Lợi ích của tăng thuế thuốc lá và kinh nghiệm từ cải cách thuế của Brazil, Phillipine và Thổ Nhĩ Kỳ

01/09/2014

NGUYỄN THỊ THU HIỀN

Trường Đại học Thương mại Hà Nội.

Bằng chứng từ các nước có chính sách thuế cao cho thấy, việc tăng thuế thuốc lá là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Vì thế, việc tăng thuế thuốc lá thường xuyên - được chứng minh là chính sách cùng thắng (Win - Win). Bài viết phân tích các lợi ích từ việc tăng thuế đối với thuốc lá, kinh nghiệm của một số nước trong cải cách thuế thuốc lá và bài học cho Việt Nam.
Untitled_320.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Lợi ích của tăng thuế thuốc lá
Thuốc lá là sản phẩm hạn chế tiêu dùng vì nó gây ra những tác hại lớn đối với sức khỏe con người. Các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá. Tăng thuế đối với thuốc lá là biện pháp được sử dụng phổ biến vì làm giảm tiêu dùng thuốc lá hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích khác cho xã hội. Các lợi ích cơ bản của tăng thuế thuốc lá bao gồm:
Tăng thuế làm giảm tiêu dùng thuốc lá
Thuế cao hơn sẽ được chuyển hóa vào giá và làm tăng giá thuốc lá. Người tiêu dùng phản ứng với sự tăng giá bằng cách giảm tiêu dùng. Đối với một bộ phận dân cư, giá thuốc cao hơn sẽ khiến họ không bắt đầu hút thuốc.Vì thế tăng thuế sẽ khiến một số người hút thuốc lá bỏ thuốc, một số người giảm hút thuốc và ngăn chặn một bộ phận người dân không bắt đầu hút thuốc. Theo WB (2003), trung bình giá một bao thuốc lá tăng 10% làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá 4% tại các nước có thu nhập cao và 8% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp[1]. Tại Việt Nam, theo ước tính, giá thuốc tăng 10% sẽ làm giảm tiêu dùng thuốc lá 5%.
Mức độ phản ứng khác nhau của người tiêu dùng với sự gia tăng của giá thuốc lá dẫn đến những tác động khác nhau của việc tăng thuế: nhóm người có thu nhập thấp sẽ có “phản ứng” mạnh hơn với sự thay đổi giá thuốc, thanh thiếu niên “phản ứng” mạnh hơn so với người lớn khi giá thuốc lá tăng. Do đó, tăng thuế làm giảm tiêu dùng thuốc lá, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên và người có thu nhập thấp.
Tăng thuế góp phần cải thiện sức khỏe dân cư và năng suất lao động
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong trên thế giới. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 căn bệnh trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư miệng, dạ dày, bàng quang, tụy.... Theo thống kê, 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có liên quan đến hút thuốc lá.Ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 4 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá và một nửa trong số này là ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Đến năm 2030, số người chết vì thuốc lá có thể lên đến 10 triệu nếu như các biện pháp kiểm soát thuốc lá không được thực hiện hiệu quả. Tại Việt Nam, có khoảng hơn 40.000 người chết mỗi năm và hơn 10% dân số của nước ta có nguy cơ tử vong sớm do các bệnh liên quan đến thuốc lá[2].
Các nghiên cứu cho thấy một tỷ lệ rất lớn những người bị bệnh tim mạch và chết sớm do hút thuốc lá ở lứa tuổi từ 40 - 64[3]. Độ tuổi này là khoảng thời gian mà người lao động làm việc tốt nhất. Như thế có nghĩa là hút thuốc lá còn làm giảm hiệu quả kinh tế do người lao động bị bệnh không thể tiếp tục làm việc trong nhiều năm còn lại của cuộc đời họ.
