Pháp luật dân số một số quốc gia và các gợi mở cho Việt Nam tham khảo

01/10/2016

ThS. NGUYỄN THÚY HÀ

Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học lập pháp, Viện Nghiên cứu Lập pháp.

Ngày nay, các vấn đề dân số - đặc biệt là xu hướng giảm sinh và già hóa dân số - là những vấn đề cơ bản mà nhiều quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Và một trong những giải pháp mà các quốc gia đưa ra là xây dựng và thực thi pháp luật về dân số. Pháp luật dân số là sự thể chế hóa những nội dung cơ bản của chính sách dân số quốc gia. Theo nhận định của các chuyên gia[1], trên thế giới có ba khuynh hướng xây dựng Luật về Dân số:
- Khuynh hướng thứ nhất: Luật Dân số tập trung quy định về các vấn đề cụ thể và chuyên biệt. Điển hình là Luật Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) của Trung Quốc tập trung vào vấn đề KHHGĐ. Luật Dân số của Mêhicô tập trung vào vấn đề di cư. Một số nước còn xây dựng luật rất cụ thể, như Luật Đình sản, Luật Phá thai…
- Khuynh hướng thứ hai: Xây dựng các “luật ống”, luật khung nhằm quy định các vấn đề cơ bản. Ví dụ như Luật Phát triển dân số và Gia đình hạnh phúc của Inđônêsia.
- Khuynh hướng thứ ba: Không ban hành Luật Dân số riêng biệt, mà các quy định pháp luật dân số được quy định tản mạn trong các đạo luật khác.
Untitled_37.png
 
