Trách nhiệm hình sự pháp nhân trong pháp luật Mỹ

01/02/2014

TS. NGUYỄN KHẮC HẢI

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất của luật hình sự hiện đại. Hội đồng châu Âu và Liên minh châu Âu đã cùng đề xuất với các nước thành viên để đưa TNHS pháp nhân vào pháp luật hình sự của quốc gia mình. Nhiều nước châu Âu đã theo khuyến cáo, nhưng một số nước lại không hỗ trợ sáng kiến này[1]. Việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân ngay lập tức làm phát sinh một loạt các vấn đề pháp lý, như làm thế nào để xác định trạng thái tinh thần và xác định sự tồn tại của ý định trong hành động của một thực thể pháp lý có tư cách pháp nhân, phạm vi mà pháp nhân chịu trách nhiệm về các hành động của nhân viên của họ, những tiêu chuẩn đưa đơn kiện đối với pháp nhân, các hình phạt có thể áp dụng đối với pháp nhân. Ở Mỹ, chế định TNHS pháp nhân đã tồn tại hơn 100 năm nên các kinh nghiệm thực tế của Mỹ trong lĩnh vực này có thể là một công cụ hữu ích cho các nước đã áp dụng hoặc đang nghiên cứu khả năng đưa TNHS đối với pháp nhân vào pháp luật hình sự quốc gia. Bài viết bàn về các giai đoạn phát triển trong hệ thống pháp lý của các học thuyết của Mỹ về TNHS pháp nhân và việc áp dụng trên thực tế để làm sáng tỏ cách tiếp cận của Mỹ trong việc giải quyết vấn đề này.
Untitled_412.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Lịch sử vấn đề trách nhiệm hình sự pháp nhân tại Mỹ
Ý tưởng của việc buộc các pháp nhân phải chịu TNHS đối với các hoạt động của các chi nhánh của chúng còn tương đối mới mẻ, bởi vì “vào đầu thế kỷ mười sáu và mười bảy thì quan điểm chung là pháp nhân không buộc phải chịu TNHS". V.S. Khanna lập luận rằng, quan điểm này có thể xuất phát từ ít nhất bốn trở ngại: đầu tiên, việc "quy kết hoạt động của pháp nhân chỉ là viễn tưởng pháp lý”; thứ hai, cho rằng các pháp nhân không thể "có trạng thái tâm lý cần thiết để thực hiện tội phạm có chủ định; thứ ba là "học thuyết quyền lực cực đoan, theo đó tòa án sẽ không buộc các pháp nhân phải chịu trách nhiệm đối với những hành vi, chẳng hạn như tội phạm, mà không được quy định trong điều lệ của mình”; và trở ngại thứ tư là "sự nhận thức theo nghĩa thông thường của các tòa án trong tố tụng hình sự", dẫn đến những khó khăn trong việc áp dụng những quy tắc đối với chủ thể đặc biệt là pháp nhân.
Lúc đầu các tòa án ở Mỹ bắt đầu truy cứu TNHS pháp nhân "trong những trường hợp liên quan đến việc không thực hiện những điều luật buộc phải làm của các công ty tư nhân được ủy quyền của chính phủ, chẳng hạn như chính quyền của thành phố tự trị, dẫn đến thiệt hại cho cộng đồng”, và sau đó, các quy tắc về thiệt hại cho cộng đồng và tính chịu trách nhiệm được mở rộng áp dụng đối với cả các pháp nhân hoạt động thương mại. Mặc dù “thời gian giữa năm 1800 trở về trước đã có nhiều nghi vấn là liệu pháp nhân có thể phải chịu TNHS đối với sự lạm quyền (hành vi chủ động), cũng như không làm những điều pháp luật buộc phải làm (chểnh mảng, vô trách nhiệm)”. Năm 1852, Tòa án tối cao ở New Jersey cho rằng "một pháp nhân phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại gây ra bởi những nhân viên hoặc các đại lý của nó như một con người tự nhiên; và chịu trách nhiệm như một con người tự nhiên đối với các hành vi của các đại lý thực hiện theo thẩm quyền". Vì vậy, theo Khanna, "sự phát triển này (buộc pháp nhân phải chịu trách nhiệm cho cả hai loại hành vi phạm tội có chủ định và chểnh mảng, vô trách nhiệm đối với trách nhiệm được giao) cuối cùng khuyến khích các tòa án mở rộng TNHS pháp nhân đối với tất cả các tội phạm mà không yêu cầu xác định chủ định".