Một trong những tác động tức thời của việc tăng thuế thuốc lá là sẽ khiến một bộ phận những người hút thuốc bỏ thuốc, ngăn cản những người bắt đầu hút thuốc, đặc biệt là thanh thiếu niên. Do đó, tăng thuế thuốc lá có thể làm giảm mức độ bệnh tật và tỷ lệ tử vong liên quan đến thuốc lá. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ¼ đến ½ số người bỏ thuốc tránh được việc chết sớm liên quan đến thuốc lá[4]. Đặc biệt, tăng thuế có thể ngăn ngừa một bộ phận giới trẻ không bắt đầu hút thuốc, nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, ung thư... do thuốc lá sẽ giảm. Vì thế tăng thuế còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai của đất nước và do đó, cải thiện năng suất lao động.
Tăng thuế làm giảm chi phí về kinh tế đối với xã hội
Hút thuốc lá cũng gây ra những tổn thất rất lớn về mặt kinh tế, đó là chi tiêu để mua thuốc lá hút, chi cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, do mất khả năng lao động vì bệnh tật và tử vong sớm, tổn thất do cháy nổ, ô nhiễm môi trường... Theo ước tính, Việt Nam phải chi hơn 22 nghìn tỷ đồng cho việc mua thuốc lá hút trong năm 2012 và hơn 23 nghìn tỷ đồng (tương đương 0,9% GDP) để điều trị 5 loại bệnh do hút thuốc lá gây ra[5]. Như vậy, tổng số tiền chi cho mua và điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá ở nước ta chiếm gần 2% GDP của nền kinh tế mỗi năm. Con số này còn chưa tính đến những thiệt hại về kinh tế do người hút thuốc giảm/mất khả năng lao động, thiệt hại do cháy nổ xảy ra khi hút thuốc và ô nhiễm môi trường…
Giảm tiêu dùng thuốc lá sẽ làm giảm chi phí mua thuốc lá hút, tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh mỗi năm và các thiệt hại kinh tế khác. Khoản chi phí tiết kiệm được này có thể được coi là một lợi ích nữa khi tăng thuế.
Tăng thuế có thể làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước
Như đã đề cập, khi tăng thuế thuốc lá sẽ tác động làm tăng giá bán lẻ và giảm lượng tiêu dùng thuốc lá. Vì thế tăng thuế cũng sẽ tác động đến thu ngân sách nhà nước. Số thu từ thuế thuốc lá đối với ngân sách nhà nước phụ thuộc vào 2 yếu tố là tỷ lệ thuế suất/mức thuế và mức độ co giãn của cầu theo giá thuốc lá. Nếu mức thuế suất càng cao sẽ làm giá thuốc lá tăng và số thu thuế trên mỗi bao thuốc tăng. Tuy nhiên, tăng thuế sẽ làm giảm lượng tiêu dùng và số thu thuế giảm.Vì thế, thay đổi trong số thu ngân sách sẽ bằng tỷ lệ tăng của thuế và giá trừ đi tỷ lệ giảm của sản lượng.
Nếu cầu về thuốc lá ít co giãn thì tăng thuế sẽ làm tăng thu ngân sách bởi vì khi đó tỷ lệ giảm sản lượng tiêu dùng sẽ nhỏ hơn tỷ lệ tăng của thuế và giá thuốc lá. Giả sử độ co giãn của cầu theo giá thuốc lá là -0,6 thì với mức tăng giá 10% sẽ làm giảm cầu tiêu dùng là 6%. Nếu thuế suất tăng thêm 15% thì số thu ngân sách sẽ tăng thêm tổng cộng là 19%.
Các nghiên cứu về độ co giãn của cầu theo giá thuốc lá tại các quốc gia cho thấy giá trị này nằm trong khoảng từ -0,2 đến -0,8[6]. Nghĩa là cầu ít co giãn với giá thuốc lá vì thế tăng thuế sẽ có tác động làm tăng thu ngân sách nhà nước. Số tiền thuế tăng thêm này cho phép chính phủ có thể bổ sung chi tiêu cho các dịch vụ y tế, giáo dục... và qua đó tiếp tục cải thiện tốt hơn sức khỏe và trình độ của người dân.
Tóm lại, các lợi ích của việc tăng thuế mang lại cho xã hội tùy thuộc vào tác động của tăng thuế đến giá thuốc lá, nếu tăng thuế cao và thường xuyên sẽ làm tăng giá thuốc lá mạnh hơn và hiệu quả làm giảm tiêu dùng thuốc lá cũng như các lợi ích thu được sẽ cao hơn. Ngoài ra, phản ứng của người tiêu dùng càng nhiều trong việc bỏ thuốc hoặc không bắt đầu hút thuốc trong mối quan hệ với giá thuốc lá tăng cũng làm cho lợi ích thu được nhiều hơn khi tăng thuế.
