Kinh nghiệm từ pháp luật về bảo hiểm y tế ở Thụy Điển

01/07/2013

TS. HOÀNG THỊ MINH

Đại học Luật Hà Nội.

Thụy Điển là một trong số những quốc gia có hệ thống bảo hiểm y tế (BHYT) ưu việt nhất trên thế giới[1]. Trong 30 năm qua, tuổi thọ trung bình của người dân Thụy Điển đã liên tục tăng lên (khoảng 5,5 năm). Năm 2011 trung bình nam giới có thể đạt 79,5 và nữ là 83,5 tuổi[2]; khoảng 5% dân số ở độ tuổi 85 hoặc cao hơn[3]. Những con số này phản ánh thành công của Thụy Điển trong việc nâng cao chất lượng sống của người dân, trong đó có đóng góp quan trọng của hệ thống BHYT.
3_21.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Pháp luật về bảo hiểm y tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện hành của Thụy Điển
Các đạo luật quan trọng nhất[1] ở Thụy Điển trong lĩnh vực y tế hiện nay bao gồm: Luật về Sức khỏe và Dịch vụ y tế - The Health and Medical Services Act, (1982:763); Luật về Hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực Sức khỏe và Chăm sóc y tế - The Act on Professional Activity in Health and Medical Services (1998:531); Luật về Bảo mật - The Secrecy Act (1980:100) và Luật về Hồ sơ bệnh nhân - The Patient Records Act (1985:562).
Trong số các văn bản pháp luật nêu trên, Luật về Sức khỏe và Dịch vụ y tế là văn bản chủ yếu nhất, trong đó quy định tất cả những gì hệ thống chăm sóc sức khỏe (CSSK) Thụy Điển cần đạt được. Điều 2 Luật này quy định mục tiêu chung của hệ thống y tế Thụy Điển, bao gồm: i) đảm bảo dịch vụ y tế được cung cấp cho tất cả mọi người dân; ii) đảm bảo sức khỏe tốt và chăm sóc với chất lượng tốt; iii) đảm bảo cung cấp các điều kiện CSSK bình đẳng; iv) đảm bảo tôn trọng nhân phẩm và sự toàn vẹn của con người; v) đảm bảo phân cấp thứ tự để thực hiện ưu tiên cho những trường hợp cần ưu tiên. Đối với dịch vụ chăm sóc y tế phải đảm bảo: chất lượng tốt; luôn sẵn có; tôn trọng quyền tự quyết và sự riêng tư của bệnh nhân; tăng cường sự giao tiếp tốt giữa bệnh nhân và nhân viên y tế. Luật về Sức khỏe và Dịch vụ y tế cũng phân định trách nhiệm của các Hội đồng Hạt (HĐH) với các Khu đô thị (KĐT - đơn vị hành chính nhỏ hơn), sự hợp tác và mối quan hệ qua lại của chúng trong việc cung cấp các dịch vụ CSSK (Điều 26d), vấn đề nghiên cứu ứng dụng các thành tựu y học (Điều 26b), hoạt động đánh giá chất lượng của dịch vụ y tế (Điều 31).
Luật về Hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực Sức khỏe và Chăm sóc y tế hướng đến sự chuyên nghiệp trong công tác CSSK. Luật đưa ra yêu cầu, tiêu chuẩn đối với từng loại cán bộ y tế (bác sỹ, y tá điều dưỡng viên, vật lý trị liệu…) để họ hành nghề đúng đắn. Luật cũng quy định công tác này phải được thực hiện theo kịp sự tiến bộ của khoa học và những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất[2].
Các loại dịch vụ y tế
Ở Thụy Điển, hệ thống y tế sẽ cung cấp toàn bộ những dịch vụ được cho là cần thiết cho bệnh nhân, không bị giới hạn và theo khả năng của nền y học[3], bao gồm: y tế công cộng và các dịch vụ dự phòng, CSSK ban đầu, chăm sóc bệnh nhân nội trú, chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân ngoại trú, chăm sóc cấp cứu, CSSK tâm thần, phục hồi chức năng, hỗ trợ người khuyết tật, hỗ trợ vận tải, chăm sóc tại nhà, dưỡng lão, chăm sóc răng miệng cho trẻ em, trợ cấp và chăm sóc nha khoa cho người lớn…[4]. Các bệnh nhân đều nhận được sự chăm sóc cần thiết theo nhu cầu sức khỏe của họ chứ không phải theo những gì họ muốn.
