Trách nhiệm giải trình tư pháp tại Vương quốc Anh và một số gợi mở cho Việt Nam

26/07/2023

THS. NGUYỄN HOÀNG CHI MAI

Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.

Tóm tắt: Trách nhiệm giải trình tư pháp không còn là khái niệm mới và đã trở thành vấn đề pháp lý nhận được sự quan tâm lớn trong cộng đồng quốc tế, khu vực và các quốc gia, bởi lẽ, việc bảo đảm trách nhiệm giải trình tư pháp đóng vai trò quan trọng đối với công tác phòng, chống các hành vi vi phạm, tham nhũng và các vi phạm quyền con người trong hoạt động tư pháp. Trách nhiệm giải trình tư pháp được hiểu và thực hiện bằng nhiều cơ chế, hình thức đa dạng ở các quốc gia. Cộng đồng quốc tế và một số quốc gia đã nỗ lực nghiên cứu, xây dựng một số chuẩn mực, khuyến nghị về các cơ chế, hình thức bảo đảm trách nhiệm giải trình tư pháp. Trong bài viết này, tác giả trình bày về trách nhiệm giải trình tư pháp tại Vương quốc Anh, từ đó rút ra một số gợi mở mang tính chất tham khảo nhằm nâng cao hiệu quả trách nhiệm giải trình tư pháp tại Việt Nam.
Từ khóa: Trách nhiệm giải trình tư pháp, hoạt động tư pháp, cơ quan tư pháp, Vương quốc Anh.
Abstract: Judicial accountability is no longer a new concept and has become a legal matter with great attention in the international, regional and national communities, because assurance of judicial accountability plays an important role in the prevention and fights of violations, corruption and human rights violations in judicial activities. Judicial accountability is understood and executed by various mechanisms and forms in different countries. The international community and a number of countries have made efforts to seek and develop a grid of standards and recommendations on mechanisms and forms to ensure judicial accountability. Within this article, the author gives out discussion of judicial accountability in the United Kingdom, thereby also a number of suggestions for further improvements of the effectiveness of judicial accountability in Vietnam.
Keywords: Judicial Accountability; judicial activity; judiciary; the United Kingdom.
 GIẢI-TRÌNH-TƯ-PHÁP.jpeg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Quan niệm về trách nhiệm giải trình tư pháp tại Vương quốc Anh
Tại Vương quốc Anh, trách nhiệm giải trình tư pháp (TNGTTP) là thuật ngữ chưa được chính thức pháp điển hóa, nhưng thường xuyên được đưa ra bình luận, trao đổi dưới cách hiểu là trách nhiệm giải trình của cơ quan thực hiện quyền tư pháp là Tòa án. Qua nghiên cứu, ngày nay tại Vương quốc Anh và Khối Thịnh vượng chung tồn tại ba nhóm quan niệm về TNGTTP[1], cụ thể:
(1)   Quan niệm phản đối (the opponents)
Những người có quan niệm phản đối TNGTTP, bởi lẽ họ cho rằng, thẩm phán phải được độc lập hoàn toàn. Đây là nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến pháp ở nhiều quốc gia cũng như các văn kiện quốc tế về nhân quyền[2]. Ở Vương quốc Anh, một số người coi vấn đề trách nhiệm giải trình của thẩm phán là một nghịch lý. Nói cách khác, họ cho rằng, một Tòa án không thể vừa đảm bảo tính độc lập vừa phải thực hiện trách nhiệm giải trình trước một chủ thể khác. Quan niệm cho rằng, việc bảo đảm tính độc lập của Tòa án sẽ loại trừ trách nhiệm giải trình được thể hiện rõ bởi Lord Cooke of Thorndon, một thẩm phán cấp cao của New Zealand[3].
(2) Quan niệm cải cách (the re-conceptualists)
Nhóm quan niệm thứ hai là quan niệm cải cách hay hiểu đơn giản là quan niệm trung lập, cho rằng, TNGTTP vốn đã được thực hiện thông qua các hoạt động tư pháp của các thẩm phán, ví dụ như: xét xử công khai, có sự theo dõi của truyền thông; đưa ra phán quyết công bằng, hợp lý bằng văn bản; kháng cáo…[4]. Quan điểm này đã được Thẩm phán Tan Sri Dato’ Seri Mohamed Dzaiddin bin Haj Abdullah phát biểu tại 'Hội thảo Trách nhiệm Tư pháp' của Hiệp hội Luật sư Khối Thịnh vượng chung (CLA) vào tháng 4 năm 2002. Đặc biệt, TNGTTP thể hiện rõ nhất trên thực tiễn thông qua sự giám sát của công chúng, truyền thông trước các phán quyết của Tòa án.