2. Kinh nghiệm về cải cách thuế thuốc lá ở các nước
Cải cách thuế thuốc lá ở Philippines
Trước năm 2013, Philippines áp dụng hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đa cấp (Multitiered tax system) đối với thuốc lá. Nhà nước quy định 4 mức thuế khác nhau áp dụng cho 4 dòng sản phẩm khác nhau theo nguyên tắc dòng sản phẩm cao cấp phải chịu mức thuế suất cao hơn và giảm dần đối với các dòng sản phẩm thấp cấp. Việc phân cấp thuốc lá được dựa vào mức giá tại năm 1996 và giữ nguyên cho đến hết năm 2012. Cơ sở để tính thuế là giá bán lẻ thuốc lá (trước thuế), các mức giá này cũng được xác định tại thời điểm năm 1996.
Hệ thống thuế này đã được Philippines duy trì trong suốt 16 năm từ 1996 đến 2012 và đã bộc lộ rất nhiều hạn chế. Hạn chế cơ bản là thuế và giá tính thuế đã không được điều chỉnh để bắt kịp với sự gia tăng của thu nhập và lạm phát, dẫn đến giá thực của thuốc lá giảm mạnh. Giá thực của hầu hết các nhãn hiệu thuốc lá phổ biến tại nước này giảm từ 9% - 18% trong 10 năm từ 2000 - 2010. Tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ ở mức khá thấp, chỉ chiếm 36,1% giá bán lẻ[7] và giá bán lẻ thuốc lá ở Philippines cũng thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Giá thuốc lá thấp và giảm trong khi thu nhập bình quân đầu người tăng đã làm cho sức mua các sản phẩm thuốc lá ngày càng tăng và làm tăng nhu cầu tiêu dùng. Thống kê về tình hình hút thuốc lá tại Philippines cho thấy, đây là một trong những quốc gia có số người hút thuốc lá nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á, với hơn 19 triệu người hút thuốc chiếm tỷ lệ hơn 30% dân số. Hút thuốc trong giới trẻ cũng là một vấn đề nghiêm trọng ở Philippines, có tới gần 23% trẻ em trong độ tuổi từ 13 -15 tuổi hút thuốc. Mỗi năm chi tiêu cho hút thuốc tại quốc gia này luôn ở mức cao, chiếm tới 7% GDP. Ngoài ra chi phí cho điều trị 4 loại bệnh liên quan đến hút thuốc là 44,6 tỷ peso/năm và mức giảm năng suất lao động do hút thuốc gây thiệt hại gần 270 tỷ peso mỗi năm[8].
Nhằm giảm gánh nặng về sức khỏe và kinh tế - xã hội do thuốc lá gây ra, năm 2012, Philippines đã thông qua Chương trình hành động số 10.351 nhằm cải cách hệ thống thuế thuốc lá. Chương trình này được coi như một bước tiến lớn về pháp lý cho nhu cầu cải cách thuế thuốc lá đã tiến hành và thất bại trong suốt 16 trước đó. Những nội dung cơ bản của chương trình cải cách về thuế thuốc lá ở Philippines gồm có: Xóa bỏ các đặc quyền đối với một số các công ty thuốc lá, hướng tới việc giảm tỷ lệ hút thuốc càng sớm càng tốt đặc biệt là giảm hút thuốc ở người nghèo và thanh thiếu niên, đồng thời tăng nguồn thu cho các chương trình/quỹ chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Xóa bỏ cơ chế phân cấp thuốc lá theo mức giá cố định năm 1996, định kỳ hai năm một lần sẽ thực hiện phân cấp lại theo mức giá hiện hành của thị trường; Giảm mức phân cấp thuốc lá từ 4 cấp xuống còn 2 cấp từ năm 2013 và chỉ còn 1 cấp vào năm 2017; Tăng mạnh thuế TTĐB hàng năm theo lộ trình trong giai đoạn 2013 - 2017 (thể hiện ở Bảng 1), đến năm 2017, tất cả các loại thuốc lá đều chịu chung một mức thuế TTĐB trên giá bán lẻ là 30%; Từ năm 2018, bình quân mỗi năm sẽ tăng thuế thêm 4% (thuế tính trên giá bán lẻ thuốc lá) để theo kịp lạm phát.
Bảng 1: Thuế TTĐB đối với thuốc lá ở Philippines trước và sau cải cách thuế
Hệ thống thuế cũ
Hệ thống thuế mới
2012
 