Đối tượng được hưởng BHYT
BHYT của Thụy Điển là bảo hiểm toàn dân. Theo Luật về Sức khỏe và Dịch vụ y tế năm 1982, dịch vụ y tế được cung cấp cho toàn bộ cư dân có giấy tờ cư trú hợp pháp. Dịch vụ chăm sóc khẩn cấp sẽ được áp dụng đối với tất cả các bệnh nhân từ các nước châu Âu và các nước thuộc Khu vực Kinh tế châu Âu và 9 quốc gia khác mà Thụy Điển có ký hiệp định song phương[5]. Trẻ em tị nạn và trẻ em không có giấy tờ cũng có quyền hưởng các dịch vụ CSSK tương tự như những trẻ em thường trú. Người đang tìm kiếm tị nạn tại Thụy Điển cũng có quyền nhận được sự chăm sóc trong trường hợp có sự cố sức khỏe mà họ không thể kiểm soát hay trì hoãn (ví dụ: sinh con). Những người không có giấy tờ hợp pháp có quyền được chăm sóc trực tiếp nhưng phải tự thanh toán[6].
Các cấp độ chăm sóc
CSSK ban đầu là cơ sở đầu tiên của Hệ thống CSSK ở Thụy Điển. CSSK ban đầu đảm bảo sức khỏe công cộng, điều trị các bệnh và vết thương không đòi hỏi phải nhập viện với sự can thiệp của chuyên gia. CSSK ban đầu được tổ chức thực hiện thông qua các trung tâm CSSK, với các phòng khám ngoại trú với nhân viên là các bác sĩ, y tá, và điều dưỡng viên phục vụ người dân sống trong khu vực, cung cấp các sản phẩm CSSK một cách toàn diện[7]. Tại các trung tâm CSSK ban đầu, các y tá thường chăm sóc bệnh nhân ngoại trú và đôi khi phải ghé thăm các bệnh nhân đang được chăm sóc tại nhà[8].
Hầu hết các nhà cung cấp CSSK ban đầu là của Nhà nước, mặc dù các phòng khám tư nhân vẫn tương đối phổ biến ở khu vực thành thị. Năm 2003, có khoảng 1.100 trung tâm chăm sóc y tế ban đầu, trong đó 300 trung tâm là của tư nhân[9]. Các cơ sở y tế tư nhân phải hợp tác với Nhà nước. Họ cần ủng hộ để có thể nhận được tài trợ từ hệ thống bảo hiểm xã hội của Thụy Điển.
Cấp độ chăm sóc thứ hai được thực hiện bởi 40 bệnh viện cấp Hạt (BVCH). Khi cần được chăm sóc chuyên biệt hơn, bệnh nhân sẽ được chuyển lên từ tuyến chăm sóc ban đầu đến các bệnh viện thích hợp trong một số lĩnh vực chuyên môn, ví dụ như da liễu, mắt, tai, mũi họng… Mỗi BVCH sử dụng bác sĩ ít nhất trong bốn chuyên ngành: nội khoa, phẫu thuật chung, X-quang, và gây mê. BVCH có khả năng điều trị hầu hết các bệnh. Đến năm 2002, mỗi BVCH có khoảng 151 giường bệnh[10]. Bên cạnh những BVCH là các bệnh viện Trung tâm cấp Hạt (khoảng 20 bệnh viện). Những bệnh viện này lớn hơn và chuyên biệt hơn so với các bệnh viện trên, có trung bình khoảng 458 giường bệnh và sử dụng 15-20 loại chuyên gia khác nhau[11].
Cấp độ CSSK tiếp theo được thực hiện bởi các bệnh viện đa khoa của Khu vực và Trường đại học, nơi cung cấp chăm sóc chuyên môn cao nhất, ví dụ như phẫu thuật động mạch vành, cấy ghép nội tạng… Có 8 bệnh viện loại này. Đây cũng là các trung tâm nghiên cứu y học, khoa học và giảng dạy. Bệnh viện Khu vực là các bệnh viện lớn nhất, với khoảng 1.025 giường bệnh (số liệu năm 2001)[12].
