Hoàn thiện quy định của pháp luật về dịch vụ Mobile Money

03/10/2022

THS. NGUYỄN TRUNG DƯƠNG

Giảng viên Khoa Luật Thương mại, Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng một nền kinh tế không dùng tiền mặt, pháp luật ngày càng cho phép nhiều hơn các chủ thể được quyền cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Bên cạnh các chủ thể truyền thống như các tổ chức tín dụng hay ví điện tử thì các nhà mạng viễn thông mới đây cũng được cho phép thí điểm cung ứng một dịch vụ mới - Mobile Money. Trong phạm vi bài viết này, từ việc phân tích những vấn đề pháp lý có liên quan đến dịch vụ Mobile Money, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề này.
Từ khóa: Mobile Money, ví điện tử, thanh toán điện tử, tài khoản viễn thông.
ABSTRACT: With the goal of promoting the rapid development of a cashless economy, more and more entities are eligible to provide intermediary payment services by the law to meet the needs of organizations, individuals in society. Besides traditional entities such as credit institutions or e-wallets, telecommunication service providers have also recently been allowed to pilot the provision of a new service - Mobile Money. Within the scope of the article, from analysis of legal matters related to Mobile Money service, the author proposes a number of recommendations to further improve the current Vietnamese law on the discussed matter.
Keywords: Mobile Money; e-wallets; telecommunication account.
VÍ-ĐIỆN-TỬ1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ngày 09/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Trong bối cảnh hiện nay, khi vẫn còn nhiều người Việt Nam chưa có tài khoản cũng như khó tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng hiện đại; việc thí điểm này nhằm tận dụng hạ tầng dữ liệu, mạng lưới viễn thông để phát triển nhanh các giao dịch không dùng tiền mặt theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam[1]. Đồng thời, thí điểm trên cũng tăng cường việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam[2]. Với việc các nhà mạng được thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile Money, người dân không có tài khoản ngân hàng vẫn có thể tham gia mạng lưới và thực hiện việc thanh toán điện tử, góp phần bảo đảm quyền bình đẳng của mọi người dân trong tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, vốn là một trong những mục tiêu quan trọng của tài chính toàn diện.
1. Khái niệm Mobile Money
Trước hết, Mobile Money là một dịch vụ trung gian, cung ứng giải pháp thanh toán thông qua thiết bị di động chứ không phải là một loại tiền. Theo đó, để có thể thực hiện được các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt thì tổ chức cung ứng dịch vụ Mobile Money sẽ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử được định danh thông qua thuê bao di động. Trên tài khoản này cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ nhất định được gọi là tiền di động – một dạng tiền điện tử[3]. Về nguyên tắc, dịch vụ Mobile Money không làm phát sinh lượng tiền tệ mới mà số tiền công ty viễn thông nhận được từ khách hàng phải được nạp vào tài khoản tương ứng theo tỷ lệ 1:1.
Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào tại Việt Nam đưa ra khái niệm chính thức về Mobile Money. Ngay trong Quyết định số 316/QĐ-TTg cũng chưa có sự định danh khái niệm Mobile Money một cách chính thức. Do đó, khái niệm Mobile Money chỉ có thể được hiểu thông qua các khái niệm đã quen thuộc, như ví điện tử hay tiền điện tử đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành.
Nghị định số 80/2016/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định ví điện tử là dịch vụ cung cấp một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính...). Ví điện tử cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi, tương ứng với giá trị tài khoản thanh toán của khách hàng gửi vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo tỷ lệ 1:1[4]. Từ định nghĩa trên, có thể thấy Mobile Money về bản chất là một ví điện tử nhưng không có liên kết với tài khoản ngân hàng.
Cũng tiếp cận dưới góc độ Mobile Money là một dịch vụ trung gian thanh toán, Hiệp hội hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA)[5] định nghĩa Mobile Money là một dịch vụ trong đó điện thoại di động được sử dụng để truy cập các dịch vụ tài chính[6]. Theo Viện Công nghệ Massachusetts thì Mobile Money đề cập đến một loạt các dịch vụ tài chính có thể được truy cập thông qua điện thoại di động[7]. Còn theo Vivienne Lawack thì "Mobile money" hoặc "In money" là một dạng tiền điện tử và đề cập đến các dịch vụ kết nối tài chính của người tiêu dùng thông qua điện thoại di động[8].