2013
2014
2015
2016
2017
2018
Giá bán lẻ (trước thuế)
Thuế TTĐB
Giá bán lẻ (trước thuế)
Thuế TTĐB (%)
Dưới 5,00
2,72
Nhỏ hơn hoặc bằng 11,50
12,00
17,00
21,00
25,00
30,00
Tăng 4% hàng năm
5,00 – 6,00
7,56
6,51 – 10,0
12,00
Lớn hơn 11,50
25,00
27,00
28,00
29,00
Trên 10,0
28,30
Theo ước tính, nếu thuế tăng đạt mức là 28,3 peso một bao và chiếm tỷ lệ 53,8% giá bán lẻ thuốc lá thì sẽ có những tác động tích cực như sau: khuyến khích 4 triệu người hút thuốc bỏ thuốc; ngăn cản 4,2 triệu thanh thiếu niên không bắt đầu hút thuốc; giảm 3,5 triệu ca chết sớm do hút thuốc; và thu thuế của chính phủ tăng thêm 53,8 tỷ peso (tương đương 1.2 tỷ đôla Mỹ)[9].
Với sự cải cách mạnh mẽ về cơ cấu và mức thuế, sau một năm thực hiện, Philippines đã thu được kết quả tích cực. Kết quả thu được năm 2013 như sau[10]:
-   Mức thuế trung bình tính trên mỗi bao thuốc (20 điếu) tăng 150%, từ mức 5,58 peso tăng lên 13,95 peso đã tác động làm tăng giá thuốc lá.
-   Giá của thuốc lá cao cấp tăng nhanh hơn thuốc lá thấp cấp, người tiêu dùng chuyển sang tiêu dùng các loại thuốc lá có mức giá thấp hơn.
-   Quỹ chăm sóc sức khỏe (DOH) của quốc gia thu từ thuế thuốc lá tăng mạnh: năm 2013 số thu đạt 53,3 tỷ peso tăng 26,3% so với năm 2012. Dự báo năm 2014 nguồn thu cho quỹ này sẽ đạt 83,7 tỷ peso tăng 57%. Đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người nghèo được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Cải cách thuế thuốc lá ở Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ được xem như một quốc gia có chính sách kiểm soát thuốc lá mạnh mẽ. Giai đoạn 2005-2009, nước này đánh thuế TTĐB lên đến 55% trên giá bán lẻ thuốc lá và đồng thời quy định về mức sàn thuế đơn vị. Nghĩa là, nếu tính thuế tỷ lệ mà số thuế phải nộp nhỏ hơn mức sàn thuế đơn vị thì chính phủ sẽ áp mức thuế sàn đơn vị thay cho thuế tỷ lệ. Ngoài ra, tất cả các sản phẩm phải chịu thuế giá trị gia tăng là 18% giá bán lẻ. Mặc dù đánh thuế khá cao đối với thuốc lá nhưng tỷ lệ thuế không thay đổi suốt giai đoạn 2005 - 2009 nên giá thuốc lá thực cũng có xu hướng giảm và sức mua thuốc lá tăng lên tại nước này. Năm 2010, có gần một phần ba (31%) người trên 15 tuổi ở Thổ Nhĩ Kỳ hút thuốc (nam giới 48%; nữ 15%), 7% giới trẻ (13-15 tuổi) hút thuốc lá.
Năm 2010, Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện tăng thuế TTĐB lên 63% trên giá bán lẻ và tăng mức sàn thuế đơn vị lên 2,55 lira. Năm 2011, nước này tiếp tục tăng thuế lên mức 65% giá bán lẻ và mức sàn thuế đơn vị tăng từ 2,65 Lira lên 2,95 Lira. Với cơ cấu thuế này, tổng thuế (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) tính trung bình chiếm 80,25% giá bán lẻ thuốc lá.
Bảng 2: Cơ cấu thuế TTĐB đối với thuốc lá của Thổ Nhĩ Kỳ (2005 – 2011)
Năm
Thuế tỷ lệ theo giá bán lẻ (%)
Mức sàn thuế  đơn vị
Năm
Thuế tỷ lệ theo giá bán lẻ (%)
Mức sàn thuế đơn vị
2005
58
1,20
2009
58
2,05
2006
58
1,40
2010
63
2,65
2007
58
1,50
2011
65
2,90
2008
58
1,55
 
