Từ hoà giải trong truyền thống dân tộc đến hoà giải ở cơ sở ngày nay

01/11/2004

Trần Thị Quốc Khánh, ĐBQH, Phó giám đốc Sở T

pháp Hà Nội

Từ hoà giải trong truyền thống dân tộc
 Việc giải quyết các tranh chấp trong cộng đồng dân cư đã có trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Tác phẩm “Nguồn gốc gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước” của MácưĂnghen đã chỉ rõ : “Với tất cả cái tính ngây thơ và giản dị của nó, chế độ thị tộc đó quả là một tổ chức tốt đẹp biết bao. Không có quân đội, hiến binh và cảnh sát, không có quý tộc, vua chúa, tổng đốc, trưởng quan và quan toà, không có nhà tù, không có những vụ xử án – thế mà mọi việc đều trôi chảy cả. Mọi sự xích mích và mọi sự tranh chấp đều được giải quyết một cách tập thể bởi những người có liên quan – tức là thị tộc hoặc bộ lạc, hoặc giữa các thị tộc với nhau... Mọi việc đều do những người hữu quan tự giải quyết lấy và trong đa số các trường hợp thì một tập quán lâu đời đã giải quyết trước tất cả mọi việc rồi”. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng, ngay từ thuở khai thiên lập địa, tổ tiên ta đã sớm ý thức về cộng đồng và chủ quyền đất nước, thực hiện “hòa giải”, “hòa mục”, hợp nhất hai khối cộng đồng lớn là Lạc Việt và Âu Việt thành Nhà nước Âu Lạc đứng đầu là Thục phán An Dương Vương (thế kỷ III trước Công nguyên), tạo nên sức mạnh chống quân xâm lược phương Bắc và đã liên tiếp chiến thắng quân Tần, quân Triệu. Đến thời Trần, Tướng quân Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã tạo nên sức mạnh nhân dân và thực hiện   “hòa giải”, “hòa mục” để xóa mối hiềm khích “cha truyền” cùng vua Trần mưu toan việc lớn, thống lĩnh quân đội, chiến thắng giặc Nguyên Mông, đem lại thái bình cho đất nước. Trong thời nhà Lê, từ lòng yêu nước, thương dân, vua Lê Thánh Tông thi hành chính sách cải cách kinh tế, hành chính, văn hoá, giáo dục và tư tưởng pháp lý với những nội dung dân sinh, dân chủ, tự lực tự cường xây dựng đất nước giàu mạnh đã đưa xã hội Đại Việt vào giai đoạn “thái bình”, “thịnh trị” . Luật pháp thời Lê “là cái mẫu mực để trị nước, cái khuôn phép để buộc dân” thể hiện rõ rệt trong “Quốc triều Hình luật” (Bộ luật Hồng Đức). Nhiều điều luật được áp dụng góp phần giữ gìn tôn ti trật tự trong xã hội, củng cố đoàn kết, nghiêm trị kẻ xúi giục kiện tụng “kẻ xúi giục người kiện tụng, cùng là làm hộ đơn vu cáo cho người, thì xử tội nhẹ hơn người phạm tội một bậc. Viên ngục lại mà xui giục người đi kiện hay làm đơn thay, thì xử tội nặng hơn một bậc” (Điều 513). Đến thời Lê Dụ Tông (1715), thể lệ về xử kiện có ghi: “Tri huyện là viên quan gần gũi với dân khi thấy hai bên nguyên bị mới bắt đầu kiện nhau thì nên xem xét tất cả rồi đem lý lẽ sự việc biểu dụ cho họ nghe ra, khuyên đi bảo lại để cảm hóa họ, hòa giải cả đôi bên”. Việc hoà giải ở cơ sở được thực hiện trên cơ sở tôn trọng và tuân thủ các hương ước – một hình thức pháp luật của làng xã tự trị. Theo luật gia Ngô Văn Thâu , “hương ước” còn gọi là “hương biểu”, “hương lệ” là văn bản quy phạm áp dụng ở từng làng, xã. Hương ước quy định việc hoà giải ở làng xã là bắt buộc, do một hội đồng gồm những người trong hương hội “Hội đồng tộc biểu” hoặc “Hội đồng hoà giải” (gồm 3 người, một hội viên là chủ toạ, được bầu trong 3 năm cùng với nhiệm kỳ của hương hội…) Việc hoà giải trong nhân dân được thực hiện thông qua hình thức giáo dục, thuyết phục , “lấy nhẽ chính đáng và tình thân ái hoà giải cho hai bên”. Đối với một số việc về trật tự trị an, mâu thuẫn cá nhân thì tuần phiên có thể răn bảo. Hai bên không thoả thuận được với nhau, thì làm thành biên bản để trình quan xử lý. Hương ước nhiều làng xã quy định cho dân được đảm bảo quyền khởi kiện lên quan sở tại, nếu không đồng ý với hoà giải của làng xã, nhưng vẫn có biện pháp phòng ngừa tư tưởng “sính” kiện: nếu quan xử khác với điều Hội đồng hoà giải trước đây đã khuyên rồi thì thôi, nếu đúng như Hội đồng hoà giải thì người đi kiện còn phải chịu thêm một khoản tiền phạt. Đặc biệt, hương ước còn thể hiện tinh thần đoàn kết trong các làng có đồng bào theo đạo thiên chúa sống xen kẽ.
