Trách nhiệm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay

01/11/2012

BÙI KIM HIẾU

Khoa Luật, Trường Đại học Đà Lạt.

Cùng với những thành tựu đáng ghi nhận trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vấn đề khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm và suy thoái môi trường đang diễn ra hết sức phức tạp, với quy mô, tính chất, mức độ ngày càng lớn trên cả nước. Pháp luật nước ta đã có những quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) bằng các chế tài trách nhiệm hành chính (TNHC), dân sự, hình sự, trong đó biện pháp TNHC được áp dụng phổ biến hơn cả; tuy nhiên vẫn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe và còn nhiều hạn chế, bất cập. Bài viết phân tích những quy định của pháp luật hiện hành về TNHC trong lĩnh vực BVMT của Việt Nam, trên cơ sở liên hệ với pháp luật các nước trên thế giới và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn áp dụng.
Untitled_535.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Trách nhiệm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Việt Nam
TNHC trong lĩnh vực môi trường chỉ phát sinh khi có vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực BVMT. VPHC trong lĩnh vực BVMT là những hành vi vi phạm các quy định quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực môi trường do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý mà không phải là tội phạm và theo quy định của Pháp lệnh Xử lý VPHC với các văn bản có liên quan thì phải bị xử lý hành chính. VPHC trong lĩnh vực BVMT rất đa dạng, gồm nhiều hành vi khác nhau, song về cơ bản các hành vi đó thuộc các loại: vi phạm quy định về thực hiện cam kết BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, vi phạm các quy định về thực hiện phòng chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường.
TNHC trong lĩnh vực BVMT được áp dụng đối với người VPHC trong lĩnh vực BVMT. Đây là biện pháp chế tài mà Nhà nước áp đặt đối với các tổ chức, cá nhân có VPHC, nói cách khác, chủ thể VPHC phải gánh chịu hậu quả bất lợi do Nhà nước áp đặt để một mặt nhằm khắc phục các hậu quả do VPHC gây ra, mặt khác nhằm răn đe, giáo dục đối tượng VPHC mới có thể xảy ra.
TNHC trong lĩnh vựcBVMT hiện nay xét cả ở phương diện lý luận và thực tiễn thì chưa đặt ra vấn đề áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác. Thực tế cho thấy, hành vi VPHC trong lĩnh vực BVMT chưa cần thiết phải áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác, vì vậy văn bản quy định về áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với VPHC trong lĩnh vực BVMT chỉ quy định về xử lý hành chính (Nghị định 117/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý hành chính trong lĩnh vực BVMT - sau đây gọi tắt là Nghị định 117).
Hình thức xử phạt hành chính trong lĩnh vực BVMT gồm các hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Qua nghiên cứu những nội dung của pháp luật xử lý VPHC trong lĩnh vực BVMT, chúng tôi nhận thấy:
- Về hình thức: Thứ nhất, văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) quan trọng nhất về xử lý VPHC trong lĩnh vực BVMT không phải là văn bản luật mà ở hình thức văn bản nghị định (được duy trì từ năm 1996 đến nay). Hiện nay, Nghị định 117 là văn bản quan trọng nhất vì nó quy định những vấn đề cơ bản và hệ thống nhất về xử lý VPHC trong lĩnh vực BVMT.Thứ hai, hệ thống các văn bản pháp luật quy định về xử lý VPHC trong lĩnh vực BVMT không tập trung mà đang rải rác ở nhiều văn bản khác nhau.
- Về nội dung: Thứ nhất, hệ thống các VBQPPL về xử lý VPHC trong lĩnh vực BVMT là cơ sở pháp lý cơ bản, toàn diện và quan trọng để các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động xử phạt VPHC khi có hành vi vi phạm pháp luật (VPPL) về BVMT. Thứ hai, pháp luật về xử lý VPHC trong lĩnh vực BVMT tuy đã quy định 32 hành vi vi phạm (từ Điều 7 đến Điều 38 Nghị định 117) nhưng lĩnh vực BVMT là một lĩnh vực rất rộng nên vô hình chung khi có những hành vi vi phạm mới xuất hiện mà pháp luật chưa điều chỉnh kịp thời, sẽ gây khó khăn cho người có thẩm quyền áp dụng, xử lý. Thứ ba, chế tài áp dụng chính đối với các chủ thể thực hiện hành vi VPHC trong lĩnh vực BVMT là phạt tiền với mức phạt đến 500.000.000 đồng. Thứ tư, các quy định cụ thể về hành vi VPHC và hình thức xử phạt trong lĩnh vực quản lý nhà nước về môi trường hiện nay, mặc dù còn có những điểm bất cập, nhưng nhìn chung có vai trò quan trọng và đã góp phần nào đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống các hành vi VPPL về BVMT đang diễn ra đa dạng, tinh vi và phức tạp ở nước ta. Các quy định trên cũng góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước một cách linh hoạt, kịp thời, đảm bảo tính răn đe, giáo dục đối với những chủ thể vi phạm và các chủ thể khác trong xã hội.
