Bảo đảm quyền của bị cáo trong xét xử trực tuyến vụ án hình sự ở Việt Nam hiện nay

30/08/2023

TS. VÕ QUỐC TUẤN

Chánh án Tòa án nhân dân TP. Nha Trang, Khánh Hòa.

Tóm tắt: Phiên tòa trực tuyến xét xử vụ án hình sự là phiên tòa sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau, thông qua môi trường mạng internet. Một số chủ thể có thể tham gia phiên tòa ngoài phòng xử án do Z Tòa án quy định nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Trong bài viết này, tác giả phân tích một số vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp bảo đảm quyền của bị cáo trong xét xử trực tuyến vụ án hình sự ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Xét xử trực tuyến vụ án hình sự, phiên tòa hình sự trực tuyến, bảo đảm quyền của bị cáo.
Abstract: A criminal case online trial is a trial using electronic devices connected to each other through the internet. Particular subjects may be allowed to participate in the trial outside the courtroom prescribed by the Court but it is complied with the principles, the procedures and the steps as prescribed by applicable legal regulations. Within this article, the author provides an analysis of a number of theoretical issues, assessments of the current situation and gives out recommendations for assurance of the defendant's rights in the online trial of criminal cases in Vietnam.
Keywords: Criminal case online trial; online criminal court; assurance of the defendant's rights.
 XÉT-XỬ-TRỰC-TUYẾN.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái niệm, đặc điểm và phương thức bảo đảm quyền của bị cáo trong xét xử trực tuyến vụ án hình sự
1.1. Khái niệm bảo đảm quyền của bị cáo trong xét xử trực tuyến vụ án hình sự
Ngày 01/01/2022, Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV về tổ chức phiên tòa trực tuyến có hiệu lực. Theo đó, “phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm”[1].
Xét xử vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến của Tòa án nhân dân là hoạt động xét xử của Tòa án đối với các vụ án hình sự thoả mãn các điều kiện do pháp luật quy định, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng để truyền tải hình ảnh và âm thanh hai chiều giữa hai hoặc nhiều địa điểm từ xa trong giai đoạn xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm của vụ án hình sự; được diễn ra trong phòng xét xử trực tuyến với hình thức và thành phần tham dự theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự (TTHS). Bị cáo là người bị tình nghi thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi đó được quy định trong Bộ luật Hình sự, bị Viện kiểm sát truy tố bằng cáo trạng thông qua quyết định truy tố và bị Tòa án đưa ra xét xử. Bảo đảm quyền con người là những hoạt động, những công việc tạo ra các điều kiện, tiền đề cần thiết làm cho quyền của chủ thể được thực hiện đầy đủ[2], bảo đảm được hiểu “là làm cho chắc chắn, thực hiện được, giữ gìn được hoặc có đầy đủ những gì cần thiết"[3]. Có thể hiểu bảo đảm cũng là trách nhiệm của một chủ thể (cá nhân, tổ chức) phải làm cho quyền và lợi ích của chủ thể bên kia chắc chắn thực hiện được, được giữ gìn, nếu xảy ra thiệt hại thì phải bồi thường. Từ những phân tích trên có thể hiểu khái niệm bảo đảm quyền của bị cáo trong xét xử trực tuyến vụ án hình sự là việc ghi nhận bằng pháp luật các quyền của bị cáo; đồng thời, thông qua phiên tòa trực tuyến sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau, thông qua môi trường mạng, các chủ thể thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm và bảo vệ các quyền của bị cáo cũng như tạo ra các điều kiện cần thiết để bị cáo sử dụng các quyền của họ theo quy định của pháp luật.
1.2. Đặc điểm bảo đảm quyền của bị cáo trong xét xử trực tuyến vụ án hình sự
Ngoài những đặc điểm của xét xử vụ án hình sự nói chung như đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật TTHS, như quy định về thẩm quyền xét xử, thành phần tham gia phiên tòa, thủ tục xét xử, bảo đảm các nguyên tắc xét xử vụ án hình sự, bảo đảm quyền của bị cáo tại phiên tòa, bảo đảm quyền của bị cáo trong xét xử trực tuyến vụ án hình sự có đặc điểm:
Thứ nhất, bảo đảm quyền của bị cáo trong xét xử vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến không nhất thiết có đầy đủ các thành phần tham gia phiên tòa như phiên tòa thông thường. Nếu như xét xử trực tiếp yêu cầu các thành phần tham dự phiên tòa phải mặt đối mặt thì xét xử trực tuyến không cần sự tiếp xúc trực tiếp giữa những người tham gia phiên tòa. Thông qua việc kết nối mạng lưới Internet, một hoặc một số thành phần không cần phải có mặt tập trung tại một phòng xử án mà vẫn đảm bảo hoạt động xét xử được diễn ra bình thường. Đây là giải pháp đột phá nhằm góp phần thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong bối cảnh đại dịch covid-19 diễn ra toàn cầu và tại Viêt Nam vừa qua.
