Giải quyết tranh chấp dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư bằng trọng tài Việt Nam

07/10/2022

TS. NGUYỄN THỊ HỒNG PHƯỚC

Khoa Luật, Trường Đại học Sài Gòn,

THS. CAO THỊ THÙY NHƯ

NCS. Chương trình Luật, Trường Đại học Thủ Dầu Một.

Tóm tắt: Trong bài viết này, nhóm tác giả tiếp cận việc sử dụng trọng tài thương mại Việt Nam để giải quyết tranh chấp hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; chỉ ra sự cần thiết, phân tích thực tiễn và đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Từ khóa: Giải quyết tranh chấp, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trọng tài.
Abstract: Under this article, the authors provide an approach to use of commercial arbitration in Vietnam to resolve investment project contract disputes under the method of public-private partnership, give out the necessity, an analysis of the practical developments and also propose a number of recommendations to improve the efficiency of dispute settlement, ensuring the harmonization of interests of both the Government and the investors.
Keywords: Settlement of disputes; investment projects under the method of public-private partnership; arbitration.
 HÒA-GIAIR-CƠ-SỞ1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Sự cần thiết giải quyết tranh chấp dự án đầu tư theo phương thưc đối tác công tư bằng Trọng tài Việt Nam
Hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa Nhà nước và nhà đầu tư (NĐT) để cùng thực hiện dự án đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Một bên trong hợp đồng PPP là Nhà nước (đối tác công), đại diện là cơ quan có thẩm quyền/cơ quan ký kết hợp đồng; một bên là NĐT (đối tác tư), bao gồm NĐT/liên danh NĐT và doanh nghiệp dự án – doanh nghiệp được NĐT/liên danh NĐT thành lập để thực hiện hợp đồng dự án. Đây cũng là lý do tại sao hợp đồng PPP được xem là hợp đồng “nửa công, nửa tư”, tồn tại nhiều quan điểm trái chiều liên quan đến việc hợp đồng PPP là hợp đồng hành chính hay hợp đồng thương mại[1].
Với quan điểm xem tranh chấp PPP là tranh chấp thương mại, tranh chấp này có thể được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài hoặc tòa án – tương tự các tranh chấp thương mại khác. Riêng đối với phương thức trọng tài thương mại (TTTM) và cụ thể là Trọng tài Việt Nam, theo quy định của pháp luật về PPP, Trọng tài Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp sau:
 Một là, tranh chấp giữa cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng với NĐT trong nước hoặc doanh nghiệp dự án PPP do NĐT trong nước thành lập; tranh chấp giữa các NĐT trong nước; tranh chấp giữa NĐT trong nước hoặc doanh nghiệp dự án PPP do NĐT trong nước thành lập với các tổ chức kinh tế Việt Nam.
Hai là, tranh chấp giữa cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng với NĐT nước ngoài hoặc với doanh nghiệp dự án PPP do NĐT nước ngoài thành lập, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Ba là, tranh chấp giữa các NĐT trong đó có ít nhất một NĐT nước ngoài; tranh chấp giữa NĐT hoặc doanh nghiệp dự án PPP với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Qua quy định trên, có thể nhận thấy rằng tranh chấp PPP là tranh chấp thương mại, bất kể tính chất “nửa công, nửa tư” của hợp đồng PPP. Đồng thời, với việc trao quyền giải quyết tranh chấp PPP cho TTTM, nhà lập pháp cũng phần nào thể hiện quan điểm rằng tranh chấp PPP cần được xử lý dứt điểm. Điều này phù hợp với ý chí và nguyện vọng của các bên tranh chấp, giảm thiểu chi phí dự án và đảm bảo tính liên tục của việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.