1. Pháp luật nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
Bối cảnh ban hành luật
Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới. Những năm 1960, dân số quốc gia này tăng trưởng nhanh chóng, đẩy áp lực dân số lên cao. Đầu những năm 1970, dưới tác động của cuộc Cách mạng Văn hóa, Trung Quốc ban hành chính sách hai con, kêu gọi việc kết hôn và sinh con muộn hơn, khuyến khích khoảng cách giữa các lần sinh là bốn năm. Năm 1978, lãnh đạo Trung Quốc đề ra mục tiêu: trước năm 2000, dân số Trung Quốc không được vượt quá con số 1,2 tỷ. Bởi vậy, năm 1979, chính sách một con được đưa vào áp dụng. Năm 1982, chính sách một con được quy định trong Hiến pháp. Năm 1984, Trung Quốc ban hành chính sách cho phép các cặp vợ chồng ở nông thôn sinh con thứ hai nếu con thứ nhất là con gái, các cặp vợ chồng dân tộc thiểu số được phép sinh từ 3-4 con. Đến năm 1997, cho phép các cặp vợ chồng sống ở thành thị, có thể có hai con nếu cả hai vợ chồng đều là con một. Năm 2000, quy định về việc sinh con thứ hai tiếp tục được nới lỏng. Các điều kiện phổ biến bao gồm: vợ chồng đều là con một, vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số, vợ chồng trở về từ nước ngoài, các cặp vợ chồng có con đầu bị khuyết tật.
Từ năm 2002, các cặp vợ chồng muốn có nhiều con phải chịu đóng một khoản tiền phạt cố định. Đồng thời, công dân vi phạm còn phải trả thêm một khoản gọi là "phí bảo trì xã hội". Khoản phí này do các tỉnh, khu tự trị và thành phố quy định, căn cứ trên thu nhập bình quân đầu người của cư dân đô thị và nông thôn của địa phương.
Những năm gần đây, kết cấu dân số của Trung Quốc xuất hiện đặc trưng dân số già hoá và ít con. Nguyện vọng sinh của những người trong độ tuổi giảm rõ rệt, sinh con ít, chất lượng cao đã trở thành dòng chính trong quan niệm sinh của xã hội. Bên cạnh đó, xu thế già hoá dân số gia tăng rõ rệt, tỷ trọng người cao tuổi cao hơn mức trung bình của thế giới, dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm. Số liệu thống kê cho thấy, dân số Trung Quốc hiện nay hơn 1,3 tỷ người, khoảng 30% ở tuổi trên 50. Đây là những thách thức cho phát triển dân số và an ninh dân số quốc gia.
Luật Dân số và KHHGĐ
Luật Dân số và KHHGĐ nước CHND Trung Hoa[2] được ban hành ngày 29/12/2001, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2002. 
Điều 1 quy định việc ban hành luật phù hợp với Hiến pháp, nhằm tạo ra sự phát triển hài hoà cân đối giữa dân số với kinh tế - xã hội, các nguồn tài nguyên và môi trường, thúc đẩy KHHGĐ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tăng cường hạnh phúc gia đình, góp phần vào sự thịnh vượng của đất nước và tiến bộ xã hội.
Luật quy định trách nhiệm của Hội đồng Nhà nước trung ương, của cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng quản lý nhà nước, của chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương và trách nhiệm của Tổng Liên đoàn lao động, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội KHHGĐ, các cơ quan doanh nghiệp và cá nhân. Luật Dân số và KHHGĐ nước CHND Trung Hoa bao gồm các chương:
Chương 1 quy định các điều khoản chung,
Chương 2 quy định việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch phát triển dân số,
Chương 3 quy định về sinh sản, 
Chương 4 quy định chính sách khuyến khích và an sinh xã hội,
Chương 5 quy định về dịch vụ KHHGĐ,
Chương 6 quy định trách nhiệm pháp lý,
Chương 7 quy định các điều khoản bổ sung.
Luật Dân số và KHHGĐ sửa đổi
Sau 14 năm thi hành, Luật Dân số và KHHGĐ nước CHND Trung Hoa sửa đổi(Luật sửa đổi năm 2015) được ban hành ngày 27/12/2015, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Việc sửa đổi luật nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển cân bằng dân số quốc gia. Cụ thể là nhằm cân bằng giới tính, kiên trì quốc sách căn bản về KHHGĐ, cải thiện chiến lược về phát triển dân số trong ứng phó với vấn đề dân số già. 
Điều 18 của Luật sửa đổi năm 2015 quy định, cho phép mỗi cặp vợ chồng có hai con và có thể nhiều hơn hai con nếu thỏa mãn các quy định của luật và văn bản dưới luật. Luật cũng trao quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành đối với các trường hợp sinh nhiều hơn hai con. Trong trường hợp hai vợ chồng đến từ các địa phương khác nhau, bị điều chỉnh bởi quy định của các địa phương khác nhau, thì họ được lựa chọn việc áp dụng theo quy định nào.
Ngoài ra, Luật sửa đổi năm 2015 tại Điều 18 đã dỡ bỏ quy định khuyến khích các cặp đôi kết hôn muộn và sinh con muộn. Những người này được nghỉ phép và nghỉ đẻ nhiều ngày hơn hoặc được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của Điều 25 Luật cũ. Tuy nhiên, Điều 25 mới quy định rằng, tất cả các cặp vợ chồng sinh con tuân thủ pháp luật cũng có thể được nghỉ phép nhiều hơn hoặc được hưởng những quyền lợi khác.
Thông qua việc sửa đổi đạo luật này, Trung Quốc chính thức chấm dứt chính sách một con được áp dụng trong suốt 44 năm qua. Ngoài lý do về sự mất cân bằng giới tính, thì lý do quan trọng nhất của sự hủy bỏ chính sách một con là tình trạng già nua của dân Trung Quốc. Từ đây, sự phát triển dân số của Trung Quốc xuất hiện sự thay đổi mang tính bước ngoặt[3].
2. Pháp luật Hàn Quốc
Bối cảnh
