Xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định về trang thông tin điện tử tổng hợp và kiến nghị hoàn thiện

11/10/2023

TS. CAO VŨ MINH

Đại học Kinh tế _ Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Vi phạm hành chính về trang thông tin điện tử tổng hợp là một loại vi phạm hành chính khá phổ biến trong xã hội. Để trừng trị, răn đe, phòng ngừa vi phạm hành chính về trang thông tin điện tử tổng hợp thì xử phạt vi phạm hành chính là một giải pháp hữu hiệu. Hiện nay, quy định xử phạt vi phạm hành chính về trang thông tin điện tử tổng hợp khá toàn diện. Tuy nhiên, một số quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính về trang thông tin điện tử tổng hợp vẫn còn tồn tại hạn chế. Trong bài viết này, tác giả phân tích các quy định xử phạt vi phạm hành chính về trang thông tin điện tử tổng hợp, chỉ ra một số bất cập và đề xuất các giải pháp hoàn thiện.
Từ khóa: Xử phạt vi phạm hành chính, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.
Abstract: Administrative violations on general information websites are a type of administrative violation that is quite common in society. In order to punish, deter, and prevent administrative violations on the general information website, sanctioning administrative violations is an effective solution. Currently, the regulations on sanctioning administrative violations on general information websites are quite comprehensive. However, a number of legal provisions on sanctioning administrative violations on general information websites still appear to have shortcomings. Within this article, the author provides an analysis of the current legal regulations on sanctioning administrative violations on general information websites, points out some shortcomings, and also makes recommendations for further improvements.
Keywords: Administrative sanctions; general information websites; social networks.
 TRANG-THÔNG-TIN-ĐIỆN-TỬ_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Các vi phạm hành chính cụ thể và quy định xử phạt vi phạm hành chính về trang thông tin điện tử tổng hợp
Dưới góc độ xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp là một trang web hoặc ứng dụng truyền thông xã hội mà qua đó người dùng có thể giao tiếp với nhau bằng cách thêm thông tin, tin nhắn, hình ảnh... hoặc là một mạng lưới kết nối xã hội và các mối quan hệ cá nhân giữa mọi người[1].
Dưới góc độ pháp lý, khái niệm trang thông tin điện tử tổng hợp được quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin mạng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2018/NĐ-CP). Cụ thể, theo khoản 2 Điều 20 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2018/NĐ-CP), trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó[2]. Bên cạnh đó, theo khoản 20 Điều 3 Luật Báo chí năm 2016, trang thông tin điện tử tổng hợp là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở đăngđường dẫn truy cập tới nguồn tin báo chí hoặc trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin báo chí theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT).
Qua khái niệm trên, có thể thấy, trang thông tin điện tử tổng hợp là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cung cấp thông tin tổng hợp. Tuy có tính chất báo chí nhưng trang thông tin điện tử tổng hợp không được xem là báo chí bởi báo chí có thể tạo ra các sản phẩm báo chí một cách độc lập như tin, bài. Trong khi đó, trang thông tin điện tử tổng hợp không được độc lập tạo ra các tin, bài mà chỉ trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức. Khi trích dẫn các nguồn tin, bài thì trang thông tin điện tử tổng hợp phải có đường dẫn truy cập tới nguồn tin báo chí. Nói cách khác, trang thông tin điện tử tổng hợp phải trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và phải tuân thủ các quy định về SHTT. Hiện nay, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2018/NĐ-CP) cũng có giải thích nguồn tin chính thức là những thông tin được đăng, phát trên báo chí Việt Nam hoặc trên các trang thông tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước theo quy định của pháp luật về báo chí, SHTT[3]. Như vậy, sự khác biệt giữa trang thông tin điện tử tổng hợp với báo chí là khả năng tạo ra tin, bài một cách độc lập. Ngoài ra, phương thức hoạt động của trang thông tin điện tử tổng hợp cũng khác báo chí. Cụ thể, trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động theo phương thức một chiều, có nghĩa chỉ đơn thuần chuyển tải từ bên cung cấp đến bên sử dụng, không cho phép người sử dụng bình luận trên trang. Trong khi đó, báo chí cho phép người sử dụng bình luận, nhận xét nhưng phải được kiểm duyệt.
