Xác định chủ thể của hợp đồng tín dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án

17/10/2022

PGS.TS. PHAN TRUNG HIỀN

Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ

THS. LÊ VĂN CƯ

Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.

Tóm tắt: Hợp đồng tín dụng là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa các tổ chức tín dụng (bên cho vay) với pháp nhân, cá nhân (bên vay) có đủ những điều kiện do luật định. Thông qua việc phân tích những bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật về giải quyết tranh chấp tại Tòa án liên quan đến chủ thể trong hợp đồng tín dụng, các tác giả kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật về xác định chủ thể trong các hợp đồng tín dụng ở Việt Nam.
Từ khóa: Hợp đồng tín dụng, chủ thể hợp đồng tín dụng, tranh chấp hợp đồng tín dụng.
Abstract: Credit contract is a written agreement between a credit institution (the lender) and a legal entity or individual (the borrower) that fully meets the conditions prescribed by law. The authors, based on analyses of the inadequacies in the process of applying the law on dispute settlement at the Court related to the subjects in the credit contract, provide a number of recommendations for further improvements of the provisions on identification of subjects in credit contracts in Vietnam.
Keywords: Credit contract; subject of credit contract; credit contract disputes.
 
1. Khái quát về hợp đồng tín dụng và chủ thể của hợp đồng tín dụng
1.1. Khái quát về hợp đồng tín dụng
Hợp đồng tín dụng về bản chất là hợp đồng vay tài sản, mà bên cho vay là các tổ chức tín dụng, chủ yếu là các Ngân hàng thương mại. Tín dụng phản ánh mối quan hệ sử dụng vốn lẫn nhau giữa các chủ thể trong nền kinh tế dựa trên cơ sở thỏa thuận. Theo đó, người cho vay chuyển giao cho người đi vay một lượng giá trị nhất định trong một thời hạn nhất định, hết thời hạn đó người đi vay phải hoàn trả cho người cho vay một lượng giá trị lớn hơn ban đầu (tức là hoàn trả cả vốn lẫn lãi). Có nhiều loại hình tín dụng khác nhau như: tín dụng ngân hàng, tín dụng thương mại… Trong đó, tín dụng ngân hàng là hình thức tín dụng chủ yếu của nền kinh tế thị trường, vì nó đáp ứng nhu cầu về vốn đa dạng của các chủ thể khác nhau. Tín dụng ngân hàng là hình thức cho vay giữa một bên là các tổ chức tín dụng và một bên là các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế; trong đó, tổ chức tín dụng thực hiện việc chuyển giao các nguồn tiền tệ hoặc tài sản cho bên đi vay trong một thời gian nhất định theo nguyên tắc có hoàn trả cả vốn và lãi vay. Qua đó, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, góp phần phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.HỢP-ĐỒNG-TÍN-DỤNG.jpg
Tín dụng ngân hàng là hoạt động kinh doanh đặc thù, riêng có của các tổ chức tín dụng. Trong đó, cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác[1]. Trong số các hoạt động cấp tín dụng thì nghiệp vụ cho vay đối với khách hàng được thực hiện nhiều nhất và chiếm tỷ lệ lớn nhất. Đây là một trong những chức năng cơ bản của hoạt động ngân hàng và các tổ chức tín dụng, hình thức pháp lý của quan hệ cấp tín dụng là hợp đồng tín dụng.
Hợp đồng tín dụng là một loại hợp đồng rất thông dụng trong đời sống, kinh tế - xã hội nhưng mang tính chất đặc thù xuất phát từ bản chất của tín dụng ngân hàng và chủ thể thực hiện hợp đồng. Hợp đồng tín dụng có bản chất pháp lý chung là hợp đồng, là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Hợp đồng tín dụng là hình thức pháp lý của quan hệ cho vay giữa tổ chức tín dụng với khách hàng vay, gồm pháp nhân và cá nhân. Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi[2], sự thỏa thuận này phải phù hợp với quy chế cho vay của tổ chức tín dụng với khách hàng và phù hợp quy định của pháp luật có liên quan. Có thể nói, hợp đồng tín dụng là văn bản phản ánh sự thỏa thuận bằng văn bản của tổ chức tín dụng (bên cho vay) và khách hàng (bên vay) trong việc xác lập một quan hệ cho vay, xác lập các quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể của các bên trong việc vay và hoàn trả vốn vay.