2. Thực trạng và nguyên nhân vi phạm pháp luật hành chính trong lĩnh vực môi trường
2.1. Thực trạng vi phạm pháp luật hành chính trong lĩnh vực môi trường
Tổng hợp kết quả phát hiện, xử lý các VPPL do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện cho thấy, các VPPL về môi trường nổi lên ở một số lĩnh vực với một số vi phạm điển hình sau đây:
(i) Vi phạm các quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)
Theo kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, các tổ chức, cá nhân thường thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ cam kết của báo cáo ĐTM đã được phê duyệt và Bản cam kết BVMT hoặc Đề án BVMT đã được xác nhận; chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng, khí như đã cam kết đăng ký, có nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã xây dựng trạm xử lý nhưng hệ thống xử lý không đạt yêu cầu về kỹ thuật hoặc không vận hành thường xuyên.
Theo quy định, các cơ sở chỉ được phép đi vào hoạt động chính thức sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền "kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện đầy đủ các nội dung của báo cáo ĐTM và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM". Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp đi vào hoạt động đã bỏ qua thủ tục này.
Trong năm 2010, kết quả thanh tra, kiểm tra đối với 117 khu công nghiệp (KCN) trong toàn quốc cho thấy, 24/117 KCN đang hoạt động hoặc đang xây dựng (20,51%) nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM, 88/117 KCN đang hoạt động hoặc đang xây dựng (75,21%) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM. Tuy nhiên, chỉ có 30/88 KCN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM (68,18%) thực hiện đúng và đầy đủ nội dung trong báo cáo ĐTM được phê duyệt.
(ii) Vi phạm các quy định về xử lý chất thải, nước thải
Kết quả khảo sát cho thấy, hành vi vi phạm các quy định về xử lý chất thải, nước thải xảy ra chủ yếu trong các KCN và các làng nghề.
- Tại các KCN: Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2009, tính đến tháng 10/2009, cả nước có 223 KCN, trong đó có 171 KCN đã đi vào hoạt động, 52 KCN đang trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, được phân bổ trong 56/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Kết quả kiểm tra đối với 92 KCN cho thấy: có 26/92 KCN đang hoạt động (28,26%) đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; trong đó có 13/26 KCN (50%) xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu và vượt quy chuẩn Việt Nam. 37/92 KCN đang hoạt động (40,21%) xả nước thải vượt quy chuẩn Việt Nam; trong đó có 14/37 KCN vượt từ 10 lần trở lên; 8/37 KCN vượt từ 5 lần đến dưới 10 lần; 10/37 KCN vượt từ 2 lần đến dưới 5 lần; 5/37 KCN vượt dưới 2 lần. 26/92 KCN đang hoạt động (28,26%) không thực hiện giám sát chất thải, giám sát môi trường xung quanh theo quy định. Hầu hết, các KCN chưa có bãi trung chuyển chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại tập trung theo quy định (hiện chỉ có 3/92 KCN đang hoạt động có bãi trung chuyển chất thải rắn thông thường).
- Tại các làng nghề: Theo Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, số lượng làng nghề thống kê trên toàn quốc đến thời điểm tháng 7/2011 là 3.355 làng. Hầu hết, ở các làng nghề, vấn đề BVMT chưa được quan tâm và đầu tư thích đáng; cơ sở hạ tầng về BVMT, các công trình xử lý chất thải, khí thải quy mô tập trung và riêng lẻ hầu như không có; ý thức của người dân rất kém, nặng về hiệu quả kinh tế và trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. VPPL về môi trường xảy ra rất phổ biến tại các làng nghề đã làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là các làng nghề sản xuất giấy, thuộc da, dệt nhuộm và tái chế kim loại. Chất thải độc hại khó phân hủy tại các làng nghề đều có các chỉ tiêu vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của nhân dân.