Thứ hai, bảo đảm quyền của bị cáo trong xét xử vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến được hỗ trợ bằng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại. Xét xử trực tuyến lấy việc ứng dụng CNTT hiện đại làm cốt lõi. Đây là đặc điểm nổi bật nhất, mang ý nghĩa nhận diện xét xử trực tuyến và phân biệt với hình thức xét xử truyền thống. Xét xử trực tuyến giúp các thành phần tham gia xét xử có thể trao đổi thông tin trực tiếp từ xa bằng cách kết nối qua đường truyền mạng Internet, WAN hay LAN để đưa tín hiệu của các phòng họp đến với nhau như đang ngồi họp trong cùng một phòng. Người tham gia có thể nói chuyện với nhau, nhìn thấy nhau, sử dụng ngôn ngữ cơ thể, và đặc biệt có thể chia sẻ dữ liệu (voice, video, data) qua vài thao tác trên máy tính.
Thứ ba, bảo đảm quyền của bị cáo trong xét xử vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến chỉ thực hiện đối với các vụ án hình sự có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các vụ án đặc biệt không thể xét xử trực tuyến theo quy định của pháp luật như vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước, vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự, vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự hiện hành.
Thứ tư, chứng cứ, tài liệu trong xét xử vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến đều được chuyển thành dữ liệu điện tử. Để thuận tiện trong hoạt động xét xử vụ án hình sự, chứng cứ trong phiên tòa trực tuyến thì phải nộp và trao đổi chứng cứ, các tài liệu liên quan bằng phương tiện điện tử. Còn đối với nội dung tài liệu, chứng cứ quan trọng vẫn phải nộp trực tiếp tại Tòa án. Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Những phương thức dữ liệu hóa chứng cứ phải tuân thủ về cách thức và kỹ thuật theo quy định của pháp luật để đảm bảo giá trị của chứng cứ. Sau khi nhận tài liệu, chứng cứ, Tòa án kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã nhận và gửi thông báo đã nhận từ Cổng thông tin điện tử của Tòa án đến địa chỉ thư điện tử đã đăng ký, “xét xử trực tuyến có thể được chia sẻ qua các công cụ điện tử hiện đại như máy tính, mạng vệ tinh, mạng Internet, Intranet, các website... hoặc có thể thu được từ đĩa CD, băng video, audio”[4].
Thứ năm, bảo đảm quyền của bị cáo trong xét xử vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến phải đảm bảo an ninh, an toàn trên không gian mạng. Xét xử trực tuyến là hoạt động diễn ra trên môi trường không gian mạng; vì vậy, bên cạnh những lợi ích to lớn mà không gian mạng mang lại thì chúng ta cũng phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công qua mạng bởi các thành phần tội phạm, phản động, chống phá, thậm chí là khủng bố. Những đối tượng này có thể gây gián đoạn phiên xét xử trực tuyến; gây rối trật tự phiên tòa; xâm phạm, đánh cắp bí mật, thông tin cá nhân của người tham gia tố tụng nhằm mục đích cản trở phiên tòa, phát tán thông tin cá nhân, xuyên tạc sự thật gây hoang mang dư luận,... Do đó, việc ưu tiên đảm bảo an ninh, an toàn trên không gian mạng; đảm bảo bí mật, thông tin cá nhân, bí mật đời tư là nhiệm vụ quan trọng gắn liền với hình thức xét xử trực tuyến.
