Các yếu tố kinh tế - xã hội tác động tới tỷ lệ tội phạm: một cách tiếp cận so sánh

01/12/2016

ThS. NGUYỄN DUY MINH

Trường ĐH Tài chính _ Marketing

Đây là một nghiên cứu cụ thể về lĩnh vực kinh tế học pháp luật[1], với sự vận dụng các công cụ phân tích của kinh tế học nhằm lý giải cho sự tác động của các yếu tố kinh tế và các yếu tố xã hội tới tỷ lệ tội phạm trên phạm vi 56 quốc gia[2] và lãnh thổ; trong giai đoạn 2003-2010. Bài viết này sử dụng nguồn dữ liệu tin cậy của Tổ chức Liên hiệp quốc về tội phạm và ma túy (UNODC) và Ngân hàng Thế giới (WB). Kết quả cho thấy GDP/người, tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ lực lượng lao động có tác động cùng chiều tới tỷ lệ tội phạm; trong khi chi tiêu cho an ninh/quốc phòng có tác động ngược chiều. Ngoài ra, các yếu tố kinh tế - xã hội có thể giải thích 46,64% sự thay đổi của tỷ lệ tội phạm; 53,36% còn lại được giải thích bởi các yếu tố pháp lý và các yếu tố kinh tế - xã hội khác không có trong mô hình.
 
 11_26.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Tổng quan về tội phạm
Tội phạm và mức độ tội phạm là những vấn đề được quan tâm nhất trong bất cứ xã hội hiện đại nào. Ngày nay, từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, từ các nước có thể chế xã hội chủ nghĩa tới các nước có thể chế tư bản đều phải đối mặt với nhiều vấn đề pháp lý như giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, hiếp dâm, trộm cắp, ma túy, lừa đảo, trốn thuế... Các vụ hiếp dâm tập thể xảy ra tại Ấn Độ trong thời gian qua là hồi chuông cảnh báo về sự gia tăng của tội phạm trong những năm gần đây.
Hình 1: Sự gia tăng của tỷ lệ tội phạm tại một số quốc gia (trên 100.000 dân)
1_155.jpg
Nguồn: UNODC (2010)
Ngoài ra, tỷ lệ tội phạm ở những quốc gia khác nhau là rất khác nhau. Sự khác nhau đó có thể xuất phát từ việc từng nước nhìn nhận (định nghĩa) các loại tội phạm là khác nhau, thể chế kinh tế -chính trị khác nhau[3]; nhưng lý do cũng có thể xuất phát từ các đặc điểm cụ thể về yếu tố kinh tế - xã hội ở mỗi nước là khác nhau.
 
