Sự cần thiết định danh lại chế định Thanh tra nhân dân

21/03/2022

TS. CAO VŨ MINH

Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Luật Thanh tra năm 2010 quy định hai tổ chức thanh tra là Thanh tra nhà nước và Thanh tra nhân dân. Thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, khác với Thanh tra nhà nước, Thanh tra nhân dân không mang tính quyền lực nhà nước. Về tổ chức và hoạt động, Thanh tra nhân dân không nằm trong bộ máy nhà nước và cũng không thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích sự cần thiết phải định danh lại chế định Thanh tra nhân dân trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Từ khóa: Luật Thanh tra năm 2010, Thanh tra nhân dân.
Abstract: The Law on Inspection of 2010 stipulates two inspection organizations, the State Inspectorate and the People’s Inspectorate.People’s inspectors are established in communes, wards, townships, state agencies, public non-business units, and state enterprises.However, unlike the State inspectors, the People’s inspectors do not carry state power.In terms of organization and operation, the People’s inspectorate is not part of the state apparatus and does not perform the state management function.Within the scope of this article, the author provides an analysis of the need to redefine the People's Inspectorate in the Vietnamese legal system.
Keywords: Law on Inspection of 2010, People’s inspection.
 THANH-TRA-NHÂN-DÂN.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Chế định Thanh tra nhân dân - lịch sử một vấn đề
Theo Từ điển Tiếng Việt, “thanh tra” là hoạt động “điều tra, xem xét để làm rõ sự việc”[1]. Theo Từ điển Luật học thì “thanh tra”“hoạt động xem xét để làm rõ việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, kế hoạch của cơ quan, tổ chức, cá nhân”[2]. Như vậy, dưới góc độ ngôn ngữ, thanh tra được hiểu là trực tiếp xem xét làm rõ các tình tiết của vụ việc để đi đến kết luận đúng hay sai, đồng thời làm rõ tính chất, mức độ, nguyên nhân và hậu quả của vụ việc. Nói cách khác, thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân[3]. Mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Dưới góc độ pháp lý, khoản 1 Điều 3 Luật Thanh tra năm 2010 chỉ quy định về Thanh tra nhà nước chứ không định nghĩa về thanh tra. Việc đưa ra cách giải thích Thanh tra nhà nước trong Luật Thanh tra năm 2010 là nhằm phân biệt với Thanh tra nhân dân. Nói cách khác, hiện nay, Luật Thanh tra năm 2010 quy định hai tổ chức thanh tra là Thanh tra nhà nước và Thanh tra nhân dân. Thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.
Khác với Thanh tra nhà nước mang tính quyền lực nhà nước, Thanh tra nhân dân - một hình thức giám sát của nhân dân không mang tính quyền lực nhà nước. Khi thực hiện hoạt động giám sát, Thanh tra nhân dân chỉ có quyền kiến nghị chứ không có quyền xử lý vụ việc. Về tổ chức và hoạt động, Thanh tra nhân dân không nằm trong bộ máy nhà nước và cũng không thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Do hoạt động của Thanh tra nhân dân mang tính chất xã hội nên hiệu quả cũng hạn chế, nhất là Thanh tra nhân dân được thành lập ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay, nhắc đến hoạt động thanh tra, cá nhân, tổ chức thường hình dung đó là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước chứ không đơn thuần là giám sát, kiểm tra xã hội[4]. Vì lẽ đó, nhiều chuyên gia cho rằng, thuật ngữ “thanh tra”“thanh tra nhà nước” là đồng nhất[5] bởi Thanh tra nhân dân không thực hiện hoạt động thanh tra mà thực hiện hoạt động giám sát[6].
