Công tác của Ban Dân nguyện góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

28/03/2023

TRƯỞNG BAN DÂN NGUYỆN

DƯƠNG THANH BÌNH

Năm 2022, Báo cáo Công tác dân nguyện hàng tháng của Quốc hội được chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật trong hoạt động của Quốc hội năm 2022. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ban Dân nguyện (17/3/2003- 17/3/2023), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị, và Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Dân nguyện, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác dân nguyện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Qua công tác dân nguyện của mình, Ban Dân nguyện cũng góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Trưởng-Ban-Dân-nguyện-Dương-Thanh-Bình--5-.jpg
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình (Ảnh: BDN)
1. Khái quát chung về sự hình thành và phát triển của Ban Dân nguyện
Từ khi mới ra đời, Đảng ta luôn coi trọng công tác dân nguyện. Khi đất nước giành được độc lập và thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tại Điều thứ 1 của Hiến pháp năm 1946 đã quy định: "Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo". Cũng từ đó, công tác dân nguyện ngày càng được quan tâm và trở thành một nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội. Công tác dân nguyệnđược hiểu làlàm thế nào để tập hợp được trí tuệ và phát huy được ý thức công dân trong việc đóng góp xây dựng đất nước. Đồng thời, khi đã nhận được đóng góp của người dân, thì cơ quandân nguyện phải ghi nhận, phân loại, đánh giá và tiếp thu được những đóng góp ấy, để xây dựng, hoàn thiện bộ máy Nhà nước. Để rồi, bộ máy Nhà nước trở lại phục vụ Nhân dân tốt hơn, hiệu quả hơn. Có thể nói rằng, công tác dân nguyện góp phần quan trọng vào việc đưa ý chí và nguyện vọng của Nhân dân vào cuộc sống, vì mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Quốc hội khóa I đã thành lập cơ quan chuyên trách làm công tác dân nguyện, đó là Tiểu Ban Dân nguyện do Ban thường trực Quốc hội thành lập. Tiểu ban Dân nguyện có trách nhiệm nghiên cứu các đơn từ, nguyện vọng, các ý kiến của nhân dân đề đạt lên Quốc hội và phối hợp với các cơ quan của Chính phủ để giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Tuy nhiên, Tiểu ban này cũng chỉ tồn tại từ sau kỳ họp thứ sáu (tháng 1/1957) đến sau kỳ họp thứ 11 (1959). Sau đó, Ban thường trực Quốc hội đã giao cho Tiểu ban nghiên cứu tình hình các Hội đồng nhân dân địa phương kiêm phụ trách cả công việc của Tiểu ban Dân nguyện trước đây.
- Từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa II đến khóa VI, việc tiếp công dân, xem xét, xử lý đơn, thư của công dân được giao cho Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đảm nhiệm và do một Ủy viên thư ký của UBTVQH phụ trách công tác này.
- Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII và khóa VIII, việc tiếp công dân, xử lý đơn, thư dân nguyện và khiếu nại, tố cáo được Quốc hội giao cho Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.
- Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX và khóa X, việc tiếp nhân dân và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và đề đạt nguyện vọng của nhân dân do Văn phòng Quốc hội đảm nhiệm. Vụ Dân nguyện của Văn phòng Quốc hội thực hiện nhiệm vụ này dưới sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của một ủy viên UBTVQH (khóa IX là đại biểu kiêm nhiệm, khóa X là ĐBQH chuyên trách).
Như vậy, trong thời gian này, việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị do Vụ Dân nguyện thực hiện dưới sự chỉ đạo của Uỷ viên UBTVQH phụ trách công tác dân nguyện (do Quốc hội bầu). Sau khi UBTVQH ban hành Kết luận số 168/UBTVQH10 và Công văn số 169/UBTVQH10 ngày 23/01/1999 quy định về việc tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thì Uỷ viên UBTVQH chỉ đạo Vụ Dân nguyện tiếp nhận, phân loại và chuyển đến các cơ quan của Quốc hội xử lý theo lĩnh vực phụ trách. Tuy nhiên, những đơn, thư liên quan đến đất đai trong lĩnh vực hành chính vẫn do Uỷ viên UBTVQH phụ trách công tác dân nguyện xử lý, số đơn, thư này chiếm khoảng 60% tổng số đơn, thư của công dân gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Việc tập hợp, tổng hợp, chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, từ Quốc hội khoá X trở về trước được giao cho Văn phòng Quốc hội đảm nhiệm và do Vụ Hoạt động đại biểu thực hiện dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Văn phòng Quốc hội.
