Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử

28/07/2023

NGUYỄN QUỲNH ANH

Phòng Pháp chế Công ty Logistics, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.

Tóm tắt: Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử trước hết là các điều kiện có hiệu lực chung của hợp đồng. Bên cạnh đó, do tính chất đặc biệt của hợp đồng điện tử được thể hiện dưới dạng những thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử nên điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử có những đặc điểm riêng biệt. Tuy nhiên, pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành chưa có quy định thống nhất về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử. Trong bài viết này, tác giả trình bày, phân tích và đưa ra quan điểm của mình về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử, nhằm góp phần giúp các chủ thể tham gia hợp đồng điện tử khi ký kết, thực hiện hợp đồng điện tử đúng quy định của pháp luật và để tránh rủi ro, gia tăng tính an toàn, ổn định trong quan hệ hợp đồng điện tử.
Từ khóa: Hợp đồng điện tử, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử, Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử.
Abstract: The validity conditions of an e-contract are first of all the general validity conditions. In addition, due to the special nature of the e-contract, which is stated in the form of data messages as the information created, sent, received and stored by electronic means, therefore, the validity conditions of an electronic contract has its own distinctive characteristics. However, uniform regulations on the conditions for the validity of an electronic contract are not recognised in the current Vietnamese laws. Within this article, the author gives out discussions, an analysis of and his viewpoints on the validity conditions of e-contracts, in order to help the subjects participating in e-contracts to sign and implement the e-contracts in accordance with the laws and to avoid risks, increase safety and stability in e-contract relationships.
Keywords: E-contracts; validity conditions of e-contracts; Civil Code of 2015, Law on Electronic Transactions of 2005.
HỢP-ĐỒNG-ĐIỆNTỬ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát chung về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử
Thứ nhất,về khái niệm của hợp đồng điện tử: Luật Giao dịch điện tử năm 2005 (Luật Giao dịch điện tử) và hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tử đã thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử dưới dạng Thông điệp dữ liệu. Cụ thể, Điều 33 Luật Giao dịch điện tử quy định “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu”. Hơn nữa, Điều 34 của Luật này khẳng định thêm: “Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”. Khoản 12 Điều 4 giải thích “Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử”. Thông điệp dữ liệu thường được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện báo, fax và các hình thức tương tự. Ngoài ra, “Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự” (khoản 10 Điều 4). Như vậy, có thể hiểu “Hợp đồng điện tử là sự thỏa thuận giữa các bên, thông qua các phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự, nhằm quy định quyền và nghĩa vụ đối với nhau”.
Thứ hai, về khái niệm hiệu lực của hợp đồng: Hợp đồng được coi là một trong những phương thức hữu hiệu để xác lập các giao dịch dân sự giữa các chủ thể, nhằm đáp ứng các nhu cầu từ cơ bản cho đến các nhu cầu cao hơn của cá nhân, pháp nhân. Tuy nhiên, hợp đồng nói chung và hợp đồng điện tử nói riêng chỉ thực sự đi vào thực tiễn đời sống khi hợp đồng đã có hiệu lực pháp luật.
Theo PGS. TS. Ngô Huy Cương, hiệu lực hợp đồng có thể được hiểu theo nghĩa rộng sẽ bao quát bốn khía cạnh: tạo lập hợp đồng, thi hành các hợp đồng, giải thích cho ý chí của các bên tham gia quan hệ hợp đồng, và kiềm chế hoặc đảm bảo cho việc biểu lộ ý chí. Theo nghĩa hẹp, hiệu lực hợp đồng có thể hiểu ở vấn đề thi hành hợp đồng và giải thích cho ý chí các bên tham gia quan hệ hợp đồng[1]. Cách tiếp cận hiệu lực của hợp đồng theo PGS. TS. Ngô Huy Cương có phần tương đồng với TS. Lê Minh Hùng, cụ thể “Hiệu lực hợp đồng là giá trị pháp lý của hợp đồng làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, và giá trị pháp lý ràng buộc các bên tham gia hợp đồng phải tôn trọng và phải thi hành nghiêm túc các quyền và nghĩa vụ đó[2]”. Như vậy, có thể thấy hiệu lực của hợp đồng là nội dung mang tính bản chất của hợp đồng, hiệu lực hợp đồng là yếu tố phát sinh, ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể tham gia hợp đồng với nhau. Hợp đồng chỉ là căn cứ làm xác lập quan hệ, chi phối quan hệ các bên chủ thể khi hợp đồng đó phát sinh hiệu lực.
