Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng các vụ kiện tập thể - kinh nghiệm nước ngoài và các gợi ý hoàn thiện pháp luật

01/08/2013

TS. QUÁCH THÚY QUỲNH

Giảng viên Học viện Tư pháp

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), năm 2011, có hơn 550 vụ khiếu nại đến các Sở Công thương; gần 2.000 vụ khiếu nại đến Hội Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) các địa phương và khoảng 60 vụ khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh[1]. Số lượng các vụ kiện còn rất ít ỏi hoặc nếu có thì cũng chỉ tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trước tình trạng này, đã có một số ý kiến đề xuất sử dụng kiện tập thể (KTT) để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD)[2]. Vậy khởi kiện tập thể (KKTT) là gì và tại sao nó có thể BVQLNTD hiệu quả? NTD có thể KKTT trong khuôn khổ quy định pháp luật Việt Nam hiện nay hay không? Cần phải làm gì để khuyến khích hình thức KTT? Bài viết sẽ giúp trả lời những câu hỏi trên, đồng thời phân tích kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực này, từ đó đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật về KTT ở Việt Nam
Untitled_455.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Lợi ích và các hình thức của kiện tập thể
1.1. Lợi ích của kiện tập thể
NTD ở khắp nơi trên thế giới, dù có mặt bằng dân trí hoặc trình độ hiểu biết pháp luật khác nhau, đều có chung tâm lý ngại khởi kiện khi lợi ích đạt được nhỏ hoặc không đáng kể. Khoa học pháp lý đã sử dụng thuật ngữ “lựa chọn hợp lý” (rational choice) để mô tả về đặc điểm này của những người có quyền lợi bị thiệt hại nhưng không khởi kiện khi lợi ích bị thiệt hại quá nhỏ so với chi phí theo kiện. Các vụ KTT (collective actions) chính là một giải pháp cho vấn đề này.
KTT hiểu một cách đơn giản là các vụ kiện (dưới nhiều hình thức khác nhau) cho phép liên kết các lợi ích nhỏ lẻ của nhóm người có quyền lợi bị thiệt hại (thường là NTD, người dân, hoặc các cổ đông nhỏ), để hình thành một lợi ích lớn hơn tương xứng với các chi phí mà việc kiện tụng có thể tạo ra. Khi lợi ích nhỏ lẻ của NTD được liên kết thành một nhóm/tập thể, và các thủ tục pháp lý sẽ chỉ do một nhóm nguyên đơn hoặc luật sư đại diện tiến hành, tâm lý ngại khởi kiện của NTD sẽ được khắc phục do họ không phải đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc để theo đuổi vụ kiện mà vẫn có thể hưởng lợi. Việc sử dụng KTT vì thế có thể mang lại những lợi ích cho cả cá nhân và xã hội:
Thứ nhất, NTD sẽ có nhiều cơ hội hơn để được bồi thường các thiệt hại do hàng hoá có khuyết tật hoặc dịch vụ kém chất lượng gây ra.
Thứ hai, dưới sức ép bị kiện, các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ sẽ tuân thủ tốt hơn các quy định pháp luật về BVQLNTD, qua đó cung cấp các hàng hoá và dịch vụ tốt hơn cho xã hội.
Thứ ba, khi giải quyết tranh chấp thông qua các vụ kiện tăng lên, tức là khi NTD có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình một cách hiệu quả thì sẽ tiết kiệm chi phí xã hội do Nhà nước có thể giảm chi phí đầu tư cho quản lý, thanh tra, giám sát thực hiện pháp luật BVQLNTD.
Trong lĩnh vực BVQLNTD, KTT đã trở thành một “trào lưu” được quan tâm  ngày càng nhiều hơn ở các quốc gia[1]. Ở Hoa Kỳ, người dân/NTD được gọi là các “tư tố viên” (private enforcer) vì họ làm cho pháp luật được thực thi thông qua các vụ kiện của mình. Ở châu Âu, 13 trên tổng số 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã quy định về quyền KTT cho NTD[2]. Sách xanh về Bồi thường tập thể cho NTD do Uỷ ban châu Âu giới thiệu tháng 11 năm 2008[3] - tài liệu nhằm tư vấn cho các nước thành viên châu Âu khắc phục vấn đề vi phạm quyền lợi NTD, coi KTT như một trong bốn giải pháp chính.
