Giải thích hợp đồng dân sự: so sánh nước ngoài và liên hệ Điều 408, Bộ luật Dân sự

01/10/2004

Nguyễn Ngọc Khánh, TS. Viện khoa học kiểm sát

VKSNDTC

Hai học thuyết “ý chí”  “thể hiện ý chí” trong thực tiễn giải thích hợp đồng Trên thực tế, không phải lúc nào nội dung hoặc điều khoản của hợp đồng cũng được thể hiện đầy đủ và rõ nghĩa. Vì thế, trong xét xử, Toà án sẽ có nhiệm vụ làm sáng tỏ ý nghĩa và nội dung của hợp đồng các bên đã giao kết. Hoạt động này của Toà án được gọi là giải thích hợp đồng . 1 Giải thích hợp đồng không phải là vấn đề mới. Từ trước công nguyên, những luật gia thuộc thế hệ đầu tiên của La Mã đã đặt nền móng cho hoạt động giải thích hợp đồng nhấn mạnh căn cứ chủ yếu vào ngôn từ của hợp đồng, tức là xem xét ý nghĩa và nội dung hợp đồng theo hình thức bên ngoài của sự thể hiện ý chí. Sau đó, các luật gia La mã khác, mà đại diện là Papinian lại cho rằng: “ Khi giải thích hợp đồng, điều quan trọng trước hết là cần làm rõ ý đồ đích thực của các bên, hơn là căn cứ vào những gì các bên đã viết”. Đến nửa đầu thế kỷ XIX, tư tưởng đề cao mong muốn đích thực của các bên ở thời La mã cổ đại được các luật gia châu Âu phát triển thành học thuyết “ ý chí ”. Theo học thuyết này, ý chí đích thực của các bên là căn cứ phát sinh quyền và nghĩa vụ hợp đồng. Vì thế, cần phải tìm hiểu ý chí đích thực của các bên hơn là xem xét nghĩa của từ ngữ. Từ nửa cuối thế kỷ XIX, khi nền kinh tế châu Âu và các quan hệ giao lưu dân sự phát triển mạnh mẽ, thì trong lĩnh vực khoa học pháp lý xuất hiện trào lưu phê phán học thuyết “ ý chí ”, ủng hộ học thuyết mới ư học thuyết “ thể hiện ý chí ”. Những người ủng hộ học thuyết “ thể hiện ý chí” cho rằng, suy cho cùng, khi một bên không biết và không thể biết về “ sự không ăn khớp” giữa ý chí và thể hiện ý chí của bên kia thì bên đó phải tin rằng những gì thể hiện trong hợp đồng đã phản ánh ý muốn đích thực của họ. Tin tưởng vào sự thể hiện ý chí của một bên, bên kia có thể thực hiện một số hành vi nhất định trong khuôn khổ hai bên đã thoả thuận, vì thế nếu chỉ căn cứ vào ý muốn đích thực của một bên để giải thích hợp đồng thì quyền lợi của bên đối tác có thể bị thiệt hại nghiêm trọng. Mặt khác, nếu lập luận rằng một người có quyền tự do thể hiện ý chí và có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về sự thể hiện đó, thì những người khác cũng có quyền đặt niềm tin vào sự thể hiện đó, và ngược lại . Từ 2 đó, trường phái “thể hiện ý chí” nhấn mạnh những gì đã biểu thị trong hợp đồng, hơn là tìm hiểu những gì các bên thực sự mong muốn. Có như vậy mới đảm bảo tính ổn định tương đối cho các quan hệ dân sự đã được xác lập, đồng thời hạn chế được sự tuỳ tiện của Toà án khi giải thích hợp đồng. Trào lưu ủng hộ học thuyết “ thể hiện ý chí ” cho rằng học thuyết “ ý chí ” quá xa vời thực tại. “ Nó chỉ thích hợp đối với một xã hội lý tưởng, nơi mà những quy tắc đạo đức, tập quán và pháp luật được tất cả mọi người tuân thủ. Đối với xã hội hiện nay, áp dụng học thuyết “thể hiện ý chí” để giải thích hợp đồng là phương án tối ưu hơn cả” . 3 Bước sang thế kỷ XX, nhấn mạnh tầm quan trọng của cả “ý chí” và “thể hiện ý chí” đối với hợp đồng, nhiều học giả đưa ra quan điểm dung hoà hai học thuyết. Một trong những đại diện cho xu hướng này, GS. người Nga O. S. Ioffe trong cuốn “Luật dân sự Xô viết” đã nhận xét một cách có lý rằng: “ý chí và thể hiện ý chí đều quan trọng như nhau. Sự thống nhất giữa ý chí và thể hiện ý chí là mục đích mà luật pháp hướng tới. Sự thống nhất đó phải được coi là yếu tố bắt buộc không thể thiếu để giao dịch có hiệu lực” . Về 4 mặt logic, quan điểm của GS. Ioffe có căn cứ và hợp lý, vì xét cho cùng, không nên và không thể chỉ dựa vào một học thuyết để giải thích, mà cần phối hợp nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Giải thích hợp đồng của một số nước
