Tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế trong CPTPP, EVFTA và yêu cầu đối với Việt Nam

23/03/2022

TS. PHAN QUỐC NGUYÊN

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tóm tắt: Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đây là hai hiệp định tự do thế hệ mới điều chỉnh nhiều vấn đề quan trọng về thương mại, đầu tư, môi trường, tài chính,... và đặc biệt là vấn đề sở hữu trí tuệ. Tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế quy định trong hai Hiệp định này khá là cao. Bên cạnh những thuận lợivà cơ hội, những tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế quy định trong hai Hiệp định lớn này đặt ra một số yêu cầu đối với Việt Nam.  
Từ khóa: Sáng chế, tiêu chuẩn bảo hộ, CPTPP, EVFTA, Việt Nam.
Abstract: In recent years, Vietnam has entered both the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP) and the EU-Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA). Both new generation free trade agreements govern important matters such as trade, investment, environment, finance, etc. and also especially intellectual property. The standards of patent protection in these two Agreements are quite high. Besides the opportunities, these standards of patent protection which are regulated in these agreements put a number of challenges for Vietnam.
Keywords: Invention;standards for patent protection; CPTPP; EVFTA; Vietnam.
 CPTPP.png
1. Tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế theo quy định của pháp luật Việt Nam
1.1 Khái niệm sáng chế
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên[1]. Sáng chế là sản phẩm, quy trình công nghệ do con người tạo ra chứ không phải là những gì đã tồn tại trong thiên nhiên được con người phát hiện ra. Thuộc tính cơ bản của sáng chế là đặc tính “kỹ thuật”; bởi vì, sáng chế là giải pháp kỹ thuật, biện pháp kỹ thuật để giải quyết một vấn đề. Sáng chế có thể được thể hiện dưới năm (05) dạng sau đây[2]:
a) Cơ cấu là tập hợp các chi tiết có chức năng giống nhau hoặc khác nhau, liên kết với nhau để thực hiện một chức năng nhất định. Ví dụ: công cụ, máy móc, thiết bị, chi tiết máy, cụm chi tiết máy, các sản phẩm khác,...
b) Chất là tập hợp các phần tử có quan hệ tương hỗ với nhau, được đặc trưng bởi sự hiện diện, tỷ lệ và trạng thái của các phần tử tạo thành và có chức năng nhất định. Chất có thể là hợp chất hóa học, hỗn hợp chất. Ví dụ: vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm.
c) Phương pháp là quy trình thực hiện các công đoạn hoặc hàng loạt các công đoạn xảy ra cùng một lúc hay liên tiếp theo thời gian, trong điều kiện kỹ thuật xác định nhờ sử dụng phương tiện xác định. Ví dụ: phương pháp hoặc quy trình sản xuất, xử lý, khai thác, đo đạc, thăm dò,...
d) Vật liệu sinh học là vật liệu có chứa các thông tin di truyền, có khả năng tự tái tạo hoặc được tái tạo trong hệ thống sinh học. Ví dụ: tế bào, gen, cây chuyển gen.
e) Sử dụng một cơ cấu(hoặc một chất, một phương pháp, một vật liệu sinh học) đã biết theo chức năng mới là sử dụng chúng với chức năng khác với chức năng đã biết. Ví dụ: việc sử dụng phomat làm thuốc chữa bệnh đau răng.
Sáng chế là thành quả lao động sáng tạo trí tuệ của con người, được Nhà nước bảo hộ dưới hình thức thừa nhận và bảo vệ quyền của người đã tạo ra nó.
