Bảo đảm độc lập tư pháp trong nhà nước pháp quyền - kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị sửa đổi Luật tổ chức tòa án nhân dân

01/08/2014

NGUYỄN THỊ HỒNG

BTV Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp; Nghiên cứu sinh Trường Đại học Griffith, Australia

Ngày nay, chân lý được chấp nhận toàn cầu rằng Hiến pháp của nền dân chủ hiện đại được quản lý bởi nhà nước pháp quyền (NNPQ) phải bảo đảm hiệu quả nền tư pháp độc lập. Và nguyên tắc này có rất ít thay đổi[1]. Năm 1994, Bản ghi nhớ của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc có ghi nhận: “Sự độc lập và khách quan của tư pháp và sự chuyên nghiệp của nền pháp lý độc lập là điều kiện đầu tiên cần thiết cho việc bảo vệ quyền con người và việc bảo đảm không có sự phân biệt đối xử trong hoạt động của công lý”[2]. Tuy nhiên, bảo đảm độc lập tư pháp không phải là công việc đơn giản. Bài viết tham chiếu kinh nghiệm nước ngoài cho quá trình cải cách tư pháp, hướng tới nền tư pháp độc lập hiệu quả, chất lượng như chúng ta đang mong đợi khi ban hành Hiến pháp 2013 và sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Untitled_328.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
I. Độc lập tư pháp
1. Tại sao phải bảo đảm tư pháp độc lập?
Sự cần thiết của tư pháp độc lập được đề cập khá cụ thể trong nghiên cứu của Theodor Meron[1]. Theo Theodor Meron[2], tư pháp độc lập là nội dung cơ bản của NNPQ bởi khi Thẩm phán độc lập từ những áp lực chính trị hay áp lực khác, họ sẽ giải quyết tranh chấp một cách công bằng, theo hướng dẫn của pháp luật. Điều đó mang đến các tác dụng: thứ nhất, nó cần thiết và đóng góp lớn cho sự ổn định chính trị và sự giàu có của nền kinh tế một quốc gia khi các nhà kinh tế và chính trị yên tâm có trọng tài công bằng giải quyết các tranh chấp của họ theo luật và các quy định đã được ghi nhận. Thẩm phán đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết vụ án và giải thích, làm rõ sự tồn tại của luật và các quy tắc. Khi Thẩm phán độc lập và hành xử theo pháp luật, sự giải thích của họ là hợp lý bởi họ dựa trên luật đang tồn tại và các án lệ trước đó cũng như logic. Thứ hai, tư pháp độc lập cũng cần thiết cho việc bảo vệ hiệu quả quyền con người - cơ sở vững chắc của bất kỳ một xã hội tự do nào. Những quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp hay các luật của một đất nước, nhưng phải tồn tại một quyền lực, ví dụ như tòa án, xét xử độc lập và khách quan các khiếu kiện của công dân, và trong trường hợp cần thiết, phán quyết rằng sự xâm phạm trái pháp luật quyền của công dân phải được đánh giá hợp lý. Và cuối cùng, vai trò quan trọng nhất, sự độc lập của Thẩm phán và tòa án là phương tiện không thể thiếu để hạn chế chính quyền bằng luật. Trong trường hợp chính phủ là một bên của khiếu kiện, nguyên tắc quan trọng của NNPQ là không ai có thể là Thẩm phán trong vụ án của anh ta, vì vậy phải tồn tại một cơ quan độc lập như tòa án, cơ quan có quyền lực để quyết định chính quyền đã xâm phạm hạn chế pháp lý.
2. Định nghĩa tư pháp độc lập
Trong một cuốn sách được xuất bản gần đây[3] về việc đàn hạch của Thẩm phán Samuel Chase và Chánh án Tòa án tối cao Mỹ là Andrew Jackson, William Rehnquist khẳng định rằng nội dung của tư pháp độc lập, với quyền lực tuyên bố vô hiệu một đạo luật, là một phát kiến của người Mỹ với vụ án đầu tiên Marbury ν Madison. Tuy nhiên, tư pháp độc lập lại là một cụm từ rất cổ.John Locke xuất bản cuốn sách “Lời nói đặc biệt của Chính phủ” trong khoảng năm 1690 và “Luật của sự xác lập” năm1701 có đề cập đến việc bảo đảm nhiệm kỳ suốt đời cho Thẩm phán có hành vi tốt[4].
Ferejohn[5] cho rằng, độc lập tư pháp là một ý tưởng được tiếp cận dưới hai yếu tố: yếu tố bên trong (mang nghĩa thông thường) hoặc bên ngoài (mang tính tổ chức). Theo nghĩa thông thường, Thẩm phán cần sự độc lập và có phẩm chất đạo đức, người có thể được tin tưởng để giải quyết các nhiệm vụ công độc lập với các mối quan tâm khác. Tuy nhiên, Thẩm phán cũng là một con người, và những thứ họ quyết định liên quan rất lớn đến con người. Vì vậy, Thẩm phán cần đến sức mạnh của tổ chức để đối phó với những áp lực hoặc ham muốn vật chất có thể có trong công việc. Tư pháp độc lập, với nghĩa này, là một yếu tố của việc thiết lập tổ chức nơi mà hoạt động tư pháp diễn ra. Tuy nhiên, độc lập tổ chức là một giá trị phức tạp bởi nó là công cụ để theo đuổi một giá trị khác, giá trị NNPQ hoặc giá trị Hiến pháp. Chúng ta mong muốn Thẩm phán sẽ được bảo vệ trong tổ chức, vì vậy họ có thể hành động đúng đắn mà không phải liên quan đến những hậu quả cá nhân từ những hành động đó. Trong thực tế, nhiều cuộc tranh cãi lịch sử cho rằng, sự bảo vệ của tổ chức đã tạo điều kiện cho Thẩm phán áp đặt quan điểm của họ đối với xã hội.
Tom Bingham[6] cũng đồng ý rằng, có hai cách tiếp cận về tư pháp độc lập. Cách thứ nhất tập trung vào sự độc lập của cá nhân Thẩm phán trong công việc hàng ngày của việc xét xử. Quan trưởng ấn Lord Mackay of Clashfern, trong một bài giảng ngày 6/3/1991 nhấn mạnh rằng, đối với Thẩm phán “chức năng của họ là giải quyết vụ án và vì vậy, họ phải hoàn toàn độc lập trong hành động, đối với bất kỳ sự ảnh hưởng nào. Nhưng để giữ sự độc lập, Thẩm phán phải có một số quyền lực hoặc ảnh hưởng đến thủ tục hành chính chưa rõ ràng ngay xung quanh quá trình tư pháp. Ví dụ, nếu Thẩm phán không nắm rõ danh sách các vụ án sẽ được xét xử tại tòa có thể tạo cơ hội cho ngành hành pháp (bao gồm cả những thành viên của các đảng) thiếu trung thực tìm kiếm sự ảnh hưởng đến kết quả của vụ án bằng cách khẳng định rằng chúng đã được liệt kê trước suy nghĩ của các Thẩm phán để nhận được sự ủng hộ của Thẩm phán đối với quan điểm của họ, hoặc đơn giản hơn, trì hoãn việc xét xử vụ án nếu việc này có lợi cho người cầm quyền”[7].
