Cải cách tư pháp ở Nga

01/02/2002

NGUYỄN ĐỨC LAM

Tạp chí Nghiên cứu lập pháp

VPQH

 
 
Bên cạnh các văn bản pháp luật, quan hệ lao động còn được điều chỉnh bởi thoả ước lao động tập thể. Vậy thoả ước lao động tập thể có ý nghĩa gì, thực trạng ký kết và thực hiện thoả ước trong thời gian qua như thế nào và tại sao lại có thực trạng đó; cần làm gì để hoàn thiện chế độ thoả ước lao động tập thể, nâng cao chất lượng ký kết và thực hiện. Những vấn đề này được tác giả đề cập và phân tích trong bài viết dưới đây.
 
 
Vào cuối tháng 11/2001, Duma quốc gia Nga đã thông qua sau lần đọc thứ ba dự thảo sửa đổi các đạo luật: "Luật về vị trí pháp lý của thẩm phán", "Luật về hệ thống toà án", "Luật về Toà án Hiến pháp". Duma cũng thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự mới. Theo đánh giá của các giới, Hội đồng Liên bang và Tổng thổng cũng sẽ có cùng quan điểm với Duma. Như vậy, cuộc cải cách tư pháp cả gói ở Nga bước vào giai đoạn mới. Tuy nhiên, Liên bang Nga còn phải tiếp tục sửa đổi nhiều trong lĩnh vực tư pháp. Bài viết này xin giới thiệu một số nét của cuộc cải cách cho đến thời điểm hiện nay, đồng thời cũng cung cấp một số thông tin về những quan điểm trái ngược nhau trong quá trình cải cách. 
I- Bối cảnh và yêu cầu cải cách 
 
Những con số
 
Hệ thống toà án Nga gồm ba nhánh: Toà án Hiến pháp, các toà án trọng tài, các toà án có thẩm quyền chung. Các toà thẩm quyền chung gồm: Toà án tối cao Liên bang Nga, 89 toà án khu vực, khoảng 2000 toà án quận huyện, các quan toà hoà giải có ở 33 khu vực. Toà án Hiến pháp có 19 thẩm phán, các toà trọng tài - 2500, các toà thẩm quyền chung - 16700, 8% ghế thẩm phán còn thiếu, 1/3 số thẩm phán đã từng là kiểm sát viên, công an, điều tra viên, thư ký toà án.Vào năm 2.000, các toà án xét xử 0,9 triệu vụ án hình sự với 1,3 triệu bị cáo, hơn 5 triệu vụ dân sự, 2 triệu các vụ án khác, xem xét 450.000 đơn kháng án. So với năm 1991, số lượng vụ án tăng 500%.Liên bang Nga có 40.000 kiểm sát viên, 50.000 điều tra viên.
 
(Nguồn: Pashin S. The current situation with juridicial reform in Russia - http://www.ksgnotest1.harvard.edu) 
 
Từ 1991 đến 1995 
Ngày 24/10/1991, Xô viết tối cao Liên bang Nga đã thông qua Chương trình cải cách tư pháp của Liên bang Nga. Từ đó đến 1995 đã làm được những việc quan trọng sau đây:
Năm 1991 : Bỏ hình phạt tử hình đối với những tội không gây bạo lực; trong lĩnh vực dân sự, nhiều đạo luật được thông qua hoặc sửa đổi để bảo vệ quyền sở hữu và giao dịch dân sự giữa công dân với nhau; công dân Nga có quyền khiếu kiện lên toà án về những quyết định hoặc hành vi bất hợp pháp của chính quyền;
Cũng trong năm này, Toà án Hiến pháp lần đầu tiên được thành lập ở Nga; 
Năm 1992: Toà trọng tài được cải cách để giải quyết các tranh chấp kinh tế giữa các pháp nhân và giữa pháp nhân với các cơ quan Nhà nước; Luật về vị trí pháp lý của quan toà được thông qua, tuyên bố sự độc lập của các quan toà, thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời; từ năm 1992, những người bị cảnh sát tạm giam hoặc bị các cơ quan điều tra bắt giữ có quyền khiếu kiện lên toà (hàng năm toà xem xét 70.000 đơn dạng này và nhờ đó 1/5 người bị bắt giữ được thả) 1 ;
Năm 1993 : Luật cho phép toà án không tiếp nhận những chứng cứ thu thập được một cách bất hợppháp; mặc dầu Viện kiểm sát phản đối kịch liệt, Xô Viết tối cao đã thông qua Luật về bồi thẩm đoàn, bồi thẩm đoàn được thành lập ở 9 khu vực của Nga, có thẩm quyền trong các vụ án hình sự nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng (năm 2000 bồi thẩm đoàn tuyên trắng án 16% các vụ án mà họ được tham gia xem xét, trong khi đó các toà bình thường - chỉ 0,5%) 2
Năm 1995: Liên bang Nga phê chuẩn Công ước Châu Âu về quyền con người, công nhận thẩm quyền của Toà án Châu Âu đóng ở Strasbourg. 
 
