Thực tiễn công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và một số vấn đề đặt ra

30/03/2023

HOÀNG ANH CÔNG

Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Trưởng Ban Dân nguyện.

Tóm tắt: Tác giả phân tích, đánh giá thực trạng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và đề xuất xây dựng một Nghị quyết mới sửa đổi, bổ sung và hợp nhất các Nghị quyết số 228/NQ-UBTVQH10 ngày 27/10/1999 về việc ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân; Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12 ngày 15/10/2008 về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; và Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13 ngày 15/5/2014 quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Từ khoá: Tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, dân nguyện.
Abstract: The author provides an analysis and assessments of the current statues of citizen reception, handling of complaints and denunciations and proposes to develop a new Resolution on amendments and integration of the current resolutions namely the Resolution No. 228/NQ-UBTVQH10 dated October 27, 1999 on the National Assembly deputies forcitizen reception, receif and transfeand monitoring the settlement of written complaints, denunciations and petitions of citizens; the Resolution No. 694/2008/NQ-UBTVQH12 dated October 15, 2008 on the receipt, classification and handling of written complaints, denunciations and petitions from citizens to the National Assembly, the National Assembly Standing Committee, Ethnic Council, Committees of the National Assembly; and the Resolution No. 759/2014/UBTVQH13 dated May 15, 2014 detailing citizen reception activities of agencies of the National Assembly, National Assembly deputies, People's Councils and People's Council deputies at all levels.
Keywords: Citizen reception; complaints; denunciations; people’s aspiration.          
 Trưởng-ban-Dân-nguyện,-Trưởng-Đoàn-giám-sát-và-Đoàn-giams-sát-UBTVQH-đi-khảo-sát-tại-địa-điểm-tiếp-công-dân-của-Bộ-Tư-phápVQK-2953.JPG
Trưởng ban Dân nguyện, cùng Đoàn giám sát của UBTVQH khảo sát địa điểm tiếp công dân (Ảnh: BDN)
Trong những năm gần đây, công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân của Ban Dân nguyện thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 1156/2016/NQ-UBTVQH13 (Nghị quyết số 1156), Ban Dân nguyện có 09 nhóm chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, các chức năng, nhiệm vụ này còn chịu sự điều chỉnh của một số Luật và các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đang có hiệu pháp luật) như: Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo sửa đổi, bổ sung năm 2018, Luật Tiếp công dân năm 2013; Nghị quyết số 228/1999/NQ-UBTVQH10, ngày 15/11/1999 về tiếp công dân, xử lý đơn thư của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Đoàn ĐBQH; Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12, ngày 15/10/2008 về phân loại xử lý đơn thư của các cơ quan của Quốc hội, Nghị quyết số 759/2014/NQ-UBTVQH13, ngày 05/5/2014 quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của Quốc hội, ĐBQH, Hội đồng nhân dân (HĐND) và đại biểu HĐND các cấp; Nghị quyết liên tịch số 525/1012/NQLT-UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH và Nghị quyết số 334/2017/NQ-UBTVQH14, ngày 11/1/2017 ban hành Quy chế về hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
1. Tổ chức, thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo
1.1. Về giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức công tác tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật về tiếp công dân
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ giúp “UBTVQH có trách nhiệm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp việc tổ chức hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH” quy định tại khoản 2 Điều 5 và các quy định tại khoản 1, khoản 3, điểm d) khoản 4 và khoản 1, 2, 3 của Điều 11 Luật Tiếp Công dân, Ban Dân nguyện đã tổ chức, phân công một đồng chí lãnh đạo Ban phụ trách công tác tiếp công dân trực tiếp chỉ đạo thường trực tiếp công dân thường xuyên tại Địa điểm tiếp công dân của Quốc hội tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; tham gia phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ trong tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo Ban Dân nguyện thực hiện việc tiếp công dân định kỳ tại Địa điểm tiếp công dân của Quốc hội và tiếp công dân đột xuất đối với những vụ việc đông người, phức tạp. Thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân phục vụ các kỳ họp Quốc hội, trước mỗi kỳ họp Ban Dân nguyện đã chỉ đạo tổ chức các hội nghị triển khai kế hoạch tiếp công dân với thành phần tham dự có đại diện các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan; thường xuyên có báo cáo tình hình tiếp công dân trong kỳ họp Quốc hội gửi UBTVQH.
- Việc tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân theo quy định còn có một số khó khăn, bất cập, cụ thể:
+Ban Dân nguyện có nhiệm vụ giúp UBTVQH tổ chức công tác tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH theo quy định của pháp luật về tiếp công dân. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay việc tiếp công dân thường xuyên đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với Quốc hội đều do Thường trực tiếp công dân của Ban Dân nguyện tiếp và đại diện cho các cơ quan của Quốc hội tiếp công dân đến trình bày về những nội dung thuộc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban phụ trách. Nghị quyết số 759 quy định các cơ quan của Quốc hội đều có trách nhiệm tổ chức và thực hiện việc tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội hoặc nơi tiếp công dân do các cơ quan của Quốc hội lựa chọn, nhưng mới chỉ quy định các cơ quan này tiếp khi cần thiết hoặc khi công dân có ý kiến đề nghị và Ban Dân nguyện đề xuất mà chưa có quy định cụ thể về việc tiếp định kỳ, thường xuyên của các cơ quan này.
+ Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định Ban Dân nguyện vừa làm nhiệm vụ tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương, vừa đại diện cho các cơ quan của Quốc hội tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội nhưng số lượng cán bộ, công chức chưa được xem xét bổ sung để đáp ứng yêu cầu của công việc, dẫn đến tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, việc tổ chức địa điểm tiếp công dân của Quốc hội được tổ chức tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, các điều kiện về cơ sở vật chất, văn thư, hành chính và việc phân loại, đón tiếp đầu vào do Ban Tiếp công dân Trung ương đảm nhiệm; việc ký và ban hành các văn bản hướng dẫn, chuyển đơn, thư của công dân đều sử dụng con dấu của Trụ sở tiếp công dân Trung ương; do đó, gây ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện nhiệm vụ.
1.2. Về giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban Dân nguyện để nghiên cứu; khi cần thiết, chuyển đơn, thư đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời công dân.
Thực hiện nhiệm vụ giúp UBTVQH“chỉ đạo nghiên cứu, xử lý; khi cần thiết chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xem xét, giải quyếtquy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, và các quy định trong các văn bản pháp luật khác, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ban Dân nguyện có trách nhiệm tiếp nhận, tổ chức nghiên cứu, xử lý toàn bộ đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban Dân nguyện. Kết quả, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận, phân loại 54.938 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân (chiếm 48,72% tổng số 112.766 đơn thư gửi các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH). Sau khi phân loại số đơn trùng lặp và đơn không đủ điều kiện xử lý, đơn thư đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đúng quy định của pháp luật, Ban Dân nguyện đã có 1.281 công văn chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với những vụ việc có căn cứ (chiếm 49,19% tổng số 2.604 vụ việc do các cơ quan của Quốc hội, của UBTVQH đã chuyển); đã nhận được văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền về 635 vụ việc (đạt 49,57% số đơn do Ban Dân nguyện chuyển).
Khoản 2 Điều 14 Nghị quyết số 759 quy định Ban Dân nguyện có nhiệm vụ: “Tiếp nhận, phân loại đơn, thư của công dân gửi đến Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban Dân nguyện để chuyển đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Ban Công tác đại biểu theo lĩnh vực phụ trách”. Trên thực tế, nội dung này đã được chỉ đạo thực hiện theo quy định tại Điều 2 của Nghị quyết số 1156. Theo đó, kể từ tháng 3/2016, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Quốc hội gồm: UBTVQH, lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội và các Ban thuộc UBTVQH (chiếm trên 80% tổng số đơn thư gửi đến Quốc hội và không thực hiện phân loại, chuyển những đơn thư này theo lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Ban Công tác đại biểu. Đồng thời, Ban Dân nguyện phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và Ban Công tác đại biểu tập hợp, tổng hợp tình hình tiếp nhận, xử lý và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
2. Một số kiến nghị
Qua hơn 23 năm thực hiện Nghị quyết số 228, hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 694, và hơn8 năm thực hiện Nghị quyết số 759, việc tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân doĐBQH, Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH và HĐND, đại biểu HĐND các cấp thực hiện ngày càng được nâng lên cả về chất lượng và hiệu quả, góp phần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo[1].
Tuy nhiên, việc có 03 Nghị quyết cùng đang có hiệu lực thi hành, có quy định khác nhau về chủ thể có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đã ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử trong công tác này. Mặt khác, Nghị quyết số 228, Nghị quyết số 694 và Nghị quyết số 759 có những quy định không còn phù hợp với thực tiễn và không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với những luật, nghị quyết mới được Quốc hội, UBTVQH ban hành như đã nêu ở trên; nên việc xây dựng một văn bản thống nhất, quy định chung, tích hợp các nội dung cùng loại, nhằm tránh sự tản mạn, phân tán các quy định, thậm chí là khác nhau về cùng một nội dung, nhằm tạo điều kiện thực hiện dễ dàng hơn trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là cần thiết.
Theo báo cáo, đề xuất của Ban Dân nguyện, thực hiện Chương trình công tác của UBTVQH năm 2023 giao Ban Dân nguyện phối hợp với Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội xây dựng một Nghị quyết mới sửa đổi, bổ sung và hợp nhất các nghị quyếtsố 228/NQ-UBTVQH10 ngày 27/10/1999 về việc ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân, Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12 ngày 15/10/2008 về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, và Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13 ngày 15/5/2014 quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH, HĐND và đại biểu HĐND các cấp.
