Tổng hợp một số phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, nguyên lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội về công tác dân nguyện

28/03/2023

 
·      Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trân trọng gửi tới quý bạn đọc những ý kiến nhận xét, đánh giá của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, các đồng chí nguyên là lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội về công tác dân nguyện thời gian qua.
 
   Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (phát biểu tại buổi làm việc với Ban Dân nguyện ngày 17/5/2021 – Nguồn: TCCS ngày 14/3/2021)

Công tác dân nguyện, cụ thể là công tác tiếp công dân, tham mưu và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Dù khối lượng công việc ngày càng nhiều, tính chất nhạy cảm, phức tạp tăng lên, trong khi các điều kiện bảo đảm hoạt động cả về tổ chức, bộ máy, nhân lực cũng còn nhiều khó khăn, nhưng công tác dân nguyện của Quốc hội nói chung và công tác của Ban Dân nguyện nói riêng đã đóng góp quan trọng vào thành công chung của Quốc hội khóa XIV.

Công tác dân nguyện đã thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, được dư luận xã hội và Nhân dân đồng tình, hoan nghênh. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Quốc hội, với Đảng và Nhà nước; góp phần hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
·       
Phát biểu của Thượng tướng Trần Quang Phương tại buổi làm việc với Ban Dân nguyện ngày 6/2/2023
“Trong bối cảnh tình hình triển khai nhiệm vụ năm 2022 rất nhiều áp lực đối với các cơ quan của Quốc hội, trong đó có Ban Dân nguyện nhưng Ban đã chấp hành nghiêm chỉ đạo của UBTVQH và triển khai đầy đủ các nhiệm vụ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm, trong đó có một số nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc... công tác dân nguyên lần đầu tiên được đưa vào 1 trong 10 sự kiện nổi bật của Quốc hội năm 2022, đây là một thành công rất lớn của Quốc hội, của UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội, trong đó vai trò chủ trì tham mưu của Ban Dân nguyện. Ngoài ra, Ban đã thực hiện rất tốt một số nhiệm vụ khác như phục vụ chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội”.
·         Đồng chí Uông Chu Lưu, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: “Những việc làm của Ban Dân nguyện có tác động và gây được tiếng vang”
Trong thực hiện công tác dân nguyện nhiệm kỳ XII, chúng ta đã có nhiều cố gắng và đạt nhiều kết quả tích cực. Dự thảo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội đánh giá, công tác dân nguyện đã góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Qua đó, phản ánh được với Đảng, Nhà nước những tâm tư, nguyện vọng của người dân, góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
            Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cũng có một số vấn đề dân nguyện chưa được giải quyết như mong muốn. Chúng ta đã có nhiều cố gắng, giải quyết được rất nhiều vấn đề như tiếp nhận đơn thư kiến nghị của công dân; tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước mỗi kỳ họp và đặc biệt là thực hiện giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri giữa các Kỳ họp Quốc hội. Đây là vấn đề rất mới, được bắt đầu thực hiện tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội Khóa XII. Qua đó, giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước; các cơ quan hành pháp, tư pháp; các cơ quan của Quốc hội; các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội tham gia công tác quản lý Nhà nước hoàn thành công tác, chức năng, nhiệm vụ tốt hơn, đồng thời giúp những cơ quan này thấy rõ được trách nhiệm trước dân....        