1.3. Phương thức bảo đảm quyền của bị cáo trong xét xử trực tuyến vụ án hình sự
Xét xử trực tuyến là xét xử mà không cần tiếp xúc trực tiếp giữa những người tham gia phiên tòa nhưng phiên tòa phải diễn ra đúng trình tự, thủ tục và công bằng; Tòa án ghi nhận bằng pháp luật các quyền của bị cáo, bảo đảm quyền của bị cáo trong hoạt động xét xử vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến. Đồng thời, thông qua thực tiễn hoạt động xét xử vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến, các chủ thể thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm và bảo vệ các quyền của bị cáo cũng như tạo ra các điều kiện cần thiết để bị cáo sử dụng các quyền của họ theo quy định của pháp luật. Như vậy, bảo đảm quyền của bị cáo trong hoạt động xét xử vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến của Tòa án nhân dân thuộc về trách nhiệm của nhiều chủ thể với những hoạt động khác nhau, dựa trên các điều kiện bảo đảm nhất định. 
Có thể khẳng định, phương thức bảo đảm quyền của bị cáo trong hoạt động xét xử vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến của Tòa án nhân dân được thể hiện trên các khía cạnh: a) bảo đảm quyền của bị cáo trong hoạt động xét xử vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến của Tòa án nhân dân bằng pháp luật; b) bảo đảm quyền của bị cáo trong hoạt động xét xử vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến của Tòa án nhân dân thông qua việc phát huy trách nhiệm, quyền hạn của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; c) bảo đảm quyền của bị cáo trong hoạt động xét xử vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến của Tòa án nhân dân thông qua các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật. Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV về tổ chức phiên tòa trực tuyến quy định việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa. Điều đó có nghĩa là hoạt động xét xử vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến của Tòa án nhân dân phải bảo đảm đầy đủ quyền của bị cáo tại phiên tòa.
2. Thực trạng bảo đảm quyền của bị cáo trong xét xử trực tuyến vụ án hình sự ở Việt Nam hiện nay
Các văn bản pháp luật làm nền tảng cho hoạt động xét xử trực tuyến vụ án hình sự bao gồm: Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC, ngày 21/9/2018 của Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của tòa gia đình và người chưa thành niên; Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Quyết định số 512A/QĐ-TANDTC về Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Thông tư Liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP. Để thực hiện tốt, đảm bảo các yêu cầu đặt ra và hiệu quả phiên tòa trực tuyến, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 50/QĐ-TANDTC hướng dẫn về trang bị, lắp đặt thiết bị phục vụ tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến cho phòng xử án của Tòa án các cấp. Trước đó, Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về phòng xử án được trang bị hệ thống trực tuyến bao gồm trang thiết bị điện tử, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin riêng biệt với trang thiết bị công nghệ thông tin thông thường khác của Tòa án.
Việc ban hành các quy định nêu trên đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến, trong đó có xét xử vụ án hình sự. Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xét xử và được cử tri, nhân dân đánh giá cao[5]. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã khẩn trương chủ động chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành các văn bản và tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện việc xét xử trực tuyến. So với tổng số vụ việc đã được giải quyết trong năm 2022 (504.68 vụ, việc) là không cao, “chỉ chiếm 0,7% nhưng trong cả nước, số tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đã tổ chức được phiên tòa trực tuyến là tương đối cao”[6]. Việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến đã “góp phần đảm bảo tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, tạo cơ chế thuận lợi để bị can, bị cáo… đang cư trú hoặc bị tạm giam ở những vùng có dịch, vùng bị thiên tai hoặc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn dễ dàng tham gia phiên tòa mà không phải đến trực tiếp”[7]