Quy trình CSSK
Nếu một người có vấn đề về sức khỏe, đầu tiên bệnh nhân đó nên gặp một bác sĩ tại trung tâm CSSK ban đầu. Bệnh nhân sẽ nhận được sự chăm sóc ở tuyến này nếu họ điều trị các bệnh thông thường (ví dụ, nhiễm trùng tai, cảm lạnh thông thường), và được tư vấn y tế. Bác sỹ có thể giới thiệu họ đến một bệnh viện để được chăm sóc đặc biệt hơn nếu cần thiết[13]. Trong mỗi Hạt cũng có sẵn là đường dây nóng "thầy thuốc từ xa" (telemedicine), để bệnh nhân có thể gọi 24/24 giờ xin tư vấn sức khỏe[14].
Nếu nơi CSSK ban đầu không chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân, bệnh nhân sẽ được chuyển đến một chuyên gia theo sự lựa chọn của họ tại một trong số các BVCH. Cán bộ y tế nói chung có thể tự mình liên lạc với chuyên gia, cấp cho bệnh nhân một thư giới thiệu để bệnh nhân lên lịch hẹn. Bệnh nhân cũng có thể trực tiếp đến bệnh viện, nhưng khoảng thời gian chờ đợi sẽ lâu hơn nếu không có thư giới thiệu. Bệnh nhân chỉ tự do lựa chọn bệnh viện chuyên khoa trong cùng một cấp (ví dụ nếu bệnh do BVCH điều trị thì họ chỉ được lựa chọn một trong số các BVCH chứ không được tự ý chuyển lên cấp Khu vực). Cấp độ chăm sóc được xác định dựa vào mức độ chuyên khoa cần thiết để điều trị bệnh.
Tuyến Hạt là nơi xử lý hầu hết các bệnh. Nhưng nếu bệnh nhân vẫn cần chăm sóc ở  cấp cao hơn, họ sẽ được chuyển đến một trong các bệnh viện Trung tâm cấp Hạt. Chăm sóc chuyên sâu nhất được cung cấp tại các bệnh viện Khu vực. Bệnh nhân được chuyển đến đây là những người có chẩn đoán bệnh đặc biệt khó khăn hoặc bệnh hiếm gặp đòi hỏi kết hợp nỗ lực của nhiều chuyên gia và các thiết bị công nghệ cao nhất[15]. Bằng việc chuyên môn hóa việc chăm sóc, Thụy Điển kiểm soát chi phí y tế bằng cách giảm thiểu số lượng máy móc thiết bị chuyên ngành mà các Hạt sẽ phải đầu tư. Hơn nữa, tập trung các bệnh nhân ở những ca khó khăn cùng các chuyên gia có tay nghề cao nhất vào 8 Bệnh viện Khu vực để đảm bảo sự phối hợp và liên tục chăm sóc cho bệnh nhân. Bệnh viện Khu vực được HĐH nơi bệnh viện cư trú sở hữu và quản lý. Một HĐH có thể phải thanh toán cho HĐH khác nếu cư dân của họ tìm kiếm chăm sóc tại những Hạt đó[16].
Khi một bệnh nhân đã sẵn sàng xuất viện, bất kể từ bệnh viện của một Hạt hay Khu vực, một đội ngũ bao gồm các bệnh nhân, chuyên gia bệnh viện, đại diện từ cơ sở chăm sóc xã hội và các nhân viên ngoại trú phải lập một kế hoạch chăm sóc, các loại thuốc, các dịch vụ phục hồi chức năng và hỗ trợ bệnh nhân sẽ triển khai khi người bệnh ra viện. Sau khi xuất viện, nhà cung cấp dịch vụ CSSK ban đầu ở cấp KĐT tiếp tục chịu trách nhiệm chăm sóc bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ nhận được các dịch vụ y tế ngoại trú như được nêu trong kế hoạch chăm sóc cho đến khi liệu trình được xóa bỏ bởi chính quyền thành phố[17].