Từ 1996 đến nay 
Vào năm 1996, cuộc cải cách tư pháp ở Nga bị ngừng trệ. Những cơ quan như cảnh sát, điều tra, viện kiểm sát không được cải cách. Tra tấn vẫn là một cách thức thông dụng để lấy lời khai.  
 
Tham nhũng
Tham nhũng đã trở nên phổ biến trong hệ thống toà án Nga. 322 thẩm phán bị sa thải trong ba năm gần đây vì tội ăn hối lộ. Trong dân gian đã lưu truyền nhiều chuyện châm biếm về tình trạng tham nhũng trong giới thẩm phán. Gusinski và Berezovski (hai nhà tài phiệt có tranh chấp với nhau) đến gặp thẩm phán - chuyện kể - Gusinski đưa thẩm phán 1 triệu USD, còn Berezovski đưa 1,5 triệu. Thẩm phán nói: "Chúng ta phải công bằng với nhau chứ" và trả lại cho Berezovski 500.000 USD.  
 
Thiếu thẩm phán 
Thiếu thẩm phán đủ tiêu chuẩn là một nét trong thực trạng tư pháp Nga những năm vừa qua. 1/3 ghế thẩm phán ở Moskva không có ứng cử viên đủ tiêu chuẩn, nhiều vị trí do những luật gia mới vào nghề đảm nhận. Việc thiếu thẩm phán làm cho tình trạng án tồn đọng càng tăng.  
 
Thiếu độc lập 
 
Phụ thuộc vào địa phương 
Vì những điều kiện vật chất tồi tệ, lương thẩm phán thấp (khoảng 150 USD), hệ thống toà án không thực sự được độc lập. Vào năm 2000, các toà án chỉ được chu cấp 1/3 so với nhu cầu tài chính cần thiết 3 . Bởi vậy, các toà án phải đi "xin" nguồn tài chính từ các tỉnh trưởng ở địa phương, mặc dầu điều này trái với Hiến pháp (theo Hiến pháp Liên bang Nga 1993, nguồn tài chính của toà án chỉ được lấy từ ngân sách Liên bang). Do đó, các toà án phụ thuộc rất nhiều vào địa phương.Không phải ngẫu nhiên mà Thị trưởng Moskva thắng mọi vụ kiện ở các toà của thủ đô. 
 
Sự chuyên quyền của chánh án 
Một trong những vấn đề lớn nhất trong hệ thống tư pháp Nga liên quan đến chánh án các toà án khu vực. Họ nắm trong tay quyền lực vô song. Nhiều thẩm phán là nạn nhân của tính khí thất thường của chánh án. Các bản án tuyên trắng án có thể hại sự nghiệp của thẩm phán vì chánh án không muốn vậy. Các thẩm phán có tổ chức gọi là Hội đồng thẩm phán (Council of Judges) để bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng những tổ chức này cũng nằm trong tay các chánh án.  
 
Chất lượng xét xử
Tiến độ xét xử của toà án rất chậm . 1/5 các vụ án hình sự và dân sự trong năm 2000 bị hoãn trái luật. Có những bị cáo phải đợi được xử trong các trại tạm giam đến 2-3 năm.Toà án vẫn nặng về kết tội . Điều này xuất phát từ tâm lý của thẩm phán luôn coi bị cáo là tội phạmtiềm năng, rằng Nhà nước không bao giờ sai. 99,6% bị cáo bị xử có tội. 42% bản án tuyên vô tội bị toà phúc thẩm bác bỏ, trong khi đó đối với các bản án tuyên có tội - chỉ 0,05%. Hàng năm có700.000 người bị tuyên có tội vì trộm vặt (một cậu bé 15 tuổi bị kết án 3 năm rưỡi tù chỉ vì ăn cắp hai con chuột bạch; một người phụ nữ 3 con bị kết án 4 năm vì ăn cắp 12 cái bắp cải) 4 .Số lượng các đơn khiếu nại về hoạt động chuyên môn của thẩm phán tăng từ 4.000 năm 1995 lên 18.000 vào năm 2000 5 . Ba lĩnh vực chính hay bị khiếu nại là sự đình trệ trong thủ tục tố tụng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp và quyền con người, thái độ thô bạo của thẩm phán khi ngồi ghế xét xử. Không hiếm trường hợp thẩm phán sửa chữa biên bản phiên toà.  
 
