Giải thích pháp luật ở Úc và nhu cầu luật hóa hoạt động giải thích pháp luật ở Việt Nam

01/02/2014

ThS. HUỲNH THỊ SINH HIỀN

Giảng viên Đại học Cần Thơ

Giải thích pháp luật (GTPL) là hoạt động làm sáng tỏ tư tưởng, nội dung và ý nghĩa của các quy phạm pháp luật[1]. Hoạt động GTPL, đặc biệt là giải thích luật thành văn[2], là một đòi hỏi tất yếu trong thực tiễn pháp lý. Là một quốc gia có truyền thống sử dụng án lệ nhưng giải thích luật thành văn ở Úc rất được chú trọng. GTPL ở Úc không những được coi là một kỹ năng pháp lý quan trọng mà ở mức độ nhất định nó còn liên quan hoạt động sáng tạo pháp luật của thẩm phán[3]. Kinh nghiệm về GTPL của Úc nên được chúng ta tham khảo để tiến tới xây dựng Luật GTPL nhằm phát huy hiệu quả thiết thực của hoạt động này
Untitled_405.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Pháp luật Úc về giải thích luật thành văn
Hoạt động GTPL ở Úc vừa được điều chỉnh bởi các nguyên tắc của án lệ vừa được điều chỉnh bởi các đạo luật về giải thích, kể cả các nguyên tắc mang tính kỹ thuật khác như nguyên tắc suy luận (presumption) và hướng dẫn (latin maxims). Trong việc điều chỉnh hoạt động giải thích luật thành văn, các nguồn pháp luật này không loại trừ mà bổ sung cho nhau. Cụ thể, khi xây dựng các luật về giải thích, Nghị viện thường ghi nhận lại các nguyên tắc của án lệ. Tuy nhiên, khi thẩm phán áp dụng các luật này để giải thích các quy định trong quá trình giải quyết một vụ việc cụ thể lại tạo nên án lệ mới[1].
1.1. Giải thích dựa trên thông luật
GTPL bằng án lệ là GTPL dựa trên những nguyên tắc được xây dựng từ lập luận của các thẩm phán khi áp dụng quy định thành văn để giải quyết các vụ việc cụ thể trên thực tế. Sau đây là một số nguyên tắc của thông luật được các thẩm phán ở Úc vận dụng để giải thích các điều khoản của luật thành văn.
Nguyên tắc tiếp cận câu chữ (literal approach)
Đây được coi là nguyên tắc cơ bản của thông luật đối với hoạt động GTPL. Công việc đầu tiên của thẩm phán khi bắt đầu giải thích luật thành văn là phải dựa trên ngữ nghĩa của từ và cấu trúc câu để giải thích. Nếu nghĩa của từ cần giải thích đã rõ thì thẩm phán phải áp dụng theo nghĩa đó bất kể kết quả ra sao. Trong trường hợp kết quả giải thích có phần không hợp lý thì chỉ Nghị viện mới có quyền sửa đổi. Trong vụ Amalgamated society of Engineers v Adelaide Steamship Co Ltd (1920) 28 CLR 129, thẩm phán Higgins cho rằng giải thích luật là đi tìm ý định của Nghị viện trên cơ sở xem xét ngôn từ được sử dụng. Với quan điểm từ ngữ được sử dụng trong các điều khoản là bằng chứng rõ ràng, khách quan cho việc chứng minh ý chí của nhà làm luật, trong bản án có tên The Estate of Bravda [1968] 1 WLR 479, người cha lập di chúc chia phần lớn tài sản của mình cho hai cô con gái đang sống chung, di chúc có hai người làm chứng hợp pháp. Tuy nhiên, để cho di chúc “mạnh hơn”, người cha yêu cầu hai cô con gái ký tên mình dưới mục người làm chứng. Theo Điều 15 Luật Di chúc năm 1937 thì bất kỳ người nào xác nhận cho việc lập di chúc như người làm chứng thì lợi ích của người đó trong di chúc sẽ bị bỏ qua, phần tài sản được hưởng của họ bị coi là vô hiệu. Như vậy, tòa án tuyên hai cô con gái không được hưởng tài sản từ di chúc đó và hầu hết tài sản thuộc về người vợ đã sống cách biệt với người lập di chúc trong hơn 20 năm. Từ vụ án này cho thấy, Nghị viện có lẽ không dự định áp dụng Điều 15 Luật Di chúc khi mà đã có hai người làm chứng hợp pháp nhưng từ ngữ của điều luật thì quá rõ ràng.   
