Vài nét về giải thích hiến pháp ở Hoa Kỳ

01/09/2016

TS. NGUYỄN VĂN CƯƠNG

Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp)

Hiến pháp Hoa Kỳ là một trong những Hiến pháp kinh điển của thế giới. Điều khá thú vị là, kể từ khi được soạn vào năm 1787 (được phê chuẩn vào năm 1788 và chính thức có hiệu lực từ năm 1789), cho tới nay, bản Hiến pháp này mới được tu chính 27 lần[1] (trong đó có 10 tu chính án đầu tiên về các quyền tự do cơ bản của công dân Hoa Kỳ được đề xuất vào cùng 1 ngày là 25/9/1789)[2]. Hiến pháp Hoa Kỳ thực hiện chức năng cơ bản của Hiến pháp là đặt ra giới hạn quyền lực nhà nước cho các thiết chế hiến định (Quốc hội, Tổng thống và Tòa tối cao), cơ chế phân quyền giữa các thiết chế này, đồng thời ghi nhận những quyền con người, quyền công dân cơ bản ở Hoa Kỳ. Hiến pháp cũng đưa ra những giới hạn mà nhà nước có thể thực thi quyền lực trong khi vẫn tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân cơ bản. Qua chặng đường gần 230 năm, với những bước ngoặt của lịch sử như cuộc nội chiến 1861-1865, chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), cuộc khủng hoảng 1929-1932 dẫn tới việc chuyển đổi từ mô hình nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh chuyển sang nền kinh tế thị trường hỗn hợp có sự can thiệp trực tiếp, nhiều mặt của nhà nước, chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) và nhiều sự kiện quan trọng khác, cũng có một số lần bản Hiến pháp buộc phải có sự tu chính. Tuy nhiên, có thể nói, số lần và lượng nội dung bị sửa đổi là khá khiêm tốn. Điều này bảo đảm cho tính ổn định của Hiến pháp. Hiến pháp Hoa Kỳ có lẽ là một trong những bản Hiến pháp hiện đại ít bị sửa đổi một cách căn bản nhất. Một trong những lý do làm cho bản Hiến pháp ít bị sửa đổi, trước hết, có lẽ là do chất lượng của bản Hiến pháp, nhưng còn một lý do quan trọng khác chính là: bằng việc sử dụng ngôn từ có tính khái quát cao, thông qua việc giải thích Hiến pháp, ngữ nghĩa của Hiến pháp đã được phát triển, thậm chí bổ sung để tương hợp với hoàn cảnh thực tế. Vì sự khó khăn trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, trong khi dòng chảy của cuộc sống và lịch sử không bao giờ dừng lại, xã hội Hoa Kỳ đã tìm ra một cách xử lý “rất sáng tạo trong việc giải thích Hiến pháp”. Như đã biết, thiên chức của Hiến pháp Hoa Kỳ là để ràng buộc hành vi, nhất là ràng buộc hành vi của hành pháp và lập pháp. Nhưng làm sao để sự ràng buộc ấy không trở thành sự “trói tay” đối với hành pháp và lập pháp khi phải xử lý những vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống? Thông qua hoạt động giải thích Hiến pháp, linh hồn của Hiến pháp sẽ được “gia cố” và “làm phong phú thêm”.
Untitled_51.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Thực tiễn giải thích Hiến pháp
Có lẽ, hầu như vụ việc nào, khi tòa án ở Hoa Kỳ phải đặt vấn đề xem xét tính hợp hiến của một hành vi công quyền nhất định thì vấn đề tranh luận về cách hiểu quy định của Hiến pháp thế nào cho đúng khi áp dụng vào từng tranh chấp cụ thể, cũng được đặt ra.
Ngay trong án lệ hiến pháp đầu tiên của Tòa Tối cao Hoa Kỳ (án lệ Marbury v. Madison, 5. U.S. 137 năm 1803), vấn đề giải thích Hiến pháp cũng đã được đặt ra. Đây là án lệ đầu tiên trong đó xác quyết một cách minh thị Tòa Tối cao (và các tòa cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm) có quyền xem xét tính hợp hiến của một đạo luật do Quốc hội ban hành. Mặc dù trong lời văn của Hiến pháp không có ngôn từ nào quy định rõ Tòa Tối cao (hoặc các tòa án khác ở Hoa Kỳ) có thẩm quyền này.
