Vận động bầu cử ở các nước

01/03/2002

NGUYỄN ĐỨC LAM Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp

Ở nhiều nước, hoạt động vận động bầu cử đã thành một nếp sinh hoạt trong đời sống chính trị, một công đoạn không thể thiếu trong quá trình bầu cử và được pháp luật điều chỉnh một cách chặt chẽ. Để cung cấp thông tin tham khảo nhân dịp bầu cử đại biểu Quốc hội sắp tới, bài viết giới đây đề cập tới vấn đề vận động bầu cử ở các nước trên hai phương diện: (a) hoạt động vận động bầu cử của các chính đảng và (b) những quy định của pháp luật bầu cử các nước về vận động bầu cử - những nguyên tắc chính trong vận động bầu cử, vai trò của thông tin đại chúng, nguồn tài chính trong vận động bầu cử? 
Vận động bầu cử là một công đoạn của quá trình bầu cử. Trong công đoạn này, cử tri làm quen với chương trình hành động của các chính đảng và ứng cử viên, còn các đảng phái, các ứng cử viên thì tiến hành tuyên truyền, cổ động bầu cử. Tuyên truyền bầu cử nhằm tác động lên dư luận và thái độ của cử tri trong việc lựa chọn 
Khi nói đến vận động bầu cử, người ta thường nghĩ đến hai phương diện: a) bản thân hoạt động vận động bầu cử của các đảng, ứng cử viên và b) những quy định của pháp luật về hoạt động này.
 
 

 

 

I- Hoạt động vận động bầu cử
 
Các chính đảng với vận động bầu cử
 
Ở các nước có truyền thống bầu cử lâu đời, vận động bầu cử gắn liền với hệ thống đảng chính trị. Những ứng cử viên độc lập thường ít có cơ hội để thắng cử so với các ứng cử viên của các đảng, "màn độc tấu" của họ chìm trong "màn hợp xướng" của các đảng chính trị. Có thể nói, đấu tranh trong bầu cử là trường hoạt động chính của các đảng chính trị, thậm chí ở một mức độ nào đó, đảng chính trị sinh ra và tồn tại cho các cuộc bầu cử. 
Ở nhiều nước, nếu thấy không có đủ khả năng thắng cử thì các đảng có lập trường gần giống nhau thường liên kết với nhau thành liên minh vận động bầu cử nhằm đạt mục tiêu thắng cử.
 
 

 

 

Chương trình hành động và hình ảnh lãnh đạo đảng
 
Đây là những yếu tố quan trọng trong việc thu hút cử tri, trong đó các nhà chính trị học đánh giá chương trình hành động của đảng chính trị cao hơn uy tín của lãnh tụ đảng. Ví dụ lịch sử sau đây là một minh chứng. Vào tháng 6/1945 ở Anh diễn ra cuộc bầu cử nghị viện. Dường như thắng lợi đã nằm trong tay Đảng bảo thủ và lãnh tụ của họ là Churchill - vừa bước ra từ chiến tranh với vòng nguyệt quế của người chiến thắng. Bản thân Churchill cũng nghĩ như vậy nên không đưa ra cho cử tri một điều gì ngoài hào quang chiến thắng. Nhưng hào quang đó lại thuộc về quá khứ, cho dù là quá khứ vừa mới xảy ra, trong khi đó người dân Anh lại nhìn về tương lai. Về tương lai đó, Công đảng hứa hẹn sẽ đưa đến cho họ qua một chương trình hành động có quy mô và đầy ấn tượng. Kết quả là Công đảng giành thắng lợi một cách đầy bất ngờ nhưng cũng rất tất yếu, mặc dầu lãnh tụ của họ bên cạnh Churchill chỉ là một nhân vật chính trị không đáng kể. 
Chương trình hành động bầu cử thường bao gồm bốn lĩnh vực: kinh tế, xã hội, chính trị trong nước và chính trị đối ngoại. Cử tri đặc biệt quan tâm đến khía cạnh xã hội của chương trình hành động. Bởi vậy, thậm chí nếu tình thế đòi hỏi phải có những biện pháp kinh tế cứng rắn, các ứng cử viên - "những người tìm kiếm sự ủng hộ của dân chúng" vẫn phải dành một khoảng cho những hứa hẹn về mặt xã hội. Có những chương trình hành động đưa ra những lời hứa không thể thực hiện hoặc đơn giản là những lời giả dối. Ví dụ như vào đầu những năm 1980, ứng cử viên chức Thủ tướng là thành viên Đảng xã hội Tây Ban Nha được lòng cử tri nhờ những lời hứa xoá bỏ nạn thất nghiệp và không gia nhập NATO. Nhưng khi ông ta trở thành Thủ tướng, nạn thất nghiệp vẫn không giảm, còn Tây Ban Nha nhanh chóng gia nhập NATO 1 . Một trong những điều quan tâm của công luận, của cử tri là: người thắng cử sẽ thực hiện những điều hứa hẹn như thế nào?
 