Để xác định nghĩa thông thường của một từ nào đó, thẩm phán thường dựa trên định nghĩa của từ điển. Khi sử dụng phương pháp này, thẩm phán cũng gặp một số khó khăn nhất định như các từ điển khác nhau lại định nghĩa khác nhau. Ở Úc, từ điển Macquaire được sử dụng khá phổ biến[2]. Hơn nữa, trong một từ điển, một từ có nhiều ngữ nghĩa có thể là nghĩa thông thường hoặc nghĩa pháp lý. Thẩm phán Kirby trong vụ Palgo Holdings Pty Ltd kiện Gowans (2009) 221 CLR 249 tại đoạn 266 đã chỉ ra rằng: Không phải nghĩa thông thường hay nghĩa pháp lý được ưu tiên mà phải được xem xét kết hợp với mục đích của đạo luật khi được ban hành. Mặt khác, nghĩa của từ cũng thay đổi theo thời gian, khi thẩm phán giải thích luật thành văn, thẩm phán dựa trên ngữ nghĩa lúc xây dựng văn bản hay lúc giải thích. Trong vụ án Lake Macquarie Shire Council v Aberdare County Coucil (1970) 123 CLR 327, Tòa án tối cao đã giải thích từ phương tiện giao thông trong luật năm 1898 bao gồm máy bay dù Nghị viện không thể nghĩ đến máy bay khi làm luật vì nó được phát minh sau khi luật được ban hành. Lý do thẩm phán đưa ra là: Nếu Nghị viện chưa sửa đổi luật thì từ ngữ đó được hiểu theo nghĩa mới khi có vụ việc đem đến Tòa án dưới sự giải thích của thẩm phán[3]. Tương tự như vậy, Hiến pháp năm 1990 của Úc quy định “Liên bang Úc được trao quyền về bưu chính, điện tín, điện thoại và những dịch vụ khác”. Khi Tòa án tối cao Liên bang Úc giải thích Hiến pháp đã cập nhật nó bằng cách giải thích từ dịch vụ khác bao gồm cả phát thanh, truyền hình và thậm chí Internet để đảm bảo tính phù hợp của Hiến pháp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội mà không cần đến Nghị viện sửa đổi Hiến pháp[4].
Nguyên tắc vàng (The Golden rule)
Đây là nguyên tắc ngoại lệ của nguyên tắc giải thích dựa trên ngữ nghĩa. Nguyên tắc này cho phép tòa án sửa ngữ nghĩa thông thường của từ khi giải thích theo ngữ nghĩa tạo ra kết quả không hợp lý. Nguyên tắc này được xây dựng với mục đích nhằm hạn chế việc làm sai lệch ý chí của nhà làm luật qua cách thức sử dụng từ ngữ. Điều 84 Luật Cảnh sát của bang Tây Úc (Police Act 1892 WA) quy định phạt bất kỳ người nào cho phép một người dưới 16 tuổi vào ở trong nhà, cửa hàng, phòng hoặc bất kỳ nơi công cộng nào khác mà họ sở hữu. Quy định này tạo ra một cách hiểu vô lý. Vì vậy, trong vụ Higgon v O’dea [1962] WAR 140, Tòa án tối cao của bang Tây Úc đã xem xét mục đích của luật và áp dụng nguyên tắc này để giải thích rằng: Một người sẽ bị phạt khi cho phép và giữ một người dưới 16 tuổi trong nhà hoặc cửa hàng để tham gia các hoạt động đánh bạc.