Như vậy, từ định nghĩa về hợp đồng và căn cứ vào bản chất hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, có thể hiểu: Hợp đồng tín dụng là một dạng cụ thể của hợp đồng vay tài sản; theo đó, tổ chức tín dụng là bên cho vay giao cho bên vay một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong thời hạn nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.
1.2. Khái quát về chủ thể của hợp đồng tín dụng
Có ít nhất hai chủ thể tham gia vào quan hệ trong hợp đồng tín dụng (ngoài ra còn có bên thứ ba, bên có tài sản bảo đảm). Trong đó, hai chủ thể chính là bên cho vay (bên cấp tín dụng) và bên đi vay (bên được cấp tín dụng). Đối với bên cho vay phải là tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Luật Các tổ chức tín dụng) và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Chủ thể này là chủ thể đặc biệt vì có chức năng thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động ngân hàng, kinh doanh tín dụng, nhưng phải đảm bảo rất nhiều điều kiện khắt khe của pháp luật về vốn, công nghệ, tiêu chuẩn nhân sự, năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát năng lực, chuyên môn, địa điểm và các vấn đề liên quan đến đặc thù của hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Đối với bên đi vay, được gọi chung là khách hàng, gồm tổ chức và cá nhân thỏa mãn các điều kiện để thực hiện giao dịch dân sự, đáp ứng đủ các điều kiện về cho vay của tổ chức tín dụng. Đồng thời, theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân và cá nhân.
Theo đó, chủ thể của hợp đồng tín dụng là hai bên tham gia vào quan hệ giao dịch bằng hợp đồng tín dụng; trong đó, bên cấp tín dụng là đại diện cho các tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật và bên còn lại là bên được cấp tín dụng.
Như vậy, tín dụng ngân hàng là hoạt động kinh doanh đặc thù và riêng có của các tổ chức tín dụng; cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác[3]. Trong đó, chủ thể giao kết và thực hiện hợp đồng tín dụng gồm bên cho vay và bên vay, quan hệ pháp luật tín dụng là quan hệ tài sản – hàng hóa phát sinh trong quá trình sử dụng vốn tạm thời giữa tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân theo nguyên tắc có hoàn trả, dựa trên cơ sở tín nhiệm hoặc có sự bảo đảm, được các quy phạm pháp luật điều chỉnh. Tham gia quan hệ này có ít nhất gồm hai chủ thể là bên cho vay và bên vay. Trong đó, một bên chủ thể của hợp đồng tín dụng luôn là tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động cho vay theo quy định của pháp luật; có chức năng hoạt động kinh doanh tín dụng.
2. Quy định của pháp luật về chủ thể của hợp đồng tín dụng
Có ít nhất gồm hai chủ thể là bên cho vay và bên vay: một bên tham gia hợp đồng bao giờ cũng là tổ chức tín dụng có đủ điều kiện luật định, với tư cách là bên cho vay; còn chủ thể bên kia (bên vay) có thể là pháp nhân, cá nhân thỏa mãn những điều kiện vay vốn do pháp luật quy định.
2.1. Bên cho vay
Tổ chức tín dụng cho vay là tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, bao gồm: Ngân hàng thương mại; Ngân hàng hợp tác xã; Tổ chức tín dụng phi ngân hàng; Tổ chức tài chính vi mô; Quỹ tín dụng nhân dân; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài[4]. Trong hợp đồng tín dụng thì một bên chủ thể bắt buộc phải là tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo quy định của chủ thể pháp luật với tư cách là bên cho vay. Hoạt động ngân hàng (nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên mọi tổ chức tín dụng phải được cấp phép thành lập bởi Ngân hàng nhà nước Việt Nam với những điều kiện rất khắt khe về vốn, công nghệ, tiêu chuẩn nhân sự, năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát năng lực, chuyên môn, địa điểm và các vấn đề liên quan đến đặc thù của hoạt động kinh doanh ngân hàng.
2.1. Bên vay
Bên vay vốn có thể là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện về cho vay của tổ chức tín dụng. Đồng thời, theo quy định tại Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân và cá nhân. Do đó, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã quy định để phù hợp với BLDS năm 2015 về khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng là pháp nhân, cá nhân, bao gồm: Pháp nhân được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân được thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; cá nhân có quốc tịch Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài. Trường hợp cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác (sau đây gọi là hoạt động kinh doanh) là việc tổ chức tín dụng cho vay đối với khách hàng là pháp nhân, cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngoài phục vụ nhu cầu đời sống, bao gồm nhu cầu vốn của pháp nhân, cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân[5]. Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật, hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật[6]. Như vậy, việc quy định cụ thể về điều kiện chủ thể của hợp đồng tín dụng đối với cá nhân là điểm mới tiến bộ so với quy định trước đây.