 

 

 

Những yêu cầu đối với ứng cử viên
 
Cử tri có những yêu cầu khá cao đối với ứng cử viên. Các đảng phái, các tổ chức, liên minh còn đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn. Đó là:
 
- Sự nổi tiếng, phổ biến trong phạm vi khu vực bầu cử, vùng địa phương hoặc trong cả nước;
 
- Trình độ chuyên môn đáng kể và học vấn cao. Ở phương Tây thường nghiêng về các ứng cử viên có học vấn pháp lý hoặc kinh tế;
 
- Nắm bắt ở mức độ nhất định nghệ thuật chính trị: khả năng hùng biện, tranh luận, giành thiện cảm và sự ủng hộ của đám đông;
 
- Một sức khoẻ tốt để chịu được khối lượng công việc lớn cũng như áp lực tâm lý trong quá trình bầu cử;
 
- Sự ủng hộ của các giới chính trị và tài chính thế lực. Đây là một điều kiện quan trọng, nhưng ứng cử viên thường không quảng bá nó, bởi lẽ sẽ có lợi hơn khi trong mắt cử tri họ là đại diện cho dân chúng chứ không phải là của những kẻ mạnh.
 
 

 

 

II- Pháp luật về vận động bầu cử Giới thiệu chung
Luật pháp đại đa số các nước quy định những nguyên tắc tương tự trong vận động bầu cử. Điển hình là quy định của Hiến pháp Bồ Đào Nha trong Điều 116: "Trong thời gian tiến hành vận động bầu cử, những nguyên tắc sau đây sẽ được bảo đảm: a) Tự do tuyên truyền; b) Những điều kiện bình đẳng cho mọi ứng cử viên; c)Thái độ vô tư của các cơ quan công quyền đối với mọi ứng cử viên; d) Giám sát chi phí vận động bầu cử" 2 .
 
 

 

 

Những quy tắc ứng xử
 
Ở nhiều nước, bên cạnh những quy định pháp lý, còn có những quy tắc ứng xử trong vận động bầu cử dành cho các đảng phái và các ứng cử viên, họ phải ký cam kết tuân thủ những quy tắc đó. Ví dụ như bộ quy tắc như vậy được ban kèm theo Luật bầu cử Quốc hội và các cơ quan lập pháp địa phương của Nam Phi năm 1993. Trong văn bản này liệt kê những quyền của các đảng phái và ứng cử viên: thể hiện các quan điểm chính trị khác nhau; bàn luận về chương trình và sách lược của các đảng khác; được tự do tuyên truyền để thu hút cử tri; tổ chức mít tinh và tham gia mít tinh của người khác tổ chức; phổ biến tài liệu về bầu cử và những tư liệu bầu cử khác; in ấn thông báo, áp phích về bầu cử; treo cờ, biểu ngữ, biển bảng áp phích. Bộ quy tắc cũng quy định những nghĩa vụ nhằm bảo đảm tính chất hoà bình của vận động bầu cử: không dùng bạo lực và doạ dẫm; không mang vũ khí trong các cuộc mít tinh và biểu tình; không ra và tuyên truyền những tuyên bố không đúng sự thật hoặc có tính chất khiêu khích; tổ chức các cuộc mít tinh, tuần hành của các đảng phái, tổ chức khác nhau vào những thời gian khác nhau; không cho phép sử dụng những hình ảnh của các đảng khác và không được phá hoại những tài liệu tuyên truyền của các đảng khác 3 .
 