Việc giải quyết tranh chấp dự án PPP bằng phương thức Trọng tài Việt Nam hướng đến những mục đích sau:
Thứ nhất, hạn chế làm gián đoạn việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công trong quá trình giải quyết tranh chấp
Năm lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP nhằm tập trung nguồn lực cụ thể để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công mang tính thiết yếu cho người dân. Quá trình này còn liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau, như nhà thầu, tổ chức tài chính, chủ thể mua dịch vụ của NĐT để phân phối lại cho người dùng cuối cùng. Do vậy, mỗi dự án PPP là một chuỗi các thỏa thuận giữa cơ quan ký kết hợp đồng với NĐT; các cơ quan nhà nước có liên quan trong các lĩnh vực môi trường, thu hồi đất, thuế quan, tài chính và NĐT; về đấu thầu lựa chọn NĐT; thỏa thuận giữa các thành viên trong liên danh các NĐT; thỏa thuận vay vốn; với các nhà thầu phụ và bên cung ứng; thỏa thuận giữa các doanh nghiệp nhà nước mua sản phẩm, dịch vụ với người sử dụng dịch vụ. Khi có tranh chấp phát sinh liên quan dự án PPP, với thủ tục tố tụng nhanh chóng và linh hoạt thì TTTM giải quyết tranh chấp sẽ hạn chế khả năng tranh chấp kéo dài, ảnh hưởng lớn đến các chủ thể này. Nhà nước tạo nhiều cơ chế thu hút đầu tư từ các NĐT tư nhân, nhưng không làm ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ thể khác, đặc biệt là người dân - chủ thể trực tiếp sử dụng hàng hóa, dịch vụ công.
Thứ hai, bảo đảm sự cân bằng vị thế của hai đối tác công tư trong quá trình giải quyết tranh chấp
Khi tham gia vào hợp đồng PPP, hai bên đối tác công tư phải bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, kể cả trong giải quyết tranh chấp. Đây là cam kết của Nhà nước khi thu hút đầu tư, nhằm tạo sự yên tâm cho NĐT khi tham gia thực hiện dự án PPP với Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, có hai vấn đề đặt ra liên quan đến sự mất cân bằng vị thế của hai bên đối tác công tư trong quá trình giải quyết tranh chấp, có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của phía NĐT.
Vấn đề thứ nhất liên quan đến quyền miễn trừ tư pháp (miễn trừ quốc gia). Cụ thể, Nhà nước là chủ thể có chủ quyền quốc gia và do đó có quyền miễn trừ tư pháp. Nói cách khác, Nhà nước sẽ không bị xét xử bởi cơ quan tài phán nào nếu không có sự đồng ý của chính họ. Khi đó, vấn đề quan ngại chính là việc Nhà nước sử dụng quyền miễn trừ tư pháp khi có tranh chấp với NĐT liên quan đến dự án PPP. Bàn về vấn đề này, Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) cho rằng, ngoài việc Nhà nước cần cam kết từ bỏ quyền miễn trừ quốc gia thì việc sử dụng phương thức TTTM để giải quyết tranh chấp cũng sẽ là một giải pháp. Bởi lẽ, cam kết từ bỏ quyền miễn trừ quốc gia sẽ được thể hiện rõ trong thỏa thuận trọng tài và Nhà nước sẽ không thể phá vỡ cam kết này khi tranh chấp phát sinh[2].
 Vấn đề thứ hai liên quan đến vị thế của Nhà nước khi tham gia tố tụng tại cơ quan tài phán công do chính Nhà nước thành lập. Về mặt nguyên tắc, trong quá trình giải quyết tranh chấp, các bên tranh chấp đều bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ. Thế nhưng, nếu tranh chấp được giải quyết tại Tòa án – cơ quan tài phán công, Tòa án có khả năng sẽ “thiên vị” cho phía Nhà nước hơn, từ đó ảnh hưởng đến tính khách quan của kết quả giải quyết. Khi cơ quan tài phán không độc lập hoàn toàn với một bên tranh chấp, thì bên tranh chấp còn lại có quyền đặt ra nghi vấn. Để loại bỏ nghi vấn trên, cũng như đảm bảo tính khách quan tuyệt đối của kết quả, thì việc sử dụng phương thức TTTM - tổ chức tài phán tư - thay cho phương thức Tòa án có thể là một giải pháp tối ưu cho tranh chấp PPP[3].
Thứ ba, hạn chế việc chuyển hướng giải quyết tranh chấp dự án PPP theo các Hiệp định đầu tư
Khi có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định, thì Trọng tài nước ngoài hoặc Trọng tài quốc tế có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng dự án PPP, kể cả khi một bên là cơ quan nhà nước Việt Nam. Một số nghiên cứu đã chỉ ra sự hạn chế trong cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đầu tư quốc tế khi Việt Nam với tư cách là bên bị kiện[4]; sự bất cập trong cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư theo Luật PPP và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA)[5]. Bởi vì, các Hiệp định bảo hộ đầu tư, Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hướng đến việc bảo hộ NĐT của các nước tham gia hiệp định giải quyết tranh chấp theo con đường đầu tư quốc tế. Trung tâm quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư (ICSID) có nhiệm vụ hòa giải và giải quyết tranh chấp giữa quốc gia thành viên với NĐT thuộc quốc gia thành viên khác. Việt Nam đang là thành viên của một số Hiệp định đầu tư, trong đó có dẫn chiếu đến ICSID, nên tranh chấp giữa Nhà nước Việt Nam và NĐT của các quốc gia thành viên vẫn có thể được giải quyết tại ICSID[6]. Về phía mình, Việt Nam đã có quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn và quy trình phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán khác không phải của Việt Nam, thế nhưng định hướng vẫn là phòng ngừa phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế, phối hợp giải quyết khi có khiếu nại, tố cáo[7]. Vì lẽ đó, giải quyết tranh chấp đầu tư PPP bằng TTTM còn đáp ứng chủ trương chung của Nhà nước Việt Nam trên bình diện quốc tế.
