Nhu cầu tìm hiểu hệ thống pháp luật Hoa Kỳ

01/03/2002

TS. NGUYỄN NHƯ PHÁT Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật

Để chuẩn bị tốt cho việc thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về quan hệ thương mại (dưới đây gọi là Hiệp định), hiện đang có nhiều cơ quan, tổ chức quan tâm đến việc đối chiếu với tinh thần và nội dung của Hiệp định để sắp xếp, phân loại hệ thống các văn bản pháp luật của nước ta vì mục tiêu bãi bỏ hay sửa đổi; có cơ quan, tổ chức lại quan tâm đến việc tổ chức các buổi toạ đàm, hội thảo giới thiệu nội dung của Hiệp định và bàn về các điều kiện chuẩn bị thực hiện. Lại có ý kiến cho rằng, vì hệ thống pháp luật Hoa Kỳ là "rối rắm" nên cần ưu tiên cho việc đào tạo một đội ngũ luật sư có hiểu biết về pháp luật Hoa Kỳ... Bài viết dưới đây xem xét bản chất của hiệp định song phương đặc biệt này trong mối quan hệ với việc Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức thương mại thế giới và lý giải tại sao cần thiết tìm hiểu hệ thống pháp luật Hoa Kỳ như một bước tiếp tục phát triển pháp luật Việt Nam trong giai đoạn hội nhập.
 
 
1. Bối cảnh của Hiệp định
 
Đến nay, Việt Nam đã từng đàm phán và ký kết với nhiều quốc gia những hiệp định song phương về quan hệ thương mại. Nhưng đây là Hiệp định về quan hệ thương mại được đàm phán và ký kết với một lộ trình phức tạp và phạm vi rất đồ sộ. Bởi lẽ, việc ký kết Hiệp định này diễn ra trong bối cảnh mới của đời sống chính trị, pháp lý, kinh tế và đối ngoại của Việt Nam:
 
a. Việt Nam thiết lập quan hệ thương mại với Hoa Kỳ trong bối cảnh của chính sách chủ động hợp tác, hội nhập và mở cửa với thế giới bên ngoài về mọi phương diện, mà trước hết là về kinh tế . Việt Nam đã là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực, càng ngày càng trở thành thành viên tích cực và đối tác tin cậy của các tổ chức đó. Điều đặc biệt là từ 1995, Việt Nam đã chính thức xin gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) mà khi là thành viên của tổ chức này, Việt Nam phải tuân thủ các cam kết đã đạt được trong khuôn khổ WTO (tuân thủ pháp luật của WTO).
 
b. Là đối tác mới của Việt Nam, đồng thời là một thành viên quan trọng của WTO, Hoa Kỳ, cùng với pháp luật của họ đã và đang có khả năng gây ảnh hưởng của mình và chi phối pháp luật của WTO. Ngược lại, pháp luật Hoa Kỳ cũng phản ánh khá rõ các nguyên tắc về tự do thương mại của tổ chức kinh tế này. Từ nhiều năm nay, các nhà làm luật Hoa Kỳ đã nội hoá nhiều pháp luật của WTO và trên thực tế, đời sống thương mại ở Hoa Kỳ đã được thiết lập, hoạt động trên tinh thần cơ bản của các nguyên tắc pháp lý của WTO. Điều đó có nghĩa rằng, " giao lưu " với pháp luật thương mại Hoa Kỳ thông qua đàm phán, ký kết và thực hiện Hiệp định là bước tập dượt quan trọng để làm quen và triển khai tư tưởng pháp lý của WTO tại Việt Nam 1 .

c. Việt Nam và Hoa Kỳ đàm phán thiết lập quan hệ thương mại trong bối cảnh hai nước mới bình thường hoá quan hệ ngoại giao trong thời gian gần đây, trong khi đối tác kinh tế quan trọng mà Việt Nam không thể không tiếp cận là Hoa Kỳ và ngược lại, Hoa Kỳ cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội để có được vị thế trong những hoạt động kinh tế tại Việt Nam.
 
