Xu hướng phát triển điện ảnh trong thời đại cách mạng 4.0 và một số góp ý đối với Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

29/03/2022

THS. NGUYỄN THỊ HƯỜNG

Phó Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội.

Tóm tắt: Trên thế giới, điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật tổng hợp vừa là ngành công nghiệp. Ngày nay, công nghệ số đã thay đổi gần như hoàn toàn điện ảnh truyền thống. Trong xu thế phát triển mạnh mẽ, không ngừng của công nghệ điện ảnh trên nền tảng kỹ thuật số, câu hỏi đặt ra là ngành điện ảnh Việt Nam cần làm gì để phát huy tối đa lợi thế và hạn chế những khó khăn, thách thức khi tiếp cận các công nghệ mới đó… Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích xu hướng vận động của điện ảnh hiện nay và góp ý một số nội dung đối với Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)[1].
Từ khóa: Điện ảnh, xu hướng vận động của điện ảnh, Luật Điện ảnh, Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Abstract: In the world, cinema is both a general art sector and an industry. Digital technology nowaday has almost completely changed the traditional cinema production. In the trend of strong and continuous development of cinema technology on the digital platform, the question arises as in what extent the Vietnamese film industry needs to promote its advantages and reduce the difficulties and challenges when it approaches this new technology… Within the scope of this article, the author puts discussions and analysis of the current movement orientation of the cinema and provides recommendations for the draft Law on Cinema (amendment).
Keywords: Cinema; cinema movement orientation; Law on Cinema; draft Law on Cinema (amendment).
 LUẬT-ĐIỆN-ẢNH.jpg
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã chỉ rõ: "Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa". Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó công nghiệp điện ảnh được xác định là một trong những ngành quan trọng. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ việc phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
1. Xu hướng vận động của điện ảnh hiện nay
Hiện nay, xu hướng vận động của điện ảnh đã chịu sự tác động của xu hướng toàn cầu hóa, biến các thị trường điện ảnh quốc gia trở thành một bộ phận không thể tách rời của thị trường điện ảnh quốc tế, đòi hỏi nền điện ảnh các nước, kể cả các nước có ngành công nghiệp điện ảnh phát triển phải chủ động hội nhập toàn diện, phải tạo vị thế trên thị trường điện ảnh thế giới bằng bản sắc riêng của mình.
Điện ảnh thế giới đang bước vào kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với sự phát triển như vũ bão các xu hướng công nghệ: Đường truyền tốc độ cao, kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo và truyền dẫn trực tiếp trên mạng, điện toán đám mây, công nghệ không dây, có dây, công nghệ cao cùng với truyền hình cáp, cáp quang vệ tinh, điện thoại di động 3G, 4G, 5G, thiết bị thu hình có khả năng trình chiếu kỹ thuật cao ... ngày càng tác động mạnh mẽ đến việc khán giả ra rạp xem phim, có thể nói công nghiệp điện ảnh thế giới đã chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ số.
Về sản xuất phim: CMCN 4.0 làm thay đổi xu hướng, quy trình sản xuất phim từ việc sắp xếp các hình ảnh đã lựa chọn trong một thiết bị sang việc sắp xếp các hình mẫu đã được số hóa của chủ thể trên cơ sở kịch bản đã được số hóa. Đó là sự tương tác lẫn nhau giữa chủ thể với chủ thể và với người xem, được kết nối bằng ý tưởng nghệ thuật, ý tưởng sáng tạo của tác giả. Việc áp dụng hình mẫu số hóa còn được áp dụng trong phục trang, trong đạo cụ, trong kỹ xảo, trong tạo dựng hiệu ứng khói lửa, âm thanh... thậm chí cả trong tạo dựng bối cảnh. Ngày nay, việc ứng dụng công nghệ mới cho phép đạo diễn thực hiện các cảnh quay rộng, hoành tráng mà không cần phải ra hiện trường. CMCN 4.0 còn làm thay đổi cả thiết bị quay phim. Người ta có thể sử dụng máy quay phim đa chức năng để có thể chuyển những cảnh quay với sự tham gia của diễn viên thật, cảnh quay thật sang những cảnh quay số hóa.