            Ban Dân nguyện với chức năng, thẩm quyền được quy định trong Nghị quyết -của UBTVQH thì chưa đủ địa vị pháp lý, quyền năng và điều kiện để thực hiện những nhiệm vụ của chúng ta mong muốn. Ý kiến chung đề nghị, khi Quốc hội sửa đổi Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội sẽ thành lập Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội trên cơ sở nâng cấp Ban Dân nguyện để thực hiện chức năng, nhiệm vụ này. Nhưng để sửa đổi hai văn bản quy phạm pháp luật này thì phải nghiên cứu để sửa đổi mối quan hệ giữa các cơ quan của Quốc hội, chứ không chỉ với một cơ quan dân nguyện. Dù vậy, trong tiến trình đổi mới Quốc hội, thì chúng ta đang đi theo hướng giải quyết tốt nhất quyền lợi cho người dân. Ví dụ, việc ban hành Luật Tố tụng hành chính cũng bắt nguồn từ công tác dân nguyện, giám sát của Quốc hội phát hiện mâu thuẫn giữa Luật Đất đai, Pháp lệnh giải quyết các thủ tục hành chính, Luật Khiếu nại. Luật Tố tụng hành chính đã tháo gỡ những vướng mắc hiện hành.
Trong thời gian qua, những việc làm của Ban Dân nguyện đã có tác động, gây được tiếng vang; đồng thời, giúp cho các cơ quan chuyển biến trong điều hành. Ví dụ khi Ban Dân nguyện giám sát kiến nghị của cử tri về giá xăng dầu, giá điện, chính sách với giáo viên vùng miền núi, khó khăn... Do biết cách tổ chức các Đoàn giám sát, phối hợp tốt với các bộ, ngành, Ban Dân nguyện đã giúp Quốc hội, UBTVQH chỉ rõ những điểm còn khiếm khuyết trong chính sách. Hay như mối quan hệ, chức năng, của Bộ Công thương, Bộ Nội vụ và Hiệp hội lương thực Việt Nam, qua giám sát Ban Dân nguyện đã phát hiện có một số văn bản ban hành không đúng thẩm quyền (trao cho hiệp hội quyền quản lý Nhà nước, còn Bộ thì buông lỏng). Đây là những kết quả rất thiết thực. (Ngày 25/02/2011, phóng viên báo ĐBND lược ghi)
·          Đồng chí Lê Quang Bình, nguyên Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, nguyên Trưởng Ban Dân nguyện
"Làngười có 14 năm công tác ở Quốc hội trong đó có 05 năm là Trưởng Ban Dân nguyện. Tôi rất vui mừng nhận thấy: Mặc dù mới được thành lập 20 năm, nhưng Ban Dân nguyện đã có nhiều cố gắng, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; năm sau, khóa sau cao hơn năm trước, khóa trước, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban thường vụ Quốc Quốc hội và cử tri cả nước đánh giá cao. Nhất là tổng hợp, tập hợp khá đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xem xét, giải quyết; đôn đốc và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát thực hiện lời hứa của người bị chất vấn; và tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ thì thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và còn có những hạn chế nhất định.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của Ban trong thời gian tới, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới hoạt động sao cho thiết thực, hiệu quả. Cần bám sát vào chức năng, nhiệm vụ, tập trung vào những vấn đề bức xúc nhất của người dân như giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị, tố cáo của công dân; nhưng cần chọn một số vụ việc khiếu nại, tố cáo nổi cộm, một số lời hứa của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước mà cử tri và dư luận cho rằng giải quyết của cơ quan và người có thẩm quyền là chưa thỏa đáng, chưa đúng quy định của pháp luật, để tập trung lực lượng, công sức, kiến nghị xử lý cụ thể và kiên quyết theo đuổi đến cùng, nhằm mang lại công bằng xã hội và đáp ứng mong đợi của cử tri.
Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Dân nguyện cần phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan, tổ chức, nhất là Ủy ban Trung ương MTTQVN, các cơ quan của Quốc hội và báo chí.
·         Đồng chí Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội
"Việc thành lập Ban Dân nguyện thể hiện thế của công tác dân nguyện, từ đó Ban cũng đã làm được một việc tầm cao hơn, đó là giúp UBTVQH thực hiện chức năng giám sát. Giám sát Quốc hội những năm trước đây là rất yếu, gần như là mới làm được có 10% đến 30%, nên tôi đánh giá cao hoạt động thời gian qua của Ban Dân nguyện, đẩy mạnh các hoạt động giám sát là việc làm rất tốt. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, một trong những việc làm nổi bật là Ban Dân nguyện đã biên tập và xuất bản thành công ấn phẩm "Thông tin Dân nguyện”. Có thể nói, khi tôi về công tác ở vị trí Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tôi đã tích cực đưa báo chí, thông tin hòa nhập, gắn kết vào với hoạt động của Quốc hội. Cho nên tôi rất trân trọng, tạo điều kiện cho các cơ quan thông báo chí và thấy rằng, để có thể đưa những hoạt động của Quốc hội đến với dân như truyền hình trực tiếp hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là việc làm rất thiết thực, hiệu quả... Tất cả những cái đó đều hết lòng. Cho nên rất ủng hộ hoan nghênh việc có tờ Thông tin Dân nguyện này và tôi cho là nó cũng đã có một vai trò rất quan trọng, đóng góp thiết thực, giúp nâng tầm và chất lượng của công tác dân nguyện. Tôi cho rằng, việc làm này rất đáng để phát huy và mong rằng chúng ta cùng tiếp tục suy nghĩ để có nhiều sáng kiến tốt”.
·           Đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phụ trách công tác Dân nguyện khóa X,nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XI (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội)
"Tôi có lời đề nghị tha thiết với các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, quý đại biểu Quốc hội nên quan tâm nguyện vọng của Nhân dân thì Quốc hội hãy sớm nghiên cứu, đề xuất thành lập Ủy ban Dân nguyện. Bởi vì nước ta là nước dân chủ, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân cần được lắng nghe, được tiếp thu. Ủy ban Dân nguyện sẽ giúp Quốc hội như các ủy ban khác về lĩnh vực dân nguyện. Công việc của Ban Dân nguyện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao 20 năm qua cần được tổng kết, đánh giá làm cơ sở cho việc thành lập Ủy ban Dân nguyện. Đó là nguyện vọng tha thiết của tôi, mong quý vị đại biểu quan tâm".  
    ·        Trích nội dung trả lời phỏng vấn của Báo Tiền phong (2011) đối với đồng chí Trần Thế Vượng, Nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện:
“Công tác dân nguyện là làm thế nào để tập hợp đươc trí tuệ và phát huy được ý thức công dân trong việc đóng góp xây dựng đất nước”. “Lâu nay, có người hiểu dân nguyện gồm cả ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân. Tôi hiểu công tác dân nguyện là làm thế nào để tập hợp được trí tuệ và phát huy được ý thức công dân trong việc đóng góp xây dựng đất nước. Đồng thời, khi đã nhận được đóng góp của người dân, thì cơ quan dân nguyện phải tiếp nhận, phân loại, đánh giá và tiếp thu được những đóng góp ấy, để xây dựng, hoàn thiện bộ máy Nhà nước. Để rồi, bộ máy Nhà nước trở lại phục vụ hơn, hiệu quả hơn”.
Tôi cũng đã tìm hiểu, suy nghĩ, nghiên cứu, kể cả ở nước ngoài, thấy vấn đề dân nguyện được các nước rất coi trọng. Ví dụ như ở Cộng hòa Séc, Ủy ban Dân nguyện là cơ quan được quy định trong Hiến pháp. Còn ở ta, Hiến pháp đã nói rõ tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân và Nhân dân thực hiện quyền lực của mình qua Quốc hội và HĐND.
Quốc hội và HĐND do cử tri bầu ra. Cử tri tín nhiệm bầu ra đại biểu Quốc hội đồng nghĩa đã ủy thác cho đại biểu thực hiện quyền lực nhà nước thay mình. Vì thế sau khi bầu ra đại biểu, thì anh phải giữ mối liên hệ để người dân kiểm soát, xem anh đã thực thi quyền lực mà tôi ủy thác như thế nào. Bởi vậy, phải tổ chức như thế nào để cơ quan dân nguyện giúp Quốc hội lắng nghe được ý kiến, nguyện vọng của người dân, để khi Quốc hội thực hiện các quyền lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đều thể hiện được ý chí, nguyện vọng của dân.
Bởi vậy, theo tôi, Quốc hội cần lập Ủy ban Dân nguyện, chứ không phải là Ban Dân nguyện do Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập ra như hiện nay. Ủy ban này chuyên xử lý ý kiến, kiến nghị của cử tri, thực hiện thẩm tra dự án luật, và giám sát những vấn đề thuộc lĩnh vực dân nguyện. Và có thể thực hiện cả những cuộc điều tra, thăm dò dư luận, đo lòng dân chẳng hạn... Như thế, hoạt động sẽ có hiệu quả hơn.
PV: Thưa ông, ngay cả quy trình giải quyết những vấn đề dân nguyện cũng cần được luật hóa. Như vậy, ý kiến, kiến nghị của người dân sẽ được cơ quan chức năng giải quyết hiệu quả hơn?
Đồng chí Trần Thế Vượng: Những quy định giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri hiện đã có nhưng nằm rải rác và phân tán ở khá nhiều văn bản, với những cấp độ khác nhau, như: quy định trong Nội quy kỳ họp, Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH với Mặt trận Tổ quốc...