Tóm lại, mặc dù chưa có một khái niệm chính thức nhưng có thể hiểu Mobile Money là dịch vụ được các tổ chức cung ứng để sử dụng cho các nghiệp vụ sau:[9]
-       Nạp/rút tiền mặt vào hoặc từ tài khoản Mobile Money;
-       Thanh toán việc mua hàng hóa, dịch vụ cho đơn vị chấp nhận thanh toán bằng tài khoản Mobile Money;
-       Chuyển tiền giữa các tài khoản Mobile Money của khách hàng trong cùng hệ thống, giữa tài khoản Mobile Money của khách hàng với tài khoản thanh toán tại ngân hàng, giữa tài khoản Mobile Money với ví điện tử do chính doanh nghiệp đó cung ứng.
2. Ý nghĩa của Mobile Money trong bối cảnh kỷ nguyên công nghệ số
- Đối với nền kinh tế nói chung
Theo thống kê, hiện nay hơn 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng[10]. Vì vậy, Mobile Money sẽ góp phần cung ứng cho nhóm đối tượng khách hàng này một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng, thuận tiện, thay vì phải trực tiếp đến các cơ sở của ngân hàng thực hiện giao dịch. Từ đó, Mobile Money sẽ giúp thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; phát triển tài chính toàn diện đến những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những khu vực mà hệ thống tài chính, ngân hàng chưa phát triển, người dân chưa hoặc không có khả năng tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.
Ngoài ra, việc cho phép cung cấp dịch vụ Mobile Money cũng giúp cho các công ty viễn thông tận dụng hạ tầng sẵn có, giúp giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng các dịch vụ ngân hàng truyền thống, qua đó góp phần nâng cao mức sống người dân cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung.
-       Đối với người sử dụng dịch vụ
Dịch vụ Mobile Money là một giải pháp hữu hiệu giúp tiếp cận dịch vụ tài chính hiện đại cũng như các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là tại những khu vực mà người dân chưa có điều kiện mở tài khoản ngân hàng. Bởi lẽ:
Thứ nhất, Mobile Money có thể phục vụ cho tất cả khách hàng, kể cả những khách hàng ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo; những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển, cũng như điều kiện giao thông còn nhiều cách trở do vị trí địa lý không thuận lợi mà các dịch vụ ngân hàng chưa thể phủ sóng tới được. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng các dịch vụ thanh toán hay chuyển – nhận tiền ở các khu vực kể trên lại không ngừng gia tăng. Thực tế cho thấy, sau 6 tháng triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money ở Việt Nam, số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ đạt 1.769.291, trong đó có khoảng hơn 60% khách hàng ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.[11] Như vậy, nếu Mobile Money được triển khai một cách đồng bộ và có hiệu quả trong tương lai thì sẽ là một dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển một nền kinh tế không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Kinh nghiệm ở những nước có địa hình không thuận lợi cho giao thông (có nhiều đảo, sa mạc) như Philippines, Indonesia và các nước châu Phi cũng đã chứng minh rằng, Mobile Money là dịch vụ góp một phần lớn trong việc giải quyết những khó khăn về khoảng cách địa lý tại những quốc gia này[12].
Thứ hai, Mobile Money là một dịch vụ tài chính khá đơn giản, thuận tiện và dễ dàng thực hiện. Chính vì vậy, nó hoàn toàn phù hợp với bối cảnh ở nước ta hiện nay khi mà (i) trình độ dân trí chưa thực sự cao để có thể sử dụng các dịch vụ tài chính hiện đại như các loại thẻ ngân hàng, các loại ví điện tử, (ii) hệ thống ATM chưa lớn đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Trong khi đó, mạng di động đã được phủ sóng trên toàn bộ lãnh thổ và số lượng thuê bao cũng không ngừng gia tăng. Người dân lúc này chỉ cần một chiếc điện thoại và một thuê bao di động đã được đăng ký là hoàn toàn có thể sử dụng được dịch vụ Mobile Money để chuyển – nhận tiền hay thanh toán cho các giao dịch của mình một cách nhanh chóng.