Cách tiếp cận thứ hai - cách tiếp cận thay thế - coi sự độc lập không chỉ của riêng cá nhân Thẩm phán mà còn là sự độc lập của quyền tư pháp như một nhánh độc lập của quyền lực nhà nước. Lord Browne-Wilkinson đã ủng hộ thuyết phục vấn đề này trong bài giảng của ông về “Sự độc lập của nhánh tư pháp trong những năm 1980”[8]. Theo đó, Thẩm phán với nghĩa rộng của độc lập, nên quyết định và truyền tải không những phán quyết tư pháp cuối cùng mà còn là nền hành chính - nền tảng cho việc truyền tải và hiệu lực bắt buộc của phán quyết.
Theo Frank Cross[9], độc lập thường được định nghĩa như sự tự do hoặc được làm bất kỳ điều mình mong muốn. Khía cạnh đầu tiên và quan trọng nhất của định nghĩa tư pháp độc lập liên quan đến một hệ thống trong đó các tranh chấp được giải quyết bởi một bên thứ ba khách quan, nhưng nó dẫn đến câu hỏi là khách quan với cái gì. Độc lập được định nghĩa như sự tự do từ các quyền lực bên ngoài, nhưng tư pháp độc lập, cần không, và không thể là tuyệt đối. Bởi “không ai là một đảo hoang”, tình trạng độc lập tuyệt đối là không thực tế”[10].
Cách hiểu truyền thống của tư pháp độc lập có liên quan đến sự tự do của tòa án từ sự điều khiển bởi hệ thống quyền lực nhà nước khác, như nhánh lập pháp và hành pháp. Tòa tối cao của Mỹ cho rằng, Thẩm phán là người độc lập từ bất kỳ sự tác động nào có thể có từ các nhánh quyền lực[11]. Trong quyển Người Liên bang, Hamilton giải thích rằng: “sẽ không có tự do, nếu quyền lực của Thẩm phán không được phân chia từ quyền lực lập pháp và hành pháp”. Yếu tố phân chia quyền lực của nền tư pháp độc lập có ý nghĩa cung cấp một bức tường thành chống lại sự độc tài[12]. Ở Mỹ và nhiều nước khác, nền tư pháp đã và đang chịu áp lực gia tăng của quyền lập pháp và hành pháp[13]. Ngành tư pháp dường như mang trong nó sự độc lập và chức năng phân chia quyền lực. Có một vài yếu tố chứng minh rằng sự phân chia quyền lực, bao gồm cả tư pháp độc lập, làm giảm thiểu tham nhũng hoặc các vấn đề lợi ích cá nhân khác[14].
Khía cạnh khác có khả năng ảnh hưởng đến sự độc lập của tòa án liên quan đến sự tự do của ngành tư pháp từ các hạn chế của luật. Nghị viện có thể không thay đổi kết quả của việc giải quyết tranh chấp của tòa án, nhưng sự thay đổi tương lai có thể xóa bỏ rất nhiều hiệu lực của phán quyết tư pháp và xâm phạm độc lập tư pháp[15]. Thẩm phán Kozinski đề cập đến nhánh quyền lập pháp đã can thiệp quá chức năng một trong những quyết định của ông ta trước khi ông ta thậm chí đã kết thúc việc viết ý kiến[16]. Sự hạn chế của luật thường được coi như khuyến khích giá trị công bằng, hơn là hạn chế nó, nhưng ban cho nhánh lập pháp quyền hành vô độ để thay thế nội dung của luật độc lập với ngành tư pháp có thể can thiệp sự bình đẳng này. Ở một vài mức độ, một hiến pháp thành văn liên kết với nội dung tư pháp hiến pháp có thể tăng cường đáng kể tư pháp độc lập bởi vì nó thể hiện rằng Thẩm phán sẽ không tôn trọng các luật được ban hành không dựa trên cơ sở trái Hiến pháp[17]. Thẩm phán, người “nhận thấy ông ta như điều gì đó hơn là các nhà áp dụng đơn giản của luật của người cầm quyền sẽ là một tín hiệu tốt đẹp cho tư pháp độc lập”[18].
Tuy nhiên, tư pháp độc lập không có nghĩa Thẩm phán độc lập với mọi sự hạn chế, mà là sự độc lập được giới hạn bởi sự độc lập của hành vi tư pháp. Sự độc lập này có thể bị giới hạn đến những hành động được thực hiện bởi vai trò tư pháp của Thẩm phán, và hành động này phải tương ứng với vai trò tư pháp, và do vậy, không được phép cho Thẩm phán đổi những quy tắc cho tham nhũng[19]. Các nghiên cứu pháp lý cho thấy nền tư pháp Mỹ độc lập và không phụ thuộc vào sự can thiệp của các nhánh quyền lực khác, ví dụ như nhiệm kỳ cả đời của Thẩm phán liên bang là một minh chứng. Trong thực tế, ngành lập pháp và hành pháp của chính quyền liên bang đã có quyền lực đáng kể để hạn chế và ảnh hưởng ngành tư pháp liên bang. Nghị viện có thể đàn hạch Thẩm phán, bãi nhiệm họ. Mặc dù việc áp dụng quyền lực này gần như không được thực hiện, sự đe dọa của việc đàn hạch vẫn có tác dụng răn đe. Ngành tư pháp cũng phụ thuộc vào các ngành khác của chính phủ cho nguồn lực tài chính. Mặc dầu Hiến pháp không quy định Nghị viện có quyền giảm lương của Thẩm phán, nó vẫn có thể từ chối tăng lương hoặc các nguồn lực khác cho nền tư pháp liên bang và sự điều khiển tỉ lệ cho việc phân bổ nguồn lực tư pháp có thể quan trọng cho lợi ích của Thẩm phán. Thẩm phán đã thể hiện sự quan tâm đáng kể cho ngân quỹ của họ, và họ thường xuất hiện như một người khiêm tốn với những mong muốn từ cơ quan lập pháp[20]. Một vài nghiên cứu cho thấy Nghị viện đã trừng phạt những quyết định không mong muốn từ ngành tư pháp với việc cắt giảm ngân sách, và Tòa công lý tối cao đã phải có trách nhiệm với quyết định của nó mang thiên hướng có thể sửa đổi cho ngành lập pháp[21]. Theo Thẩm phán Calabresi, sự quan tâm ngân sách khuyến khích các Thẩm phán khác thúc giục anh ta viết lại các ý kiến mà có thể làm phiền lòng các thành viên của nghị viện[22].
Các nhánh quyền lực chính trị đã có cách khác để ảnh hưởng lên nhánh quyền tư pháp. Với các luật, nghị viện có thể ảnh hưởng rất lớn đến các giải thích tư pháp, và Thẩm phán có thể ngăn chặn các ảnh hưởng này[23]. Hiến pháp cho Nghị viện quyền được từ chối phán quyết của ngành tư pháp liên bang đối với những vấn đề đặc biệt. Thậm chí nếu không bị tác động, Thẩm phán có thể yêu cầu sự trợ giúp từ các nhánh quyền lực khác để áp dụng các quyết định, tuy nhiên, các sự trợ giúp này có thể bị từ chối[24]. Đầu thế kỷ 20, Nghị viện Hoa Kỳ hủy bỏ Tòa mới được thiết lập là Tòa tài chính bởi không thích những phán quyết của tòa này[25]. Tổng thống và các Viện có quyền bổ nhiệm Thẩm phán lên cấp tòa cao hơn, trả lương cao hơn hoặc rút sự ủng hộ hoặc tăng lương. Đã có một số ví dụ cho thấy sự thăng chức có thể ảnh hưởng đến quyết định của ngành tư pháp[26]. Nghị viện có xu hướng mở rộng phạm vi của ngành tư pháp khi một đảng đã có đủ sự thống trị chính trị để chắc chắn rằng thành viên của họ sẽ điền đầy các chỗ trống[27]. Sự đe dọa dù nhỏ nhất của việc tái phân phối quyền lực chính trị từ nhánh nghị viện dường như đã chuyển ngành tư pháp vào sự tự điều chỉnh hiệu quả[28].
