Hoàn thiện pháp luật về tổ chức hoạt động thanh tra và tiếp công dân của cấp huyện

22/09/2023

TS. PHẠM THỊ HUỆ

Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ.

Tóm tắt: Tổ chức hoạt động thanh tra là một trong những vấn đề được đưa ra bàn thảo nhiều nhất trong quá trình xây dựng dự thảo Luật sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010, trong đó có vấn đề tổ chức thanh tra địa phương: Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở và Thanh tra huyện. Luật Thanh tra năm 2022 đã có những điều chỉnh đáng kể về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở. Tuy nhiên, vấn đề tổ chức hoạt động thanh tra cấp huyện – là đề tài được tranh luận sôi nổi trên diễn đàn Quốc hội và truyền thông – lại gần như không có thay đổi so với Luật hiện hành đã đặt ra câu hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Từ khóa: Luật Thanh tra, tổ chức hoạt động thanh tra, tiếp công dân.
Abstract: The organization of inspection activities is one of the most discussed matters during the process of developing the law amending the Law on Inspection of 2010, including the one for the arrangement of local inspection: the Provincial Inspectorate, Provincial Department Inspectorate, and District Inspectorate. The Law on Inspection of 2022 has made significant adjustments to the organizational structure, functions, mandates, and powers of provincial and departmental inspectorates. However, the matter of arrangements for district inspection activities - which is a hotly debated topic on the National Assembly forums and in the media - has remained almost unchanged compared to the current law, which raises questions that need to be reviewed, studied for further improvements.
Keywords: Law on Inspection; organization of inspection activities; reception of citizens.
TIẾP-CÔNG-DÂN.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022 về tổ chức hoạt động thanh tra, tiếp công dân của cấp huyện
Luật Thanh tra đã được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. Với mục đích khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật hiện hành (Luật Thanh tra năm 2010), Luật Thanh tra năm 2022 (Luật 2022) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng và được kỳ vọng sẽ là công cụ pháp lý góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động thanh tra, đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Một trong những sửa đổi được thể hiện trong Luật 2022 là điều chỉnh mô hình các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính để phù hợp hơn với thực tiễn quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, với thanh tra cấp huyện, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra cấp huyện về cơ bản được giữ nguyên so với Luật hiện hành. Luật 2022 chỉ bổ sung một chức năng của thanh tra huyện đó là: “…giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về tiếp công dân; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân… theo quy định pháp luật[1].
Như vậy, có thể nói, Luật 2022 dường như chưa giải quyết triệt để những vấn đề còn vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của thanh tra cấp huyện.
Thứ nhất, về tổ chức hoạt động thanh tra
Theo quy định tại Điều 30 Luật Thanh tra năm 2022, Thanh tra huyện có nhiệm vụ giúp Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp huyện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của UBND cấp huyện; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Như vậy, với việc bổ sung thêm chức năng quản lý nhà nước về tiếp công dân, thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, Luật 2022 đã quy định chức năng của Thanh tra huyện trên tất cả các lĩnh vực công tác của ngành giống như Thanh tra tỉnh.
Trong lĩnh vực thanh tra, Thanh tra huyện giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra huyện được quy định cụ thể, bao gồm: Xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Thanh tra huyện, báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định trước khi gửi Thanh tra tỉnh tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của tỉnh; Tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Thanh tra huyện trong kế hoạch thanh tra của tỉnh; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và của UBND cấp xã; Thanh tra vụ việc khác khi được Chủ tịch UBND cấp huyện giao; Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra huyện và quyết định xử lý về thanh tra của Chủ tịch UBND cấp huyện; Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra[2].