Hầu như lĩnh vực nào của cuộc sống mà Hiến pháp chạm tới, các án lệ nổi tiếng cũng là những án lệ liên quan tới giải thích Hiến pháp. Ví dụ, án lệ Brown v. Board of Education of Topeka (Ủy ban giáo dục Topeka) (1954), Tòa Tối cao dựa vào yêu cầu “đối xử bình đẳng trước pháp luật” của Tu chính án số 14[3], đã phán quyết rằng, các đạo luật của các bang cho phép phân tách học sinh da màu và học sinh da trắng là các đạo luật vi hiến[4], các trường học công phải bắt đầu một cách nhanh chóng và phù hợp để thực hiện việc xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc. Án lệ Gideon v. Wainwright (1963) đã mở đường cho chế định trợ giúp pháp lý ở Hoa Kỳ phát triển. Trong án lệ này, Tòa Tối cao phán quyết rằng, theo tinh thần của Tu chính án số 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ[5], các bang phải cung cấp luật sư cho các bị cáo không có điều kiện thuê luật sư trong các phiên tòa xét xử những tội danh nghiêm trọng.
Trong lĩnh vực kinh tế, án lệ về Hiến pháp ở Hoa Kỳ cũng đã từng phải đối mặt với việc giải thích quy định của Hiến pháp. Chẳng hạn, khoản 10 Điều 1 Hiến pháp Hoa Kỳ có quy định như sau: “[chính quyền] các bang không được ban hành các quy định của pháp luật để can thiệp vào nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng”[6]. Trong bối cảnh pháp luật điều chỉnh các quan hệ hợp đồng thường thuộc về thẩm quyền điều tiết của cấp bang, quy định kể trên đã từng được giải nghĩa theo hướng đây là quy định buộc nhà nước không được can thiệp một cách bất hợp lý vào quyền tự do hợp đồng của người dân. Cách giải thích này khá thịnh hành trong thế kỷ 19 cũng như những năm đầu thế kỷ 20, trước cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 1929-1932. Trong giai đoạn này, Tòa Tối cao Hoa Kỳ đã từng tuyên hàng loạt đạo luật của các bang quy định các vấn đề về tiền lương tối thiểu, thời gian làm việc tối đa của công nhân, v.v.. là vi hiến. Vụ Lochner v. New York năm 1905 là một ví dụ kinh điển. Vụ việc này xuất phát từ thực tế chính quyền bang New York ban hành một đạo luật có quy định rằng, người làm công trong “các xưởng làm bánh quy bơ, bánh mì, bánh ngọt hoặc các loại kẹo không được làm việc quá 60 giờ một tuần và trong mỗi ngày không được làm việc quá 10 giờ”. Quy định này sau đó bị kiện lên Tòa Tối cao và Tòa Tối cao đã ra phán quyết rằng, quy định đó vi hiến vì vi phạm quyền tự do hợp đồng của công dân mà không có lý do chính đáng (tức là vi phạm khoản 10 Điều 1 Hiến pháp Hoa Kỳ). Theo quan điểm của Tòa Tối cao Hoa Kỳ tại thời điểm đó, chính quyền chỉ có thể can thiệp vào quyền tự do hợp đồng của người dân nếu việc can thiệp đó có mục đích rõ ràng là để bảo vệ lợi ích công cộng như an toàn công cộng, sức khỏe, đạo đức xã hội hoặc phúc lợi chung của công cộng. Tuy nhiên, sau cuộc đại khủng hoảng 1929-1932, với việc mở rộng sự hiện diện của chính quyền vào nền kinh tế, quan điểm của Tòa Tối cao cũng bắt đầu thay đổi. Từng bước, các đạo luật quy định về tiền lương tối thiểu, các đạo luật về an toàn lao động, các đạo luật bảo vệ người tiêu dùng được coi là các đạo luật hợp hiến mặc dù các đạo luật này thường có yếu tố can thiệp vào tự do hợp đồng của các bên trong quan hệ kinh tế, dân sự[7].