1.2. Điều kiện chung đối với sáng chế được bảo hộ
Theo quy định của Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 (Luật SHTT), sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a)Có tính mới;
b)Có trình độ sáng tạo;
c)Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có tính mới;
b) Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Giải pháp hữu ích không phải là một khái niệm mới có riêng ở Việt Nam mà một số quốc gia khác cũng có quy định về vấn đề này. Một số giải pháp kỹ thuật có thể được bảo hộ dưới dạng mẫu hữu ích hay dưới dạng sáng chế nhỏ (petty patent). Một trong những điểm quan trọng để phân biệt sáng chế và giải pháp hữu ích chính là tiêu chuẩn về trình độ sáng tạo. Để đánh giá trình độ sáng tạo của một giải pháp kỹ thuật dưới dạng sáng chế, mỗi quốc gia sẽ có những quy chế thẩm định, quy định chuyên ngành về việc này. Hơn nữa, việc đánh giá này cũng phụ thuộc một phần vào các thẩm định viên.  
1.3. Tính mới của sáng chế
Theo Điều 60 Luật SHTT, sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên. Tính mới của sáng chế cần được hiểu là mới tuyệt đối, mới ở cấp độ thế giới chứ không chỉ mới trong từng quốc gia.
Sáng chế được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó. Sáng chế cũng không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn sáu (06) tháng kể từ ngày công bố:
a) Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 về Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí của Luật SHTT[3];
b) Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật SHTT công bố dưới dạng báo cáo khoa học;
c) Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật SHTT trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.
1.4. Trình độ sáng tạo của sáng chế
Một sáng chế nếu chỉ có tính mới là chưa đủ vì nó chỉ đáp ứng yêu cầu về mặt số lượng mà chưa đáp ứng yêu cầu về mặt chất lượng, chưa làm nâng tầm trình độ kỹ thuật của sáng chế[4]. Do vậy, sáng chế còn cần đáp ứng yêu cầu về trình độ sáng tạo.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên. Sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng[5]. Do đó, một sáng chế được coi là có trình độ sáng nếu nó là kết quả của sự nỗ lực trí tuệ và so sánh với trình độ kỹ thuật chung của thế giới tại ngày ưu tiên của đơn đăng ký, sáng chế đó sẽ không nảy sinh một cách hiển nhiên đối với người có trình độ trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng[6]. Sáng tạo có nghĩa là việc tạo ra một cái mới và sáng tạo khác với phát minh[7].
Nhìn qua quy định về trình độ sáng tạo, có thể thấy rằng, để xác định được tiêu chuẩn không phải là dễ. Nhiều người sẽ lầm tưởng giữa tính mới và trình độ sáng tạo. Thực chất, đây là hai khái niệm có sự khác biệt. Một giải pháp kỹ thuật có thể đáp ứng tiêu chuẩn về tính mới nhưng chưa chắc đã đáp ứng điều kiện về trình độ sáng tạo hoặc ngược lại. Việc đáp ứng cả hai tiêu chuẩn, tính mới và trình độ sáng tạo, của một giải pháp kỹ thuật cần được xác định rõ và điều này thường không hề đơn giản.
1.5. Khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế
Theo Điều 62 Luật SHTT, sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định.
1.6. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế
Theo quy định của Điều 59 Luật SHTT, các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế:
a) Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;
b) Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi,kinh doanh, chương trình máy tính;
c) Cách thức thể hiện thông tin;
d) Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;
e) Giống thực vật, giống động vật;
f) Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;
g) Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.
Bên cạnh đó, Luật SHTT  không bảo hộ các đối tượng SHTT trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh. Quy định về các đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế có thể khác nhau trong từng quốc gia cụ thể.
Thời hạn bảo hộ sáng chế được quy định tại Điều 93 Luật SHTT. Hiệu lực của văn bằng bảo hộ có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi (20) năm kể từ ngay nộp đơn.
2. Tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế trong CPTPP
Điều 18 Hiệp định CPTPP quy định về SHTT nói chung và sáng chế nói riêng. Tuy nhiên, Hiệp định này không đưa ra định nghĩa sáng chế.
Khoản 1 Điều 18.37 Hiệp định về đối tượng có thể được cấp bằng độc quyền sáng chế quy định”: “...tùy thuộc vào khoản 3 và khoản 4 của Điều này, mỗi Bên phải quy định bằng độc quyền sáng chế có thể được cấp cho bất kỳ một sáng chế nào, dù là sản phẩm hay là quy trình, thuộc mọi lĩnh vực công nghệ, với điều kiện sáng chế đó mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp”.