Hình 2: Số lượng người phạm tội trên 100.000 cư dân ở một số nước
2_102.jpg
Nguồn: UNODC (2010)
Để kiểm soát và quản lý xã hội, nhà nước sử dụng nhiều hình phạt như phạt tiền, tù có thời hạn, chung thân, tử hình, trục xuất, hạn chế về di chuyển, hạn chế một số quyền công dân Tuy nhiên, việc gia tăng hình phạt không phải khi nào cũng hiệu quả. Thay vào đó, việc cải thiện các yếu tố kinh tế - xã hội hứa hẹn mang lại những kết quả tốt hơn. Ví dụ, một người nghèo và vô gia cư có thể không từ bỏ ý định trộm cắp tài sản khi các nhà làm luật tăng khung hình phạt này lên gấp hai lần bởi vì hoặc họ không có thông tin hoặc họ không quan tâm tới mức hình phạt hoặc họ hy vọng mình sẽ không bị bắt. Tuy nhiên, nếu nhà nước tạo điều kiện để họ có việc làm và thu nhập thì có thể họ sẽ từ bỏ ý định trộm cắp ngay cả khi không cần tăng hình phạt. Cách tiếp cận thứ hai có thể mang tính bền vững hơn việc tăng hình phạt bởi vì nó mang lại lợi ích cho xã hội, giảm tổn thất cho nạn nhân tiềm năng và mang lại lợi ích lâu dài cho chính người có ý định thực hiện hành vi phạm tội. Đó là cách tiếp cận phúc lợi và phần nào bảo vệ quyền con người, chứ không phải là cách tiếp cận trừng phạt về tội phạm.
Ở Việt Nam, cụ thể ở thành phố Hồ Chí Minh, tội phạm luôn là vấn đề nhức nhối trong những năm gần đây. Dù lãnh đạo thành phố, lực lượng công an và cả người dân đều mong muốn và đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để giảm số vụ và số nạn nhân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình hình tội phạm không có nhiều biến chuyển, thậm chí tăng ở nhiều loại hình tội phạm khác nhau. Đã đến lúc chúng ta đặt câu hỏi, liệu giảm tội phạm theo cách tiếp cận trấn áp và hình phạt có phải lúc nào cũng có hiệu quả? Liệu có cách giảm tội phạm nào mang tính bền vững hơn, nhân văn hơn, mang tính bảo vệ quyền con người hơn không?
2. Tiếp cận kinh tế học về tội phạm
Kinh tế học pháp luật (hay phân tích kinh tế về pháp luật) áp dụng phương pháp kinh tế để giải thích những tác động của pháp luật hay chính sách của nhà nước. Phân tích kinh tế về pháp luật giúp đánh giá các quy tắc pháp lý có hiệu quả về mặt kinh tế khi chuẩn bị áp dụng hay đã áp dụng trên thực tế hay không. Một số phương pháp phổ biến trong cách tiếp cận này là lý thuyết lựa chọn hợp lý, chi phí xã hội, tối ưu hóa, lý thuyết lựa chọn công cộng.
Becker[4] (1968) đề xuất một khung lý thuyết để phân tích tội phạm như một sự lựa chọn kinh tế thông thường của một chủ thể duy lý. Trong nghiên cứu này, người phạm tội được phân tích dưới góc độ có sự cân nhắc giữa chi phí và lợi ích trước khi thực hiện các hoạt động phạm pháp. Becker đã tìm ra rằng, xác suất bị bắt và mức độ của hình phạt là các biến quan trọng nhất quyết định số lượng tội phạm.
Ehrlich (1973, 1975, 1996) đã kết luận rằng, tác động của sự hiện diện của cảnh sát, xác suất bị bắt và mức độ trừng phạt tác động tới tỷ lệ tội phạm.
Chúng ta xem xét trường hợp người phạm tội lựa chọn giữa hai hoạt động, một là hợp pháp và một là bất hợp pháp. Lợi ích kỳ vọng của người phạm tội tiềm năng được thể hiện thông qua phương trình sau:
EUi = pi.Ui(Yi - fi) + (1 - pi)Ui(Yi)
Trong đó:    EUi: hàm lợi ích kỳ vọng
pi: xác suất bị bắt
Yi: thu nhập từ việc phạm tội
fi: giá trị tương đương tiền (quy đổi) của hình phạt