Chi phí bệnh nhân phải thanh toán
Người Thụy Điển chi trả chăm sóc y tế thông qua thuế. Chỉ có khoảng 2% chi phí chăm sóc y tế được thanh toán bằng tiền của bệnh nhân.
Chi phí cho một lần CSSK và giường bệnh mỗi ngày được xác định bởi các HĐH và KĐT. Năm 2011, mức phí gặp bác sĩ để được CSSK ban đầu khoảng 100-200 SEK (15-30 USD). Lệ phí khám bệnh với ​​một chuyên gia tại bệnh viện là khoảng 230-320 SEK (34-48 USD). Bệnh nhân đóng phí 80 SEK (12 USD) cho mỗi ngày nằm viện[18]. Ở hầu hết các Hạt, những người dưới 20 tuổi được khám sức khỏe miễn phí.
Tuy nhiên, bệnh nhân được bảo vệ chống lại các chi phí cao về CSSK và mất thu nhập do ốm đau bởi hệ thống bảo hiểm quốc gia[19]. Nhà nước quy định mức tối đa áp dụng trong cả nước để việc thanh toán của bệnh nhân sẽ không bao giờ vượt quá 1100 SEK (164 USD) cho việc khám sức khỏe trong một năm[20]. Khoản tiền thanh toán vào thuốc trong khoảng thời gian 12 tháng tối đa là 2200 SEK (329 USD)[21]. Đối với thuốc không cần kê toa và theo toa nhưng không phải là đối tượng được trợ cấp, bệnh nhân phải thanh toán toàn bộ.
Để hỗ trợ thanh toán cho bệnh nhân, Thụy Điển đưa ra một danh sách khoảng 500 loại hội chẩn, mỗi loại ứng với một số lượng tiền có thể sẽ được cấp cho bệnh viện để trang trải chi phí điều trị. Bệnh viện được hoàn trả cùng một lượng tiền để điều trị cho mỗi bệnh nhân với các chẩn đoán cùng loại, bất kể trên thực tế bệnh viện phải chi phí bao nhiêu để điều trị cho mỗi ca bệnh đó.
Bệnh viện (bất kể của Nhà nước hay tư nhân) phải tính phí đối với tất cả các bệnh nhân của họ cùng một số tiền và theo tỷ lệ do HĐH hoặc Khu tự trị quy định. Việc tính phí phải đảm bảo không quá nhiều đến mức số tiền còn lại không đủ để trang trải các nhu cầu sinh hoạt bình thường để tránh việc thân nhân của người bệnh phải chịu áp lực từ sự giảm sút tài chính của bệnh nhân[22].
Đầu tư của Nhà nước vào Hệ thống CSSK
Dịch vụ CSSK chủ yếu được tài trợ từ thuế, gồm cả thuế thu nhập và thuế gián tiếp trên các sản phẩm, dịch vụ cũng như thu từ người sử dụng lao động[23]. Chi phí cho sức khỏe và chăm sóc y tế chiếm khoảng 9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thụy Điển - con số này vẫn ổn định kể từ đầu những năm 1980[24]. Năm 2010, khoảng 80% tổng số chi phí về y tế được chi trả bằng ngân sách, với chi phí ở Hạt chiếm khoảng 70%, KĐT khoảng 8% và chính quyền trung ương khoảng 2%[25]. Các khoản chi từ trung ương phải được sử dụng để tài trợ cho các sáng kiến (ví dụ sáng kiến nhằm giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân)[26].
Cơ quan có trách nhiệm quản lý hoạt động CSSK
Bộ Y tế và Các vấn đề xã hội là cơ quan chủ yếu chịu trách nhiệm soạn thảo pháp luật về y tế. Bộ cũng làm việc với HĐH và KĐT để xác định làm thế nào có nguồn tài chính và cung cấp CSSK tốt nhất cho công dân[27]. Bộ giám sát 17 cơ quan, trong đó có 8 cơ quan trực tiếp tham gia CSSK ở cấp quốc gia, cụ thể:
(1) Hội đồng Quốc gia về Y tế và Phúc lợi xã hội: chịu trách nhiệm về y tế công cộng, phòng chống bệnh truyền nhiễm. Hội đồng đánh giá pháp luật và giám sát hoạt động của HĐH và Khu tự trị đồng thời hướng dẫn CSSK.