Có thể thấy rằng, quy định của Luật SHTT về tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế hiện nay đã đáp ứng đầy đủ và theo đúng chuẩn mực do CPTPP đặt ra. Cụ thể, cả Hiệp định CPTPP và Luật SHTT đều đưa ra hai dạng sáng chế chuẩn khi nộp đơn là sáng chế dạng quy trình hoặc dạng sản phẩm. Đây là quy định mang tính chuẩn mực chung nhưng lại mang tính thực tiễn giúp cho việc thẩm định hình thức bản mô tả sáng chế được thống nhất; cả Hiệp định và Luật SHTT đều đặt ra ba yêu cầu coi như điều kiện cần và đủ: đó là tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp.
Bên cạnh đó, Chú thích thứ 30 của Hiệp định còn mở rộng hơn khả năng bảo hộ sáng chế bằng quy định: “Một Bên có thể coi thuật ngữ “có trình độ sáng tạo” và “có khả năng áp dụng công nghiệp” là tương đương với thuật ngữ tương ứng: “không hiển nhiên” và “hữu ích”.Trong việc quyết định trình độ sáng tạo, hoặc không hiển nhiên, mỗi Bên phải xem xét liệu sáng chế được đề nghị bảo hộ có là hiển nhiên với chuyên gia, hoặc người có hiểu biết thông thường trong lĩnh vực tương ứng hay không, có tính đến tình trạng kỹ thuật đã biết”. Nếu theo cách hiểu này, trong tương lai, chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng thêm khả năng cấp bằng cho những sáng chế có tính hữu ích. Thực tế, tính không hiển nhiên được hiểu như trình độ sáng tạo.
Hơn nữa, khoản 2 Điều 18.37 quy định: “Tùy thuộc vào khoản 3 và khoản 4 và phù hợp với khoản 1, các Bên khẳng định rằng bằng độc quyền sáng chế có thể được cấp cho các sáng chế có yêu cầu bảo hộ cho ít nhất một trong các đối tượng sau: các công dụng mới của một sản phẩm đã biết, các phương pháp sử dụng mới của một sản phẩm đã biết, hoặc các quy trình sử dụng mới của một sản phẩm đã biết. Một Bên có thể giới hạn các quy trình mới này ở những quy trình không yêu cầu bảo hộ đơn thuần việc sử dụng sản phẩm”. Quy định tại điều khoản này được biết đến trên thế giới là dạng bảo hộ “second method” hoặc “second use”. Với cách hiểu này, một sáng chế có thể được tiếp tục bảo hộ nếu từ cùng một hợp chất đã biết nhưng lại tìm được một công dụng hoặc chức năng khác mới để xin bảo hộ. Thực chất trong thời gian qua chúng ta cũng đã thực hiện việc bảo hộ cho dạng này trên thực tế nên việc áp dụng điều khoản, quy định mới này đối với chúng ta không phải là vấn đề lớn.Tuy nhiên, vớiheo quy định này, chúng ta cần cân nhắc việc áp dụng rộng rãi và mạnh mẽ hay không vì việc áp dụng một mặt sẽ tạo điều kiện cho việc cấp bằng sáng chế mới về công dụng cho những chủ sở hữu sáng chế đã được bảo hộ, bộc lộ trước đó, làm tăng thời hạn độc quyền của sáng chế nhưng mặt khác lại dẫn đến hạn chế việc tiếp cận sáng chế của công chúng.