Trong việc sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết nêu trên, cần phải tập trung khắc phục những bất cập, bổ sung những quy định mới, tạo thuận lợi, nâng cao trách nhiệm và phát huy tính chủ động của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử trong hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận, nghiên cứu, chuyển đơn, theo dõi, đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân và giám sát việc giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nâng cao hơn nữa trách nhiệm, vai trò của các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan trong việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.Định hướng chung trong việc sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết là nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ĐBQH, Đoàn ĐBQH, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH trong việc tiếp công dân, tiếp nhận, nghiên cứu, chuyển đơn, theo dõi, đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và giám sát việc giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là các hoạt động có tính chuyên môn đặc thù trong công tác dân nguyện, nên cần được quy định thống nhất trong một nghị quyết, khắc phục những tồn tại hạn chế, bổ sung và cụ thể hóa các quy định về trách nhiệm, về việc tổ chức, phục vụ và hướng dẫn bảo đảm sự thống nhất hoạt động trong lĩnh vực này; góp phần thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.
Trên cơ sở Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan, cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị quyết số 228, Nghị quyết số 694 và Nghị quyết số 759 và ban hành một Nghị quyết chung mới thay thế để thống nhất quy định về phạm vi, đối tượng và quy trình cụ thể đối với toàn bộ hoạt động nêu trên theo định hướng sau:
Thứ nhất, về nội dung và phạm vi của Nghị quyết: nội dung Nghị quyết này cụ thể hóa các quy định của các văn bản pháp luật hiện hành đối với ĐBQH, Đoàn ĐBQH, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH về các hoạt động: tiếp công dân; tiếp nhận, nghiên cứu và chuyển đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; theo dõi, đôn đốc và giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như về chế độ tổng hợp báo cáo, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan khi nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do các chủ thể nêu trên chuyển đến.
Về phạm vi, đối với hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND trong công tác này có tính chất và đặc thù riêng, có căn cứ pháp lý từ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (các điều 95, 107...), Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của UBTVQH về ban hành quy chế hoạt động của HĐND (các điều: 47, 48, 49, 50, 57, 61...). Do đó cần được phối hợp với Ban Công tác đại biểu và các cơ quan có liên quan xây dựng quy định đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất khi nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 753.
Để bảo đảm sự phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời cũng thể hiện được các nội dung cơ bản của Nghị quyết mới, dự kiến lấy tên gọi của Nghị quyết là: “Nghị quyết về việc tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân của các cơ quan Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, Đoàn đạibiểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐNDvà đại biểu HĐND các cấp”;
Thứ hai, về tiếp công dân: quy định rõ về việc tổ chức công tác tiếp công dân, trách nhiệm tiếp công dân, nơi tiếp công dân, hình thức tiếp công dân; tiếp công dân của ĐBQH chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm; tiếp công dân theo phân công của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và tiếp công dân theo lịch của cá nhân đại biểu; bổ sung, quy định rõ thẩm quyền và tổ chức hoạt động giám sát việc tiếp công dân... Quy định cụ thể về tiếp công dân của Thường trực HĐND và tiếp công dân của đại biểu HĐND các cấp;
Thứ ba, về tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư; nghiên cứu, chuyển, theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết: quy định mới cần xác định rõ về việc tiếp nhận; phân loại đơn thư theo hình thức, nội dung, thẩm quyền phụ trách, điều kiện xử lý; trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, Đoàn ĐBQH và ĐBQH trong việc chuyển, theo dõi, đôn đốc và việc lựa chọn để tiến hành giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền; bổ sung các định cụ thể về tiếp công dân của Thường trực HĐND và tiếp công dân của đại biểu HĐND các cấp;
Thứ tư, về công tác phối hợp: quy định hướng dẫn cụ thể về sự phối hợp trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết giữa các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH; giữa các Đoàn ĐBQH, ĐBQH và các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương; Công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND với Ủy ban nhân dân (UBND), các cơ quan trực thuộc UBND các cấp và công tác phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Thứ năm, về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền giải quyết: cần quy định rõ trách nhiệm và chế tài cụ thể đối với các cơ quan có thẩm quyền khi nhận được đơn do các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, Đoàn ĐBQH, ĐBQH, Thường trực HĐND và đại biểu HĐND chuyển đến, và trách nhiệm trong việc thực hiện kiến nghị giám sát đối với các vụ việc cụ thể.
Thứ sáu, về tổ chức phục vụ và các điều kiện bảo đảm khác: cần quy định cụ thể về tổ chức, trách nhiệm của cơ quan tham mưu, phục vụ; quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và bố trí cơ sở vật chất, phương tiện và các điều kiện đảm bảo khác./.

 


[1]Khi Nghị quyết số 759 có hiệu lực thi hành thì quy định về tiếp công dân của ĐBQH trong Nghị quyết số 228 hết hiệu lực.

(Nguồn tin: Số Chuyên đề "20 năm thành lập Ban dân nguyện - Xây dựng, phát triển và đổi mới" - TC NCLP. 2023)