Hợp đồng dân sự được xây dựng dựa trên nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là bình đẳng, tự do, tự nguyện, cam kết, thỏa thuận. Trong đó, tự do thỏa thuận là một trong những nguyên tắc cốt lõi của hợp đồng. Tuy nhiên, bất cứ sự thỏa thuận nào cũng phải nằm trong giới hạn nhất định – quy định của pháp luật nhằm đảm bảo không xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Những giới hạn đó là điều kiện để hợp đồng phát sinh hiệu lực. Vậy, “điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử là những yêu cầu tối thiểu buộc các bên tham gia giao kết hợp đồng điện tử phải tuân thủ để hợp đồng điện tử phát sinh, ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể tham gia hợp đồng”.
2. Các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử theo quy định của pháp luật hiện hành
Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015) và các văn bản pháp luật có liên quan, hợp đồng có hiệu lực khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện nhất định. Trong đó, có những điều kiện bắt buộc chung với mọi loại hợp đồng như điều kiện về năng lực chủ thể, điều kiện về sự tự nguyện của chủ thể, điều kiện về mục đích và nội dung của hợp đồng. Ngoài ra, đối với hợp đồng điện tử cần tuân theo những điều kiện khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Đồng thời, Điều 33 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 (Luật Giao dịch điện tử) quy định hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật Giao dịch điện tử. Vậy, hợp đồng điện tử trước hết là hợp đồng, là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự nên để hợp đồng điện tử phát sinh hiệu lực pháp luật trước hết phải thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng.
2.1. Các điều kiện chung để hợp đồng điện tử có hiệu lực theo quy định của pháp luật
Hiện nay, BLDS năm 2015 không có quy định cụ thể về “điều kiện có hiệu lực của hợp đồng”, các chủ thể tham gia quan hệ dân sự xác định điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thông qua việc dẫn chiếu, xâu chuỗi các quy định về “hợp đồng vô hiệu”, “điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự”, “hình thức giao dịch dân sự”... Giao dịch dân sự được định nghĩa là “hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”, điều đó có nghĩa hợp đồng là một loại giao dịch dân sự. Vì vậy, theo tác giả, “điều kiện có hiệu lực của hợp đồng” có thể được xác định tương tự “điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự”. Điều 117 BLDS năm 2015 quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:
“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.
Từ quy định trên có thể thấy, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng bao gồm: điều kiện về chủ thể tham gia hợp đồng, điều kiện về mục đích và nội dung của hợp đồng và điều kiện về hình thức của hợp đồng.
Thứ nhất,vềđiều kiện đối với chủ thể tham gia hợp đồng: Chủ thể tham hợp đồng phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập. Năng lực pháp luật dân sự là khả năng có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự[3]. Một chủ thể có năng lực pháp luật dân sự là chủ thể được pháp luật ghi nhận có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với quyền và nghĩa vụ dân sự chủ quan của chủ thể mà chỉ là cơ sở để chủ thể đó có các quyền và nghĩa vụ dân sự cụ thể. Khả năng có quyền và nghĩa vụ vẫn chỉ tồn tại là những quyền khách quan mà pháp luật quy định cho các chủ thể. Để biến những “khả năng” này thành các quyền dân sự cụ thể thì cần phải có những điều kiện khách quan và chủ quan như: điều kiện kinh tế, xã hội, những chính sách của Đảng và Nhà nước thực hiện trong từng giai đoạn cụ thể, khả năng thực tế để thực hiện hành vi dân sự của các chủ thể… Những quyền dân sự của các chủ thể được ghi nhận trong tất cả các phần của Bộ luật Dân sự. Quyền dân sự được chia thành nhiều nhóm như: quyền nhân thân (đối với chủ thể là cá nhân), quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản, quyền thừa kế, quyền tham gia vào các quan hệ dân sự và các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ các quan hệ đó…   
Đối với chủ thể là cá nhân, để năng lực pháp luật được thực hiện, chủ thể cần phải có điều kiện chủ quan là năng lực hành vi dân sự. Năng lực hành vi dân sự là khả năng cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Nếu năng lực pháp luật dân sự là tiền đề, là quyền dân sự khách quan của cá nhân thì năng lực hành vi là khả năng hành động của cá nhân để thực thi quyền và nghĩa vụ của họ. Các cá nhân có thể được quy định năng lực pháp luật như nhau nhưng năng lực hành vi lại được xác định không giống nhau. Bởi những cá nhân khác nhau có nhận thức khác nhau về hành vi và hậu quả của hành vi mà họ thực hiện. Việc nhận thức và làm chủ hành vi của cá nhân phụ thuộc vào ý chí và lý trí của cá nhân đó, phụ thuộc vào khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ. Ngoài ra, năng lực hành vi dân sự còn bao hàm cả năng lực tự chịu trách nhiệm dân sự khi vi phạm nghĩa vụ dân sự. Theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, mức độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức và làm chủ hành vi để chia thành các mức độ: năng lực hành vi đầy đủ; năng lực hành vi một phần; mất năng lực hành vi dân sự; hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. Cùng với năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự tạo thành tư cách chủ thể độc lập của cá nhân trong các quan hệ dân sự.