(iii) Vi phạm các quy định về quản lý, xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế
Hiện nay, cả nước có trên 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại. Tuy nhiên, đối với một số doanh nghiệp, công nghệ xử lý còn lạc hậu, trình độ chuyên môn hạn chế. Việc xử lý chất thải nguy hại của một số doanh nghiệp không đúng quy trình, quy định, một số trường hợp doanh nghiệp đã chôn hàng ngàn tấn chất thải nguy hại xuống dưới lòng đất nhằm giảm chi phí xử lý. Tại nhiều địa phương chưa có cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung hoặc đã có nhưng không xử lý được toàn bộ các loại chất thải nguy hại mà phải thu gom và vận chuyển sang địa phương khác. Đây cũng là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phát sinh trong quá trình vận chuyển, phân loại, lưu giữ và xử lý.
Bên cạnh đó, tình hình vi phạm các quy định về quản lý, xử lý rác thải y tế tại hầu hết các bệnh viện, cơ sở y tế trong cả nước cũng xảy ra tương đối phổ biến. Hiện nay chỉ có khoảng trên 20% bệnh viện, cơ sở y tế có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, hầu hết rác thải chưa được quản lý và xử lý theo quy chế xử lý chất thải y tế. Nhiều loại rác thải y tế nguy hại như bệnh phẩm, vỏ chai, dây truyền dịch, bơm kim tiêm đã qua sử dụng để lẫn lộn với rác thải thông thường. Thậm chí, ở một số bệnh viện còn cho phép thu gom để bán cho cơ sở tái chế để tận thu. Một mặt vì các cơ quan chức năng chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình, mặt khác hiện nay điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc của các cơ sở thực hiện chức năng xử lý rác thải y tế chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động này.
(iv) Vi phạm các quy định về BVMT trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hàng năm, có hàng triệu tấn phế liệu làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước được nhập khẩu qua gần 60 cửa khẩu quốc tế, quốc gia, 49 cảng biển các loại của Việt Nam. Trong năm 2007, có hơn 1 triệu tấn thép phế liệu được nhập vào Việt Nam, năm 2008 là 1,4 triệu tấn, năm 2009 là trên 2 triệu tấn, năm 2010 nhập khoảng gần 4 triệu tấn (chưa tính khoảng gần 1 triệu tấn nhựa phế liệu, giấy phế liệu và nhiều loại phế liệu khác như đồng, nhôm, linh kiện điện tử...).
Chỉ tính riêng Hải Phòng, theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Hải quan Hải Phòng, trong giai đoạn từ năm 2003 đến 30/9/2010, có trên 3.000 container chứa hàng chục nghìn tấn sản phẩm, phế liệu nhập khẩu, hoặc tạm nhập, tái xuất vi phạm các quy định về BVMT của Việt Nam nhập khẩu qua các cảng khu vực Hải Phòng. Theo Cục Hải quan Hải Phòng, việc nhập khẩu "rác" chưa bao giờ có dấu hiệu suy giảm. Trong giai đoạn 2003 - 2006, chỉ riêng với loại ắc-quy chì phế thải, thiết bị điện tử đã qua sử dụng (chất thải nguy hại) nhập qua các cảng của Hải Phòng do các cơ quan chức năng đã phát hiện là 2.276 container. Trong hai năm 2008 - 2009, phát hiện 340 container rác nhập khẩu dưới dạng khai báo là phế liệu, chưa tính số lượng các container ắc-quy chì phế thải, vi mạch điện tử cũ. Trong 9 tháng của năm 2010, phát hiện số lượng container chứa "rác" nhập bằng số lượng cả hai năm 2008, 2009.
Việc nhập khẩu trái phép chất thải vào Việt Nam chủ yếu được thực hiện dưới hình thức phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hoặc thiết bị công nghệ lạc hậu, với thủ đoạn phổ biến là "tạm nhập, tái xuất". Một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế kiểm hóa xác suất, thậm chí móc nối với một số tổ chức kiểm định, giám định để có kết luận hàng hóa đạt tiêu chuẩn về môi trường. Một số doanh nghiệp còn cấu kết với nhân viên hải quan để lấy mẫu trong các lô hàng đảm bảo yêu cầu chất lượng đã đuợc chuẩn bị sẵn, từ đó dễ dàng được thông quan nhập rác một cách dễ dàng.