Vi phạm hành chính (VPHC) về trang thông tin điện tử tổng hợp là một loại VPHC cụ thể. Hiện nay, VPHC về trang thông tin điện tử tổng hợp được quy định tại Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP (Nghị định số 119/2020/NĐ-CP) bao gồm các vi phạm cụ thể:
Nhóm hành vi thứ nhất bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Mức tiền phạt này áp dụng đối với một trong các hành vi: a) Cung cấp thông tin xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín của cá nhân; b) Thực hiện không đúng quy định trong giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp; c) Cung cấp đường dẫn đến trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng có nội dung vi phạm pháp luật; d) Không lưu trữ thông tin tổng hợp tối thiểu 90 ngày kể từ thời điểm được đăng trên trang thông tin điện tử tổng hợp; đ) Không cung cấp đầy đủ thông tin về tên của tổ chức quản lý trang thông tin điện tử, tên cơ quan chủ quản (nếu có), tên người chịu trách nhiệm quản lý nội dung, địa chỉ, số điện thoại, thư điện tử, số giấy phép còn hiệu lực, ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp phép trên chân trang thông tin điện tử tổng hợp; e) Đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền SHTT; g) Không gỡ bỏ ngay nội dung thông tin đã tổng hợp khi nguồn thông tin được trích dẫn đã gỡ bỏ nội dung thông tin đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; h) Không thực hiện đăng tải nội dung thông tin cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí vi phạm mà trang thông tin điện tử tổng hợp đã trích dẫn thông tin; i) Không làm thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp khi có thay đổi tên của tổ chức, doanh nghiệp; thay đổi địa điểm đặt máy chủ tại Việt Nam; thay đổi nhân sự chịu trách nhiệm; thay đổi, bổ sung nội dung thông tin, phạm vi cung cấp thông tin[4].
Nhóm hành vi thứ hai bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Mức tiền phạt này áp dụng đối với một trong các hành vi: a) Không trích dẫn nguồn tin theo quy định hoặc trích dẫn không chính xác, nguyên văn nguồn tin chính thức theo quy định; b) Cung cấp thông tin có nội dung cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng; c) Cung cấp thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam; d) Cung cấp thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; đ) Không có máy chủ tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của khách hàng; e) Không triển khai quy trình quản lý thông tin công cộng hoặc có triển khai nhưng không đáp ứng yêu cầu quản lý[5].
Nhóm hành vi thứ ba bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Mức tiền phạt này áp dụng đối với một trong các hành vi: a) Cung cấp thông tin có nội dung kích động bạo lực; b) Cung cấp thông tin miêu tả tỉ mỉ hành vi tội ác, tai nạn rùng rợn, hành động dâm ô, đồi trụy[6].
Nhóm hành vi thứ tư bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Mức tiền phạt này áp dụng đối với một trong các hành vi: a) Thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia khi đăng, phát hình ảnh bản đồ Việt Nam; b) Cung cấp thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; c) Cung cấp thông tin có nội dung quy kết tội danh khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật; d) Đăng, phát các tác phẩm báo chí, nội dung thông tin trong tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, gỡ bỏ, tiêu hủy; đ) Cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử tổng hợp ngoài phạm vi tổng hợp thông tin đã được cấp phép; e) Sử dụng các tên miền hoặc ứng dụng không được quy định trong Giấy phép để cung cấp trang thông tin điện tử tổng hợp[7].
Nhóm hành vi thứ năm bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Mức tiền phạt này áp dụng đối với hành vi thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp khi chưa được cấp phép[8].
Nhóm hành vi thứ sáu bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng. Mức tiền phạt này áp dụng đối với một trong các hành vi: a) Cung cấp thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; b) Cung cấp thông tin xuyên tạc, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; c) Cung cấp thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; d) Cung cấp thông tin xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; đ) Cung cấp thông tin gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; e) Cung cấp thông tin xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; g) Cung cấp thông tin có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự[9].