- Đối với các chủ thể cung ứng dịch vụ
Mặc dù gần ½ dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng hoặc không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ thanh toán hiện đại như ví điện tử. Tuy nhiên, mạng di động thì đã được phủ sóng trên toàn lãnh thổ. Theo Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 129,5 triệu thuê bao, trong đó số điện thoại di động băng rộng 3G và 4G là hơn 61,3 triệu thuê bao. Mạng điện thoại di động đã được phủ kín hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Với 43,7 triệu người dùng điện thoại thông minh, chiếm 45% dân số năm 2019, Việt Nam đang ở mức trung bình khu vực, cao hơn so với Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Thái Lan[13]. Đây chính là “miền đất hứa” cho các công ty viễn thông trong việc triển khai cung ứng dịch vụ Mobile Money.
Theo đó, lợi ích lớn nhất mà các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ Mobile Money có được đó chính là sẽ tận dụng được mạng lưới viễn thông sẵn có, các điểm giao dịch rộng khắp trên cả nước để phát triển đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, dịch vụ và đối tượng khách hàng ngoài các dịch vụ viễn thông truyền thống. Từ đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng mở rộng phạm vi hoạt động, đồng thời tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu tư để tăng doanh thu và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường[14].
3. Một số vấn đề đặt ra khi triển khai Mobile Money
3.1. Vấn đề về sim rác
Việc triển khai Mobile Money tại Việt Nam được cho là vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức; đặc biệt là xuất phát từ tình trạng sim rác hiện đang còn tồn tại khá phổ biến ở nước ta. Theo các chuyên gia, sim rác là một thực trạng mà các doanh nghiệp viễn thông cũng như cơ quản quản lý nhà nước đều nhận thấy và liên tục đưa ra những cơ chế siết chặt quản lý[15]. Mặc dù trong thời gian vừa qua đã có những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh cụ thể về việc quản lý thông tin của thuê bao di động, bao gồm việc xác minh thông tin khi giao kết hợp đồng tại Nghị định số 49/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại rất nhiều thuê bao di động không xác định được thông tin thuê bao, thông tin không đúng, sim thuê bao được kích hoạt sẵn hay những sim rác vẫn còn được rao bán tràn lan trên thị trường. Tưởng chứng là một vấn đề không liên quan, tuy nhiên điều này thực tế lại ảnh hưởng không nhỏ đến việc thí điểm và nhân rộng mô hình cung ứng dịch vụ Mobile Money trong tương lai.
Cụ thể, với Mobile Money thì tài khoản tiền di động sẽ được định danh qua số thuê bao di động của khách hàng tại công ty viễn thông. Do đó, việc xác định chính xác thông tin để định danh khách hàng và hạn chế tối đa tình trạng sim không chính chủ là rất quan trọng. Bởi lẽ, một khi tình trạng sim rác vẫn tồn tại thì có thể khiến loại hình tiền di động này trở thành kênh để các đối tượng xấu lợi dụng nếu không được quản lý chặt chẽ. Theo đó, Mobile Money có thể dễ dàng bị lợi dụng để thực hiện các hành vi nguy hiểm như chiếm đoạt tài sản hoặc rửa tiền bởi những đặc tính của dịch vụ này, như tính ẩn danh cao và khó kiểm soát.
Thứ nhất, tính ẩn danh thể hiện ở việc dịch vụ Mobile Money có thể sử dụng tương đối dễ dàng mà không có quá nhiều ràng buộc về bảo mật. Đối với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác thông qua trung gian là ngân hàng, hay các ví điện tử, người dùng cần phải thực hiện một số biện pháp bảo mật để xác minh danh tính. Các biện pháp này có thể từ đơn giản như mật khẩu, mã OTP, hay phức tạp hơn là sử dụng công nghệ sinh trắc như vân tay, nhận diện khuôn mặt. Nhờ vậy, các chủ thể cung ứng dịch vụ dễ dàng xác định giao địch được thực hiện bởi đúng khách hàng đang sở hữu tài khoản đó. Tuy nhiên, dịch vụ Mobile Money thì lại hoàn toàn khác. Người sử dụng dịch vụ chỉ cần cung cấp các thông tin cá nhân để định danh tại thời điểm đăng ký thuê bao di động mà không cần phải thực hiện thêm bất cứ phương thức bảo mật nào khác khi thực hiện giao dịch thanh toán. Điều này là một kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc rửa tiền. Bởi lẽ, với đa số trường hợp thì chỉ cần các đối tượng này có được điện thoại của chủ thuê bao là đã có thể dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội của mình. Vì đã định danh thuê bao di động từ đầu nên các công ty cung ứng dịch vụ Mobile Money sẽ “mặc nhiên” hiểu rằng giao dịch được thực hiện là chính danh, trừ trường hợp chủ thuê bao có thông báo khoá sim hay không sử dụng dịch vụ nữa.