(2) Hội đồng Đánh giá Công nghệ CSSK: phân tích lợi ích của các sáng kiến ​​y tế và điều trị để đảm bảo rằng chỉ có các liệu pháp có lợi nhất được áp dụng đối với bệnh nhân và để các nguồn lực sẵn có được sử dụng thuận lợi nhất.
(3) Cơ quan Đại diện của Sản phẩm y tế: phát triển an toàn, sản xuất và tiếp thị tất cả các loại thuốc và sản phẩm y tế mới; đảm bảo rằng tất cả các bệnh nhân, bệnh viện đều có quyền tiếp cận các sản phẩm y tế chất lượng cao và đảm bảo việc sử dụng các sản phẩm này hiệu quả nhất về kinh tế.
(4) Cơ quan Trợ cấp Nha khoa và Dược phẩm: xác định dược phẩm mới nào sẽ được Nhà nước trợ cấp và chúng cần được bán với mức giá nào.
(5) Ủy ban Trách nhiệm Y khoa: có trách nhiệm điều tra khi có khiếu nại của bệnh nhân liên quan đến khám bệnh, điều trị và chăm sóc.
(6) Viện Y tế Công cộng: giúp đỡ để đảm bảo rằng tất cả người Thụy Điển có thể bình đẳng tiếp cận dịch vụ CSSK.
(7) Tổng công ty Dược phẩm Quốc gia Thụy Điển: sở hữu tất cả các hiệu thuốc và đảm bảo rằng chỉ các sản phẩm dược đã được phê duyệt mới được bán với đúng tiêu chuẩn, đúng giá quy định; cập nhật cho công chúng và các bác sĩ thông tin về mỗi loại thuốc.
(8) Ủy ban Bảo hiểm xã hội Quốc gia: có chi nhánh trong tất cả các HĐH để đảm bảo các ca bệnh có thể được xử lý. Cơ quan này cũng giám sát các cơ quan bảo hiểm địa phương, đảm bảo các vụ việc được xử lý không thiên vị.
Hệ thống cơ quan chính quyền
Về mặt hành chính, Thụy Điển được chia thành 2 Khu vực, 21 HĐH và 290 KĐT. Không có mối quan hệ thứ bậc giữa các Khu vực, HĐH và KĐT, vì chúng đều có quyền tự trị đối với địa bàn của mình và có trách nhiệm đối với những hoạt động khác nhau. KĐT cung cấp hầu hết chăm sóc ban đầu, Hạt cung cấp chăm sóc thứ cấp, và cấp Khu vực chăm sóc bậc ba. Khoảng 90% công việc của HĐH Thụy Điển liên quan đến CSSK, bên cạnh đó là các lĩnh vực khác, chẳng hạn như văn hóa và cơ sở hạ tầng[28].
2. Một số kinh nghiệm từ hệ thống bảo hiểm y tế Thụy Điển
Thứ nhất, cơ chế tài chính phù hợp cho BHYT toàn dân
Thụy Điển đã nỗ lực đặc biệt trong việc thiết lập một nền BHYT toàn dân và liên tục hoàn thiện nó. Để có Hệ thống CSSK cho tất cả mọi người, Thụy Điển không xây dựng BHYT trên sự đóng góp đơn lẻ của người dân, mà dựa vào thuế. Chính vì quỹ được hình thành từ nguồn thuế mà mọi người dân đã trở thành đối tượng đóng góp quỹ, với điều kiện và khả năng của chính họ, liên kết và chia sẻ giữa người giàu và người nghèo trong xã hội. Một người dân có điều kiện kinh tế tốt hơn sẽ có nhiều tiêu dùng hoặc tiêu dùng cao cấp hơn thì một cách tự động, họ cũng đóng góp vào nguồn thuế cao hơn. Cách tạo nguồn thu từ thuế cũng là cách thức đơn giản nhất mà Nhà nước có thể thực hiện.