Tuy nhiên, các sự can thiệp bên ngoài ở cấp độ liên bang ở Mỹ hiếm khi là công cụ được dễ dàng sử dụng để đạt mục đích cá nhân của Thẩm phán cho việc ban hành một quyết định. Segal đã thực hiện một loạt phân tích thực nghiệm để thấy rằng, ở một mức độ nào đó, các quyết định của Tòa án tối cao là để làm hài lòng nghị viện, sử dụng nhiều mô hình khác nhau của quá trình quyết định của nghị viện, và ông ta chứng minh không có sự ảnh hưởng nào từ lợi ích của nhánh quyền lập pháp[29], mặc dù có những người không đồng ý với những kết quả này. Nhưng những kết luận của Segal cũng đã được khẳng định khá chắc chắn bởi các nghiên cứu của khoa học chính trị thể hiện rằng quyết định cao nhất của tòa tối cao có lý tưởng riêng của nó[30]. Nền tư pháp của nước Mỹ thì ở mức độ nào đó, nhưng không phải hoàn toàn, độc lập.
Đối với nước Mỹ, sự độc lập của Thẩm phán thể hiện ở hành vi có tính chuẩn mực và tinh thần trách nhiệm. Một nền tư pháp độc lập tuyệt đối khi Thẩm phán có thể quyết vụ án dựa trên những mong ước bất chợt, bởi một quyết định may rủi, hoặc sự trao đổi cho lợi ích cá nhân từ các đương sự. Sự độc lập này có thể khuyến khích sự vô độ của ngành tư pháp. Không có lý do cho việc mong đợi tư pháp độc lập hoàn toàn để tuân thủ bởi NNPQ, và các phần học thuyết của quyết định tư pháp liên bang có thể đề nghị rằng các tòa án này đã có một quyết định lớn hơn sự độc lập của nó. Tư pháp độc lập có chuẩn mực rõ ràng gắn với sự phân chia quyền lực nhà nước, với một số khả năng có thể kiểm tra sự lạm dụng quyền lực bởi nhánh quyền lực khác. Nó có thể gần với chuẩn mực liên quan đến bảo vệ quyền cá nhân. Tư pháp độc lập cũng có thể làm rộng hơn chuẩn mực bình đẳng trong phán quyết tư pháp[31].
Nền chính trị của Úc dựa trên học thuyết NNPQ. Tòa án Úc và các tòa hành chính phụ thuộc chính phủ về ngân sách. Thêm vào đó, trong phần lớn các trường hợp, tòa án và các tòa hành chính phụ thuộc chính phủ về sự giúp đỡ hành chính. Ở Úc, Thẩm phán liên bang và Thẩm phán bang được bổ nhiệm bởi nhánh hành pháp với sự đồng ý của các thành viên của đảng cầm quyền[32]. Được đánh giá như là sự chống lại nội dung NNPQ, tòa án Úc và tòa hành chính về mặt quản lý hành chính không được coi là độc lập với các nhánh quyền lực khác của chính phủ. Tuy nhiên, ngành tư pháp Úc vẫn có sự độc lập trong hoạt động xét xử, theo đó Thẩm phán có khả năng giải quyết vụ án chỉ dựa trên thực tế và luật[33].
Ngoài yếu tố phụ thuộc về tổ chức vào ngành lập pháp, nền tư pháp của Anh tự hào về sự độc lập của họ nhưng sự độc lập này là một phần của thỏa thuận không rõ ràng giữa Thẩm phán và các nhà chính trị. Các nhà chính trị thường không can thiệp vào hoạt động tư pháp kể cả khi họ có thể. Các bộ trưởng không gây áp lực với Tổng chưởng lý bổ nhiệm Thẩm phán cho những thành phần trung thành với các đảng. Những người lãnh đạo của các đảng phái không bao giờ sa thải Thẩm phán và chỉ thay đổi luật liên quan đến tòa án sau khi đã có sự thảo luận rộng rãi và nghiêm túc. Về phần Thẩm phán, họ giới hạn phạm vi xét xử và quyền lực của mình đến những vấn đề của luật tư, tránh những rắc rối chính trị. Phần lớn các Thẩm phán dường như nhận thức rằng, những câu hỏi liên quan đến chính sách công có thể dẫn họ đến một cuộc chiến không thể thắng với phần đông của nghị viện. Thẩm phán ở Anh được coi như độc lập trong lĩnh vực hẹp[34].
3. Các yêu cầu và điều kiện bảo đảm tư pháp độc lập
Rất nhiều nhà khoa học khẳng định nguyên tắc Thẩm phán khách quan là một phần giá trị của sự độc lập của họ. “Nghĩa vụ của Thẩm phán là thực hành công lý như là kết quả của luật và việc áp dụng kiến thức pháp luật cũng như sự kính trọng thực tế như bản thân nó xuất hiện. Nói cách khác, Thẩm phán phải áp dụng luật, chứ không phải ý thích của ông ta”[35]. Samuel Johnson cho rằng “cho phép luật bị sửa theo ý chí hay sở thích của Thẩm phán sẽ dẫn đến không có luật”[36]. Thẩm phán phải mang đến công lý trong đó không có nỗi sợ hãi, ý thích, sự ảnh hưởng hay đơn giản là thiếu lý trí - những vấn đề liên quan đến phạm vi rất rộng của các nghĩa vụ đạo đức. Thẩm phán không được có sự phân biệt đối xử, sự thiếu khách quan và phải tự điều chỉnh bản thân trong hoạt động của tòa án cũng như không tạo cơ sở cho sự nghi ngờ vào khả năng của mình khi xét xử[37]. Nếu bất kỳ Thẩm phán nào thay đổi hoặc “đo” quyết định tư pháp của ông ta nhằm làm hài lòng hoặc tránh mất lòng bất kỳ thành viên nào của nhánh quyền hành pháp, người mà ông ta nghĩ có thể ảnh hưởng đến việc quyết định tương lai thăng tiến của mình, hoặc thậm chí bất kỳ thành viên nào của cơ quan tư pháp, người mà Thẩm phán cho rằng nên hỏi ý kiến hoặc tư vấn, là Thẩm phán đã vi phạm nghĩa vụ tư pháp[38].
Đây là điểm nổi bật được đề cập bởi Hartley Shawcross - Tổng Chưởng lý trong năm 1950 khi ông này tuyên bố rằng, Thẩm phán phải khách quan như một nguyên tắc quan trọng của thực tiễn hiến pháp. Thẩm phán không được bình luận chính sách của Nghị viện với mục đích bảo vệ nguyên tắc hoạt động của Thẩm phán[39] vì việc này là không cần thiết cho quyết định của vụ án và họ cũng không có quyền tham gia[40].