Về phát hành, phổ biến phim: CMCN 4.0 tạo nên thay đổi trong cách thức phát hành và phổ biến phim. Sự phong phú của các phương tiện truyền tải thông tin hiện đại đối với sản phẩm nghe nhìn đưa đến sự cần thiết phải thích ứng của các phương tiện truyền tải nội dung của sản phẩm. Vì vậy, rạp chiếu phim không những phải thay đổi về công nghệ mà còn phải thay đổi về kiến trúc cho phù hợp. Việc phát hành, phổ biến phim cũng áp dụng công nghệ thông tin hiện đại như việc phát trực tiếp phim từ nhà sản xuất đến cơ sở chiếu phim thông qua đường truyền tốc độ cao, vệ tinh. Nhu cầu và cách thức tiếp cận, thưởng thức tác phẩm điện ảnh của khán giả thay đổi theo ba xu hướng sau: (i) Khán giả được tự do lựa chọn nội dung giải trí theo nhu cầu thưởng thức cá nhân, không bị gò bó trong danh sách các nội dung đã được định sẵn; (ii) Thời gian, địa điểm tiếp cận, thưởng thức nội dung giải trí không còn bị giới hạn, vì nội dung giải trí được phát hành vượt qua biên giới của mỗi quốc gia và trên mọi phương tiện truyền thông; (iii) Chi phí của khán giả để tiếp cận, thưởng thức nội dung giải trí cũng thay đổi đáng kể. Ngoại trừ việc đến rạp xem phim, nhiều chương trình nội dung giải trí có thể được tải miễn phí về các phương tiện cá nhân của khán giả, các nhà phân phối sẽ thu lại lợi nhuận từ quảng cáo sản phẩm hoặc thu nhận thông tin từ người tiêu dùng. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật nói chung và công nghệ điện ảnh nói riêng đã tác động đến cấu trúc ngành công nghiệp điện ảnh, làm thay đổi các khái niệm truyền thống về sản xuất, phát hành, phổ biến phim. Do vậy, cần thay đổi cách nhận thức và quản lý trong lĩnh vực điện ảnh.
Trong hai năm vừa qua, toàn cầu phải đối đầu với đại dịch Covid-19 cũng là tình trạng nhiều rạp chiếu phim tại hầu hết các nước phải tạm ngừng hoạt động, thị phần phổ biến phim thông qua các nhà phát hành phim trên các nền tảng ứng dụng trực tuyến như Netflix, Amazone, Disney,... phát triển mạnh mẽ, lượng người đăng ký các nền tảng trực tuyến của Nettlix, Amazone tăng lên mức kỷ lục do giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh covid-19. Sự phát triển bước ngoặt này góp phần đẩy nền tảng mạng cùng các dịch vụ kỹ thuật số khác phát huy vai trò mạnh mẽ. So với việc phải chia doanh thu cho nhà quản lý rạp, việc hãng sản xuất đưa được tác phẩm điện ảnh lên mạng đã giúp họ chủ động, không tốn nhiều chi phí và có cơ hội thu lợi nhuận nhiều hơn, từ đó mở ra một xu hướng mới với những lợi thế có thể làm thay đổi khái niệm rằng điện ảnh chỉ có thể được trình chiếu, được trải nghiệm ở rạp hay phim đã lên mạng sẽ không thể quay lại trình chiếu tại rạp.
Sự phát triển nhanh, mạnh của công nghệ sản xuất phim, chiếu phim, lưu trữ phim trong điện ảnh trên nền tảng công nghệ số là một yếu tố thuận lợi, nhưng cũng là thách thức cho mỗi nền điện ảnh dân tộc phải đầu tư tìm tòi ra con đường đi của mình trên nền tảng văn hóa dân tộc.