Như vậy, việc sử dụng phương thức TTTM, mà cụ thể là Trọng tài Việt Nam, sẽ mang lại một số lợi ích cho dự án và các bên liên quan, xuất phát từ những ưu điểm vốn có của phương thức này cũng như đặc thù của dự án PPP. Mặc dù phương thức Trọng tài nước ngoài hay Trọng tài quốc tế vẫn có những ưu điểm nhất định, nhưng chúng tôi cho rằng Trọng tài Việt Nam vẫn là phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp nhất với thực tiễn triển khai mô hình PPP ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại, giúp hài hòa lợi ích của cả Nhà nước và NĐT.
2. Thực tiễn về giải quyết tranh chấp hợp đồng dự án PPP bằng Trọng tài thương mại
Các tổ chức quốc tế (UNCITRAL, World Bank, UNECE, ADB) đã gợi mở nhiều phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng PPP[8]. Trong Hướng dẫn lập pháp về PPP, UNCITRAL đã khuyến nghị các quốc gia cân nhắc áp dụng một số phương thức: (i) Cảnh báo sớm (Early warning); (ii) Hòa giải (Mediation and conciliation); (iii) Xem xét các tranh chấp kỹ thuật bởi các chuyên gia độc lập (Review of technical disputes by independent experts); (iv) Hội đồng xem xét tranh chấp (Dispute review boards); (v) Ban phân xử tranh chấp (Dispute adjudication boards); (vi) Trọng tài (Arbitration); (vii) Tố tụng tư pháp (Tòa án) (Judicial proceedings)[9]. Mặc dù tinh thần của UNCITRAL là khuyến khích giải quyết sớm những bất đồng trước khi chúng phát triển thành tranh chấp bằng cách áp dụng những phương thức (i), (ii), (iii), (iv) và (v), nhưng khi tranh chấp đã không thể kiểm soát và buộc phải đưa ra cơ quan tài phán thì UNCITRAL vẫn khuyến nghị các bên nên lựa chọn phương thức (vi) Trọng tài. Bằng chứng là, UNCITRAL chỉ ra rất nhiều ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp này, chẳng hạn giúp tăng khả năng lựa chọn của các bên, thủ tục đơn giản, được chấp nhận rộng rãi bởi Công ước New York 1958[10]. Dù vậy, UNCITRAL cũng cảnh báo một số vấn đề mà các bên cần lưu ý, chẳng hạn sự hạn chế trong việc áp dụng nguyên tắc không công khai (do yêu cầu bắt buộc của pháp luật PPP về việc công khai, minh bạch dự án PPP đến công chúng), vấn đề từ bỏ quyền miễn trừ quốc gia, khả năng thực thi phán quyết trọng tài trong trường hợp quốc gia thực thi phán quyết không phải thành viên Công ước New York 1958[11].
Thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại nói chung và tranh chấp hợp đồng PPP nói riêng trên thế giới, việc các bên lựa chọn sử dụng trọng tài nội địa để giải quyết tranh chấp ngày càng phổ biến. Tranh chấp liên quan đến dự án đường cao tốc Ontario 407 ở Canada được giải quyết vào năm 2004 là tranh chấp điển hình chứng minh những ưu điểm của phương thức TTTM.
Dự án cao tốc Ontario 407 là dự án được khởi xướng vào năm 1987 với dự định của chính quyền là phát triển theo mô hình xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT). Sau đó, vì một số vấn đề phát sinh liên quan đến việc lựa chọn NĐT, chính quyền Ontario đã quyết định đầu tư con đường bằng ngân sách công và bán lại quyền thu phí cho NĐT (tức thực hiện theo mô hình nhượng quyền - một biến thể của mô hình PPP) vào năm 1999[12].