Theo Báo cáo Số liệu dân số thế giới năm 2014 của Văn phòng Tham chiếu Dân số Hoa Kỳ, dân số Hàn Quốc hiện là 50,4 triệu người. Số con trung bình trên một phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay chỉ có 1,2 con, thuộc hàng thấp nhất thế giới (năm 2014, trên thế giới có Đài Loan, Hồng Kông, Andorra có số con trung bình/phụ nữ độ tuổi 15 - 49 là 1,1 con). Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra lời cảnh báo làm chấn động người dân là: “Vào năm 2750, người Hàn Quốc sẽ biến mất khỏi thế giới”. Nguyên nhân cũng chỉ bởi mức sinh quá thấp.
Sau đại chiến thế giới lần thứ hai và đặc biệt là sau cuộc chiến tranh Nam - Bắc Triều Tiên (1950-1953), mức sinh và mức chết của Hàn Quốc rất cao. Năm 1960, trung bình mỗi phụ nữ độ tuổi sinh đẻ có 6,0 con, tốc độ gia tăng dân số vào khoảng 3%/năm. Năm 1962, Chính phủ Hàn Quốc chính thức bắt đầu chương trình dân số - KHHGĐ của mình với mục tiêu phát triển kinh tế và giảm mức sinh. Sau 21 năm (năm 1983), Hàn Quốc đạt mức sinh thay thế với trung bình 2,1 con/phụ nữ.
Tuy nhiên, ngay sau khi đạt mức sinh thay thế, mức sinh của Hàn Quốc đã suy giảm đến chóng mặt. Hàn Quốc đã thay đổi chính sách dân số, bắt đầu rút lui dần khỏi chương trình KHHGĐ vào cuối thập niên 80. Ngay trong thập kỷ 80, mức sinh của Hàn Quốc giảm xuống còn khoảng 1,8 - 1,6 con. Thập kỷ 90 còn 1,6 - 1,4 con và những năm 2000 xuống dưới mức 1,4 con. Năm 2001, mức sinh của Hàn Quốc cán mốc 1,3 con, mức sinh mà các nhà nhân khẩu học châu Âu cho là mức thấp nhất (từ 1,3 con trở xuống). Năm 2005 xuống còn có 1,08 con và đến nay là 1,2 con. Chính phủ Hàn Quốc đã phải đưa ra một loạt chính sách nhằm cứu vãn mức sinh tăng trở lại.
Các đạo luật liên quan
Tháng 5/2005, Hàn Quốc đã ban hànhLuật Cơ bản về tỷ lệ sinh thấp và xã hội già hóa. Luật quy định về các chính sách và chương trình khuyến khích sinh đẻ, đồng thời chuẩn bị cho một xã hội già hóa.
Chính sách khuyến sinh là một trong những nội dung cơ bản của đạo luật này. Để đối phó với mức sinh thấp, chính sách dân số của Hàn Quốc hiện nay tập trung vào cải thiện hệ thống nhằm giảm thiểu các vấn đề kinh tế - xã hội và văn hoá phù hợp với sự thay đổi của cơ cấu dân số cũng như sự gia tăng dân số cao tuổi, nhằm phục hồi mức sinh. Do vậy, chính sách này kỳ vọng làm chậm lại sự suy giảm dân số và duy trì một cơ cấu dân số để phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Mục tiêu của chính sách này là nâng mức sinh lên 1,6 con/phụ nữ vào những năm đầu 2020.
Đồng thời, để làm suy yếu tư tưởng trọng nam khinh nữ trong xã hội, nhiều điều khoản phân biệt đối xử về giới trong các đạo luật quy định bảo hiểm, y tế và luật gia đình đã được xoá bỏ.
Đối với vấn đề nạo phá thai, theo Điều 269 và Điều 270 Bộ luật Hình sự Hàn Quốc, phá thai là phạm pháp. Còn Luật Sức khoẻ Bà mẹ và Trẻ em 1973, được sửa đổi ngày 30/6/2009 đã gắn liền khái niệm “chất lượng dân số” với chính sách dân số. Thắt chặt điều kiện phá thai, đạo luật này đã quy định chặt chẽ những điều kiện phá thai. Theo đó, việc phá thai chỉ được phép khi một người phụ nữ mang thai do bị hãm hiếp hoặc do loạn luân; những cha mẹ mắc bệnh di truyền hoặc truyền nhiễm; hoặc khi một người phụ nữ có thể chết vì mang thai. 
Bên cạnh đó, chỉ có những bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đứa trẻ như bệnh rubella hoặc chứng loạn sản sụn mới được phép phá thai. Pháp luật Hàn Quốc quy định, những phụ nữ mang thai được chẩn đoán mắc bệnh thủy đậu, viêm gan hay HIV sẽ không được phép phá thai. Nhờ công nghệ trong y học ngày càng tiến bộ, nhiều bệnh trước đây không chữa được giờ đây có thể chữa được hoặc ít nhất là có thể kiểm soát được ở một mức độ nhất định. Bởi vậy, việc phá thai vì những lý do sức khỏe như vậy sẽ không được chấp nhận. Việc sửa đổi luật đã đề cao quyền con người và phản ánh những gì y học hiện đại đạt được trong việc chăm sóc bà mẹ và trẻ em.
3. Pháp luật Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là quốc gia có xấp xỉ 317 triệu dân, là nước đông dân thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Quyền sinh sản và sức khỏe sinh sản luôn là một trong những chủ đề tranh luận sôi nổi trong xã hội và cả trong các chương trình nghị sự của Nghị viện Hoa Kỳ[4].
Pháp luật về nạo phá thai
Từ năm 1973, nạo phá thai được coi là hợp pháp sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết cho phép việc này. Trong vụ Roe kiện Wade (1973), Tòa án Tối cao đã phán quyết rằng một phụ nữ có quyền tuyệt đối trong việc nạo phá thai trong ba tháng đầu tiên mang thai; rằng các bang có thể điều tiết các thủ tục nạo phá thai trong thời kỳ ba tháng mang thai tiếp theo để bảo đảm sức khỏe cho người mẹ; và rằng, trong ba tháng thai nghén cuối cùng, bang có thể quy định hạn chế hoặc cấm việc nạo phá thai, trừ phi tính mạng hoặc sức khỏe của người mẹ bị đe dọa.
Phản ứng đối với chính sách nạo phá thai của Tòa án Tối cao trở nên gay gắt giữa một bên ủng hộ quyền sinh sản của phụ nữ - quyền nạo phá thai và một bên ủng hộ “quyền được sống” của thai nhi. Tuy nhiên, phe ủng hộ “quyền được sống” cũng phải thừa nhận rằng: phá thai là một việc không mong muốn, ngay cả đối với những người lựa chọn làm việc này. Chỉ có Tòa án này hoặc tu chính án Hiến pháp mới có thể xóa phán quyết về việc này và cấm việc nạo phá thai[5].