Thứ hai, tính khó kiểm soát thể hiện ở việc giao dịch qua Mobile Money chủ yếu là các giao dịch phục vụ nhu cầu hằng ngày của cá nhân, thường có giá trị không lớn và được thực hiện nhiều lần trong ngày, có thể tại nhiều địa điểm khác nhau. Chính vì là những giao dịch hằng ngày, giá trị nhỏ; thêm vào đó lại được định danh ngay ở khâu đăng ký thuê bao như đã phân tích ở trên, nên cơ quan nhà nước sẽ rất khó để quản lý cũng như xác định các giao dịch bất thường. Ví dụ, để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, đối tượng chỉ cần thực hiện việc chuyển tiền từ thuê bao này sang một thuê bao khác như đối với các giao dịch thông thường; Hay tội phạm rửa tiền cũng có thể lợi dụng đặc tính này của Mobile Money để từ một số tiền lớn chia thành nhiều phần nhỏ, và thực hiện giao dịch nhiều lần qua lại giữa nhiều thuê bao khác nhau nhằm che giấu nguồn gốc thực sự của số tiền, gây nhiễu cho cơ quan quản lý khi muốn kiểm soát sự dịch chuyển của dòng tiền.
3.2. Vấn đề về quản lý dòng tiền
Một trong những vấn đề không kém phần quan trọng khi triển khai Mobile Money đó là việc quản lý dòng tiền. Thực tế cho thấy, hiện nay cả nước có 125,5 triệu thuê bao di động. Giả sử nếu 30% số thuê bao này sử dụng dịch vụ Mobile Money và chi tiêu 10 triệu đồng/tháng (hạn mức tối đa dự kiến), thì dòng tiền chảy qua Mobile Money lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng/tháng. Còn nếu mỗi chủ tài khoản chỉ chi tiêu 100.000 đồng/tháng, con số này cũng lên tới hàng ngàn tỷ đồng[16]. Vậy có hai vấn đề đặt ra ở đây:
Thứ nhất, các hãng viễn thông cần phải quản lý chặt chẽ, đảm bảo sự an toàn lượng tiền mà khách hàng đã nạp vào thuê bao. Thực tế cho thấy, những rủi ro về bảo mật, gian lận, rửa tiền, đánh bạc… luôn rình rập nhà mạng trong việc quản lý lượng tiền của khách hàng. Trong bối cảnh tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng, nếu hacker xâm nhập được vào hệ thống thì cũng gây ra rủi ro không nhỏ cho nhà mạng. Việc tăng cường quản lý hiệu quả không chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng, mà còn là bảo vệ chính các chủ thể cung ứng dịch vụ Mobile Money.
Trong thời gian qua, không ít các vụ việc đánh bạc trá hình thông qua việc sử dụng các thuê bao di động giả hoặc bằng hình thức nạp thẻ cào điện thoại đã bị phát giác. Cụ thể, đầu tháng 5/2020, Bộ Công an phát hiện đường dây đánh bạc 20.000 tỷ đồng có sử dụng thẻ cào điện thoại.[17] Trước đó, năm 2017, một đường dây đánh bạc 10.000 tỷ đồng có sử dụng thẻ cào điện thoại cũng bị phanh phui[18]. Đây là minh chứng cho thấy những rủi ro đối với Mobile Money sẽ không hề nhỏ nếu như chúng ta không có lời giải thỏa đáng trong việc quản lý tiền di động này.
Thứ hai, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải quản lý để dòng tiền chảy vào Mobile Money phải được sử dụng theo đúng mục đích. Một điều đáng lo lắng là khi các hãng viễn thông sở hữu một số tiền rất lớn từ người dùng nạp vào thì họ phải bảo đảm với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính rằng họ chỉ sử dụng số tiền đó để chờ thanh toán mà không phải dùng cho bất kỳ mục đích nào khác. Với số tiền có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng trong tương lai, không loại trừ nguy cơ các công ty viễn thông sẽ đem số tiền đó đi đầu tư vào một tài sản nào đó. Trên thị trường tài chính, có rất nhiều trường hợp đầu tư vào tài sản “qua đêm” để sinh lời như trái phiếu chính phủ, cổ phiếu, vàng...[19] với hy vọng qua một đêm, tiền đó sẽ trở lại tài khoản. Tuy nhiên trong quá trình đầu tư, rủi ro là không thể tránh khỏi. Có những trường hợp đầu tư vào các khoản rủi ro gây mất tiền, khi đó chắc chắn tiền sẽ không thể trở lại tài khoản nữa. Lúc này, hậu quả sẽ thực sự nguy hiểm đối với cả khách hàng và doanh nghiệp viễn thông.