Sau 5 năm thực hiện hợp đồng dự án, đến năm 2004, chính quyền Ontario và NĐT phát sinh tranh chấp liên quan đến hợp đồng dự án. Cụ thể, trong 5 năm thực hiện hợp đồng, NĐT đã nhiều lần tăng phí dịch vụ của người sử dụng và cho rằng việc tăng phí này hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận ban đầu tại hợp đồng dự án. Theo đó, NĐT được quyền tăng phí khi lưu lượng tham gia giao thông đạt đến ngưỡng nhất định, và không cần thiết phải thông báo hay nhận được sự chấp thuận của chính quyền. Ngược lại, chính quyền Ontario cho rằng việc NĐT tăng phí là trái thỏa thuận hợp đồng, đồng thời việc tăng phí chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của chính quyền tỉnh[13]. Theo đánh giá, nguyên nhân của tranh chấp xuất phát từ điều khoản mở của hợp đồng dự án và hai bên có cách hiểu không thống nhất về nội dung điều khoản trên[14].
Vụ tranh chấp đã được giải quyết qua nhiều phương thức khác nhau cũng như nhiều cấp khác nhau. Đầu tiên, tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài độc lập vào tháng 7/2004, sau đó lần lượt được giải quyết bởi Tòa án cấp cao Ontario vào tháng 01/2005 và Tòa án phúc thẩm Ontario vào tháng 6/2005. Kết quả, Trọng tài độc lập và Tòa cấp cao Ontario tuyên phán quyết cho rằng NĐT không vi phạm hợp đồng; trong khi phán quyết của Tòa phúc thẩm Ontario lại có một số điểm khác biệt[15]. Cuối cùng, để giữ quan hệ hợp tác lâu dài (99 năm theo hợp đồng đã ký kết), chính quyền Ontario và NĐT đã quyết định đàm phán và đi đến sự thống nhất về hướng giải quyết tranh chấp[16].
Trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả chỉ nhìn nhận những ưu điểm mà phương thức giải quyết tranh chấp mang lại. Trong vụ việc trên, Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp được các bên ưu tiên lựa chọn. Dù nhận định có phần khiên cưỡng, nhưng điều này phần nào chứng minh được những ưu điểm của phương thức trọng tài. Bên cạnh đó, phán quyết của Trọng tài cũng hoàn toàn trùng khớp với phán quyết của Tòa án cấp cao Ontario sau đó, chứng minh tính chính xác, khách quan của phán quyết trọng tài. Nếu các bên có thiện chí nhượng bộ sớm hơn và tôn trọng phán quyết của trọng tài hơn thì vụ tranh chấp đã không kéo dài qua nhiều cấp xét xử và gây nên nhiều tranh cãi.
Khảo sát thêm về thực tiễn tranh chấp dự án PPP ở Việt Nam, với hơn 20 năm triển khai mô hình này, việc xảy ra bất đồng giữa các bên liên quan cũng là điều tất yếu. Trong đó, bất đồng giữa Nhà nước và NĐT thường không phát triển thành tranh chấp và phải đưa ra giải quyết ở cơ quan tài phán. Điều này một phần xuất phát từ vị thế của Nhà nước trong hợp đồng PPP, ảnh hưởng đến tâm lý của NĐT khi quyết định đưa tranh chấp đến cơ quan tài phán. Ngược lại, bất đồng giữa NĐT và nhà thầu dường như căng thẳng hơn và thường phát triển thành tranh chấp.
Tranh chấp đầu tiên liên quan đến dự án nhượng quyền thu phí sử dụng đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương, giữa Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long với Công ty cổ phần tập đoàn An Khánh vào năm 2018. Nội dung tranh chấp liên quan đến khoản tính tiền lãi chậm thanh toán, tiền thuế giá trị gia tăng trên số phí mà công ty An Khánh đã thu và tiền đền bù thiệt hại do việc thi công hệ thống ITS của Nhà nước trên tuyến đường cao tốc[17]. Dù đây là tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại, thuộc thẩm quyền giải quyết của cả trọng tài và tòa án, thế nhưng các bên đã lựa chọn phương thức tòa án để giải quyết tranh chấp. Theo đó, vụ kiện đã kéo dài qua nhiều cấp xét xử, từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm. Hiện tại, Quyết định giám đốc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật[18].