Trước khi Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, việc xử phạt VPHC về trang thông tin điện tử tổng hợp được thực hiện theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP. So với Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP đã có một số thay đổi theo hướng tích cực.
Thứ nhất, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm một số hành vi vi phạm (HVVP) mới liên quan đến trang thông tin điện tử tổng hợp. Cụ thể, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm một số HVVP như “cung cấp thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em” (điểm d khoản 2 Điều 20); “cung cấp thông tin có nội dung quy kết tội danh khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật” (điểm c khoản 4 Điều 20), “cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử tổng hợp ngoài phạm vi tổng hợp thông tin đã được cấp phép” (điểm đ khoản 4 Điều 20); “sử dụng các tên miền hoặc ứng dụng không được quy định trong Giấy phép để cung cấp trang thông tin điện tử tổng hợp” (điểm e khoản 4 Điều 20). Việc bổ sung mới các HVVP đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đấu tranh, phòng chống các VPHC liên quan đến trang thông tin điện tử tổng hợp.
Thứ hai, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP đã bãi bỏ một số HVVP hoặc quy định chính xác hơn về một số HVVP. Cụ thể, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt đối với các hành vi “cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước”, “giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP đã không quy định xử phạt đối với các hành vi này.
Bên cạnh đó, hai hành vi sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia” (bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng) và “đăng, phát bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia” (bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng) tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP có cấu thành vi phạm hoàn toàn giống nhau. Do đó, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP đã gom hai hành vi này thành một hành vi “thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia khi đăng, phát hình ảnh bản đồ Việt Nam” với mức tiền phạt được lên từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Việc tích hợp hai vi phạm này thành một vi phạm cụ thể là hợp lý và tạo ra sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.
Thứ ba, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định cá nhân, tổ chức VPHC liên quan đến trang thông tin điện tử tổng hợp bị áp dụng hình thức xử phạt chính duy nhất là phạt tiền. So với Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP đã tăng mức tiền phạt đối với hầu hết các HVVP nhằm bảo đảm tính răn đe. Xét về cấu thành thì nhiều VPHC liên quan đến trang thông tin điện tử tổng hợp có mục đích chính là tìm kiếm lợi nhuận. Hình thức phạt tiền tác động trực tiếp vào lợi ích của các chủ thể có HVVP nên có tác dụng trong việc đấu tranh phòng ngừa các VPHC liên quan đến trang thông tin điện tử tổng hợp.
Bên cạnh hình thức xử phạt chính là phạt tiền, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP còn quy định áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đối với một số VPHC liên quan đến trang thông tin điện tử tổng hợp là tước quyền sử dụng giấy phép. Hình thức xử phạt bổ sung này có giá trị trong việc giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể vi phạm, góp phần ngăn ngừa các VPHC tiếp diễn xảy ra trong tương lai.
Cuối cùng, bên cạnh các hình thức xử phạt,Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định VPHC liên quan đến trang thông tin điện tử tổng hợp có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả gồm “buộc gỡ bỏ ngay nội dung thông tin đã tổng hợp”, “buộc đăng tải nội dung thông tin cải chính, xin lỗi”, “buộc thu hồi tên miền. Các biện pháp này được áp dụng nhằm thực hiện nguyên tắc “mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật[10]. Như vậy, việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là để khôi phục lại trật tự quản lý đã bị xâm phạm do VPHC liên quan đến trang thông tin điện tử tổng hợp gây ra.
2. Những bất cập trong các quy định xử phạt vi phạm hành chính về trang thông tin điện tử tổng hợp
Thứ nhất, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP vẫn chưa mô tả rõ ràng, cụ thể về HVVP liên quan đến trang thông tin điện tử tổng hợp để có thể phân biệt các HVVP với nhau.