Đồng ý với quan điểm của Tom Bingham, Theodor Meron[41] khẳng định hai yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm tư pháp độc lập là sự tôn trọng của công chúng dành cho tòa án và sự cảm nhận của Thẩm phán như một trọng tài độc lập và khách quan. Nếu tòa án được đánh giá là độc lập và nhận được sự kính trọng của công chúng, tòa án sẽ dễ dàng hơn khi ra những phán quyết độc lập và sẵn sàng đối mặt, trong trường hợp cần thiết, với một chính phủ quyền lực hoặc dư luận xã hội.
Ngoài ra, theo Tom Bingham, vấn đề đặc biệt quan trọng là người được bổ nhiệm phải có năng lực chuyên môn, khả năng hoàn thành nhiệm vụ tư pháp, trong khả năng tốt nhất có thể với sự khách quan[42].
Một học thuyết khác về tư pháp độc lập đề nghị Thẩm phán nên độc lập với các đương sự như Chính phủ, tổ chức và cá nhân. Việc giải quyết vụ án phải dựa trên các chứng cứ thực tế và nguyên tắc của luật. Sự công bằng yêu cầu “quyết định của một vụ án phải độc lập với các tên hoặc nhân thân của đương sự”[43]. Đó là điều cần thiết cho sự khách quan và bình đẳng trước luật, có lẽ là cả quá trình của luật. Kết quả một vụ án sẽ bị hủy bỏ nếu Thẩm phán có lý do để ủng hộ một đương sự[44]. Trong đó, Tom Bingham[45] cho rằng, Thẩm phán không được có lợi ích kinh tế liên quan đến kết quả của việc kiện tụng hoặc mối liên hệ tài chính nào với các chủ thể trong vụ kiện mà Thẩm phán giải quyết. Nguyên tắc chống lại việc chấp nhận quà từ đương sự hoặc đương sự tương lai là rất rõ ràng, nhưng nó không phải là tuyệt đối. Ví dụ, Lord Chief Justice[46] và the Master of the Rolls[47] nhận quà hàng năm của Công viên Hoàng Gia khi họ chi trả giúp một phần phí vận chuyển mua hàng và cho đến gần đây, nhận áo từ Công ty London. Nếu nó không phải sự tiếp nối của truyền thống lâu đời, những món quà này sẽ gây ra nhiều sự nghi ngờ[48].
Hơn nữa, một Thẩm phán không nên chấp nhận vị trí trong một bộ, một ủy ban của chính phủ hoặc vị trí khác liên quan đến vấn đề của thực tế và chính sách hoặc vấn đề khác hơn sự tiến triển của luật, hệ thống pháp luật hoặc là sự quản lý của nền công lý[49].
Ngoài ra, Larkins cho rằng tư pháp độc lập cũng phải có chức năng ban phát quyền lực. Thẩm phán thực sự phải có quyền phán quyết được pháp luật ghi nhận. Tòa án sẽ thiếu sức mạnh thực tế nếu nó thiếu tất cả quyền lực, bởi vì nó không có phán quyết hoặc nhà cầm quyền không quan tâm, tôn trọng nó[50]. Ví dụ, ở chế độ độc tài Franco của Tây Ban Nha và Pinochet của Chile, ngành tư pháp không được độc lập nhiều từ các quyền lực bên ngoài và nó cũng có rất ít quyền lực nên sự độc lập của nó không quan trọng[51].
Còn Derek Oulton khẳng định tư pháp độc lập không những với những áp lực vô lý của nhánh hành pháp, đương sự và đặc biệt là nhóm áp lực mà còn là những áp lực vô lý đến từ truyền thông. Derek Oulton cho rằng, “không chắc là cuộc tấn công của truyền thông vào Thẩm phán sẽ có nhiều ảnh hưởng đến tính độc lập của Thẩm phán hay không, nhưng họ có thể phá hoại sự kính trọng tư pháp… cung cấp nhiều suy nghĩ hơn là được chứng minh cho sở thích của công chúng để làm tổn thương thanh danh của Thẩm phán”[52]. Theo Frank[53], ngành tư pháp cũng có thể bị ảnh hưởng bởi công chúng, Thẩm phán sống giữa cộng đồng, đọc cùng loại báo và đương nhiên có những ảnh hưởng giống đám đông. Thẩm phán cũng có thể sợ những phản ứng tiêu cực của đám đông đối với những quyết định có thể liên quan tới địa vị của họ. Các nghiên cứu cho thấy quyết định tư pháp liên bang, quyết định của Tòa án tối cao Mỹ thường phù hợp với quan điểm của công chúng cũng như gần với nhánh quyền lực được bầu cử của chính quyền[54]. Trên thực tế xuất hiện quan điểm công chúng có ảnh hưởng nhất định lên việc quyết định các phán quyết tư pháp. Và khía cạnh khác của tư pháp độc lập liên quan đến độc lập từ quan điểm công đồng. Một nền tư pháp độc lập không tiến hành một cuộc trưng cầu ý kiến, lấy ý kiến trước khi ban hành một quyết định. Thông qua sự độc lập đó, nền tư pháp được hy vọng sẽ bảo vệ quyền lợi pháp lý của nhóm thiểu số trước sự đàn áp có thể có của nhóm đa số[55].
Sự bảo vệ độc lập tư pháp cũng có thể bằng nhiệm kỳ của Thẩm phán bởi nó giúp Thẩm phán yên tâm làm việc và không phải lo lắng đến vị trí của ông ta trong tòa án. Ở Anh, Thẩm phán của tòa án cấp cao được bảo vệ trong suốt thời gian làm tốt việc của mình và chỉ bị miễn nhiệm bởi lệnh của hai viện trong Nghị viện. Thực tế đã chứng minh, hơn thế kỷ qua không có Thẩm phán Anh nào bị sa thải. Trong những năm gần đây, Thẩm phán không mắc lỗi thì dù sức khỏe thể chất và tinh thần để thực hiện nhiệm vụ của ông ta có yếu, ông ta vẫn tiếp tục ở lại cơ quan. Vì vậy, các học giả Anh quan tâm đến việc tính toán tuổi nghỉ hưu hợp lý trong những trường hợp như vậy[56]. Thẩm phán liên bang nước Mỹ thì có nhiệm kỳ cả đời[57]. Còn ở Úc, sự an toàn nhiệm kỳ được bảo đảm bởi sự bổ nhiệm một người đến tuổi 70 (trước đó, nhiều bang là tuổi 72, và ở cấp liên bang là cả đời). Một Thẩm phán không thể bị sa thải trái với mong muốn của họ nếu chưa đạt đến độ tuổi này trừ khi họ phạm vào việc cư xử không đúng đắn hoặc có sai phạm được thiết lập với sự đồng ý của Nghị viện (dù là của vùng lãnh thổ, bang hoặc của Liên bang), và của hai viện. Với cơ chế này, rất khó để có thể sa thải Thẩm phán[58].