Tuy nhiên, các tòa án đã chậm chạp trong việc mở rộng TNHS pháp nhân đối với các tội phạm có chủ định. Năm 1909, tập đoàn Trung tâm Niu Ước và Công ty Đường sắt Hắt sơn Ri vơ của Mỹ (New York Central & Hudson River Railroad) bị Tòa án tối cao buộc phải chịu trách nhiệm về những tội phạm có chủ định. Trong vụ án này, tập đoàn bị đơn cho rằng các quy định của pháp luật về vấn đề này, cho phép buộc các tập đoàn chịu trách nhiệm về những tội phạm thực hiện bởi các đại lý của họ là vi hiến vì "Tòa án không có thẩm quyền để quy tội cho một pháp nhân, hoặc truy tố pháp nhân bởi lý do những nhiệm vụ mà pháp nhân phải đảm nhiệm... [và] rằng, trừng phạt pháp nhân như vậy thì thực tế để trừng phạt các cổ đông vô tội, và để tước đoạt tài sản của họ mà họ không có cơ hội được xét xử, do đó không theo đúng thủ tục của pháp luật". Tuy nhiên, Tòa án đã bác bỏ lập luận này.
Sau đó các tòa án đã mở rộng tới cả các vụ án làm rõ ý định phạm tội, và "trong suốt đầu thế kỷ hai mươi các tòa án đã bắt đầu buộc các pháp nhân phải chịu TNHS… cho hầu hết những thiệt hại trừ những tội phạm hiếp dâm, giết người, vi phạm chế độ một vợ một chồng, và các tội phạm với mục đích hiểm độc”.
Theo pháp luật chung của Anh vào thế kỷ XVI-XVII, pháp nhân (doanh nghiệp) không bị truy cứu TNHS. Các luật sư vào thời điểm đó cho rằng, các công ty không phải là con người để có khả năng đưa ra sự lựa chọn thể hiện đạo đức, nên không thể phải chịu trách nhiệm về mặt đạo đức hoặc hình sự đối với các hành động của họ[1]. Một quan tòa nổi tiếng của Anh - Lord Holt - năm 1701 tuyên bố: "Doanh nghiệp không bị truy tố hình sự"[2], và trong hơn một thế kỷ, nguyên tắc pháp lý này đã hướng dẫn các thẩm phán Anh và Mỹ, ngăn chặn nỗ lực để áp đặt TNHS đối với pháp nhân. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ XIX, tình hình bắt đầu thay đổi, vì các tòa án đã bắt đầu quan tâm đến TNHS đối với doanh nghiệp cho cái gọi là “vi phạm trật tự công cộng”. Luật pháp Hoa Kỳ định nghĩa “vi phạm trật tự công cộng” là "sự vi phạm công cộng vô lý đối với các lĩnh vực rộng lớn của pháp luật về công cộng”. Danh sách các hành vi “vi phạm trật tự công cộng” bao gồm một số hành động có hại và có khả năng gây nguy hiểm, chẳng hạn như thải các khí độc hại, gây cản trở trên đường công cộng, lưu giữ các động vật bị bệnh ở nơi công cộng và sở hữu chất nổ ở những vị trí nguy hiểm. Trong thế kỷ XIX, do tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, trong các tập đoàn ở Mỹ có các “vi phạm trật tự công cộng” đã tăng lên đáng kể, pháp luật đã được dự tính để đáp ứng những thay đổi này và việc cho phép truy cứu TNHS pháp nhân đã phần nào thể hiện điều này.
Năm 1852, Tòa án tối cao bang New Jersey đã đưa ra phán quyết về khả năng truy tố hình sự đối với các công ty đường sắt đã xây một tòa nhà ở giữa đường làm cản trở giao thông[3]. Năm 1854, Tòa án tối cao thượng thẩm ở bang Massachusetts đã phán quyết về khả năng truy tố hình sự đối với một tập đoàn xây dựng một cây cầu qua sông mà tàu bè hay đi lại, tạo ra những trở ngại cho vận tải đường sông[4].
Năm 1909, trong quyết định về vụ án Trung tâm Niu Ước và Công ty Đường sắt Hắt sơn Ri vơ của Mỹ, Tòa án tối cao Mỹ đã chấp nhận luận cứ của tòa án xét xử vụ này về việc áp dụng chế tài hình sự đối với pháp nhân. Vụ án này nhắc đến đạo luật Elkins, quy định mức cước phí của các công ty vận tải, bao gồm cả các công ty vận tải đường sắt, cấm các công ty vận tải đường sắt giảm giá cho các khách hàng ưu tiên của mình. Theo sự buộc tội của nhà nước thì các nhân viên của công ty đường sắt trong vụ Trung tâm Niu Ước và Công ty Đường sắt Hắt sơn Ri vơ của Mỹ đã vi phạm quy định của Đạo luật và các tòa án buộc phải quyết định về khả năng truy cứu TNHS đối với công ty này.