 

 

 

Thời gian vận động bầu cử
 
Ở tất cả các nước đều quy định giống nhau về thời gian kết thúc vận động là 24 giờ trước khi bỏ phiếu. Điều này cho phép cử tri có thời gian để cân nhắc, suy nghĩ, chọn lựa, bởi lẽ vận động bầu cử gây ảnh hưởng tâm lý nào đó đối với cử tri, do đó quãng nghỉ như vậy sẽ giảm bớt ảnh hưởng đó.
Nhưng thời điểm bắt đầu bầu cử được quy định khác nhau: từ thời điểm tuyên bố ngày bỏ phiếu (Rumani, Ba Lan), từ ngày đăng ký các ứng cử viên (Nga), từ ngày đăng danh sách ứng cử viên (Litva), một ngày nhất định trước ngày bầu cử (ở Thổ Nhĩ Kỳ - 15 ngày, ở Israel - 21 ngày, ở Slovakia - 23 ngày).
 
 

 

 

Địa điểm, chủ thể vận động bầu cử
 
N hiều nước đưa ra những giới hạn về địa điểm và chủ thể được vận động bầu cử. Giới hạn địa điểm vì vận động bầu cử không được ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan nhà nước và không được xâm phạm đến đời sống riêng tư của công dân. Còn những quy định giới hạn chủ thể nhằm bảo đảm sự vô tư của một số nhân vật. Thông thường, những nhân vật sau đây không được tham gia vận động bầu cử: thành viên uỷ ban bầu cử; các cơ quan nhà nước, các cơ quan chính quyền địa phương, các quan chức của các cơ quan đó; các nhà chức trách nếu là ứng cử viên sẽ không giữ chức trong thời gian bầu cử; nhà báo, quan chức, nhân viên của các hãng thông tấn không được thông tin hoặc chỉ được thông tin có mức độ về vận động bầu cử nếu họ là ứng cử viên hoặc thay mặt cho ứng cử viên.
 
 

 

 

Hình thức, phương tiện tuyên truyền bầu cử
 
Ở một số nước, các đảng phái và ứng cử viên được tự do lựa chọn hình thức và phương tiện tuyên truyền (Nga). Nhưng ở những nước khác, những khía cạnh này được quy định khá chặt chẽ. Ví dụ như ở Pháp, mỗi ứng cử viên Tổng thống chỉ được trưng một biển áp phích trình bày quan điểm của mình, biển thứ hai - thông báo thời gian các cuộc hội họp vận động bầu cử, thời gian phát biểu trên truyền thanh, truyền hình, trước mỗi vòng bầu cử được gửi đến cử tri một tài liệu về lập trường của mình.
 
 

 

 

Thông tin đại chúng với vận động bầu cử
 
 

 

 

Ý nghĩa của thông tin đại chúng
Một trong những đặc điểm trong đời sống chính trị hiện đại là sự phổ biến rộng rãi các phương tiện thông tin đại chúng và khả năng tiếp cận đầy đủ đối với các kết quả điều tra xã hội. Luật pháp các nước không thể không tính đến những yếu tố này khi điều chỉnh vận động bầu cử. 
Hơn nữa, sự truyền đạt quan điểm của các chính đảng và ứng cử viên tới cử tri có ý nghĩa quyết định đối với cả quá trình bầu cử, trong đó truyền thông là một trong những phương tiện hiệu quả nhất. Nhưng đây lại là một phương tiện đắt đỏ và không phải ai cũng tiếp cận được, trong khi đó "nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử đòi hỏi rằng tất cả những người tham gia phải được tiếp cận những kênh truyền thông đó với tư cách là kênh chuyển tải hiệu quả nhất các luận chứng tới cử tri. Bên cạnh đó, công chúng có quyền được thông tin một cách bình đẳng và khách quan" 4 . Bởi lẽ được cung cấp thông tin một cách đầy đủ và khách quan là một trong những nét của xã hội dân chủ, hơn nữa lại trong thời gian bầu cử - "ngày hội của dân chủ". Vị Tổng thống Hoa Kỳ J. Jefferson từng nói: "Nếu cho tôi chọn giữa Nhà nước thiếu báo chí và báo chí thiếu Nhà nước, tôi sẽ nghiêng về vế thứ hai" .
 