Khung phân tích về các yếu tố kinh tế - xã hội tới tỷ lệ tội phạm thể hiện qua sơ đồ sau:
    10_13.jpg   
3. Dữ liệu về tội phạm và phương pháp nghiên cứu
Dữ liệu về tội phạm
Nghiên cứu này đề cập tới tội phạm nói chung và 5 loại tội phạm cụ thể:
- Số tội phạm bị kết án (CRIME) bởi tòa án hoặc bị xem là có tội bởi cơ quan khác.
- Trộm cắp (LBUR)
- Cướp tài sản(LROB)
- Giết người(LHOM)
- Tội phạm về ma túy (LDRUG)
- Tội phạm về mại dâm (LSEX)
Mô hình phân tích
Yit = β1 + β2Yi,t -1 + βkXit + uit
                    Trong đó:   Yit : là tỷ lệ tội phạm loại i vào năm t
                                       Yi,t-1: tỷ lệ tội phạm i vào năm t-1 (năm trước đó)
                                       X :các biến kinh tế - xã hội; uit : sai số
4. Kết quả nghiên cứu
Tội phạm chung:
Yếu tố quyết định chính ảnh hưởng đáng kể[5] tỷ lệ tội phạm bao gồm tăng trưởng GDP bình quân đầu người (LGDPG), tỷ lệ dân số đô thị (LURB); tỷ lệ lực lượng lao động (LLAB); tỷ lệ chi tiêu an ninh - quốc phòng  từ chính quyền trung ương (LMEXP). Hồi quy của mô hình Random Effect Model (REM) được thể hiện như phương trình sau đây:
           LCRIME = - 22.81 + 0.00004DCRIME + 0.08LU + 0.032LGDPG - 0.025LGDPP +
(0.088)                (0.205)          (0.041)                    (0.922)
0.0022LINF + 0.314LEDU + 0.014LPOPG - 0.07LPOPD - 0.04LTAX +
    (0.908)           (0.287)              (0.570)             (0.500)                         (0.610)
1.63LURB + 5.1LLAB - 0.21LMEXP - 0.06LNET + 0.05LSUB + 0.32LFER
   (0.030)        (0.020)           (0.050)                      (0.358)         (0.807)  (0.213)
Tóm lại, các yếu tố kinh tế - xã hội có thể giải thích khoảng 46,64% thay đổi của tỷ lệ tội phạm. Phần còn lại 53,36% được giải thích bởi các yếu tố phi kinh tế - xã hội như pháp lý.           
Tội phạm cụ thể:
Bảng 1: Kết quả hồi quy từ mô hình kinh tế lượng
Yếu tố KT-XH/Loại tội phạm
Cướp giật
Mại dâm
Giết người
Ma túy
Trộm cắp
Thất nghiệp
0.278 (0.099)
-0.036 (0.864)
0.041 (0.717)
0.252*** (0.064)
-0.171 (0.111)
Tốc độ tăng GDP/người
-0.000012 (1.00)
0.022 (0.646)
0.02 (0.427)
0.0045 (0.879)
-0.02 (0.394)
GDP/người
-0.066 (0.761)
0.269 (0.634)
-1.4* (0.016)
0.224 (0.226)
-1.112* (0.002)
Lạm phát
0.0287 (0.623)
-0.0016 (0.977)
0.073** (0.030)
0.0146 (0.597)
0.006 (0.816)
Trình độ giáo dục
-0.069 (0.940)
-1.7 (0.056)
-0.91* (0.032)
1.76* (0.005)
-0.924*** (0.083)
Tốc độ tăng dân số
0.094 (0.146)
-0.026 (0.690)
0.006 (0.890)
0.045 (0.236)
-0.0005 (0.989)
Mật độ dân số
-0.195*** (0.064)
-1.766 (0.629)
-1.31 (0.273)
-0.22*** (0.078)
-7.905* (0.000)
Thuế thu nhập (bình quân)
-0.078 (0.662)
-0.408 (0.114)
-0.150 (0.272)
0.111 (0.490)
-0.787* (0.000)
Tỷ lệ đô thị hóa
1.98** (0.018)
2.266(0.674)
1.2 (0.633)
0.65 (0.453)
7.68* (0.009)
Tỷ lệ lực lượng lao động (từ 15-60 tuổi)
-5.109 (0.166)
-3.008 (0.748)
10.42* (0.027)
-3.464 (0.360)
27.84* (0.000)
Tỷ lệ chi tiêu quốc phòng/an ninh (trong chi Chính phủ)
-0.163 (0.401)
0.687 (0.066)
-0.2 (0.336)
-0.259 (0.125)
-0.123 (0.533)
Tỷ lệ người dân sử dụng Internet
-0.237 (0.149)
0.243 (0.283)
-0.045 (0.623)
0.059 (0.540)
-0.003 (0.978)
Trợ cấp của Chính phủ
0.697*** (0.075)
0.248 (0.692)
0.320 (0.198)
0.262 (0.291)
0.831* (0.012)
Tỷ suất sinh/bà mẹ
-0.606 (0.357)
0.215 (0.776)
-0.71(0.150)
0.761*** (0.093)
-0.193 (0.614)
Mức giải thích (%)
0.4572
0.2344
0.3522
0.6895
0.7105
     