Về mặt kỹ thuật lập pháp thì một trong các yêu cầu cần được tuân thủ khi quy định về HVVP là VPHC phải được mô tả rõ ràng, cụ thể để có thể xác định và xử phạt được trong thực tiễn[11]. Tuy nhiên, yêu cầu này vẫn chưa được tuân thủ trong Nghị định số 119/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, điểm b khoản 3 Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định: “phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin miêu tả tỉ mỉ hành vi tội ác, tai nạn rùng rợn, hành động dâm ô, đồi trụy”. Tuy nhiên, điểm c khoản 2 Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP cũng quy định xử phạt hành vi cung cấp thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Namvới mức tiền phạt nhẹ hơn khá nhiều (phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng). Thực tế, phải nhìn nhận rằng, hành vi cung cấp thông tin miêu tả tỉ mỉ hành vi tội ác, tai nạn rùng rợn, hành động dâm ô, đồi trụy hoàn toàn có thể là cung cấp thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam. Ngược lại, cung cấp các thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam vẫn có thể là cung cấp thông tin miêu tả tỉ mỉ hành vi tội ác, tai nạn rùng rợn, hành động dâm ô, đồi trụy. Tuy nhiên, theo Nghị định số 119/2020/NĐ-CP thì cung cấp thông tin miêu tả tỉ mỉ hành vi tội ác, tai nạn rùng rợn, hành động dâm ô, đồi trụycung cấp thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Namlà hai hành vi có mức phạt khác nhau. Trong khi đó, nếu đây là hai hành vi khác nhau thì cũng không có cơ sở để phân biệt, còn nếu giống nhau thì mức phạt tiền lại khác nhau.
Thứ hai, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP đã không quy định mức tiền phạt hợp lý đối với các vi phạm có tính chất tương tự giữa trang thông tin điện tử tổng hợp với các loại hình báo chí mà chủ yếu là báo điện tử, tạp chí điện tử.
Như đã trình bày, trang thông tin điện tử tổng hợp là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cung cấp thông tin tổng hợp. Tuy vậy, trang thông tin điện tử tổng hợp không được tạo ra các sản phẩm báo chí một cách độc lập như tin, bài. Do đó, trong quá trình cung cấp thông tin tổng hợp, trang thông tin điện tử tổng hợp thường xuyên phải dẫn tin, bài viết của các loại hình báo chí mà chủ yếu là báo điện tử, tạp chí điện tử.
Về nguyên tắc, các tin, bài viết trên trang thông tin điện tử tổng hợp phải được trích dẫn nguyên văn từ các báo điện tử, tạp chí điện tử. Do đó, nếu xác định trang thông tin điện tử tổng hợp trích dẫn nguyên văn từ các báo điện tử, tạp chí điện tử mà những thông tin này có sai sót, khiếm khuyết và trang thông tin điện tử tổng hợp vẫn cố tình sử dụng các thông tin đó thì mới xử phạt. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này thì mức tiền phạt cũng phải thấp hơn HVVP có tính chất tương tự trên báo điện tử, tạp chí điện tử bởi khởi nguồn của các thông tin, bài có sai sót, khiếm khuyết là từ báo điện tử, tạp chí điện tử. Nói cách khác là mức tiền phạt của việc cung cấp các thông tin, bài có sai sót, khiếm khuyết trên báo điện tử, tạp chí điện tử phải bằng hoặc cao hơn mức tiền phạt của hành vi cung cấp lại các thông tin, bài có sai sót, khiếm khuyết trên báo điện tử, tạp chí điện tử của trang thông tin điện tử tổng hợp. Bất cập phát sinh là có một số hành vi trên báo điện tử, tạp chí điện tử lại có mức phạt thấp hơn hành vi tương ứng trên trang thông tin điện tử tổng hợp.