Nguyên tắc sửa lỗi (The mischief rule)
Tương tự như nguyên tắc vàng, nguyên tắc sửa lỗi chỉ áp dụng để giải thích luật thành văn khi mà giải thích theo câu chữ tạo ra sự mâu thuẫn. Nguyên tắc sửa lỗisẽ được áp dụng trong trường hợp quy định được giải thích trong luật thành văn ra đời với mục đích khắc phục hiện trạng pháp lý nào đó đang tồn tại. Tuy nhiên, theo cách diễn đạt trong luật thành văn thì hiện trạng đó sẽ không được khắc phục. Vì vậy, khi giải thích, tòa án có quyền áp dụng nguyên tắc này để sửa lỗi cho luật thành văn. Nguyên tắc này xuất phát từ bản án Heydons Case (1584) 76 ER 637 và khi áp dụng nguyên tắc này, thẩm phán cần làm rõ 4 vấn đề: (i) pháp luật như thế nào trước khi có luật này; (ii) thiếu sót nào mà luật không điều chỉnh; (iii) giải pháp nào Nghị viện đã làm khi xây dựng luật thành văn để sửa lỗi đó; (iv) làm thế nào tòa án giải thích luật thành văn để sửa lỗi theo dự định chính xác của Nghị viện[5].
Ví dụ: trong vụ Smith v Hughs [1960] 2 All ER 859 thì theo Luật Vi phạm trên đường phố năm 1959 của Anh Quốc (The Street offences Act 1959 - UK)) hành vi lảng vảng, chèo kéo trên đường cho mục đích mại dâm là tội phạm. Bị cáo cho rằng mình không phạm tội trên vì bị cáo chèo kéo đàn ông trên ban công nhà của mình, không phải trên đường. Tòa án áp dụng nguyên tắc trên và cho rằng dự định đúng của Nghị viện là để khắc phục tình trạng quấy rối từ hoạt động mại dâm và tuyên án bị cáo có tội.
1.2. GTPL dựa trên các nguyên tắc suy luận và hỗ trợ
Các nguyên tắc này được coi là một phần của thông luật do thẩm phán xây dựng và phát triển. Có 11 nguyên tắc suy luận mà ngày nay tòa án vẫn sử dụng bao gồm: (i)Nghị viện không gây trở ngại đối với các quyền cơ bản; (ii) luật thành văn không có hiệu lực hồi tố; (iii) cách giải thích trước đó bởi tòa án sẽ có giá trị nếu Nghị viện sử dụng đúng từ đó trong luật thành văn trừ khi Nghị viện đưa ra định nghĩa khác về nó; (iv) luật thành văn không ràng buộc Hoàng gia; (v) quy định về trách nhiệm pháp lý được giải thích theo hướng có lợi cho người bị xử lý; (vi) luật thành văn không được tước bỏ quyền giải thích và áp dụng pháp luật của tòa án; (vii) quyền đối với bất động sản không bị tước bỏ mà không có sự bồi thường thỏa đáng; (viii) luật thành văn của các bang không thể có hiệu lực ra ngoài vùng lãnh thổ của bang đó; (ix) Nghị viện không có dự định làm ảnh hưởng đến công bằng tôn giáo; (x) Nghị viện ban hành luật trên tinh thần phù hợp với luật quốc tế; (xi) từ ngữ được sử dụng với nghĩa thống nhất trong toàn văn bản luật trừ khi có định nghĩa riêng biệt trước mỗi phần cụ thể trong luật[6].
Bên cạnh đó, các tòa án ở Úc cũng kế thừa từ nước Anh một số nguyên tắc mang tính hướng dẫn đối với hoạt động GTPL gọi là Latin Maxims. Khác với các nguyên tắc mang tính suy luận trên, các nguyên tắc mang tính hướng dẫn có xu hướng giúp đỡ thẩm phán giải quyết những vướng mắc về ngữ nghĩa của quy định dựa trên ngôn từ được diễn đạt trong chính các điều luật.