Nghiêm trọng hơn là hành vi nhập rác thải sinh hoạt, các loại chất dioxin, thực phẩm kém chất lượng, bột xương bò điên, kể cả chất có phóng xạ, các thiết bị công nghệ lạc hậu sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước. Một số trường hợp khi bị phát hiện đã khai báo là "gửi nhầm hàng" và xin được chuyển trả lại nơi gửi đến. Một số trường hợp khác, khi bị phát hiện, doanh nghiệp đứng tên nhận hàng đều không nhận trách nhiệm thuộc về mình. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước không đủ chứng cứ để kết luận, hay xử phạt doanh nghiệp. Vì vậy, Nhà nước buộc phải bỏ một khoản kinh phí nhất định để thực hiện việc tiêu hủy số lượng rác này.
Ngoài những nhóm hành vi nêu trên, VPPL về BVMT còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Các hành vi có tính phổ biến và điển hình là hành vi: đổ rác thải bừa bãi tại các khu dân cư, đặc biệt là khu dân cư hai bên bờ sông và ở các khu đô thị; vận chuyển vật liệu xây dựng, chất phế thải xây dựng trong thành phố; sử dụng các phương tiện, máy móc trong sản xuất, phương tiện giao thông không bảo đảm tiêu chuẩn về BVMT; hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm...
2.2. Nguyên nhân của vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường
Thứ nhất, nhìn một cách toàn diện có thể thấy rằng, bên cạnh các ưu điểm, thì hệ thống VBQPPL về môi trường ở nước ta vẫn còn rất nhiều khiếm khuyết, thiếu đồng bộ và chưa rõ ràng, tính khả thi chưa cao; một số quy định chưa chặt chẽ và không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; một số văn bản chưa được quy định chi tiết và hướng dẫn một cách kịp thời.
Thứ hai, mặc dù công tác truyền thông, phổ biến về BVMT nói chung và pháp luật về BVMT nói riêng đã được quan tâm và triển khai một cách tương đối bài bản, nhưng hiệu quả công tác này vẫn còn hạn chế. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc BVMT, một số đối tượng khác, dù đã nhận thức đầy đủ nhưng vì lợi ích cá nhân nên vẫn cố tình vi phạm.
Thứ ba,  việc xử lý VPPL về môi trường chưa được thực hiện một cách đồng bộ và thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương; việc áp dụng các hình thức xử lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa thực sự nghiêm minh, đặc biệt khi xử lý đối với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước.
Thứ tư, dù Nghị định số 117 đã quy định khá chi tiết về các hành vi vi phạm cũng như biện pháp xử lý với mức phạt tăng lên rất nhiều lần so với quy định trước đây, nhưng vẫn tồn tại một số hình thức chế tài quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Thực tiễn áp dụng một số quy định về trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự đối với VPPL về BVMT còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Các quy định về trách nhiệm xác định, giám định, đền bù thiệt hại còn chưa rõ ràng và không khả thi. Vì vậy, trên thực tế có nhiều doanh nghiệp thay bằng việc đầu tư trang thiết bị xử lý chất thải bằng việc chấp nhận các hình thức xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, nhu cầu phát triển kinh tế và giải quyết công ăn việc làm của người lao động đã làm cho việc phát hiện, xử lý các VPPL gặp nhiều khó khăn, cản trở và phải chịu áp lực từ phía các hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ trong nhiều trường hợp cụ thể. Ở nhiều địa phương, do chính sách ưu tiên phát triển kinh tế nên đã kêu gọi đầu tư dàn trải, cấp phép kinh doanh ồ ạt, không quan tâm đến việc thẩm định, đánh giá ảnh hưởng của các dự án đối với môi trường, đặc biệt là các dự án thuộc lĩnh vực trọng điểm.
3. Trách nhiệm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở một số nước trên thế giới
TNHC của những chủ thể VPPL về BVMT ở các nước trên thế giới được quy định rất cụ thể, dễ áp dụng, ngay trong các văn bản luật chuyên ngành, không cần thiết phải có dấu hiệu “hậu quả” mới quy TNHC, tăng cường chế tài xử phạt tiền, phân biệt rõ trách nhiệm của cá nhân và tổ chức, hình thức phạt của tổ chức bao giờ cũng cao hơn cá nhân.