Báo cáo công tác của các tòa án tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong năm 2022 “có tổng cộng 188 Tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến với tổng cộng 1.027 vụ án. Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống tòa án, đã giúp hạn chế tập trung đông người tại một phòng xử án, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, giảm thiểu chi phí và thời gian đến phiên tòa”[8]. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai công tác tòa án năm 2023 do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh “công tác xét xử trực tuyến của tòa án có nhiều nỗ lực với hơn 5.000 vụ án, tạo được hiệu ứng dư luận xã hội rất tốt, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh có những diễn biến phức tạp. Hệ thống tòa án đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xét xử, nhất là sử dụng quản lý án và trợ lý ảo đã được nhiều thẩm phán sử dụng trợ lý ảo để tham khảo trong công việc của mình”[9]. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị và sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị nên các phiên tòa hình sự trực tuyến diễn ra đều bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa, hội thẩm, thư ký tòa án phát huy tinh thần trách nhiệm bảo đảm phiên tòa diễn ra đúng pháp luật; cán bộ, chiến sĩ trại tạm giam ngoài nhiệm vụ đảm bảo trật tự phiên tòa còn được tập huấn công nghệ thông tin để hỗ trợ các bị cáo trả lời Hội đồng xét xử qua camera, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo như các phiên tòa trực tiếp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, bảo đảm quyền của bị cáo trong hoạt động xét xử vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến của Tòa án nhân dân qua thực tiễn xét xử có những bất cập, hạn chế:
-         Quy định pháp luật bảo đảm quyền của bị cáo trong hoạt động xét xử vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến của Tòa án nhân dân còn nhiều bất cập. Căn cứ để Thẩm phán quyết định có tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với các vụ án hay không là dựa vào quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 33/2021, trên thực tế “xác định, đánh giá tiêu chí này để quyết định mở phiên tòa trực tuyến còn khá lúng túng, vướng mắc do quy định của điều luật còn chưa cụ thể, rõ ràng”[10]. Pháp luật về xét xử phiên tòa trực tuyến nói chung và phiên tòa hình sự ở Việt Nam hiện nay chưa đầy đủ, đồng bộ, “các quy định hiện nay về phiên tòa trực tuyến chỉ mới làm cơ sở cho việc tiến hành thử nghiệm việc xét xử này tại các cấp tòa án, do đó, vẫn tồn tại những vấn đề trong hoạt động TTHS chưa được quy định cụ thể, việc viện dẫn các quy định chung của Bộ luật TTHS vào phiên tòa xét xử trực tuyến chỉ mang tính tạm thời”[11]. Có ý kiến cho rằng, quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư Liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP về phòng xử án, yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, vận hành và quản lý hệ thống tổ chức phiên tòa trực tuyến còn khá chung chung, chưa bảo đảm các yêu cầu bảo vệ bí mật thông tin trong xét xử các vụ án[12].
-         Việc áp dụng pháp luật TTHS trong xét xử trực tuyến có những bất cập, nhiều trường hợp khó bảo đảm quyền của bị cáo. Phiên tòa xét xử trực tuyến là chủ trương đúng đắn, nhưng việc thực hiện nguyên tắc đảm bảo tranh tụng trong xét xử, nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa cũng gặp khó khăn. Yêu cầu đảm bảo sự có mặt của những người tham gia tố tụng được triệu tập khó đạt được. Khi phiên tòa trực tuyến đang diễn ra “nếu người tham gia tố tụng không biết cách chia sẻ chứng cứ họ có được lên màn hình, kể cả trường hợp họ cố ý không tham gia phiên tòa nhưng đổ lỗi cho yếu tố kỹ thuật thì cũng khó đáp ứng điều kiện tổ chức phiên tòa”[13]. Một số địa phương, thực hiện việc xét hỏi, tranh luận giữa kiểm sát viên và luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo tại phiên tòa hình sự trực tuyến còn hình thức.
-         Ở một số phiên tòa xét xử vụ án hình sự trực tuyến, người tiến hành tố tụng chưa phát huy hết trách nhiệm trong việc bảo đảm quyền của bị cáo, ít am hiểu về công nghệ của lĩnh vực mới này. Đây là những rào cản về mặt tư duy nhận thức, làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện phiên tòa trực tuyến[14]. Xét xử trực tuyến nói chung và xét xử trực tuyến vụ án hình sự nói riêng là chủ trương đúng, tuy nhiên, nhiều khía cạnh pháp lý cần tiếp tục nghiên cứu. Ví dụ vấn đề thẩm định chứng cứ khi xét xử trực tuyến, quyền tiếp cận chứng cứ nếu người tiến hành, người tham gia tố tụng không có mặt trực tiếp tại tòa án[15].