Lối suy nghĩ, làm việc 
Nhiều nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn ở Nga cho rằng đây là những nguyên nhân chính làm cho cải cách tư pháp bị đình trệ. Trước hết , những "tập quán" truyền thống trong nội bộ của ngành này đã chi phối hoạt động một cách có hiệu quả hơn nhiều so với các quy tắc chính thức, thậm chí thay thế các luật lệ. Sự lạm dụng quyền hạn của cảnh sát, tình trạng tra tấn người bị giam giữ, việc sửa chữa biên bản phiên toà, sự thoả thuận giữa thẩm phán và kiểm sát viên trước lúc xét xử, sự tránh né tuyên trắng án - đó là những nét trong "công nghệ" tố tụng của tư pháp Nga. Để các quyết định của mình không bị huỷ bỏ, các thẩm phán cấp sơ thẩm thường thoả thuận trước với kiểm sát viên, chánh án, các thẩm phán của cấp toà cao hơn. 
Thứ hai , lối suy nghĩ, làm việc của thẩm phán. Mục đích chính của cải cách là sự độc lập của quan toà. Nhưng thẩm phán Nga có muốn độc lập hay không? Thói quen của thẩm phán vẫn là hỏi ý kiến của cấp toà cao hơn, đặc biệt là của Toà án Tối cao và làm theo ý kiến đó. Một số câu nói của Toà án Tối cao đã thành châm ngôn đối với các cấp toà khác: "phán quyết lần thứ ba của toà không thể bị huỷ bỏ", "nếu anh không thích bản án không công bằng, bản án công bằng có thể sẽ tồi tệ hơn", "nếu anh không biết quyết định về vụ án như thế nào, hãy quyết định theo luật". Một thói quen khác là quen nhìn mọi bị cáo như những tội phạm tiềm năng. Thói quen thứ ba của thẩm phán là vẫn coi chính quyền có lợi thế hơn công dân khi toà xét xử tranh chấp. 
 
Yêu cầu bức thiết tiếp tục cải cách 
Nhận thấy thực trạng như vậy và yêu cầu không thể trì hoãn đối với việc tiếp tục cải cách, cải cách tư pháp là một trong những lời hứa chủ chốt trong chiến dịch vận động tranh cử của Putin. Trên trang chủ tranh cử, Putin đã tuyên bố viện kiểm sát phải chấm dứt "sự tư hữu hoá quyền lực" và chấm dứt tình trạng sử dụng các cơ quan thực thi pháp luật có vũ trang để phục vụ cho mục đích chính trị hoặc kinh doanh. Ông cũng hứa đưa lại "sự chuyên chính của luật pháp" (tiếng Nga - dictatura prava, tiếng Anh - dictatorship of law) 6 .Trong thông điệp gửi Nghị viện Nga (4/2001), Putin nhấn mạnh "vấn đề then chốt của chính quyền là lòng tin của công dân", lòng tin đó phụ thuộc vào việc Nhà nước có bảo vệ được công dân trước những thế lực mà ông gọi là "cướp ngày" hay không. Không còn lòng tin vào toà án, người dân buộc phải dựa vào những cách thức xử thế khác, phải viện đến "công lý ngầm" (cụm từ của Putin dùng: "tenhevoe pravosudie", tiếng Anh - shadow justice) và lúc đó không chỉ môi trường kinh doanh bị tổn hại, mà uy tín của quốc gia cũng giảm sút nghiêm trọng 7 .Điều nói trên cũng làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài. Hệ thống pháp luật yếu ớt là cản trở lớn nhất đối với kinh doanh ở đây. Tham nhũng và sự cẩu thả làm cho các bản án thường tuyên sai hoặc nước đôi, không rõ ràng, những nguyên tắc công bằng không thể áp dụng; các tranh chấp kinh tế kéo dài dây dưa, không được toà án giải quyết một cách thoả đáng làm mất lòng tin ở các nhà đầu tư nước ngoài. Putin gọi nền tư pháp Nga là "vấn đề chính trị" vì nó vi phạm quyền và lợi ích của người dân", bởi vậy cải cách là "tối cần thiết" 8 . Còn Chánh án Toà án Hiến pháp Liên bang Nga nói "cải cách tư pháp cần phải được tiếp tục mà không thể trì hoãn" 9
 