Pháp luật môi trường của nhiều nước quy định chủ thể VPPL môi trường thì phải chịu trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm pháp lý này có thể là trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hình sự hoặc TNHC. Tuy nhiên, quy định cụ thể của pháp luật các nước là không giống nhau. Đặc biệt, biện pháp trách nhiệm hình sự và hành chính được áp dụng phổ biến trong trong lĩnh vực BVMT của các nước.
3.1. Trách nhiệm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Singapore
Tuy pháp luật Singapore xem chế tài hình sự là quan trọng trong vi phạm pháp luật BVMT nhưng không vì thế mà xem nhẹ chế tài hành chính, bởi nếu chỉ riêng chế tài hình sự thì không thể BVMT một cách có hiệu quả. Một số chế tài hành chính thường được sử dụng là kế hoạch sử dụng đất, giấy phép và các mệnh lệnh thông báo[1]­­.
Việc lập kế hoạch sử dụng đất trong kiểm soát ô nhiễm môi trường theo pháp luật của Singapore cơ bản có tính chất phòng ngừa. Các khu vực dành cho công nghiệp nặng, công nghiệp vừa và công nghiệp làm sạch được phân giới rõ ràng. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Môi trường và các cơ quan hữu quan như Ủy ban tái phát triển đô thị và Cục kiểm soát xây dựng.
Việc cấp giấy phép và giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của Bộ Môi trường nhằm kiểm soát và quản lý chặt chẽ các hoạt động có khả năng tác động xấu tới môi trường. Cụ thể là trước khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, Bộ Môi trường phải đảm bảo là hoạt động của doanh nghiệp đó sẽ không gây ra tác hại gì cho môi trường. Ví dụ, theo đạo luật kiểm soát ô nhiễm về môi trường, các hoạt động công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm không khí đều phải được phép của Bộ Môi trường trước khi công việc triển khai.
Thông báo và lệnh được áp dụng trong trường hợp người chủ sở hữu hoặc quản lý một tài sản không tuân thủ các quy định tiêu chuẩn hoặc điều kiện về môi trường được quy định trong các đạo luật liên quan. Thông báo và lệnh này sẽ yêu cầu chủ sở hữu hoặc quản lý tài sản phải tuân thủ các yêu cầu đặt ra trong đó. Nếu không thực hiện, chủ sở hữu hoặc quản lý tài sản phải chịu trách nhiệm trước Tòa án và chịu hình phạt.
Bên cạnh các quy định về thông báo và lệnh, để đảm bảo yếu tố dân chủ trong việc thực thi pháp luật trong nhiều đạo luật khác nhau về BVMT, người nhận được lệnh hoặc thông báo nếu không đồng ý với yêu cầu đề ra trong đó thì có quyền nộp đơn phản đối. Đơn phản đối sẽ được Bộ trưởng Bộ Môi trường quyết định: giữ nguyên, thay đổi hoặc bãi bỏ lệnh hoặc thông báo đề ra. Quyết định của Bộ trưởng Môi trường là quyết định cuối cùng. Ví dụ, theo Điều 93 Luật về Môi trường sức khỏe cộng đồng, bất cứ người nào nếu không đồng ý với lệnh hoặc thông báo hoặc quyết định của người có thẩm quyền thì trong vòng 7 ngày nhận được lệnh, thông báo hoặc quyết định có thể nộp đơn phản đối tới Bộ trưởng Bộ Môi trường và Bộ trưởng là người trực tiếp xem xét, giải quyết.
Hành vi gây thiệt hại cho không khí theo pháp luật Singapore không phải chịu trách nhiệm hình sự như theo pháp luật Việt Nam mà chủ yếu là áp dụng biện pháp chế tài hành chính với mức phạt tiền rất cao và có sự phân biệt giữa vi phạm lần đầu và tái phạm cũng như đủ ngăn ngừa và khắc phục hậu quả suy thoái môi trường. Trong khi đó, hành vi gây thiệt hại cho không khí theo pháp luật Việt Nam được áp dụng cho cả TNHC và trách nhiệm hình sự, nhưng chưa có sự phân biệt rõ giữa vi phạm lần đầu và tái phạm và mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi không quá 100.000.000 đồng (Điều 182 Bộ luật Hình sự). Trong khi đó, pháp luật của Singapore lại không hạn chế mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm về BVMT mà áp dụng hình thức phạt theo nguyên tắc lần đầu và các lần sau nếu có tái phạm thì mức phạt sẽ cao hơn lần đầu 10, 20 lần...