Như vậy, xu hướng toàn cầu hóa đã biến các thị trường điện ảnh quốc gia trở thành một bộ phận không thể tách rời của thị trường điện ảnh quốc tế, đòi hỏi nền điện ảnh các nước trên thế giới phải chủ động hội nhập toàn diện và tạo vị thế trên thị trường thế giới mà Việt Nam cũng không ngoại lệ.
2. Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)
2.1. Về những quy định chung (Chương I)
Luật Điện ảnh năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2018, 2020 (Luật Điện ảnh năm 2006). Hiện nay, trong thị trường điện ảnh, việc thực hiện các quy định về cạnh tranh lành mạnh chưa có sự chặt chẽ. Chính vì thế mới tồn tại tình trạng kêu ca bất công. Nếu nhìn nhận điện ảnh là một thị trường, nó sẽ gồm có các lực lượng: nhà sản xuất, người bán sỉ (nhập khẩu phim, tổng phát hành) và lực lượng bán lẻ (các rạp, cụm rạp)[2]. Do vậy, nhất trí với nội dung của Dự thảo Luật đã đưa khái niệm “công nghiệp điện ảnh” và “thị trường điện ảnh” tại khoản 4 Điều 3; đồng thời quy định rõ tại khoản 2, khoản 3 Điều 6: “ Phát triển thị trường điện ảnh trong nước gắn với các sản phẩm, dịch vụ điện ảnh phụ trợ đi kèm và các ngành kinh tế khác” và “Chủ động hội nhập thị trường điện ảnh khu vực và thế giới; đẩy mnh xuất khẩu, mở rộng giao lưu, quảng bá phim với các nước trong khu vực và trên thế giới” - Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý của Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này, bởi một khung pháp lý đầy đủ và hiệu quả sẽ là cơ sở quan trọng trong việc bảo hộ quyền tác giả, bảo hộ doanh nghiệp điện ảnh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập sâu rộng quốc tế, góp phần phát triển thị trường điện ảnh cạnh tranh minh bạch, lành mạnh theo các cam kết quốc tế, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, nhưng cũng góp phần hạn chế tác động bất lợi của các Hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương mà Việt Nam đã ký kết với các nước và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hiệp định thương mại WTO.
2.2. Vấn đề xuất khẩu phim
Lần đầu tiên phim Việt Nam chính thức xuất khẩu sang Myanmar không phải đến từ các hãng sản xuất lớn như Trung tâm VFC của Đài Truyền hình Việt Nam hay hãng TFS của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Đó là ba phim Hoàng hôn dịu dàng, Trả giáSương khói đồng hoang của Công ty Lasta. Thực tế VFC sản xuất một vài bộ phim phát sóng ở Nhật Bản như Người cộng sự, Dưới bầu trời xa cách hay Tuổi thanh xuân phát ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, các dự án này đều là hợp tác chưa được tính là xuất khẩu phim. Theo ý kiến ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Tổng Giám đốc công ty Lasta: Văn hóa cần sự đa dạng nên phim của Việt Nam phát sóng ở các nước là khả thi, tuy nhiên đó là cả quá trình thâm nhập thị trường gắn với chất lượng phim đảm bảo. Nếu các nhà sản xuất ngày một nâng cao chất lượng, các thị trường khác họ xem thấy phù hợp sẽ chấp nhận nhập khẩu[3].
 Dự thảo Luật quy định Phimxuất khẩu phải có Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng. Quy định này chưa thực sự bao quát, dường như có sự phân biệt giữa việc phim xuất khẩu theo hình thức truyền thống với phim xuất khẩu trên Internet. Vì vậy, Ban Soạn thảo cần cân nhắc sao cho bảo đảm tính dễ tiếp cận, dễ thực hiện, bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính theo quy định tại khoản 4 Điều 5 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bởi lẽ, (i) hiện nay không chỉ các doanh nghiệp mà các nhà làm phim độc lập cũng đều có thể sản xuất phim và tải lên các nền tảng trực tuyến (OTT, youtube, facebook hoặc các nền tảng đám mây) từ đó có thể được phổ biến đến người xem ở nhiều quốc gia trên thế giới, do đó rất khó khăn trong việc xác định thế nào là hành vi “xuất khẩu phim”; (ii) về nguyên tắc, một bộ phim muốn được phổ biến trong nước hay nước ngoài (truyền thống hoặc Internet) đều phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật điện ảnh. Riêng xuất khẩu phim còn phải tuân thủ pháp luật của nước nhập khẩu phim.