Có rất nhiều đạo luật liên quan đến vấn đề nạo phá thai. Phần lớn các đạo luật này đều ở cấp bang. Tuy nhiên, việc phá thai đã được các nhà làm luật quy định khá nghiêm ngặt, chặt chẽ. Các nhà làm luật đã đề ra nhiều biện pháp để giới hạn quyền được phá thai như việc phá thai phải được chuyên gia tư vấn, chỉ được thực hiện phá thai theo yêu cầu với thai ở một độ tuổi nhất định,… Tùy từng bang mà các biện pháp này được quy định khác nhau. Số liệu thống kê cho thấy, có đến 43 trên tổng số 50 bang nghiêm cấm phá thai, trừ khi điều đó là cần thiết để đảm bảo sức khỏe và tính mạng của thai phụ.
Nạo phá thai chỉ được thực hiện trong mức tuổi thai cho phép của từng bang. Chỉ tính riêng trong năm 2013, 22 bang của Hoa Kỳ đã ban hành 70 đạo luật hạn chế nạo phá thai. Các đạo luật hạn chế nạo phá thai gồm 04 loại sau đây:
-          Hạn chế nhằm vào các nhà cung cấp dịch vụ phá thai (TRAP);
-          Giới hạn phạm vi bảo hiểm phá thai;
-          Cấm phá thai ở 20 tuần tuổi, và
-          Hạn chế dùng thuốc phá thai.
Các bang đã ban hành 93 biện pháp cho 4 nhóm trên.
Các bang cũng thông qua một loạt các hạn chế phá thai khác, bao gồm sự tham gia của phụ huynh, sự tài trợ công cho phá thai, thời gian chờ đợi, tư vấn và siêu âm.
Pháp luật về tiếp cận các dịch vụ sinh sản
Trái hẳn với rào cản hạn chế phá thai, một số ít các bang đã thông qua các biện pháp mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản. Đáng chú ý nhất, bang California đã ban hành đạo luật mới cấp bang đầu tiên nhằm mở rộng tiếp cận phá thai; năm bang khác thông qua các biện pháp mở rộng tiếp cận giáo dục giới tính toàn diện, tạo điều kiện tiếp cận các biện pháp tránh thai khẩn cấp cho những phụ nữ bị tấn công tình dục.
4. Những gợi mở cho Việt Nam tham khảo
Như vậy, tình trạng suy giảm dân số và già hóa dân số đang là xu thế của nhiều quốc gia trên thế giới. Để đối phó với tình trạng này, các nước đã ban hành và sửa đổi các đạo luật của mình, dỡ bỏ các quy định hạn chế sinh, ngăn chặn sự giảm sút tỷ lệ sinh và khuyến khích sinh con.
Pháp luật dân số của các quốc gia tôn trọng quyền tự do lựa chọn kết hôn hay không kết hôn, có con hay không có con. Họ đều trải qua tình trạng tỷ suất sinh thấp kéo dài như Đức, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và phải gánh chịu ba hậu quả: lực lượng lao động liên tục giảm làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, tiềm năng sáng tạo của quốc gia và tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế và sớm hay muộn việc dân số cũng sẽ giảm; quỹ hưu trí quốc gia trở nên mỏng manh hơn và đối mặt với nguy cơ vỡ quỹ; tỷ suất sinh có khả năng không quay lại được tỷ suất sinh thay thế trong vòng 40 - 80 năm tới.
Hiện nay, với dân số hơn 95 triệu, Việt Nam là quốc gia có dân số đứng thứ 14 trên thế giới và đông dân thứ 8 ở châu Á. Việt Nam đang trải qua những biến đổi nhân khẩu học một cách đáng kể[6]. Số liệu thống kê cho thấy, mức sinh đã liên tục giảm và đạt mức dưới mức sinh thay thế từ năm 2005. Điều này đòi hỏi pháp luật dân số Việt Nam cần phải có cách tiếp cận mới về chính sách dân số, không chỉ dừng lại ở KHHGĐ hoặc các khía cạnh y tế. Việc xây dựng Luật Dân số đang được tiến hành.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng Luật Dân số. Việc xây dựng luật cần dựa trên cơ sở tôn trọng, bảo vệ quyền sinh sản và quyền tự do lựa chọn về sinh sản. Điều này có nghĩa là mỗi cá nhân và từng cặp vợ chồng có quyền quyết định tự do và có trách nhiệm về số con và họ phải có đủ thông tin và phương tiện để thực hiện quyền này. Điều này hoàn toàn phù hợp với Chương trình Hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển và các Công ước về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.
Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, chính sách giảm mức sinh hay pháp luật về kiểm soát dân số trong giai đoạn hiện nay sẽ có tác động ngược lại tới sự phát triển kinh tế- xã hội của quốc gia. Đã đến lúc pháp luật dân số cần phải chuyển trọng tâm của chính sách dân số từ kiểm soát sinh sang việc lồng ghép các biến số dân số vào quá trình lập kế hoạch phát triển.
Cho dù là các nước phát triển, khi mức sống càng tăng lên thì tỷ suất sinh lại rất thấp, thực chất do các bất lợi đè nặng lên những người kết hôn và có con như nguy cơ mất việc sau khi sinh, chi phí tại nhà trường cao và bất tiện, các khó khăn về nhà ở, lo ngại về việc có con sẽ làm giảm thu nhập... Bởi vậy, những quy định của pháp luật dân số chỉ có thể phát huy tác dụng nếu như có sự đồng bộ với các đạo luật khác, như: Luật Bảo hiểm y tế, Luật Hưu trí, Luật Phúc lợi xã hội,...
Các biện pháp nhằm giữ tỷ suất sinh ở mức tỷ suất sinh thay thế thực ra khác hoàn toàn với các biện pháp làm giảm tỷ suất sinh, áp dụng các biện pháp tránh thai. Hiện nay, việc giảm tỷ suất sinh như áp dụng các biện pháp y tế trong KHHGĐ, các biện pháp xã hội như đảm bảo giữ được công việc sau sinh, các cơ hội nghề nghiệp, nhà ở giá thấp, nhà trẻ, trường học tốt, các biện pháp khuyến khích về thuế thu nhập… đòi hỏi phải được tăng cường.
Về vấn đề nạo phá thai, các quy định của Dự thảo Luật Dân số nước ta đang được xây dựng theo xu thế chung của quốc tế. Tuy nhiên, vẫn cần rà soát kỹ để các quy định thực sự chặt chẽ, hiệu quả và khả thi./.
 