Bên cạnh điều kiện về năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự, chủ thể tham gia hợp đồng còn cần thỏa mãn điều kiện về ý chí. “Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện”[4]. Sự tự do, tự nguyện và bình đẳng là những nguyên tắc cốt lõi, cơ bản của mọi quan hệ dân sự. Điều này được thể hiện tại khoản 2 Điều 3 BLDS năm 2015: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”. Vì sự tự nguyện là nền tảng của quan hệ dân sự nên nếu vi phạm nguyên tắc về sự tự do, tự nguyện thì giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng nói riêng có thể bị coi là vô hiệu. Có thể hiểu đơn giản tự nguyện là sự tự do ý chí và tự do bày tỏ ý chí, và hai điều này phải có sự thống nhất với nhau[5]. Theo quan điểm của Tòa án nhân dân tối cao: “Việc người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện được hiểu là: các bên tham gia giao dịch hoàn toàn tự do bày tỏ ý chí, nguyện vọng của mình, tự nguyện thỏa thuận với nhau về các nội dung của giao dịch mà không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép từ phía bên kia hoặc người khác, các bên tự nguyện thỏa thuận các vấn đề nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình”[6]. Khi tham gia xác lập hợp đồng, chủ thể tự do bày tỏ ý chí của mình mà không phải chịu bất cứ tác động nào khiến họ thể hiện không đúng hoặc không đầy đủ ý chí, mong muốn của mình. Nếu không đảm bảo được sự thống nhất giữa tự do ý chí và tự do bày tỏ ý chí thì không được coi là tự nguyện. BLDS năm 2015 quy định các trường hợp hợp đồng được giao kết mà không có sự tự nguyện: hợp đồng xác lập do giả tạo, hợp đồng xác lập do bị nhầm lẫn, hợp đồng xác lập do bị lừa dối, hợp đồng xác lập do bị đe dọa, cưỡng ép, hợp đồng xác lập do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Trong những trường hợp trên, hợp đồng hoàn toàn có thể bị tuyên bố vô hiệu.       
Thứ hai, điều kiện về mục đích và nội dung của hợp đồng:  Điều này tương tự với giao dịch dân sự được quy định tại Điều 117 BLDS năm 2015 như sau: “Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”. Mục đích của hợp đồng là lợi ích mà các bên mong muốn đạt được trên thực tế. Nội dung của hợp đồng là tổng hợp các điều khoản mà các bên đã cam kết, thỏa thuận trong hợp đồng. Mục đích và nội dung của hợp đồng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Khi chủ thể mong muốn đạt được mục đích gì sẽ thỏa thuận quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng để thực hiện mục đích đó và ngược lại những nội dung trong hợp đồng sẽ phản ánh lợi ích mà các chủ thể đạt được. Hợp đồng dân sự được xác lập dựa trên sự thỏa thuận của các bên, pháp luật dân sự cũng đề cao sự tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận. Tuy nhiên, mọi sự thỏa thuận đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật và chuẩn mực của đạo đức.