2.3. Vấn đề sản xuất phim
Sản xuất là yếu tố trọng tâm, cốt lõi của nền kinh tế, đối với lĩnh vực điện ảnh, sản xuất phim cũng đóng vai trò hàng đầu, chi phối mọi hoạt động khác của ngành. Hơn mười hai năm qua, sau khi Luật Điện ảnh ra đời, sản xuất phim Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng, số lượng phim xuất xưởng hàng năm tăng nhanh nhờ đóng góp không nhỏ của các quy định và chính sách khuyến khích, hỗ trợ điện ảnh. Tuy nhiên, sự thay đổi môi trường và công nghệ sản xuất, kinh doanh cùng những điều chỉnh chính sách quản lý của Nhà nước đã phát sinh một số vấn đề cản trở hoặc không khuyến khích hoạt động sản xuất phim.
Luật Điện ảnh hiện hành: (i) chưa quy định cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam cũng như thu hút đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực điện ảnh; (ii) có quy định về việc khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật, tuy nhiên chưa có những văn bản hướng dẫn hay chính sách cụ thể, cơ chế nhằm ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh; (iii) sự thiếu bình đẳng, bất cập trong việc áp dụng chính sách đầu tư phát triển điện ảnh Việt Nam giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân là vấn đề “nóng” trong nhiều năm qua. Vì vậy, việc đầu tư cho sản xuất phim, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng điện ảnh còn gặp nhiều khó khăn.
Dự thảo Luật Điện ảnh lần này đã quy định khá chi tiết tại chương II gồm 4 điều từ Điều 12 đến Điều 15, bên cạnh việc việc khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật, đồng thời đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ trong đó quy định về chế tài chặt chẽ hơn đối với cơ sở điện ảnh sản xuất phim, nhà sản xuất phim, biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên và các thành viên khác trong đoàn làm phim, vấn đề cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, vấn đề sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên.
2.4. Vấn đề phát hành phim, phổ biến phim và vấn nạn vi phạm bản quyền
Trong công nghiệp điện ảnh, phát hành và phổ biến phim là hoạt động trên thị trường để bán và tiêu thụ sản phẩm điện ảnh. Doanh thu trong phát hành, phổ biến phim cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá sự phát triển của điện ảnh mỗi quốc gia. Tuy nhiên, kinh doanh trong phát hành, phổ biến phim không chỉ nhằm mục đích hướng tới doanh thu đơn thuần mà còn hướng tới hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật, giáo dục thẩm mỹ, xây dựng nhân cách, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa quốc gia. Theo đó, yêu cầu xây dựng một thị trường công bằng, tạo thuận lợi trong đầu tư phát hành, phổ biến phim cho các doanh nghiệp là vô cùng cần thiết và là một biện pháp hữu hiệu để vừa thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật điện ảnh phong phú, đa dạng của khán giả, vừa bảo vệ và phát triển được điện ảnh dân tộc. Trong quá trình hội nhập, Việt Nam đã mở cửa cho việc phát hành và phổ biến phim nước ngoài tại Việt Nam thông qua việc ký kết các Hiệp định thương mại song phương và đa phương, đặc biệt là Hiệp định Thương mại WTO. Theo cam kết quốc tế, Việt Nam không quy định hạn ngạch nhập khẩu phim nước ngoài, không có một hạn chế nào đối với việc nhập khẩu và chiếu phim nước ngoài tại Việt Nam. Từ đó dẫn đến việc phim nước ngoài chiếm lĩnh thị trường, phim Việt Nam rất khó đưa vào hệ thống rạp chiếu phim, hoặc nếu được các hệ thống rạp chiếu phim chấp nhận cũng thường chiếu ở những giờ xem không thuận lợi, số lượng xuất chiếu hạn chế, gây khó khăn cho việc phát hành phim Việt Nam, đặc biệt là dòng phim nghệ thuật, có giá trị tuyên truyền, giáo dục, giữ gìn văn hóa truyền thống. Khán giả không có cơ hội thưởng thức tác