 
 
Với sự thay đổi của chính sách thuế đối với thuốc lá, những lợi ích mà quốc gia này thu được ban đầu là: (i) Giá bán lẻ của thuốc lá thấp cấp tăng gấp 3 lần từ năm 2005 đến năm 2011, trong khi các loại thuốc lá cao cấp tăng 128% trong cùng giai đoạn này. Tính trung bình, giá thuốc lá tăng 195%; (ii) Mức tiêu thụ thuốc lá giảm từ 106,7 tỷ điếu năm 2005 xuống còn 90,8 tỷ điếu vào năm 2011; (iii) Doanh thu từ thuế thuốc lá của chính phủ tăng 124% (từ 7,1 tỷ lira năm 2005 lên 15,9 tỷ lira năm 2011); (iv) Tăng giá thuốc lá năm 2010 làm giảm tới 590.000 người hút thuốc và cứu sống 340.000 người[11].
Cải cách thuế thuốc lá ở Brazil
Tương tự như Philippines, giai đoạn 2000-2006, Brazil áp dụng cơ cấu thuế TTĐB đa cấp đối với thuốc lá. Thuế suất thuế TTĐB cũng ở mức khá thấp và thay đổi thuế suất luôn duy trì dưới mức lạm phát. Điều này dẫn đến thuế TTĐB thuốc lá trong giá bán lẻ thấp và giảm từ 30,2% năm 2000 xuống chỉ còn 19,7% vào năm 2006. Trong hệ thống thuế này, số thu ngân sách từ thuế thuốc lá cũng giảm theo thời gian.
Từ năm 2007-2011, nước này đã thực hiện nhiều lần điều chỉnh thuế và mức tăng thuế được thiết lập cao hơn so với tỷ lệ lạm phát. Năm 2012, Brazil chuyển sang áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp gồm thuế đơn vị (2 mức) và thuế tỷ lệ (1 mức). Theo luật thuế của nước này, thuế tuyệt đối được điều chỉnh hàng năm bằng mức lạm phát dự kiến. Từ năm 2015, sẽ điều chỉnh chỉ còn một mức thuế đơn vị. Mức thuế theo tỷ lệ phần trăm gia tăng mỗi năm.
Việc điều chỉnh cơ cấu thuế và tăng thuế liên tục từ 2007-2012 làm tăng giá bán lẻ thuốc lá tại nước này. Từ năm 2006 đến năm 2012, thuế TTĐB cho mỗi bao thuốc lá tăng 116% đã làm tăng giá thực của thuốc lá lên 74%. Giá trung bình một bao 20 điếu tăng từ 2,19 reais năm 2006 lên 5,5 reais năm 2013. Trong giai đoạn này, tiêu dùng thuốc lá trong nước giảm 32% (từ 5,56 tỷ bao năm 2006 xuống 3,8 tỷ bao năm 2013). Số thu ngân sách của chính phủ từ thuế thuốc lá tăng 48% (từ 3,5 tỷ reais năm 2006 lên 5,1 tỷ reais năm 2013). Không những góp phần làm tăng thu ngân sách, tăng thuế TTĐB mà còn làm giảm tỷ lệ hút thuốc của nước này: tỷ lệ hút thuốc ở người lớn đã giảm từ mức 15,7% năm 2006 xuống còn 11,3% năm 2013 (giảm hơn 1/4 tỷ lệ hút thuốc). Số người hút thuốc giảm từ 21,35 triệu người vào năm 2006 xuống còn 17,1 triệu người năm 2013[12].
Mặc dù tăng thuế TTĐB nhưng tỷ lệ thuế TTĐB trên giá bán lẻ ở nước này cũng chỉ đạt 24,4% vào năm 2013. Tuy nhiên, tổng các loại thuế trên giá bán lẻ tăng và ở mức cao, tăng từ 55,6% năm 2006 lên 60,4% năm 2013. Như vậy, ngoài thuế TTĐB, nước này còn đánh các loại thuế gián thu khác đối với thuốc lá và chúng có vai trò quan trọng để giữ giá thuốc lá ở mức cao.
3. Bài học kinh nghiệm  
Những kết quả phân tích về lợi ích của tăng thuế thuốc lá và những kinh nghiệm thực tế về cải cách thuế thuốc lá tại các quốc gia trên đây cho thấy rằng, việc tăng thuế thuốc lá là một chính sách cùng thắng (win - win) vì vừa có vai trò hạn chế tiêu dùng hiệu quả lại vừa mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Xét về tổng thể, tăng thuế thuốc lá mang lại lợi ích cho toàn xã hội cả về sức khỏe và kinh tế.
Để nâng cao hiệu quả của thuế trong việc hạn chế tiêu dùng thuốc lá, chính sách thuế thuốc lá ở nước ta cần đáp ứng những yêu cầu sau đây:
Một là, tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ thuốc lá phải được duy trì ở mức cao mới có hiệu quả trong việc giảm tiêu dùng thuốc lá.
Hai là, khi đã duy trì được tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ ở mức cao thì vẫn cần tăng thuế định kỳ hàng năm để đảm bảo bắt kịp mức lạm phát và gia tăng thu nhập đầu người, nhằm giữ sức mua thuốc lá ít nhất là không tăng.
Ba là, áp dụng một cơ cấu thuế hỗn hợp gồm thuế đơn vị và thuế tỷ lệ để đảm bảo rằng, ngay cả những loại thuốc lá cấp thấp cũng trở nên khó tiếp cận với người tiêu dùng.
Bốn là, ngoài việc điều tăng chỉnh thuế TTĐB, cần kết hợp điều chỉnh tăng các loại thuế gián thu khác để đảm bảo tổng thuế trong giá bán lẻ được duy trì ở mức cao, từ 2/3 đến ¾ giá bán lẻ[13].
Năm là, nguồn thu tăng thêm từ thuế thuốc lá nên được trích một phần để lập các quỹ phát triển các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng./.
 