Văn bản pháp lý đầu tiên quy định về chế định Thanh tra nhân dân là Nghị quyết số 26/HĐBT ngày 15/2/1984 của Hội đồng Bộ trưởng (Nghị quyết số 26). Trước Nghị quyết số 26, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành môt số văn bản pháp luật quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra như: Sắc lệnh số 138B/SL-QD ngày 18/2/1949; Sắc lệnh số 261/SL ngày 28/3/1956; Nghị định số 136-CP ngày 29/9/1961; Nghị quyết số780/NQ-TVQH ngày 11/08/1969, Nghị định số 165-CP ngày 31/8/1970, Nghị định số 01/CP ngày 3/1/1977… Tuy nhiên, các văn bản này đều không đề cập đến Thanh tra nhân dân. Theo Nghị quyết số 26, hệ thống thanh tra các cấp gồm Ủy ban Thanh tra nhà nước trung ương; Ủy ban Thanh tra nhà nước cấp tỉnh, thành phố, huyện, quận, và cấp tương đương; Ban Thanh tra nhân dân cấp cơ sở.  Đây là một hệ thống tổ chức thanh tra được quản lý và chỉ đạo tập trung thống nhất từ trung ương đến cơ sở.
Ủy ban Thanh tra nhà nước trung ương, thay mặt Hội đồng Bộ trưởng có chức năng tổ chức, quản lý và chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, tiến hành thanh tra, công tác của các ngành, các cấp; đồng thời trực tiếp quản lý và chỉ đạo cả hệ thống tổ chức thanh tra. Ủy ban Thanh tra nhà nước tỉnh, thành phố, huyện, quận và cấp tương đương là một cấp của hệ thống thanh tra và là một bộ phận của cơ quan lãnh đạo chính quyền cùng cấp, chịu sự chỉ đạo của Ủy ban Thanh tra nhà nước cấp trên, đồng thời, có trách nhiệm thi hành những nghị quyết và báo cáo kết quả hoạt động của mình trước Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) cùng cấp. Ban Thanh tra nhân dân là tổ chức thanh tra của quần chúng ở cơ sở.
Sau khi Nghị quyết số 26 được ban hành, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 38/CT-TW ngày 20/2/1984 (Chỉ thị số 38) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh tra. Chỉ thị số 38 nhấn mạnh tổ chức thanh tra phải là công cụ có hiệu lực của Nhà nước chuyên chính vô sản, đồng thời là một hình thức tổ chức của quần chúng để thực hiện quyền làm chủ tập thể của mình trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Theo tinh thần ấy, tổ chức và hoạt động thanh tra phải thể hiện tính chất Nhà nước và tính chất Nhân dân. Do vậy, bên cạnh Thanh tra nhà nước, chế định Thanh tra nhân dân luôn được đề cao và hiện hữu trong các văn bản quy định về thanh tra[7].
Văn bản pháp luật đầu tiên điều chỉnh tổ chức và hoạt động thanh tra ở tầm luật là Luật Thanh tra năm 2004. Có thể nói rằng, Luật Thanh tra năm 2004 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của chế định Thanh tra nhân dân. Năm 2010, Quốc hội sửa đổi Luật Thanh tra năm 2004. Ngoài những thay đổi cho phù hợp với tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước lúc bấy giờ, về cơ bản, Luật Thanh tra năm 2010 tiếp tục kế thừa quy định của Luật Thanh tra năm 2004 về chế định Thanh tra nhân dân.
Như vậy, chế định thanh tra nhân được quy định trong Luật Thanh tra năm 2010 là vấn đề mang tính lịch sử. Khi xây dựng và ban hành Pháp lệnh Thanh tra năm 1990, rồi sau này là Luật Thanh tra năm 2004 và Luật Thanh tra năm 2010 thì đã có ý kiến đề nghị đưa nội dung thanh tra nhân dân ra khỏi các văn bản này, đồng thời đổi tên gọi thanh tra nhân dân đối với hình thức giám sát này. Tuy nhiên, cuối cùng thì chế định thanh tra nhân dân vẫn được duy trì với nhiều lý do khác nhau như tên gọi đó đã có từ lâu trở thành thói quen không dễ thay đổi. Ngoài ra, nếu đưa thanh tra nhân dân ra khỏi phạm vi điều chỉnh của văn bản pháp luật về thanh tra thì nội dung này chưa có văn bản nào thay thế[8].