Tranh chấp tiếp theo liên quan đến dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giữa Công ty Tây An – nhà thầu dự án và Công ty Nguyễn Vinh – đơn vị ký kết hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng. Theo đó, Công ty Nguyễn Vinh đã căng băng rôn, khẩu hiệu yêu cầu Công ty Tây An, Tập đoàn Đèo Cả (NĐT) và Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án) thanh toán khoản nợ còn tồn đọng[19]. Nguyên nhân tranh chấp xuất phát từ sự chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán của Công ty Tây An, cũng như sự nhập nhằng trong việc phân định trách nhiệm giữa nhà thầu và NĐT hoặc doanh nghiệp dự án. Mặc dù tranh chấp trên chưa được thụ lý giải quyết bởi cơ quan tài phán, nhưng mức độ căng thẳng giữa các bên khá nghiêm trọng. Nếu tranh chấp kéo dài, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến dự án, đến uy tín của các bên liên quan và cả trật tự xã hội.
 Qua các vụ việc trên, có thể thấy tranh chấp là vấn đề không thể tránh khỏi trong quá trình triển khai dự án PPP. Việc sớm đưa tranh chấp đến cơ quan tài phán (nếu không thể đàm phán) là việc làm cần thiết nhằm tránh xung đột leo thang, ảnh hưởng đến dự án và đến trật tự xã hội. Một khi đã quyết định đưa tranh chấp đến cơ quan tài phán, việc lựa chọn cơ quan tài phán công hay tư cũng là một vấn đề cần được cân nhắc. Thực tế giải quyết tranh chấp ở Việt Nam đã chứng minh rằng, Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến, nhưng những nhược điểm của phương thức này cũng đã được thừa nhận. Tranh chấp kéo dài qua nhiều cấp xét xử cũng như tình trạng hủy án diễn ra phổ biến. Vì vậy, các tác giả cho rằng, phương thức TTTM dù còn mới mẻ đối với tranh chấp PPP nhưng sẽ là phương thức giải quyết tranh chấp hữu hiệu, giúp hạn chế tình trạng tranh chấp kéo dài, gây ảnh hưởng đến dự án cũng như quyền lợi của các bên liên quan.
3. Một số kiến nghị
Thứ nhất, xây dựng cam kết chặt chẽ và hiệu quả trong hợp đồng PPP về trách nhiệm của Nhà nước và nhà đầu tư
Hợp đồng PPP vừa là công cụ ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình triển khai dự án, lại vừa là cơ sở để giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng. Thực tế đã chứng minh rằng khiếm khuyết của hợp đồng sẽ dẫn đến những tranh chấp không đáng có. Vậy nên, với tinh thần phòng ngừa tranh chấp cũng như hạn chế rủi ro cho cả hai bên (đặc biệt là NĐT) trong quá trình giải quyết tranh chấp, trước tiên phải xây dựng hợp đồng PPP với những cam kết rõ ràng, chặt chẽ từ cả hai phía đối tác.
Hiện tại, pháp luật về PPP đã quy định những nội dung cơ bản của hợp đồng dự án, yêu cầu phải xác định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, đồng thời ban hành hợp đồng mẫu để định hướng các bên trong quá trình xây dựng hợp đồng dự án[20]; các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì xây dựng hợp đồng mẫu áp dụng riêng cho dự án thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành dựa trên đặc thù của dự án.
Tuy nhiên, với mục đích nâng cao hơn nữa tính chặt chẽ, rõ ràng của hợp đồng PPP, ngoài những nội dung cơ bản của hợp đồng mẫu, các chủ thể hợp đồng cần đánh giá về điều kiện, mức độ khả năng của hợp đồng, tính đầy đủ của khung pháp lý, lựa chọn hình thức hợp đồng, mô hình quản lý hợp đồng, xác định vai trò, trách nhiệm và lợi ích của các chủ thể. Một số nội dung khác cần cam kết theo khuyến nghị của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)[21]: Diễn giải định nghĩa những thuật ngữ quan trọng và đưa ra hướng dẫn về cách diễn giải những điều khoản của hợp đồng; mục tiêu của hợp đồng; các tình huống dẫn đến sự bắt đầu, kết thúc, sửa đổi và hủy bỏ hợp đồng; Quyền, nghĩa vụ và các bảo đảm của Chính phủ; Quyền, nghĩa vụ và các bảo đảm của khu vực tư nhân; các hệ quả nếu có sự thay đổi trong luật; xác định cơ quan quản lý nhà nước, nếu có, phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan này; các rủi ro chính sẽ được phân bổ và ngăn ngừa như thế nào; các điều kiện bất khả kháng và cách xử lý; thủ tục cần phải tuân thủ khi bất kỳ bên nào trong hợp đồng muốn thay đổi bất kỳ phần quan trọng nào của hợp đồng; các xung đột lợi ích và phương pháp giải quyết tranh chấp; thủ tục giải quyết tranh chấp; cơ chế để các bên tham gia hợp đồng có thể trao đổi và tương tác với nhau.