Theo quy định này, Thanh tra huyện sẽ không chủ động trong xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra như quy định trong Luật Thanh tra hiện hành. Để tránh trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, Điều 23 Luật 2022 đã quy định Thanh tra cấp tỉnh có nhiệm vụ: Xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của tỉnh, hướng dẫn Thanh tra sở, Thanh tra huyện xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra để tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của tỉnh trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành; Tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của Thanh tra sở, Thanh tra huyện. Đồng thời, Luật quy định nhiệm vụ của Thanh tra huyện là xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Thanh tra huyện, báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định trước khi gửi Thanh tra tỉnh tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của tỉnh. Sau khi Thanh tra tỉnh tổng hợp, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch thanh tra chung của tỉnh thì Thanh tra huyện có nhiệm vụ: Tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Thanh tra huyện trong kế hoạch thanh tra của tỉnh. Một số nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện theo Luật hiện hành như: Thanh tra vụ việc phức tạp, có liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Tuy nhiên, xét về bản chất hoạt động, Thanh tra huyện vẫn sẽ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn này nếu nó được thể hiện trong Kế hoạch thanh tra chung do Chủ tịch UBND tỉnh ký. Ngoài ra, Thanh tra huyện vẫn sẽ thực hiện nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND huyện giao.
Nếu so sánh về câu từ trong điều khoản, quy định của Luật 2022 dường như chú trọng hơn đến chức năng giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra và hạn chế nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện thanh tra trực tiếp của Thanh tra huyện. Khi Luật 2022 có hiệu lực thi hành, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra trực tiếp của Thanh tra huyện có hai khả năng xảy ra: khả năng thứ nhất, có thể giữ nguyên như hiện tại nếu dự thảo kế hoạch thanh tra ban đầu của họ gửi lên được Thanh tra tỉnh giữ nguyên và đưa vào kế hoạch thanh tra chung của tỉnh. Khả năng thứ hai, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra huyện sẽ bị thu hẹp khi nội dung dự thảo kế hoạch thanh tra ban đầu của họ bị đưa ra khỏi kế hoạch thanh tra chung của tỉnh hoặc được lồng ghép vào là một phần trong kế hoạch thanh tra chung. Khi đó, Thanh tra huyện hoặc không tổ chức thanh tra theo dự thảo kế hoạch ban đầu, hoặc sẽ tham gia một phần vào những cuộc thanh tra chung theo kế hoạch của tỉnh với tư cách thành viên Đoàn thanh tra. Khả năng thứ hai dễ xảy ra hơn bởi mục đích quy định của Luật 2022 là trao quyền cho Thanh tra tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra chung để tránh trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra tại địa phương.
Như vậy, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra trực tiếp của Thanh tra huyện sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Thanh tra tỉnh. Đồng thời, họ vẫn có nhiệm vụ: Thanh tra vụ việc khác khi được Chủ tịch UBND cấp huyện giao. Vấn đề đặt ra là nếu như dự thảo kế hoạch do Thanh tra huyện đưa lên và Thanh tra tỉnh đưa ra khỏi kế hoạch thanh tra chung của tỉnh nhưng Chủ tịch UBND huyện vẫn giao Thanh tra huyện tiến hành nếu thấy không trùng lặp, chồng chéo với nội dung kế hoạch thanh tra chung thì Thanh tra huyện vẫn phải thực hiện. Trong trường hợp này, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực thanh tra của Thanh tra huyện không khác gì so với hiện tại. Từ góc độ phân tích như vậy, có thể thấy quy định của Luật 2022 chưa giải quyết được vấn đề chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra của Thanh tra huyện còn nhiều hạn chế trong thời gian qua.
Thực tiễn thực hiện Luật Thanh tra hiện hành cho thấy, về cơ bản, Thanh tra huyện thực hiện chức năng trên tất cả các lĩnh vực công tác của ngành, tuy nhiên mức độ thực hiện có sự khác biệt rõ rệt. Trong đó, việc “thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của UBND cấp huyện” là mảng chức năng còn nhiều hạn chế. Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Thanh tra năm 2010 cũng cho thấy hiệu quả hoạt động của cơ quan thanh tra cấp huyện còn hạn chế… không phát huy được vai trò trong phát hiện, kiến nghị khắc phục sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật, phòng ngừa và phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước của Chủ tịch UBND cấp huyện… Số cuộc thanh tra được triển khai trong năm rất ít. Tính trung bình số cuộc thanh tra do Thanh tra huyện tiến hành trong vòng 05 năm (2015-2020) trở lại đây của tỉnh Hà Tĩnh là 2,54, thành phố Cần Thơ là 2,67, tỉnh Bắc Kạn là 3,13, tỉnh Bạc Liêu là 2,86...)[3].