2. Những bất cập trong quy định của Luật Thanh tra năm 2010 về Thanh tra nhân dân
2.1. Về tên gọi
Thanh tra nhân dân” tuy có chữ “thanh tra”, nhưng thực ra về bản chất lại không thực hiện hoạt động thanh tra mà là giám sát và thuộc loại hình “giám sát, kiểm tra xã hội”. Do vậy, hoạt động của Thanh tra nhân dân không có tính quyền lực nhà nước. Vì vậy, phạm vi thẩm quyền của Thanh tra nhân dân chỉ hạn chế ở quyền kiến nghị[9].
2.2. Về chức năng
Khoản 2 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân”. Như vậy, Hiến pháp năm 2013 chỉ quy định về quyền giám sát mà không quy định về quyền thanh tra của Nhân dân. Do tính chất tổ chức cũng như nguyên tắc hoạt động của Thanh tra nhân dân hoàn toàn khác với Thanh tra nhà nước nên quy định về Thanh tra nhân dân thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh tra năm 2010 là không hợp lý. Bên cạnh đó, việc Luật Thanh tra năm 2010 điều chỉnh hoạt động giám sát, kiểm tra của Nhân dân thông qua quy định về nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân là không phù hợp, gây ra sự nhầm lẫn giữa chức năng thanh tra của cơ quan nhà nước và hoạt động giám sát của xã hội.
2.3. Về tổ chức
Theo Điều 65 Luật Thanh tra năm 2010 và Điều 2 Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 (Nghị định số 159) quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân thì thanh tra nhân dân được tổ chức dưới hình thức Ban Thanh tra nhân dân. Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Ban Thanh tra nhân dân giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn do Hội nghị nhân dân hoặc Hội nghị đại biểu nhân dân tại thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố bầu. Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trực tiếp chỉ đạo hoạt động. Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn giám sát hoạt động của UBND xã, phường, thị trấn; hoạt động của Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và các ủy viên UBND, cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn[10].
Qua các quy định trên, có thể thấy, Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn là một cơ quan mang tính xã hội[11]. Để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong hoạt động giám sát thì thành viên Ban Thanh tra nhân dân không phải là người đương nhiệm trong UBND cấp xã. Tuy đã khẳng định Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn hoàn toàn độc lập với chủ thể bị giám sát là UBND cấp xã và Chủ tịch UBND cấp xã, nhưng khoản 2 Điều 67 Luật Thanh tra năm 2010 về quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân quy định: “Khi cần thiết, được Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước giao xác minh những vụ việc nhất định”. Bên cạnh đó, Nghị định số 159 còn quy định, khi được Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn giao xác minh những vụ việc nhất định, Ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm thực hiện đúng nội dung, thời gian, phạm vi, nhiệm vụ được giao[12]; kết thúc việc xác minh, Ban thanh tra nhân dân báo cáo với Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn về kết quả xác minh[13]. Những quy định này vô hình trung đã phủ định tính độc lập trong hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, biến Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn thành một chủ thể giúp việc cho Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Tương tự, Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước do Hội nghị công nhân, viên chức hoặc Hội nghị đại biểu công nhân, viên chức bầu[14]. Ban thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước do Ban chấp hành Công đoàn cơ sở trực tiếp chỉ đạo hoạt động[15]. Điều nay có nghĩa là, Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước không có sự phụ thuộc về mặt tổ chức với người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước giao. Chính vì không có sự phụ thuộc nên Ban thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước mới có thể giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ công tác hằng năm của cơ quan, đơn vị một cách hiệu quả. Tuy nhiên, với quy định khoản 2 Điều 67 Luật Thanh tra năm 2010 nêu trên, Ban thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước từ vị thế là chủ thể giám sát trở thành “người giúp việc” cho đối tượng giám sát. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.