Khoản 3 và khoản 4 Điều 18.37 quy định: “Một Bên có thể loại trừ không cấp bằng độc quyền sáng chế cho những sáng chế cần phải bị cấm khai thác nhằm mục đích thương mại trong phạm vi lãnh thổ của mình để bảo vệ trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội, kể cả để bảo vệ cuộc sống hoặc sức khoẻ của con người, động vật hoặc thực vật hoặc để tránh gây nguy hại nghiêm trọng tới tự nhiên hoặc môi trường, với điều kiện những ngoại lệ này được quy định không chỉ vì lý do duy nhất là việc khai thác các sáng chế này bị cấm bởi pháp luật của Bên đó. Một Bên cũng có thể loại trừ không cấp bằng độc quyền sáng chế cho:
(a) các phương pháp chẩn đoán, các phương pháp nội và phương pháp ngoại khoa để chữa bệnh cho người hoặc động vật; (b) động vật mà không phải là các chủng vi sinh, các quy trình sản xuất thực vật và động vật chủ yếu mang tính chất sinh học mà không phải là các quy trình phi sinh học hoặc vi sinh; và
  Một Bên cũng có thể loại trừ không cấp bằng độc quyền sáng chế cho thực vật mà không phải là các chủng vi sinh. Tuy nhiên, phù hợp với khoản 1 và tùy thuộc vào khoản 3, mỗi Bên khẳng định rằng bằng độc quyền sáng chế có thể được cấp ít nhất cho các sáng chế có nguồn gốc từ thực vật”.
Trong việc xác định sáng chế có mới hoặc có trình độ sáng tạo hay không, Điều 18.38 của Hiệp định quy định rằng “mỗi Bên phải bỏ qua ít nhất là các thông tin đã được bộc lộ công khai nếu việc bộc lộ công khai này
(a) do người nộp đơn sáng chế hoặc người có được thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp từ người nộp đơn sáng chế; và
(b) xảy ra trong vòng 12 tháng trước ngày nộp đơn trong lãnh thổ của Bên đó”.
Chú thích thứ 31 và thứ 32 giải thích rõ hơn đồng thời đưa ra các khả năng khác nhau “Không Bên nào phải bỏ qua thông tin trong các đơn hoặc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đã được công bố cho công chúng tiếp cận hoặc được cơ quan sáng chế công bố, trừ khi việc công bố này do sai sót hoặc trừ khi đơn được người thứ ba có được thông tin trực tiếp hay gián tiếp từ tác giả sáng chế nộp nhưng không được sự đồng ý của tác giả sáng chế hoặc người thừa kế của họ. Để rõ ràng hơn, một Bên có thể hạn chế việc áp dụng Điều này cho việc bộc lộ do, hoặc có được một cách trực tiếp hay gián tiếp từ, tác giả sáng chế hoặc đồng tác giả sáng chế. Để rõ ràng hơn, một Bên có thể quy định rằng, với mục đích của Điều này, thông tin có được một cách trực tiếp hay gián tiếp từ người nộp đơn sáng chế có thể là thông tin được bộc lộ cho công chúng dưới sự cho phép bởi, hoặc xuất phát từ, người nộp đơn sáng chế”.
Có thể thấy rằng, kể từ ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực, quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật SHTT về các trường hợp sáng chế không bị coi là mất tính mới được áp dụng như sau:
-   Sáng chế được bộc lộ công khai bởi người có quyền đăng ký sáng chế hoặc người có được thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp từ người có quyền đăng ký sáng chế (bất kể cách có được thông tin này là có sự đồng ý hay không của người có quyền đăng ký sáng chế); và
-   Việc bộc lộ công khai trong trường hợp nêu trên xảy ra trong thời hạn không quá 12 tháng trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế tại Cục SHTT (không tính ngày ưu tiên).
-   Thông tin bộc lộ công khai trong trường hợp nêu trên không được lấy làm tài liệu đối chứng để xác định tính mới hoặc trình độ sáng tạo của sáng chế liên quan.