Một số hạn chế khác trong thực trạng tổ chức hoạt động thanh tra của cấp huyện cũng được chỉ ra trong các nghiên cứu, khảo sát như: (1) Hầu hết các cuộc thanh tra đều có phạm vi nhỏ, ngắn ngày, chỉ mang tính chất kiểm tra chuyên ngành[4]. Sau khi tiến hành thanh tra, nếu nội dung thanh tra có thể mở rộng hơn, có tính chất phức tạp hơn, Thanh tra huyện sẽ báo cáo, đề xuất chuyển cuộc thanh tra đó lên cho Thanh tra tỉnh/thành phố thực hiện, thanh tra huyện/quận sẽ phối hợp nếu được yêu cầu; (2) Việc giám sát hoạt động đoàn thanh tra của thanh tra cấp huyện chỉ mang tính hình thức. Thực tế cho thấy, các cuộc thanh tra của thanh tra cấp huyện đều do người ra quyết định thanh tra thực hiện giám sát và thể hiện trong quyết định thanh tra.
Có thể chỉ ra một số nguyên nhân của thực trạng này đó là:
Một là, từ góc độ tổ chức bộ máy, biên chế hiện nay của Thanh tra huyện được giao trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng số biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính của huyện được cấp có thẩm quyền giao. Số lượng công chức, người lao động tại Thanh tra huyện trung bình từ 04 - 07 người (01 Chánh thanh tra và không quá 02 Phó Chánh thanh tra[5] áp dụng cho tất cả các cơ quan thanh tra huyện trên toàn quốc. Tuy nhiên, cũng có những địa phương, số lượng biên chế trung bình của Thanh tra huyện khá ít. Ví dụ: Bắc Kạn từ 02 đến 03 biên chế, Cao Bằng từ 03 đến 04 biên chế, Quảng Trị 03 đến 04 biên chế,... Bên cạnh đó, trong cơ cấu nhân sự của cơ quan thanh tra huyện thì số lượng công chức được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra chưa nhiều do những yêu cầu khắt khe về chuyên môn, nghiệp vụ, lại thường xuyên có sự thay đổi do sự điều động, luân chuyển công tác từ phía UBND. Thực trạng đó dẫn đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ thanh tra huyện hoàn toàn bị động bởi không thể kế hoạch hóa được việc đào tạo, quy hoạch đội ngũ cán bộ thanh tra chuyên nghiệp và tâm huyết, gắn bó với nghề. Sự thiếu ổn định về nhân sự và hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến việc khó đảm bảo về chất lượng cán bộ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ khó đáp ứng yêu cầu công tác. Với số lượng biên chế có hạn lại thường xuyên biến động như vậy, cùng với việc phải tập trung nhiều hơn vào thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo - là lĩnh vực được cơ quan này thực hiện nhiều nhất - thì nhân sự dành cho thực hiện nhiệm vụ thanh tra là không đủ, không thể tiến hành các cuộc thanh tra có quy mô lớn, dài ngày. Do vậy, chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra trên thực tế rất hạn chế.