 

 

 

Các quy định liên quan
Do những ý nghĩa trên đây, luật pháp các nước có những quy định nhằm bảo đảm hai điều liên quan đến bầu cử và thông tin đại chúng: a) để bảo đảm thời gian phát sóng vào giai đoạn cao điểm (prime time) không thuộc độc quyền của ai đó, mọi chính đảng đều có thể thuê lại thời gian này; b) để bảo đảm việc phát sóng không phụ thuộc vào nguồn tài chính, các đảng và ứng cử viên đều được dành một thời lượng "phát sóng" miễn phí trên truyền hình và đài phát thanh nhà nước.
 
Luật pháp cũng quy định trình tự phân bố thời gian "phát sóng" của các đảng và ứng cử viên (Ví dụ như ở Pháp trong cuộc bầu cử Quốc hội, mỗi đảng được 1,5 giờ "phát sóng" trên các kênh truyền hình và phát thanh nhà nước, còn việc phân bố thời điểm phát sóng được tiến hành theo thoả thuận giữa những người đứng đầu các nhóm đảng trong Quốc hội hoặc theo quyết định của Uỷ ban bầu cử Quốc hội). Ngoài ra, các đảng và ứng cử viên có thể thoả thuận với các kênh truyền thông nhà nước để thuê thêm thời lượng phát sóng; các điều kiện thanh toán là bình đẳng đối với mọi đảng phái và ứng cử viên.
 
Tuy nhiên, ở nhiều nước châu Âu, việc cung cấp thời lượng phát sóng miễn phí cho tuyên truyền bầu cử trong các cuộc bầu cử nghị viện chỉ dành cho các đảng có nhóm đảng trong nghị viện ( Ý, Á
o) hoặc ra bầu cử tại một số lượng khu vực bầu cử nhất định (Hà Lan).
 
Luật pháp các nước quy định khác nhau về việc sử dụng các kênh truyền thông tư nhân. CH Séc cấm sử dụng các kênh tư nhân vào việc tuyên truyền bầu cử. Còn ở Mỹ, nơi truyền hình và phát thanh đều thuộc tư nhân, để đảm bảo những điều kiện bình đẳng đối với mọi ứng cử viên, luật pháp quy định một giá thuê sóng thống nhất trên tất cả các kênh truyền thông.
 
Trước ngày bầu cử một khoảng thời gian nhất định, việc công bố kết quả điều tra dư luận xã hội bị cấm ở nhiều nước (ở Bungari, Đức- 14 ngày trước ngày bầu cử; ở Hungari- 8 ngày; ở Pháp, Tiệp, Slovakia- 7 ngày). Điều này ở mức độ nào đó nhằm giảm khả năng tác động tâm lý lên cử tri và bảo đảm một kết quả bầu cử khách quan hơn.
 
Tại Nga, luật pháp quy định trong vận động bầu cử không được lạm dụng tự do thông tin để tuyên truyền phân biệt chủng tộc, gây hằn thù về mặt xã hội, dân tộc, tôn giáo, chiếm chính quyền, kêu gọi chiến tranh. Nếu xảy ra vi phạm, uỷ ban bầu cử có quyền đề nghị toà án huỷ bỏ quyết định đăng ký ứng cử viên hoặc danh sách ứng cử viên. Toà án xem xét đề nghị này trong thời hạn ba ngày 5 .
 
 

 

 

Nguồn tài chính với vận động bầu cử
 
 

 

 

Ý nghĩa của vấn đề 
Kết quả vận động bầu cử phụ thuộc nhiều vào nguồn tài chính. Nhưng không phải mọi chính đảng và ứng cử viên đều có những điều kiện tài chính như nhau. Bởi vậy, điều quan trọng là phải bảo đảm để quá trình bầu cử không trở thành nơi độc diễn của những ai nắm trong tay những nguồn tài chính to lớn và liên quan đến điều này là phải bảo đảm được sự minh bạch các nguồn tài chính cho vận động bầu cử. Những quy định trong pháp luật các nước đều cố gắng bảo đảm hai mặt này của vấn đề.
 