Tội phạm về tài sản (trộm cắp và cướp tài sản)
Thứ nhất, mức độ tác động tỷ lệ thất nghiệp chỉ có ý nghĩa giải thích đối với cướp, nhưng lại không có ý nghĩa với trộm cắp. Nói cách khác, câu “nhàn cư vi bất thiện” đúng với hành vi phạm tội liên quan đến cướp/cướp giật chứ không có bằng chứng đối với tội trộm cắp. Ngoài ra, tỷ lệ tội phạm về trộm cắp sẽ giảm nếu GDP/người tăng và trình độ giáo dục tăng. Điều này khá phù hợp với thực tế và logic thông thường.
Thứ hai, một điểm thú vị là mật độ dân số có tác động ngược chiều tới cả trộm cắp và cướp giật. Tức là những nơi có dân số càng đông thì tỷ lệ xảy ra cướp càng ít hơn. Điều này thoạt nhìn tưởng mâu thuẫn với thực tế vì các vụ trộm cắp, cướp giật thường xảy ra ở khu đông dân cư, khu trung tâm. Tuy vậy, nếu tính số vụ phạm tội trên mật độ dân số thì những khu đông dân hoặc trung tâm lại có tỷ lệ thấp hơn những nơi khác. Trên thực tế, mật độ dân số vừa tạo điều kiện/cơ hội để thực hiện tội phạm; tuy nhiên nó cũng có thể giúp việc phát giác tội phạm được dễ dàng hơn.
Thứ ba, tỷ lệ đô thị hóa và tỷ lệ trợ cấp tác động cùng chiều đến tỷ lệ của tội phạm trộm cắp, và cướp tài sản. Thực vậy, đô thị hóa kéo theo việc di cư/nhập cư của người dân từ vùng nông thôn tới các thành phố. Điều này có thể dẫn tới các hệ quả như số người và tỷ lệ người thất nghiệp gia tăng. Thông thường tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị cao hơn so với khu vực nông thôn.
Tóm lại, yếu tố kinh tế - xã hội giải thích những thay đổi trong mức độ của tội phạm về tài sản với khả năng giải thích cho tội trộm cắp và cướp giật  lần lượt là 71,05% và 45,72%.
Giết người
Thứ nhất, GDP/người, trình độ giáo dục tăng có xu hướng làm giảm tỷ lệ tội phạm giết người. Thông thường người có trình độ giáo dục cao thường có thu nhập cao, những người này có xu hướng phạm tội giết người ít hơn so với những người có trình độ giáo dục thấp hơn hoặc có thu nhập thấp hơn.
Thứ hai, sự gia tăng lạm phát và tỷ lệ lực lượng lao động làm tăng tỷ lệ tội phạm giết người. Lạm phát là một loại chi phí đánh vào mọi người dân trong một nền kinh tế cụ thể. Nó không chỉ có tác động chi phí về mặt kinh tế mà còn có tác động gây ra sự căng thẳng về mặt tâm lý, xã hội cho nhiều người dân. Tới lượt nó, những căng thẳng tâm lý - xã hội này có thể là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp cho việc thực hiện các hành vi phạm tội.
Tóm lại, các yếu tố kinh tế - xã hội có thể giải thích 35,22% sự thay đổi của tỷ lệ tội phạm giết người.
Tội phạm về ma túy
Thứ nhất, tỷ lệ tội phạm về ma tuý gia tăng khi tỷ lệ thất nghiệp, trình độ giáo dục, tỷ suất sinh tăng. Điều này có nghĩa là, những người phạm tội về ma túy không nhất thiết phải là những người có trình độ giáo dục thấp. Kết quả này dường như trái với nhận thức thực tế nên cần được kiểm chứng thông qua các nghiên cứu cụ thể hơn. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy việc kiểm soát tỷ lệ sinh có thể dẫn tới việc giảm tỷ lệ thất nghiệp, từ đó giảm tỷ lệ tội phạm về ma túy.
Thứ hai, mật độ dân số có tác động ngược chiều với tỷ lệ tội phạm ma túy. Điều này có thể giải thích là những khu vực ít dân cư sinh sống như biên giới, miền núi thì điều kiện để trồng, vận chuyển, buôn bán ma túy dễ hơn những nơi đông dân cư như ở các đô thị. Một lần nữa kết quả về mặt tỷ lệ số vụ phạm tội so với dân số (tương đối) có thể khác với kết quả về mặt số vụ (tuyệt đối).
Tóm lại, các biến kinh tế - xã hội có thể giải thích tới gần 69% tỷ lệ tội phạm về ma tuý.
Tội phạm về mại dâm
Thứ nhất, trình độ giáo dục có tác động ngược chiều với những người phạm tội về mại dâm. Nói cách khác, những người phạm tội về mại dâm có trình độ giáo dục thấp hơn so với những người không phạm tội. Cụ thể, nếu tỷ lệ học sinh học cấp 2 (THCS) tăng lên 1% thì tỷ lệ tội phạm về mại dâm sẽ giảm 1,7%.
Thứ hai, chi tiêu cho quốc phòng/an ninh dường như tác động cùng chiều với tỷ lệ tội phạm về mại dâm. Điều này có thể do các chi tiêu về quốc phòng/an ninh thường nhắm tới các loại tội phạm khác thay vì mại dâm.
Tóm lại, yếu tố quyết định kinh tế - xã hội không giải thích tốt sự thay đổi của tỷ lệ tội phạm về mại dâm; tỷ lệ giải thích chỉ ở mức 23,44%. Nói cách khác, tội phạm về mại dâm thường ít bị chi phối bởi các yếu tố phi kinh tế - xã hội. Điều này có thể lý giải bởi vì động cơ của những người phạm tội mại dâm không chỉ là thu nhập mà gồm các lý do đa dạng khác, trong đó có lý do tâm lý, cảm xúc hơn là động cơ về kinh tế như thu nhập.
5. Những kinh nghiệm Việt Nam có thể tham khảo 
Ở nước ta, số lượng các vụ án hình sự xét xử sơ thẩm đã giảm xuống vào năm 2010 (55.221 vụ) so với các năm trước đó; tuy nhiên số vụ án đã tăng nhanh từ năm 2010 trở lại đây. Năm 2013 số lượng vụ án hình sự xét xử sơ thẩm đã lên tới 68.751 vụ, tính trung bình tốc độ số vụ hình sự tăng 8,17%/năm trong giai đoạn 2010-2013.
Hình 3:Số vụ án xét xử sơ thẩm trong giai đoạn 2006-2013
3_40.jpg
Nguồn: Tòa án nhân dân tối cao (2013)
Trong khi đó, tỷ lệ tội phạm đã tăng trung bình 13%/năm trong giai đoạn 1986-2003.
Hình 4: Xu hướng gia tăng của tội phạm bị khởi tố, giai đoạn 1986-2003
Nguồn: Nguyễn Văn Tỉnh (2007), trang 85-86
Mặc dù tỷ lệ tội phạm chịu hình phạt tù đã tăng lên trong giai đoạn 1986-2003; tuy nhiên mức độ tội phạm không hề giảm. Từ số liệu thực tế này, một lần nữa, một câu hỏi có thể được nêu lên là liệu tăng mức độ hình phạt có là giải pháp tốt để giảm mức độ tội phạm hay không?
 