2.4. Về nhiệm vụ, quyền hạn
Như đã phân tích ở trên,Thanh tra nhân dân thực hiện hoạt động giám sát. Do đó, các nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra nhân dân chủ yếu mang tính kiến nghị. Nghị định số 159 quy định cụ thể một số nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân như: i. tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến phạm vi giám sát của Ban thanh tra nhân dân; ii. kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xử lý vi phạm theo thẩm quyền và khắc phục sơ hở, thiếu sót được phát hiện qua hoạt động giám sát, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan tổ chức, đơn vị; iii. kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn các hình thức động viên, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân phát hiện sai phạm và có thành tích trong công tác. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 159 còn quy định: Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân cần phải xử lý ngay thì lập biên bản và kiến nghị Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, đồng thời giám sát việc thực hiện kiến nghị đó.
Như vậy, ngoài nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến giám sát, Ban thanh tra nhân dân được quyền lập biên bản trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật mà cần phải xử lý ngay. Tuy nhiên, ngoài khoản 3 Điều 16 Nghị định số 159, không một văn bản quy phạm pháp luật nào đề cập đến giá trị pháp lý cũng như trình tự, cách thức lập biên bản của Ban Thanh tra nhân dân. Trong trường hợp lập biên bản thì nhất thiết phải có chữ ký của chủ thể có hành vi trái pháp luật hay không? Trường hợp chủ thể có hành vi trái pháp luật không ký tên vào biên bản thì sẽ xử lý như thế nào? Hàng loạt vấn đề pháp lý phát sinh mà không có câu trả lời thấu đáo. Chính vì vậy, trong thực tiễn, Ban thanh tra nhân dân chưa bao giờ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn này.
2.5. Hệ quả pháp lý của hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân
Giám sát của Ban Thanh tra nhân dân đối với hoạt động công vụ cũng như hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước là hình thức giám sát mang tính xã hội. Trong thời gian qua, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân được tiến hành tương đối hiệu quả, từ đó bảo đảm cho các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động công vụ cũng như hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước được tuân thủ một cách nghiêm minh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, giám sát của Ban thanh tra nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế, từ đó làm hạn chế hiệu quả của mô hình giám sát quan trọng này.
Việc trao quyền giám sát cho Ban Thanh tra nhân dân là một chủ trương tốt, thể hiện mong muốn của Nhà nước trong việc thu hút sự tham gia của xã hội đối với hoạt động quản lý nhà nước hoặc hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dânvẫn mang nặng tính hình thức[16]. Hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân chỉ mới dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, tiếp nhận kiến nghị, phản ánh… đồng thời chuyển theo dõi, đôn đốc, kiến nghị giải quyết… Tất cả hoạt động đó, kể cả kiến nghị cũng chưa được các chủ thể có thẩm quyền giải quyết tiếp thu, phản hồi đúng mức. Nhiều kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân là rất chính xác, hợp lý nhưng bị rơi vào “quên lãng”, không nhận được bất kỳ sự phản hồi nào của các cơ quan hữu trách[17]. Vì vậy, hiệu lực pháp lý và hiệu quả giám sát của Ban Thanh tra nhân dân không đạt được yêu cầu, mong muốn mà pháp luật đề ra. Mặc dù cả Luật thanh tra năm 2010 và Nghị định số 159 đều quy định trách nhiệm của chủ thể có thẩm quyền trong việc xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân, nhưng pháp luật hiện hành lại không quy định các chế tài để xử lý đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân.
3. Sự cần thiết định danh lại chế định thanh tra nhân dân trong Dự thảo Luật Thanh tra và Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Trải qua hơn 10 năm triển khai thi hành, Luật Thanh tra năm 2010 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, trong mối tương quan với Hiến pháp thì Luật Thanh tra năm 2010 phải phù hợp với Hiến pháp. Trong bối cảnh Hiến pháp năm 2013 đãcó hiệu lực thi hành thì Luật Thanh tra năm 2010 cần phải có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp các quy định của Hiến pháp năm 2013 nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 (Dự thảo Luật Thanh tra). Cùng với Dự thảo Luật Thanh tra, Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng đang được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng có quy định về Thanh tra nhân dân.