 

 

 

Hạn chế mức chi phí 
Để bảo đảm sự bình đẳng đối với mọi ứng cử viên trên khía cạnh này (ít nhất về mặt pháp lý), luật pháp nhiều nước quy định số tiền tối đa mà các đảng phái và ứng cử viên độc lập được phép chi cho vận động bầu cử (Nga, Ship, Canada, Litva). Ở Ú c, chi phí vận động bầu cử cho một ứng cử viên thượng nghị sĩ không được quá 1000 đô la Ú c, hạ nghị sĩ - không quá 500 đô la Ú c. Số tiền này được dùng vào việc đăng thông báo, trả cho thời gian "phát sóng" , vật dụng văn phòng, trả tiền điện thoại, thuê địa điểm. Ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, nếu xảy ra vi phạm những quy định về chi phí tối đa cho vận động bầu cử, có thể bị áp dụng các chế tài hình sự 6 .
 
 

 

 

Nguồn tài chính của Nhà nước 
Đối với những chủ thể có quyền tài trợ cho vận động bầu cử cũng có những cách tiếp cận khác nhau. Luật pháp một số nước quy định Chính phủ không được cung cấp phương tiện cho vận động bầu cử (Ba Lan, Estonhia). Nhưng ở phần lớn các nước, một trong những nguồn tài chính của vận động bầu cử là khoản tiền của Chính phủ dành cho các đảng và ứng cử viên. Đây cũng là biện pháp để bảo đảm sự bình đẳng trên phương diện tài chính trong bầu cử. Tuy nhiên, thông thường khi cung cấp tài chính cho các đảng, người ta tính đến kết quả bầu cử của đảng đó.
 
Trong một thời gian dài, các nước phương Tây không có chế độ Nhà nước cung cấp tài chính cho các cuộc vận động bầu cử. Cho đến những năm 1970, sự giúp đỡ của Nhà nước chỉ bao gồm việc tạo điều kiện cho các ứng cử viên được sử dụng đài phát thanh và truyền hình nhà nước, in các bản tin, cung cấp địa điểm...Các đảng cầm quyền nhiều lúc đã sử dụng một số phương tiện của Nhà nước để phục vụ vận động bầu cử, còn các đảng đối lập phải dựa vào dựa vào các nguồn khác như đóng góp của đảng viên, của những người hảo tâm. Do chi tiêu, nhu cầu tài chính của các đảng trong vận động bầu cử tăng với mức độ nhanh chóng, thực trạng trên đã dẫn đến những vụ bê bối tài chính rất lớn. Do đó, các chính phủ phải từng bước giải quyết việc Nhà nước cung cấp tài chính cho các đảng chi tiêu vào vận động bầu cử và cho phép các đảng được nhận các khoản đóng góp của cá nhân và đoàn thể theo những quy định của pháp luật.
 
 

 

 

Những nguồn tài chính được phép hoặc bị cấm 
Luật pháp nhiều nước quy định các khoản tài chính được phép tiếp nhận để lập quỹ bầu cử và những khoản đóng góp bị cấm. Những nguồn tài chính hợp pháp để lập quỹ vận động bầu cử: khoản tiền của Nhà nước (uỷ ban bầu cử) cấp; các khoản thu của đảng phái hoặc của ứng cử viên; đóng góp tự nguyện của cá nhân, pháp nhân. Các khoản đóng góp sau đây bị cấm ở một số nước với những quy định khác nhau: Của các Chính phủ, pháp nhân, cá nhân nước ngoài; những người không quốc tịch; công dân sở tại chưa đến độ tuổi nhất định; các khoản đóng góp không rõ nguồn...
 

 

 

Công khai hoá các nguồn tài chính
Ở những nước cho phép tư nhân đóng góp vào quỹ vận động bầu cử của đảng hoặc ứng cử viên, luật pháp bắt buộc những người nhận tiền phải công bố thông tin về các nguồn tiền và việc sử dụng những khoản tiền này cho bầu cử. Ở Mỹ, các khoản đóng góp không rõ nguồn cho mỗi ứng cử viên không được quá 100 đô la. Cá nhân mỗi năm không được đóng quá 25000 đô la cho đảng và 2000 đô la cho ứng cử viên 7 .
 
Việc công khai hoá nguồn tài chính trong bầu cử nhằm giúp công chúng nắm rõ nguồn của các khoản đóng góp cho các chính đảng và ứng cử viên, từ đó có thể đánh giá mức độ ảnh hưởng tiềm tàng mà người tài trợ có thể tác động lên ứng cử viên.
 