1.2. Các hình thức của kiện tập thể
KTT nói chung và KTT của NTD có rất nhiều hình thức đa dạng với nhiều cách phân loại khác nhau như: phân loại theo tư cách đứng đơn của nguyên đơn, theo tính chất ràng buộc của phán quyết, theo hậu quả pháp lý mà vụ kiện có thể tạo ra…[4] Căn cứ theo cách thức liên kết lợi ích của NTD, có một số hình thức cơ bản sau đây:
(i) KTT lựa chọn không tham gia (opt-out class actions)
Đây là hình thức KTT phổ biến ở Mỹ, thường được biết đến với tên gọi là KTT kiểu Mỹ (US-style class actions). Đặc trưng của hình thức này là khi có một hành vi vi phạm (HVVP) bị khởi kiện bởi một hoặc một nhóm người bị thiệt hại bất kỳ, tất cả những người bị ảnh hưởng/thiệt hại bởi HVVP đó đều đương nhiên trở thành nguyên đơn trong vụ kiện trừ khi họ bày tỏ ý kiến về việc không muốn tham gia vào vụ kiện (opt-out). Phán quyết của Toà án sẽ có hiệu lực đối với tất cả những người bị thiệt hại dù cho họ không phải là người khởi kiện. Ngoài Mỹ, một số nước như Ca-na-đa, Úc, Nhật Bản cũng quy định về hình thức KTT lựa chọn không tham gia.
(ii) KTT lựa chọn tham gia (opt-in class actions)
Hình thức này tương tự như các vụ kiện có các đồng nguyên đơn trong pháp luật Việt Nam. Theo đó, một nhóm nguyên đơn sẽ cùng khởi kiện hoặc uỷ quyền cho một đại diện đứng đơn khởi kiện. Phán quyết trong vụ kiện sẽ chỉ có hiệu lực đối với các nguyên đơn có tên trong đơn khởi kiện. Hình thức này được sử dụng phổ biến trong pháp luật bảo vệ NTD các nước châu Âu như Anh, Pháp, Ý, cũng như ở Nhật Bản.
Nhìn chung, các nước châu Âu phản đối hình thức KTT theo kiểu Mỹ vì cho rằng “cơ chế KTT theo đó các nạn nhân chưa được xác định trước khi ra phán quyết sẽ đi ngược lại với trật tự pháp luật của rất nhiều nước thành viên, và có thể vi phạm quyền của những nạn nhân do họ dù không hề hay biết nhưng vẫn tham gia vào vụ kiện và bị ràng buộc bởi phán quyết của Toà án”[5].
(iii) Kiện đại diện (representative actions)
Kiện đại diện là hình thức cho phép một cá nhân hoặc một tổ chức khởi kiện thay mặt cho một nhóm nguyên đơn. Người đại diện trong vụ kiện này có thể không phải là người bị thiệt hại do HVVP mà thường là tổ chức đại diện cho họ, ví dụ như Hội BVQLNTD. Hình thức này tương tự như quy định về tổ chức xã hội (TCXH) khởi kiện BVQLNTD trong pháp luật Việt Nam. Đây là hình thức được sử dụng phổ biến ở các nước châu Âu. Tuy nhiên, các quy định về quyền của người đại diện khởi kiện khác nhau ở mỗi nước. Trong khi ở Đức, Hà Lan, Anh, người đại diện khởi kiện chỉ có quyền yêu cầu một lệnh cấm của Toà án để buộc chấm dứt HVVP (injunction relief) mà không có quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại cho NTD. Ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Ba Lan, người đại diện khởi kiện có thể yêu cầu cả bồi thường thiệt hại. Phán quyết trong vụ kiện đại diện có giá trị pháp lý đối với tất cả những người được đại diện trong vụ kiện.
(iv) Kiện theo nhóm (group actions)
Kiện theo nhóm là hình thức một nhóm nguyên đơn cùng liên kết khởi kiện những HVVP có liên quan đến nhau. Trong vụ kiện này, nguyên đơn là những người trực tiếp bị thiệt hại. Hình thức này khác với vụ KTT lựa chọn tham gia (hay với vụ kiện có nhiều nguyên đơn) ở chỗ các nguyên đơn chỉ liên kết kiện theo nhóm về những nội dung có liên quan đến nhau (ví dụ HVVP) còn những vấn đề khác (ví dụ như mức bồi thường) thì có thể khởi kiện thành các vụ kiện riêng lẻ. Khác với kiện đại diện, các nguyên đơn trong vụ kiện theo nhóm có thể yêu cầu thi hành bản án một cách độc lập.