Ngoài ra, theo pháp luật Singapore, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn thực hiện chức năng giám sát nhằm đảm bảo hạn chế tiếng ồn tại các công trường không được vượt quá giới hạn cho phép. Nếu có khiếu nại từ phía dân chúng về công trường gây tiếng ồn, Bộ Môi trường phải đánh giá độc lập về mức độ ồn. Nếu tiếng ồn vượt quá giới hạn quy định, căn cứ vào chứng cứ đã có, thì chủ sở hữu, người quản lý công trường xây dựng có liên quan phải chịu một khoảng tiền phạt vi phạm tối đa là 2.000 đôla, nếu tái phạm phải nộp 100 đôla cho mỗi ngày tái phạm tiếp theo.
Ngoài việc phải chấp hành chế tài hành chính và hình sự, chủ thể vi phạm còn có nghĩa vụ phục hồi thiệt hại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, pháp luật Singapore đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người áp dụng, vì khi áp dụng quy định này, người có thẩm quyền không phải xác định hậu quả của hành vi vi phạm. Trên thực tế, để xác định dấu hiệu hậu quả của hành vi vi phạm thường rất khó, nhất là trong lĩnh vực BVMT khi hậu quả của đa số trường hợp vi phạm không xảy ra ngay trực tiếp. Mặt khác, có lẽ xuất phát từ quan điểm coi trọng hoạt động BVMT và đề cao việc bảo vệ lợi ích công cộng nên theo quan điểm của các nhà lập pháp, chỉ riêng hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thể hiện tính chất nguy hiểm là vi phạm về môi trường chứ không cần phải xác định hậu quả thiệt hại của hành vi.
3.2.Trách nhiệm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Canada
Pháp luật về BVMT của Canada phân biệt rất rõ giữa trách nhiệm pháp lý của cá nhân và tổ chức khi vi phạm thì chế tài áp dụng cũng khác nhau, chế tài phạt tù quy định trong pháp luật hình sự không áp dụng đối với tổ chức mà chỉ áp dụng đối với cá nhân (giống pháp luật hình sự Việt Nam). Tuy nhiên, mức phạt tiền quy định trong pháp luật hình sự và pháp luật hành chính áp dụng đối với tổ chức cao hơn nhiều so với cá nhân.
Trong chế tài TNHC, ngoài hành vi xâm hại trực tiếp đến môi trường, với chủ thể có hành vi “có khả năng gây tác động đến môi trường” thì trước khi thực hiện hành vi này phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, nếu vi phạm quy định này thì chủ thể vi phạm sẽ bị phạt từ 300 đôla đến 5.000 đôla[2].
Để bảo đảm cho chế tài phạt tiền được thi hành có hiệu quả, đạt được mục đích trừng phạt, pháp luật BVMT của Canada còn quy định cho phép áp dụng các quy định của pháp luật nợ thuế bằng động sản hoặc bất động sản. Theo đó, những chủ thể bị phạt tiền nếu không chấp hành thì tài sản thuộc sở hữu của người đó là động sản hoặc bất động sản có thể bị cưỡng chế thi hành.
Chủ thể vi phạm bên cạnh việc phải chịu TNHC hoặc chịu trách nhiệm hình sự hoặc cả hai trách nhiệm trên, còn phải thực hiện nghĩa vụ khắc phục thiệt hại xảy ra trên thực tế, nhằm khôi phục lại trạng thái của sự vật như trước khi bị vi phạm. Quy định này tương tự quy định tại Điều 7 Luật Môi trường Việt Nam năm 2005 khi xác định nguyên tắc, chủ thể gây tổn hại cho môi trường do hoạt động của mình phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nguyên tắc này bảo đảm rằng những thiệt hại của môi trường luôn được khắc phục.
Cũng theo pháp luật Canada, khi có hành vi vi phạm trong lĩnh vực BVMT, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm khi xử phạt chủ thể vi phạm còn phải xem xét trách nhiệm của những người có liên quan tới vi phạm đó. Cụ thể, những người thực hiện hành vi trợ giúp cho người khác vi phạm quy định của pháp luật hoặc khuyên bảo, khuyến khích, xúi giục người khác thực hiện hành vi nguy hại cho môi trường thì cũng coi như người đó VPPL về BVMT và phải chịu chế tài xử lý tương ứng với hành vi vi phạm.