Ngày 17/3/2003, Ban Dân nguyện của UBTVQH đã được thành lập theo Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11[1]. Việc thành lập Ban Dân nguyện đánh dấu sự thay đổi việc đánh giá tầm quan trọng của công tác dân nguyện của Quốc hội; cần thiết phải có một cơ quan, có thể ở cấp độ thấp hơn uỷ ban của Quốc hội để đảm nhiệm một phần các công việc liên quan đến nguyện vọng của Nhân dân; coi đây cũng là bước chuẩn bị, thử nghiệm để tiến tới thành lập một cơ quan độc lập. Bởi lẽ, từ cuộc tổng tuyển cử năm 1946 để bầu ra Quốc hội đầu tiên, đến năm 2003 đã có 10 khóa Quốc hội hoạt động, nhưng trước năm 2003, công tác dân nguyện được hiểu chỉ trong phạm vi tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý (chuyển) đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội. Từ đó đến nay, công tác dân nguyện đã từng bước được tăng cường và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Đặc biệt là những năm gần đây, hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo cũng như việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã được quan tâm hơn. Việc làm đó đã góp phần thúc đẩy trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của Nhân dân nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, được dư luận xã hội và cử tri đồng tình, ủng hộ. Thông qua việc thực hiện công tác dân nguyện, đã nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội những vấn đề liên quan đến việc hoạch định chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng vào thành tích chung trong hoạt động của Quốc hội.
Về nguyên tắc, Quốc hội là cơ quan dân cử, người dân ủy nhiệm việc thực hiện quyền làm chủ của mình cho ĐBQH, thì nhất thiết Quốc hội, ĐBQH phải có trách nhiệm trước ý kiến, kiến nghị của Nhân dân và cử tri. Về những vấn đề mà Nhân dân đề xuất, kiến nghị thì dù chúng ta đã làm được hay chưa làm được cũng đều phải trả lời cho dân biết. Việc làm đó, vừa thể hiện sự tôn trọng và trách nhiệm với cử tri, vừa cung cấp thêm thông tin cho chính các ĐBQH khi thảo luận, thông qua các dự án luật, cũng như khi quyết định những quyết sách về quốc kế - dân sinh.
Từ khi thành lập đến nay, Ban Dân nguyện luôn quán triệt, triển khai thực hiện theo các Nghị quyết của Đảng với những chủ trương, định hướng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, phát huy dân chủ XHCN, tuân thủ pháp luật trong quá trình hoạt động để phát huy tối đa vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu của UBTVQH, đã được ghi nhận tại các Nghị quyết của UBTVQH. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Dân nguyện đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, được đánh giá cao qua các nhiệm kỳ Quốc hội.  
2. Về công tác tiếp công dân
Ngay từ khi thành lập, Ban Dân nguyện đã tập trung chỉ đạo duy trì việc tiếp công dân phục vụ các kỳ họp Quốc hội, tổ chức bộ phận tiếp công dân thường xuyên và tham gia phối hợp tiếp công dân cùng các cơ quan Trung ương tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ban Dân nguyện luôn xác định công tác tiếp công dân, nhất là tiếp công dân phục vụ các kỳ họp Quốc hội là nhiệm vụ quan trọng, nhưng cũng là công việc khó khăn, phức tạp. Để phục vụ tốt các kỳ họp Quốc hội, trước mỗi kỳ họp, Ban Dân nguyện đã tổ chức họp với đại diện Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội và Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước ở Hà Nội để đánh giá tình hình, đề ra biện pháp phối hợp tiếp công dân... Các ý kiến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân tại kỳ họp đều được Ban Dân nguyện nghiên cứu chuyển đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết và tổng hợp tình hình, kết quả việc tiếp công dân báo cáo UBTVQH, Đoàn thư ký kỳ họp, gửi đến Đoàn ĐBQH.
3. Về tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, thư của công dân
Từ năm 2003 đến năm 2016[2], thực hiện theo quy định về tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư của công dân, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận, phân loại, cập nhật 244.984 đơn, thư của công dân gửi đến Quốc hội, UBTVQH, trong đó chuyển đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu 188.762 đơn; nghiên cứu, xử lý 31.616 đơn, trong đó chuyển 8.481 vụ việc đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và nhận được kết quả, báo cáo về 3.056 vụ việc.
Từ năm 2016 đến nay[3], thực hiện chức năng, nhiệm vụ được UBTVQH giao, việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, thư của Ban Dân nguyện có sự thay đổi nhất định. Nếu như trước đây, đơn thư của công dân gửi đến Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Ban Dân nguyện do Ban Dân nguyện tiếp nhận, phân loại và chuyển đến Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu theo lĩnh vực phụ trách,thì nay, Ban Dân nguyện có trách nhiệm xử lý toàn bộ đơn thư gửi đến Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban Dân nguyện để nghiên cứu và “khi cần thiết, chuyển đơn, thư đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời công dân”. Theo đó, trong giai đoạn này, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận, phân loại và xử lý 117.827 đơn thư. Đối với đơn thư thuộc trách nhiệm xử lý của Ban, đơn thư do lãnh đạo Quốc hội giao, Ban Dân nguyện đã nghiên cứu và có công văn chuyển 2.000 đơn, đã phát hành 140 công văn đôn đốc việc giải quyết và đã nhận được 1.624 văn bản trả lời.
Từ tháng 8/2022, Vụ Dân nguyện giúp việc cho Ban Dân nguyện được giao thêm nhiệm vụ tiếp nhận và bóc bì đơn, thư gửi Chủ tịch Quốc hội và hàng tháng tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội về tình hình tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Theo đó, ngoài nhiệm vụ thường xuyên trong công tác xử lý đơn thư theo quy định trước đây, nay khối lượng công việc chung của Vụ giúp việc cho Ban Dân nguyện sẽ ngày càng nặng nề hơn.