(v) Kiện thử nghiệm (test case)
Hình thức KTT này đang được Uỷ ban châu Âu khuyến nghị như một hình thức KTT (tạm gọi là kiểu châu Âu) để thay thế cho KTT kiểu Mỹ. Khi có một HVVP quyền lợi NTD và có nhiều người bị vi phạm quyền lợi, thì các “nguyên đơn tiềm năng” có thể lựa chọn chỉ đưa một vụ việc đến Toà án khởi kiện nhằm tiết kiệm chi phí và thử nghiệm về mức độ thành công của vụ kiện. Nếu vụ kiện thử nghiệm này thắng kiện, phán quyết của vụ việc này cũng sẽ có hiệu lực đối với những NTD khác bị thiệt hại bởi cùng HVVP. Nguyên đơn trong vụ kiện thử nghiệm có thể là NTD hoặc một tổ chức của NTD. Hình thức này đảm bảo liên kết lợi ích bị vi phạm của NTD, tiết kiệm chi phí và phù hợp với hệ thống pháp luật châu Âu.
2. Quyền của người tiêu dùng khởi kiện tập thể theo quy định của pháp luật Việt Nam
Luật BVQLNTD số 59/2010/QH12 có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm tăng cường quyền khởi kiện của NTD. Theo Điều 41 Luật BVQLNTD, NTD có thể khởi kiện để tự bảo vệ quyền lợi của mình, TCXH tham gia bảo vệ NTD cũng có thể khởi kiện BVQLNTD (gọi chung là vụ án bảo vệ NTD)[6]. Luật này cũng bổ sung các quy định nhằm đơn giản hoá thủ tục khởi kiện như quy định về miễn chứng minh lỗi, miễn tạm ứng án phí cho NTD khởi kiện, áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về BVQLNTD[7]. Trong trường hợp TCXH tham gia BVQLNTD khởi kiện vụ án bảo vệ NTD vì lợi ích công cộng thì sẽ không phải nộp tạm ứng án phí và án phí[8]. Yêu cầu khởi kiện của TCXH tham gia BVQLNTD có thể bao gồm cả yêu cầu bồi thường thiệt hại[9]. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, vụ kiện có thể có nhiều nguyên đơn; hoặc các vụ án do nhiều nguyên đơn khởi kiện nhưng về cùng một quan hệ pháp luật hoặc các quan hệ pháp luật có liên quan đến nhau thì Toà án có thể nhập các vụ án để cùng giải quyết trong cùng một vụ án[10]. Như vậy xét về mặt quyền luật định, NTD Việt Nam có thể khởi kiện độc lập hoặc cùng liên kết để khởi kiện tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá dịch vụ khi quyền lợi bị vi phạm, đồng thời các quy định pháp luật tố tụng cũng ngày càng đơn giản hơn.
So sánh những quy định về các hình thức KTT nói trên cho thấy, dù có thể khác nhau về tên gọi, nhưng về nguyên tắc, các vụ KTT lựa chọn tham gia và các vụ kiện đại diện hoàn toàn có thể thực hiện được trong khuôn khổ các quy định pháp luật Việt Nam. Trên thực tế, các quy định về hình thức khởi kiện trong Luật BVQLNTD 2011 đã được xây dựng theo kinh nghiệm của Cộng hoà Pháp[11]. Tuy nhiên, sau một năm triển khai Luật, vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể trong số lượng các vụ án bảo vệ NTD[12]. Vậy tại sao NTD và các TCXH tham gia BVQLNTD vẫn chưa tỏ ra “nhiệt tình” với hình thức giải quyết tranh chấp này, mặc dù tình trạng vi phạm quyền lợi NTD vẫn diễn ra phổ biến?