Như vậy, có thể thấy rằng, trong pháp luật BVMT của Canada có quy định phân biệt rất rõ giữa trách nhiệm của tổ chức và trách nhiệm của cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bao giờ cũng cao hơn mức phạt tiền đối với cá nhân và chế tài xử phạt tiền là biện pháp xử phạt chính trong pháp luật BVMT. Điều này thể hiện rõ nguyên tắc trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi sử dụng các thành phần của môi trường: các cá nhân, tổ chức khi sử dụng các thành phần môi trường phải có trách nhiệm đóng góp tài chính và khi có hành vi gây thiệt hại cho môi trường thì phải bồi thường thiệt hại và việc pháp luật hạn chế việc áp dụng các hình phạt tước quyền tự do, tăng cường các hình thức xử phạt mang tính chất kinh tế, là phù hợp với xu thế pháp luật của nhiều nước tiên tiến trên thế giới[3].
Qua việc nghiên cứu, so sánh pháp luật về BVMT ở các nước, chúng ta thấy rằng, việc xác định trách nhiệm của chủ thể vi phạm là hành chính, hình sự hoặc dân sự thì hình thức trách nhiệm áp dụng vẫn là biện pháp chế tài xử phạt tiền. Việc xác định trách nhiệm và chế tài xử lý là hành chính, hình sự hay dân sự thường quy định ngay ở các văn bản pháp luật chuyên ngành, điều này làm cho việc xác định trách nhiệm của chủ thể vi phạm có độ chính xác cao, đòi hỏi nhà làm luật phải thận trọng hơn trong việc xác định trách nhiệm của chủ thể vi phạm, nhất là trách nhiệm hình sự. Mặt khác, quy định như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người áp dụng pháp luật trong những trường hợp, hành vi vi phạm cụ thể về pháp luật môi trường. Hơn thế nữa, cùng với sự thay đổi tính chất của các quan hệ xã hội, khi thay đổi một điều luật trong một văn bản chuyên ngành, nhất là khi quy định trách nhiệm với một hành vi vi phạm mới sẽ không kéo theo sự thay đổi trong các văn bản luật khác. Điều này làm cho việc xử lý các hành vi vi phạm được thực hiện ngay, kịp thời mà không cần chờ các văn bản hướng dẫn khác để thực hiện. Trong khi đó, trong pháp luật môi trường Việt Nam, nếu muốn quy định một hình thức trách nhiệm đối với một hành vi vi phạm mới, sẽ kéo theo sự thay đổi, bổ sung các văn bản pháp luật khác có liên quan khác. Việc thay đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thường diễn ra chậm, làm cho việc xử lý hành vi vi phạm về BVMT thường không kịp thời, nhiều khi bỏ lọt cả vi phạm đáng ra phải xử lý, gây khó khăn cho cả những người áp dụng pháp luật về BVMT.
Nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về BVMT, trong thời gian tới, chúng ta cần xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về BVMT; bảo đảm các điều kiện cần thiết cho công tác thi hành pháp luật; tăng cường công tác truyền thông và nâng cao nhận thức về BVMT nói chung và pháp luật về BVMT nói riêng; xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh các VPPL. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, thiết lập cơ chế theo hướng xã hội hóa, huy động rộng rãi các cơ quan, tổ chức đoàn thể và cá nhân tham gia công tác BVMT; có cơ chế ưu đãi và tạo cơ chế cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các địa phương tự đề ra giải pháp xử lý ô nhiễm ở đơn vị, doanh nghiệp, địa phương mình./.
 
 

[1] Trương Thu Trang (2009), “Pháp luật về bảo vệ môi trường: kinh nghiệm một số nước châu Á và bài học đối với Việt Nam”, Thông tin khoa học xã hội, (3), tr.3-10.
[2]Trần Thắng Lợi, Trách nhiệm pháp lý về môi trường ở một số nước, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, (3), tr.78-83.
 
[3] Trương Thu Trang (2009), tlđd, tr.3-10.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 22(230), tháng 11/2012)


Thống kê truy cập

33034365

Tổng truy cập