Thứ ba, điều kiện về hình thức của hợp đồng: Đây không phải là điều kiện bắt buộc với mọi loại hợp đồng; chỉ trong một số trường hợp đặc biệt, pháp luật mới có yêu cầu về hình thức buộc các chủ thể phải tuân thủ. Hình thức là phương tiện thể hiện nội dung của hợp đồng, đồng thời cũng là chứng cứ xác nhận các quan hệ đã, đang tồn tại giữa các bên, qua đó xác định trách nhiệm dân sự khi có hành vi vi phạm xảy ra. Theo quy định tại BLDS năm 2015, hợp đồng có thể được thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể. Hợp đồng được thể hiện dưới hình thức lời nói thường được áp dụng với các hợp đồng được thực hiện ngay và chấm dứt ngay sau đó hoặc giữa các chủ thể có quan hệ, niềm tin mật thiết với nhau. Đây là hình thức hợp đồng tương đối phổ biến do tính nhanh chóng, thuận tiện nhưng cũng là hình thức hợp đồng có độ xác thực thấp và rủi ro cao. Văn bản là hình thức thể hiện sự tồn tại rõ ràng nhất của hợp đồng. Bên cạnh đó, nội dung hợp đồng được thể hiện trên văn bản có thể được xác thực bởi chữ ký của các chủ thể hoặc được công chứng, chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền, nên đây là loại hình thức hợp đồng có tính xác thực cao, hạn chế rủi ro cho các chủ thể tham gia hợp đồng. Ngoài ra, hợp đồng còn được xác lập thông qua hành vi. Ví dụ: thanh toán trực tuyến, mua hàng tự động… Hợp đồng có thể được xác lập thông qua hình thức này mà không nhất thiết phải có sự hiện diện đồng thời của tất cả các bên tại địa điểm giao kết. Hình thức này ngày càng trở nên phổ biến, nhất là tại những quốc gia có nền công nghiệp tự động hóa phát triển.
Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng là những yêu cầu tối thiểu theo quy định của pháp luật buộc các bên phải tuân thủ để hợp đồng có hiệu lực pháp luật. Để phát sinh hiệu lực pháp luật, hợp đồng điện tử trước hết phải tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng bao gồm: điều kiện về năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự và ý chí của chủ thể, điều kiện về mục đích và nội dung của hợp đồng và điều kiện về hình thức của hợp đồng. Ngoài ra, hợp đồng điện tử với hình thức đặc trưng được tạo lập bằng thông điệp dữ liệu cần những điều kiện riêng biệt theo pháp luật chuyên ngành để phát sinh hiệu lực pháp luật.
2.2. Các đặc điểm riêng về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng giao dịch bằng phương tiện điện tử có hiệu lực theo quy định của Bộ luật Dân sự
Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định riêng đầy đủ về điều kiện có hiệu lực của giao dịch điện tử nói chung và hợp đồng điện tử nói riêng mà chỉ quy định chung về khái niệm và nguyên tắc cơ bản trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử tại Chương 4 của Luật Giao dịch điện tử. Theo đó, việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và pháp luật về hợp đồng. Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thoả thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó[7]. Việc thiếu những quy định chặt chẽ về hợp đồng điện tử không chỉ tiềm tàng nguy cơ rủi ro cho các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng mà còn gây ra khó khăn trong công tác áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước có thảm quyền. Theo tác giả, để hợp đồng điện tử phát sinh hiệu lực pháp luật, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử cần có những đặc điểm riêng sau:
Thứ nhất, để thỏa mãn điều kiện về ý chí chủ thể, hợp đồng điện tử có tính xác thực và tính toàn vẹn. Tính xác thực cho phép xác định chủ thể giao kết hợp đồng điện tử. Tính vẹn toàn của thông tin được thể hiện ở chỗ, thông tin còn đầy đủ, chưa bị chỉnh sửa hay bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình lưu trữ, hiển thị, trao đổi chứng từ điện tử. Hiện nay, theo quy định của pháp luật giao dịch điện tử, chữ ký điện tử là yếu tố đóng vai trò đảm bảo tính xác thực và tính toàn vẹn của hợp đồng điện tử. Đối với hợp đồng trực tiếp truyền thống, dấu hiệu ký trong hợp đồng là cơ sở để xác định các chủ thể đồng ý giao kết các nội dung trong hợp đồng; bởi lẽ, mỗi chủ thể sở hữu dấu hiệu ký đặc trưng (như dấu vết đường vân, chữ ký, con dấu…) mà thông qua khoa học giám định pháp y có thể xác định dấu hiệu ký đó là của một chủ thể cá biệt. Vì vậy, dấu hiệu ký thể hiện hai mục tiêu: xác định người ký và sử dụng làm bằng chứng cho tính toàn vẹn của văn bản (trong những văn bản dài, dấu hiệu ký không chỉ xuất hiện ở trang cuối mà còn có thể xuất hiện trong từng trang (ví dụ: ký nháy, đóng dấu giáp lai…), điều này có ý nghĩa bảo đảm hợp đồng là thể thống nhất, chống lại sự thay đổi ở bất cứ phần nào trong hợp đồng, qua đó bảo đảm tính toàn vẹn của văn bản)[8].