Đơn cử, hành vi không thực hiện việc gỡ bỏ thông tin sai sự thật trên báo chí quy định tại điểm a khoản 3 Điều 10 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP chỉ có mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Trong khi đó, hành vi không gỡ bỏ ngay nội dung thông tin đã tổng hợp khi nguồn thông tin được trích dẫn đã gỡ bỏ nội dung thông tin quy định tại điểm g khoản 1 Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP lại có mức tiền phạt cao hơn là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Tương tự, hành vi thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia khi đăng, phát hình ảnh bản đồ Việt Nam trên báo chí tại điểm c khoản 3 Điều 8 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP có mức phạt từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Trong khi đó, hành vi thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia khi đăng, phát hình ảnh bản đồ Việt Nam quy định tại điểm a khoản 4 Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP có mức phạt cao hơn là từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Cần lưu ý là các thông tin được cung cấp trên báo điện tử, tạp chí điện tử là những thông tin gốc, do báo chí tạo ra. Trong khi đó, các thông tin này được sử dụng để cung cấp trên trang thông tin điện tử tổng hợp chỉ là đăng, phát lại, dẫn lại từ báo điện tử, tạp chí điện tử. Do đó, trong trường hợp thông tin gốc do báo chí tạo ra có sai sót thì phải xử phạt nghiêm minh. Hành vi đăng, phát lại, dẫn lại các thông tin gốc mà có sai sót trên trang thông tin điện tử tổng hợp thì vẫn có thể bị xử phạt. Tuy nhiên, trong trường hợp này chế tài xử phạt không thể nặng hơn hành vi tạo ra các thông tin gốc có sai sót của báo chí.
Thứ ba, nhóm HVVP quy định tại khoản 6 Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP có khung tiền phạt khá lớn, mức thấp và cao nhất của khung gấp 3 lần khung phạt liền kề trước đó.
Theo khoản 4 Điều 4 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP thì Quy định khung tiền phạt đối với từng hành vi VPHC phải cụ thể, khoảng cách giữa mức phạt tối thiểu và tối đa của khung tiền phạt không quá lớn. Các khung tiền phạt trong một điều phải được sắp xếp theo thứ tự mức phạt từ thấp đến cao”. Tuy vậy, khoản 6 Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP có khung phạt từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng là khá lớn bởi chênh lệch giữa mức tiền phạt tối thiểu và tối đa lên đến 50.000.000 đồng. Mặt khác, khung tiền phạt này gần gấp 03 lần khung tiền phạt liền kề trước đó (50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng quy định tại khoản 5 Điều này). Việc quy định khung tiền phạt như trên là chưa hợp lý và cũng không phù hợp với nguyên tắc xây dựng khung tiền phạt được quy định tại Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.
Thứ tư, liên quan đến hình thức xử phạt chính là phạt tiền thì mức tiền phạt đối với HVVP trên trang thông tin điện tử tổng hợp đã không thống nhất với quy định tương ứng trong nghị định xử phạt VPHC về quyền tác giả.
Việc truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác là một quyền tài sản của tác giả đã sáng tạo nên tác phẩm đó[12]. Trong các hình thức truyền đạt tác phẩm thì có việc đăng, phát tác phẩm báo chí qua báo điện tử, tạp chí điện tử hay trang thông tin điện tử tổng hợp. Theo khoản 1 Điều 17 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP và Nghị định số 129/2021/NĐ-CP) xử phạt VPHC về quyền tác giả thì hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng[13]. Trong khi đó, theo điểm e khoản 1 Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP thì hành vi “đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền SHTT” chỉ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Như vậy, hai mức tiền phạt này đã có sự khác nhau dẫu cùng quy định về HVVP có tính chất, mức độ và cấu thành giống nhau.
Thứ năm, biện pháp khắc phục hậu quả đối với VPHC về trang thông tin điện tử tổng hợp được quy định tại Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP chưa toàn diện.
VPHC có thể gây ra những hậu quả nhất định với mức độ khác nhau cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Do đó, việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được xem là một giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục các hậu quả do VPHC gây ra. VPHC liên quan đến trang thông tin điện tử tổng hợp có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả gồm “buộc gỡ bỏ ngay nội dung thông tin đã tổng hợp”, “buộc đăng tải nội dung thông tin cải chính, xin lỗi”, “buộc thu hồi tên miền. Tuy nhiên, các biện pháp khắc phục hậu quả này hoặc là không toàn diện hoặc là không bao quát hết các vi phạm trên thực tế nên khó có khả năng khôi phục lại tình trạng ban đầu như trước khi vi phạm xảy ra.