Thêm nữa, câu hỏi lương bổng của Thẩm phán là một trong những quan tâm chính của xã hội cũng như sự độc lập của tòa án. Giáo sư Friedland đã rất đúng khi cho rằng: “dĩ nhiên là có sự quan hệ gần gũi giữa lương của Thẩm phán và sự độc lập của họ. Nếu lương của một Thẩm phán lại phụ thuộc vào sự thay đổi đột ngột hay mong muốn của chính phủ, Thẩm phán không thể độc lập như cách chúng ta kỳ vọng vào nền tư pháp. Nếu lương có thể tăng vô độ hoặc xuống thất thường cho mỗi Thẩm phán, hoặc cho cả đội ngũ Thẩm phán, chính phủ đã có một biện pháp hay công cụ mạnh để điều khiển tư pháp”[59]. Theo Alexander Hamilton, “nhìn chung, bản chất con người, quyền lực đối với sinh kế cũng mạnh mẽ như quyền lực của ý chí’[60]. Vì vậy, có liên quan một cách khéo léo giữa sự độc lập của Thẩm phán và thu nhập.
Liên quan đến bản chất minh bạch của quá trình tư pháp, Ellis cho rằng, tư pháp độc lập đầu tiên phải được ghi nhận, bảo đảm bởi Hiến pháp, và quan trọng không kém, được thực hiện bởi ngành tư pháp thông qua các hành động của nó hay quá trình Thẩm phán thực hiện nền công lý trong thực tế. Vì vậy, tư pháp độc lập ở mức độ nào đó phụ thuộc vào sự minh bạch của nền tư pháp; điều gì Thẩm phán làm trong quá trình và sản phẩm của quá trình xét xử phải được mở rộng đến sự kiểm soát của công chúng. Quy trình bí mật, bao gồm cả việc ngăn cản không hợp lý việc tiếp cận của công chúng đối với các bản ghi âm hoạt động của tòa án, sẽ làm tăng sự nghi ngờ, sự thiếu tin tưởng và thiếu sự tự tin trong quá trình tư pháp. Quá trình như vậy thường dẫn đến những nỗ lực hạn chế quyền lực tư pháp và tư pháp độc lập.
Ngày nay, khi mà cuộc cách mạng công nghệ đã mang đến những tiến bộ vượt bậc của máy tính, mạng internet và công nghệ không dây thì việc đáp ứng yêu cầu đầy đủ cho minh bạch tư pháp không phải là quá khó. Khi áp dụng chúng, quyền tiếp cận của công chúng mang tính hiến định và nó chỉ có thể bị từ chối dựa trên lợi ích của chính quyền, thể nhân hoặc cá nhân khi những lợi ích này lớn hơn quyền tiếp cận của công chúng. Nhưng khi nó bị thu hẹp, nó cũng chỉ được áp dụng đối với một số bản ghi âm và tài liệu tư pháp tại buổi bào chữa vô tội và tuyên án có tội trong vụ án hình sự, và tài liệu tổng kết của tòa án trong vụ án dân sự; hoặc các bí mật cá nhân, bí mật thương mại trong vụ án dân sự v.v.. Khi thể hiện bí mật một yêu cầu, tòa án phải tuân thủ một quy trình đương nhiên trước khi áp dụng tuyên bố đóng một văn bản hay bản ghi âm tư pháp. Quy trình này cơ bản bao gồm: 1) Công bố cho công chúng biết khả năng của việc bảo mật và cung cấp cho những bên có lợi ích có cơ hội được phản đối; 2) chỉ ra lý do cho việc bảo mật trên bản ghi âm đó; và 3) giải thích tại sao biện pháp khác cho việc bảo mật là không đủ[61].
II. Góp ý sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân
Về cơ bản, Dự thảo Luật sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân[62] (TAND) đã phần nào “thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; làm rõ hệ thống, cơ cấu, tổ chức của các TAND nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và cơ cấu, tổ chức bộ máy trong từng TAND cũng như cơ chế quản lý TAND về tổ chức để bảo đảm tính độc lập của hoạt động xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”[63]. Liên quan đến bảo đảm tính độc lập của nền tư pháp hay bảo đảm tính độc lập xét xử, có một vài điểm đáng bàn từ những kinh nghiệm thế giới đã nêu trên:
Thứ nhất, nhìn chung, Dự thảo Luật sửa đổi Luật Tổ chức TAND (Dự thảo) dường như hướng tới việc bảo đảm sự độc lập của ngành tòa án về tổ chức theo hướng nhấn mạnh sự độc lập của ngành này so với các nhánh quyền lực khác của lập pháp, hành pháp hay chính quyền địa phương với việc thiết lập Tòa án bốn cấp: TAND sơ thẩm khu vực, TAND tỉnh, TAND cấp cao và TAND tối cao nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là chính quyền cấp huyện, tỉnh đối với nền tư pháp. Thiết kế tổ chức tòa án như vậy là hợp lý, nhằm bảo đảm sự độc lập cũng như sự linh hoạt trong hoạt động của ngành tòa án. Tuy nhiên, như chúng ta đã phân tích, ngành tư pháp không phải là một ốc đảo trong quan hệ quyền lực nhà nước, sự phụ thuộc và giám sát của các ngành khác đối với ngành này là tất yếu, kể cả ở những nước như Mỹ, nơi mà nguyên tắc tam quyền phân lập được áp dụng tương đối triệt để và người Mỹ thường tự hào là có nền tư pháp độc lập cao thì ngành tòa án nước này vẫn chịu sự kiểm soát, kiềm chế của nhánh quyền lập pháp và hành pháp thông qua việc bổ nhiệm Chánh án Tòa án tối cao, việc đàn hạch cũng như về hệ thống cơ sở vật chất. Vì vậy, Dự thảo thiết kế không để TAND tối cao tự trình Quốc hội về kinh phí hoạt động là hợp lý, để Tòa án không lấn sân sang hoạt động của Chính phủ và cũng là bảo đảm quy định của Hiến pháp cũng như Luật Ngân sách nhà nước. Công việc quan trọng trong việc bảo đảm tính độc lập về tổ chức là quan hệ của TAND với các nhánh quyền lực khác hay các cơ quan nhà nước khác. Tuy nhiên, đáng tiếc là Dự thảo chưa làm rõ cơ chế phối hợp của TAND với HĐND các cấp; cơ chế kiểm tra, giám sát của HĐND, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đặc biệt là thiếu hẳn cơ chế giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Tòa án. Các chủ thể này sẽ giám sát ngành tòa án theo cách nào để bảo đảm việc xét xử công bằng, nghiêm minh mà lại không can thiệp vào tính độc lập của Tòa án? Dự thảo vẫn chưa có câu trả lời rốt ráo giải quyết vấn đề cốt lõi này mà lại nhường sân cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định, hay đang tựa vào một công thức chung chung “theo quy định của pháp luật”. Hơn ai hết, TAND tối cao - cơ quan soạn thảo Dự luật và cũng là một bên của quá trình phối hợp, giám sát, nên thể hiện rõ mong muốn của họ trong Dự luật về các cơ chế này để rộng đường dư luận cũng như nhận được sự thảo luận rộng rãi của ĐBQH.