3.3. Vấn đề về bảo mật thông tin
Bảo mật là một vấn đề đặc biệt quan trọng trong bối cảnh sự bùng nổ của công nghệ thông tin và Internet như hiện nay. Điều này lại càng quan trọng hơn đối với dịch vụ Mobile Money. Bởi lẽ, để sử dụng Mobile Money, khách hàng sẽ phải cung cấp tất cả thông tin cá nhân bao gồm: số chứng minh nhân dân, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số điện thoại, email... cho các hãng viễn thông. Nếu những thông tin này bị rò rỉ ra bên ngoài có thể bị sử dụng một cách bất hợp pháp, gây bất lợi cho người sử dụng dịch vụ.
Tham khảo một số “thủ đoạn” và rủi ro về bảo mật thông tin có thể gặp phải khi triển khai ứng dụng Mobile Money[20] có thể nhận thấy một số dạng thức tấn công cơ bản:
Thứ nhất, rủi ro từ các ứng dụng. Rủi ro về bảo mật thông tin trong trường hợp này có thể đến từ các ứng dụng hoặc thư viện được tích hợp trong thiết bị điện thoại di động, đặc biệt là các thiết bị di động thông minh.
Thứ hai, rủi ro từ nội bộ.Theo đó, bản thân các nhân viên hay đại lý của công ty viễn thông có thể lợi dụng vị trí của mình để thực hiện các hành vi đánh cắp thông tin, từ đó gây phương hại cho lợi ích của khách hàng. Nhiều người do không biết chữ hoặc sợ mắc lỗi nên đã tin tưởng các đại lý để thực hiện các giao dịch thay mặt họ. Điều này vô tình đã tạo điều kiện cho nhiều cuộc tấn công từ chính các chủ thể này nhắm đến mục tiêu là khách hàng; chẳng hạn như ăn cắp tiền từ tài khoản hoặc tính phí bổ sung bất hợp pháp. Nếu các công ty viễn thông quy định quá dễ dàng để hình thành một tài khoản mới thì những kẻ gian lận sẽ có nhiều cơ hội hơn để tạo tài khoản dùng một lần để lừa đảo.
Thứ ba, rủi ro từ sự tấn công của tin tặc. Sự tấn công này có thể nhằm vào khách hàng bằng các hình thức như tin nhắn giả mạo; nhưng cũng có thể nhắm vào chính các công ty viễn thông như việc tấn công vào hệ thống máy chủ hoặc tấn công thông qua các dịch vụ với số lần đăng nhập không giới hạn, quy trình đặt lại mật khẩu yếu và tài khoản có ID người dùng là số điện thoại, thường được coi là thông tin công khai…
4. Kiến nghị một số giải pháp
Từ những phân tích nêu trên, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn hiện các quy định của pháp luật về dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam.
Thứ nhất, các công cụ pháp lý cần phải được sử dụng một cách có hiệu quả để loại bỏ tình trạng sim ảo, sim rác. Có thể thấy rằng, để Mobile Money vừa phát huy được hiệu quả là một dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt vừa đảm bảo an toàn cho cả người dùng lẫn các chủ thể cung ứng dịch vụ thì tình trạng sim rác cần thiết phải được các nhà mạng tại Việt Nam khắc phục triệt để hơn nữa. Trong thời gian vừa qua, với việc các công ty cung ứng dịch vụ viễn thông yêu cầu khách hàng sử dụng dịch vụ phải đăng ký thuê bao có đi kèm với việc xác thực bằng chứng minh nhân dân cũng đã góp phần rất lớn trong việc định danh các thuê bao di động, qua đó hạn chế tình trạng sim rác.