Điểm c khoản 8 Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP chỉ quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc thu hồi tên miền” đối với một hành vi “thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp khi chưa được cấp phép” (khoản 5 Điều 20). Trong khi đó, các hành vi được quy định tại khoản 6 Điều 20 có tính chất nghiêm trọng, nguy hiểm hơn rất nhiều thì không bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này. Rõ ràng những hành vi “cung cấp thông tin xuyên tạc, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”, “cung cấp thông tin xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”, “cung cấp thông tin gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam… là rất nguy hiểm cho xã hội. Các vi phạm này có mức tiền phạt rất cao là từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, tức gấp 3 lần so với hành vi “thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp khi chưa được cấp phép” (phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng) nhưng lại không bị áp dụng biện pháp “buộc thu hồi tên miền”.
Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP có quy định về biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC. Tuy nhiên, đối với tất cả các VPHC liên quan đến trang thông tin điện tử tổng hợp thì lại không bị áp dụng biện pháp này. Đây là một điều không hợp lý bởi rất nhiều các VPHC liên quan đến trang thông tin điện tử tổng hợp nhằm mục đích câu view, thu lợi từ các lượt tương tác, tức là có yếu tố thu lợi bất chính. Biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC nhằm buộc chủ thể VPHC nói chung phải nộp lại số lợi bất hợp pháp là tiền, tài sản, giấy tờ và vật có giá có được từ VPHC mà chủ thể đó đã thực hiện để sung vào ngân sách nhà nước hoặc hoàn trả cho đối tượng bị chiếm đoạt[14]. Biện pháp này được áp dụng đối với các VPHC làm phát sinh số lợi bất hợp pháp. Tuy nhiên, các VPHC liên quan đến trang thông tin điện tử tổng hợp dù có phát sinh số lợi bất hợp pháp thì cũng không bị áp dụng. Rõ ràng sự bất hợp lý đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả xử phạt trên thực tế.
3. Kiến nghị hoàn thiện
Một là, khoản 1 Điều 4 Nghị định số 118/2021/NĐ-CPngày 23/12/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC đưa ra các yêu cầu cần phải tuân thủ khi quy định về VPHC. Một trong các yêu cầu cần được tuân thủ là hành vi VPHC phải được mô tả rõ ràng, đầy đủ, cụ thể để có thể xác định và xử phạt được trong thực tiễn. Hiện nay, một số HVVP được mô tả trong Nghị định số 119/2020/NĐ-CP không rõ ràng, cụ thể và gây khó khăn cho người có thẩm quyền xử phạt. Do đó, Chính phủ cần sửa đổi Nghị định số 119/2020/NĐ-CP theo hướng mô tả rõ ràng, cụ thể về HVVP để có thể phân biệt các HVVP với nhau, từ đó tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác xử phạt trong thực tiễn.
Hai là, khoản 3 Điều 4 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP khi quy định về hình thức xử phạt, mức xử phạt thì phải căn cứ vào tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của HVVP. Mức tiền phạt phải phù hợp với mức độ giáo dục, răn đe và phải có tính hợp lý. Trong mối tương quan giữa hành vi cung cấp thông tin không chính xác, có sai sót thì báo chí là chủ thể có phần lỗi rất lớn. Đây có thể được xem là lỗi nghiêm trọng bởi báo chí là chủ thể tạo ra thông tin gốc. Trong khi đó, việc dẫn lại, đăng, phát lại các thông tin không chính xác này của trang thông tin điện tử tổng hợp cho dù có lỗi thì lỗi cũng ít nghiêm trọng hơn so với báo chí. Do đó, hành vi cung cấp thông tin sai sót, khiếm khuyết trên báo điện tử, tạp chí điện tử phải có mức tiền phạt cao hơn so với hành vi dẫn lại thông tin này trên trang thông tin điện tử tổng hợp. Vì lẽ này mà Chính phủ cầnrà soát nhằm sửa đổi mức phạt đối với các hành vi cung cấp thông tin sai sót, khiếm khuyết trên báo điện tử, tạp chí điện tử phải bằng hoặc cao hơn so với hành vi tương tự trên trang thông tin điện tử tổng hợp.