Bên cạnh đó, bí mật cá nhân (privacy) cũng quan trọng không kém, là một trong những quyền hiến định của công dân. Khi những khoản đóng góp được giữ bí mật, những người đóng góp có thể tránh được sức ép xã hội, của công luận, trên phương diện nào đó khuyến khích sự tham gia của công chúng vào chính trị.
 
Do đó, vấn đề đặt ra ở đây là: pháp luật phải điều chỉnh ranh giới giữa công khai và bí mật cá nhân như thế nào? Làm thế nào để dung hoà hai mặt đều quan trọng như nhau trong quá trình dân chủ này? Luật pháp nhiều nước nghiêng về giải pháp là phải công bố tổng số tiền đóng góp, còn đối với khoản đóng góp vượt quá mức quy định nào đó thì chính đảng hoặc ứng cử viên phải công bố danh tính của người đóng góp. Ví dụ như ở Canada, nếu khoản đóng góp vượt quá 200 đô la Canada thì đảng, ứng cử viên phải công bố tên tuổi, địa chỉ của người đóng góp 8 . 
 

 

 

Giám sát tài chính trong vận động bầu cử 
Xuất phát từ những giới hạn trên đây, luật pháp nhiều nước quy định chặt chẽ về kiểm tra, giám sát việc thu chi số tiền mà đảng hoặc ứng cử viên nhận được. Ở Mỹ, mỗi ứng cử viên vào chức vụ cấp liên bang phải nêu rõ bằng văn bản danh tính của uỷ ban vận động bầu cử của ứng cử viên đó. Bộ phận kế toán của uỷ ban này phải trình các bản báo cáo về các khoản thu và chi của ứng cử viên. Những ai vi phạm sẽ bị phạt tiền, còn tên tuổi họ sẽ được công bố và nhiều trường hợp bị cấm không được ra ứng cử trong các cuộc bầu cử sau. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy trong điều kiện "chuyên nghiệp hoá" vận động bầu cử, các nhà tư vấn nhiều kinh nghiệm có thể tìm ra những khe hở trong luật pháp để giúp các ứng cử viên giảm các thông số về các khoản thu chi bầu cử.  Ở một số nước, việc Nhà nước cung cấp tài chính cho bầu cử được quy định trong luật ngân sách và những văn bản luật tài chính khác (Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Luxemburg).
 
 

 

 

III- Bình đẳng trong bầu cử
 
Như chúng ta đã thấy ở phần trên, một trong những nguyên tắc trong bầu cử là sự bình đẳng. Luật pháp các nước có những quy định khác nhau nhằm bảo đảm sự bình đẳng trong bầu cử trên các phương diện: sử dụng các kênh thông tin đại chúng và sử dụng các nguồn tài chính.
 
Nhưng ngay trong các quy định của pháp luật cũng có thể nhận thấy một số nét phân biệt. Ví dụ như Nhà nước dành cho các đảng khoản tài chính chỉ trong trường hợp đảng đó phải giành được số phiếu nhất định (ở Thuỵ Sĩ là 2%, CHLB Đức - 0,5%), hoặc phải có ứng cử viên tại 2/3 khu vực bầu cử ( Ý )...Số tiền được cấp không đồng nhất như nhau mà tỉ lệ thuận với số phiếu giành được (Đức, Na Uy) hoặc với số ứng cử viên của đảng (Thuỵ Điển, Đan Mạch, Phần Lan).
 
Bên cạnh đó, trên thực tế, sự bình đẳng cũng ở mức độ tương đối. Một số yếu tố bất bình đẳng có thể nhận thấy trong vận động bầu cử:
 