Liên quan đến thời hạn bảo hộ sáng chế, Hiệp định mở ra thêm một khả năng thời hạn sáng chế được cấp có thể được xem xét kéo dài vì một số lý do cụ thể nào đó. Điều 18.46 trong Hiệp định bắt buộc các Bên phải điều chỉnh thời hạn bảo hộ sáng chế do sự chậm trễ của cơ quan cấp bằng sáng chế như sau trong khoản 3: “Nếu có sự chậm trễ bất hợp lý trong việc cấp bằng sáng chế của một Bên, Bên đó phải quy định các biện pháp để, và theo đề nghị của chủ sở hữu bằng sáng chế phải, điều chỉnh thời hạn bằng sáng chế nhằm bù đắp cho những chậm trễ như vậy” và khoản 4: “..., sự chậm trễ bất hợp lý ít nhất phải bao gồm sự chậm trễ trong việc cấp bằng sáng chế kéo dài hơn năm (05) năm kể từ ngày nộp đơn trong lãnh thổ của Bên đó, hoặc ba (03) năm sau khi có đề nghị thẩm định đơn, tùy thời điểm nào muộn hơn. Một Bên, trong việc xác định sự chậm trễ, có thể loại trừ những khoảng thời gian không xảy ra trong quy trình xử lý hoặc thẩm định đơn sáng chế của cơ quan cấp bằng sáng chế; khoảng thời gian không trực tiếp do cơ quan cấp bằng sáng chế; cũng như những khoảng thời gian do người nộp đơn”. Chú thích thứ 38 giải thích tiếp: “Một Bên có thể coi “sự chậm trễ không trực tiếp do cơ quan cấp bằng sáng chế” là sự chậm trễ nằm ngoài chủ định hoặc phạm vi kiểm soát của cơ quan cấp bằng sáng chế.”
Tiếp tục nhấn mạnh về việc điều chỉnh thời hạn bảo hộ sáng chế đối với dược phẩm do bị rút ngắn bất hợp lý, Điều 18.48, khoản 2 quy định: “Đối với dược phẩm (hay dược chất theo Chú thích thứ 45) là đối tượng của một sáng chế, mỗi Bên phải có các quy định điều chỉnh thời hạn bảo hộ sáng chế để bù đắp cho chủ sở hữu sáng chế vì sự rút ngắn bất hợp lýthời hạn bảo hộ hiệu quả của sáng chế do quá trình nộp đơn cấp phép lưu hành”. Tóm lại, vì sự chậm trễ của cơ quan sáng chế hoặc sự rút ngắn bất hợp lý bảo hộ sáng chế dược phẩm thì các quốc gia thành viên cần phải đền bù. Điều này thực sự là một thách thức đối với chúng ta khi sự quá tải đang là gánh nặng phải giải quyết. 
3. Tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế trong EVFTA
Giống với CPTPP, EVFTA cũng không định nghĩa sáng chế. Tuy nhiên, khác với CPTPP, Hiệp định EVFTA không quy định về điều kiện cấp bằng sáng chế cụ thể. Do vậy, có thể thấy rằng, quy định của EVFTA không yêu cầu có sự khác biệt nào trong điều kiện cấp bằng sáng chế so với quy định hiện hành của Việt Nam.