(3)   Quan niệm cấp tiến (the radicals)
Nhóm quan niệm thứ ba là quan niệm cấp tiến, theo đó ủng hộ trách nhiệm giải trình của Tòa án là cần thiết, bởi lẽ những nghiên cứu theo quan niệm này cho rằng, nguyên tắc độc lập tư pháp phải cân bằng, có mối quan hệ tương thích với các nguyên tắc khác, hay có nghĩa là Tòa án phải tuân theo các cơ chế chịu trách nhiệm giải trình nhưng vẫn không làm mất đi tính độc lập của họ[5].
Năm 1991, trong ấn phẩm của Hiệp hội pháp luật Anh và xứ Wales đã lập luận: “… Những người ủng hộ TNGTTP chỉ ra rằng, tư pháp là một “cánh tay” của cả một Nhà nước và do đó cũng cần chịu sự kiểm tra, giám sát. Những người bảo vệ nguyên tắc độc lập tư pháp lập luận rằng, sự giám sát của trách nhiệm giải trình đối với các thẩm phán sẽ đẩy ngành tư pháp vào thế giới chính trị đảng phái và đe dọa quyền, nghĩa vụ hành động một cách vô tư của các thẩm phán…”[6]. Kể từ đó, Ủy ban bổ nhiệm Thẩm phán đã được thành lập ở Anh và xứ Wales, với vai trò giám sát quy trình bổ nhiệm các thẩm phán, bao gồm cả giải quyết khiếu nại từ các ứng cử viên không được bổ nhiệm. Keith Ewing trong nghiên cứu của mình đã nhận định về việc thành lập Ủy ban này sẽ giúp đảm bảo trách nhiệm giải trình của Thẩm phán trước những người bổ nhiệm họ, qua đó nâng cao trách nhiệm, vai trò của họ mà không làm ảnh hưởng đến tính độc lập trong hoạt động xét xử của họ[7].
Kể từ sau Đạo luật Cải cách Hiến pháp năm 2005, tính độc lập của Tòa án được nhấn mạnh hơn và sự ảnh hưởng của Nghị viện lên nhánh quyền tư pháp có xu hướng giảm bớt. Nghị viện không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Bản thân nhánh quyền tư pháp có thể tự tồn tại một cách độc lập dựa trên hai nền tảng lớn là tính minh bạch và nguyên tắc hai cấp xét xử. Điều này là đủ để đảm bảo tính đúng đắn của việc vận dụng quyền tư pháp. Ở đây, cần thấy rằng, nguyên tắc hai cấp xét xử là cách thức tự kiểm soát của nhánh quyền tư pháp để đảm bảo tính đúng đắn của hoạt động xét xử. Tuy nhiên, tính minh bạch mà Tòa án phải đảm bảo cũng được phản ánh qua các cơ chế kiểm soát từ bên ngoài, trong đó có cơ chế Nghị viện.
2. Các hình thức và cơ chế trách nhiệm giải trình tư pháp tại Anh quốc
2.1. Về hình thức
Tùy theo tiêu chí mà có thể phân loại các hình thức TNGTTP. Hình thức TNGTTP tại Vương quốc Anh được phân theo hai hình thức: (1) trách nhiệm giải trình cá nhân của Thẩm phán và (2) trách nhiệm giải trình của Tòa án với tư cách là một thiết chế.