Tương tự như vậy, trong hợp đồng điện tử, dấu hiệu ký được gọi chung là chữ ký điện tử. Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký. Luật Giao dịch điện tử quy định: “1. Chữ ký điện tử được xem là bảo đảm an toàn nếu được kiểm chứng bằng một quy trình kiểm tra an toàn do các bên giao dịch thỏa thuận và đáp ứng được các điều kiện sau đây:
a) Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chỉ gắn duy nhất với người ký trong bối cảnh dữ liệu đó được sử dụng;
b) Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký;
c) Mọi thay đổi đối với chữ ký điện tử sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện;
d) Mọi thay đổi đối với nội dung của thông điệp dữ liệu sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện.
2. Chữ ký điện tử đã được tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử chứng thực được xem là bảo đảm các điều kiện an toàn trên”.
Như vậy, chữ ký điện tử đã được tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử chứng thực – được xem là đảm bảo an toàn và có thể phát hiện mọi thay đổi đối với nội dung của thông điệp dữ liệu và chữ ký điện tử sau thời điểm ký. Điều đó có nghĩa là chữ ký điện tử đảm bảo tính xác thực và toàn vẹn của thông điệp dữ liệu.
Nguyên tắc sử dụng chữ ký điện tử được quy định tại Điều 23 Luật Giao dịch điện tử như sau:
“1. Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, các bên tham gia giao dịch điện tử có quyền thỏa thuận:
a) Sử dụng hoặc không sử dụng chữ ký điện tử để ký thông điệp dữ liệu trong quá trình giao dịch;
b) Sử dụng hoặc không sử dụng chữ ký điện tử có chứng thực;
c) Lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử trong trường hợp thỏa thuận sử dụng chữ ký điện tử có chứng thực.
2. Chữ ký điện tử của cơ quan nhà nước phải được chứng thực bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định”.
Có thể thấy, chữ ký điện tử được chứng thực bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử là một phương pháp hữu hiệu trong việc xác định tính xác thực và tính toàn vẹn của hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, các chủ thể tham gia hợp đồng điện tử có quyền lựa chọn sử dụng hoặc không sử dụng chữ ký điện tử, chữ ký điện tử được chứng thực bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử và lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử. Quy định như trên nhằm tôn trọng nguyên tắc tự do ý chí, tự do thỏa thuận của các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng. Chỉ cần các chủ thể đồng ý thỏa thuận và thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung hợp đồng điện tử thì hoàn toàn có thể không cần sử dụng chữ ký điện tử. Tuy nhiên, các chủ thể tham gia hợp đồng điện tử cần lưu ý môi trường điện tử nói chung và hợp đồng điện tử nói riêng dù đem lại nhiều tiện ích nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như thông điệp dữ liệu có thể bị đánh cắp, thay đổi trái với ý chí các bên. Vì vậy, sử dụng chữ ký điện tử được chứng thực bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử không chỉ là một phương pháp đem lại hiệu quả cao trong việc đảm bảo tính toàn vẹn, tính chính xác, tính bảo mật và tính xác thực của hợp đồng điện tử mà còn là căn cứ để tòa án sẽ sử dụng nhằm giải quyết những tranh chấp phát sinh trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng điện tử.