Hai là, việc quy định cứng số lượng biên chế của cơ quan thanh tra huyện trên phạm vi cả nước vừa không phù hợp với thực tiễn từng địa phương, vừa không đáp ứng được những yêu cầu về nhiệm vụ của Thanh tra huyện. Bởi lẽ, tại những địa phương có quy mô dân số lớn, có mức độ phát triển kinh tế, xã hội hơn, vai trò của cơ quan thanh tra cấp huyện sẽ lớn hơn nhưng số lượng biên chế cũng ngang bằng như cơ quan thanh tra ở những địa phương có dân số ít, kinh tế chưa phát triển, tình hình xã hội không phức tạp. Điều này dẫn đến việc “quá tải” đối với cơ quan thanh tra huyện ở chỗ này nhưng lại lãng phí nguồn lực ở nơi khác. Ví dụ, Thanh tra huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang số cuộc thanh tra trung bình một năm tính từ 2011 đến 2017 là 03 cuộc trong khi thanh tra quận Hà Đông, thành phố Hà Nội là 07 cuộc[6]. Đây cũng là một hạn chế trong thực hiện Luật Thanh tra năm 2010 đặt ra yêu cầu cần có sự điều chỉnh trong Luật mới. Quá trình sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010, vấn đề không tổ chức thanh tra huyện để tinh giản đầu mối cũng đã từng được đưa vào Dự thảo Luật. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, ý kiến cho rằng huyện là một cấp chính quyền hoàn chỉnh nên cần thiết phải có tổ chức thanh tra để giúp cho UBND trong công tác quản lý đã thuyết phục được đa số. Quan điểm giữ lại Thanh tra huyện và tăng cường đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả đã được thể hiện bằng quy định về Thanh tra huyện hiện nay trong Luật 2022.
Vấn đề đặt ra là, khi Luật 2022 có hiệu lực, cơ quan thanh tra cấp huyện sẽ chính thức thực hiện thêm một lĩnh vực là quản lý nhà nước về tiếp công dân. Thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân nhưng số lượng biên chế và chất lượng cán bộ, công chức thanh tra không thay đổi như hiện nay thì việc tổ chức hoạt động thanh tra sẽ khó đảm bảo duy trì hiệu quả như hiện tại chứ chưa nói đến việc nâng cao hiệu quả.
Ngược trở lại vấn đề tổ chức hoạt động thanh tra ở địa phương, khi tổng kết thực hiện Luật Thanh tra năm 2010, việc tổ chức hoạt động thanh tra sở cũng có nhiều điểm tương đồng như tổ chức hoạt động thanh tra cấp huyện từ vấn đề biên chế ít và thường xuyên bị điều động, luân chuyển nên khó khăn trong nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; số lượng Đoàn thanh tra thực hiện được tính trung bình trong năm rất ít[7] và chủ yếu là Đoàn thanh tra có quy mô nhỏ; việc giám sát hoạt động Đoàn thanh tra chủ yếu do người ra quyết định thanh tra tự giám sát do hạn chế về số lượng biên chế; hiệu quả hoạt động thanh tra cấp sở rất hạn chế. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, xuất phát từ đặc điểm và nhu cầu quản lý trong các lĩnh vực ở từng địa phương khác nhau, đồng thời để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương, Luật  2022 đã có những thay đổi căn bản về tổ chức hoạt động thanh tra sở. Theo đó, Thanh tra sở được thành lập tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp; tại sở, do UBND tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao. Với những lĩnh vực quản lý nhà nước của các sở không thành lập Thanh tra sở, Thanh tra tỉnh sẽ thực hiện thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của sở đó. Theo tác giả, đây là điểm mới rất tích cực của Luật Thanh tra năm 2022 không chỉ thu gọn đầu mối cơ quan nhà nước, giải quyết căn cơ những hạn chế trong hoạt động thanh tra tại địa phương. Vậy nhưng, với Thanh tra huyện có những tồn tại, hạn chế từ thực tiễn lại không được Luật  2022 giải quyết dứt điểm như với Thanh tra sở vì cho rằng, Thanh tra huyện thuộc UBND huyện là một cấp chính quyền hoàn chỉnh nên cần phải có tổ chức thanh tra để giúp cho UBND trong công tác quản lý có lẽ chưa thực sự thuyết phục. Bởi lẽ, UBND huyện có nhiều công cụ khác để quản lý nhà nước chứ không chỉ có tổ chức thanh tra và việc không tổ chức hoạt động thanh tra cho Thanh tra cấp huyện (nếu có) cũng không có nghĩa là lĩnh vực này ở huyện bị bỏ trống mà sẽ được thực hiện bởi cơ quan nhà nước khác.