Có thể nói, các cuộc tranh luận không ngã ngũ xoay quanh học thuyết “ý chí” và “thể hiện ý chí” đã dẫn đến sự chia rẽ và khác biệt đáng kể trong khoa học pháp lý về chế định giải thích hợp đồng các nước. Cộng hoà Pháp Các nguyên tắc giải thích hợp đồng được quy định tại BLDS Pháp, bao gồm 9 điều (từ Điều 1156 ư 1164)
Từ quy định của Điều 1156 cho thấy, học thuyết “ý chí” là tư tưởng chủ đạo cho hoạt động giải thích hợp đồng ở Pháp. Tuy nhiên, không chỉ giới hạn ở mục đích “tìm hiểu ý định chung của các bên giao kết”, nhiều điều luật khác của Bộ luật dân sự Pháp vẫn mở ra khả năng cho phép Toà án áp dụng một số quy tắc giải thích của học thuyết “thể hiện ý chí”. Chẳng hạn, nội dung các Điều 1158 ư 1160 quy định Toà án cần giải thích những điều khoản không rõ ràng theo nghĩa phù hợp nhất với bản chất của hợp đồng hoặc theo thông lệ, tập quán nơi hợp đồng giao kết, hay nội dung Điều 1135 quy định các bên không chỉ bắt buộc thực hiện những gì đã được nói rõ trong hợp đồng mà còn phải tuân theo nguyên tắc “công bằng, thông lệ hoặc pháp luật” tuỳ theo bản chất quan hệ nghĩa vụ giữa họ… Trên thực tế, trong phần lớn các trường hợp, do việc “tìm hiểu ý định chung của các bên giao kết” gần như không thể thực hiện được, việc Toà án áp dụng các quy tắc của học thuyết “thể hiện ý chí” để xác định nội dung cũng như mục đích đích thực của hợp đồng là điều không thể tránh khỏi. Vụ án kiện đòi tiền lương hưu sau đây là một trong những ví dụ về nội dung nêu trên: Theo thoả thuận, một công ty thương mại có nghĩa vụ trả lương hưu cho một thành viên của Hội đồng quản trị là ông Blank và thanh toán cho vợ ông ta số tiền bằng một nửa khoản lương hưu của ông sau khi ông này chết. Tuy nhiên, vợ ông Blank lại chết trước, sau đó ông ta đi lấy vợ hai. Khi ông Blank chết, người vợ thứ hai khởi kiện yêu cầu công ty tiếp tục trả cho bà một nửa khoản lương hưu của ông Blank. Toà án xem xét vụ kiện đã nhận định: Trong ý định chung của các bên (Công ty và ông Blank) chỉ nói về quyền nhận  lương hưu của người vợ thứ nhất của ông Blank. Việc ông Blank cưới người vợ thứ hai là không có và không thể có trong suy nghĩ chung của các bên vào thời điểm họ giao kết hợp đồng. Trên cơ sở nhận định đó, Toà án kết luận bác yêu cầu của người vợ thứ hai . 5 Liên bang Nga Những cuộc tranh luận giữa học thuyết “ý chí” và “thể hiện ý chí” đã diễn ra ở nước Nga gần hai thế kỷ nay, và cho đến năm 1994, với sự ra đời của BLDS Liên bang Nga (mới), sự thắng thế của học thuyết “thể hiện ý chí” đã được chính thức ghi nhận về mặt lập pháp. Điều 431 BLDS Liên bang Nga 1994 khẳng định: Toà án trước hết chú ý giải thích nghĩa đen của từ ngữ cũng như các câu trong điều khoản; nếu nghĩa đen của điều khoản không rõ ràng, cần liên hệ đối chiếu với những điều khoản khác và ý nghĩa của điều khoản nói chung; và nếu nội dung của hợp