Noscitur a sociis có nghĩa là nghĩa của một từ, cụm từ được nhận biết từ những từ đi cùng với nó, hoặc ở xung quanh nó. Ejusdem generis có nghĩa là khi những từ chung theo sau những từ cụ thể, nghĩa của từ chung bị giới hạn trong cùng loại của những từ cụ thể đi trước đó. Ví dụ: trong R v Ann Harris (1936) 173 ER 198, hai nữ tù đánh nhau và một người cắn vào mũi của người còn lại. Với quy định rằng nếu một người cố ý, một cách trái pháp luật đâm, chém hoặc làm bị thương người khác với mục đích gây thương tật hoặc xấu xí cho người khác thì họ phạm vào tội nghiêm trọng. Tòa án giải thích cả đâm, chém đều được thực hiện bằng công cụ sắc bén, để áp dụng điều này hành vi “làm bị thương người khác” được thực hiện phải với công cụ sắc bén và kết luận rằng răng không phải là công cụ sắc bén như dao. Vì vậy không áp dụng điều khoản trên để cho là bị cáo phạm vào tội nghiêm trọng.
Expressio unius est exclusion alterius có nghĩa là khi liệt kê đối tượng này thì loại trừ đối tượng khác. Ví dụ nếu luật thành văn quy định rằng chỉ có nam giới mới được thuê để làm việc trong môi trường nguy hiểm có nghĩa là phụ nữ thì không được. Generalia specialibus non derogant nghĩa là trong luật thành văn, những quy định cụ thể được ưu tiên áp dụng so với những quy định chung[7].
1.3. Giải thích dựa trên luật thành văn
Nghị viện tất cả các bang, vùng lãnh thổ và Nghị viện Liên bang Úc đều đã ban hành các luật điều chỉnh hoạt động giải thích luật của tòa án từ rất sớm. Cụ thể, Luật Giải thích luật (Acts Interpretation Act) của Liên bang Úc có từ năm 1901, ở bang Nam Úc có từ năm 1915, bang Queensland năm 1965, và của Tasmania năm 1931, Luật Giải thích(Interpretation Act) của bang New South Wales có năm 1987, của bang Tây Úc là năm 1984, của Vùng lãnh thổ Bắc Úc là năm 1978, Luật Giải thích luật thành văn (Interpretation of Legislation Act) có từ năm 1984 của bang Victoria, Luật về Luật thành văn (Legislation Act) cóvàonăm 2001 ở vùng tự trị thủ đô nước Úc. Về nguyên tắc, khi giải thích luật của bang nào, thì vận dụng luật giải thích của bang đó, còn khi giải thích luật của Liên bang thì dùng luật giải thích của Liên bang.
Nhìn chung, nội dung quy định trong các luật về GTPL ở Úc là sự kế thừa nguyên tắc giải thích của thông luật. Xem xét ngữ nghĩa của quy định là công việc phải làm trước tiên khi thẩm phán tiến hành GTPL thành văn[8]. Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản nhất được xây dựng trong hầu hết các luật này là phải xem xét đến mục đích của luật thành văn. Các luật này quy định dựa trên mục đích của văn bản, thẩm phán có thể giải thích vượt xa hơn những gì được trình bày. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 15AA Luật Giải thích luật 1901 của Liên bang Úc: “Trong khi giải thích quy định của luật, cách giải thích phù hợp với mục đích của luật sẽ được ưu tiên hơn cách giải thích không phù hợp với nó cho dù mục đích của luật có được diễn đạt trực tiếp trong luật hay không”. Trên cơ sở Điều 15AA này, Luật Giải thích luật năm 1915 của bang Nam Úc tại Điều 22 quy định: Khi một quy định của luật có hơn một cách giải thích hợp lý, cách giải thích nào phù hợp với mục đích hơn sẽ được ưu tiên dù mục đích có được trình bày trực tiếp trong luật hay không. Thêm vào đó, khoản 1 Điều 139 Luật về Luật thành văn của vùng tự trị thủ đô nước Úc và khoản 1 Điều 14A Luật Giải thích luật năm 1965 của bang Queensland đều cho rằng phương pháp giải thích thỏa mãn mục đích của luật một cách tốt nhất được ưu tiên.
Dự liệu được những khó khăn của thẩm phán trong việc tìm kiếm mục đích của văn bản được giải thích, các luật giải thích ở Úc đều đưa ra quy định về việc cho phép sử dụng những dữ liệu làm cơ sở cho việc giải thích. Những dữ liệu đó có thể nằm trong chính văn bản được giải thích và cả những tài liệu bên ngoài có liên quan đến quy định cần giải thích đó.