Là kết quả của một quyết định của tòa án trong vụ án của công ty đường sắt Trung tâm Niu Ước và Công ty Đường sắt Hắt sơn Ri vơ của Mỹ, chế định TNHS pháp nhân đã được thiết lập vững chắc trong luật pháp Mỹ, và các doanh nghiệp phải chịu TNHS đối với các trường hợp sau:
- Tội phạm môi trường;
- Cung cấp bất hợp pháp các dịch vụ y tế;
- Vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng;
- Vi phạm pháp luật chống độc quyền;
- Tham ô và lừa đảo;
- Phổ biến hoặc trưng bày các nội dung khiêu dâm;
- Vi phạm pháp luật về an toàn tại nơi làm việc[5].
Ngoài những hành vi phạm tội này, căn cứ vào tính chất kinh tế, các doanh nghiệp thậm chí còn bị truy tố về những tội xâm phạm nhân thân, kể cả giết người. Ví dụ, vụ án của công ty xây dựng "Granit", khi có bảy công nhân xây dựng đã thiệt mạng trên công trường thi công do tai nạn. Công ty đang tiến hành công việc xây dựng bị buộc tội giết người vì đã không tuân thủ các quy tắc an toàn kỹ thuật trên công trường xây dựng. Công ty xây dựng đã phản đối với lý do là pháp nhân chỉ có thể bị truy tố đối với các tội phạm liên quan đến tài sản, chứ không phải với các tội liên quan đến con người. Tòa phúc thẩm bác bỏ lập luận này và giải thích quyết định của mình như sau: “Nỗ lực để phân biệt giữa các tội phạm xâm phạm tài sản và tội phạm xâm phạm con người quy định bởi bản chất của pháp nhân như là những chủ thể của động cơ kinh tế. Phạm tội xâm phạm tài sản, các tổ chức có thể thu nhận lợi nhuận trực tiếp cho mình, còn các tội xâm phạm đến con người không phải luôn luôn trực tiếp liên quan đến động lực của lợi nhuận. Đây là sự lập luận không xác đáng. Các doanh nghiệp đã không quan tâm đến thực tế là mình có thể gián tiếp nhận được lợi ích về kinh tế bằng cách phạm tội xâm phạm đến con người. Để nhận được loại lợi nhuận kinh tế này thì doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí áp dụng các phương tiện, biện pháp an toàn, sử dụng vũ lực đối với các công nhân đình công hoặc sử dụng phương pháp phạm tội để chống lại đối thủ. Nếu pháp nhân đã chấp nhận những mạo hiểm trên và thực hiện những hành vi tương ứng thì pháp nhân đó cũng phải chịu TNHS tương tự như các bị cáo khác”[6].
Roland Hefendehl nói rằng "chỉ có hai tình huống mà TNHS của pháp nhân không thể được áp dụng: khi tội phạm không thể bị trừng phạt bằng cách phạt tiền - mà phạt tiền là những phương tiện mang tính nguyên tắc để trừng phạt một công ty - và khi tội phạm, do bản chất của nó không thể phạm phải bởi một pháp nhân (ví dụ như hiếp dâm). Như vậy, trong phần lớn các phán quyết của tòa án Mỹ, TNHS đối với pháp nhân được xác định trên học thuyết chế độ chịu trách nhiệm thay thế bởi cấp trên. Theo học thuyết chế độ chịu trách nhiệm thay thế bởi cấp trên, ba yêu cầu phải được đáp ứng để áp đặt trách nhiệm đối với một doanh nghiệp: thứ nhất, một đại lý của doanh nghiệp phải có hoạt động bất hợp pháp (có hành vi khách quan) với trạng thái tâm lý (thể hiện ý định phạm tội); thứ hai, đại lý thực hiện những hoạt động đó trong phạm vi thẩm quyền của mình; cuối cùng, đại lý phải có dự định thu lợi cho tập đoàn.