Bảng 2: Tỷ lệ tội phạm chịu hình phạt tù
Giai đoạn
Lượng tội phạm
Hình phạt tù
Hình phạt khác
1986-1988
98.161
63,77%
36,23%
1989-1991
95.681
64,25%
35,75%
1997-1999
217.448
77,23%
22,77%
2001-2003
187.073
78,59%
21,41%
Nguồn: Nguyễn Văn Tỉnh (2007), trang 199
Thứ nhất, một cách tiếp cận khác để giảm sự gia tăng của tội phạm có thể gián tiếp thông qua việc cải thiện các điều kiện về kinh tế - xã hội, thay vì trực tiếp tăng hình phạt nhưng chúng ta vẫn làm trong gần 20 năm qua. Kết quả nghiên cứu từ 56 quốc gia ở trên cho thấy yếu tố kinh tế - xã hội có vai trò rất quan trọng để làm giảm mức độ tội phạm bao gồm tội phạm tài sản (trộm, cướp), giết người, tội phạm ma tuý và tội phạm mại dâm.
Thứ hai, các dữ liệu thực tế tại Việt Nam cho thấy, trộm cắp và tội phạm ma túy là hai loại tội phạm phổ biến nhất. Đây cũng là hai loại tội phạm mà các yếu tố kinh tế - xã hội có khả năng giải thích tốt nhất. Trộm cắp và tội phạm ma tuý là hai tội phạm cụ thể được giải thích tốt nhất bởi các yếu tố kinh tế - xã hội với mức độ giải thích là 68,95% và 71,05%. Điều này gợi ý rằng, Việt Nam nên tập trung vào tội phạm trộm cắp và tội phạm ma tuý như là trọng tâm trong việc đấu tranh, phòng ngừa tội phạm hiện nay thông qua việc cải thiện các điều kiện kinh tế - xã hội. Điều này không có nghĩa chúng ta xem nhẹ các loại tội phạm khác.
Bảng 3: Tỷ lệ một số loại tội phạm cụ thể ở Việt Nam
Tội phạm cụ thể
Tỷ lệ (%)
Trộm cắp
26,01%
Cướp tài sản
5,77%
Cướp giật
4,24%
Cố ý gây thương tích
8,38%
Giết người
2,64%
Ma túy
17,67%
Mại dâm
4,13%
Nguồn: Nguyễn Văn Tỉnh (2007), trang 139
Thứ ba, tập trung vào tội phạm cá nhân, xem đây là trọng tâm trong công tác phòng, chống tội phạm. Trong giai đoạn 1986 - 2008, số người phạm tội đã tăng từ mức 39.923 lên 114.045, gấp 2,86 lần. Tuy nhiên số bị cáo trong mỗi vụ án gần như không thay đổi, ở mức 1,5-1,7 người phạm tội/vụ. Nói cách khác, chúng ta có thể giảm tỷ lệ tội phạm cá nhân/đơn lẻ thông qua tập trung cải thiện các điều kiện kinh tế - xã hội. Đối với tội phạm có tổ chức có thể kết hợp việc cải thiện này với các biện pháp về pháp lý, an ninh, nghiệp vụ khác.
 