Trong Hiến pháp và thực tiễn thi hành pháp luật của Vương quốc Anh, có sự khác biệt giữa trách nhiệm cá nhân của một Bộ trưởng (nghĩa vụ cá nhân của Bộ trưởng phải giải trình về công việc của bộ mình trước Nghị viện và trong những tình huống vi phạm pháp luật nghiêm trọng thậm chí phải từ chức) và trách nhiệm cấp bộ (như một thiết chế tập hợp các Nội các). Trong nhánh quyền lực tư pháp cũng có sự phân loại tương tự. Theo đó, các thẩm phán phải chịu cả trách nhiệm giải trình cá nhân (thông qua việc tuyên thệ nhậm chức và chịu những ràng buộc về hành vi nghề nghiệp và đạo đức cá nhân). Đồng thời, các thẩm phán cũng là thành viên của một thiết chế nhà nước là Tòa án và thiết chế này cũng phải giải trình về các công việc thuộc phạm vi thẩm quyền của Tòa án. Bảng dưới đây sẽ đưa ra một vài ví dụ điển hình của hai hình thức trách nhiệm giải trình nêu trên:
Ví dụ về trách nhiệm giải trình
của cá nhân Thẩm phán
Ví dụ về trách nhiệm giải trình
của Tòa án với tư cách là một thiết chế
- Chịu trách nhiệm cá nhân và bị kỷ luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức (thậm chí tùy mức độ nghiêm trọng có thể phải từ chức/bị bãi nhiệm).
- Đưa ra bản án/phán quyết một cách công bằng, minh bạch, công khai.
- Giải thích quan điểm cá nhân về pháp luật và hiến pháp trong các bài thuyết giảng, các cuộc phỏng vấn với báo chí, truyền thông hoặc các ấn phẩm, nghiên cứu mang tính học thuật.
- Báo cáo hàng năm về hoạt động của Tòa án trước Nghị viện.
- Quyền kháng cáo lên Tòa án cấp cao hơn.
- Yêu cầu kiểm toán tài chính.
- Tranh luận trước Nghị viện về chức năng tư pháp[8].
2.2. Về cơ chế
Ủy ban quốc tế các luật gia - ICJ[9] đã tổng hợp các cơ chế thực thi TNGTTP được áp dụng trên thế giới tại ấn phẩm “TNGTTP - Bộ hướng dẫn dành cho người làm thực tiễn”[10], trong đó bao gồm cơ chế giám sát của Nghị viện và Vương quốc Anh cũng không ngoại lệ. Qua nghiên cứu, một số biện pháp giám sát của Nghị viện đối với nhánh quyền lực tư pháp trong pháp luật Vương quốc Anh bao gồm:
a) Chế độ báo cáo định kỳ
Điều 54 Đạo luật Cải cách Hiến pháp năm 2005 của Vương quốc Anh quy định một cách ngắn gọn về chế độ báo cáo định kỳ hàng năm của Tòa án tối cao. Cụ thể, sớm nhất sau mỗi năm tài chính, Tòa án tối cao phải chuẩn bị một bản báo cáo về các vấn đề của mình trong năm đó và chuyển tới các địa chỉ sau: Đại chưởng ấn (Lord Chancellor) kiêm Bộ trưởng Tư pháp; Thủ tướng Scotland; Thủ tướng Bắc Ireland; Thủ tướng xứ Wales. Đại chưởng ấn sau đó phải chuyển báo cáo này tới cả Thượng viện và Hạ viện. Khi Đạo luật Cải cách Hiến pháp mới ra đời, vẫn chưa có một hướng dẫn cụ thể về nội dung báo cáo này[11]. Cho đến hiện nay, báo cáo thường niên của Tòa án tối cao thường có những nội dung như sau: Tổng quan về sứ mệnh, mục tiêu; Báo cáo về sự thay đổi nhân sự (nếu có); Báo cáo về công tác xét xử, bao gồm các số liệu và thông tin về một số vụ việc quan trọng được đưa ra xét xử trong năm; Báo cáo về công tác quần chúng; Báo cáo về công tác đối ngoại; Báo cáo về hoạt động hợp tác; Báo cáo về hệ thống quản trị; Báo cáo về trách nhiệm; Báo cáo về tài chính.