II - Những nội dung cải cách 
* Kế hoạch cải cách - những nhóm vấn đề chính 
Cuộc cải cách lần này theo đuổi mục đích cải cách những nhóm nội dung sau: 
Thứ nhất , cải thiện điều kiện vật chất cho toà án và thẩm phán. Điện Kremli dự định sẽ tăng lương cho thẩm phán và xây dựng trụ sở mới cho các toà án. Đến năm 2006, lương thẩm phán sẽ tăng lên 1000$. Trước mắt tốn khoảng 300 triệu $, tổng thể - 1,5 tỉ $ cho 5 năm tới để tăng lương và xây trụ sở toà án, đào tạo thẩm phán 10
Thứ hai , bảo đảm tính tối cao của pháp luật liên bang trên toàn bộ lãnh thổ Liên bang Nga. Theo chương trình cải cách, Chính phủ liên bang và các tỉnh trưởng buộc phải tuân theo phán quyết của Toà án Hiến pháp về tính vi hiến và trong vòng 4 tháng phải chuẩn bị xong dự án, dự thảo sửa đổi các văn bản vi hiến; cơ quan lập pháp địa phương phải thông qua dự thảo đó trong thời gian ngắn nhất; các quan chức liên quan có thể bị cách chức bởi một sắc lệnh của Tổng thống nếu trì hoãn trong chuyện này. Bộ tư pháp có thẩm quyền giám sát việc thực hiện trên thực tế. 
Thứ ba , sửa đổi thủ tục tố tụng. Mọi giới ở Nga đều công nhận Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự của Nga hiện nay đã lỗi thời. Theo dự định, quyền của bên bị cáo trong các vụ án hình sự sẽ được mở rộng và hầu như loại bỏ sự tham gia của viện kiểm sát vào các vụ án dân sự... 
Thứ tư, sửa đổi pháp luật theo chuẩn mực Châu Âu, bởi lẽ Liên bang Nga đã phê chuẩn Công ước Châu Âu về quyền con người. Mặt khác, sửa đổi những quy định còn trái với Hiến pháp. Ví dụ như Điều 2, Hiến pháp Nga 1993 quy định "công dân chỉ bị tước quyền tự do theo quyết định của toà án". Toà án Hiến pháp giải thích điều luật này theo tinh thần: tước quyền tự do ở đây không chỉ là việc bị cáo vào tù sau khi toà tuyên có tội, mà cả việc họ bị bắt, tạm giam trước khi xét xử. Như vậy - Toà kết luận - lâu nay việc Viện kiểm sát có quyền ký lệnh bắt, tạm giam là trái với Hiến pháp. 
Cuối cùng là vị trí pháp lý của quan toà. Đây là mảng nội dung được thay đổi lớn nhất. Thẩm phán có thể bị truy tố trách nhiệm hành chính, còn trách nhiệm hình sự sẽ được áp dụng theo thủ tục mới. Thẩm phán sẽ được bổ nhiệm mà không cần sự đồng ý của cơ quan lập pháp địa phương.
Thẩm phán sẽ có quyền ký lệnh bắt giam, bắt giữ?
Vậy trên thực tế, công cuộc cải cách tư pháp ở Nga lần này đã đạt được những kết quả gì? 
1- Vị trí pháp lý của thẩm phán  
 
Những luận điểm của hai bên 
Trong quá trình sửa đổi các luật liên quan đến hệ thống toà án đã diễn ra sự tranh cãi khá gay gắt giữa Nhóm công tác (do Tổng thống cử ra chịu trách nhiệm hoạch định chương trình cải cách) và giới thẩm phán xung quanh những quy định mới về vị trí pháp lý của thẩm phán. 
a) Quan điểm của Nhóm công tác
Về trách nhiệm 
Nhóm công tác muốn áp dụng chế định trách nhiệm hành chính, sửa đổi quy trình áp dụng trách nhiệm hình sự đối với thẩm phán vì theo họ, "trách nhiệm còn chưa rõ". Nhóm công tác lập luận, độc lập của quan toà không phải là mục đích tự thân, mà chỉ là phương tiện để đạt mục đích quan trọng hơn. Đối với công dân, độc lập mà thiếu những cơ chế khác để quyền lực tư pháp vận hành tốt thì sẽ không đem lại điều gì, ngoài việc đem lại cho quan toà toàn quyền hành động. Bên cạnh sự độc lập, một khía cạnh vô cùng quan trọng là phải có có cơ chế trách nhiệm của quan toà về tính khách quan, vô tư, về sự tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, giữ vững uy tín của quyền lực tư pháp.
Cải cách tư pháp theo đuổi hai mục đích: a) Củng cố sự độc lập của quan toà - không một ai có thể nắm trong tay công cụ pháp lý để gây áp lực lên quan toà, mà trước hết là các nhánh quyền lực khác; b) Đồng thời, quan toà cũng phải chịu trách nhiệm thực hiện những quyền hạn của mình một cách đúng đắn nhất - không hách dịch, không có quan hệ với thế giới ngầm, không tham nhũng.
Bởi vậy, cần áp dụng cơ chế xác định trách nhiệm, hay như ông Kozak, trưởng nhóm công tác nói: "Không một công dân Nga nào có thể được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao trên lãnh thổ Liên bang Nga" 11
Về tính khép kín của nội bộ khối toà án
Theo quan điểm của Nhóm công tác, không thể chấp nhận tính chất khép kín như lâu nay vẫn làm khi quyết định về việc truy tố hình sự đối với thẩm phán: Hội đồng tuyển chọn thẩm phán (nơi có thẩm phán bị nghi ngờ) họp kín với nhau để bàn về việc có đưa ra truy tố hình sự đối với thẩm phán đó hay không. Kiểm sát viên được mời đến dự nhưng sau khi nghe ông ta báo cáo, hội đồng họp riêng và bỏ phiếu kín. Và "Toà đồng chí" như thế khó có thể gọi là khách quan được. Bởi vậy, cần thay đổi quy trình quyết định truy tố hình sự đối với thẩm phán.
Trách nhiệm hành chính không phải là kênh gây áp lực
Về việc áp dụng trách nhiệm hành chính đối với thẩm phán, luận cứ phản đối chính - định chế này có thể được sử dụng như một kênh để gây áp lực đối với thẩm phán. Nhóm công tác lập luận: Quy trình để quy trách nhiệm hành chính cũng như trách nhiệm hình sự rất chặt chẽ. Ông Kozak đã so sánh: Đối với công dân, 90% những xử phạt hành chính đều do cảnh sát, thanh tra, kiểm lâm... quyết định một mình; hoặc thẩm phán cấp huyện quyết định cả số phận của con người khi tuyên án 10 năm tước quyền tự do cũng chỉ một mình. Trong khi đó, đối với thẩm phán, thậm chí chỉ phạt 5 rúp qua đường trái quy định cũng phải có sự tham gia của 3 thẩm phán Toà án Tối cao. Như vậy, khó có thể có chuyện gây áp lực ở đây. 
 