 
2. Nhu cầu tìm hiểu, giới thiệu về hệ thống pháp luật Hoa Kỳ trong và ngoài bối cảnh của Hiệp định
 
 
a. Ký kết, thực hiện Hiệp định là cơ hội và yêu cầu để mở rộng hợp tác, hội nhập của pháp luật và Nhà nước Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, là cơ hội để phát triển pháp luật và tư duy pháp lý Việt Nam
 
 
- Trong khi Luật Thương mại năm 1997 của Việt Nam chỉ coi 14 nhóm hành vi trên thương trường thuộc phạm trù thương mại thì Hiệp định coi các quan hệ thương mại 2 bao gồm 4 lĩnh vực rộng lớn của đời sống kinh tế (thương mại hàng hoá; quyền sở hữu trí tuệ; thương mại dịch vụ; đầu tư). Như vậy, nếu so sánh ở cấp độ sơ khai nhất thì thấy rằng, quan niệm về thương mại của hai Chính phủ (thể hiện trong Hiệp định) là tương đương với nhiều lĩnh vực pháp luật, văn bản pháp luật và ngành luật thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ và không phải là sự tương đồng hay không tương đồng về số lượng các văn bản hay lĩnh vực pháp luật mà trước hết, cần hiểu thấu đáo các nguyên tắc xem xét, áp dụng và thi hành pháp luật.
 
Khi cả bốn lĩnh vực pháp luật trên đây được ghi nhận trong một văn bản Hiệp định thì điều đó có nghĩa là, xuất phát từ những nguyên tắc chung và thống nhất của tinh thần Hiệp định mà các bên đã cam kết, việc áp dụng, thi hành những bộ phận cấu thành của văn bản này phải được đặt trên những nguyên tắc và học thuyết có tính thống nhất, kể cả quá trình tố tụng. Trong khi đó, những mảng pháp luật tương đồng thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam lại tồn tại khá riêng rẽ, phân tán và đáng nói hơn cả là không thống nhất về tư duy, về nguyên tắc pháp lý cũng như cách thức áp dụng chúng. Có lẽ, đây là trở ngại và khó khăn lớn nhất đối với hệ thống pháp luật Việt Nam khi tiến hành " nội hoá " các yếu tố pháp luật của quốc tế. Có thể, đây sẽ là dịp để các nhà luật chúng ta xem xét lại các quan niệm về ngành luật, về nguyên tắc áp dụng pháp luật, nguyên tắc tố tụng và tổ chức các cơ quan tài phán ở Việt Nam - nhu cầu xuất phát từ nghĩa vụ thi hành Hiệp định.
 
- Cam kết với Hoa Kỳ về thương mại thực chất vẫn chỉ là những cam kết song phương. Như vậy, bên cạnh những nguyên tắc và vấn đề pháp lý chung để Việt Nam hướng tới WTO, các Bên đã có những cam kết riêng rẽ, xuất phát và thể hiện những nhu cầu, điều kiện cụ thể về kinh tế, pháp luật của mỗi quốc gia và tình hình thực tế của mối quan hệ giữa hai nước. Điều đó có nghĩa là, bên cạnh mục tiêu là thiết lập bước chuyển tiếp để gia nhập WTO, Hiệp định còn tạo cơ sở, tiền đề để Việt Nam và Hoa Kỳ có những cam kết tiếp theo về nhiều lĩnh vực pháp luật khác. Như vậy, tìm hiểu hệ thống pháp luật Hoa Kỳ cũng là để chuẩn bị cho việc đàm phán, ký kết và thực hiện những hiệp định mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
 
- Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ và hệ thống pháp luật Việt Nam là hai hệ thống vốn đã rất xa nhau về truyền thống, tiếp tục khác nhau về thực trạng, nội dung và hình thức, nay lại phải " cọ sát với nhau ", " tự kiềm chế và độ lượng " để thống nhất với nhau trong bản Hiệp định. Pháp luật Hoa Kỳ thuộc dòng thông luật (Common Law) và về lĩnh vực thương mại, là một hệ thống pháp luật khá phát triển, năng động và phức tạp. Trong khi đó, Việt Nam có hệ thống pháp luật XHCN, với những dấu hiệu của hệ thống luật lục địa (Civil Law), khác biệt căn bản với Thông luật và đang còn ở trình độ thấp về nhiều phương diện so với thế giới .
 