Có thể thấy, với nội dung tương đối dày dặn (riêng báo cáo năm 2017 dày tới 116 trang[12]), các báo cáo thường niên này là một cơ chế thực hiện trách nhiệm giải trình của Tòa án, cung cấp thông tin quan trọng cho Nghị viện và đồng thời cho cả công chúng theo đúng nguyên tắc minh bạch trong hoạt động của Tòa án. Để đảm bảo sự độc lập của Tòa án, đặc biệt sau khi Tòa tối cao tách ra khỏi Thượng viện một cách chính thức từ năm 2009, cơ chế báo cáo đối với Nghị viện có phần giảm bớt sức ép. Ngày nay, kinh phí của Tòa án tối cao không phải trực tiếp xin từ Nghị viện mà được hình thành từ các nguồn sau[13]: Nguồn cung từ Bộ Tư pháp; Tiền án phí và các khoản tài trợ từ Chính quyền Scotland, Bắc Ireland; Tiền cho thuê nhà, bán đồ lưu niệm, tiệm café của Tòa án tối cao. Nguồn thu quan trọng và chủ yếu nhất của Tòa án tối cao vương quốc Anh đến từ Chính phủ mà đại diện là Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, vai trò của Nghị viện cũng không mất đi hoàn toàn. Trong một báo cáo của Ủy ban về các vấn đề hiến định của Hạ viện[14], cơ quan này cho biết, nếu cần thiết, Nghị viện có thể tổ chức những phiên điều trần liên quan đến vấn đề nhu cầu hỗ trợ tài chính của Tòa án. Đồng thời, các bản báo cáo công tác thường niên sẽ tạo cơ hội đối thoại giữa Tòa án và Nghị viện, đặc biệt là trong các vấn đề mang tính xây dựng như ngân sách.
b) Cơ chế giám sát việc thực thi pháp luật của Tòa án
Với tư cách là cơ quan lập pháp, Nghị viện Anh thường xuyên thực hiện các hoạt động giám sát việc thực thi những sản phẩm lập pháp của mình, hay còn gọi là Giám sát hậu lập pháp (Post-legislative scrutiny). Ở Vương quốc Anh, việc giám sát thực thi pháp luật không có một cơ sở pháp lý ở tầm đạo luật mà chủ yếu biểu hiện thông qua các hoạt động cụ thể của các Ủy ban của cả hai viện. Hoạt động này được khởi động và hoàn thiện dần qua các năm gần đây. Trong một tài liệu nghiên cứu được thực hiện bởi Bộ Tư pháp[15], lý do của việc tiến hành các hoạt động giám sát thực thi pháp luật này nhằm hoàn thiện pháp luật tốt hơn; nâng cao hiệu quả của các chính sách và nâng cao chất lượng lập pháp. Trong một số trường hợp, Nghị viện có thể tham khảo tới các cách tiếp cận của Tòa án trong những vụ việc cụ thể.
Một ví dụ điển hình là từ năm 2006, một Ủy ban kết hợp giữa Hạ viện và Thượng viện về Nhân quyền đã thực hiện những nghiên cứu giám sát để tìm hiểu cách tiếp cận của Tòa án trong việc định nghĩa khái niệm “thẩm quyền công” và “chức năng của một thực thể công”[16]. Sau cuộc giám sát, Ủy ban trên đã kết luận rằng, những phán quyết và lập luận của Tòa án đã co hẹp những khái niệm kia hơn mục đích ban đầu của Nghị viện. Có thể thấy, thông qua việc giám sát thực thi pháp luật của Tòa án mà trong trường hợp này là tìm hiểu quan điểm của Tòa án, Nghị viện có thể xem xét tới những sự giải thích tư pháp và đối chiếu nó với quan điểm lập pháp của mình để hướng tới việc dung hòa và làm rõ hơn những vấn đề pháp lý liên quan. Đây cũng được đánh giá như một cơ chế đối thoại mang tính chất xây dựng giữa Nghị viện và Tòa án[17].
Xét trên một phương diện nhất định, sự giám sát thực thi pháp luật của Nghị viện đối với Tòa án cũng là một cơ chế TNGTTP, qua đó góp phần nâng cao tính minh bạch của Tòa án thông qua việc giảm thiểu những mâu thuẫn trong cách giải thích pháp luật với mục đích của nhà làm luật. Đặc biệt, các kết luận giám sát thực thi pháp luật của Nghị viện chỉ có tính tham khảo mà không làm thay đổi kết quả bản án. Đây là điểm mà cơ chế này cho thấy được sự cân bằng giữa tính độc lập tư pháp và TNGTTP.
c) Vai trò của các Ủy ban trong giám sát hoạt động tư pháp
Nhìn chung trong cơ chế Nghị viện, các Ủy ban có vai trò rất quan trọng trong hầu hết các công việc, từ làm luật cho đến giám sát. Ở Anh, trong giai đoạn đầu hình thức toàn bộ nghị sĩ cùng họp, hay còn gọi là Ủy ban toàn viện, là chủ yếu nhưng dần dần đã bị thay thế vai trò bởi các Ủy ban thường trực bởi sự cồng kềnh của cơ chế toàn viện[18]. Hiện nay, vai trò của các Ủy ban trong việc giám sát hoạt động tư pháp là khá tích cực. Cụ thể, các thẩm phán có thể được yêu cầu phải trình bày dưới hình thức các phiên điều trần trước các Ủy ban của Nghị viện. Các Ủy ban có thể đặt vấn đề với các thẩm phán về hệ thống quản trị hay cách thức vận hành của Tòa án.