Ngoài ra, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã có hướng dẫn cụ thể về quy định nêu trên, phù hợp với quy định về chủ thể tham gia giao dịch dân sự tại BLDS năm 2015. Theo đó, đối với tổ chức không có tư cách pháp nhân, thì tổ chức tín dụng xem xét cho vay đối với cá nhân (một hoặc một số cá nhân) phù hợp với Thông tư số 39/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư số 39/2016/TT-NHNN) và BLDS năm 2015[7]. Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc các hộ gia đình, tổ hợp tác sẽ không đủ tư cách là chủ thể ký hợp đồng tín dụng vay vốn tại các tổ chức tín dụng.
Đối với bên vay là cá nhân, một số trường hợp phát sinh tranh chấp, dẫn đến hợp đồng tín dụng có thể bị vô hiệu khi bên vay là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình[8].
3. Một số bất cập liên quan đến việc xác định chủ thể hợp đồng tín dụng
Việc ký kết hợp đồng tín dụng là giữa các tổ chức tín dụng (bên cho vay) và pháp nhân, cá nhân (bên vay vốn). Do đó, tranh chấp liên quan đến chủ thể của hợp đồng tín dụng ở đây là tranh chấp giữa các tổ chức tín dụng và các pháp nhân, cá nhân. Cụ thể, đó là tranh chấp về các vấn đề như sau: Ai là người có thẩm quyền tham gia ký kết hợp đồng tín dụng; Ai là người vay vốn và có nghĩa vụ trả nợ; Tài sản thế chấp bảo đảm đã xác định đầy đủ chủ sở hữu hay người có quyền hay không? Hiện nay, các tổ chức tín dụng khi ký kết thường chưa thẩm định rõ đối với tài sản bảo đảm, dẫn đến việc ký kết hợp đồng thế chấp bằng tài sản không có đầy đủ chữ ký của những người là chủ tài sản bảo đảm, từ đó dẫn đến tranh chấp; hoặc có trường hợp các tổ chức tín dụng ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp với người không có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, từ đó dẫn đến tranh chấp, buộc Tòa án tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu. Hiện nay, tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện theo quy định; có thể hiểu, điều kiện về chủ thể của hợp đồng tín dụng là một trong những điều kiện vay vốn tại tổ chức tín dụng, cụ thể: “Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật[9].
Như vậy, điều kiện về chủ thể là một trong những điều kiện bắt buộc khi ký kết hợp đồng tín dụng, nếu vi phạm có thể dẫn đến hợp đồng tín dụng bị vô hiệu. Trong đó, đối với khách hàng là pháp nhân, việc chứng minh và xác định họ có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật thì tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, đối với khách hàng là cá nhân kinh doanh thì việc xác định “năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật” khi ký kết hợp đồng tín dụng là điều không dễ dàng đối với các tổ chức tín dụng và cơ quan, tổ chức có liên quan. Vì khi xác lập hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng bảo đảm, nếu bên vay cố tình cung cấp thông tin sai sự thật, hay cá nhân bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật, nhưng vào thời điểm ký kết hợp đồng, họ toàn toàn tỉnh táo, không có dấu hiệu bị bệnh hoặc mất khả năng điều khiển hành vi của mình, họ cũng không buộc phải chứng minh bản thân có đầy đủ năng lực hành vi trước tổ chức tín dụng hay cơ quan, tổ chức công chứng, chứng thực, nhất là đối với cá nhân chỉ bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Điều này gây khó khăn cho tổ chức tín dụng, cơ quan, tổ chức công chứng, chứng thực khi xác định tư cách chủ thể của họ, nếu có dấu hiệu nghi ngờ thì cũng chưa có đủ căn cứ pháp lý để ngừng hoặc từ chối xác lập, công chứng giao dịch. Từ đó, làm phát sinh vướng mắc trong thực tiễn khi các bên phát sinh tranh chấp, bên vay muốn trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì sẽ viện dẫn lý do họ không có đầy đủ năng lực hành vi khi xác lập giao dịch, nên yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng bảo đảm vô hiệu. Trường hợp này gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của các tổ chức tín dụng khi họ có nguy cơ bị mất vốn.