Thứ hai, bổ sung điều kiện để được giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài Việt Nam trong mẫu hợp đồng dự án PPP
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 quy định thẩm quyền của Trọng tài Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp dự án PPP. Quy định này đáp ứng điều kiện cần; đó là tranh chấp phát sinh từ hợp đồng dự án PPP thuộc thẩm quyền giải quyết của TTTM. Bên cạnh đó,điều kiện đủ là phải có thỏa thuận trọng tài. Mặc dù thỏa thuận trọng tài có thể lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp[22], thế nhưng sau khi tranh chấp xảy ra thì rất khó có thể đạt được thỏa thuận trọng tài. Đây là tình trạng phổ biến ở các quốc gia trên thế giới, khi phía đối tác công thường không mong muốn sử dụng phương thức trọng tài để giải quyết tranh chấp bởi họ đã quen thuộc với thủ tục tố tụng tư pháp[23].
Do vậy, thỏa thuận trọng tài cần được xác lập trước khi xảy ra tranh chấp và xác lập ngay trong chính hợp đồng dự án. Để ràng buộc các bên liên quan trong việc xác lập thỏa thuận trọng tài, cần bổ sung quy định thỏa thuận trọng tài là một điều khoản trong hợp đồng mẫu tại Phụ lục VI Nghị định số 35/2021/NĐ-CP. Theo đó, điều khoản thỏa thuận trọng tài mẫu có thể được soạn thảo như sau: “Bất kỳ tranh chấp nào phát sinh hoặc liên quan đến hợp đồng này, nếu không thể giải quyết bằng các phương thức thương lượng hoặc hòa giải, thì sẽ được đưa ra Trung tâm trọng tài… để giải quyết”.
Đề xuất trên có thể vấp phải sự phản đối, cho rằng việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp (trọng tài/ tòa án) là quyền tự do của các bên và pháp luật PPP không được phép can thiệp. Tuy nhiên, các tác giả cho rằng, đây có thể là một sự “gợi ý” cho các bên trong quá trình xác lập hợp đồng PPP nhằm bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế trong quan hệ PPP; và các bên vẫn có quyền tự do thỏa thuận phương thức khác trước khi hợp đồng PPP được giao kết.
Thứ ba, xây dựng và áp dụng quy tắc tố tụng trọng tài rút gọn trong giải quyết tranh chấp PPP nhằm hạn chế sự gián đoạn của việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công
Trong dự án PPP, tính liên tục của sản phẩm, dịch vụ công là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng dịch vụ và luôn được ưu tiên khi xử lý những sự cố phát sinh trong quá trình thực hiện dự án[24]. Không ngoại lệ, việc giải quyết tranh chấp liên quan đến dự án PPP cũng phải tính đến vấn đề này. Theo đó, một quy trình tố tụng đơn giản, ngắn gọn có thể được cân nhắc khi xử lý tranh chấp PPP, tránh việc tranh chấp kéo dài gây gián đoạn dịch vụ công, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.
Vì vậy, thủ tục rút gọn sẽ là một gợi ý. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề chưa được quy định trong pháp luật TTTM. Bởi vì, khác với sự “cứng nhắc” của tố tụng tòa án, tố tụng trọng tài đề cao và tôn trọng tối đa sự thỏa thuận của các bên, trong đó có cả sự thỏa thuận về quy trình tố tụng[25]. Khi đó, các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận với nhau và với Hội đồng trọng tài về việc áp dụng quy trình tố tụng ngắn gọn, đơn giản hơn so với quy trình tố tụng thông thường. Vì vậy, pháp luật TTTM có thể sẽ không cần thiết phải can thiệp để điều chỉnh thủ tục rút gọn trong tố tụng trọng tài.