Việc thảo luận về các vấn đề bên ngoài cũng được chấp nhận. Chẳng hạn, đã có những thẩm phán được yêu cầu trình bày quan điểm về những vấn đề pháp lý rộng hơn như sự phân biệt giữa Điều 3 và 4 của Đạo luật Nhân quyền hay sự giải thích phán quyết của vụ Pepper v. Hart[19]. Việc các thẩm phán phải điều trần trước Nghị viện được trở nên ưa thích và được coi như là một cách tạo sự gắn kết giữa nhánh tư pháp và nhánh lập pháp. Hơn thế, nó cũng là một cách để giúp hoạt động của Tòa án minh bạch hơn. Theo một nghiên cứu, kể từ khi Đạo luật Cải cách Hiến pháp có hiệu lực cho đến năm 2014, đã có 120 lần thẩm phán đương nhiệm xuất hiện trước các Ủy ban của Nghị viện[20]. Ngoại lệ cho việc tham dự một phiên điều trần như vậy là khi nội dung có liên hệ tới những vụ việc đã có hiệu lực pháp lý khi thảo luận về những nguyên tắc chung của pháp luật.
Về cơ bản, các Ủy ban của Nghị viện tránh can thiệp sâu vào hoạt động xét xử của Tòa án. Vậy nên nội dung của các cuộc điều trần như vậy không được đào sâu các vụ việc cụ thể hay đòi hỏi thẩm phán thay đổi quan điểm trong phán quyết của mình. Đó cũng chính là điểm cân bằng giữa tính độc lập của Tòa án và trách nhiệm giải trình của Tòa án trước các Ủy ban. 
3. Đánh giá chung và gợi mở cho Việt Nam
TNGTTP về cơ bản là vấn đề pháp lý được quan tâm ở Việt Nam. Để bảo đảm thực hiện TNGTTP, trước hết cần phải ban hành những quy định cụ thể về nội dung, hình thức, phương thức, cách thức giải trình sao cho vừa kiểm soát được hoạt động của các cơ quan tư pháp, đặc biệt là hoạt động thực hiện quyền tư pháp của Tòa án, và không ảnh hưởng đến nguyên tắc “độc lập của Tòa án khi xét xử” - nguyên tắc nền tảng của tư pháp trong Nhà nước pháp quyền, đồng thời có các biện pháp tương ứng nhằm nâng cao ý thức chính trị, pháp luật, đạo đức của cán bộ, công chức tư pháp trong thi hành công vụ.
Qua nghiên cứu về quan niệm, các hình thức và cơ chế TNGTTP của Vương quốc Anh nêu trên, có thể nhận thấy điểm nổi bật rằng, sự giám sát của Nghị viện nhưng không can thiệp sâu vào việc thực hiện hoạt động tư pháp là yếu tố trung tâm của việc bảo đảm TNGTTP. Tác giả đã rút ra một số gợi mở cốt lõi sau đây để nghiên cứu, từ đó tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả TNGTTP của nước ta:
Thứ nhất, cần tăng cường sự giám sát của cơ quan dân cử đối với hoạt động tư pháp. Cụ thể, tại Việt Nam, việc giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động tư pháp của Tòa án phải nhấn mạnh nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết, xét xử các vụ án cụ thể; không can thiệp, kết luận việc xét xử sai đúng của Tòa án, cũng không kiến nghị về tội danh hay mức án cụ thể. Các nội dung chất vấn cần khái quát theo từng vấn đề, lĩnh vực liên quan đến công tác xét xử như áp dụng án treo, tham nhũng…, không chất vấn trực tiếp về các nhận định, quyết định của Tòa án về việc giải quyết vụ án khi vụ án đang trong quá trình xét xử.