Bên cạnh việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, thư theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tại mỗi kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, Vụ Dân nguyện còn được giao phục vụ Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Qua đó, đã xử lý số lượng lớn đơn thư khiếu nại, tố cáo trước, trong và sau mỗi kỳ bầu cử, để có hướng xử lý chính xác, kịp thời, đúng quy định của pháp luật và góp phần vào sự thành công chung của các cuộc bầu cử.
4. Về thực hiện hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo chức năng, nhiệm vụ được giao
Về công tác giám sát, Ban Dân nguyện với vị trí là cơ quan tham mưu, giúp UBTVQH, giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Trong khuôn khổ các hoạt động giám sát, cùng với việc xem xét báo cáo kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cho đến nay, Ban Dân nguyện đã tổ chức nghiên cứu, đề xuất và giám sát trực tiếp 155 lượt làm việc với các địa phương và 24 bộ, ngành[4]. Qua giám sát, Đoàn giám sát yêu cầu các địa phương xem xét, giải quyết lại đối với nhiều vụ việc, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài và đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết lại. Có một số vụ việc mà Ban kiến nghị đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân, chấm dứt việc khiếu nại.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, Ban Dân nguyện đã kiến nghị, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2004/QH11 ngày 15/6/2004 về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Trong nhiệm kỳ này, Ban Dân nguyện đã tập trung nghiên cứu các vụ việc công dân khiếu nại dài ngày ở Hà Nội, đề xuất với UBTVQH xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 11 và đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao tổ chức thực hiện.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Trưởng Ban Dân nguyện được UBTVQH phân công chủ trì phối hợp với Uỷ ban Tư pháp, Văn phòng Quốc hội tổ chức Đoàn giám sát của UBTVQH tiến hành giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong 3 năm (từ năm 2005-2007) trên phạm vi cả nước. Đây là lần đầu tiên UBTVQH tổ chức giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Báo cáo kết quả giám sát đã đánh giá khá toàn diện những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, thiếu sót trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo cũng như việc tổ chức thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo của các bộ, ngành, các địa phương, được lãnh đạo Quốc hội và UBTVQH đánh giá cao.
Về kết quả đạt được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là qua công tác giám sát việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, Ban Dân nguyện đã phát hiện, báo cáo về những nội dung còn mâu thuẫn trong các văn bản pháp luật; những vấn đề chưa được hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh và kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật như: Ban Dân nguyện đã tham mưu trình UBTVQH: Giải pháp giải quyết những vụ việc khiếu nại, tồn đọng lâu ngày; kiến nghị sửa đổi những quy định bất hợp lý trong việc đăng ký hộ khẩu và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất; những vấn đề về chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; vấn đề tranh chấp trong việc phân định địa giới hành chính ở một số địa phương; về việc bảo đảm sự thống nhất trong trang phục của bị can, bị cáo tại phiên tòa hình sự, kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ xem xét lại một số quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi những quy định liên quan đến khiếu nại và giải quyết khiếu nại có nội dung chưa thống nhất giữa Luật Khiếu nại, tố cáo với Luật Đất đai; kiến nghị Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Chính phủ nghiên cứu, trình UBTVQH sửa đổi những quy định trong Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính có nội dung chưa thống nhất với Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Đất đai. Ngoài ra, còn cho ý kiến đối với nhiều dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết..
Qua báo cáo công tác giám sát công tác tiếp nhận xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo hằng năm, Ban cũng đã kiến nghị UBTVQH giao cho các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội; nghiên cứu sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành về việc tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn, thư của công dân và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH và Đoàn ĐBQH.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, ngày 06/9/2021, UBTVQH ban hành Nghị quyết số 289/NQ-UBTVQH15 thành lập Đoàn giám sát về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”, tiến hành giám sát trực tiếp tại 08 bộ, ngành và 06 địa phương[5]; trong đó, giao Ban Dân nguyện là Thường trực Đoàn giám sát. Ngày 07/10/2022, Đoàn giám sát đã có Báo cáo số 334/BC-ĐGS về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” gửi UBTVQH. Trong quá trình thực hiện giám sát, mặc dù tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp nhưng với nỗ lực, cố gắng và tinh thần trách nhiệm cao, Đoàn giám sát đã hoàn thành nhiệm vụ được phân công, bảo đảm tiến độ và mục tiêu đề ra. Báo cáo và Nghị quyết giám sát được các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH và các bộ ngành, địa phương đánh giá cao, đưa đến bức tranh tương đối toàn diện về tình hình khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước về cả lĩnh vực hành chính và tư pháp. Qua chuyên đề giám sát, Đoàn đã thực hiện giám sát đối với 41 vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể, trong đó có 02 vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo kiến nghị giám sát, đã xem xét, giải quyết xong, 15 vụ việc thì Đoàn giám sát cơ bản thống nhất với quan điểm giải quyết của địa phương, 24 vụ việc thì Đoàn giám sát kiến nghị địa phương tiếp tục xây dựng lộ trình, phương án giải quyết cụ thể để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
5. Về tổng hợp, chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Thực hiện nhiệm vụ được giao, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, XIII, Ban Dân nguyện đã tổng hợp, phân loại 47.816 kiến nghị; kịp thời chuyển và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời cử tri theo quy định của pháp luật đối với 45.470 kiến nghị[6]. Trong đó, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Ban Dân nguyện đã tổng hợp, phân loại 27.748 kiến nghị. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được tập hợp đầy đủ, in thành tập tài liệu để gửi đến các Đoàn ĐBQH tại các kỳ họp để các vị ĐBQH nghiên cứu, tham khảo khi xem xét báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, báo cáo công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao, cũng như chất vấn đối với thành viên Chính phủ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Dân nguyện thường xuyên chủ động phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước được trình bày tại phiên khai mạc các Kỳ họp Quốc hội. Các báo cáo đều đã phản ánh khá đầy đủ những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội, trong đó đã có sự lựa chọn những vấn đề mà cử tri bức xúc, những vấn đề mà cử tri và Nhân dân cả nước mong muốn Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có giải pháp tháo gỡ, giải quyết.