đồng vẫn chưa thể xác định, cần phải làm rõ ý định chung của các bên với mục đích của hợp đồng. Khi đó, phải lưu ý đến các tình tiết liên quan, bao gồm cả quá trình thương lượng, thói quen mà các bên đã xác lập với nhau, tập quán và cách xử sự sau đó của họ. Như thế, theo quy định của Điều 431 BLDS Liên bang Nga, hoạt động giải thích hợp đồng được chia thành 2 cấp độ rõ rệt: ở cấp độ thứ nhất, đối tượng giải thích là ngôn từ hoặc điều khoản của hợp đồng (ưu tiên áp dụng học thuyết “thể hiện ý chí”); ở cấp độ tiếp theo, khi việc giải thích theo ngôn từ hoặc điều khoản của hợp đồng không đạt được mục đích, Toà án mới cần phải “làm rõ ý định chung của các bên với mục đích hợp đồng”; tức là ở cấp độ này, học thuyết “ý chí”  đóng vai trò như một phương án hỗ trợ và bổ sung. Với việc thiết lập 2 cấp độ giải thích nối tiếp, các nhà lập pháp Nga muốn hướng tới 2 mục đích: một mặt có thể đảm bảo tính ổn định của các quan hệ hợp đồng (hợp pháp) đã được xác lập, mặt khác góp phần nâng cao ý nghĩa của văn bản hợp đồng trong việc điều chỉnh quan hệ nghĩa vụ, đồng thời định hướng cho các bên tham gia giao kết phải chú ý hơn tới việc soạn thảo kỹ lưỡng nội dung của hợp đồng . 6 Vương quốc Anh Nếu như ở châu Âu lục địa, những cuộc tranh luận sôi nổi giữa hai học thuyết “ý chí” và “thể hiện ý chí” đã làm hao tổn không ít giấy mực của các học giả, thì ở Anh quốc, tầm quan trọng của học thuyết “ý chí” hầu như chưa bao giờ được giới luật gia nước này nhấn mạnh. Điều đó không có nghĩa, các luật gia Anh quốc phủ nhận bản chất của hợp đồng là “sự gặp nhau về ý tưởng” (meeting of the minds) hay “sự đồng thuận của các ý định” (consensus ad idem). Trong thực tiễn xét xử Anh quốc, các Thẩm phán không bao giờ đi chệch nguyên tắc, theo đó căn cứ quan trọng nhất để giải thích hợp đồng không phải là “ý chí”, mà phải là những biểu hiện cụ thể bên ngoài của nó. Để thấy rõ thêm vai trò chủ đạo của học thuyết “thể hiện ý chí” trong pháp luật hợp đồng Anh quốc, có lẽ cũng cần nhận xét thêm rằng: Nếu hợp đồng đã được giao kết bằng văn bản, thì về nguyên tắc, các bên tham gia giao kết chỉ bị ràng buộc bằng văn bản đó mà thôi. Điều đó cũng có nghĩa, trong trường hợp giải thích hợp đồng viết, mọi chứng cứ bằng lời dẫn tới việc thay đổi hoặc  bổ sung nội dung văn bản hợp đồng sẽ không được Toà án chấp nhận, cho dù những chứng cứ ấy thực sự phản ánh ý muốn đích thực của các bên vào thời điểm họ tham gia giao kết. Tuy nhiên, đối với trường hợp hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, thì chứng cứ bằng lời sẽ được Toà án xem xét với mục đích để làm rõ ý nghĩa của ngôn từ hoặc điều khoản của hợp đồng . 7 Tuy vậy, đây không phải là khuynh hướng đặc trưng duy nhất của pháp luật Anh quốc. Có một khuynh hướng song song khác nữa cũng đóng vai trò quan trọng không kém và chi phối sâu sắc đến sự phát triển của chế định giải thích hợp đồng ở Anh. Đó là khuynh hướng tạo ra và áp dụng “các quy tắc suy đoán hợp lý” (implied term, implied condition) như là yếu tố thay thế, bổ sung cho những khiếm khuyết của hợp đồng. Các quy tắc suy đoán hợp lý ở Anh dễ làm chúng ta liên tưởng đến những điều kiện thông thường của hệ thống luật châu Âu lục địa. Nhưng sẽ là sai lầm nếu đồng nhất chúng với nhau. Bởi vì nguồn hình thành nên các quy tắc suy đoán hợp lý ở Anh phong phú và đa dạng hơn