Thứ hai, do chú trọng vào sự tăng cường tính độc lập của Tòa án theo hướng “thoát” khỏi sự ảnh hưởng của các nhánh quyền lực khác về mặt tổ chức, Dự thảo dường như không đề cập rõ ràng về yếu tố độc lập thứ hai, nhưng cực kỳ quan trọng trong hoạt động tư pháp, là sự độc lập của cá nhân Thẩm phán. Dù rằng nguyên tắc Thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập, chỉ tuân theo pháp luật đã được phản ánh trong Dự thảo này cũng như trong Hiến pháp năm 2013, nhưng chúng ta cũng chưa làm rõ nội hàm của khái niệm độc lập này. Điều 52 về Tiêu chuẩn Thẩm phán của Dự thảo không phản ánh rõ nét yêu cầu hướng tới sự độc lập của cá nhân Thẩm phán dù có đề cập tiêu chuẩn của Thẩm phán là “có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý”. Thẩm phán là một nghề đòi hỏi sự dũng cảm bảo vệ công lý, để đạt được điều đó, họ phải độc lập. Như đã phân tích, tư pháp độc lập đòi hỏi đầu tiên là sự độc lập của cá nhân Thẩm phán. Thẩm phán, hơn ai hết, phải tự xác định khách quan, độc lập là giá trị cao quý trong nghề nghiệp của họ. Họ là một bộ phận độc lập có đạo đức, khách quan, xét xử vụ án dựa trên pháp luật và sự thực khách quan. Thẩm phán phải tự khẳng định quyền ban phát quyền lực và phán quyết của mình dựa trên sự thật khách quan và pháp luật. Điều này càng đặc biệt quan trọng khi trong thực tiễn hiện nay, “hoạt động xét xử của tòa án ở các địa phương, không nơi nào là không có sự tác động nhưng sự tác động rất khó chứng minh, chủ yếu chỉ là một cái vỗ vai, một lời nói nhỏ”[64]. Những tác động này, nếu không từ những cán bộ, công chức từ nhánh quyền lực khác của chính quyền địa phương hay ngành lập pháp, hành pháp, từ các tổ chức chính trị - xã hội, thì còn là của đồng nghiệp và cấp trên của họ, hay thậm chí là từ đương sự hoặc bị can, bị cáo theo con đường hối lộ hoặc thân quen nể nang. Về bản chất, không có một sự độc lập về tổ chức nào riêng lẻ có thể bảo đảm sự độc lập của ngành tư pháp nếu mỗi Thẩm phán không tự nhận thức và khẳng định sự độc lập của mình từ những áp lực này. Hơn bao giờ hết, dù Thẩm phán là người có trình độ, năng lực giỏi, nhưng thiếu sự khách quan, độc lập, thì chỉ một sự thiên lệch nhỏ của Thẩm phán cũng có thể làm thay đổi kết quả bản án. Do đó, đã đến lúc, Dự luật cần coi yêu cầu khách quan, độc lập như một tiêu chuẩn của Thẩm phán.
Thứ ba, Điều 57 Dự thảo đưa ra các phương án khác nhau, trong đó Thẩm phán TAND tối cao có thể được bổ nhiệm không kỳ hạn, trong khi các Thẩm phán khác có thể theo các phương án nhiệm kỳ là 5 năm hoặc 10 năm. Điều này được đánh giá là “phù hợp với đặc điểm của Việt Nam, nhằm bảo đảm thận trọng trong đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, tạo động lực phấn đấu rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, trách nhiệm của Thẩm phán trong thực thi nhiệm vụ, nhất là nhiệm kỳ đầu”[65]. Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy rằng, nhiệm kỳ của Thẩm phán thường rất dài, như ở Anh, Mỹ và Úc, thì nhiệm kỳ của Thẩm phán là suốt đời hay kéo dài đến khi Thẩm phán 70 tuổi. Dĩ nhiên chúng ta không thể áp dụng máy móc kinh nghiệm của nước ngoài vào điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam. Nhưng trong vấn đề này, chúng ta chưa chỉ ra rõ “điều kiện và hoàn cảnh” gì của Việt Nam hay một cớ chính đáng để hạn chế nhiệm kỳ của Thẩm phán rất ngắn với 5 hay 10 năm cho việc bổ nhiệm hay bổ nhiệm lại Thẩm phán Tòa án các cấp (trừ TAND tối cao). Bản thuyết minh về Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) số 90/TANDTC-KHXX ngày 29/4/2014 của TAND tối cao; Báo cáo Đánh giá tác động của Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) số 21/TANDTC-KHXX ngày 29/4/2014 của TAND tối cao đều không có dòng nào đề cập đến việc thận trọng đánh giá, bổ nhiệm cán bộ hay phẩm chất đạo đức, trách nhiệm của Thẩm phán liên quan đến nhiệm kỳ của Thẩm phán. Tuy nhiên, theo Dự thảo và thực tiễn cũng đã chỉ ra rằng, hiếm có trường hợp một người không có trình độ cử nhân luật trở lên, chưa được đào tạo nghiệp vụ xét xử và không có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật lại được bổ nhiệm làm Thẩm phán. Ngoài ra, thực tế cũng cho thấy “theo quy định hiện hành thì nhiệm kỳ của Thẩm phán (5 năm) là ngắn và chưa phù hợp, ít nhiều tạo tâm lý không yên tâm làm việc của Thẩm phán, thậm chí có nhiều trường hợp còn có tâm lý e ngại trước những tác động của những cơ quan, cá nhân có Thẩm quyền xem xét, tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm; nhất là khi đến gần thời điểm tiến hành bổ nhiệm lại. Đây là một trong những nguyên nhân làm nguyên tắc độc lập của Thẩm phán khi xét xử bị ảnh hưởng. Nhiệm kỳ Thẩm phán quá ngắn cũng gây tốn kém thời gian, vật chất cho công tác tái bổ nhiệm”[66].
Ngoài ra, “Quyết định của các “quan tòa” - nhìn nhận một cách thẳng thắn - vẫn chịu sự ràng buộc nhất định vì Thẩm phán có được tái bổ nhiệm hay không đều phải có nhận xét của cấp ủy. “Thẩm phán chúng tôi có suy tư hay không khi vợ con, gia đình và cả xã hội cùng nhìn vào mình, có dũng cảm để bảo vệ công lý không? Câu trả lời là phải dũng cảm nhiều mới làm được như thế nhưng suy tư, suy nghĩ thì cũng phải nói thật là có”[67]. Rõ ràng, từ báo cáo và thực tiễn cho thấy có tâm lý e ngại, lo lắng của Thẩm phán liên quan đến việc bổ nhiệm lại của họ. Chúng ta không có bằng chứng khẳng định nhiệm kỳ ngắn sẽ hạn chế những tiêu cực, hay nhiệm kỳ dài hơn, thậm chí là nhiệm kỳ kéo dài đến 60 hay 65 tuổi có thể làm khó khăn cho công tác đánh giá cán bộ, nhưng chúng ta có bằng chứng và ví dụ cho thấy, nhiệm kỳ quá ngắn sẽ làm Thẩm phán tâm tư khi họ làm việc mà còn “lo ngay ngáy” mình sẽ bị “đào thải” hay “mất việc” sau một nhiệm kỳ ngắn. Như vậy, nghề Thẩm phán đòi hỏi sự dũng cảm để bảo vệ công lý, sự dũng cảm không chỉ đến từ áp lực xét xử tội phạm hay tranh chấp, mà còn là những áp lực để giữ chức vụ, những áp lực ấy lại có thể đến từ các cơ quan nhà nước và từ chính cấp trên của Thẩm phán. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, nên kéo dài nhiệm kỳ của Thẩm phán, chí ít là 20 năm, nếu không phải là cả đời. Còn việc để bảo đảm thận trọng trong việc đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, chúng ta nên có một cơ chế pháp lý rõ ràng để Thẩm phán, trong trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ của mình hoặc có biểu hiện thiên lệch vì những áp lực tài chính, thân quen, sẽ bị sa thải hoặc miễn nhiệm, bị kỷ luật hoặc xử lý hình sự. Tuy nhiên, quy chế này phải hết sức rõ ràng, căn cứ dựa trên những đánh giá khoa học, và không phải lúc nào cũng đồng nhất với án của Thẩm phán bị sửa, hủy, vì chúng ta cũng chưa chắc chắn Tòa án cấp phúc Thẩm đã xét xử đúng hơn Tòa án sơ Thẩm. Thực tế đã có những vụ án xử sơ Thẩm, phúc Thẩm đi lại nhiều lần mà vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Quy chế này phải là cơ sở để Thẩm phán có thể tự bảo vệ mình, bảo vệ sự dũng cảm, độc lập trong nghề nghiệp, chỉ tuân theo pháp luật của mình trước cấp trên của họ hay những áp lực khác.