a) Luật pháp nhiều nước cấm sử dụng phương tiện, nguồn lực của Nhà nước vào mục đích bầu cử, nhưng nếu ứng cử viên là quan chức thì trong nhiều trường hợp khó có thể phân biệt đâu là hoạt động vận động bầu cử, đâu là hoạt động nhà nước. Trong đợt bầu cử Tổng thống trước thời hạn ở Nga năm 2000, không phải ngẫu nhiên mà công luận, báo chí, nhất là các đối thủ của Putin (lúc đó là Quyền Tổng thống) đặt câu hỏi: Việc ông cầm lái trong một thời gian ngắn (có phi công ngồi cùng) chiếc phản lực tiêm kích SU-27 đi Chechnhia, hay việc ông thăm và cầm lái tàu ngầm nguyên tử hạt nhân ở Murmansk... có phải là hoạt động nhà nước hay không, hay là những động thái quảng bá, "đánh bóng" hình ảnh nhằm mục đích tuyên truyền bầu cử? Họ lưu ý rằng, một cá nhân khác, thậm chí nếu được phép như vậy thì cũng phải trả một khoản tiền rất lớn để thuê máy bay, phi công...
 
b) Nếu so với ứng cử viên - công dân bình thường thì ứng cử viên là quan chức, nhất là quan chức cao cấp có lợi thế lớn hơn nhiều xét trên phương diện thực lực để thực hiện lời hứa của mình. Chẳng hạn, nếu so một cô giáo với một vị quan chức cao cấp thì vị quan chức rõ ràng có nhiều mối quan hệ hơn, có thực quyền hơn, và bởi vậy cử tri dễ nghe theo ông ta hơn. Do đó, cho dù có quy định tạm thời thôi giữ chức trong thời gian bầu cử thì cán cân vẫn nghiêng về ông ta?
 
*
 
*      *
 
Nhìn chung, vận động bầu cử là một công đoạn không thể thiếu trong quá trình bầu cử. Vận động bầu cử làm cho bầu cử trở nên dân chủ, khách quan, công bằng hơn. Nó tạo ra cho cử tri những phương án khác nhau để lựa chọn, đúng với bản chất của bầu cử là lựa chọn phương án tối ưu nhất vào thời điểm bầu cử. Như vậy, qua sự lựa chọn trong bầu cử, cuối cùng đạt được sự ổn định và trật tự trong đời sống xã hội.
 
Ở nhiều nước, ý nghĩa của bầu cử ở chỗ không phải là sự phản ánh đồng thuận trên bề mặt xã hội, mà để mỗi công dân có thể thể hiện ý chí, quan điểm của mình về bộ máy quyền lực nhà nước, và vận động bầu cử tạo cơ sở để cử tri biết được cần gửi gắm ý chí, quan điểm vào ai.
 
Trong bầu cử có những yếu tố tâm lý. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì cử tri khi tham gia bầu cử không chỉ đứng trước nhu cầu phải xác định quyền lợi của mình theo chương trình hành động của các chính đảng và ứng cử viên, mà còn thể hiện mối thiện cảm hay ác cảm đối với những ứng cử viên cụ thể. Trong các cuộc bầu cử, thường nhận thấy sự hưng phấn về mặt cảm xúc trong xã hội, và nhiều lúc sự hưng phấn đó đi quá giới hạn. Bởi vậy, ở nhiều nước có những chuẩn mực, quy tắc ứng xử chính trị và các quy định pháp lý thích ứng để phòng ngừa những trường hợp quá khích; điều chỉnh, giải quyết những xung đột về quan điểm một cách văn minh, hoà bình, thông qua tranh cử. Như vậy, bầu cử nói chung và vận động bầu cử nói riêng mở ra con đường giải quyết một cách dân chủ những mâu thuẫn trong xã hội, loại trừ sự đụng độ thể chất, là phương thức hợp lý, hợp pháp để thiểu số thuyết phục đa số về ý kiến, quan điểm của mình. Vận động bầu cử góp phần làm cho bầu cử trở nên "ngày hội của dân chủ"./.
 
 
 
1.      Chính trị học, NXB Infra -M, Moskva, 2000. Tr. 254.
2.      Tl đ d, tr. 264.
3.      Luật hiến pháp so sánh, Trirkin chủ biên, Moskva, 1996, tr. 368.
4.      Báo cáo năm 1992 của Uỷ ban hoàng gia Canada về cải cách bầu cử và tài chính
đảng, Election Canada On - line, http://www.electionwold.org
5.      Luật hiến pháp CHLB Nga, M. Baglai, Moskva, Nhà xuất bản Infra - M, 2001, tr. 356.
7.      http://www.google.com ( từ khoá: "election campaign ")
8.      Election Canada online, tl đ d.