 
b. Thi hành Hiệp định phải dựa trên cơ sở hiểu biết thấu đáo về toàn bộ hệ thống pháp luật và
 

đời sống pháp lý Hoa Kỳ

Khi các Bên của Hiệp định tuân thủ Hiệp định, thì điều đó có nghĩa là toàn bộ nội dung của Hiệp định sẽ trở thành hiện thực pháp lý trong đời sống pháp luật của mỗi quốc gia và trở thành một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật ở mỗi quốc gia. Mặc dù về bản chất (giai cấp), quan niệm, cơ cấu cũng như cách thức áp dụng ở mỗi quốc gia có thể khác nhau, song cả hai hệ thống pháp luật của hai quốc gia đều có tính chất chung là " hệ thống " với những bộ phận hợp thành, bao gồm cả những cam kết trong Hiệp định, có mối liên hệ tương tác với nhau trong quá trình thực hiện và chúng chỉ có thể có hiệu quả thi hành khi được xem xét trong bối cảnh chung của cả hệ thống. Tuy nhiên, do hai hệ thống này có những khác biệt lớn nên nội dung và tính chất của những liên hệ tương tác ở mỗi hệ thống cũng có những nét riêng và phải được xem xét trong bối cảnh của từng hệ thống. Khó có thể xuất phát từ tư duy của hệ thống pháp luật Việt Nam để xem xét về vị trí của Luật thương mại trong pháp luật Hoa Kỳ. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà từ nhiều năm nay, nhiều luật gia và thương gia Mỹ đã quan tâm đến hệ thống pháp luật Việt Nam.
 
Kể cả khi loại trừ khả năng " thủ thế " trong đàm phán Hiệp định của phía Hoa Kỳ thì, xuất phát từ tính phức tạp và đặc biệt là tính xung đột (về luật nội dung và hình thức) của hệ thống pháp luật Hoa Kỳ, một vấn đề đặt ra theo lôgíc sẽ là: khi thi hành Hiệp định, phía Hoa Kỳ sẽ tận dụng những khả năng, cơ hội và cách giải thích pháp luật theo hướng có lợi cho các đối tác Hoa Kỳ. Vì vậy, để lường trước được những tình huống như vậy, để bảo vệ và bảo đảm an toàn cho các đối tác Việt Nam, cần phải tìm hiểu cả quá trình áp dụng và thực tiễn đời sống pháp lý Hoa Kỳ.
 
Hơn thế nữa, trong khi bản thân Hiệp định là cơ sở trực tiếp của các hoạt động thương mại cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp của hai nước, song, tất cả các hoạt động thương mại đó đều diễn ra trong khuôn khổ chung, thống nhất (tuy ở mỗi nước có mức độ khác nhau) của một Nhà nước pháp quyền. Vì vậy, chúng có liên hệ chặt chẽ với việc giải quyết nhiều vấn đề pháp lý khác trong toàn bộ đời sống pháp luật. Rồi đây, khi các pháp nhân hay thể nhân Việt Nam tiếp xúc với các đối tác Hoa Kỳ hay hoạt động trực tiếp trong xã hội Mỹ, họ sẽ được bảo vệ và các hành vi thực tế của họ sẽ được điều chỉnh bởi không chỉ những cam kết trong Hiệp định mà bằng toàn bộ hệ thống pháp luật Hoa Kỳ. Lúc đó, họ sẽ có nhu cầu tìm hiểu và có nghĩa vụ tuân thủ cả một hệ thống pháp luật xa lạ.
 
 
c. Nghiên cứu tìm hiểu và giới thiệu hệ thống pháp luật Hoa Kỳ là thể hiện một thực trạng về nhu cầu đa dạng của nhiều giới trong xã hội Việt Nam
 
 
Do lịch sử để lại, nền văn hoá Hoa Kỳ, trong đó có nền văn minh pháp lý không được truyền bá rộng rãi trong những thế hệ người Việt Nam đương thời. Trong thời đại ngày nay, cùng với xu hướng xích lại giữa các dân tộc và quốc gia trong cộng đồng quốc tế, cùng với chính sách đối ngoại cởi mở và có nguyên tắc của Nhà nước ta, sự giao lưu và hợp tác cùng phát triển trên nhiều lĩnh vực (văn hoá, khoa học, kinh tế, chính trị ngoại giao...) giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được khởi sắc với những dấu hiệu tích cực, đang hình thành sự quan tâm của nhiều người Việt Nam cả về phương diện pháp lý của vấn đề.
 
