Quy định của pháp luật về giám định tư pháp trong việc giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

07/08/2023

THS. TRẦN VĂN HOÀNG

Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Việc nghiên cứu các quy định của pháp luật về giám định tư pháp trong giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ là yêu cầu bức thiết hiện nay. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày, phân tích một số quy định của pháp luật về giám định tư pháp trong giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ mà thực tiễn áp dụng đang gặp phải những tồn tại, vướng mắc và đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: Tranh chấp sở hữu trí tuệ, giám định tư pháp, trưng cầu giám định.
Abstract: The studies of the legal provisions on judicial expertise in settlement of disputes on intellectual property rights is urgently required. Within the scope of this article, the author gives out an analysis of a number of legal provisions on judicial expertise in settlement of disputes on intellectual property rights, which in practice are facing with shortcomings and limitations and also proposes a number of recommendations for further improvements.
Keywords: Disputes on intellectual property rights;  judicial expertise; expertise referendum.
 QUYỀN-SỞ-HỮU-TRÍ-TUỆ_1.jpg
 Ảnh minh họa: Nguồn internet
Giám định là việc một giám định viên hoặc một nhóm giám định viên có kiến thức, trình độ chuyên môn thuộc lĩnh vực cần giám định tiến hành nghiên cứu, xem xét, đánh giá, so sánh và đưa ra kết luận về những sự vật, hiện tượng cụ thể theo đề nghị của người yêu cầu giám định, giúp cho người yêu cầu giám định và các cơ quan có thẩm quyền có nhận thức khách quan trong quá trình nghiên cứu, đánh giá, giải quyết và xử lý vấn đề một cách chính xác trên cơ sở khoa học.  
Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật[1].
1. Quy định của pháp luật về giám định tư pháp và vai trò của công tác giám định tư pháp trong giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ
Trong điều kiện đẩy mạnh cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta hiện nay, việc đổi mới và hoàn thiện các tổ chức bổ trợ tư pháp nói chung và giám định tư pháp nói riêng là một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong nhiều Nghị quyết của Đảng. Nhận thức được tầm quan trọng của giám định trong lĩnh vực tư pháp, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Về thể chế công tác giám định tư pháp đã được hoàn thiện đánh dấu bằng Luật Giám định tư pháp năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018 và năm 2020 (Luật Giám định tư pháp), Nghị định số 85/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp và Nghị định số 157/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP; Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) cũng nhấn mạnh vai trò của hoạt động giám định trong trong việc thu thập chứng cứ[2]; Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022 (Luật Sở hữu trí tuệ), Nghị định số 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 119/2010/NĐ-CP) quy định cụ thể về vai trò của giám định trong giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ; các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về hoạt động giám định sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình. Cụ thể: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về hoạt động giám định sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan; Bộ Khoa học và Công nghệ, có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về hoạt động giám định sở hữu trí tuệ về quyền sở hữu công nghiệp; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về hoạt động giám định sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng[3].
Theo quy định, việc giám định tư pháp được thực hiện theo đề nghị của người trưng cầu giám định hoặc người yêu cầu giám định. Người trưng cầu giám định bao gồm cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận[4]. Theo quy định của BLTTDS, theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định; sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu thì đương sự có quyền tự mình yêu cầu giám định. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự. Quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của người giám định, đối tượng cần giám định, vấn đề cần giám định, các yêu cầu cụ thể cần có kết luận của người giám định và gửi kèm theo đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) đến người giám định. Trường hợp đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan không thể gửi kèm theo quyết định trưng cầu giám định thì người trưng cầu giám định có trách nhiệm làm thủ tục bàn giao cho người giám định. Trường hợp trưng cầu giám định bổ sung hoặc trưng cầu giám định lại thì quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ là trưng cầu giám định bổ sung hoặc trưng cầu giám định lại và lý do của việc giám định bổ sung hoặc giám định lại[5]. Trường hợp tự mình yêu cầu giám định thì đương sự phải gửi văn bản yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định, các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) và bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự trong vụ việc dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự đến người giám định[6]. Việc giám định bổ sung được thực hiện trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ án, vụ việc đã được kết luận giám định trước đó. Việc trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung được thực hiện như giám định lần đầu. Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác hoặc trong trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định. Người trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người yêu cầu giám định quyết định việc trưng cầu giám định lại. Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do[7].  
Giám định về sở hữu trí tuệ là việc tổ chức hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ, cá nhân được cấp thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Việc giám định tư pháp về sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp. Giám định về sở hữu trí tuệ bao gồm: a) Giám định về quyền tác giả và quyền liên quan; b) Giám định về quyền sở hữu công nghiệp; c) Giám định về quyền đối với giống cây trồng. Kết luận giám định là một trong các nguồn chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết vụ việc. Kết luận giám định không kết luận về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc kết luận về vụ tranh chấp[8].
Trong giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ, kết luận giám định cung cấp cho các bên trong quan hệ tố tụng những thông tin cần thiết làm căn cứ để đưa ra các lập luận, quan điểm của mình trong việc chứng minh sự thật của vụ án và giải quyết vụ án. Kết luận giám định là một loại phương tiện chứng minh rất quan trọng, mang tính khoa học cao, vì nó là kết quả của việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật nghiệp vụ để xác định sự thật cần chứng minh. Khoa học càng phát triển nhất là khoa học về giám định, kết luận giám định càng có giá trị chứng minh cao và càng thuyết phục khi được sử dụng làm phương tiện chứng minh trong quá trình tố tụng. Do đó, việc trưng cầu giám định, đánh giá kết luận giám định, sử dụng kết luận giám định trong một vụ án là rất quan trọng, nhất là trong trường hợp có nhiều kết quả giám định khác nhau cho cùng một đối tượng. Sử dụng kết luận giám định trong những vụ án là nguồn chứng cứ quyết định kết quả giải quyết vụ án, khai thông bế tắc các vụ án phức tạp. Đặc biệt là kết luận giám định sẽ chứng minh sự thật của vụ án.
Thực tế cho thấy, kết luận giám định không những đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ, mà còn hơn thế nữa, trong rất nhiều trường hợp, kết luận giám định về sở hữu trí tuệ là không thể thiếu trong quá trình giải quyết của Tòa án. Thậm chí, trong nhiều vụ tranh chấp sở hữu trí tuệ, kết luận giám định mang tính chất quyết định duy nhất để chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của các bên đương sự.
Ví dụ: Tại Bản án số 01/2018/KDTM-ST ngày 29/10/2018 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hưng Yên về việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, Hội đồng xét xử nhận định: “tại bản kết luận giám định sở hữu công nghiệp số: KD 113-16YC/KLGĐ ngày 13/01/2017 của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ nhận định, kết luận: Sản phẩm xe máy điện do Bị đơn sản xuất, lưu thông đều tương ứng có hầu hết đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ. Sản phẩm chỉ khác kiểu dáng công nghiệp ở các đặc điểm sàn xe phẳng không có sống lưng, phía trên bánh xe có hai gân mảnh chéo vào giữa, đầu chắn bùn trước cong nhọn chứ không thẳng; đèn xi-nhan sau hình dạng đầu mũi tên chứ không phải hình thang ngược, các đặc điểm khác biệt trên chỉ là sự thay đổi đơn giản và không làm thay đổi đặc điểm tạo dáng của Yếm xe cũng như của cả chiếc xe. Tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của sản phẩm xe máy điện do Bị đơn sản xuất là không khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, là bản sao của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ của Nguyên đơn” và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn. Tại Bản án số 36/2018/KDTM-ST ngày 19/10/2018 của TAND Thành phố Hà Nội về việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, Hội đồng xét xử nhận định: “Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã ban hành kết luận giám định số KD001-17YC/KLGĐ ngày 13/01/2017 và kết luận là kiểu dáng xe máy điện sản xuất bởi Bị đơn là yếu tố xâm phạm quyền đối với Văn bằng số 20652” và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn. Như vậy, trong các vụ án mà tác giả đã đề cập ở trên, kết luận giám định mang tính chất quyết định duy nhất để Tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.