3. Nguồn tài chính cho các vụ kiện tập thể
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, yếu tố quyết định đối với các vụ KTT không chỉ là các quy định về quyền luật định mà là cơ chế tài chính cho vụ kiện. Nói cách khác, việc quy định các quyền khởi kiện của NTD chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ để các vụ kiện diễn ra trong thực tế là phải giải quyết được vấn đề: ai là người tạm ứng các loại chi phí trong quá trình kiện tụng? ai sẽ là người trả chi phí kiện tụng trong trường hợp thua kiện? Về vấn đề này, mỗi nước có những giải pháp khác nhau:
(i) Kinh nghiệm của Mỹ: Luật sư là người chi trả cho các vụ kiện
KTT ở Mỹ sở dĩ rất phát triển là do ở nước này, luật sư là những người chi trả chi phí tài chính trong các vụ án bảo vệ NTD. Ở Mỹ, các bên trong vụ kiện phải tự chịu án phí dù cho thua kiện hay thắng kiện, nhưng phí luật sư sẽ tính trong khoản bồi thường mà bên thua kiện phải trả. Phí luật sư được tính theo nguyên tắc “không thắng kiện không trả phí” (no win no fee) hoặc tính theo tỉ lệ phần trăm tương ứng với giá trị bồi thường mà các nguyên đơn thắng được từ vụ kiện (contingent fee). Vì thế, các luật sư thường bỏ tiền túi để tạm ứng mọi chi phí kiện tụng cho thân chủ của họ cho tới khi đạt được một kết quả (một thoả thuận hoặc một phán quyết của Toà án) có lợi nhất về mặt tài chính cho luật sư và chấp nhận được cho thân chủ. Khoản tạm ứng này của luật sư cũng tương tự như khoản đầu tư ban đầu của luật sư vào các “thương vụ” - vụ kiện. Cơ chế này tuy có thể tạo ra những hậu quả tiêu cực[13] nhưng lại giúp các vụ KTT được khởi kiện nhiều hơn ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Bởi lẽ, cơ chế tài chính kết hợp với hình thức kiện lựa chọn không tham gia, khiến cho các nguyên đơn ở Mỹ hầu như không phải làm gì trong các vụ KTT. Họ thường được gọi là những “người ăn không” (free rider). Chính các luật sư chứ không phải các nguyên đơn là người thực hiện toàn bộ quá trình khởi kiện từ xác định HVVP, tìm kiếm những người bị thiệt hại để hình thành tập thể nguyên đơn, tìm bằng chứng, soạn đơn khởi kiện cho tới tham gia các buổi hoà giải với bị đơn và tham gia tố tụng tại Toà án. Toà án cũng đóng góp vào việc “tìm kiếm” các nguyên đơn bằng thủ tục thông báo tới những người bị thiệt hại về vụ KTT đối với HVVP mà họ là nạn nhân, các quyền lợi mà họ có thể được hưởng từ vụ kiện, cũng như quyền từ chối tham gia của họ[14]. Các nguyên đơn không phải đầu tư bất cứ thứ gì trừ việc đứng tên khởi kiện, nhưng vẫn có cơ hội được nhận khoản bồi thường (dù nhỏ) từ vụ kiện do các luật sư tiến hành.
(ii) Kinh nghiệm của Châu Âu và một số nước khác: Bảo hiểm pháp lý; bên thứ ba chi trả chi phí tố tụng; hoặc bao cấp từ Nhà nước
Ngoại trừ Mỹ, rất nhiều nước khác trên thế giới không có thông lệ hoặc cấm tính phí luật sư theo tỉ lệ phần trăm giá trị bồi thường, ví dụ như ở Úc, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Hy Lạp, Na Uy, Nga, Singapore, Anh Quốc v.v.. Ngoài ra, hầu hết các quốc gia đều quy định bên thua kiện phải trả án phí cho bên thắng kiện[15]. Do đó, gánh nặng tài chính mà các nguyên đơn trong vụ KTT phải tạm ứng hoặc chi trả sẽ nặng nề hơn. KTT của NTD ở châu Âu hoặc một số nước khác vì thế không phổ biến như ở Mỹ[16]. Có rất nhiều ý kiến cho rằng cần cho phép cách tính phí “theo kiểu Mỹ” để khuyến khích các vụ KTT[17].
Tuy nhiên, chi phí kiện tụng của NTD ở châu Âu có thể được chi trả bởi bảo hiểm pháp lý hoặc được chi trả từ một bên thứ ba như các ngân hàng, các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc các tổ chức tài chính khác. Cũng tương tự như hình thức bảo hiểm tai nạn xe cơ giới hoặc các bảo hiểm rủi ro khác, bảo hiểm pháp lý là hình thức cho phép NTD hoặc một nhóm NTD trả một khoản phí thường niên để đổi lấy dịch vụ tư vấn pháp lý hoặc đại diện tố tụng miễn phí khi có tranh chấp pháp lý xảy ra với họ. Chi trả chi phí tố tụng bởi một bên thứ ba là hình thức cho phép một tổ chức tài chính “đầu tư” vào vụ kiện dưới hình thức tạm ứng các chi phí tố tụng cần thiết và sau đó được hưởng lợi tính trên phần trăm giá trị bồi thường (nếu đạt được) của vụ kiện. Hình thức này tương tự như cách tính phí luật sư theo tỉ lệ phần trăm giá trị bồi thường ở Mỹ, chỉ khác về chủ thể “đầu tư”. Mô hình mới này xuất hiện cách đây chừng hai thập kỷ (vào năm 1998) ở Úc, và sau đó lan sang các quốc gia khác ở châu Âu[18].