Một ví dụ khác là các vụ việc liên quan tới áp dụng quy định bảo vệ quyền tư hữu của người dân. Tu chính án số 5 quy định: “nor shall private property be taken for public use, without just compensation” (tài sản tư không thể bị trưng mua/trưng dụng để sử dụng vì mục đích công mà không có sự bồi thường công bằng). Quy định này có nghĩa rằng: “tài sản tư nhân” (hay quyền sở hữu tư nhân) có thể bị giới hạn bằng cách bị trưng mua, trưng dụng vì mục đích công cộng, nhưng điều này chỉ được thực hiện với điều kiện, việc trưng mua, trưng dụng đó có bồi thường công bằng (thỏa đáng) cho người bị trưng mua, trưng dụng. Điều này cũng có nghĩa rằng: (1) tài sản tư không thể bị trưng mua, trưng dụng bởi nhà nước cho mục đích ngoài mục đích công (điều kiện về mục đích của việc trưng mua, trưng dụng). Ví dụ, Tòa Tối cao Hoa Kỳ đã từng coi các đạo luật tước đoạt quyền tư hữu của người này để chia tài sản cho người khác cũng bị coi là đạo luật vi hiến (trong vụ Calder v. Bull (1793)); (2) tài sản tư không thể bị trưng mua, trưng dụng bởi nhà nước, ngay cả khi cho mục đích công mà không có sự bồi thường thỏa đáng (điều kiện về sự thỏa đáng/công bằng của việc trưng mua, trưng dụng)[8]. Tinh thần đó đã được khẳng định nhất quán trong hàng loạt án lệ của Tòa Tối cao Hoa Kỳ như án lệ Pennsylvania Coal Co. v. Mahon (260 U.S. 393 (1922)); Keystone Bituminous Coal Assn. v. DeBenedictis (480 U.S. 470 (1987); Dolan v. City of Tigard (512 U.S. 374 (1994)); Kelo v. City of New London (545 U.S. 469 (2005)[9]. Tuy nhiên, án lệ Kelo v. City of New London (2005) là một phán quyết gây tranh cãi mạnh ở Hoa Kỳ gắn với việc giải thích cụm từ “vì mục đích công cộng” trong Hiến pháp mà nhiều người không tán đồng. Trong phán quyết này, Tòa Tối cao đã phán quyết rằng Hiến pháp không hạn chế việc chính quyền các bang và chính quyền địa phương trưng mua cưỡng bức đối với các mảnh đất thuộc sở hữu tư nhân để triển khai các dự án phát triển kinh tế/thương mại tư nhân. Trong vụ việc này, chính quyền thành phố New London (bang Connecticut) đã trưng mua cưỡng bức một mảnh đất thuộc sở hữu tư nhân của một công dân thành phố có tên là “Susette Kelo” trong một dự án phát triển bất động sản toàn diện, hứa hẹn sẽ mang lại 3.169 việc làm mới, và 1,2 triệu USD tiền thuế doanh thu/năm. Susette Kelo đã khởi kiện chính quyền thành phố ra Tòa án ở bang Connecticut với lập luận rằng, chính quyền đã lạm dụng quyền trưng mua cưỡng bách tài sản của mình, vi phạm Tu chính án số 5. Theo Susette Kelo, mục tiêu phát triển kinh tế không được coi là “mục đích công cộng” (public use). Vụ việc này đã được Tòa Tối cao bang Connecticut xét xử vào tháng 12/2002 và trong phán quyết chính thức vào tháng 3/2004, một quyết định 4/3 được đưa ra, dành phần thắng về chính quyền thành phố. Sau đó, vụ việc bị kháng cáo lên Tòa Tối cao Hoa Kỳ. Sau phiên điều trần vào tháng 2/2005, tháng 6/2005, Tòa Tối cao ra phán quyết tiếp tục dành phần thắng cho chính quyền thành phố. Tuy nhiên, phán quyết này gây tranh cãi lớn vì tỷ lệ ủng hộ phán quyết này của 9 thẩm phán tòa tối cao Hoa Kỳ chỉ là 5/9 (tức là có 4 thẩm phán phản đối). Trong phán quyết này, thẩm phán Stevens, người soạn thảo quan điểm của nhóm thẩm phán chiếm ưu thế, dựa trên quan điểm về quyền phát triển kinh tế của cộng đồng, cho rằng, sẽ là điều hợp lý nếu để cho chính quyền thành phố quyết định xem liệu một dự án phát triển khu thương mại của tư nhân có vì “mục đích công cộng” hay không. Thẩm phán này viết rằng “chính quyền thành phố đã xây dựng kế hoạch phát triển (a development plan) rất kỹ lưỡng theo hướng tin tưởng rằng dự án sẽ mang lại những lợi ích trông thấy được cho cộng đồng, bao gồm và không chỉ bao gồm các lợi ích như, công ăn việc làm mới, tăng nguồn thu thuế”. Trong khi đó, thẩm phán Sandra Day O’Connor, người viết nhận định cho các thẩm phán thuộc phe thiểu số thì cho rằng, quyết định kể trên của Tòa Tối cao sẽ cho phép những kẻ giàu có hưởng lợi nhờ người nghèo đã trả giá thay. Thẩm phán này lập luận “từ nay bất cứ tài sản nào cũng có thể bị tước đi vì lợi ích của một bên tư nhân khác. Những người hưởng lợi sẽ là những người có quyền lực và ảnh hưởng lớn trong các tiến trình chính trị, trong đó có các công ty lớn và các doanh nghiệp phát triển bất động sản”. Thẩm phán này cho rằng, với việc ra phán quyết như thế, “ranh giới giữa “vì lợi ích tư nhân” và “vì lợi ích công cộng” đã bị xóa nhòa, điều này cũng có nghĩa rằng, Điều khoản trưng mua trong Tu chính án số 5 đã không còn cụm từ “vì mục đích công cộng” (for public use) nữa”. Để đáp lại phán quyết Kelo, nhiều bang ở Hoa Kỳ đã ban hành các đạo luật hoặc các tu chính án hiến pháp bang theo hướng, đặt ra nhiều điều kiện ràng buộc hơn khi chính quyền bang muốn trưng mua đất đai tư nhân.