Tuy nhiên, do phân tán như vậy nên không tiện khi áp dụng, thậm chí khó tránh khỏi sự chồng chéo. Nên theo tôi, sắp tới, có thể quy định đầy đủ thành một chương trong Luật Tổ chức Quốc hội, hoặc nên có một văn bản riêng, có thể chưa thành luật thì ban hành một nghị quyết của Quốc hội.
·         Đồng chí Bùi Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khóa XII
Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thực sự tạo chuyển biến đối với các cơ quan thực hiện chính sách, pháp luật... Từ Kỳ họp thứ năm, Quốc hội Khóa XI đã đều đặn tiến hành giám sát việc giải quyết kiến nghị, bức xúc của cử. Đây là việc Quốc hội chúng ta chưa làm được trong thời gian trước. Nhân dân rất đồng tình và đánh giá cao hoạt động này. Thông qua giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri – đây không đơn thuần là sự chuyển biến phương pháp làm việc, giám sát từ tổng hợp kiến nghị sang theo dõi sâu sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri — mà thực sự đã tạo chuyển biến đối với các cơ quan thực hiện chính sách pháp luật. Qua giám sát của Hội đồng Dân tộc có thể thấy, HĐND các cấp đánh giá cao hoạt động này của Quốc hội, cụ thể là Ban Dân nguyện. Một số địa phương đã học tập phương pháp làm việc Ban Dân nguyện. Đây là một dấu ấn khá đậm nét trong hoạt động giám sát của Quốc hội Khóa XII. Qua theo dõi, tôi thấy, từ kiến nghị của Ban Dân nguyện,của Hội đồng Dân tộc và các địa phương, Chính phủ đã có nhiều quyết định nhằm đáp ứng mong mỏi cũng như tâm tư của đồng bào. Ví dụ như kéo dài Chương trình 134, 135 hay chính sách cử tuyển đối với đồng bào dân tộc…”.
·         Đồng chí Hà Công Long, nguyên Phó Trưởng Ban Dân nguyện
Một trong những nguyên nhân rất cơ bản làm hạn chế công tác dân nguyện là do địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ của Ban Dân nguyện theo quy định hiện hành chưa ngang tầm với nhiệm vụ và đòi hỏi của thực tiễn.
Hiện nay, Ban Dân nguyện mới chỉ là cơ quan chuyên môn giúp việc của UBTVQH, không có đầy đủ chức năng như một cơ quan của Quốc hội nên khó có thể độc lập thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác giám sát. Thực tiễn cho thấy, công tác dân nguyện là một mảng công việc lớn của Quốc hội, đòi hỏi phải có một cơ quan như một Ủy ban của Quốc hội thì mới có thể giúp Quốc hội thực hiện lĩnh vực công tác này đạt được hiệu quả thiết thực.
Theo quy định hiện hành thì công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân được Quốc hội giao cho các cơ quan của Quốc hội (Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của UBTVQH). Quy định này dẫn đến sự phân tán, không tập trung vào một đầu mối, thiếu tính chuyên sâu; lực lượng làm công tác này còn dàn trải, nên hiệu quả thực hiện còn hạn chế. Hơn nữa hiện nay, cũng còn thiếu quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, phạm vi xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trong các cơ quan của Quốc hội.
Mặt khác, theo quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện thì Ban không thể độc lập tổ chức hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, mà chỉ có thể tiến hành các cuộc khảo sát, nghiên cứu vụ việc khiếu nại, tố cáo để đề xuất UBTVQH giám sát. Trên thực tế việc này chưa làm được nhiều và thường xuyên.
Hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri chỉ mới đựợc thực hiện từ Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XII đến nay, trong khi theo quy định của pháp luật và yêu cầu của thực tiễn đời sống xã hội thì công tác này đã được đặt ra từ lâu. Do vậy công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn gặp nhiều khó khăn. Nội dung kiến nghị thường liên quan đến nhiều cấp, nhiều bộ, ngành và thuộc lĩnh vực phụ trách của nhiều cơ quan của Quốc hội nên việc phối hợp, thực hiện giám sát cũng còn gặp nhiều gặp khó khăn, lúng túng.
 
 
BAN DÂN NGUYỆN (Tổng hợp)

(Nguồn tin: Số Chuyên đề "20 năm thành lập Ban dân nguyện - Xây dựng, phát triển và đổi mới" - TC NCLP. 2023)