phẩm điện ảnh giàu tính nghệ thuật, nhân văn. Cùng với vướng mắc đó, sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật điện ảnh cũng tạo ra ảnh hưởng trong việc phổ biến tác phẩm điện ảnh Việt Nam đến đông đảo công chúng. Trên thực tế, việc tạo cơ hội cho phát hành, phổ biến phim Việt Nam một cách có hiệu quả, phù hợp với nhu cầu khán giả trong điều kiện thay đổi của công nghệ số cũng là một vấn đề cấp thiết nhưng chưa được quy định trong Luật Điện ảnh hiện hành. Do đó, phải xây dựng các quy định tạo điều kiện cho việc thành lập doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim, đảm bảo cho việc kinh doanh phát hành, phổ biến phim được tiến hành bình đẳng, công bằng, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ phát hành, phổ biến phim có giá trị nghệ thuật của Việt Nam đến đông đảo tầng lớp khán giả trong và ngoài nước.
Phổ biến phim trên không gian mạng chưa được quy định trong Luật Điện ảnh. Phim trên không gian mạng có một khối lượng vô cùng lớn hướng tới thỏa mãn nhu cầu đa dạng của người xem khác nhau, nhưng không phải phim nào cũng có giá trị nhân văn. Vấn đề đặt ra chính là trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước.
Việc phổ biến phim trên không gian mạng đã được đề cập tại Điều 22 Dự thảo Luật Điện ảnh. Như vậy, có thể thấy phổ biến phim trên mạng đã nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Điện ảnh.Theo đó, tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng: “ Phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 32 Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim”. Nhìn chung, quy định này phù hợp với xu thế phát triển và thực tiễn ở nhiều nước, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề bản quyền tại Việt Nam được đặt ra khi nhiều bộ phim trước khi công chiếu đã bị phát lậu trên nền tảng Internet, có bộ phim bị độc giả vô tư livestream khi đang chiếu rạp nhưng mức phạt lại quá nhẹ. Nhiều chuyên gia đánh giá việc phát lậu có tác động rất mạnh đến nền điện ảnh và cả kinh tế khi bị mất thuế. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, hiện có hơn 400 website phim tiếng Việt đang công khai chiếu hàng chục nghìn bộ phim trên internet trong khi các tác phẩm chưa được chủ các website này mua bản quyền, có nhiều trang web phát lậu và liên tục đổi tên miền để vi phạm bản quyền, những trang này có lượt truy cập lên đến cả trăm triệu view mỗi tháng. Một trong những lý do khiến các website phim lậu ngang nhiên tồn tại đó là việc xử phạt vi phạm bản quyền ở Việt Nam quá nhẹ so với lợi ích mà các web phim lậu thu được. Để các nhà làm phim an tâm, nhiều nhà làm phim đề nghị cần phải có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn vấn nạn trên[4]. Có thể nhận thấy, đây cũng là một trong những vấn đề trọng tâm được Ban soạn thảo hết sức chú trọng trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Điện ảnh. Đồng thời, để xử lý triệt để các hành vi xâm phạm, cũng cần phải có sự trợ giúp tích cực từ phía các nhà mạng và sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan có thẩm quyền (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính,…) trong công tác phối hợp xử lý vấn nạn này.
2.5. Vấn đề phân loại phim
Trong thực tiễn phát triển điện ảnh hầu như văn bản pháp luật nước nào cũng xác định có loại phim bị cấm phổ biến. Bởi lẽ, nước nào cũng phải bảo vệ quyền lợi văn hóa, giá trị văn hóa, bảo vệ giá trị cốt lõi rường cột thể chế và xã hội của đất nước mình. Có nước chỉ phân ra hai loại phim: Phim được phổ biến, phim không được phép phổ biến mà không phân loại phim theo độ tuổi (Điện ảnh Trung Quốc), nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật, Anh, Úc, Brazil … phân loại phim theo độ tuổi trong đó có loại phim bị cấm phổ biến.