6. Về giám sát việc giải quyết kiến nghị của của tri
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Ban Dân nguyện đã được UBTVQH giao nhiệm vụ giúp UBTVQH giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại Nghị quyết số 695/2008/NQ-UBTVQH12 ngày 15/10/2008. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Dân nguyện đã đề xuất và được UBTVQH giao chuẩn bị báo cáo của UBTVQH về tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri báo cáo tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII. Từ kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII đến nay, UBTVQH đã giao cho Ban Dân nguyện tiến hành giám sát, báo cáo kết quả giám sát với UBTVQH và chuẩn bị báo cáo của UBTVQH về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trình Quốc hội. Trên cơ sở xem xét, đánh giá việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, trước mỗi kỳ họp, Ban Dân nguyện đã xây dựng dự thảo báo cáo; tổ chức Hội nghị với đại diện các Bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của cử tri để trao đổi về kết quả dự thảo Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri do Ban Dân nguyên xây dựng, hoàn thiện Báo cáo giám sát của UBTVQH trình Quốc hội tại các kỳ họp. Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được Chính phủ, bộ, ngành tiếp thu giải quyết, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cử tri.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, Ban Dân nguyên đã nghiên cứu, lựa chọn một số nội dung bức xúc, cử tri nhiều địa phương kiến nghị, kiến nghị nhiều lần, mặc dù các cơ quan có trách nhiệm đã giải quyết, trả lời nhưng cử tri chưa đồng tình, tiếp tục kiến nghị để tiến hành giám sát. Ban Dân nguyện đã tổ chức nghiên cứu, phân loại, đánh giá toàn bộ kết quả giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri theo các tiêu chí cụ thể như đã, đang, sẽ giải quyết hoặc được các cơ quan ghi nhận giải quyết để phục vụ công tác đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết. Ban Dân nguyện đã từng bước cải tiến cách thức tiến hành giám sát như đã tổ chức nhiều lượt làm việc với các bộ, ngành có liên quan để làm rõ thêm những vấn đề, nội dung còn tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực tế để kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, giải quyết khó khăn cho người dân, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri; yêu cầu giải trình thêm đối với những kiến nghị được trả lời còn chung chung hoặc chưa tập trung trả lời đúng trọng tâm của kiến nghị.
Thông qua công tác giám sát việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, Ban Dân nguyện đã tham mưu, đề xuất và được UBTVQH xem xét, kiến nghị các cơ quan hữu quan nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trên 870 văn bản pháp quy liên quan đến các vấn đề dân sinh bức xúc, đời sống của người dân[7].
- Thông qua các giám sát chuyên đề, Ban Dân nguyên đã đề xuất UBTVQH xem xét, kiến nghị với Quốc hội sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan đến những vấn đề của đời sống dân sinh mà người dân bức xúc, những vấn đề mà cử tri địa phương kiến nghị nhiều lần, nhiều địa phương cùng kiến nghị như: chuyên đề “về quản lý giá xăng dầu và việc chống gian lận trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu”, báo cáo tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII[8]; chuyên đề “Về việc giải quyết kiến nghị của cử tri về tình trạng lạm thu các khoản đóng góp khác nhau ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh và việc miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập”, báo cáo tại Kỳ họp thứ 2, QH khóa XIII[9];chuyên đề Về giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, tổ dân phố, báo cáo tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII; chuyên đề giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường”, báo cáo tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII; chuyên đề “việc giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân” báo cáo tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII; chuyên đề giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình thủy điện”, báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII[10]; chuyên đề “giải quyết khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, bảo đảm cho người nông dân sản xuất lúa có lãi 30% so với giá thành sản xuất”, báo cáo tại Kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII[11]; chuyên đề “về giải quyết khó khăn về nhà ở đối với người có thu nhập thấp ở đô thị, công nhân ở các khu công nghiệp và nhà ở cho học sinh, sinh viên”, báo cáo tại Kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII[12]; chuyên đề “giải quyết khó khăn trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở tại đô thị”, báo cáo tại Kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII[13].
- Từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, qua công tác giám sát việc trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri theo Nghị quyết số 525[14], Ban Dân nguyện đã kiến nghị tổng hợp, chuyển 27.748 kiến nghị cử tri đến các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, qua giám sát việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri, các bộ, ngành cơ quan ngang bộ đã nghiên cứu, tiếp thu, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung 721 văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, Báo cáo giám sát của Ban Dân nguyện đã đề xuất UBTVQH kiến nghị Chính phủ quan tâm, giải quyết những nhóm vấn đề mà cử tri kiến nghị qua nhiều kỳ họp[15] và các vấn đề dân sinh bức xúc, những vấn đề UBTVQH đã kiến nghị tại các kỳ họp trước để yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành có thẩm quyền xem xét, giải quyết và có văn bản trả lời, báo cáo Quốc hội, UBTVQH, với cử tri và Nhân dân cả nước[16].
7. Công tác xây dựng pháp luật và nghiên cứu khoa học
- Ban Dân nguyện đã soạn thảo, trình UBTVQH ban hành Nghị quyết số 715/2004/NQ-UBTVQH11 về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, thư của cá nhân, cơ quan, tổ chức gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, thành viên UBTVQH, các cơ quan của UBTVQH; sau khi Quốc hội thành lập 02 Ủy ban mới, Ban Dân nguyện tiếp tục soạn thảo trình UBTVQH ban hành Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12 thay thế Nghị quyết số 715/2004/NQ-UBTVQH11 nêu trên. Trước yêu cầu đổi mới công tác dân nguyện, trên cơ sở đề xuất của Ban Dân nguyện, UBTVQH ban hành Nghị quyết số 695/2008/NQ-UBTVQH12 ngày 15/10/2008 về việc sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện quy định tại Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11 về việc thành lập Ban Dân nguyện.
- Ban Dân nguyện đã tham mưu, giúp UBTVQH xây dựng Đề án đổi mới công tác tiếp xúc cử tri của ĐBQH (2008).
- Ban Dân nguyện đã chủ trì phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam soạn thảo, trình UBTVQH ban hành Nghị quyết liên tịch số 525/1012/NQLT-UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH thay thế Nghị quyết liên tịch số 06/2004/NQLT/UBTVQH11-ĐCTUBTWMTTQVN của UBTVQH và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn về việc ĐBQH tiếp xúc cử tri.
- Để triển khai Luật Tiếp công dân và theo sự phân công của UBTVQH, Ban Dân nguyện đã soạn thảo trình UBTVQH ban hành Nghị quyết số 759/2014/NQ-UBTVQH13 ngày 15/5/2014 về quy định chi tiết việc tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH, Hội đồng Nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
- Xây dựng và hoàn thiện các Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 228, Nghị quyết số 694, Nghị quyết số 759 và Nghị quyết liên tịch số 525 trình UBTVQH và xây dựng Đề án chuyển Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội Việt Nam.
- Thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 của UBTVQH, Ban Dân nguyện đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan của Quốc hội xây dựng Nghị quyết mới sửa đổi, bổ sung và hợp nhất các Nghị quyết: Nghị quyết số 759/2014/NQ-UBTVQH13 quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của Quốc hội, ĐBQH, Hội đồng nhân dân và đại biểu HĐND các cấp; Nghị quyết số 228/1999/NQ-UBTVQH10 về tiếp công dân, xử lý đơn, thư của ĐBQH, Đoàn ĐBQH; Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12 về phân loại xử lý đơn, thư của các cơ quan của Quốc hội.
- Từ 2003 đến nay, Ban Dân nguyện đã chỉ đạo nghiên cứu nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ liên quan đến công tác dân nguyện như: Đề tài khoa học cấp Bộ về “Khiếu nại đông người – thực trạng và giải pháp" đã bảo vệ thành công năm 2013; trong đó, Ban Dân nguyện đã đề xuất những giải pháp cụ thể cho việc sửa đổi pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Năm 2014, Ban Dân nguyện đã tiến hành nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ về “Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội", Đề tài đã bảo vệ năm 2015; năm 2015, Ban tiếp tục nghiên cứu đề tài cấp Bộ về “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện hệ thống pháp luật về khiếu nại, tố cáo phù hợp với Hiến pháp năm 2013” đã nghiệm thu năm 2016 và báo cáo Đảng đoàn Quốc hội; năm 2019, Ban đã triển khai nghiên cứu và bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ:“Công tác dân nguyện của Quốc hội - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện pháp luật”. Tất cả các Đề tài khoa học do Ban Dân nguyện chủ trì nghiên cứu và bảo vệ thành công với kết quả xuất sắc được Hội đồng khoa học đánh giá cao, góp phần hoàn thiện và thể chế quy định của pháp luật về công tác dân nguyện của Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
8. Thực hiện các nhiệm vụ do Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, cùng với quá trình thực hiện các hoạt động mang tính chuyên môn của Ban Dân nguyện, từ khi thành lập đến nay Ban còn thực hiện các nhiệm vụ khác do Đảng Đoàn Quốc hội, UBTVQH giao. Cụ thể:
- Ban Dân nguyện đã tham mưu các Báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội về công tác dân vận, về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và các báo cáo khác do Đảng đoàn Quốc hội phân công như: Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW về sự lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội đối với công tác vận động quần chúng trong tình hình mới; Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Kết luận số 114-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện công tác dân dận trong cơ quan chính quyền; Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở.