Thứ hai, để thỏa mãn điều kiện về chủ thể, bên thứ ba tham gia quan hệ hợp đồng điện tử cần đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Ngoài các chủ thể trực tiếp tham gia đàm phán, giao kết hợp đồng, trong quan hệ hợp đồng điện tử còn có sự tham gia của bên thứ ba là các tổ chức cung cấp dịch vụ mạng và các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử, tổ chức đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Đây là nhóm các tổ chức đóng vai trò quan trọng, mật thiết, đảm bảo cho việc ký kết, thực hiện hợp đồng điện tử diễn ra thông suốt, minh bạch, an toàn, ổn định. Các tổ chức này thực hiện việc gửi, lưu trữ thông tin giữa các bên tham gia hợp đồng điện tử, cung cấp những thông tin cần thiết để xác nhận độ tin cậy của thông điệp dữ liệu trong hợp đồng điện tử. Họ không tham gia vào quá trình đàm phán, giao kết hay thực hiện hợp đồng điện tử, mà tham gia với tư cách là người hỗ trợ nhằm đảm bảo tính hiệu quả và giá trị pháp lý cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử[9]. Nhóm chủ thể này cần đáp ứng các điều kiện về năng lực pháp luật dân sự nói chung và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử bao gồm tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử công cộng và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử chuyên dùng được phép thực hiện các hoạt động chứng thực chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật. Hiện nay, theo quy định của pháp luật Việt Nam, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử phải có đủ các điều kiện sau đây[10]:
- Có đủ nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp và nhân viên quản lý phù hợp với việc cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử;
- Có đủ phương tiện và thiết bị kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn an ninh, an toàn quốc gia;
- Đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử.
Bên cạnh những điều kiện chung trên, tùy vào đó là tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử công cộng hay tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử chuyên dùng sẽ cần tuân thủ thêm các điều kiện cụ thể theo quy định của pháp luật (tại Nghị định số 130/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số). Hiện nay, một số doanh nghiệp được cấp giấy phép dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng bao gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty cổ phần BKAV, Công ty Cổ phần Chứng số an toàn…
Trong quan hệ hợp đồng điện tử còn có sự tham gia của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Sự tham gia của tổ chức này tuy chưa được quy định trong quan hệ hợp đồng điện tử nói chung nhưng đã được ghi nhận trong lĩnh vực thương mại điện tử. “Lưu trữ chứng từ điện tử tại hệ thống của một tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử đã được cấp phép mà các bên thỏa thuận lựa chọn” là một trong những phương thức xác định tính toàn vẹn cũng như giá trị pháp lý như bản gốc của chứng từ điện tử[11]. Điều kiện cấp phép hoạt động cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử được quy đinh tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/05/2013 quy định về thương mại điện tử và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử. Hiện nay, các tổ chức đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử là Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT; Tổng công ty Viễn thông Viettel; Công ty Cổ phần BKAV; Tổng công ty Viễn thông Mobiphone; Công ty TNHH Tổng công ty công nghệ và giải pháp CMC. Quy trình ký kết hợp đồng điện tử cơ bản được diễn ra như sau:
- Bước 1: Bên lập tạo hợp đồng
- Bước 2: Bên lập soạn hợp đồng trên website
- Bước 3: Bên lập ký số hợp đồng
- Bước 4: Bên lập gửi hợp đồng đến Bên nhận
- Bước 5: Bên nhận ký số hợp đồng
- Bước 6: Tổ chức đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử chứng nhận hợp đồng hoàn thành
- Bước 7: Hợp đồng hoàn thành.
Dịch vụ của các tổ chức đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử rất đa dạng có thể thực hiện trọn gói toàn bộ quá trình ký kết hợp đồng điện tử với các tính năng:
+ Tự động số hóa toàn bộ các quy trình ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp từ việc tạo hợp đồng – chuyển ký các bên – lưu trữ và bảo mật, tự động thông báo cho các bên thứ tự ký kết.
+ Khi thực hiện việc ký kết giữa các doanh nghiệp chỉ cần tài khoản cho người tạo nội dung ký. Lập, Ký và Tra cứu hợp đồng / tài liệu ở bất kỳ đâu.
+ Hình thức ký số đa dạng: Token CA / OTP / Ký tự động / Ký theo lô.
+ Sẵn sàng kết nối đến cổng xác thực của các cơ quan quản lý.
+ Hỗ trợ đầy đủ các nghiệp vụ doanh nghiệp xử lý hợp đồng số trên phần mềm như: điều chỉnh hợp đồng, hủy hợp đồng.
+ Hỗ trợ kết xuất các biểu mẫu báo cáo, thống kê theo loại hợp đồng, doanh thu,…
+ Phần mềm hợp đồng điện tử có khả năng trao đổi, tích hợp trên nền tảng với các phần mềm khác như: HRM, CRM, ERP... Đáp ứng quản lý hợp đồng với các mô hình doanh nghiệp: Tập đoàn, Tổng Công ty… có thể xuất nhanh và quản lý hợp đồng với số lượng lớn.