2. Hai phương pháp giải thích hiến pháp chủ yếu
Qua một số vụ việc vừa nêu, có thể thấy phần nào cách Tòa án Hoa Kỳ (nhất là Tòa Tối cao Hoa Kỳ) thực hiện việc giải thích hiến pháp. Theo các nhà nghiên cứu về hiến pháp ở Hoa Kỳ, có 02 trường phái giải thích Hiến pháp ở Hoa Kỳ. Trường phái “giải thích nguyên nghĩa gốc” (originalism) và “giải thích lệch nghĩa gốc” (non-originalism).
Trường phái “giải thích nguyên nghĩa gốc” đòi hỏi thẩm phán phải giải thích quy định của Hiến pháp theo đúng nghĩa mà khi ban hành Hiến pháp, các nhà thảo hiến đã nghĩ như vậy[10]. Điều này có nghĩa rằng, muốn hiểu đúng tinh thần của Hiến pháp, thẩm phán thường phải nghiên cứu các tài liệu trong quá trình thảo hiến, khảo cứu lịch sử để tìm ra ý nghĩa đích thực. Chẳng hạn, những người theo trường phái này cho rằng, Hiến pháp Hoa Kỳ không cấm việc áp dụng án tử hình khi các quy định ban đầu của Hiến pháp được thông qua (năm 1789), cũng như khi 10 tu chính án đầu tiên về các quyền cơ bản của con người (năm 1791) cũng như khi Tu chính án số 14 được thông qua năm 1868 thì ngày hôm nay, Hiến pháp cũng vẫn tiếp tục cho phép áp dụng án tử hình. Những người theo trường phái này cho rằng, giải thích nguyên nghĩa gốc là phù hợp hơn với vai trò của thẩm phán trong xã hội dân chủ bởi lẽ thẩm phán chỉ làm nhiệm vụ “giải thích” Hiến pháp, luật, chứ không được “sáng tạo” ra quy định của Hiến pháp và quy định của luật. Trường phái này khá thịnh hành ở Hoa Kỳ cho tới trước cuộc khủng hoảng 1929-1932 và trường phái này lại thịnh hành trở lại từ những năm 1980 khi chủ nghĩa tự do thị trường (market liberalism) giành lại vị thế của mình trong xã hội.
Trường phái “giải thích lệch nghĩa gốc” (non-originalism) cho phép thẩm phán có biên độ tự do nhất định trong việc giải thích quy định của Hiến pháp. Theo trường phái này, tuy về nguyên tắc, việc giải thích Hiến pháp nên tuân theo ý nghĩa ban đầu của Hiến pháp khi ban hành, nhưng với các tình huống thực tiễn mà quy định của Hiến pháp chưa lường tới hết, các thẩm phán được phép bám sát với xu thế xã hội đương đại, nhất là những giá trị căn bản của thời đại để tìm kiếm một sự giải thích Hiến pháp cho phù hợp. Các án lệ trong Brown v. Board of Education of Topeka (Ủy ban giáo dục Topeka) (1954) và Gideon v. Wainwright (1963) là những ví dụ trong đó trường phái giải thích lệch nghĩa được sử dụng.
Có thể thấy, mỗi trường phái đều có ưu và nhược khác nhau. Trường phái giải thích nguyên nghĩa gốc góp phần giữ cho nội dung, tinh thần của Hiến pháp có tính nhất quán cao, nhưng qua thời gian, cũng có thể trở nên cứng nhắc. Trường phái này có vẻ mang hơi hướng của các giá trị truyền thống, cổ điển và có phần “bảo thủ”. Trường phái giải thích lệch nghĩa gốc góp phần làm cho lời văn của Hiến pháp bắt nhịp với hơi thở của thời đại nhưng phần nào đó cũng có thể mở dư địa cho sự “tùy tiện” của thẩm phán khi giải thích Hiến pháp.