b) Quan điểm của các thẩm phán 
Lo ngại bị gây áp lực 
Ông V. Radtrenco, Phó Chánh án Toà án Tối cao Liên bang Nga cho rằng vẫn chưa có cơ chế để đảm bảo việc áp dụng trách nhiệm hành chính đối với thẩm phán sẽ không được sử dụng nhằm gây áp lực lên thẩm phán. Vì quyền lợi của công dân, thẩm phán cần phải được độc lập. Ông nhận xét, có 57 cơ quan (cảnh sát giao thông, hải quan, thanh tra săn bắn...) có quyền xử phạt hành chính đối với công dân, và những quyết định xử phạt của những cơ quan này có thể bị khiếu kiện lên toà. Đến lượt mình, người thẩm phán ra phán quyết bác bỏ quyết định xử phạt hành chính cũng cần
được bảo vệ khỏi sự truy tố của những cơ quan nói trên 12 . Lo ngại bị thu thập thông tin tổn hại thanh danh Nếu trách nhiệm hành chính được áp dụng thông qua Viện kiểm sát, cơ quan này sẽ có quyền hợp pháp thu thập thông tin tổn hại thanh danh thẩm phán dưới dạng truy trách nhiệm hành chính: lập biên bản, thẩm vấn nhân chứng, đòi hỏi cung cấp tài liệu... 16 năm trước, ở Liên Xô cũ đã bỏ trách nhiệm hành chính đối với thẩm phán vì có những trường hợp cơ chế này được sử dụng để thu thập thông tin làm tổn hại thanh danh những thẩm phán kiên định đã bác bỏ những quyết định xử phạt hành chính vi phạm quyền công dân.
Thái độ trách nhiệm của thẩm phán 
Về lập luận của Nhóm cải cách cho rằng độc lập của thẩm phán thì có, nhưng trách nhiệm thì ít, mọi việc của ngành toà án được giải quyết khép kín trong nội bộ, các thẩm phán phản bác: Bản thân các thẩm phán còn nghiêm khắc hơn đối với đồng nghiệp của họ. Ngoài ra, đó còn là những người được chọn lọc kỹ càng trước khi được bổ nhiệm: trên 25 tuổi, có không dưới 5 năm trong ngành luật, qua ba vòng xét duyệt là hội đồng tuyển chọn thẩm phán, cơ quan lập pháp địa phương và "Ban tổ chức - cán bộ" trực thuộc Tổng thống. Độ tuổi trung bình của thẩm phán trên 40 tuổi, phần lớn là phụ nữ, bởi vậy đó không phải là những người có thể vi phạm hành chính như lái xe quá tốc độ, say rượu, đánh nhau...  
 
Phương án thoả hiệp 
Sau những tranh cãi suốt hơn một năm, với sự trung gian của Tổng thống Putin, phương án thoả hiệp được thông qua đã phản ánh cả hai quan điểm. Theo lời ông Kozak, có tính chất nguyên tắc ở đây là những vấn đề pháp luật nội dung sẽ chỉ do toà cấp cao hơn gồm ba thẩm phán quyết định. Khối toà án vẫn có điều kiện bảo vệ đồng nghiệp khỏi truy tố, nhưng muốn vậy, cần phải chứng minh được rằng người ta muốn bỏ tù thẩm phán trái với pháp luật. Và bản thân hội đồng tuyển chọn thẩm phán sẽ gồm cả đại diện giới luật, có tính chất mở hơn. Do đó, những quyết định của hội đồng sẽ dễ dàng được báo giới và dân chúng biết, bởi vậy hội đồng buộc phải cân nhắc để đưa ra những quyết định hợp lý, nếu không công luận sẽ có phản ứng. 
Điểm có tính chất nguyên tắc khác là độ tuổi về hưu. Thẩm phán Toà án Hiến pháp được giữ chức lâu hơn 5 năm vì họ được bổ nhiệm một lần 15 năm. 
Chánh án và phó chánh án được bổ nhiệm nhiều lần ở cùng một toà, nhưng không quá 2 lần liên tục. Như vậy, có thể loại bỏ khả năng biến chánh án thành những vị vua nhỏ kiểm soát vương quốc của mình. 
Phương án được thông qua đã bổ sung những yêu cầu đối với ứng cử viên vào ghế thẩm phán như kiểm tra y tế. Hội đồng thẩm phán toàn Nga (The Council of Judges), theo đề nghị của Bộ y tế Nga sẽ lên danh sách những bệnh không cho phép bổ nhiệm ứng cử viên vào ghế thẩm phán. 
 