- Ban đã tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội có văn bản góp ý kiến vào nhiều dự thảo chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng có liên quan đến công tác dân nguyện của Quốc hội và lĩnh vực dân vận như: về tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; cử lãnh đạo Ban Dân nguyện tham gia Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị về kết quả thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Ban Dân vận Trung ương tại một số địa phương và giúp Ban Chỉ đạo Báo cáo kết quả kiểm tra với Bộ Chính trị.
- Xây dựng Báo cáo tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Bí thư về quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta.
- Xây dựng báo cáo về tình hình thực hiện Thông báo số 130-TB/TW của Bộ Chính trị về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Tham gia Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và chuẩn bị Báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội về việc sơ kết và tổng kết hằng năm việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ở các cơ quan của Quốc hội.
- Xây dựng Báo cáo của Đảng đoàn về sơ kết 5 năm và báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) “về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”.
- Tại các kỳ bầu cử ĐBQH và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Ban Dân nguyện đã chỉ đạo Vụ Dân nguyện cử cán bộ, công chức tham gia và là nòng cốt của Tổ giúp việc Tiểu ban giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng Bầu cử quốc gia ngày từ những ngày đầu của bầu cử Quốc hội Khóa XI cho tới nay. Năm 2008, Vụ Dân nguyện được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba cho tập thể trong công tác tham mưu, phục vụ công tác bầu cử ĐBQH nhiệm kỳ Khóa XI (2002 - 2006); năm 2021 nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể và một số cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phục vụ bầu cử ĐBQH và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026…
- Xây dựng Báo cáo tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Bí thư về quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta.
- Xây dựng Báo cáo về tình hình thực hiện Thông báo số 130-TB/TW của Bộ chính trị về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Tham gia Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và chuẩn bị Báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội về việc sơ kết và tổng kết hằng năm việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ở các cơ quan của Quốc hội.
- Xây dựng Báo cáo của Đảng đoàn về sơ kết 5 năm và báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) “về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”.
- Thực hiện Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội ban hành kèm theo Quyết định số 2362-QĐ/ĐĐQH14, ngày 24 tháng 6 năm 2021 và Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15, ngày 20 tháng 10 năm 2021 của Đảng đoàn Quốc hội về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ban Dân nguyện đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo và đang khẩn trương xây dựng Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về “Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội” dự kiến hoàn thành và báo cáo Đảng đoàn Quốc hội tháng 11/2023.
9. Về việc hướng dẫn thực hiện công tác dân nguyện của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Để giúp các Đoàn ĐBQH và ĐBQH thực hiện công tác dân nguyện được thuận lợi, hằng năm, Ban Dân nguyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức các Hội nghị tập huấn về việc thực hiện công tác dân nguyện cho các ĐBQH mới tham gia Quốc hội lần đầu. Việc tổ chức các hội nghị hoặc kết hợp tổ chức hội thảo chuyên đề về công tác tiếp dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân và về công tác tiếp xúc cử tri... tại các vùng, miền trong cả nước, nhằm trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như về việc thực hiện công tác dân nguyện cho ĐBQH, Đoàn ĐBQH và cán bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố[17].
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Dân nguyện đã tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác dân nguyện đối với các ĐBQH mới tham gia hoạt động Quốc hội lần đầu và in mẫu phiếu chuyển đơn gửi các ĐBQH. Từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Ban Dân nguyện đã tổ chức 15 Hội nghị, Hội thảo về công tác dân nguyện tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như về việc thực hiện công tác dân nguyện cho ĐBQH, Đoàn ĐBQH, cán bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố. Nội dung các cuộc Hội nghị, Hội thảo này được chuẩn bị công phu; các báo cáo viên là những người có kinh nghiệm hoạt động thực tế trong lĩnh vực dân nguyện, nên nhìn chung đã đem lại hiệu quả thiết thực, được ĐBQH đánh giá cao.
*
*            *
Đạt được những thành tích trên đây, thời gian qua Ban Dân nguyện luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của các đồng chí lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH các nhiệm kỳ XI, XII, XIII, XIV và XV. Từ những năm đầu thành lập cho đến nay, Ban Dân nguyện luôn hoạt động theo vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ được giao, bám sát và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong việc đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội, kế thừa những kinh nghiệm, thành tựu trong công tác dân nguyện qua các nhiệm kỳ được ghi nhận qua các văn bản quy phạm pháp luật, các kết luận, đề án, đề tài, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Ban Dân nguyên nguyện đã ghi dấu ấn với những kết quả thực tế được ghi nhận.