Dưới góc độ pháp lý, mặc dù Luật Viễn thông và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã đề cập tới các hành vi bị cấm như: (i) nhập sẵn thông tin thuê bao; kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho SIM thuê bao khi chưa thực hiện, hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định; (ii) mua bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước…[21]. Tuy nhiên, sự quản lý của các cơ quan hữu quan cũng như các chế tài xử phạt vẫn chưa thực sự chặt chẽ và đủ sức răn đe. Do đó, để có thể triển khai một cách thành công dịch vụ Mobile Money, một mặt – về kỹ thuật các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán hay bảo mật cần phải có các giải pháp mới về mặt công nghệ, như ứng dụng các thuật toán, trí tuệ nhân tạo để nhận diện những thuê bao di dộng chưa được đăng ký hoặc những giao dịch bất thường, có nguy cơ tiềm ẩn rủi ro nhằm kịp thời cảnh báo cho các hãng viễn thông cũng như khách hàng sử dụng dịch vụ. Mặt khác – về pháp lý, các quy định của pháp luật cần được áp dụng. Đồng thời, bản thân khách hàng cũng cần thiết phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin để đảm bảo an toàn thông tin và tự bảo vệ tối đa quyền lợi của mình.
Thứ hai, pháp luật cần có những quy định cụ thể ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể cung ứng dịch vụ trong việc đảm bảo tiền của người dùng khi nạp vào tài khoản Mobile Money tại các công ty viễn thông phải được sử dụng đúng mục đích. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công thương cũng như các cơ quan quản lý cần phối hợp để có cơ chế quản lý dòng tiền của dịch vụ Mobile Money. Cụ thể như: (i) quy định các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ không được sử dụng tiền của khách hàng cho những mục đích khác như đầu tư, kinh doanh; (ii) phải quản lý tách bạch tài khoản của từng khách hàng và tách bạch khoản thanh toán cho dịch vụ Mobile Money với các tài khoản thanh toán khác của doanh nghiệp, (iii) doanh nghiệp phải mở một tài khoản bảo đảm thanh toán tại các ngân hàng thương mại với số dư tài khoản được duy trì không được thấp hơn so với tổng số dư của tất cả các tài khoản Mobile Money của khách hàng tại cùng một thời điểm;… Đồng thời, các ngân hàng thương mại sẽ đóng vai trò là chủ thể phối hợp cùng các cơ quan quản lý để giám sát các giao dịch từ tài khoản Mobile Money chỉ được sử dụng duy nhất để thanh toán cho các nghiệp vụ phát sinh từ hoạt động này.
Thứ ba, liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phải đưa ra các chính sách, cơ chế để bảo vệ an toàn thông tin cho người dùng trong việc cung cấp thông tin cá nhân cho các hãng viễn thông khi sử dụng Mobile Money. Mặt khác, các công ty viễn thông cũng phải có hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm hiện đại và cập nhật để bảo vệ tất cả những thông tin lưu trữ về người dùng, đồng thời có thể ứng dụng hệ thống blockchain (chuỗi khối) - một hệ thống bảo mật hiện đại nhất hiện nay để bảo đảm an toàn thông tin cho khách hàng của mình./. 

 


[1] Quyết định số 2545/QĐ–TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 và Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/5/2020 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
[2] Điều 1 Quyết định số 316/QĐ–TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tưởng Chính phủ.
[3] Khoản 12 Điều 3 Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ–CP về thanh toán không dùng tiền mặt định nghĩa “tiền điện tử” là giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử được trả trước bởi khách hàng cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán và được đảm bảo giá trị tương ứng tại ngân hàng, bao gồm: thẻ trả trước, ví điện tử, tiền di động, https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-ve-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-3279, truy cập ngày 15/7/2022.
[4] Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 80/2016/NĐ–CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ–CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.
[5] GSM Association - tổ chức công nghiệp đại diện cho lợi ích của các nhà khai thác mạng di động trên toàn thế giới.
[6] Mobile Money Definitions, https://www.gsma.com/mobilefordevelopment/wp-content/uploads/2012/06/mobilemoneydefinitionsnomarks56.pdf, truy cập ngày 22/5/2021.
[7]Massachusetts Institute Of Technology, Mobile Money & Payments: Technology Trends, p.5,https://www.getsmarter.com/blog/wp-content/uploads/2017/07/mit_mobile_and_money_payments_report.pdf, accessed 22/5/2021.