Điều 33. Phân loại phim đã kế thừa được kinh nghiệm thực tế, có sự tiếp thu các ý kiến của các nhà phổ biến phim trong quá trình biên soạn và có sự tham khảo kinh nghiệm của các nước. Việc bổ sung phim loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi đối với các phim vốn chỉ được phép chiếu cho người xem từ đủ 13 tuổi trở lên với điều kiện xem cùng cha mẹ và người giám hộ. Bổ sung phim loại K trong bảng phân loại phim thể hiện Ban soạn thảo đã rất cầu thị lắng nghe ý kiến góp ý, tạo điều kiện không chỉ cho doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện cho các gia đình nhiều thế hệ trong việc thụ hưởng các tác phẩm điện ảnh trong hệ thống các rạp.
Tóm lại, hơn bao giờ hết, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý và thực thi pháp luật nhằm giảm những hạn chế về tác động tiêu cực từ xâm lấn về văn hóa là vô cùng quan trọng. Việc quản lý sản xuất phim, giám định phim, phổ biến phim thông qua các chế tài đủ mạnh sẽ góp phần hạn chế sự xâm lấn của văn hóa độc hại, đem đến cho công chúng những tác phẩm có giá trị, có chất lượng cao.
3. Một số giải pháp
Trong giai đoạn 2016-2021 vừa qua, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn một số mặt chưa đồng bộ, đầy đủ, “Văn hóa có bước phát triển nhưng chưa tương xứng với kinh tế[5]. Một trong những mục tiêu tổng quát mà Đảng ta đã đề ra đó là phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân.
Để hoàn thiện chính sách, pháp luật thì giải pháp căn cơ là xây dựng, ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) thay thế Luật Điện ảnh hiện hành, trên cơ sở đó rà soát tổng thể để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hệ thống các văn bản dưới Luật về điện ảnh bảo đảm phù hợp với Luật Điện ảnh (sửa đổi) và các Luật khác có liên quan. Việc quy định chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển điện ảnh. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển điện ảnh được quy định trong Luật cần được lượng hóa cụ thể hơn để bảo đảm minh bạch, khả thi. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển điện ảnh, kể cả sản xuất, phát hành, phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị phải trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, khả thi[6]. Từ những phân tích ở trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp chung như sau:
Một là, về chiến lược công nghiệp văn hóa: cần chú trọng: (i) thúc đẩy thực hiện việc đầu tư công trung hạn để có những thiết chế văn hóa cấp quốc gia theo yêu cầu của Chiến lược công nghiệp văn hóa; (ii) tăng cường chức năng quản lý nhà nước trong thực hiện chỉ đạo các hãng phim, đặt hàng tạo ra những bộ phim mà công chúng đón nhận, xây dựng đề án xác định thương hiệu Liên hoan phim; (iii) thông qua Liên hoan phim quốc tế giới thiệu điện ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế và tăng cường hơn nữa việc quảng bá phim Việt Nam, xuất khẩu tác phẩm điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
Hai là, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim: Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh thông qua cơ chế thông thoáng, đảm bảo tính đặc thù của hoạt động nghệ thuật, từ đó nâng dần số lượng và chất lượng phim Việt Nam phục vụ nhân dân, bảo vệ nền điện ảnh dân tộc; sửa đổi quy định về thành lập cơ sở sản xuất phim, đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; hoàn thiện hơn nữa việc quy định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh để hỗ trợ sản xuất phim Việt Nam và thưởng cho những phim Việt Nam có giá trị nội dung, nghệ thuật và tính nhân văn; áp dụng chính sách hỗ trợ, khuyến khích về tài chính đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện dự án sản xuất phim tại Việt Nam.