Bảng 4: Số bị can/vụ bị khởi tố hình sự trong giai đoạn 1986-2008
Giai đoạn
Trung bình năm
Số bị cáo/vụ
Số vụ
Số bị cáo
1986-1988
22.299
39.923
1,79
1989-1991
22.728
38.190
1,68
1992-1994
26.334
42.592
1,62
1995-1997
43.413
69.768
1,61
1998-2000
54.573
84.481
1,57
2001-2003
51.116
76.706
1,5
2004-2006
60.584
101.116
1,67
2006-2008
65.761
114.045
1,73
Nguồn: Nguyễn Văn Tỉnh (2011).
 
Tóm lại, nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ tội phạm có thể giải tích tốt bởi các yếu tố kinh tế -xã hội, từ đó đưa ra gợi ý là chúng ta có thể tác động vào các khía cạnh kinh tế - xã hội này, qua đó có thể giảm tỷ lệ tội phạm. Dù bài viết phân tích dữ liệu tội phạm từ 56 nước khác nhau trên thế giới, nhưng những kết quả rút ra có thể mang lại những hàm ý chính sách và pháp lý nhằm giảm tỷ lệ tội phạm ở Việt Nam hiện nay. Nghiên cứu này không đủ căn cứ để đưa ra kết luận về tính hiệu quả của hình phạt, mà chỉ gợi ý, bên cạnh hình phạt chúng ta có thể cải thiện các điều kiện kinh tế -xã hội để giảm tội phạm một cách bền vững và hài hòa.

 


[1]Để dễ hiểu, bài viết này đã được tác giả lược bỏ một cách tối đa những phần viết về toán và thống kê so với nghiên cứu gốc.
[2] Albania, Argentina, Armenia, Úc, Áo, Azerbaijan, Belarus, Bulgaria, Canada, Chile, Colombia, Costa Rica, Croatia, Cyprus, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Georgia, Đức , Guatemala, Hồng Kông, Hungary, Ấn Độ, Israel, Italy, Nhật Bản, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Lithuania, Mauritius, Mexico, Moldova, Mông Cổ, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Panama, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Nga, Nam Hàn Quốc, Serbia, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Ukraina;
 
[3] Mô hình kinh tế lượng được sử dụng trong nghiên cứu này có thể kiểm soát được sự khác nhau về đặc điểm giữa các nước, trong đó có thể chế chính trị-kinh tế. 
[4] Gary.S.Becker đạt giải Nobel Kinh tế năm 1992
[5] Những biến số có hệ số trong dấu ngoặc đơn bé hơn 0.10 là những biến có ý nghĩa thống kê.
 
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 24(328), tháng 12/2016)