Vấn đề đặt ra, thực tiễn xét xử một số vụ án có thể xảy ra trường hợp bên vay bị mất năng lực hành vi dân sự vào thời điểm ký kết hợp đồng, thì bên vay không đáp ứng điều kiện vay vốn theo các quy định của pháp luật có liên quan. Cụ thể:
- Về điều kiện về chủ thể của hợp đồng tín dụng theo quy định,[10]Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây: Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
- Về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự,[11]giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.
- Về giao dịch dân sự vô hiệu do người mất năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện,[12]khi giao dịch dân sự do người mất năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp: Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó; giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người mất năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ; giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.
Như vậy, khi xác lập hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp, ai là chủ thể có trách nhiệm chứng minh năng lực chủ thể của khách hàng là cá nhân trong hợp đồng tín dụng, bên cho vay hay bên vay? Pháp luật hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể, Ngân hàng không có trách nhiệm chứng minh năng lực chủ thể của bên vay, cũng không quy định buộc bên vay có trách nhiệm cung cấp tài liệu chứng minh năng lực chủ thể của mình khi xác lập hợp đồng. Mặt khác, tổ chức tín dụng và cơ quan, tổ chức công chứng chứng thực cũng không có năng lực chuyên môn để xác định năng lực hành vi của cá nhân khi xác lập hợp đồng, nếu bên vay cố tình cung cấp thông tin sai sự thật.
Có thể thấy, hiện nay thực trạng là bên vay lợi dụng sơ hở của pháp luật để yêu cầu Tòa án giải quyết hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp vô hiệu, gây ảnh hưởng quyền lợi của bên cho vay, khi từ món nợ bảo đảm có thể chuyển sang nợ không có bảo đảm, dẫn đến nhiều quan điểm trái chiều như sau:
-Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tòa án công nhận hợp đồng sẽ đi ngược lại quy trình, thủ tục, điều kiện cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng, pháp luật đã quy định về thẩm định và quyết định cho vay[13]: Tổ chức tín dụng thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn của khách hàng theo quy định tại Điều 7 Thông tư này để xem xét quyết định cho vay. Trong quá trình thẩm định, tổ chức tín dụng được sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, kết hợp với các thông tin tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, các kênh thông tin khác”. Bên vay đã vi phạm về điều kiện vay vốn tại các tổ chức tín dụng, trách nhiệm trước hết thuộc về phía khách hàng trong việc cung cấp thông tin không đầy đủ, nhưng cũng có lỗi từ phía các tổ chức tín dụng trong việc kiểm tra, thẩm định hồ sơ tín dụng; như vậy đã gián tiếp thừa nhận lỗi chủ quan của cán bộ tín dụng, do sự lơ là, thiếu trách nhiệm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: Tòa án không công nhận hợp đồng, tuyên hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, điều này sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của cán bộ tín dụng. Tuy nhiên, hệ quả của nó là sẽ tạo tiền lệ xấu trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, gây dư luận không tốt trong xã hội. Vì pháp luật đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm của bên vay:
Về hồ sơ đề nghị vay vốn,[14]khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng các tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn theo quy định và các tài liệu khác do tổ chức tín dụng hướng dẫn.
Về cung cấp thông tin,[15]khách hàng cung cấp thông tin cho tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của các tài liệu gửi cho tổ chức tín dụng: Các tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn theo quy định và các tài liệu khác do tổ chức tín dụng hướng dẫn; báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay; các tài liệu để chứng minh việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay.
Tuy nhiên, nếu khách hàng cung cấp thông tin cho tổ chức tín dụng không chính xác, trung thực, đầy đủ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như thế nào? Điển hình, trường hợp vợ chồng cùng ký kết hợp đồng tín dụng, nhưng người vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự, do đó họ không có lỗi. Lỗi từ phía người chồng, vợ còn lại biết nhưng cố tình cung cấp thông tin sai sự thật thì phải chịu trách nhiệm. Nếu công nhận hợp đồng sẽ gây ảnh ảnh hưởng đến quyền lợi người vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự. Vì khi họ không còn ở trong tình trạng đã bị tuyên bố, thì chính người đó hoặc người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự[16].