-         Một số phiên tòa hình sự quyền bào chữa, quyền tranh tụng của bị cáo chưa được bảo đảm. Có ý kiến cho rằng “khi xét xử trực tuyến, việc thực hiện nguyên tắc đảm bảo tranh tụng trong xét xử, nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa cũng gặp khó khăn từ yêu cầu đảm bảo sự có mặt của những người tham gia tố tụng được triệu tập”[16]. Ở một số phiên tòa xét xử vụ án hình sự trực tuyến, cơ quan tiến hành tố tụng còn lúng túng trong tổ chức triển khai, như chưa có quy chế phối hợp với cơ sở giam giữ; chưa có quy định thủ tục tiếp nhận, bàn giao tài liệu, chứng cứ; chưa có quy định về trình tự, thủ tục ghi âm, ghi hình có âm thanh, bảo quản dữ liệu điện tử, giao nhận, bàn giao bị cáo tại phiên tòa. Một số thẩm phán, thư ký tòa án chưa thích nghi với công nghệ trực tuyến, bởi các kỹ năng, thao tác tham gia tố tụng trong phiên xử trực tuyến. Hiện nay, những người được đào tạo chuyên nghiệp về pháp lý thì lại thiếu kiến thức về công nghệ thông tin (CNTT). Ngược lại, người có chuyên môn CNTT lại hạn chế về kiến thức pháp lý.
-         Điều kiện, cơ sở vật chất trang thiết bị chưa đầy đủ, quyền của bị cáo ở một số phiên tòa hình sự trực tuyến chưa được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Trên thực tế, ở một số địa phương, việc triển khai phiên tòa hình sự trực tuyến còn một số khó khăn, vướng mắc như “cơ sở vật chất chưa được triển khai đồng bộ, các điểm cầu bị gián đoạn vì lỗi kỹ thuật, áp lực kinh phí cho các đơn vị, còn lúng túng trong phối hợp triển khai giữa các đơn vị”[17]. Bảo đảm quyền của bị cáo trong hoạt động xét xử vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến của Tòa án nhân dân “còn gặp một số khó khăn, hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo, trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến tại các tòa án và điểm cầu thành phần tại các cơ sở giam giữ chưa được đầu tư đồng bộ, phần lớn các thiết bị phải thuê mượn hoặc chuyển đổi từ phòng họp để tổ chức xét xử trực tuyến[18].
Nguyên nhân của những bất cập trên đây có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan như điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật trang thiết bị, đường truyền internet, hạ tầng CNTT chưa đáp đáp ứng tốt; việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về xét xử trực tuyến nói chung, vụ án hình sự nói riêng chưa có nhiều thời gian chuẩn bị; một số cán bộ của các cơ quan tố tụng, luật sư chưa quan tâm việc bảo vệ quyền của bị cáo qua hình thức xét xử trực tuyến; kinh nghiệm quốc tế về xét xử trực tuyến vụ án hình sự chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, một số bị cáo chưa có ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình tại phiên tòa.
3. Một số giải pháp bảo đảm quyền của bị cáo trong xét xử trực tuyến vụ án hình sự ở Việt Nam hiện nay
-         Tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về xét xử trực tuyến vụ án hình sự. Cần quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, các bước tiến hành phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm trực tuyến đối với vụ án hình sự để Bộ luật TTHS vừa bảo đảm nguyên tắc của TTHS, vừa bảo đảm quyền của bị cáo. Pháp luật quy định rõ hơn quyền, nghĩa vụ của chủ tọa phiên tòa, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký tòa án trong việc tiếp cận hồ sơ, tài liệu về vụ án trước khi mở phiên tòa và sau khi nghị án.
-         Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị xét xử trực tuyến cho hệ thống tòa án nhân dân các cấp, đảm bảo đồng bộ về công nghệ, đường chuyền theo đúng yêu cầu kỹ thuật của Tòa án nhân dân tối cao, bảo đảm phiên tòa hình sự trực tuyến diễn ra đúng pháp luật nhưng thuận lợi cho những người tham gia tố tụng. Cần đầu tư nguồn kinh phí để nâng cấp hệ thống mạng internet băng thông rộng và các thiết bị hỗ trợ xét xử trực tuyến; bảo đảm thông tin, tài liệu về vụ án hình sự được lưu giữ đúng pháp luật, bảo vệ quyền của bị cáo.
-         Nâng cao ý thức của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa, hội thẩm nhân dân, thư ký phiên tòa, kiểm sát viên, luật sư và các chủ thể khác có liên quan trong việc bảo đảm quyền của bị cáo tại phiên tòa hình sự tực tuyến, giao cụ thể chỉ tiêu số lượng, chất lượng vụ án hình sự đưa ra xét xử trực tuyến đối với tòa án các địa phương và đưa vào tiêu chí thi đua để bình xét hằng năm đối với thẩm phán.