Trong suốt quá trình hoạt động, Ban Dân nguyện luôn quán triệt chủ trương đổi mới của Đảng; bảo đảm chức năng đại diện của Quốc hội, của ĐBQH; bảo đảm quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của Nhân dân; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH trong công tác dân nguyện; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, trong đó có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh của công dân; bảo đảm và phát huy tính đại diện của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH trước cử tri và Nhân dân; xác định rõ vai trò của công tác dân nguyện của Quốc hội, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của công dân, của cử tri với Đảng, với Quốc hội; là cầu nối quan trọng để Quốc hội ngày càng sát dân hơn, là kênh quan trọng để người dân, cử tri cả nước gửi gắm nguyện vọng đến với Quốc hội – cơ quan góp phần bảo đảm nguyện vọng của cử tri, của Nhân dân được xem xét, trả lời, bảo đảm quyền công dân, quyền khiếu nại, tố cáo được ghi nhận trong Hiến pháp.
Đặc biệt, kết quả nổi bật nằm ở hai nhóm nhiệm vụ chính của công tác dân nguyện đó là việc tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của UBTVQH về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri. Quá trình hoạt động cho thấy công tác tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của UBTVQH đã có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả, chất lượng ngày càng được nâng cao. Các báo cáo giám sát đã đánh giá tương đối toàn diện tình hình công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; những kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế của bộ, ngành, địa phương; đồng thời cũng chỉ rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ cả trong công tác quản lý, chỉ đạo, giải quyết, những bất cập của văn bản hướng dẫn thi hành luật; việc nghiên cứu, đề xuất giám sát vụ việc cụ thể đạt kết quả tốt và trên thực tế đã góp phần giải quyết dứt điểm một số vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân.
            - Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội và UBTVQH, Ban Dân nguyện đã chủ động tích cực, nghiên cứu, tham mưu xây dựng báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng của Quốc hội. Nội dung báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng của UBTVQH đã thể hiện tính khái quát cao, tập trung, có trọng tâm, trọng điểm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Đồng thời, đã có sự tổng hợp qua nắm bắt thông tin từ Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố, phản ánh qua dư luận, các cơ quan thông tin truyền thông. Năm 2022, báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng của Quốc hội được chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật trong hoạt động của Quốc hội năm 2022.
Từ những kết quả và thành tích nổi bật nêu trên, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ban Dân nguyện (17/3/2003- 17/3/2023), UBTVQH đã đề nghị, và Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Dân nguyện vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác dân nguyện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội./.

 


[1] Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 695/2008/UBTVQH12 ngày 15/10/2008; đến ngày 17/3/2016, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 1156/2016/NQ-UBTVQH13 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Dân nguyện, thay thế cho Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11.
 
[2] Giai đoạn này, Ban Dân nguyện thực hiện theo quy định về tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư của công dân theo quy định tại Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12 ngày 15/10/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp nhận, phân loại, xử xý đơn, thư của công dân gửi đến Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội.
[3] Giai đoạn này, Ban Dân nguyện thực hiện theo Nghị quyết số 1156/2016/NQ-UBTVQH13 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Dân nguyện.
[4] Cụ thể: từ năm 2003-2007, tổ chức giám sát đối với 44 địa phương và 04 bộ, ngành; từ năm 2007-2011, giám sát 09 địa phương và 11 bộ, ngành; từ năm 2011-2016: giám sát tại 65 địa phương và 09 bộ, ngành; từ năm 2016 – 2021: giám sát tại 35 địa phương.
[5] 08 bộ, ngành bao gồm: Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Công an; 06 địa phương gồm các tỉnh, thành phố: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Khánh Hòa, Lào Cai và Đắk Nông.
[6] Trong đó, số kiến nghị được chuyển là: nhiệm kỳ 2003-2007 chuyển 5425 kiến nghị; nhiệm kỳ 2007-2011 chuyển 5277 kiến nghị; nhiệm kỳ 2011-2016 chuyển 14.604 kiến nghị; nhiệm kỳ 2016-2021 chuyển 20.164 kiến nghị.
[7] Cụ thể như: ban hành Nghị định số 81/2009/NĐ-CP ngày 12/10/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ, trong đó đã quy định nâng mức đảm bảo an toàn khi xây dựng, cải tạo đoạn đường dây dẫn điện cao thế trên không vượt qua khu dân cư, nơi công cộng thường xuyên tập trung đông người…; ban hành Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04/11/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó những quy định về nhiệm vụ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật; kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, trong đó có nội dung hướng dẫn xác định số tiền dùng để đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, làm cơ sở xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội đánh bạc; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 113/2009/QĐ-TTg ngày 11/9/2009 sửa đổi, bổ sung các Quyết định (Quyết định số 24/2008/QĐ-TTg, Quyết định 25/2008/QĐ-TTg, Quyết định 26/2008/QĐ-TTg, 27/2008/QĐ-TTg, ngày 5/2/2008) nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc triển khai thực hiện tăng phụ cấp cho giáo viên mẫu giáo, mầm non và cán bộ y tế thôn, bản; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành các quyết định phê duyệt Đề án an ninh lương thực quốc gia đến năm 2010, Đề án cơ giới hóa nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020…
[8] Kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, đến năm 2014 qua nhiều kỳ tái giám sát được Chính phủ sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
[9] UBTVQH yêu cầu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2010/NĐ-CP về miễn, giảm học phí nhằm bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 35/2009/QH12 của Quốc hội. Đến kỳ báo cáo (2013), Bộ Giáo dục và Đào đã hoàn thành việc khảo sát, đánh giá thực tế những vấn đề vướng mắc và đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung để trình Chính phủ. Đồng thời, Bộ cũng đã có Công văn số 4744/BGDĐT-KHTC ngày 24/7/2012, gửi các địa phương về việc chấn chỉnh và hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh.