Bên cạnh tầm quan trọng của kết luận giám định, trình tự, thủ tục trưng cầu giám định, yêu cầu giám định cũng đóng một vai trò quan trọng không kém đối với kết quả giải quyết vụ án, đặc biệt là trong trường hợp đương sự tự mình yêu cầu giám định. Theo quy định tại Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 102 BLTTDS, khi Tòa án đang thụ lý giải quyết tranh chấp thì Tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định trưng cầu giám định; đương sự chỉ có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi Tòa án từ chối yêu cầu của giám định của đương sự, đồng thời việc đương sự tự mình yêu cầu giám định phải được thực hiện trước khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự. Hay nói cách khác, nếu đương sự không yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc đương sự có yêu cầu nhưng chưa nhận được văn bản từ chối của Tòa án thì đương sự không có quyền tự mình yêu cầu giám định; sau khi Tòa án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm hoặc tại giai đoạn xét xử phúc thẩm thì đương sự cũng không có quyền tự mình yêu cầu giám định. Theo quy định của Nghị định số 105/NĐ-CP/2006: Yêu cầu giám định phải lập thành hợp đồng dịch vụ giám định giữa người yêu cầu giám định với tổ chức giám định hoặc với giám định viên. Hợp đồng dịch vụ giám định phải có các nội dung chủ yếu sau đây: Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định; Tên, địa chỉ của tổ chức giám định hoặc giám định viên; Nội dung cần giám định; Các chứng cứ, tài liệu, hiện vật có liên quan; Thời hạn trả kết luận giám định; Quyền và nghĩa vụ của các bên; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng (Điều 46). Trong trường hợp việc yêu cầu giám định có kèm theo đối tượng giám định thì việc giao, nhận, trả lại đối tượng giám định phải lập thành biên bản và có các nội dung chủ yếu sau đây: Thời gian, địa điểm giao, nhận, trả lại đối tượng giám định; Tên, địa chỉ của bên giao và bên nhận đối tượng giám định hoặc của người đại diện; Tên đối tượng giám định; tài liệu hoặc đồ vật có liên quan; Tình trạng và cách thức bảo quản đối tượng giám định khi giao, nhận, trả lại; Chữ ký của bên giao và bên nhận đối tượng giám định (Điều 47). Về lấy mẫu giám định sở hữu trí tuệ: Tổ chức giám định, giám định viên có thể tự mình tiến hành lấy mẫu giám định (các hiện vật cụ thể là yếu tố xâm phạm và đối tượng sở hữu trí tuệ đang được bảo hộ) hoặc yêu cầu người trưng cầu, yêu cầu giám định cung cấp mẫu giám định. Việc lấy mẫu giám định phải lập biên bản với sự chứng kiến và có chữ ký xác nhận của các bên liên quan (Điều 48). Nếu việc yêu cầu giám định không được thực hiện đúng các trình tự, thủ tục và đảm bảo các nội dung nêu trên thì kết luận giám định sẽ không được Tòa án công nhận. Ví dụ: Tại Bản án số 35/2020/KDTM-PT ngày 15/07/2020 của TAND cấp cao tại TP.HCM, Hội đồng xét xử nhận định: Kết luận giám định số SC008-14YC/KLGĐ do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ ban hành ngày 22/10/2014 là giám định theo yêu cầu của nguyên đơn (trước khi nộp đơn khởi kiện); tại giai đoạn giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm, Bị đơn không đồng ý với kết luận giám định nêu trên do Nguyên đơn cung cấp và yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định lại, nhưng Tòa án không chấp nhận trưng cầu giám định mà vẫn áp dụng Kết luận giám định số SC008-14YC/KLGĐ để giải quyết vụ án là vi phạm quy định tại các Điều 92, Điều 102 BLTTDS và Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, thủ tục yêu cầu giám định nêu trên của nguyên đơn cũng không tuân thủ đầy đủ các quy định tại Nghị định số 105/2006/NĐ-CP. Vì vậy, Hội đồng xét xử đã không chấp nhận sử dụng Kết luận giám định số SC008-14YC/KLGĐ để làm chứng cứ giải quyết vụ án. Ngoài ra, tại giai đoạn phúc thẩm, Nguyên đơn cung cấp Kết luận giám định số: SC036-20YC/KLGĐ ngày 12/6/2020 của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, việc giám định theo yêu cầu của Nguyên đơn trong trường hợp này là không đúng với quy định tại Điều 102 BLTTDS và Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ nên Tòa án đã bác bỏ kết luận giám định này.     