-         Ban hành Quy chế bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan, các ngành trong tổ chức phiên tòa trực tuyến vụ án hình sự. Quy chế phối hợp quy định rõ trách nhiệm của đơn vị và cá nhân trong các giai đoạn diễn ra phiên tòa trực tuyến, trách nhiệm trong việc quản lý, vận hành hệ thống kỹ thuật, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu phiên tòa trực tuyến. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xét xử trực tuyến vụ án hình sự và rút ra những giá trị tham khảo cho Việt Nam.
-         Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho những người tham gia phiên tòa kỹ năng tương tác, chia sẻ, phát biểu, tranh luận khi tham dự phiên tòa trực tuyến; cử cán bộ hướng dẫn bị cáo một số kỹ năng sử dụng thiết bị trực tuyến cho bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, tôn trọng và bảo đảm quyền con người và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia tố tụng tại các vụ án.
-         Chú trọng xây dựng và phát triển đội nguồn nhân lực của các cơ quan tố tụng nhằm bảo đảm hiệu quả xét xử trực tuyến vụ án hình sự. Ngành công an, kiểm sát, tòa án, liên đoàn luật sư cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của ngành không chỉ am hiểu pháp luật mà còn giỏi về công nghệ thông tin, kỹ năng tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến vụ án hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam giai đoạn mới./.

 


[1] Điều 1 Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, https://luatvietnam.vn.
[2] Lê Minh Thắng (2012), Bảo đảm quyền của người chưa thành niên trong TTHS ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. tr. 46.
[3] Trung tâm Từ điển học, Nxb. Khoa học xã hội (1999), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội. tr. 36. 
[4] Đỗ Đức Hồng Hà, Phùng Văn Huyên (2021), Xét xử trực tuyến: Giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, https://tapchitoaan.vn, ngày 6/11/2021. 
[5] Xem: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/Pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?ItemID=70448.
[6] https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/Pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?ItemID=70448.
[7] https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/Pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?ItemID=70448.
[8] https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nganh-toa-an-da-to-chuc-xet-xu-truc-tuyen-1027-vu-an-311316.html.
[9] https://baochinhphu.vn/day-manh-an-le-xet-xu-truc-tuyen-va-hoa-giai-tai-toa-an-102221222102420897.htm.
[10] Phạm Hoài Ngân, Xét xử trực tuyến - một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, https://tapchitoaan.vn/xet-xu-truc-tuyen-mot-so-van-de-can-tiep-tuc-hoan-thien7687.html.
[11] Mai Hắc Biên, Nguyễn Thị Lan Anh, Mai Thu Hằng, Xét xử trực tuyến vụ án hình sự - Quy định của pháp luật Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước, Tạp chí Kiểm sát, số 12/2022, tr. 63.
[12] Xem: Phạm Hoài Ngân, Xét xử trực tuyến - một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, https://tapchitoaan.vn/xet-xu-truc-tuyen-mot-so-van-de-can-tiep-tuc-hoan-thien7687.html.
[13] Cù Hiền – Trúc Phương, Xét xử trực tuyến: Giải pháp hay nhưng cần nghiên cứu thêm, https://plo.vn/xet-xu-truc-tuyen-giai-phap-hay-nhung-can-nghien-cuu-them-post648147.html.
[14] Xem: Vy Anh, Xét xử trực tuyến: Bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống tòa án, https://dangcongsan.vn/phap-luat/xet-xu-truc-tuyen-buoc-dot-pha-trong-cai-cach-tu-phap-cua-he-thong-toa-an-630323.html.
[15] Xem: Mai Xuân Thành, Xét xử trực tuyến trong công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta, https://tapchitoaan.vn/xet-xu-truc-tuyen-trong-cong-cuoc-cai-cach-tu-phap-o-nuoc-ta%C2%A0%C2%A0%C2%A07136.html.
[16] Mai Xuân Thành, Xét xử trực tuyến trong công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta, https://tapchitoaan.vn/xet-xu-truc-tuyen-trong-cong-cuoc-cai-cach-tu-phap-o-nuoc-ta%C2%A0%C2%A0%C2%A07136.html.
[17] https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nganh-toa-an-da-to-chuc-xet-xu-truc-tuyen-1027-vu-an-311316.html.
[18] https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/Pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?ItemID=70448.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 08 (480), tháng 04/2023.)


Thống kê truy cập

32822355

Tổng truy cập