Ba là, tạo bình đẳng, hỗ trợ, khuyến khích hoạt động phát hành và phổ biến phim Việt Nam: Cần tạo sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp điện ảnh trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong hoạt động phát hành, phổ biến phim; tạo hành lang pháp lý tăng cường hỗ trợ phát hành, chiếu phim Việt Nam, đặc biệt đối với phim nghệ thuật trong hệ thống rạp chiếu phim nhằm bảo vệ và phát triển điện ảnh dân tộc.
Bốn là, khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước: Điện ảnh là một lĩnh vực thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội. Do vậy, việc đẩy mạnh xã hội hóa và tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, xã hội có thể tham gia quảng bá điện ảnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính sách phát triển điện ảnh. Luật Điện ảnh hiện hành chưa chú ý đúng mức vấn đề trên và còn một số quy định hạn chế quảng bá điện ảnh.
Vì vậy, cần nghiên cứu bãi bỏ quy định về việc đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài để phù hợp với thực tiễn và quy định của các bộ luật khác có liên quan; sửa đổi quy định tại Luật Điện ảnh về tổ chức Liên hoan Phim quốc gia và quốc tế, Tuần phim nhằm tăng cường xã hội hóa theo hướng tạo hành lang pháp lý và khuyến khích các tổ chức có chuyên môn, có đủ nhân lực và tài chính được phép phối hợp và đăng cai tổ chức các sự kiện xúc tiến quảng bá điện ảnh trong nước và ở nước ngoài.
Năm là, đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật:
-Cần bổ sung những quy định mới trong Luật Điện ảnh phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ điện ảnh và CMCN 4.0 nhằm tạo hành lang pháp lý trong việc quản lý phát hành, phổ biến phim trên không gian mạng; bổ sung các quy định trong Luật làm cơ sở pháp lý cho các đơn vị lưu trữ khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ lưu chiểu, lưu trữ đầy đủ và đúng thời hạn phim điện ảnh Việt Nam dưới dạng kỹ thuật số, đảm bảo việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định giữa các bên có liên quan; bổ sung quy định bảo vệ bản quyền, quyền liên quan phim phát hành trên mạng và trong lĩnh vực lưu chiểu, lưu trữ phim kỹ thuật số.
-Cần kết hợp giữa giải pháp pháp lý và giải pháp công nghệ đối với những hành vi sử dụng công nghệ để xâm phạm bản quyền, đẩy mạnh và chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm soát, hậu kiểm.
-Tuyên truyền rộng rãi đến người sử dụng các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ để nâng cao ý thức bảo vệ quyền ngay từ phía người sử dụng. Đồng thời, các chủ thể quyền (cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp) cần áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm bảo vệ quyền của mình và chủ động yêu cầu xử lý xâm phạm ngay khi phát hiện có hành vi xâm phạm bản quyền và những nội dung bị cấm trong Luật Điện ảnh./.
 

 


[1] Dự thảo ngày 26/8/2021 gửi Ủy ban Văn hóa Giáo dục.
[2] Tham khảo tác giả Văn Đoàn: “Điện ảnh phải là một thị trường”, https://cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/Dien-anh-phai-la-mot-thi-truong-i599285/, truy cập lần cuối ngày 210/9/2021.
[3] Tham khảo tác giả Nguyên Khánh “Xuất khẩu phim truyền hình đã khả thi?”, https://tienphong.vn/xuat-khau-phim-truyen-hinh-da-kha-thi-post941952.tpo, truy cập lần cuối ngày 22/9/2021.
 
[4] Tham khảo: Diệu Linh “Nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam: Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế”, https://baoquocte.vn/nen-cong-nghiep-dien-anh-viet-nam-phat-trien-ben-vung-va-mang-tinh-canh-tranh-quoc-te-143627.html, truy cập lần cuối ngày 22/9/2021.
[5] Đề cương thông báo nhanh Kết quả Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
[6] Tham khảo: Dự thảo ngày 26/8/2021 gửi Ủy ban Văn hóa Giáo dục: “Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)”.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 06 (454), tháng 03/2022.)