Các tòa án liên bang cấp thấp hơn đã theo nguyên tắc chung này, ví dụ vào năm 1943, một công ty vi phạm một quy định về cấm đóng góp chính trị của các thực thể công cộng, vòng kiểm tra thứ tám phục vụ cho xét xử của tòa phúc thẩm cho rằng "không còn bất kỳ sự phân biệt cơ bản nào giữa trách nhiệm dân sự và TNHS của các doanh nghiệp, dựa trên những yếu tố của ý định hoặc sai mục đích".
 Theo một hướng khác, Tòa án tối cao cũng đã truy cứu trách nhiệm đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về “phúc lợi công cộng”. Ví dụ, tại Mỹ vào năm 1971 đối với vụ án về Tập đoàn Khoáng sản và Hóa chất quốc tế, Tòa án Tối cao áp dụng trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc tiêu chuẩn đối với tập đoàn bị đơn về việc đã vận chuyển chất độc hại và nguy hiểm[7].
2. Luật pháp Mỹ hiện hành
2.1. Bộ luật hình sự mẫu  
Mặc dù dưới “Hiến pháp Mỹ, quyền lực để áp đặt TNHS nhìn chung là dành chủ yếu cho các tiểu bang,” và do đó “luật hình sự của Mỹ được pháp điển hóa trong năm mươi hai bộ luật hình sự khác nhau” vẫn còn có những tương đồng giữa các bộ luật, “do ảnh hưởng từ Bộ luật hình sự mẫu của Viện nghiên cứu luật Mỹ. Đối với TNHS của doanh nghiệp, cách tiếp cận của Bộ luật là “hạn chế hơn so với đa số các thẩm quyền phán quyết được sử dụng tại Mỹ. Xử phạt doanh nghiệp trong các trường hợp vi phạm chỉ áp dụng nếu doanh nghiệp vi phạm một nghĩa vụ nào đó do luật định hoặc nếu việc phạm tội là do sự bất cẩn của ít nhất một trong số các lãnh đạo cấp cao.
 Bộ luật hình sự mẫu phân chia doanh nghiệp phạm tội thành ba nhóm với các hệ thống trách nhiệm khác nhau. Nhóm đầu tiên bao gồm các hành vi phạm tội phổ biến đòi hỏi phải có ý định phạm tội nhằm áp đặt trách nhiệm pháp lý đối với doanh nghiệp, thông thường là do cá nhân vi phạm như gian lận hoặc giết người ở cấp độ hai[8]. Đối với các hành vi phạm tội này, Bộ luật “cung cấp các hình phạt đối với các doanh nghiệp chỉ khi tội phạm đã được thực hiện, hoặc ít nhất cũng đã được cho phép, ra lệnh hoặc do sơ xuất bởi ban giám đốc hoặc bởi lãnh đạo chi nhánh hành động thay mặt cho doanh nghiệp trong phạm vi thẩm quyền của mình”[9].
Nhóm thứ hai bao gồm các tội phạm chứa đựng yêu cầu về ý định phạm tội của doanh nghiệp (ví dụ như sự đồng mưu kinh doanh). Ở đây, Bộ luật hình sự mẫu theo thuyết trách nhiệm thay thế bởi cấp trên, quy định rằng doanh nghiệp sẽ bị trừng phạt đối với những tội phạm mà không cần quan tâm tới vị trí của người phạm tội trong doanh nghiệp hay người phạm tội đã hành động trong phạm vi của công việc của mình và với mục đích có lợi cho tập đoàn. Ngoài ra, Bộ luật hình sự mẫu tạo ra cơ chế biện hộ có lợi cho doanh nghiệp nếu doanh nghiệp có thể chứng minh rằng một người giám sát có trách nhiệm cao hơn chủ thể của hành vi phạm tội đã làm việc rất tận tâm để ngăn chặn việc phạm tội, thì doanh nghiệp có thể không bị trừng phạt.
Cuối cùng, nhóm thứ ba được dựa trên các tội phạm có trách nhiệm tuyệt đối và đối với những tội phạm này thì theo Bộ luật hình sự mẫu, trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm thay thế bởi cấp trên, các doanh nghiệp có thể phải chịu TNHS mà không cần có bằng chứng về ý định hoặc yếu tố vật chất khác của hành vi phạm tội và cũng không cần thiết phải chứng minh việc phạm tội với mục đích có lợi cho doanh nghiệp.
2.2. Các quy định khác
 “Tại Mỹ, pháp nhân được coi là chủ thể có thể bị đưa ra xét xử và bị kết án đối với những tội phạm do cá nhân giám đốc, người quản lý và thậm chí cả nhân viên ở cấp thấp thực hiện”[10]. Mỹ là quốc gia áp dụng “TNHS đặc trưng để bổ sung cho những quy định dân sự và hành chính”, điều mà những quốc gia khác sử dụng với tư cách là công cụ để điều chỉnh những hoạt động của các pháp nhân[11].
 Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và học giả không đồng ý vì nghi ngờ cách thức mà người Mỹ tiến hành hiện nay có lợi hay gây hại nhiều hơn. Edward Diskant chỉ ra rằng, chỉ riêng quá trình đưa ra bản cáo trạng thôi cũng có thể có "tác động hủy hoại về tài chính và uy tín, và điều này có thể làm hỏng công việc kinh doanh của các công ty. Và hệ quả là, nhận thức chung trong cộng đồng kinh doanh đối với việc kết tội pháp nhân chính là cú đánh có khả năng khai tử đối với một công ty, và như vậy công ty khó có thể phục hồi ngay cả khi nó thực sự là vô tội".
Theo quy định của pháp luật hình sự, một người chỉ bị truy cứu trách nhiệm khi thực hiện hành vi rõ ràng là cố ý. Pháp nhân, khác với con người, không có khả năng nhận thức được phạm trù đạo đức, do đó, làm sao có thể truy cứu TNHS pháp nhân? Theo luật Mỹ, câu trả lời nằm trong hành động và quyết định của các nhân viên của pháp nhân đó. Tòa án thượng thẩm liên bang của Mỹ đã đưa ra phán quyết “hoạt động của pháp nhân, cuối cùng, là những hành động của các nhân viên của mình trong phạm vi thẩm quyền được trao”[12].
Để truy cứu TNHS pháp nhân, luật hình sự Mỹ yêu cầu xác định chủ ý trong các hoạt động của pháp nhân đó thông qua các hành động của nhân viên. Nếu nhân viên có “thẩm quyền thực tế” hay "thẩm quyền trên cơ sở dự đoán hợp lý" để hành động, trong đó “thẩm quyền thực tế” được hiểu là thẩm quyền do pháp nhân trao cho nhân viên này[13], “thẩm quyền trên cơ sở dự đoán hợp lý” được định nghĩa là “thẩm quyền, trong đó, theo các bên thứ ba, theo sắp đặt đại diện của tổ chức, xuất phát từ trách nhiệm và nghĩa vụ phải thực hiện của họ trong pháp nhân, có liên quan đến các hành động trước đây của mình”[14].
2.3. Hình phạt
Không giống như cá nhân, tổ chức không thể bị phạt tù, do đó tại Mỹ, phạt tiền được coi là hình phạt chủ yếu, cơ bản để áp dụng với pháp nhân. Tuy nhiên, cách tính số tiền phạt trong từng trường hợp cụ thể cũng được quy định cụ thể. Theo Luật về cải cách áp dụng hình phạt vào năm 1984, loại hình phạt áp dụng bởi Tòa án liên bang Mỹ, soạn thảo bởi Ủy ban áp dụng hình phạt của Mỹ, đối với hình phạt cho các doanh nghiệp, Ủy ban quyết định như sau: “Hướng dẫn về áp dụng hình phạt đối với các tổ chức được thiết lập để tất cả các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức và đại diện của họ, bảo đảm hình phạt công bằng và các biện pháp thích hợp ngăn chặn sẽ khuyến khích các tổ chức sử dụng cơ chế nội bộ để ngăn chặn, phát hiện và ghi lại các hoạt động bất hợp pháp”[15].
Theo khuyến nghị của Ủy ban áp dụng hình phạt, đối với việc thi hành bản án của các tổ chức, tòa án trước tiên phải “buộc các tổ chức bồi thường mọi thiệt hại gây ra bởi hành động phạm pháp của mình” nhằm khôi phục toàn vẹn cho những người bị hại[16]. Nói cách khác, trước khi tòa án áp dụng phạt tiền đối với tổ chức, thì cần phải bồi thường cho các nạn nhân. Sau đó, tòa án phải xác định thực hiện hay không “hoạt động của tổ chức chủ yếu cho mục đích tội phạm hay chủ yếu bằng các phương thức phạm tội". Trong trường hợp này, tòa án buộc phải áp dụng chế tài tiền trong phạm vi “đủ để loại bỏ tổ chức này và tất cả tài sản của nó”. Như vậy, trong ví dụ giả định trên, việc hối lộ quan chức chính phủ của doanh nghiệp để có được hợp đồng béo bở, khi áp dụng hình phạt thì tòa án kết án phải tính toán tổng giá trị các tài sản của doanh nghiệp và phạt tiền ở mức bảo đảm cho doanh nghiệp phá sản.