Phương án cải cách được Duma quốc gia thông qua

 

 
Chánh án, các phó chánh án tất cả các cấp xét xử được bổ nhiệm trong 6 năm; Một người có thể được bổ nhiệm nhiều lần làm chánh án của cùng một toà, nhưng không quá hai nhiệm kỳ liên tục; Độ tuổi cao nhất của thẩm phán Toà án Hiến pháp do Luật về Toà án Hiến pháp quy định là 70 tuổi; của Toà án Tối cao và Toà án Trọng tài Tối cao Liên bang Nga là 65 tuổi, những toà khác - 65 tuổi; Nếu thẩm phán có hành vi vi phạm kỷ luật, thẩm phán đó có thể bị áp dụng các biện pháp kỷ luật là cảnh cáo hoặc chấm dứt quyền hạn thẩm phán (trừ thẩm phán Toà án Hiến pháp); Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định về việc khởi tố hình sự thẩm phán liên bang dựa trên kết luận của hội đồng (collegium) gồm ba thẩm phán của toà cấp cao hơn và với sự đồng ý của hội đồng tuyển chọn thẩm phán cùng cấp; Viện trưởng Viện kiểm sát Tối cao quyết định về việc khởi tố hình sự thẩm phán của Toà án Tối cao và Toà án Trọng tài Tối cao Liên bang Nga dựa trên kết luận của hội đồng gồm ba thẩm phán của Toà án Tối cao và với sự đồng ý của Hội đồng tuyển chọn thẩm phán tối cao; Thành phần của Hội đồng tuyển chọn thẩm phán được mở rộng hơn, bao gồm cả đại diện của giới luật; Từ năm 2004, thẩm phán có quyền ký lệnh khám, bắt giữ; Bồi thẩm đoàn sẽ được thiết lập trên toàn bộ lãnh thổ Liên bang Nga từ năm 2003... (Nguồn: http://www.commertsant.ru) 

 
2- Bộ luật Tố tụng hình sự 

Bộ luật Tố tụng hình sự của Nga đã được sửa đổi nhiều lần từ năm 1960, nhưng nói chung vẫn giữ tinh thần nghiêng về trừng phạt, buộc toà án xác định chân lý khách quan (thông thường phù hợp với bên buộc tội), chứ không phải làm trọng tài cân nhắc những luận điểm của hai bên. Cơ chế mới sẽ giảm bớt khá nhiều quyền hạn của Viện kiểm sát, khi nhiều vấn đề sẽ được giải quyết trong quá trình xét xử công khai mở chứ không phải trong phòng làm việc của dự thẩm viên. Bởi vậy, Viện kiểm sát tìm mọi cách để bảo toàn quyền lực của mình. Bộ luật mới có hiệu lực từ 7/2002, bởi vậy, Viện kiểm sát còn có thời gian để vận động đưa vào những sửa đổi có lợi cho mình. Vào đầu năm 2001, Viện kiểm sát đã thoát được nguy cơ mất quyền ký lệnh bắt giam, sau đó là việc giảm thời hạn tạm giam giữ trước lúc xét xử. 
Nhưng theo BLTTHS mới, từ năm 2004, những quyền hạn sau đây sẽ được chuyển cho toà án: ký lệnh bắt, giam giữ người trên 48 tiếng, gia hạn thời gian tạm giam, quyết định về việc kiểm tra y tế bị cáo hoặc người bị tình nghi, khám xét tại nhà mà không cần sự đồng ý của chủ nhà, tịch thu những tài liệu chứa thông tin về tín dụng, ngân hàng, ký lệnh phong toả tài sản, kể cả tài khoản ngân hàng, kiểm soát việc nghe trộm điện thoại và những hình thức giao tiếp khác. Nếu bị can tự nhận tội, toà án có thể tuyên án mà không cần xét xử nếu kiểm sát viên, luật sư và nạn nhân không phản đối 13
III - Đánh giá cuộc cải cách 
 