Riêng đối với các vụ KTT của NTD, ở nhiều nước châu Âu, Nhà nước là người chi trả khoản chi phí này thông qua việc bao cấp (một phần hoặc toàn bộ) chi phí cho các tổ chức đại diện cho NTD. Ở một số nước châu Âu, chỉ những tổ chức này mới được phép khởi kiện các vụ án quy mô lớn BVQLNTD để bảo vệ lợi ích công cộng. Tuy nhiên, những tổ chức này có nghĩa vụ cẩn trọng khi sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để khởi kiện các vụ án[19].
4. Nhận định và kết luận
Các phân tích trong phần trên cho phép chúng ta rút ra một số nhận định và kết luận sau nhằm hoàn thiện pháp luật liên quan đến chế định KTT ở Việt Nam:
Thứ nhất, về mặt khuôn khổ pháp lý, pháp luật Việt Nam đã có những quy định cần thiết cho phép NTD KKTT. Các hình thức KTT theo quy định của pháp luật Việt Nam tương tự như các hình thức trong pháp luật châu Âu, đặc biệt là các nước theo dân luật như Pháp, Đức. Tuy nhiên, các hình thức của KTT ở Việt Nam còn ít. Xét về mặt truyền thống pháp luật, các hình thức KTT ở các nước châu Âu hoặc các nước theo dân luật phù hợp hơn với trật tự pháp luật hiện hành ở Việt Nam. Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung thêm các hình thức mới như kiện theo nhóm, kiện thử nghiệm hoặc quy định cụ thể hơn về kiện đại diện để NTD có nhiều lựa chọn liên kết lợi ích khi khởi kiện.
Thứ hai, pháp luật mới chỉ quy định quyền khởi kiện cho NTD và các TCXH tham gia BVQLNTD nhưng hoàn toàn chưa có các quy định về cơ chế tài chính để khuyến khích các vụ kiện. Hình thức bảo hiểm pháp lý và bên thứ ba chi trả chi phí tố tụng chưa có ở Việt Nam. Hiện nay, tuy các TCXH tham gia BVQLNTD được miễn án phí khi khởi kiện các vụ án BVQLNTD nhưng họ vẫn phải chịu các chi phí phát sinh trong quá trình khởi kiện như chi phí giám định, chi phí luật sư[20]. Ngoài ra, pháp luật cũng chưa có quy định về miễn án phí hoặc Nhà nước hỗ trợ chi trả án phí và chi phí tố tụng khác khi các tổ chức này đại diện cho NTD khởi kiện. Theo kinh nghiệm của các nước châu Âu, đây là những vấn đề cần bổ sung để đảm bảo nguồn tài chính cho các vụ KTT BVQLNTD.
Thứ ba, pháp luật Việt Nam không có các quy định nguyên tắc đối với cách tính phí luật sư trong các vụ án dân sự[21]. Đây có thể coi là điểm thuận lợi cho các luật sư vì về nguyên tắc cách tính phí theo tỉ lệ phần trăm giá trị bồi thường - cơ chế được coi là chìa khoá khuyến khích KTT - có thể áp dụng (và thực tiễn đã có áp dụng) ở Việt Nam. Về mặt quy định, pháp luật cũng không cấm nếu như các luật sư “đầu tư” vào các vụ KTT giống như mô hình ở Mỹ hoặc một số nước khác. Tuy nhiên, việc thiếu các quy định này cũng có thể coi là một lỗ hổng pháp luật nếu như các nhà lập pháp Việt Nam thực sự theo đuổi mô hình tố tụng tập thể như ở một số nước châu Âu, vì ở nhiều nước, cách tính phí luật sư theo tỉ lệ phần trăm giá trị bồi thường trong các vụ KTT bị cấm vì cho rằng đây là kẽ hở để các luật sư có thể trục lợi từ vụ kiện của thân chủ. Đối với các vụ KTT BVQLNTD, do ảnh hưởng xã hội lớn vì có nhiều nguyên đơn tham gia, kinh nghiệm các nước cho thấy cần có các quy định chi tiết về nguyên tắc tính phí luật sư để một mặt đảm bảo quyền lợi NTD, mặt khác ngăn chặn tình trạng trục lợi hoặc lạm dụng tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp
 

[1] VIBonline, “Có luật nhưng NTD vẫn phải tự bảo vệ mình”, (14/12/2012), http://tintuc.vibonline.com.vn/Home/Su-kien-Binh-luan/9950/Co-luat-nhung-nguoi-tieu-dung-van-phai-tu-bao-ve-minh
[2]Xem Vietnamnet, “Nước tương 3-MCPD: NTD có thể khởi kiện, đòi bồi thường”, (8/6/2007), http://vnn.vietnamnet.vn/kinhte/2007/06/704154/; VTCNews, “Khách hàng của Nhóm Mua có thể khởi kiện”, (15/12/2012) http://vtc.vn/1-359460/kinh-te/khach-hang-cua-nhom-mua-co-the-khoi-kien.htm.