Hiến pháp thành văn luôn là sản phẩm của một thời điểm lịch sử nhất định. Mặc dù khi ban hành, những nhà thảo hiến đã cố gắng hình dung để quy định trong hiến pháp tương thích với điều kiện của tương lai, ngõ hầu cung cấp cơ sở hiến định phù hợp xử lý các tình huống của thực tiễn cuộc sống, nhưng chuyện thực tiễn cuộc sống khác trước và đi khác với những gì các nhà thảo hiến đã hình dung cũng là điều không quá ngạc nhiên. Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều làm cho tương lai luôn hàm chứa yếu tố bất ngờ. Để một bản hiến pháp “sống” được lâu, bảo đảm tính sáng tạo (trong khuôn khổ chấp nhận được) trong quá trình giải thích, vận dụng Hiến pháp cũng là một kinh nghiệm quý mà thực tiễn bảo hiến ở Hoa Kỳ có thể gợi mở./.

 
[1] Để tu chỉnh thành công, nói chung, Hiến pháp Hoa Kỳ đòi hỏi sự tu chỉnh ấy phải đạt được sự đồng thuận của cả Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ (với tỷ lệ đồng ý là 2/3), cùng sự phê chuẩn của ít nhất 3/4 tổng số bang (hiện tại, ít nhất là phải có 38 bang trở lên phê chuẩn). Đây là những điều kiện rất khó vượt qua. Đến nay, Quốc hội Hoa Kỳ đã đề nghị tu chỉnh Hiến pháp tất cả 33 lần nhưng mới có 27 tu chỉnh được chấp thuận. Thời điểm các tu chính án được chấp thuận trong những thập niên gần đây cụ thể như sau: tu chính án số 19 (năm 1920, chính thức cho phép phụ nữ có quyền bầu cử); tu chính án số 20 (năm 1933, ấn định ngày bắt đầu nhiệm kỳ Quốc hội là 3/1); tu chính án số 21 (năm 1933); tu chính án số 22 (năm 1951, giới hạn mỗi người chỉ được làm tổng thống tối đa 2 nhiệm kỳ); tu chính án số 23 (năm 1961); tu chính án số 24 (năm 1964, không tước quyền bỏ phiếu vì nợ thuế); tu chính án số 25 (năm 1967, cho phép Phó Tổng thống được kế nhiệm Tổng thống khi Tổng thống không thể thực hiện nhiệm vụ của mình); tu chính án số 26 (năm 1971, quy định tuổi đi bầu cử chung của cả nước là 18); tu chính án số 27 (năm 1992).
 Lần tu chính án thành công gần đây nhất là ngày 7/5/1992.
[3] Trích điểm 1 trong Tu chính án số 14 “nor shall any State deprive any person of life, liberty, or property, without due process of law; nor deny to any person within its jurisdiction the equal protection of the laws”. (Không chính quyền bang nào được tước đoạt quyền được sống, quyền tự do và quyền tài sản của bất kỳ ai mà không tuân theo thủ tục pháp lý nghiêm ngặt; không ai bị từ chối bởi chính quyền các bang sự bảo vệ bình đẳng của pháp luật). Tu chính án này được ban hành năm 1868 (ngay sau nội chiến 1864-1868 ở Hoa Kỳ).
[4] Mặc dù trước đó 58 năm, vào năm 1896, chính Tòa Tối cao trong phán quyết Plessy v. Ferguson cho phép các trường công được phép phân tách học sinh da màu và học sinh da trắng.
[5] Xem Trích điểm 1 trong Tu chính án số 14 vừa nêu.
[6] Nguyên văn tiếng Anh “no state shall pass any law impairing the obligation of contracts” .
[7]Erwin Chemerinsky, Constitutional Law: Principles and Policies, 3rd ed. (New York: Aspen Publishers, 2006) at 605-614.
[8]Randy E. Barnett, Constitutional Law: Cases in Context (New York: Wolters Kluwer, 2008) at 1289-1290.
[9]Randy E. Barnett, Constitutional Law: Cases in Context (New York: Wolters Kluwer, 2008) at 1290-1336.
[10]Gregory E. Maggs and Peter J. Smith, Constitutional Law: A Contemporary Approach (St. Paul, MN: Thomson Reuters, 2009) at 2009.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 17(321)-tháng 9/2016)


Thống kê truy cập

32981295

Tổng truy cập