nhiều. Chúng có thể được tìm kiếm trong khuôn khổ của pháp luật thành văn (term implied in law), hoặc có thể được hình thành từ tập quán, hoặc trong thực tiễn xét xử. Các quy tắc suy đoán hợp lý do thẩm phán suy đoán dựa trên nguyên tắc thiện chí, trung thực và lý trí cũng là một nguồn quan trọng mà Toà án nhờ cậy để lấp các chỗ trống trong hợp đồng. Các quy tắc suy đoán hợp lý loại này được tạo ra để giải quyết một vấn đề cụ thể phát sinh trong một tình huống thực tế mà không nhằm mục đích hình thành nguyên tắc chung về ứng xử cho tương lai, vì thế còn được các nhà nghiên cứu gọi là “các quy tắc suy đoán từ sự kiện cụ thể” (term implied in fact). Điển hình cho việc áp dụng “các quy tắc suy đoán từ sự kiện cụ thể” là vụ án nổi tiếng mang tên Moorcock xảy ra năm 1889. Trong vụ án này, trên cơ sở hợp đồng thuê bến đậu giữa hai bên, nguyên đơn là chủ tàu đã kiện bị đơn là chủ cho thuê bến đậu với lý do: đáy của bến đậu không được bằng phẳng, nên khi chạm đáy vào lúc nước triều rút, tàu của nguyên đơn đã bị thủng. Vận dụng “các quy tắc suy đoán từ sự kiện cụ thể”, Toà án nhận định: bị đơn là bên có lỗi, vì với tư cách là chủ bến đậu, bị đơn đã không thực hiện nghĩa vụ mặc định của mình là phải thông báo kịp thời cho bên nguyên (chủ tàu) về độ bằng phẳng của đáy bến đậu. Do vậy, bị đơn có trách nhiệm bồi thường cho nguyên đơn thiệt hại đã xảy ra . 8 Hoạt động giải thích hợp đồng ở nước ta Lý luận và thực tiễn hoạt động giải thích hợp đồng ở nước ta lâu nay, do bị hoàn cảnh lịch sử chi phối và vì nhiều lý do khác nhau, nên chưa có điều kiện phát triển sâu rộng các học thuyết và các khuynh hướng giải thích khác nhau ư như diện mạo chung của khoa học luật hợp đồng châu Âu cận đại. Trên phương diện luật pháp, đến thời điểm ban hành BLDS năm 1995, những nỗ lực pháp điển hoá và tinh thần tiếp nhận giá trị của thế giới trong lĩnh vực hợp đồng đã đưa tới kết quả là lần đầu tiên chúng ta đã có mội điều luật riêng (Điều 408 BLDS) điều chỉnh vấn đề giải thích hợp đồng trong luật dân sự.  Những phương pháp giải thích hợp đồng quy định tại Điều 408 BLDS đều có xu hướng nhấn mạnh đến việc xem xét ý nghĩa của các hành vi theo hình thức bên ngoài của sự thể hiện ý chí, từ phương pháp giải thích theo ngôn từ của hợp đồng đến phương pháp giải thích logic: “Khi hợp đồng có ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với tính chất của hợp đồng” (khoản 3 Điều 408), phương pháp giải thích hệ thống: “Các điều khoản của hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với nội dung của hợpđồng” (khoản 6 Điều 408)… Nhưng điều đáng chú ý là các phương pháp giải thích trên đây chưa đủ để giải quyết những trường hợp tương quan giữa học thuyết “ý chí” và “thể hiện ý chí” . Quy định tại khoản 1 Điều 408 BLDS mới chỉ dừng lại ở chỗ đặt ra nhiệm vụ cho thẩm phán “không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên để giải thích”, mà chưa đề ra cách phán xử trong trường hợp phát sinh mâu thuẫn hoặc xung đột giữa “ngôn từ của hợp đồng” với “ý chí chung của các bên giao kết”. Như vậy, khác với quy định tương tự trong luật dân sự các nước, Điều 408 BLDS Việt Nam đã để ngỏ lời giải đáp cho câu hỏi mang tính định hướng: Trong luật dân sự Việt Nam, căn cứ giải thích hợp đồng nào có ý nghĩa quan trọng hơn? là ý định chung đích thực hay sự biểu hiện bên ngoài của ý chí?