Hai là, về tổ chức hoạt động tiếp công dân
Với quy định tại Điều 30 Luật 2022, cơ quan thanh tra cấp huyện chính thức thực hiện chức năng giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về tiếp công dân, thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân. Trên thực tế hiện nay, Thanh tra huyện vẫn thực hiện nhiệm vụ này nhưng là nhiệm vụ do Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu và giao chứ không phải nhiệm vụ do luật định. Theo quy định của pháp luật tiếp công dân, nhiệm vụ này của Ban tiếp công dân ở cấp huyện thuộc văn phòng UBND cùng cấp.
Việc thể chế hóa nhiệm vụ này của Thanh tra huyện trong Luật 2022 đã khẳng định vai trò quan trọng của Thanh tra huyện trong lĩnh vực tiếp công dân tại địa phương. Đồng thời, với việc quy định chính thức là một chức năng, nhiệm vụ trong Luật thì cơ quan thanh tra sẽ phải thực hiện nhiều công việc hơn, vốn trước đây là nhiệm vụ của Ban tiếp công dân. Chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư theo lý thuyết khi chuyển về là nhiệm vụ của cơ quan thanh tra sẽ đảm bảo hơn, bởi đội ngũ cán bộ thanh tra có chuyên môn, nghiệp vụ và được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Mặc dù Luật 2022 không làm phát sinh thêm chức năng, nhiệm vụ trên thực tế của Thanh tra huyện nhưng quy định này đặt ra vấn đề là khi Luật này có hiệu lực, việc tổ chức hoạt động tiếp công dân ở cấp huyện sẽ thực hiện như thế nào? Ban tiếp công dân hiện tại được tổ chức và hoạt động theo Luật Tiếp công dân và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nên sẽ không đương nhiên bị thay đổi bởi quy định của Luật 2022. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước về tiếp công dân, thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân trên thực tế của Ban tiếp công dân cấp huyện và cơ quan thanh tra huyện vẫn cần Chủ tịch UBND phân công, giao nhiệm vụ. Như vậy, quy định này của Luật 2022 chỉ là chính thức hóa một nhiệm vụ vốn được Thanh tra huyện thực hiện trên thực tế chứ dường như chưa thể giải quyết được vấn đề căn cơ là hiệu quả công tác tiếp công dân tại địa phương. Bởi lẽ, Ban tiếp công dân hay cơ quan thanh tra thực tế chỉ phân loại, xử lý đơn và chuyển đến các cơ quan chuyên môn cấp huyện để giải quyết. Cơ quan thanh tra chủ yếu tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước giải quyết mà không trực tiếp giải quyết. Vấn đề căn cơ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân là để tiếp nhận, xử lý đơn nhanh chóng cho công dân, giải quyết đúng thẩm quyền, dứt điểm triệt để vấn đề của người dân thì sẽ không giải quyết được bằng quy định này của Luật 2022.
2. Một số kiến nghị
Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức hoạt động thanh tra cấp huyện
Trước mắt, khi Luật 2022 có hiệu lực, việc tổ chức thực hiện quy định của Luật về tổ chức hoạt động thanh tra cấp huyện nên theo hướng Thanh tra huyện chủ yếu tập trung thực hiện nhiệm vụ giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra; thực hiện thanh tra hành chính đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và của UBND cấp xã. Hạn chế tối đa, dần tiến tới bỏ chức năng thanh tra kinh tế - xã hội của Thanh tra huyện. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần có sự điều chỉnh linh hoạt về số lượng biên chế đối với Thanh tra huyện phù hợp với nhu cầu thực tiễn tại địa phương và yêu cầu thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thanh tra của Thanh tra huyện.