Liên quan đến việc quy định điều chỉnh thời hạn bảo hộ sáng chế, Hiệp định EVFTA cũng tạo thêm sức ép cho Việt Nam trong việc đưa ra quy định bồi thường, thậm chí có phần còn cụ thể hơn CPTPP, về thời gian làm chậm trễ cấp bằng sáng chế, nhất là sáng chế dược phẩm, vì những lý do hành chính. Cụ thể, Điều 8.3, khoản 1 và khoản 2 quy định: “...Các Bên quy định một cơ chế thích hợp và hiệu quả để bồi thường cho chủ bằng sáng chế nhằm giảm thời hạn bằng sáng chế có do sự chậm trễ bất hợp lý trong việc cấp giấy phép tiếp thị đầu tiên trong lãnh thổ tương ứng. Đền bù này có thể được thực hiện dưới hình thức gia hạn thời gian của các quyền được trao bởi việc bảo vệ bằng sáng chế, bằng với khoản thời gian mà thời gian đề cập trong chú thích 15 bị vượt quá. Thời gian gia hạn tối đa không được vượt quá hai (02) năm. Ngoài khoản 1 của Điều này, mỗi Bên có thể thực hiện gia hạn không quá năm (05) năm thời hạn của các quyền có được nhờ bảo vệ bằng sáng chế để bồi thường cho chủ bằng sáng chế cho việc giảm thời hạn của bằng sáng chế có hiệu quả như kết quả thủ tục cấp phép tiếp thị. Thời gian gia hạn có hiệu lực từ cuối thời hạn hợp pháp của bằng sáng chế với một khoảng thời gian bằng thời gian trôi qua giữa ngày nhận được đơn xin cấp bằng sáng chế đã được nộp và ngày ủy quyền tiếp thị đầu tiên để đưa sản phẩm vào thị trường các bên, được rút ngắn một khoản thời gian là năm (05) năm”. Hơn nữa, Chú thích thứ 16 giải thích thêm: “Thời gian năm (05) năm nói trên có thể được kéo dài thêm sáu (06) tháng trong trường hợp dược phẩm phục vụ cho việc nghiên cứu nhi khoa đó đang được tiến hành và các kết quả của những nghiên cứu này được thể hiện trong thông tin sản phẩm.”. Rõ ràng là việc điều chỉnh luật để tăng thời hạn bảo hộ cho sáng chế bị trễ vì lý do hành chính sẽ tạo nhiều áp lực hơn, nhất là cho cơ quan quản lý quyền. Việc chậm trễ trong việc thẩm định nội dung sáng chế hiện nay do nhiều lý do nhưng phần lớn là vì chúng ta thiếu thẩm định viên trong điều kiện số lượng sáng chế nộp đơn ngày càng lớn. Việc bổ sung nhân lực thẩm định viên đã được đề cập nhưng cơ chế, ngân sách cho việc bổ sung nhân lực và hệ thống đào tạo liên tục thẩm định viên là vấn đề cần phải quan tâm hơn nữa, ít nhiều cũng tạo áp lực cho chúng ta.
Có thể thấy rằng, chúng ta cần phải đưa các quy định mới, cụ thể cho việc điều chỉnh thời hạn bảo hộ sáng chế, bù đắp vì các lý do hành chính, liên quan đến sáng chế dược phẩm. Thứ hai, chúng ta cần đưa các quy định nhằm cân bằng lợi ích các bên trong việc bảo hộ sáng chế. Do vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của chúng ta có thể đề xuất việc sửa đổi Điều 93 Luật SHTT để đưa vào quy định bù đắp thời gian theo cách thức và điều kiện như đã cam kết trong Hiệp định./.
 

 


[1] Điều khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ.
[2] Theo tài liệu Hướng dẫn Đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, Cục Sở hữu trí tuệ, 2004, tr.1.
[3] Theo Điều 86 Luật SHTT liên quan đến Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí: 1) Tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí: a) Tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình; b) Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định tại khoản 2 Điều này. 2) Chính phủ quy định quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách Nhà nước.
[4] Xem Japan Patent Office, Bảo hộ sáng chế, Cẩm nang dành cho doanh nhân (Patent protection, Handbook for business persons), Asia-Pacific Industrial Property Center, Japan Institute of Invention and Innovation và Cục Sở hữu công nghiệp Việt Nam, Hà Nội, 2002, tr.19 – 20.
[5] Theo Điều 61 Luật SHTT.
[6] Japan Patent Office, Bảo hộ sáng chế, Cẩm nang dành cho doanh nhân (Patent protection, Handbook for business persons), sđd, tr.19.
[7] Japan Patent Office, Sách giáo khoa chuẩn về quyền sở hữu công nghiệp – Yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế (Patent) tại Nhật Bản, Japan Patent Office và Cục Sở hữu công nghiệp Việt Nam, Hà Nội, 2001, tr.40.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 04 (452), tháng 02/2022.)


Ý kiến bạn đọc