Đối với những căn cứ bên trong, xuất phát từ quan niệm cho rằng bất kỳ đạo luật nào cũng phải được hiểu trong một chỉnh thể thống nhất, trong ngữ cảnh của toàn vẹn văn bản[9]. Hầu hết tất cả các luật về GTPL ở Úc đều thống nhất cho phép sử dụng những phần khác nhau trong một đạo luật để giải thích một từ, một ngữ hoặc một điều luật trong chính đạo luật đó[10]. Những phần khác nhau này có thể là tựa ngắn gọn, tựa đầy đủ, mệnh đề nêu lên mục đích, phần giải thích từ ngữ, tiêu đề của các chương, các phần khác nhau được phân chia trong đạo luật...
Sau khi xem xét tổng thể văn bản, để tìm hiểu mục đích của văn bản đó, người giải thích có thể tìm đến những tài liệu khác ngoài văn bản đang giải thích. Hầu hết các luật giải thích ở Úc đều liệt kê một danh sách đầy đủ các tài liệu có thể dẫn chiếu để xác định mục đích của văn bản cần giải thích bao gồm[11]: bảng ghi nhớ có tính giải thích (explanatory memoranda) của dự luật chứa đựng quy định cần giải thích; bài diễn văn đọc lần thứ hai tại Nghị viện bởi một bộ trưởng trong quá trình làm luật (second reading speeches); biên bản ghi lại sự tranh luận tại Nghị viện (Hansard); các bài báo cáo của Ủy ban Nghị viện, Ủy ban cải cách pháp luật, Ủy ban Hoàng gia; bất kỳ tài liệu nào được nhắc đến trong chính văn bản được giải thích rằng nó có liên quan đến mục đích của văn bản như các hiệp định, công ước quốc tế...
Ngoài ra, các luật về giải thích cũng dự liệu một số giả định cơ bản liên quan đến giới tính, danh từ số nhiều, số ít, khoảng cách, thời gian... Ví dụ luật dùng giới tính nam bao gồm giới nữ (chairman), số ít bao gồm số nhiều (bất kỳ người nào hoặc mọi người), nếu luật quy định có hiệu lực vào một ngày cụ thể thì thời gian được tính từ 00.01 phút ngày đó, nếu luật quy định có hiệu lực từ một ngày cụ thể thì ngày đó sẽ không được tính, khoảng cách quy định trong luật được tính theo đường chim bay...[12] 
Như vậy, GTPL ở Úc là hoạt động do thẩm phán tiến hành nhằm làm rõ nghĩa một từ, một ngữ hoặc một quy định trong luật thành văn khi thẩm phán tiến hành giải quyết một vụ việc cụ thể. Nhìn chung, pháp luật Úc dự liệu được nhiều giả định sát thực tế và đưa ra nhiều phương pháp giúp giải quyết những khó khăn chung trong việc hiểu các quy định của luật thành văn mà các nhà lập pháp nước ta có thể tham khảo.
2. Nhu cầu luật hóa hoạt động giải thích pháp luật ở Việt Nam
Việt Nam đang thiếu cơ sở pháp lý cần thiết đảm bảo cho hoạt động GTPL phát huy hiệu quả thiết thực. Ngoài một vài quy định trong Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 về chủ thể có thẩm quyền giải thích, chủ thể đề nghị giải thích, hình thức văn bản dùng để giải thích... hầu như không có quy định nào về phương pháp, nguyên tắc giải thích. Trong khi chủ thể được giao quyền giải thích (Ủy ban thường vụ Quốc hội) rất hiếm khi giải thích thì dù muốn hay không, các chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật, đặc biệt là tòa án phải tiến hành công việc này một cách thường xuyên và liên tục để giải quyết đúng đắn những vụ việc thực tế. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là không có bất kỳ công cụ pháp lý nào điều chỉnh hoạt động này của thẩm phán. GTPL luôn được tiến hành theo cách chủ quan của thẩm phán, không bị ràng buộc bởi phương pháp và nguyên tắc nào. Hậu quả là mỗi thẩm phán giải thích khác nhau và trên cơ sở giải thích của mình sẽ áp dụng các điều luật một cách khác nhau để ra phán quyết. Quan trọng hơn, trong điều kiện pháp luật Việt Nam chưa chính thức thừa nhận án lệ, và chưa công khai tất cả các bản án, nên không có cơ chế kiểm chứng cách giải thích của các thẩm phán có thống nhất hoặc có đúng ý chí của nhà làm luật hay không? GTPL trong điều kiện như vậy là tùy tiện và sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong công tác bảo vệ pháp luật.