Sự giải thích trên có phần hợp lý, tuy nhiên trong thời gian gần đây, các tổ chức quốc tế lại có phần quan tâm nhiều hơn đến việc ban hành quy tắc rút gọn trong tố tụng trọng tài. Cụ thể, vào năm 2021, cả UNCITRAL và Phòng thương mại quốc tế (ICC) đều ban hành bộ quy tắc trọng tài rút gọn, bổ sung cho Quy tắc trọng tài đang có hiệu lực áp dụng[26]. Việc ban hành bộ quy tắc này sẽ giúp định hướng, hỗ trợ các bên và Hội đồng trọng tài trong quá trình giải quyết tranh chấp, cũng như ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan (cả các bên tranh chấp và Hội đồng trọng tài) để chắc chắn rằng tranh chấp sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả.
Tham khảo Bộ quy tắc của UNCITRAL, quy trình tố tụng rút gọn được xây dựng dựa trên nền tảng của quy trình tố tụng thông thường, nhưng được lược bỏ hoặc gộp một số thủ tục hoặc rút ngắn thời gian giải quyết một số thủ tục. Có thể liệt kê một số điểm nổi bật trong quy trình tố tụng rút gọn được ban hành trong Bộ quy tắc của UNCITRAL như sau: (i) Nguyên đơn phải nộp kèm yêu cầu khởi kiện đồng thời với việc thông báo giải quyết tranh chấp bằng TTTM; (ii) Bị đơn phải nộp đồng thời bản tự bảo vệ và yêu cầu phản tố (nếu có) trong thời hạn sau khi phản hồi về việc đồng ý tham gia tố tụng trọng tài; (iii) Các bên tranh chấp không được sửa đổi, bổ sung yêu cầu hoặc chứng cứ/ tài liệu khác sau khi đã hết thời gian đặt ra, nếu Hội đồng trọng tài cho rằng không thực sự cần thiết; (iv) Thành phần Hội đồng trọng tài chỉ bao gồm 01 trọng tài viên duy nhất, do các bên lựa chọn hoặc được chỉ định bởi cơ quan chỉ định/Tòa án trọng tài thường trực (PCA); (v) Phiên điều trần có thể được tổ chức hoặc không được tổ chức tùy tính chất vụ việc. Nếu phiên điều trần được tổ chức, sẽ ưu tiên sử dụng công nghệ để giúp tiết kiệm thời gian, chẳng hạn phiên điều trần trực tuyến; (vi) Hội đồng trọng tài có quyền tự quyết việc rút bớt một số thủ tục không thực sự quan trọng, sau khi đã tham khảo ý kiến các bên; (vi) Thời gian tối đa để Hội đồng trọng tài ban hành phán quyết là 6 tháng, từ thời điểm Hội đồng trọng tài được thành lập. Trong trường hợp đặc biệt, thời hạn này có thể được gia hạn thêm 3 tháng, tức tối đa 9 tháng. Nếu vẫn không thể ra phán quyết trong thời hạn trên, Hội đồng trọng tài có thể kéo dài thêm một khoảng thời gian nữa, với điều kiện được các bên đồng ý[27].
Như vậy, với quy trình rút gọn, có thể kỳ vọng quá trình giải quyết tranh chấp sẽ kéo dài 6 tháng hoặc tối đa 9 tháng. Đây có thể là một sự gợi ý cho các nhà làm luật trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật TTTM năm 2010 trong thời gian tới, đồng thời cũng là một sự gợi ý cho cơ quan có thẩm quyền/cơ quan ký kết hợp đồng và NĐT trong quá trình soạn thảo hợp đồng PPP. Tuy nhiên, với tinh thần hạn chế tối đa việc gián đoạn dịch vụ công, chúng ta không thể kỳ vọng hoàn toàn vào việc rút ngắn thờigian giải quyết tranh chấp. Thay vào đó, hợp đồng PPP cũng cần có sự dự liệu bằng cách ràng buộc trách nhiệm duy trì cung cấp dịch vụ của NĐT/doanh nghiệp dự án trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp cho đến khi có phán quyết của cơ quan tài phán./. 

 


[1] Lê Hương Giang (2016), Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng đối tác công tư, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 05, tr. 50-57.
[2] UNCITRAL (2020), UNCITRAL Legislative Guide on Public - Private Partnerships, Vienna, Austria, para. 41-43, VI-B-2-f, pp. 239-240.
[3] Xem thêm về địa vị pháp lý của TTTM và trách nhiệm đảm bảo sự bình đẳng của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp tại khoản 3 Điều 3, khoản 3 Điều 4 và Điều 24 Luật TTTM năm 2010.
[4] Lê Thị Ánh Nguyệt, Vũ Nhữ Thăng (2018), Giải quyết tranh chấp từ các hợp đồng hợp tác công tư bằng trọng tài đầu tư quốc tế - kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Pháp luật và Phát triển, số 7+8, tr. 60-67.