[1]World Health Organization (2003), The World Health Report 2003: Shaping the Future. Geneva: World Health Organization.
 
[2]World Health Organization (1999), Tobacco Use in Vietnam - A Major Health Hazard. Geneva: World Health Organization.
 
[3] Burns và cộng sự., 1997; Jha và cộng sự., 2008; Neubauer và cộng sự,. (2006)
[4]Shafey và cộng sự,. (2009).
[5]HB Vietnam, Đại học Y tế Công cộng Hà Nội (2014), Chi phí y tế cho năm nhóm bệnh liên quan đến hút thuốc lá ở Việt Nam.
 
[6]IRCR (2011), Handbook health and economic impact of tobacco taxation.International Agency for Research on Cancer
[7]Tỷ lệ này thấp hơn các nước có các chính sách kiểm soát thuốc lá mạnh mẽ (thuế chiếm hơn ¾ giá bán lẻ).
[8]SEATCA (2013), Tobacco taxes in the Philippines, Factsheets
 
[9]IRCR (2011), Handbook health and economic impact of tobacco taxation. International Agency for Research on Cancer.
 
[10]Jereminas N.Paul, Jr (2014), Reforming tobacco excise taxation for fiscal and public health: the Philipines experience. Regional ASEAN Workshop on Tobacco Taxation and Illicit Trade Malina, May 2014.
 
[11] Nghiên cứu của Yurekli et al.
[13] Theo khuyến nghị của WB, thuế nên chiếm từ 2/3 đến ¾ giá bán lẻ thuốc lá sẽ giúp giảm hút thuốc lá hiệu quả tốt hơn

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 18(274), tháng 9/2014)


Thống kê truy cập

32985233

Tổng truy cập