Thứ tư, NNPQ yêu cầu sự minh bạch của pháp luật và sự quản trị pháp luật cũng như nền tư pháp, đó cũng là tạo điều kiện cho việc xây dựng cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc đánh giá chất lượng Thẩm phán. Sự minh bạch hướng tới việc công chúng có thể biết rõ ràng những gì đã xảy ra trong hoạt động xét xử của hệ thống tòa án dân sự và tòa hình sự. Người dân cần được biết ai là người bị truy tố, vì lý do gì và kết quả ra sao; ai là người khởi kiện, cho vấn đề gì và kết quả. Người dân, đặc biệt là luật sư và các nhà khoa học có thể đánh giá quá trình, kết quả của việc xét xử hay quan điểm của Thẩm phán v.v.. thông qua hệ thống Internet. Có vẻ khác biệt với nhiều nước như đã nêu trên, ở nước ta, nhiều vụ án có sự phản ánh rộng rãi của dư luận báo chí, sự quan tâm của các luật sư, nhà nghiên cứu hay dư luận xã hội thì thường có những kết quả cuối cùng phản ánh sự thật khách quan. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là Dự thảo không đề cập nhiều đến quá trình minh bạch hóa này.
Thứ năm, như đã nêu trên, thu nhập của Thẩm phán cũng là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, Dự thảo chưa thể hiện được sự khác biệt trong chế độ, chính sách đối với Thẩm phán. Thẩm phán khác với các loại cán bộ, công chức khác của Nhà nước, là người nhân danh công lý xét xử vụ án, là cán cân công lý. Một Thẩm phán mà còn trăn trở vì lương bổng thấp, làm gì để lo đủ thu nhập cho các chi phí, thì cũng thật khó để chúng ta có thể kỳ vọng rằng họ có thể hoàn toàn độc lập trước các áp lực tài chính từ các đương sự hay bị can, bị cáo. Vì vậy, tính toán một mức lương hợp lý cho Thẩm phán là một yêu cầu. Tuy nhiên, mức lương này, phải đi đôi với chất lượng xét xử của Tòa án. Người dân không thể trả thuế cho những người có những phán xét trái pháp luật, đi ngược lại lợi ích của họ.
Kết luận rằng, bảo đảm tư pháp độc lập không phải là công việc đơn giản của các NNPQ, kể cả những nước có nền tư pháp độc lập cao như Mỹ. Và tư pháp độc lập không phải là một yêu cầu tuyệt đối. Về mặt tổ chức (hay bên ngoài), ngành tư pháp đang vươn tới sự độc lập so với các nhánh quyền lực nhà nước khác, nhưng là một bộ phận của quyền lực nhà nước, nó bị kiểm soát, hạn chế bởi các nhánh quyền lực khác. Tuy nhiên, về cá nhân Thẩm phán, họ phải độc lập trước mọi áp lực chính trị, tài chính cũng như dư luận xã hội v.v.. Để đạt được yêu cầu đó, phải có những cơ chế thích hợp bảo đảm sự độc lập cho Thẩm phán. /.

 


[1] Bingham, T. H., P. (2000). Judicial Independence in The business of judging: selected essays and speeches. Oxford: Oxford University Press. p. 56.
[2] Commonwealth Law Bulletin (July 1994), at 957, trích trong Bingham, T. H, tlđd, p. 56.

[1] Theodor Meron được coi như học giả hàng đầu trong lĩnh vực luật nhân đạo. Ông đã từng là Chánh án Tòa hình sự quốc tế cho trường hợp Nam Tư cũ và Thẩm phán tòa phúc Thẩm cho phiên tòa Nam Tư và Rwanda. Theodor Meron có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển của luật hình sự quốc tế. Ông là tác giả cuốn sách: “The Making of international Criminal Justice: The View from the Bench: Selected Speeches” (Thủ tục của Tòa tư pháp hình sự quốc tế từ góc nhìn của Thẩm phán: những phát biểu được lựa chọn), tập hợp các bài viết, phát biểu cung cấp nhận thức sâu sắc về luật tư pháp hình sự quốc tế và luật tố tụng tư pháp hình sự quốc tế.
[2] Meron, T., & Oxford University, P. (2011), Judicial Independence and Judicial Impartiality, The Making of international Criminal Justice: The View from the Bench: Selected Speeches. Oxford: Oxford University Press, p. 256-257.
[3] Cass R Sunstein, "How Independent is the Court?" (1992) 29 New York Review of Books, No 17, 22 December, dẫn theo Marks, K.H., 1994, Judicial Independence, the Australian Law Journal, 68: 173-187.
[4] Marks, Ken, 1994, Judicial Independence, the Australian Law Journal, 68: 173-187.
[5] Ferejohn, J. (1998). Independent judges, dependent judiciary: explaining judicial independence. S. Cal. L. Rev., 72, 353.
[6] Bingham, T. H., tlđd, p. 57.
[7] See Purchas, ‘What is Happening to Judicial Independence’, New Law Journal 30 Sept.1994 at 1306, 1308.
[8] [1988] Public Law 44, trích trong: Bingham, T. H., tlđd, p. 57.
[9] Cross, Frank,  tlđd, p. 1.
[10] Russell, P. H. 2001. Toward a general theory of judicial independence. Pp. 1–24 in Judicial Independence in the
Age of Democracy, ed. P. H. Russell and D. O. O'Brien. Charlottesville: University Press of Virginia.
[11] Xem U.S. v. Will 1980, 218, , trích trong Cross, Frank,  tlđd, p.2.
[12] Guarnieri, C., and Pederzoli, P. 2002. The Power of Judges: A Comparative Study of Courts and Democracy. Oxford: Oxford University Press.
[13] FereJohn, J. 2002. Judicializing politics, politicizing law. Law and Contemporary Problems, 65: 41–68.
[14] Panizza, U. 2001. Electoral rules, political systems, and institutional quality. Economics and Politics, 13: 311–42.
[15] Salzberger, E. M. 1992. A positive analysis of the doctrine of separation of powers. International Review of Law and Economics, 13: 349–79.
[16] Kozinski, A. 1998. The many faces of judicial independence. Georgia State University Law Review, 14: 861–73.
[17] Scheppele, K. L. 2002. Declarations of independence. Pp. 227–79 in Judicial Independence at the Crossroads, ed. S. A. Burbank and B. Friedman. Thousand Oaks, Calif.: Sage.
[18] Larkins, C. M. 1996. Judicial independence and democratization: a theoretical and conceptual analysis. American
Journal of Comparative Law, 44: 605–26.