GTPL của thẩm phán càng đóng vai trò quan trọng hơn khi trình độ kỹ thuật lập pháp ở nước ta chưa cao, nhiều quy định còn khó hiểu hoặc tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau, các thuật ngữ Hán Việt và các thuật ngữ vay mượn còn nhiều[13]... Vì vậy, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của Úc khi giải thích một số quy định pháp luật nước ta. Ví dụ:
Khoản 2 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách”. Giả sử, một người khởi kiện quyết định xử phạt hành chính của cảnh sát giao thông về hành vi không đội mũ bảo hiểm trong khi đứng trên xe hai bánh với lập luận rằng anh ta không điều khiển và cũng không ngồi trên xe. Thẩm phán sẽ giải thích, phán quyết thế nào và căn cứ vào đâu? Theo luật Úc, nếu giải thích theo ngữ nghĩa tạo ra kết quả không hợp lý thì phải tìm đến mục đích của điều luật hoặc của văn bản đó. Vì vậy, thẩm phán có thể xem xét đến nguyên tắc sửa lỗi (mischief rule)xem điều luật này ra đời để khắc phục thực trạng nào đang tồn tại trước đó hoặc mục đích của Quốc hội khi ban hành điều luật này qua các tài liệu liên quan.Quy định đội mũ bảo hiểm có mục đích là tránh chấn thương não bộ, giảm nguy cơ tạo gánh nặng cho xã hội từ tai nạn giao thông. Vì vậy, hành vi đứng trên xe mô tô mà không đội mũ bảo hiểm nguy hiểm hơn rất nhiều so với ngồi và vì vậy, hành vi xử phạt của cảnh sát giao thông là đúng.
Một quy định khác tại khoản 3 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ: “Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu”. Ở đây, “phương tiện khác” và “khi đi qua” được hiểu như thế nào? Trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu trong quy định này có đặt ra đối với người điều khiển phương tiện xuồng máy trên sông nhìn thấy tai nạn giao thông trên đường bộ không? Trường hợp này, theo quy định của các luật về GTPL Úc, thẩm phán có thể sử dụng tựa đề của luật (Luật Giao thông đường bộ),phần giải thích từ ngữ trong luật, mục đích của quy định, các tranh luận của đại biểu Quốc hội... để xác định ý chí đích thực của nhà làm luật.
Giải quyết bài toán về vấn đề GTPL ở Việt Nam không gì khác hơn là phải ban hành luật riêng về GTPL. Cho dù án lệ có được chính thức thừa nhận ở nước ta hay không, thẩm quyền GTPL được trao cho chủ thể nào, giải thích được diễn ra dưới dạng nào[14] thì để giải thích một từ, một ngữ, một quy định của luật thành văn cần phải được tiến hành theo những nguyên tắc nhất định. Luật GTPL phải xây dựng được các nguyên tắc và phương pháp giải thích cụ thể cũng như xác định thứ tự ưu tiên của các phương pháp, các tài liệu làm cơ sở cho việc giải thích. Khi đó, kết quả giải thích một quy định có thể giống nhau dù được tiến hành bởi các chủ thể khác nhau, vì các chủ thể này đều phải tuân theo sự hướng dẫn của Luật trong quá trình giải thích.