Ba là, rút ngắn “biên độ dao động” giữa mức tiền phạt tối thiểu và tối đa của các HVVP tại khoản 6 Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP nhằm hạn chế bị lợi dụng vào mục đích bất hợp pháp. Bên cạnh đó, cần rút ngắn khoản cách quá xa giữa các khung tiền phạt với nhau. Theo tác giả, cần tạo ra sự thống nhất giữa các khung tiền phạt theo nguyên tắc mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt nhẹ hơn bằng với mức tiền phạt tối thiểu của khung tiền phạt nặng hơn liền kề. Khảo sát các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP thì đều tuân thủ nguyên tắc này. Duy chỉ có khoản 6 là không tuân thủ nguyên tắc này. Chính sự phá vỡ nguyên tắc này đã làm cho khoản 6 không logic và có mức tiền phạt quá cao so với khoản 5. Do đó, Chính phủ có thể điểu chỉnh mức tiềt phạt tại khoản 6 Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP thành từ “70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”. Số tiền phạt tối thiểu của khoản 6 bằng số tiền phạt tối đa của khoản 5. Ngoài ra, giữa mức tiền phạt tối thiểu và tối đa của khoản 6 cũng chỉ cách nhau 30.000.000 đồng, tức là không cách nhau quá xa.
Bốn là, để khắc phục tình trạng mức tiền phạt đối với HVVP trên trang thông tin điện tử tổng hợp không thống nhất với quy định tương ứng trong nghị định xử phạt VPHC về quyền tác giả thì cần sửa đổi các quy định này. Theo tác giả, Chính phủ cần thống nhất mức tiền phạt hành vi “đăng, phát các tác phẩm, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền SHTTtrong Nghị định số 119/2020/NĐ-CP với hành vi có cấu thành tương tự trong Nghị định số 131/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP và Nghị định số 129/2021/NĐ-CP). Điều này sẽ tạo ra cách áp dụng pháp luật thống nhất.
Cuối cùng, hoàn thiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong quy định xử phạt VPHC đối với các vi phạm về trang thông tin điện tử tổng hợp. Theo đó,Chính phủ cũng cần bổ sung việc áp dụng biện pháp “buộc thu hồi tên miền” đối với các VPHC về trang thông tin điện tử tổng hợp quy định tại khoản 6 Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP. Nếu nhận thấy cần tạo điều kiện cho trang thông tin điện tử tổng hợp cơ hội được tiếp tục hoạt động, khắc phục khuyết điểm, sửa chữa sai lầm thì cũng nên quy định biện pháp “buộc thu hồi tên miền” đối với các VPHC quy định tại khoản 6 Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP trong trường hợp tái phạm. Ngoài ra, các VPHC về trang thông tin điện tử tổng hợp thường là phát sinh các khoản lợi bất hợp pháp nên cần phải áp dụng biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC. Trên cơ sở này, tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP) như sau:
“8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) …
b)…
c) Buộc thu hồi tên miền đối với HVVP quy định tại khoản 5 Điều này. Đối với các vi phạm tại khoản 6 thì bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu hồi tên miền trong trường hợp tái phạm.
d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện HVVP tại Điều này nếu người có thẩm quyền chứng minh được các vi phạm làm phát sinh số lợi bất hợp pháp”./. 
[1] Vũ Thanh Vân (2017), Đào tạo báo chí tích hợp và báo chí đa phương tiện trong bối cảnh thay đổi truyền thông, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, số 2.
[2] Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2018/NĐ-CP).
[3] Khoản 18 Điều 3 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2018/NĐ-CP) về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
[4] Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP.
[5] Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP.
[6] Khoản 3 Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP.
[7] Khoản 4 Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP.
[8] Khoản 5 Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP.
[9] Khoản 6 Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP.
[10] Điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020.
[11] Cao Vũ Minh (2018), Xử phạt vi phạm hành chính về nội dung thông tin trong hoạt động báo chí - Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Nghề luật, số 2.
[12] Điểm đ khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019).
[13] Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP và Nghị định số 129/2021/NĐ-CP) xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả.
[14] Nguyễn Nhật Khanh (2018), Biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi ích bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 7.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 13 (485), tháng 07/2023.)