Trong mọi trường hợp, khi áp dụng hình phạt dưới hình thức chế tài phạt tiền thích đáng thì tòa án phải cân nhắc hai yếu tố - mức độ nghiêm trọng của tội phạm và lỗi của tổ chức[17]. Yếu tố đầu tiên, “mức độ nghiêm trọng của tội phạm” được xác định bằng cách tính toán lợi ích về tiền tệ, và các thiệt hại gây ra cho người bị hại bởi những hành động bất hợp pháp. Nói cách khác, số tiền mà tổ chức “kiếm được” càng lớn bằng cách phạm tội và các thiệt hại gây ra cho người bị hại càng đáng kể thì mức độ nghiêm trọng của tội phạm càng cao. Yếu tố thứ hai, “lỗi của tổ chức” xác định dựa trên một số yếu tố khác có thể được tóm tắt như sau: i) các biện pháp của tổ chức nhằm phòng ngừa việc phát hiện và điều tra các hành động bất hợp pháp mà tổ chức đã thực hiện tính đến thời điểm thực hiện tội phạm; ii) mức độ tham gia của nhân viên trong các hoạt động bất hợp pháp hoặc mức độ khoan dung đối với hoạt động bất hợp pháp; iii) hành động của tổ chức sau khi phạm tội; iv) lịch sử hoạt động của tổ chức.
Đối với các biện pháp của tổ chức để ngăn chặn việc phát hiện và điều tra hành vi bất hợp pháp đến thời điểm phạm tội, toà án đánh giá mức độ hiệu quả trong nội bộ doanh nghiệp về “các kế hoạch tuân thủ những tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức”. Để hỗ trợ cho các thẩm phán trong việc đánh giá này, Uỷ ban áp dụng hình phạt xác định những tiêu chí sau đây để xác định mức độ hiệu quả của kế hoạch tuân thủ theo tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức:
1. Các tổ chức phải soạn thảo và thực hiện chính sách tiêu chuẩn và thủ tục để phòng ngừa và phát hiện các hoạt động bất hợp pháp.
2. (i) Bộ phận quản lý của tổ chức cần biết về các nội dung và việc áp dụng các kế hoạch theo tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức và thực hiện quyền kiểm soát hợp lý trong việc thực hiện và tính hiệu quả của kế hoạch thực hiện theo tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức; (ii) Người quản lý cao nhất của tổ chức phải đảm bảo rằng tổ chức có một kế hoạch hiệu quả về việc tuân thủ các tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức phù hợp với yêu cầu đặt ra trong hướng dẫn này. Trong số lãnh đạo cao cấp chỉ định một hoặc một số người chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với kế hoạch tuân thủ theo tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức; (iii) Một hoặc một số nhân viên cụ thể phải kiểm soát hàng ngày đối với việc thực hiện kế hoạch tuân thủ theo tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức. Một hoặc một số nhân viên chịu trách nhiệm kiểm soát hoạt động được yêu cầu phải nộp báo cáo thường xuyên cho cấp trên và trong trường hợp cần thiết, quản lý cấp trên hoặc cơ quan quản lý cấp trên về hiệu quả của kế hoạch tuân thủ theo tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức. Nhân viên thực hiện kiểm soát hoạt động được cung cấp nguồn lực đầy đủ, quyền hạn đầy đủ và có thể trực tiếp gặp quản lý cấp cao hoặc cơ quan quản lý cấp cao của tổ chức.
3. Tổ chức phải có biện pháp hợp lý để ngăn chặn các nhân viên có thẩm quyền trước đó đã tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp hoặc các hành vi vi phạm mà không phù hợp với các nguyên tắc của một kế hoạch hiệu quả cho phù hợp với tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức.
4. (i) Tổ chức phải thực hiện các bước hợp lý để thường xuyên và với hình thức thiết thực để thu nhận thông tin của nhân viên nêu tại điểm (ii), quy định tiêu chuẩn, thủ tục và các khía cạnh khác của kế hoạch để thực hiện theo tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức, bao gồm cả việc tổ chức các khóa đào tạo hiệu quả và sử dụng những cách khác để cung cấp cho nhân viên như thông tin mà họ cần phải thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình; (ii) Người lao động nêu tại điểm 2i, là thành viên của cơ quan điều hành tối cao, quản lý cấp cao, các nhân viên với cấp bậc cao hơn, các nhân viên chủ chốt của tổ chức và khi thích hợp, là đại diện của tổ chức.