Thứ hai, cần xây dựng một hệ thống tư pháp thông qua việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, tính mở và sự tín nhiệm của truyền thông, công chúng; bởi lẽ, tăng cường chất lượng tiếp cận thông tin cho Tòa án lẫn công chúng sẽ tạo ra một hệ thống công lý cởi mở hơn, tăng cường sự tín nhiệm của công chúng vào hệ thống tư pháp và sự độc lập, minh bạch, trách nhiệm giải trình và văn hóa pháp quyền; một trong những cách hiệu quả để cân bằng và tăng cường việc thực thi minh bạch, trách nhiệm giải trình và độc lập tư pháp là thông qua các cơ chế báo cáo và giám sát có sự tham gia.
Thứ ba, tăng cường bảo đảm hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Cụ thể, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng cho phép, khuyến khích Thẩm phán nhận định, đánh giá nội dung chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh nhưng phù hợp đạo đức, phong tục tập quán, tính công bằng, niềm tin nội tâm và liêm chính của mình để ban hành phán quyết của mình. Tiếp tục tăng cường bảo đảm áp dụng pháp luật thông qua việc ban hành Nghị quyết, Giải đáp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử./. 
 

 


[1] Andrew Le Sueur - Barber Professor fof Jurisprudence, “Developing mechanisms for judicial accountability in the UK”, The University of Birmingham, pg. 73.
[2] Bao gồm Công ước Châu Âu về Nhân quyền - ECHR, Article 6(1).
[3] Xem R Cooke (1992), “Empowerment and Accountability: The Quest for Administrative Justice”, 18 Commonwealth Law Bulletin 1326.
[4] Andrew Le Sueur - Barber Professor fof Jurisprudence, “Developing mechanisms for judicial accountability in the UK”, The University of Birmingham, pg. 76.
[5] Andrew Le Sueur - Barber Professor fof Jurisprudence, “Developing mechanisms for judicial accountability in the UK”, The University of Birmingham, pg. 76.
[6] E Skordaki (1991), Judicial Appointments, Research Summary 5, London: Law Society of England and Wales, p.vi (emphasis added).
[7] K D Ewing (2000), “A Theory of Democratic Adjudication: Towards a Representative, Accountable and Independent Judiciary”, 38 Alberta LR 708 , p. 725.
[8] Xem Hansard HL, Tập 648, col 876, 21 tháng 5 năm 2003.
[9] Ủy ban quốc tế các luật gia (ICJ) bao gồm 60 thẩm phán, luật sự nổi tiếng từ tất cả các châu lục trên thế giới được lập ra để thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người thông qua pháp quyền, và sử dụng kinh nghiệm pháp lý để phát triển và thúc đẩy các hệ thống công lý quốc tế và quốc gia.
[10] Ủy ban quốc tế các luật gia (ICJ) (2016), Judicial Accountability - A Practitioners’ Guide, International Commission of Jurist.
[11] https://publications.parliament.uk/pa/ld200607/ldselect/ldconst/151/151.pdf, tr. 43.
[12] https://www.supremecourt.uk/docs/annual-report-2017-18.pdf.
[13] http://ukscblog.com/supreme-court-funding-a-clarification/.
[14] https://publications.parliament.uk/pa/cm200405/cmselect/cmconst/275/27508.htm.
[15] https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/272368/6945.pdf.
[16] Ninth Report of Session 2006–07, The Meaning of Public Authority under the Human Rights Act (HL Paper 77/HC 410); Seventh Report of Session 2003–04, The Meaning of Public Authority under the Human Rights Act (HL Paper 39/HC 382).
[17] Select Committee on the Constitution 6th Report of Session 2006–07, Relations between the executive, the judiciary and Parliament Report with Evidence, Ordered to be printed 11 July 2007 and published 26 July 2007, Published by the Authority of the House of Lords.
[18] Lê Đình Chân (1975), Luật Hiến pháp - Khuôn mẫu dân chủ, Tập 2, Tủ sách Đại học, Sài Gòn, tr. 122.
[19] Select Committee on the Constitutional Reform Bill, First Report of Session 2003–04 (HL Paper 125-I), para 420.
[20] https://publications.parliament.uk/pa/cm201314/cmselect/cmpolcon/802/80205.html.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 06 (478), tháng 03/2023.)


Thống kê truy cập

32965849

Tổng truy cập