Công ước LHQ về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (Công ước Viên năm 1980)
Nhìn vào hệ thống pháp luật của một số nước trên thế giới hiện nay, thật khó có thể tìm  được một chế định giải thích hợp đồng nào hoàn hảo, vừa đảm bảo tôn trọng ý định chung đích thực, vừa đảm bảo tính ổn định cho các quan hệ hợp đồng đã được giao kết. Có một chế định giải thích hợp đồng gần được như thế, đó là chế định giải thích hợp đồng trong Công ước Viên năm 1980, quy định tập trung tại Điều 8 Công ước. (xem Hộp 2). Trên phương diện học thuyết, chế định giải thích hợp đồng trong Công ước Viên vẫn chịu sự ràng buộc của quan điểm truyền thống, theo đó mục đích của hoạt động giải thích hợp đồng là làm rõ ý định chung đích thực của các bên giao kết; mặt khác, đứng về mặt phương pháp luận, thì Công ước đã đưa ra một cách tiếp cận mới, đó là việc áp dụng tiêu chí khách quan “ theo cách hiểu của một người bình thường (reasonable person) trong những hoàn cảnh tương tự” để xác định yếu tố chủ quan ư ý định chung đích thực. Đánh giá từ tiêu chí thi hành pháp luật và áp dụng pháp luật, thì có thể nói rằng, cách tiếp cận của Công ước Viên rất khả thi, bởi vì bất kỳ một thẩm phán nào của bất kỳ quốc gia nào cũng có thể đặt mình vào vị trí của một chủ  thể “ khách quan lý tưởng ” ư vị trí “một người bình thường trong những hoàn cảnh tương tự” để tìm hiểu nội dung hợp đồng. Có lẽ đó là lý do tại sao nhiều người đánh giá cách tiếp cận của Công ước Viên có ý nghĩa vạn năng, cho phép áp dụng trong mọi trường hợp cần thiết phải giải thích hợp đồng.
Lời kết
Những quan sát và phân tích trên đây cho thấy mỗi chế định giải thích hợp đồng của từng hệ thống pháp luật đều có diện mạo riêng thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, đặc biệt là ở mục đích giải thích, căn cứ giải thích, quy tắc giải thích và phương pháp giải thích hợp đồng. Nhưng cho dù có sự khác nhau, chế định giải thích hợp đồng các nước đều tựa trên nền học thuyết vững chắc, là cơ sở xác định mục đích, căn cứ giải thích hợp đồng. Việc tạo ra khái niệm pháp lý và thiết lập những quy tắc, phương pháp giải thích nhằm cung cấp cơ sở để các nhà lập pháp xem xét, tiếp nhận và phản ánh chúng trong các quy phạm pháp luật. Như vậy, vấn đề đặt ra đối với chúng ta hôm nay không phải chỉ là việc khắc phục những bất cập của chế định giải thích hợp đồng hiện hành, và cũng không phải chỉ là việc bổ sung hay phát triển những phương pháp giải thích trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm các nước, mà quan trọng hơn, chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, tổng hợp để xây dựng cơ sở lý luận sâu sắc hơn, hoàn thiện hơn cho hoạt động giải thích hợp đồng ở nước ta./.
 
 

Thống kê truy cập

32870062

Tổng truy cập