[19] Cross, Frank,  tlđd, p. 1.
[20] Resnick, J. 1999. Judicial independence and Article III: too much and too little. Southern California Law Review, 72: 657–71.
[21] Toma, E. F. 1996. A contractual model of the voting behavior of the Supreme Court: the role of the chief justice.
International Review of Law and Economics, 16: 433–45.
[22] Cross, F. B. 2003. Thoughts on Goldilocks and judicial independence. Ohio State Law Journal, 64: 195–219.
[23] Eskridge, W. N. 1991. Overriding Supreme Court statutory interpretation decisions. Yale Law Journal, 101: 331–417.
[24] Peretti, T. J. 2002. Does judicial independence exist? Pp. 103–33 in Judicial Independence at the Crossroads, ed. S. A. Burbank and B. Friedman. Thousand Oaks, Calif.: Sage.
[25] Dix, G. E. 1964. The death of the Commerce Court: a study in institutional weakness. American Journal of Legal
History, 8: 238–60.
[26] Sisk, G. B., Heise, M., and Morriss, J. P. 1998. Charting the influences on the judicial mind: an empirical study of
judicial reasoning. New York University Law Review, 73: 1377–500.
[27] De Efgueiredo, J. M., and Tiller, E. H. 1996. Congressional control of the courts: a theoretical and empirical analysis of expansion of the federal judiciary. Journal of Law and Economics, 39: 435–62.
[28] Ferejohn and Kramer, L. D. 2002. Independent judges, dependent judiciary: institutionalizing judicial restraint. New York University Law Review, 77: 962–1039.
[29] Segal, J. A. 1997. Separation-of-powers games in the positive theory of Congress and courts. American Political
Science Review, 91: 28–44.
[30] Peretti, T. J. 2002. Does judicial independence exist? Pp. 103–33 in Judicial Independence at the Crossroads, ed. S. A. Burbank and B. Friedman. Thousand Oaks, Calif.: Sage.
[31] Cross, Frank,  tlđd, p.7.
[32] Marks, Ken., 1994, Judicial Independence, the Australian Law Journal, 68: 173-187.
[33] Church TW and Sallmann PA, Governing Australia’s Courts (Australian Institute of Judicial Administration, 1991), p.1; Alford J, Gustavson R and Williams P, The Governance of Australia’s Courts: A Managerial Perspective (Australian Institute of Judicial Administration, 2005).
[34] J. T. Waltman, The Courts of England in The Political Role of Law Courts in Modern
Democracies (1988) at 117–18, trích trong trích trong: Bingham, T. H., & Oxford University, P. (2000). Judicial Independence in The business of judging: selected essays and speeches. Oxford: Oxford University Press, p. 63.
[35] Bingham, T. H., tlđd, p. 72-73.
[36] Boswell, Life of Johnson (1976), 496, trích trong Bingham, T. H., tlđd, p. 73.
[37] Bingham, T. H., tlđd, p. 75.
[38] Bingham, T. H., tlđd, p. 61.
[39] Stevens, R. B., & Oxford University, P. (1993). The independence of the judiciary: the view from the Lord Chancellor's office. Oxford: Clarendon, p. 79.
[40] Bingham, T. H., tlđd, p. 8.
[41] Meron, T., tlđd, p. 258.
[42] Bingham, T. H., tlđd, p. 72.
[43] Kornhauser, L. A. 2002. Is judicial independence a useful concept? Pp. 45–55 in Judicial Independence at the
Crossroads, ed. S. A. Burbank and B. Friedman. Thousand Oaks, Calif.: Sage, 49.
[44] Aetna Life Insurance v. Lavoie. 1986. 475 U.S. 813, trích trong Cross, Frank, The Oxford Handbook of Law and Politics, Oxford, P. (2008), Judicial Independence, Edited by Gregory A. Caldeira, R. Daniel Kelemen, and Keith E. Whittington, the Oxford: Oxford University Press, Oxford   Handbooks           Online, DOI:        10.1093/oxfordhb/9780199208425.003.0032, p. 2-3.
[45] Bingham, T. H., tlđd, p. 75.
[46] Là người đứng đầu hệ thống tư pháp (tòa án) ở Anh và xứ Wales, là Chánh án của Tòa án tối cao mới được mở năm 2009.
[47] Một trong những Thẩm phán dân sự cấp cao nhất trong hệ thống pháp luật ở Anh và xứ Wales. The Master of the Rolls là những Thẩm phán chịu trách nhiệm ở tòa phúc Thẩm và nó cũng là thành viên của Privy Council- nhóm tư vấn cho vua và hoàng hậu về những vấn đề chính trị.
[48] Bond, ‘The Growth of Judicial Ethics’, (1925) 10 Mass. Law Quarterly 1 at p. 13, trích trong Bingham, T. H., tlđd, p. 75.
[49] Bingham, T. H., tlđd, p. 77.
[50] Kornhauser, L. A. 2002. Is judicial independence a useful concept? tlđ d.
[51] Larkins, C. M. 1996. Judicial independence and democratization: a theoretical and conceptual analysis. American
Journal of Comparative Law, 44: 605–26.
[52] Derek Oulton, Journal of Law and Society, vol. 21, no. 4, Dec. 1994 at 569, trích trong: Bingham, T. H., tlđd, p. 62.
[53] Cross, Frank,  tlđd, p. 5-6.
[54] Marshall, T. R. 1989. Public Opinion and the Supreme Court. Boston: Unwin Hyman; Mc Guire, K. T., and Stimson, J. A. 2004. The least dangerous branch revisited: new evidence on Supreme Court responsiveness to public preferences. Journal of Politics, 66: 1018–35.
[55] Cross, Frank,  tlđd, p. 2.
[56] Bingham, T. H tlđd, p. 60.
[57] Cross, Frank,  tlđd, p. 3.
[58] Marks, Ken., 1994, Judicial Independence, the Australian Law Journal, 68: 173-187.
[59] Commonwealth Law Bulletin. (July 1992), 1043, trích trong Bingham, T. H., tlđd, p. 66.
[60] A Place Apart: Judicial Independence and Accountability in Canada May 1995, at 53.
[61] Ellis III, T. S. (2008). Sealing, Judicial Transparency and Judicial Independence. Vill. L. Rev., 53, 939.
[62] Dự thảo trình Ủy ban Tư pháp, Quốc hội khóa XIII ngày 06/5/2014.
[63] Báo cáo số 1869/BC-UBTP13 ngày 06/5/2014 của Ủy ban Tư pháp, Quốc hội khóa XIII Thẩm tra Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), tr. 1-2.
 
[64] Ý kiến của ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TAND tối cao, xem: P. Thảo, Một cái vỗ vai, một lời nói nhỏ… cũng làm “lệch” quan tòa! Xem:
[65] Báo cáo số 1869/BC-UBTP13 ngày 06/5/2014 của Ủy ban Tư pháp, Quốc hội khóa XIII Thẩm tra Dự án Luật tổ chức TAND (sửa đổi), tr. 1-2.
[66] Báo cáo Đánh giá tác động của Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) số 21/TANDTC-KHXX ngày 29/4/2014 của TAND tối cao.
[67] P. Thảo, Một cái vỗ vai, một lời nói nhỏ… cũng làm “lệch” quan tòa! tlđd.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 16(272), tháng 8/2014)


Thống kê truy cập

32983413

Tổng truy cập