5. Tổ chức phải thực hiện các biện pháp hợp lý nhằm: (i) đảm bảo phù hợp với các kế hoạch tuân thủ theo tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức, bao gồm cả giám sát và kiểm tra để phát hiện hành vi trái pháp luật; (ii) thường xuyên đánh giá hiệu quả của việc tuân thủ của tổ chức này với các tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức; (iii) và thực hiện một hệ thống để thông báo cho tất cả nhân viên thực hiện các cơ chế để đảm bảo ẩn danh và bảo mật, thông qua đó nhân viên và đại diện tổ chức có thể không sợ bị trả thù, nói về việc sắp làm hay việc thực hiện hành vi phạm tội hoặc được tư vấn về hành động của họ liên quan chuẩn bị hoặc tội phạm đã thực hiện.
6. Để thực hiện theo tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức cần (i) khuyến khích thực hiện nhiệm vụ theo quy định của chương trình cho phù hợp với luật pháp và đạo đức (ii) các biện pháp xử lý kỷ luật thích đáng đối với những hành động bất hợp pháp và không tuân thủ việc thực hiện các bước hợp lý để ngăn chặn hoặc phát hiện những hoạt động trái pháp luật.
7. Sau khi hành vi bất hợp pháp bị phát hiện, các tổ chức có trách nhiệm thực hiện các biện pháp hợp lý để điều chỉnh đối với vi phạm pháp luật và ngăn ngừa việc thực hiện những hành vi phạm pháp tương tự trong tương lai, bao gồm cả việc tiến hành thay đổi và bổ sung cần thiết vào chương trình để thực hiện theo tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức.
8. Các tổ chức phải thường xuyên đánh giá rủi ro của các hoạt động trái pháp luật và có biện pháp thích hợp để thực hiện, áp dụng, thay đổi từng mệnh lệnh để giảm nguy cơ vi phạm pháp luật, được phát hiện trong giai đoạn kiểm tra này.
Khi phân tích các yếu tố thứ hai - mức độ tham gia thực hiện tội phạm của các thành viên chủ chốt của các tổ chức - Toà án phải xem xét quy mô của tổ chức này (dựa trên tổng số nhân viên) và mức độ tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp trong tổ chức. Đối với yếu tố thứ ba - các hoạt động của tổ chức sau khi tội phạm, Toà án phải xác định xem các tổ chức có cản trở việc điều tra, xét xử trong một vụ án hình sự (tình tiết tăng nặng) hoặc ngược lại, hợp tác với cơ quan điều tra và thừa nhận trách nhiệm của mình đối với các việc phạm tội (tình tiết giảm nhẹ). Khi phân tích yếu tố thứ tư - lịch sử hoạt động của tổ chức, Toà án phải xác định được tổ chức trước đó có vi phạm pháp luật không, và đặc biệt là có vi phạm trong thời hạn 10 năm kể từ ngày áp dụng đối với tổ chức các chế tài xử lý về hình sự, dân sự hoặc hành chính đối với các vi phạm pháp luật tương tự.
Khi áp dụng một hình phạt thích hợp cần xem xét, đánh giá các yếu tố định lượng như lợi ích tài chính cho tổ chức và các yếu tố định tính như sự sẵn sàng của tổ chức trong hợp tác với cơ quan điều tra. Mặc dù không có yếu tố riêng lẻ nào mà không có những ý nghĩa nhất định, nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng, hành vi của tổ chức sau khi phát hiện ra vi phạm đóng một vai trò quan trọng. Ví dụ, trong vụ án Mỹ kiện Công ty Du lịch hàng hải Na Uy (Mỹ kiện Cruise Lines Na Uy) về hành vi vi phạm pháp luật môi trường, doanh nghiệp đã thừa nhận trách nhiệm của mình đối với hành vi phạm tội, góp phần tích cực điều tra và nộp phạt một triệu đôla.
3. Kết luận
Năm 1991, Ủy ban tuyên án của Mỹ đã ban hành những hướng dẫn tuyên án chung đầu tiên (USSG) để xác định những bản án hình sự được áp dụng đối với các doanh nghiệp phạm tội tại các Tòa án liên bang “bao gồm sự gia tăng trong việc áp dụng những khoản tiền phạt lớn và mở rộng ủy thác nhiệm vụ của giám đốc doanh nghiệp”[18],[19]. Điều đáng nói là, theo các hướng dẫn này, nhân sự cấp cao của một công ty đã được yêu cầu phải giám sát sự tuân thủ tất cả các luật của tiểu bang và liên bang có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp”[20]. Năm 2004, Ủy ban đã ban hành hướng dẫn mới trong đó tăng lên đáng kể "mức độ trách nhiệm của nhân viên và giám đốc doanh nghiệp đối với hoạt động phạm tội hoặc hoạt động vô nguyên tắc, vô kỷ luật trong doanh nghiệp”. 