[8] Vivienne A. Lawack (2013), Mobile Money, Financial Inclusion and Financial Integrity: The South African Case, Washington Journal of Law, Technology & Arts, vol. 8, no. 3, pp. 317-346, https://heinonline.org/HOL/Page?collection=journals&handle=hein.journals/washjolta8&id=319&men_tab=srchresults, accessed 22/5/2021.
[9] Mục III Điều 1 Quyết định số 316/QĐ – TTg.
[10] Thái Linh (2021), Khởi động dịch vụ Mobile – Money, https://nhandan.vn/khoi-dong-dich-vu-mobile-money-post638939.html, truy cập ngày 11/7/2022.
[11] Bộ Thông tin và truyền thông (2022), Dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình công tác quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, https://mic.gov.vn/Upload_Moi/FileBaoCao/2.-Du-thao-Bao-cao-so-ket-6-thang-2022.pdf, truy cập ngày 17/7/2022.
[12] Phùng Thế Hùng (2019), Xu hướng phát triển dịch vụ Mobile Money trên thế giới - thời cơ và thách thức đối với Việt Nam, https://thitruongtaichinhtiente.vn/xu-huong-phat-trien-dich-vu-mobile-money-tren-the-gioi-thoi-co-va-thach-thuc-doi-voi-viet-nam-25391.html, truy cập ngày 11/7/2022.
[13] Hải (2020), Cơ hội bùng nổ Mobile Money, https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/co-hoi-bung-no-mobile-money-321580.html, truy cập ngày 11/7/2022.
[14] Thái Minh (2019), Mobile Money - thanh toán không tiền mặt không cần tài khoản ngân hàng, https://tuoitre.vn/mobile-money-thanh-toan-khong-tien-mat-khong-can-tai-khoan-ngan-hang-20191106200302364.htm, truy cập ngày 11/7/2022.
[15] Hằng Trần (2020), Viettel đã sẵn sàng cho Mobile Money, https://bnews.vn/viettel-da-san-sang-cho-mobile-money/161412.html, truy cập ngày 11/7/2022.
[16] Thuỳ Liên (2020), Ai quản lý dòng tiền trong Mobile Money, https://baodautu.vn/ai-quan-dong-tien-trong-mobile-money-d122843.html, truy cập ngày 11/7/2022.
[17] Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã triệt phá đường dây đánh bạc trên mạng internet với quy mô lớn ở các tỉnh, dưới hình thức game đổi thưởng với tổng số tiền 20 nghìn tỷ đồng. Theo đó, máy chủ của trang game đặt tại nước ngoài và liên kết với các đại lý cấp 1 ở Việt Nam, mỗi đại lý đều công khai thông tin số điện thoại hotline, trang facebook, zalo, tài khoản game để người chơi tham gia cá cược liên lạc, giao dịch mua, bán điểm game. Trang game tổ chức cho người chơi tham gia đánh bạc dưới nhiều hình thức như: Tài Xỉu, Lô đề, Tiến lên miền nam, Poker, Bắn cá… Để tham gia cá cược người chơi phải đăng ký lập tài khoản thành viên trên game và nạp tiền trực tiếp bằng cách chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng do các đại lý cung cấp hoặc nạp thẻ điện thoại. http://cand.com.vn/Phap-luat/Triet-pha-duong-day-danh-bac-20-nghin-ty-dong-594075/, truy cập ngày 24/5/2021.
[18] Tùng Lâm (2021), Những đường dây đánh bạc, cá độ trực tuyến nghìn tỷ đồng từng bị triệt phá, https://vtc.vn/nhung-duong-day-danh-bac-ca-do-truc-tuyen-nghin-ty-dong-tung-bi-triet-pha-ar594420.html, truy cập ngày 11/7/2022.
[19] Lê Phương (2020), Thêm nhiệt cho thị trường thanh toán, https://bnews.vn/mobile-money-them-nhiet-cho-thi-truong-thanh-toan/162991.html, truy cập ngày 11/7/2022.
[20] Sam Castle, Fahad Pervaiz, Franziska Roesner, Richard Anderson & Galen Weld (2016), Let’s Talk Money: Evaluating the Security Challenges of Mobile Money in the Developing World, The 2016 ACM Symposium on Computing for Development (DEV), p. 3.
[21] Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 49/2017/NĐ – CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 15 Nghị định số 25/2011/NĐ – CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 Nghị định số 174/2013/NĐ – CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 15 (463), tháng 8/2022.)


Thống kê truy cập

33063095

Tổng truy cập