Không chỉ hoạt động với cơ sở pháp lý chặt chẽ mà còn đa dạng các loại dịch vụ với công nghệ hiện đại; tổ chức đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử giúp việc ký kết, thực hiện hợp đồng điện tử trở nên minh bạch, an toàn, ổn định, đồng thời cũng là căn cứ rõ ràng nhất để chứng minh tính pháp lý, tính xác thực và tính toàn vẹn của hợp đồng điện tử. Tuy mới chỉ được quy định trong lĩnh vực thương mại điện tử nhưng việc ký kết, thực hiện hợp đồng điện tử thông qua tổ chức đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử sẽ là biện pháp được các chủ thể trong quan hệ hợp đồng ưu tiên áp dụng bởi những ưu điểm như có cơ sở pháp lý, thông qua quy trình kiểm định nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, áp dụng tiện ích của hệ thống công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế…
Thứ ba, sự tương thích của hợp đồng điện tử với điều kiện về hình thức của hợp đồng. Tự do thoả thuận là một trong những nguyên tắc quan trọng trong giao kết hợp đồng. Điều này có nghĩa là các bên được tự do lựa chọn hình thức thích hợp khi giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn pháp lý trong các giao dịch hợp đồng giữa các bên, nhằm mục đích tạo bằng chứng về hợp đồng đã được giao kết, tạo thói quen thận trọng khi giao kết hợp đồng và ngăn ngừa gian lận, pháp luật chung về hợp đồng đặt ra giới hạn đối với một số loại hợp đồng cụ thể đòi hỏi bắt buộc phải được thiết lập bằng văn bản, hoặc văn bản có công chứng, chứng thực, nếu không hợp đồng đó sẽ không có hiệu lực.
Với những hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản như hợp đồng khoa học và công nghệ, hợp đồng chuyển giao quyền đăng ký nhãn hiệu, hợp đồng đại diện cho thương nhân…, hợp đồng điện tử hoàn toàn đáp ứng yêu cầu hình thức dưới dạng văn bản của những loại hợp đồng trên. Văn bản có thể được hiểu là những thông tin thể hiện dưới dạng hữu hình mà con người có thể nhận thức được. Vì vậy, văn bản hoàn toàn có thể được thể hiện dưới dạng hình thức điện tử. Pháp luật dân sự Việt Nam cũng ghi nhận “Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”[12].
Với những hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực thì hiện nay hợp đồng điện tử chưa thể đáp ứng được điều kiện này bởi chưa có cơ sở pháp lý về việc thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng điện tử. Quy định của pháp luật Việt Nam đang hướng tới số hóa các hoạt động hành chính. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có quy định về chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giấy tờ, tài liệu tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Vậy, đối với điều kiện về hình thức của hợp đồng, hợp đồng điện tử có thể đáp ứng điều kiện được lập thành văn bản của hợp đồng. Tuy nhiên, hợp đồng điện tử chưa đáp ứng được hình thức được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực bởi thiếu cơ sở pháp lý và đây cũng là một trong những nội dung pháp luật cần hoàn thiện để hợp đồng điện tử có thể phát triển, thực hiện rộng rãi, đem lại nhiều lợi ích cho các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự nói riêng và xã hội nói chung./. 

 


[1] PGS. TS. Ngô Huy Cương, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình Luật Hợp đồng phần chung, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013, tr.366. 
[2] Lê Minh Hùng, Hiệu lực của hợp đồng theo pháp luật Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, 2010, tr.20.
[3] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Tập 1, Nxb. Công an nhân dân, năm 2019, tr.77.
[4] Khoản 1 Điều 117 BLDS năm 2015.
[5] Đặng Thị Lan Hương, Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng - Quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và pháp luật một số quốc gia trên thế giới, Luận văn thạc sĩ luật học, 2021, tr.25.
[6] Tòa án nhân dân tối cao, Công văn số 177/2002/KHXX ngày 05/12/2002.
[7] Điều 35 Luật Giao dịch điện tử.
[8] TS. Trần Văn Biên, Chữ ký điện tử trong giao kết hợp đồng điện tử, Tạp chí Luật học số 6, 2012.
[9] Trần Văn Biên, Những vấn đề khác biệt trong giao kết hợp đồng điện tử, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam số 60 (11) 11/2018.
[10] Điều 32 Luật Giao dịch điện tử.
[12] Điều 119 BLDS.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 06 (478), tháng 03/2023.)


Thống kê truy cập

32856943

Tổng truy cập