Vì vậy, việc xem xét về điều kiện vay vốn đối với chủ thể trong hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm là cần thiết, nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên khi phát sinh tranh chấp. Từ những vướng mắc nêu trên, nhóm tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, vì trách nhiệm cung cấp thông tin thuộc về bên vay, họ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu chứng minh cho điều kiện vay vốn của mình. Trường hợp đã biết mà cố tình cung cấp thông tin không chính xác, trung thực, đầy đủ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, tổ chức tín dụng không biết hoặc không thể biết được nếu bên vay đã cố tình gian dối. Nếu pháp luật giải quyết không công nhận hợp đồng, tuyên hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, thì hệ quả tất yếu của nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với các tổ chức tín dụng, vì tổ chức tín dụng với chức năng là trung gian thanh toán, nên có thể gián tiếp tác động đến cả nền kinh tế. Vô hình trung, pháp luật đã bảo vệ quyền lợi của chủ thể gian dối, để trốn tránh trách nhiệm đã cam kết trong hợp đồng, mà không đảm bảo quyền lợi của chủ thể bị hành vi gian dối xâm phạm, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại.
Bên cạnh đó, cũng có quan điểm khác cho rằng, trong trường hợp này người chồng, vợ còn lại (bị mất năng lực hành vi dân sự) có khả năng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu không có khả năng trả nợ. Đối với hợp đồng tín dụng (tín chấp) thì phần quyền và nghĩa vụ của họ phải được vô hiệu, bởi không thể buộc một người không có năng lực hành vi phải chịu trách nhiệm trả nợ. Trong trường hợp này tổ chức tín dụng có một phần lỗi vì đối với trường hợp vay tín chấp, người bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì không thể nào chứng minh được thu nhập đủ để bảo đảm tín chấp cho một khoản vay nhất định, trong trường hợp tổ chức tín dụng cho khách hàng vay tín chấp mà không cần chứng minh thu nhập thì thường khoản vay không lớn và lãi suất rất cao, nên bên cho vay chấp nhận rủi ro cao. Đồng thời, căn cứ vào khả năng tiềm lực của tổ chức, mức cung cầu của thị trường tín dụng và mức độ rủi ro mà các tổ chức tín dụng thực hiện các chính sách tín dụng khác nhau, nên cần được xem xét trong việc giải quyết rủi ro của ngân hàng. Trách nhiệm còn lại thuộc về bên có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi.
Đối với hợp đồng tín dụng có thế chấp bằng tài sản của đồng sở hữu, trong đó có người mất năng lực hành vi thì trên thực tế khó xảy ra bởi một người khi mất năng lực hành vi dân sự, đã được Tòa án tuyên bố và quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự có hiệu lực, thì về nguyên tắc lý lịch tư pháp của một người được cập nhật (các giấy tờ về hộ tịch được ghi nhận), việc thực hiện các giao dịch đã phải thực hiện theo nguyên tắc giám hộ, việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với trường hợp này cũng được kiểm tra nên việc tham gia ký kết hợp đồng chỉ được thực hiện về mặt lý thuyết. Đồng thời, thực tế trường hợp này thông thường người chồng cũng là người giám hộ nếu thực hiện việc vay nợ, vì lợi ích của người được giám hộ thì khi xử lý giải quyết tài sản thế chấp thì tài sản thế chấp đó vẫn được phát mãi khi khách hàng không trả được nợ tín dụng. Đối với trường hợp người chồng không phải là người giám hộ, hoặc thực hiện việc vay nợ không vì lợi ích của người được giám hộ thì thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm không phù hợp; do đó phát sinh trách nhiệm lỗi của nhiều bên, cá nhân người vay, cán bộ thẩm định hồ sơ và cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm. Với nội dung này thì hợp đồng thế chấp cần phải vô hiệu một phần để đảm bảo quyền lợi cho người bị tuyên bố mất năng lực hành vi. Việc giải quyết thiệt hại khi hợp đồng thế chấp bị vô hiệu một phần thực hiện theo quy định về bồi thường thiệt hại của BLDS và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Chính vì vậy, từ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nêu trên sẽ tạo tiền lệ không tốt, làm cho bên vay có tâm lý chủ quan, xem nhẹ các quy định của pháp luật, không bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật, đồng thời cũng gây tâm lý e ngại cho các tổ chức tín dụng khi xem xét các điều kiện về vay vốn của khách hàng, gây mất niềm tin của nhân dân vào pháp luật. Vì vậy, pháp luật cần quy định cụ thể ai là người chịu trách nhiệm pháp lý đối với những cam kết? Bởi khi một người đã bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi, họ không tham gia giao dịch được thì nội dung cam kết của họ cũng không có giá trị pháp lý. Do đó, cam kết chỉ có giá trị pháp lý ràng buộc cho người có đủ năng lực pháp luật và hành vi. Do vậy, trường hợp này cũng chỉ có thể buộc người có năng lực hành vi chịu trách nhiệm cho nội dung cam kết trên phần quyền và nghĩa vụ của họ xác lập, phần vượt quá hoặc khai báo gian dối, sai sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản nếu có thì phải xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.