[5] Lê Đức Ngọc (2021), Giải quyết tranh chấp đầu tư – những vấn đề đặt ra đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 08 (432), tr. 28-34.
[6] ICSID (2006), ICSID Additional Facility Rules”, https://icsid.worldbank.org/sites/default/files/AFR_2006%20English-final.pdf , accessed 02/4/2022.
[7] Điều 10 Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg ngày 08/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 10/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư và phòng ngừa việc phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế.
[8] UNCITRAL, Legislative Guide on Public - Private Partnerships, Vienna, Austria, 2020; World Bank, Public – Private Partnerships: Reference Guide (Version 3.0), Washington, D.C, 2017; ADB, Public – Private Partnership Handbook, Philippines, 2008; UNECE, Guide book on Promoting Good Governance in Public – Private Partnerships, New York and Geneva, 2008.
[9] Tlđd, mục VI-B-2, tr. 227-242.
[10] Tlđd, đoạn 38, mục VI-B-2-f, tr. 237-238.
[11] Tlđd, đoạn 25, mục VI-B-2-e, tr. 233-234; đoạn 41-43, mục VI-B-2-f, tr. 239-240; đoạn 44, mục VI-B-2-f, tr. 240-241.
[12] Mendoza, EugenioGold, MitchellCater, PeterParmar, Jodie (1999), “The sale of Highway 407 espress toll route: A case study”, Journal of Project Finance, New York, vol. 5, Iss. 3, pp.5-14.
[13] Daily Commercial News, Ontario to appeal ruling on 407 tolls”, https://canada.constructconnect.com/dcn/news/others/2004/07/ontario-to-appeal-ruling-on-407-tolls-dcn030021w, accessed 01/4/2022.
[14] Bộ Giao thông vận tải, “Canada: Tuyến cao tốc thu phí 407, Ontario, https://mt.gov.vn/mkhcn/tin-tuc/990/7815/canada--tuyen-cao-toc-thu-phi-407--ontario.aspx, truy cập ngày 01/4/2022.
[15] 407 ETR, “Court Grants Leave to Appeal Ruling Regarding Tolls”, https://407etr.com/en/highway/news/news-release/2005/news-release2005-10.html, accessed 02/4/2022.
[16] Ferrovial Press room, “407 ETR and Ontario Government reach amicable settlement to all legal disputes”, https://newsroom.ferrovial.com/en/press_releases/407-etr-ontario-government-reach-amicable-settlement-to-all-legal-disputes/, accessed 02/4/2022.
[17] Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bản án số 631/2019/KDTM-PT về tranh chấp hợp đồng mua bán ngày 09/7/2019, tr.3.
[18] Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quyết định giám đốc thẩm số 32/2020/KDTM-GĐT ngày 24/8/2020.
[19] Mạnh Hưng (2022), Làm rõ trách nhiệm về công nợ của nhà thầu tại dự án Trung Lương – Mỹ Thuận,Báo Quân đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/lam-ro-trach-nhiem-ve-cong-no-cua-nha-thau-tai-du-an-trung-luong-my-thuan-684377, truy cập ngày 01/4/2022.
[20] Phụ lục VI Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP (Nghị định số 35/2021/NĐ-CP).
[21] Ngân hàng Phát triển châu Á, Mối quan hệ giữa Nhà nước và tư nhân, https://www.adb.org/sites/default/files/institutional-document/32253/ppp-handbook-vn.pdf, truy cập ngày 05/4/2022.
[22] Điều 5 Luật TTTM năm 2010.
[23] Tlđd 7, Đoạn 46 Mục VI-B-2, tr. 241.
[24] Tlđd 7, mục IV-I-3, tr. 170-171.
[25] Khoản 1 Điều 4 Luật TTTM năm 2010.
[26] UNCITRAL, Expedited Arbitration Rules 2021, https://iaa-network.com/wp-content/uploads/2021/11/2021-UNCITRAL-Expedited-Arbitration-Rules.pdf; ICC, Arbitration Rules 2021, https://iccwbo.org/dispute-resolution-services/arbitration/rules-of-arbitration/, accessed 02/4/2022.
[27] Tlđd, Điều 3, khoản 2 Điều 4, khoản 1 và khoản 2 Điều 5, Điều 7, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 15, khoản 2 và khoản 3 Điều 16.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 15 (463), tháng 8/2022.)


Thống kê truy cập

33062328

Tổng truy cập