Về lâu dài, cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện. Theo tác giả, quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện cần có sự đổi mới mạnh mẽ trên cơ sở tiếp cận từ tổ chức bộ máy và hiệu quả hoạt động. Tránh tổ chức dàn trải, đồng nhất cứng nhắc theo một mô hình ở tất các địa phương trên phạm vi cả nước như hiện nay. Tiếp tục nghiên cứu, xem xét phương án tổ chức Thanh tra huyện theo cách tiếp cận như tổ chức Thanh tra sở của Luật 2022: chỉ tổ chức hoạt động Thanh tra huyện tại những tỉnh/thành phố lớn có đông dân cư, mức độ phát triển kinh tế - xã hội cao, nhu cầu quản lý phức tạp. Giao quyền chủ động cho UBND tỉnh quyết định việc tổ chức hoạt động thanh tra cấp huyện tùy thuộc vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương.
Hai là, cần hoàn thiện cơ chế tổ chức hoạt động tiếp công dân cấp huyện
Từ thực tiễn thực hiện tiếp công dân của cấp huyện, theo tác giả, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong điều kiện nhân sự còn khá hạn chế của cơ quan thanh tra, cần giảm tải công việc tiếp nhận, xử lý đơn cho cơ quan thanh tra, đồng thời tăng tính chủ động, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn cấp huyện. Cụ thể, sửa đổi Luật Tiếp công dân năm 2013 theo hướng:
- Chuyển Ban tiếp công dân từ thuộc UBND cấp huyện như hiện tại về thuộc Thanh tra huyện. Đồng thời, quy định trách nhiệm của cơ quan thanh tra huyện trong việc nhận đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân hoặc đơn chưa rõ thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị, cá nhân nào. Thanh tra huyện thực hiện chức năng, nhiệm vụ giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về tiếp công dân; thực hiện tiếp công dân đối với trường hợp không thuộc thẩm quyền tiếp của phòng, ban chuyên môn.
- Quy định cụ thể về trách nhiệm tiếp công dân của các phòng, ban chuyên môn cấp huyện theo hướng những đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước nào sẽ do phòng, ban chuyên môn cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành tiếp nhận, xử lý và giải quyết. Khi nhận được đơn không thuộc thẩm quyền, phòng, ban chuyên môn sẽ giải thích, hướng dẫn cụ thể để người dân (hoặc trực tiếp chuyển đơn) đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết./.  
[1] Khoản 1 Điều 30 Luật Thanh tra năm 2022.
[2] Khoản 1 Điều 31 Luật Thanh tra năm 2022.
[3] Báo cáo số 276/BC-TTCP, ngày 28/02/2022 của Thanh tra Chính phủ “Tổng kết thi hành Luật Thanh tra năm 2010”.
[4] Báo cáo kết quả khảo sát thuộc đề tài khoa học cấp bộ năm 2022-2023: “Tổ chức hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp huyện”, Thanh tra Chính phủ.
[5] Điều 8 Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-TTCP-BNV, ngày 08/09/2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ phối hợp Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành.
[6] Xem: http://www.thanhtravietnam.vn/tin-trong-nganh/thanh-tra-quan-ha-dong-thanh-tra-de-dam-bao-quyen-va-loi-ich-hop-phap-cua-nguoi-dan-193927.
[7] Theo Báo cáo số 276/BC-TTCP, ngày 28/02/2022 của Thanh tra Chính phủ: Tính trung bình số cuộc thanh tra do Thanh tra huyện tiến hành trong vòng 05 năm (2015-2020) trở lại đây của tỉnh Hà Tĩnh là 2,54, thành phố Cần Thơ là 2,67, tỉnh Bắc Kạn là 3,13, tỉnh Bạc Liêu là 2,86... Số cuộc thanh tra trung bình do Thanh tra sở tiến hành như sau: Thanh tra Sở Nội vụ là 2,49, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư là 2,89, Thanh tra Sở Tư pháp là 2,1, Thanh tra Sở Ngoại vụ là 2,95...

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 09 (481), tháng 05/2023.)