Hiện nay, có một dạng hình thức tuyên bố mất năng lực hành vi lùi thời điểm, tức theo kết quả giám định thì một người có thể mất năng lực hành vi ở một thời điểm xa trước thời điểm thực hiện tuyên bố. Do đó, hoàn toàn có khả năng một người trước khi thực hiện các giao dịch, hợp đồng tín dụng thì vẫn có năng lực hành vi, sau đó nhờ kết quả giám định và Tòa án tuyên bố mà họ lại trở thành người không có năng lực hành vi khi tham gia giao dịch, trong khi các chủ thể khác hoàn toàn không thể biết được. Điều này đẩy các cơ quan tố tụng, các chủ thể tham gia giao dịch vay tài sản, hợp đồng tín dụng… vào thế bị động mà điều cốt lõi là các kết quả giám định về tinh thần, khả năng nhận thức được thực hiện còn nhiều bất cập. Do đó, việc tuyên bố một người mất năng lực hành vi, việc giám định chính xác tình trạng năng lực hành vi của đương sự đúng sự thật khách quan mới thực sự giải quyết triệt để khó khăn trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề chủ thể ký kết hợp đồng thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng có tài sản chung của vợ, chồng (đã chia trong thời kỳ hôn nhân hoặc chưa chia sau ly hôn), hoặc tài sản chung của hộ gia đình,… đang gặp rất nhiều khó khăn trong thực tiễn. Bởi vì, việc xác định ai là người có trách nhiệm phải ký kết hợp đồng thế chấp để đảm bảo hợp đồng có hiệu lực toàn bộ còn nhiều quan điểm khác nhau.
4. Kiến nghị giải pháp
Từ những phân tích, đánh giá nêu trên, các tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:
- Sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN theo hướng:
Điều 9. Hồ sơ đề nghị vay vốn
            Khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng các tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn theo quy định tại Điều 7 Thông tư này và các tài liệu khác do tổ chức tín dụng hướng dẫn.
Trong trường hợp cần thiết, tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu khách hàng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu chứng minh cho điều kiện vay vốn của khách hàng.”.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN theo hướng:
Điều 16. Cung cấp thông tin
1. …
2. Khách hàng cung cấp thông tin cho tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của các tài liệu gửi cho tổ chức tín dụng:
a) Các tài liệu quy định tại Điều 9 Thông tư này;
b) Báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay;
c) Các tài liệu để chứng minh việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay.
Trường hợp vì lý do chủ quan hoặc lý do khác mà bên có lỗi trong việc cung cấp thông tin, tài liệu không đảm bảo tính chính xác, trung thực, đầy đủ thì vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với những cam kết đã thỏa thuận.”./. 

 


[1] Khoản 16 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Luật Các tổ chức tín dụng).
[2] Khoản 16 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng.
[3] Khoản 14 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng.
[4] Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 39/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
[5] Khoản 5 Điều 2 Thông tư số 39/TT-NHNN.
[6] Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 39/TT-NHNN.
[7] Công văn số 1576/NHNN-CSTT ngày 14/3/2017của Ngân hàng nhà nước Việt Nam về việc giải đáp các câu hỏi liên quan đến quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
[8] Điều 125, Điều 128, Điều 131 BLDS năm 2015.
[9] Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
[10] Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
[11] Điểm a khoản 1 Điều 117 BLDS năm 2015.
[12] Điều 125 BLDS năm 2015.
[13] Khoản 1 Điều 17 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
[14] Điều 9 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
[15] Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
[16] Điều 379, Điều 380 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 16 (464), tháng 8/2022.)