Đánh giá chung 
Những người phê phán cho rằng cuộc cải cách chỉ củng cố tính tối thượng của Nhà nước mà không đáp ứng đầy đủ quyền lợi của công dân. "Bộ máy quan liêu không cần đến sự độc lập của quan toà. Họ chỉ muốn kiểm soát toàn bộ các nhánh quyền lực" - ông V.Pokhmelkin, đại biểu Duma nói. 14 
Hệ thống tư pháp sẽ gần hơn với chính quyền trung ương và chịu ảnh hưởng nhiều hơn của Văn phòng Tổng thống. ảnh hưởng đó do ba yếu tố: yếu tố tài chính, vật chất; bổ nhiệm những thành viên không phải thẩm phán vào hội đồng tuyển chọn thẩm phán; việc tái bổ nhiệm chánh án nhiệm kỳ sau hoặc phải làm thẩm phán bình thường. 
Một số chuyên gia, nhà nghiên cứu ở Nga nhận xét, từ góc độ quan điểm cải cách, những biện pháp cải cách nói trên mang tính chất chữa cháy . Nhưng người dân bình thường đã chán nản, mệt mỏi với sự chuyên quyền của chính quyền địa phương, với sự lạm dụng quyền lực tư pháp, bởi vậy họ sẵn sàng mua lại những quyền cơ bản của mình và sự che chở của Tổng thống với bất kỳ giá nào. 15 Cuộc cải cách không động đến những cơ chế làm việc của các cơ quan điều tra và những cơ quan truy tố hình sự như viện kiểm sát và công an. Như trước đây, những người tình nghi vẫn bị tra tấn. Hàng trăm ngàn bị can vẫn phải chờ được xét xử trong các nhà tù đầy người hàng năm trời. Các toà án phủ nhận quy trình hoà giải. Bồi thẩm chỉ tham gia khoảng 0,1% vụ án. 16 
Đánh giá Bộ luật Tố tụng hình sự mới 
Quan điểm cải cách tư pháp đề ra năm 1991 vẫn chưa được tiến hành triệt để trong BLTTHS. Một trong những điểm quan trọng: xem xét lại trình tự khởi tố hình sự . Theo quan điểm của Phó Chánh án Toà án Hiến pháp LB Nga, bà Morshakova, Viện kiểm sát buộc phải khởi tố vụ án nếu có thông tin nào đó về tội phạm. Còn hiện nay, Viện kiểm sát tự mình quyết định về việc này. Một mặt, nó tạo điều kiện để khởi tố theo đơn đặt hàng; mặt khác, việc sửa đổi quy trình khởi tố buộc Viện kiểm sát tiến hành các đợt, các chuyến kiểm tra trong khuôn khổ các quy tắc điều tra và như vậy bảo vệ đúng đắn hơn quyền của người bị hại và người bị tình nghi. Ví dụ như họ có thể khiếu kiện những quyết định của Viện kiểm sát lên toà. Nhưng nội dung này đã gặp phải sự phản đối của Viện kiểm sát và Nhóm cải cách đã buộc phải từ bỏ nó. 17 Nhưng việc sửa đổi có thể còn tiếp tục đến 1/7/2002 - thời điểm Bộ luật có hiệu lực. Hiện nay ở Nga đang chuẩn bị dự luật về trình tự tiếp nhận và lưu trữ thông tin về tội phạm, theo đó việc tiếp nhận sẽ có quy mô tổng thể. Theo logic, đòi hỏi tiếp theo là phải sửa đổi trình tự khởi tố hình sự. 
Các quy định về chứng cứ là điểm yếu nhất trong Bộ luật. Ví dụ: luật sư bên bị cáo bị hạn chế quyền gặp và thẩm vấn nhân chứng, không có quyền thu thập chứng cứ và bổ sung tài liệu vào hồ sơ nếu không có sự đồng ý của kiểm sát viên hoặc dự thẩm viên. 
Một số yêu cầu khác : Các nhà bảo vệ nhân quyền, các tổ chức xã hội ở Nga đòi hỏi thời hạn tạm giam tối đa không quá 9 tháng (Trước đây là 18 tháng, hiện nay là 12 tháng). Quyền trợ giúp pháp lý phải được bảo đảm từ thời điểm bắt giữ thực tế để tránh việc tra tấn. Cần có sự tham gia của bồi thẩm đoàn trên toàn bộ lãnh thổ Nga vào việc tuyên những bản án về các tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. 