 
 
 
[1] Phát biểu của GS.TS Nguyễn Đình Cử tại Hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về dân số” do Viện Nghiên cứu Lập pháp tổ chức tại Hà Nội, ngày 28/6/2016.
 
[2] Luật Dân số và KHHGĐ nước CHND Trung Hoa (Bản tiếng Anh, Population and Family Planning Law of the People’s Republic of China, China Population Publishing House, 2002)
[3] Theo các chuyên gia, việc quy định chính sách hai con được hoan nghênh, nhưng cũng sẽ không có sự bùng nổ về mức sinh của Trung Quốc. Vì theo số liệu thống kê, trong số 90 triệu cặp vợ chồng Trung Quốc có thể sinh con thứ hai, thì có đến phân nửa là đang ở độ tuổi trên 40. Ngân hàng Thế giới dự báo rằng lực lượng lao động tại Trung Quốc sẽ giảm 10%, tương đương với 90 triệu người, trong vòng 25 năm tới. Ngoài ra, tổng dân số của nước này dự kiến sẽ bắt đầu giảm xuống vào năm 2030. Như vậy, việc thiếu nhân lực kèm với thị trường tiêu dùng thu nhỏ lại chắc chắn sẽ tạo sức ép cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
 
[4] Quỳnh Hoa, Nhiều bang tại Hoa Kỳ hạn chế nạo phá thai trong giai đoạn 2011-2013 so với thập kỷ trước, Tạp chí Dân số và Phát triển, số 11/2015 (175).
[5] Năm 1980, Tòa án Tối cao đã phán quyết rằng sự ngăn cản nạo phá thai là không hợp hiến, với tỷ lệ 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống.
[6] Trích phát biểu của bà Ritsu Nacken, Quyền Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Hội nghị Đối thoại chính sách - Mặt trận Tổ quốc với Dân số và phát triển bền vững ở Việt Nam, ngày 17/6/2015 tại TP. Hồ Chí Minh.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 19(323)-tháng 10/2016)


Thống kê truy cập

32983820

Tổng truy cập