Pháp luật Úc với các phương pháp giải thích nhằm giúp luật thành văn được hiểu một cách nhất quán, đặc biệt với phương pháp đi tìm ý định xác thực của nhà làm luật hoàn toàn có thể vận dụng cho việc giải thích luật thành văn ở nước ta. Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta cần hệ thống hóa toàn bộ lịch sử quá trình hình thành của một văn bản quy phạm pháp luật từ khi được đề xuất xây dựng cho đến khi công bố. Các tài liệu liên quan trong quá trình xây dựng văn bản như ý kiến đề xuất xây dựng, ý kiến đóng góp của nhân dân và đặc biệt là thảo luận của các đại biểu Quốc hội đối với các dự luật... nên được sắp xếp sao cho dễ tra cứu và đối chiếu. Một khi hoạt động GTPL có cơ chế điều chỉnh rõ ràng thì pháp luật sẽ phát huy tốt nhất tác dụng điều chỉnh, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa
 

[1] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb. Công an nhân dân, năm 2009, tr 486.
[2] Luật thành văn bên cạnh ưu điểm chính là rõ ràng thì nó cũng có nhược điểm là mang tính khái quát cao và ý chí của nhà làm luật thường bị giới hạn trong ngôn từ được sử dụng.
[3] Michelle Sanson, David Worswwick and Thalia Anthony “Connecting with law” Oxford, 2009, page 228.

[1] Michelle Sanson, David Worswwick and Thalia Anthony “Connecting with law” Oxford, 2009, page 231.
[2] Trong vụ án State Chamber of Commerce and Industry v Commonwealth (1987) 163 CLR Tòa án tối cao dựa trên từ điển Macquaire để giải thích từ “Fringe Benefit”.
[3] Michelle Sanson, David Worswwick and Thalia Anthony “Connecting with law” Oxford, 2009, page 243.
[4]Nguyễn Lâm, Hiến pháp được cập nhật qua Tòa án tối cao, Báo điện tử Đại biểu nhân dân http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=132&ItemId=229210&GroupId=1005 cập nhật ngày 18/11/2013.
 
[5] Michelle Sanson, David Worswwick and Thalia Anthony “Connecting with law” Oxford, 2009, page 242.
[6] Michelle Sanson, David Worswwick and Thalia Anthony “Connecting with law” Oxford năm 2009, page 245 - 250.
[7] Vấn đề mâu thuẫn giữa các điều luật trong một văn bản cũng khá phổ biến ở nước ta, trong khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 chỉ giải quyết sự mâu thuẫn giữa các điều luật trong các văn bản khác nhau.
[8] Associate Professor RS Geddes, “ Purpose and Context in Statutory Interpretation” page 11, the paper was presented at a conference on statutory interpretation hosted by the New South Wales Bar Association, in conjunction with the Australian Bar Association, on 17–19 March 2005.
 
[9] Quan niệm này được ghi nhận bởi Tòa án tối cao Úc qua vụ án Metropolitan Gas Co v Federated Gas Employees Industrial Union (1924) 35 CLR 449.
[10] Xem khoản 1 và 2 Điều 35 Luật Giải thích năm 1987 của bang New South Wales, khoản 1 Điều 19 Luật Giải thích luật bang Nam Úc, khoản 1 và 2 Điều 13 Luật Giải thích luật của Liên bang Úc năm 1901, khoản 1 và khoản 3 Điều 36 Luật Giải thích luật thành văn năm 1984 của bang Victoria...
[11] Xem khoản 2 Điều 15AB Luật Giải thích luật liên bang năm 1901, Điều 142 Luật về Luật thành văn của vùng tự trị thủ đô nước Úc (ACT), Điều 34 Luật Giải thích bang New South Wales và Điều 35(b) Luật Giải thích luật thành văn của bang Victoria.
[12] Điều 23(a), Điều 35 và 36 Luật Giải thích luật liên bang năm 1901; Điều 8, 36 và 38 Luật Giải thích bang New South Wales; Điều 26, 27 và 28 Luật Giải thích luật bang Nam Úc; Điều 37, 43 và 44 Luật Giải thích luật thành văn của bang Victoria ...
[13] TS Nguyễn Minh Đoan, GTPL - một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Kỷ yếu hội thảo về GTPL vào tháng 02 năm 2008, Nxb. Hồng Đức, năm 2009, trang 62.
[14] Giải thích bằng văn bản quy phạm pháp luật hay giải thích theo từng vụ việc áp dụng pháp luật cụ thể.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 4(260), tháng 2/2014)


Thống kê truy cập

33011751

Tổng truy cập