 
Về toà án và thẩm phán 

Một số thẩm phán đánh giá việc thẩm phán có thể bị truy tố hình sự theo thủ tục mới và truy trách nhiệm hành chính là cơ hội để các tỉnh trưởng địa phương có thể trù úm những thẩm phán nào mà họ không ưa: Ông Burlakov, Phó Chánh án Toà án Tối cao Khu vực Nam Kavkaz nhận định "giấc mơ của các tỉnh trưởng đã thành sự thật" 18 .
Do nguyên nhân thiếu kinh phí và thẩm phán mà một điểm quan trọng khác vẫn chưa được thực hiện: thành lập các toà án vùng (hiện chỉ có các toà án trọng tài vùng). "Toà án không nên gắn với cấp hành chính lãnh thổ vì như thế sẽ phụ thuộc vào các cấp chính quyền. Bởi vậy, cần thành lập những toà án mà thẩm quyền bao trùm một vài vùng lãnh thổ" - Bà Morshakova cho là như vậy 19 . Hiện nay, Toà án tối cao LB Nga đã chuẩn bị xong dự thảo Luật về toà án hành chính. Theo đó, 21 toà án hành chính theo vùng sẽ được thành lập với điều kiện vật chất đầy đủ và các thẩm phán chuyên biệt được trả lương cao. Nhưng trên thực tế chưa biết khi nào sẽ thành lập những toà này 20 Nhiều ý kiến đề nghị cung cấp đầy đủ nguồn tài chính cho toà án từ ngân sách liên bang, chuyên biệt hoá toà án theo từng lĩnh vực pháp lý, tách điều tra khỏi Viện kiểm sát, cảnh sát và những cơ quan điều tra tác chiến.
 
Về Viện kiểm sát 
Cuộc cải cách lần này động chạm ít nhiều đến Viện kiểm sát, nhưng cơ quan này có thể sẽ đánh mất nhiều hơn những quyền hạn quan trọng trong những bước cải cách sắp tới. 
 
Cân bằng quyền hạn giữa kiểm sát viên và luật sư 
Ngay từ hiện nay, sau khi BLTTHS mới được thông qua, Viện kiểm sát đã không còn quyền buộc toà án phải xem xét kháng án của Viện đối với phán quyết của toà. Theo Dự thảo BLTTDS đang được chuẩn bị, quy trình tố tụng dân sự sẽ được đơn giản hoá và có tính tranh tụng nhiều hơn, kiểm sát viên sẽ không còn tham gia vào phần lớn các vụ án dân sự. 21 
 
Viện kiểm sát chỉ làm công tố 
Nhiều người trong giới luật ở Nga cũng như công luận cho rằng Viện kiểm sát chỉ có thể làm công việc buộc tội, và không hơn không kém; chỉ nên tập trung để lời buộc tội được đưa ra có căn cứ, một cách thuyết phục. Theo họ, Viện kiểm sát đang lặp lại những hoạt động của các cơ quan giám sát khác. Cần chấm dứt tình trạng hiện nay, khi Viện kiểm sát có quyền can thiệp vào mọi nơi, mọi việc, như Putin nói, chấm dứt tình trạng Viện kiểm sát "tư hữu hoá quyền lực". Viện kiểm sát dẫn ra con số: trong hơn một năm gần đây, nhờ có sự kháng án của Viện kiểm sát mà hơn 22.000 bản án tuyên không đúng đã được huỷ hoặc sửa 22 . Nhưng những người quan sát nhận xét, Viện kiểm sát không cho biết bao nhiêu kháng án đã làm xấu đi tình trạng của dân. Ngoài ra, khi tuyên án, thẩm phán thường e ngại sau đó sẽ bị kháng án, bởi vậy họ ngóng sang kiểm sát viên. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho số bản án tuyên không có tội rất thấp ở Nga. 
 
Kiểm sát văn bản 
Bà T. Morshakova nhận xét, hiện nay các cơ quan trực thuộc Bộ tư pháp có nhiệm vụ rà soát văn bản pháp luật địa phương trái pháp luật, sau đó chuyển những thông số đó sang Viện kiểm sát để đưa ra toà án. Như vậy, theo bà, công đoạn ở Viện kiểm sát (kiểm sát văn bản) là thừa. Do đó, Viện kiểm sát cần tập trung tốt hơn vào chức năng công tố, ví dụ như khởi tố về những vụ việc không chịu thi hành án 23 .
 
* * *
 
Nói chung, theo nhận định của các giới ở Nga, còn nhiều việc phải làm trong công cuộc cải cách tư pháp. Trước hết, các thẩm phán, các kiểm sát viên, dự thẩm viên phải làm việc theo tinh thần của luật pháp. Bên cạnh đó, chuẩn mực công lý không chỉ phụ thuộc vào hệ thống tư pháp, mà còn phụ thuộc vào chất lượng của những đạo luật được áp dụng; vào việc quy định hợp lý vị trí của những cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là viện kiểm sát; vào chính quyền, trong đó có chính quyền địa phương có thể lợi dụng những đòn bẩy chính trị và kinh tế để gây áp lực lên toà án hay không; vào việc thực thi các phán quyết của toà án như thế nào; sự quan tâm, thái độ của công luận đối với luật pháp và tòa án./.
 

 
  
1.      S. Pashin. Tlđd 
2.      S. Pashin. Tlđd. 
3.      S. Pashin. Tlđd. 
4.      S. Pashin. Tlđd.
5.      Tlđd. 

  

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 2, tháng 2/2002)