Kinh nghiệm của Mỹ cho thấy rằng, các vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến việc truy tố TNHS đối với pháp nhân, chẳng hạn như khả năng xác định trạng thái tâm lý và ý định trong hoạt động của các tổ chức, cũng như khả năng áp dụng một hình phạt thích đáng, có thể dễ dàng giải quyết. Tuy nhiên, chế định TNHS của pháp nhân là một vũ khí thực thi pháp luật mạnh mẽ có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, việc đưa chế định này vào pháp luật hình sự của quốc gia phải đồng thời giới thiệu những hướng dẫn nghiêm ngặt cho các công tố viên (kiểm sát viên) và thẩm phán để bảo đảm việc áp dụng có trách nhiệm và phù hợp nhằm ngăn chặn vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, chứ không phải với mục đích thu tiền phạt
 

[1] Beale, S.S. and Safwat, A.G., “What Developments in Western Europe Tell Us About American Critiques of Corporate Criminal Liability.” 8 Buff. Crim. L. Rev. 89, 126-27, 2004 (Бил С.С. и Сэфуат А.Джи. Что последние события в Западной Европе говорят нам о критикуемой в США уголовной ответственности юридических лиц, 2004 г .).

[1] Khanna, V.S., “Corporate Criminal Liability: What Purpose Does it Serve ?” 109 Harv. L. Rev. 1477, 1479-1480, May 1996. (Хана В.С. Уголовная ответственность юридических лиц: для чего она нужна? Май1996 г .).
[2] Anonymous Case (No. 935), 88 Eng. Rep. 1518, 1518 (K.B. 1701).
[3] The State v. the Morris and Essex Railroad Co., 23 N.J.L. 360 (1852).
[4] Commonwealth v. Proprietors of New Bedford Bridge ,  668 Mass 339 (1854). 
[5] 18B Am.Jur.2d Corporations §1844.
[6] Granite Construction Co. v. Superior Court, 149 Cal. App. 3d 465, 467 (5th Dist. 1983).
[7] U.S. v. International Minerals & Chemical Corp., 402 U.S. 558 (1971).
[8] at 291, quoting Model Penal Code § 2.07(1)(a).
[9] quoting Model Penal Code § 2.07(1)(a).
[10] Edward B. Diskant, “Comparative Corporate Criminal Liability: Exploring the Uniquely American Doctrine. Through Comparative Criminal Procedure.” The Yale Law Journal, October 2008, v.118:i1, p.126-176, at p. 128.
[11] Id. at 129.
[12] United States v. Bank of New England , N.A., 821 F .2d 844, 855 (1st Cir. 1987).
[13] Joel M. Androphy, Richard G. Paxton & Keith A. Byers, General Corporate Criminal Liability, 60 Tex. B.J. 121 (1997).
[14] United States v. BI-Co Pavers, 741 F .2d 730, 737 (5th Cir. 1984). 
[15] United States Sentencing Guidelines (“USSG”), Chapter 8, Introductory Commentary. (Руководство США по назначению наказания. Глава 8, Вступительные комментарии).
[16] USSG, Chapter 8, Introductory Commentary.
[17] USSG, tlđd.
[18] Jeffery S. Parker and Raymond A. Atkins, “Did the Corporate Criminal Sentencing Guidelines Matter? Some Preliminary Empirical Observations.” Journal of Law and Economics, v.42:n1 part 2 (April 1999), pp. 423-53, at 423.
[19] Jeffery M. Kaplan, “The New Corporate Sentencing Guidelines.” Ethikos and Corporate Conduct Quarterly, July/August 2004. Available at: http://www.singerpubs.com/ethikos/html/guidelines2004.html
[20] Keven M. Hart, “New Sentencing Guidelines for Corporate Directors and Officers.” New Jersey Law Blog, published by Stark & Stark: Nov. 2004, available at:                http://www.njlawblog.com/2004/11/articles/corporate-investigations-white/new-sentencing-guidelines-for-corporate-directors-and-officers/.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 2+3(258+259), tháng 2/2014)


Thống kê truy cập

33013053

Tổng truy cập