- Trong số những người có nhu cầu tìm hiểu và được giới thiệu về pháp luật Hoa Kỳ, trước hết phải kể đến giới doanh nghiệp Việt Nam.
 
Mới hình thành từ khi Việt Nam cải cách kinh tế, phát triển trong một trật tự xã hội mà pháp luật chưa hoàn thiện và chưa được tôn trọng triệt để, đội ngũ doanh nghiệp non trẻ (kể cả các doanh nghiệp Nhà nước), về căn bản, chưa có thói quen sử dụng công cụ pháp luật trong kinh doanh, chưa coi những yếu tố pháp lý là tiêu chí quan trọng trong việc hoạch định chiến lược và kế hoạch kinh doanh của mình- một điều khác biệt căn bản với tư duy của thị trường và các doanh nghiệp Mỹ.
Trong khi đó, trước những cơ hội kinh doanh mới, họ sẽ phải đối mặt với một thương trường và đối tác mà ở đó pháp luật vừa phức tạp, xa lạ với ta, vừa được coi là thước đo rất nghiêm túc cho các hoạt động kinh doanh trên thương trường và trong xã hội.
Trong thời gian gần đây, ở Việt Nam, một số cơ quan, tổ chức kết hợp với các tổ chức nước ngoài đã có những hoạt động mang tính diễn đàn, giới thiệu về pháp luật Hoa Kỳ và chủ yếu là Hiệp định. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của thời gian và tính chất của hoạt động như vậy vẫn chưa đem lại cho " dân trí " Việt Nam - những nhà đầu tư tiềm năng vào thị trường Hoa Kỳ, những nhận thức chung và toàn diện về pháp luật Hoa Kỳ. Tại đây, chỉ có một số ít người có điều kiện tìm hiểu, mà cũng " chỉ thấy cây mà không thấy rừng ".
 
- Giới pháp lý Việt Nam cũng có nhu cầu lớn trong việc tìm hiểu và giới thiệu pháp luật Hoa Kỳ.
 
Như đã trình bày trên đây, xuất phát từ truyền thống và khả năng thực tế, giới pháp lý Việt Nam đến nay chưa có những nghiên cứu căn bản về hệ thống pháp luật Hoa Kỳ.
 
Theo chúng tôi, những công trình khoa học nghiên cứu về pháp luật Hoa Kỳ, một số bài viết giới thiệu về Hiệp định còn đang ở mức khai phá. Vì thế, không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam mà giới pháp lý Việt Nam vẫn chưa có đầy đủ được nhận thức chung nhất về pháp luật Hoa Kỳ.
 
Bên cạnh đó, để thi hành Hiệp định, một số cơ quan Nhà nước Việt Nam cũng đã bắt đầu với việc sắp xếp, liệt kê và phân loại các văn bản pháp luật của Việt Nam với mục đích phát hiện những nội dung bất cập và nhu cầu sửa đổi. Tuy nhiên, trong quá trình này, việc nghiên cứu về hệ thống pháp luật Hoa Kỳ- nền tảng và khung pháp lý cho những cam kết của Hoa Kỳ trong Hiệp định lại ít được quan tâm nghiên cứu. Hơn thế nữa, nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật Hoa Kỳ của giới pháp lý Việt Nam không chỉ vì và giới hạn trong quá trình thực hiện Hiệp định.
 
- Các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các cơ quan Chính phủ Việt Nam cũng phải quan tâm đến pháp luật Hoa Kỳ. Là những cơ quan đại diện cho chủ quyền quốc gia trong sự hợp tác và hội nhập quốc tế, Chính phủ và các cơ quan thuộc hệ thống Nhà nước Việt Nam không thể bỏ qua những điều kiện và khung pháp lý của những mối quan hệ song và đa phương của nước nhà. Tuy nhiên, sự quan tâm của các cơ quan công quyền sẽ đặt trọng tâm vào những vấn đề mang tính vĩ mô, đường lối, chính sách pháp luật và những khả năng pháp lý của những quan hệ mang tính quốc gia.
 