Theo Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, chế định Thanh tra nhân dân được quy định tại Chương IV bao gồm 04 điều luật (từ Điều 37 đến Điều 40) là: Điều 37. Ban Thanh tra nhân dân; Điều 38. Nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân; Điều 39. Quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân; Điều 40. Tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân
Như đã trình bày, Thanh tra nhân dân là cơ quan mang tính xã hội; do đó, việc đưa chế định thanh tra nhân dân ra khỏi phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Luật Thanh tra là hợp lý. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chỉ nên điều chỉnh về Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn; đối với Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nên đưa vào Luật Công đoàn năm 2012 điều chỉnh.
Điều 14 Luật Công đoàn năm 2012 quy định quyền và trách nhiệm của công đoàn là tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Theo đó, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước sẽ do Ban chấp hành công đoàn cơ sở chỉ đạo. Điều này không chỉ bảo đảm tính thống nhất trong cơ cấu, tổ chức mà còn phát huy hiệu quả hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân. Về kỹ thuật lập pháp, nhà làm luật có thể áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật - tức là dùng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để sửa một số luật có liên quan đến vấn đề này như Luật Công đoàn năm 2012, Luật Viên chức năm 2010 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019)...
Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, cần thay đổi tên gọi của cơ quan mang tính xã hội này. Theo đó, cần thay đổi tên gọi “Thanh tra nhân dân” thành “Giám sát nhân dân” hoặc “Kiểm tra nhân dân” nhằm bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức cũng như ý nghĩa của hoạt động thanh tra.
Về tổ chức, cần làm rõ tính chất độc lập tương đối của cơ quan mang tính xã hội này, đồng thời tách bạch sự phụ thuộc với Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Sẽ không thể có sự khách quan nếu như đối tượng chịu sự giám sát lại có thể giao nhiệm vụ cho chủ thể giám sát. Do đó, Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở không nên tiếp tục đưa quy định “Khi cần thiết, được Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước giao xác minh những vụ việc nhất định” vào quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân[18].
Cuối cùng, về giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải xem xét, trả lời yêu cầu, kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân trong một khoảng thời gian cụ thể. Đồng thời, cần quy định rõ hậu quả pháp lý đối với hành vi chậm trễ hoặc không xem xét, trả lời yêu cầu, kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân đúng thời hạn./. 

 


[1] Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb. Văn hóa - Thông tin, năm 1998, tr.1529.
[2] Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, Từ điển Luật học, Nxb. Từ điển bách khoa, Nxb Tư pháp, năm 2006, tr. 697.
[3] Nguyễn Phước Thọ, “Một số vấn đề cơ bản của dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thanh tra”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật,số 3, năm 2009.
[4] Cao Vũ Minh, “Những hạn chế của Luật Thanh tra năm 2010 và phương hướng hoàn thiện”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 3, năm 2018.
[5] Nguyễn Cửu Việt, Giáo trình luật Hành chính Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2013, tr. 625.
[6] Nguyễn Cảnh Hợp (chủ biên), Giáo trình luật Hành chính Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, năm 2017, tr. 707.
[7] Phạm Tuấn Khải, “Một số ý kiến về việc kết hợp giữa tính chất Nhà nước và tính chất nhân dân trong tổ chức và hoạt động của các ban thanh tra nhân dân”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật,số 52, năm 1986.
[8] Đinh Văn Minh “Bàn về chế định thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra”, Tạp chí Thanh tra, số 5, năm 2021.
[9] Nguyễn Cửu Việt, Giáo trình luật Hành chính Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2013, tr. 624.
[10] Điều 13 Nghị định số 159/2016/NĐ-CP.
[11] Nguyễn Cửu Việt, Giáo trình luật Hành chính Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2013, tr. 623.
[12] Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 159/2016/NĐ-CP.
[13] Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 159/2016/NĐ-CP.
[14] Khoản 1 Điều 72 Luật Thanh tra năm 2010.
[15] Khoản 1 Điều 73 Luật Thanh tra năm 2010.
[16] Hoàng Ngọc Giao (chủ biên), Cơ chế giải quyết khiếu nại thực trạng và giải pháp, Nxb. Công an nhân dân, tr.135.
[17] Nguyễn Thọ Ánh, Thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2012, tr. 152.
[18] Khoản 2 Điều 39 Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 05 (453), tháng 03/2022.)