[1] Collective Actions - Enhancing Access to Justice and Reconciling Multilayer Interests? (Stefan Wrbka, Steven Van Uytsel, Mathias Siems eds.), Nhà xuất bản đại học Cambridge, 2012, tr.10-11.
[2] Memo 08/741, Green Paper on Consumer Collective Redress, (EUROPA, November 2008).
[3] Green Paper on Consumer Collective Redress.
[4] Xem thêm Collective Actions - Enhancing Access to Justice and Reconciling Multilayer Interests? Sđd, tr. 10-12 và 34-36.
[5] European Parliarment, Public consultation: Towards a Coherent European Approach to Collective Redress, 4/1/2011.
[6] Về điều kiện để TCXH  tham gia BVQLNTD có thể tự mình khởi kiện vụ án bảo vệ người tiêu dùng vì lợi ích công cộng, xem Điều 24, Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BVQLNTD 2011.
[7] Các điều 41, 42, 43, 29 khoản 1 Luật BVQLNTD 2011.
[8] Khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh 10/2009/UBTVQH12 về án phí, lệ phí toà án.
[9] Điều 46 Luật BVQLNTD 2011.
[10] Khoản 2 Điều 163 và khoản 1 Điều 38 Bộ luật Tố tụng dân sự 2005.
[11] Nguyễn Văn Cương, Bản tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật “Soạn thảo Luật BVQLNTD ở Việt Nam: Một phân tích từ lý thuyết tiếp nhận pháp luật nước ngoài”, http://vienkhpl.ac.vn/index.php?cid=222
[12] Xin xem loạt bài “NTD “chờ được vạ, má đã sưng”, Báo Chất lượng Việt Nam (tháng 6/2012), http://vietq.vn/khieu-nai-online/y-kien/19-nguoi-tieu-dung-cho-duoc-va-ma-da-sung
[13] Ví dụ như tình trạng các luật sư cấu kết với các công ty bị đơn để hoà giải về vụ kiện nhằm tiết kiệm chi phí “đầu tư” của họ mà vẫn đảm bảo thu lợi, mặc dù sự thoả thuận này có thể không có lợi cho các nguyên đơn.
[14] Xem Điều 23 (c) (2), Luật Dân sự Liên bang Hoa Kỳ.
[15] Hodges, Vogenauer & Tulibacka, Costs and Funding of Civil Litigation: A Comparative Study, Legal Research Paper Series, Paper No 55/2009, http://ssrn.com/abstract=1511714 , (2009), tr.6 và tr.28.
[16] Deborah R. Hensler, The Future of Mass Litigation: Global Class Actions and Third-Party Litigation Funding, 79 The George Washington Law Review 306, (2011), tr. 309.
[17] Charlotte Leskinen, Collective Actions: Rethinking Funding and National Cost Rules, The Competition Law Review, Volume 8 (2011).
[18] Hodges, Vogenauer & Tulibacka, tlđd, tr. 30.
[19]U.S Chamber Institute for Legal Reform, Ensuring Effective Redress: The Importance of Litigation Financing in Preventing the Misuse of Aggregate Litigation Mechanisms, www.instituteforlegalreform.com/ , tr.10-11.
[20] Khoản 3 Điều 25 Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BVQLNTD.
[21] Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành chỉ quy định mức trần thù lao luật sư tham gia vụ án hình sự. Xem Điều 56, Luật số 65/2006/QH11 về Luật sư và Hành nghề Luật sư; Điều 10, Nghị định 28/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư.

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 16(248), tháng 8/2013)