[10] Kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 118/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.
[11] Kiến nghị một số chính sách chưa sát thực tế nhưng lại chậm được điều chỉnh, nên việc tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn như: Nghị định số 42/2012/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất lúa, Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về tiêu thụ hàng hóa thông qua hợp đồng, các Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg, số 65/2011/QĐ-TTg và số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/ 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, thủy sản...
[12] Kiến nghị nhiều nội dung đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Đầu tư v.v..
[13] Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hướng dẫn, thi hành Luật Đất đai năm 2013 để kịp thời sửa đổi, bổ sung, trong đó cần xem xét, quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp có giấy tờ về đất; đất được giao không đúng thẩm quyền mà đã nộp tiền sử dụng đất để làm nhà ở trước ngày 01/7/2004; về bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01/7/2004 nhưng đã nộp tiền sử dụng đất; về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người góp vốn bằng quyền sử dụng đất xin xóa đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quy định trách nhiệm của cơ quan tài nguyên và môn trường trong việc cung cấp tài liệu liên quan đến đăng ký quyền sử dụng cho người sử dụng đất để phục vụ việc cấp Giấy chứng nhận…
[14] Nghị quyết liên tịch số 525 có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.
[15] Trong Báo cáo tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đề nghị quan tâm giải quyết 05 nhóm vấn đề mà cử tri quan tâm kiến nghị qua nhiều kỳ họp, hoặc cử tri tại nhiều địa phương đồng thời kiến nghị, đó là: (1) Có biện pháp kịp thời để khắc phục ngay các hạn chế trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản của đất nước, trước mắt có giải pháp nhanh, mạnh để ngăn chặn hiện tượng khai thác cát trái phép đang gây bức xúc trong Nhân dân; (2) Vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm; giải pháp căn cơ lâu dài để hỗ trợ nông dân trong sản xuất, đặc biệt là tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi, rau quả sạch ngay tại thị trường nội địa; có chính sách thu hút thực sự hấp dẫn, ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; (3) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm, đặc biệt thanh tra trách nhiệm người đứng đầu tại các dự án thua lỗ do đầu tư dàn trải, thiếu tập trung mà dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua; (4) Thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật trong việc tiếp công dân, đối thoại với công dân, gắn việc tiếp công dân với thẩm quyền giải quyết để kịp thời xử lý những bức xúc, nhất là trong lĩnh vực đất đai, để không làm phát sinh điểm nóng về khiếu kiện; (5) Tình trạng nhà xây xong theo dự án vùng ngập lũ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long để hoang phí, không có người ở do không có hạ tầng kỹ thuật.
[16] Báo cáo giữa nhiệm kỳ QH khóa XIV của UBTVQH đã đánh giá: (1) Chống “tham nhũng vặt” còn chưa thực sự hiệu quả; (2) Tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, số các vụ TNGT nghiêm trọng gia tăng; (3) Thoát nghèo còn thiếu bền vững, nhiều chính sách giảm nghèo còn chồng chéo nên kết quả đạt được chưa tương xứng; (4) Tình trạng ban hành văn bản trái luật chưa được xử lý dứt điểm; (5) Một số vấn đề cử tri phản ánh thuộc lĩnh vực giáo dục còn chưa được giải quyết thấu đáo nên cử tri tiếp tục có kiến nghị. Từ đó UBTVQH đã kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan thuộc Chính phủ các vấn đề như: Bên cạnh việc xử lý các vụ tham nhũng lớn, cần quan tâm và có giải pháp hiệu quả, quyết liệt hơn nữa trong chống “tham nhũng vặt”, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; Giải quyết dứt điểm những kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực giáo dục, như đổi mới các hình thức thi, tuyển sinh; đổi mới cách dạy và học, tổng kết việc thí điểm mô hình giáo dục, tài liệu giáo dục mới,... Xử lý triệt để hiện tượng ban hành văn bản trái pháp luật, đánh giá ảnh hưởng do các văn bản này đối với xã hội và người dân; xem xét xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; Có giải pháp hiệu quả hơn nhằm giảm thiểu TNGT; giải quyết, xử lý kịp thời những vấn đề tồn tại trong qua trình thực hiện dự án giao thông, phát huy hiệu quả đầu tư.
[17] Trung bình, mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, Ban Dân nguyện tổ chức được 14, 15 Hội nghị, Hội thảo về công tác dân nguyện.

(Nguồn tin: Số Chuyên đề "20 năm thành lập Ban dân nguyện - Xây dựng, phát triển và đổi mới" - TC NCLP. 2023)