2. Những vấn đề tồn tại và kiến nghị hoàn thiện
Trong quá trình áp dụng pháp luật đã phát sinh một số tồn tại sau đây:
Thứ nhất, khi giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ tại Tòa án, pháp luật quy định Tòa án là cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định, theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định. Tuy nhiên, pháp luật lại không quy định ràng buộc trách nhiệm của Thẩm phán trong việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu giám định của đương sự; khoản 2 Điều 97 BLTTDS quy định Tòa án có thể trưng cầu giám định để thu thập chứng cứ, cụm từ “có thể” tạo cho Thẩm phán quyền tùy nghi, không quy định rõ trường hợp nào bắt buộc phải trưng cầu giám định, trường hợp nào không. Vấn đề này ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của đương sự; Điều 70 BLTTDS quy định đương sự có quyền đề nghị Tòa án trưng cầu giám định, nhưng Bộ luật này lại không có quy định cho quyền này của đương sự được đảm bảo thực hiện. 
Thứ hai, pháp luật quy định đương sự được tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu; quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự. Thế nhưng, trường hợp sau khi nhận được đơn đề nghị trưng cầu giám định của đương sự, Tòa án không tiến hành giám định nhưng không gửi văn bản từ chối hoặc gửi văn bản từ chối ngay trước ngày ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, thì làm sao đương sự có thể tự mình yêu cầu giám định theo đúng các thủ tục pháp luật quy định.
Thứ ba, mặc dù công tác giám định tư pháp đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ, nhưng đến nay số lượng các tổ chức giám định về sở hữu trí tuệ rất hạn chế[9]; giám định trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp chỉ có Viện Khoa học sở hữu trí tuệ[10] trực thuộc Cục Sở hữu trí tuệ, giám định trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan chỉ có Trung tâm giám định quyền tác giả, quyền liên quan[11] trực thuộc Cục bản quyền tác giả; còn giám định quyền đối với giống cây trồng thì đến nay vẫn chưa có tổ chức nào có đủ thẩm quyền để có thể tiến hành hoạt động giám định trong lĩnh vực này. Mặc dù lĩnh vực sở hữu công nghiệp có phạm vi rất rộng, nhưng Danh sách giám định viên sở hữu công nghiệp của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ cũng chỉ có 04 giám định viên, trong đó: lĩnh vực Sáng chế - thiết kế bố trí chỉ có 03 giám định viên chuyên ngành, lĩnh vực kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý chỉ có 02 giám định viên chuyên ngành. Hiện nay, cũng chỉ có một số ít cá nhân được cấp Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ. Thực tế này gây nhiều khó khăn cho công tác giải quyết các tranh chấp sở hữu trí tuệ tại Tòa án, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi hợp pháp của đương sự, làm hạn chế vai trò của Tòa án.  
Thứ tư, do pháp luật không có quy định cụ thể về thời hạn trưng cầu giám định, yêu cầu giám định và thời hạn thực hiện giám định trong bao lâu, nên xảy ra tình trạng có những vụ việc phải chờ đợi thời gian dài, gây ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết tranh chấp của Tòa án, làm mất lòng tin của người dân, doanh nghiệp.
Từ những tồn tại nêu trên, tác giả kiến nghị:
Một là, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của Tòa án đối với đề nghị giám định của đương sự, cụ thể là: sau khi nhận được đơn đề nghị trưng cầu giám định của đương sự Thẩm phán phải trả lời bằng văn bản về việc chấp nhận trưng cầu giám định hay từ chối; trường hợp từ chối thì phải thông báo cho đương sự biết trong thời hạn bao lâu thì đương sự được quyền tự mình yêu cầu giám định.
Hai là, cần quy định cụ thể về thời gian trưng cầu giám định, yêu cầu giám định và thời hạn giám định của cá nhân, đơn vị thực hiện giám định, hạn chế việc kéo dài thời gian ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án, tránh trường hợp nhiều vụ án phải tạm đình chỉ để chờ kết quả giám định.
Ba là, cần nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp về sở hữu trí tuệ, các tổ chức giám định về sở hữu hữu trí tuệ nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ hiện nay./. 

 


[1] Theo khoản 1 Điều 2 Luật Giám định Tư pháp.
[2] Điều 95, Điều 97, Điều 102 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
[3] Điều 39 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP.
[4] Theo khoản 2, khoản 3 Điều 2 Luật Giám định Tư pháp.
[5] Điều 25 Luật Giám định tư pháp; Điều 102 BLTTDS.
[6] Điều 26 Luật Giám định tư pháp.
[7] Điều 29 Luật Giám định tư pháp.
[8] Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 06 (478), tháng 03/2023.)


Thống kê truy cập

32833867

Tổng truy cập