Đến hoà giải ở cơ sở ngày nay Chưa đầy ba tháng sau, ngày Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2/9/1945), trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, phức tạp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 63/SL ngày 22/11/1945 quy định về tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp. Sắc lệnh quy định: Về tư pháp, Ban Thường vụ (Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký) có quyền hòa giải về tất cả các việc 2 . Bác Hồ đã kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc, đề cao việc tổ chức, giáo dục cán bộ nhân dân phát huy tinh thần tương thân tương ái, làm tốt công tác dân vận, thuyết phục quần chúng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 254/SL ngày 19/11/1948 về chính quyền nhân dân trong thời kỳ kháng chiến. “Ban Thường vụ Uỷ ban kháng chiến hành chính xã họp thành Ban Tư pháp xã có nhiệm vụ: Hòa giải về tất cả các công việc thuộc dân luật và luật thương mại trong phạm vi xã” 3 . Thực hiện quy định này, nhiều vụ việc tranh chấp, xích mích trong nhân dân lúc đó được chính quyền từ cấp xã quan tâm kịp thời phát hiện, xử lý ổn thỏa, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Công tác hòa giải góp phần quan trọng vào việc đoàn kết, tập hợp được nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên đoàn kết, tập hợp nhân dân, thu hút quần chúng vào sự nghiệp chung. Khi trong cộng đồng có những va chạm, xích mích, tranh chấp nhỏ, Người đòi hỏi cán bộ tư pháp không chỉ phân xử, giải quyết theo quy định chung mà phải đề cao việc giáo dục, thuyết phục các bên giữ gìn sự đoàn kết, bỏ qua tranh chấp, dàn xếp ổn thỏa. Người nhắc: “Các cô, các chú xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn” 4 . Thấm nhuần tư tưởng “Đại đoàn kết” của Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật nhằm duy trì, thúc đẩy công tác hòa giải ở cơ sở, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từng bước đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi. Từ sự phân tích trên đây, có thể thấy: hòa giải nhằm giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân có mối quan hệ biện chứng, hữu cơ với vấn đề củng cố, tăng cường mối đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân cư. Hòa giải tốt là tiền đề dẫn đến đoàn kết tốt. Ngược lại, đoàn kết tốt sẽ là cơ sở để tiến hành hòa giải tốt. Hòa giải là biện pháp, con đường tốt nhất để làm cho các tranh chấp, mâu thuẫn, xích mích ư nói như dân gian ư đang từ “to” hóa “nhỏ”, đang từ nhỏ hóa không còn, không để “cái sảy nảy cái ung”, góp phần làm cho mối quan hệ gắn bó, đoàn kết trong nhân dân ở địa phương, cơ sở được củng cố. Mối quan hệ gia đình, họ tộc, hàng xóm không bị sứt mẻ, đổ vỡ nếu tự các bên tranh chấp đều có ý  thức hàn gắn, thỏa thuận được với nhau hoặc có người trung gian, hoà giải vụ việc, không phải đưa nhau ra Tòa án hay cơ quan công quyền để phân xử. Quan hệ ứng xử “một câu nhịn, chín câu lành”, “lọt sàng xuống nia”, “máu chảy ruộtmềm”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” v.v… được nhân rộng trong cộng đồng thông qua công tác hòa giải ở cơ sở sẽ làm cho xã hội Việt Nam hôm nay giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của ông cha ngàn đời lưu truyền lại. Điều đó khác hẳn với lối ứng xử thực dụng, “sòng phẳng” hoặc vô tâm “mũ ni che tai”, “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”… Hoà giải duy trì và khơi dậy tình người, tình cha con, mẹ con, tình vợ chồng, anh em, họ tộc, cộng đồng dễ bị lung lay, sa sút trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường. Có thể nói, hòa giải ở cơ sở thực sự có vai trò to lớn trong việc đoàn kết nội bộ nhân dân, phát huy truyền thống dân tộc có từ lâu đời./. 
 

Thống kê truy cập

32793466

Tổng truy cập