Tất cả những điều trình bày trên đây cho phép đi đến một số kết luận sau:
 
Thứ nhất: Tìm hiểu, nghiên cứu và giới thiệu pháp luật Hoa Kỳ trong bối cảnh thi hành Hiệp định thương mại là hết sức cần thiết, cấp bách trong khoa học và thực tiễn pháp lý Việt Nam hiện nay, là việc làm có ý nghĩa không chỉ trong quá trình áp dụng lộ trình thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
 
Thứ hai: Việc ký kết, thực thi Hiệp định thương mại sẽ không chỉ nảy sinh và phải giải quyết những vấn đề riêng của pháp luật thương mại, mà phải đặt trong bối cảnh hiện nay là phải nghiên cứu một cách toàn diện, tổng thể theo cách nhìn hiện hữu và trong sự phát triển. Như vậy, bình diện của vấn đề ở đây không chỉ là từ cách nhìn của pháp luật Hoa Kỳ, tìm hiểu nội dung của Hiệp định xem người Mỹ quan niệm về Hiệp định như thế nào mà xa hơn nữa, cần phải hiểu biết cả hệ thống pháp luật và đời sống pháp lý Hoa Kỳ. Việc nghiên cứu, giới thiệu hệ thống pháp luật Hoa Kỳ là để phục vụ nhu cầu nhận thức và xử sự của nhiều giới trong xã hội Việt Nam, quyết không chỉ vì việc hình thành một đội ngũ luật sư mới.
 
Thứ ba: Khi nghiên cứu pháp luật Hoa Kỳ, phải bắt đầu với một phương pháp tiếp cận và xem xét cụ thể trên cơ sở hiểu biết tường tận các thực tế đời sống pháp lý của xã hội Mỹ. Phải đứng trên chính mảnh đất pháp lý cùng với những phương pháp của pháp luật Hoa Kỳ để nhận biết và tìm hiểu hệ thống pháp luật này. Điều đó có nghĩa là, từ những lý do trên đây, nghiên cứu pháp luật Hoa Kỳ phải bắt đầu từ những nhận thức chung đến riêng, từ đơn giản đến phức tạp.
Xuất phát từ bối cảnh của Hiệp định, từ thực trạng nhận thức nhu cầu khác nhau về tìm hiểu hệ thống pháp luật Hoa Kỳ từ phía Việt Nam, nghiên cứu pháp luật Hoa Kỳ sẽ nhằm đáp ứng các mục tiêu sau đây:
 
a. Cung cấp thông tin và tư vấn cho Chính phủ, các cơ quan Chính phủ, các cơ quan khác của Nhà nước, các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư trong xã hội về pháp luật Hoa Kỳ, nhằm phục vụ tốt hơn hoạt động của họ trong quá trình giao lưu với Nhà nước và xã hội Hoa Kỳ.
 
b. Trên cơ sở và vượt ra khỏi những vấn đề thuộc nội dung của Hiệp định, việc nghiên cứu sẽ phục vụ trực tiếp cho việc triển khai lộ trình và thi hành Hiệp định. Xa hơn nữa, việc nghiên cứu sẽ có mục tiêu là phát hiện và chuẩn bị kịp thời cho những giao lưu và hội nhập quốc tế mới trong những sự kiện pháp luật tiếp theo với Hoa Kỳ, chuẩn bị cho việc gia nhập WTO của Việt Nam, khắc phục tình trạng như hiện nay là do không có sự chuẩn bị trước nên ngay chính giới chuyên môn (pháp lý) cũng chưa nhận thức hết được nội dung của Hiệp định.
 
c. Góp phần nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn của giới pháp lý Việt Nam trong quá trình nhận thức các hệ thống pháp luật trên thế giới, mà trước hết là hệ thống thông luật đang điều chỉnh hành vi của 30% nhân loại./.
 
 
 
1.      Xem: Lời nói đầu và Điều 1, Khoản 2, Chương I, Hiệp định.
2.      Xem: Điều 45 của Luật Thương mại năm 1997