định riêng về CDĐL. Bên cạnh đó, việc thiết lập một hệ thống bảo hộ CDĐL, xây dựng cơ chế quản lý, bảo vệ CDĐL ư nhất là đối với CDĐL nông sản ư dựa trên một khuôn khổ pháp lý phù hợp đang trở thành nhu cầu cấp thiết đối với nước ta trên bước đường hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO. Nhà nước cần quan tâm đến việc thông tin tuyên truyền và có sự đầu tư, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về vai trò lợi ích của CDĐL, ưu tiên phát triển các sản phẩm nông sản nổi tiếng ở nước ta và xác định rõ các tiêu chí về địa lý (địa danh, phạm vi lãnh thổ); mối quan hệ giữa đặc tính sản phẩm với điều kiện địa lý; xác định tiêu chí chuẩn về đặc trưng sản phẩm có CDĐL được bảo hộ. Xây dựng các quy phạm pháp lý về cơ chế quản lý, bảo vệ CDĐL; quy trình thủ tục phê chuẩn từng loại sản phẩm CDĐL, thực hiện việc kiểm soát, bảo đảm an toàn sản phẩm từ việc sản xuất, chế biến sản phẩm đến người tiêu dùng sản phẩm. Các quy định pháp lý về quy trình kỹ thuật bắt buộc đối với sản phẩm có CDĐL, quy trình này được trình bày và thảo luận trước một cơ quan chuyên ngành cấp quốc gia, đây cũng là cách thức bảo hộ chặt chẽ giứp cho việc đảm bảo uy tín và phát triển vững bền CDĐL. Hiện nay, thực hiện chương trình hợp tác với Pháp trong lĩnh vực CDĐL từ năm 1998 đến nay, Chính phủ nước ta đang chuẩn bị ban hành Nghị định về áp dụng các quy trình phê chuẩn và kiểm soát chất lượng cho các  sản phẩm mang CDĐL. Theo ý kiến các chuyên gia kinh tế Pháp tại Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, những người tham gia trực tiếp vào quá trình hợp tác nêu trên, thì việc ban hành Nghị định sẽ góp phần xây dựng hệ thống tên gọi xuất xứ ở nước ta, trong đó có những quy định cụ thể tạo điều kiện khai thác và phát triển tiềm năng CDĐL nông sản. Việc hoàn thành và thông qua quy trình công nhận CDĐL có thể sẽ cho phép nước ta đăng bạ sản phẩm đầu tiên của mình tại Bruxelles từ nay đến cuối năm (2004)./.
 
 

Thống kê truy cập

33015344

Tổng truy cập