 Thứ hai, xây dựng một nền y tế văn minh, đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ y tế bình đẳng, toàn vẹn và có nhân phẩm
Bên cạnh việc đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ y tế của mọi người dân, Thụy Điển cũng đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt, đặc biệt là đảm bảo sự công bằng, bình đẳng và phẩm giá con người. Thụy Điển đề cao vai trò, nhiệm vụ, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ y tế. Thụy Điển cũng có những chính sách quan trọng tạo ra “lưới an toàn” cho bệnh nhân, ở cả phương diện vật chất và tinh thần, đó là việc hỗ trợ thanh toán, đảm bảo các điều kiện sống độc lập thiết yếu của bệnh nhân để họ thoát khỏi sự lệ thuộc người thân về kinh tế.
Thứ ba, sử dụng nguồn tài chính hiệu quả
Cách tổ chức hệ thống BHYT Thụy Điển cho thấy một kinh nghiệm quý báu về quản lý và sử dụng nguồn tài chính đầu tư cho y tế, đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí. Hệ thống cơ sở y tế được tổ chức theo thứ bậc với chức năng, trách nhiệm rành mạch và khoa học. Việc minh bạch thông tin (thông tin về dịch vụ, giá thuốc, giá dịch vụ…) đóng vai trò quyết định trong việc làm trong sạch hệ thống. Quản lý thuốc và quy định giá thuốc thống nhất trong toàn quốc cũng là một thành công, giúp hạn chế việc lưu hành thuốc kém chất lượng, bán thuốc và sử dụng thuốc tùy tiện, giúp quản lý tốt sức khỏe và tiết kiệm chi phí.
Thứ tư, có đủ các cơ quan chức năng tham gia vào hoạt động đảm bảo sức khỏe và phát huy tính tự chủ của chúng
Thụy Điển có nhiều cơ quan tham gia vào hoạt động CSSK. Mỗi cơ quan có vai trò và chức năng khác nhau, chịu trách nhiệm đối với các lĩnh vực bao gồm y tế công cộng, thông tin, hướng dẫn CSSK, ứng dụng hiệu quả các sáng kiến y tế, đảm bảo chất lượng dược phẩm, điều tra theo các khiếu nại, giám sát hoạt động của chính quyền địa phương… Việc phân chia nhiệm vụ cho từng cấp chính quyền, từng tuyến bệnh viện rõ ràng đã tăng cường trách nhiệm của mỗi cấp. Vì không tồn tại quan hệ cấp trên và cấp dưới giữa đơn vị hành chính nhỏ và lớn hơn, những cơ quan này trở nên bình đẳng, độc lập và chủ động trong tổ chức các hoạt động CSSK.
Thứ năm, luôn luôn có những điều chỉnh cần thiết
Hệ thống CSSK của Thụy Điển không phải khi nào cũng thành công. Tuy vậy, Thụy Điển đã không ngừng điều chỉnh để đạt được sự thỏa mãn của người sử dụng dịch vụ ở mức cao. Thụy Điển tạo điều kiện để cả bệnh viện của Nhà nước và tư nhân được hoạt động bình đẳng. Nhà nước hoàn trả chi phí khám chữa bệnh theo các ca bệnh một cách công bằng và chính điều này giúp duy trì cạnh tranh và việc cung cấp dịch vụ tốt
 

[1] Swedish Institute, 2009, Health care in Sweden, fact sheet, 2009, tr 3.
[2] Swedish institute (2012) equal access – key to keeping Sweden healthy, country profile, tr 1.
[3] Anell, A., Glenngård, A.H., Merkur, S. (2012). “Sweden: Health System Review” Health Systems in Transition 14(5):1-161.

[1] Theo Bengt Sandblad (2010), Some Swedish laws in health care, http://www.it.uu.se/research/hci.
[2] Bengt Sandblad (2010), Some Swedish laws in health care, http://www.it.uu.se/research/hci.
[3] Swedish Institute, 2009, Health care in Sweden, fact sheet, 2009, tr 2.
[4] Swedish Institute, 2009, Health care in Sweden, fact sheet, 2009, tr 2.
[5] Anna H. Glenngård, 2012, The Swedish Health Care System, 2012, country profile.
[6] Anna H. Glenngård, 2012, The Swedish Health Care System, 2012, country profile.
[7] Brogren PO, Saltman RB. Building primary health care systems: A case study from Sweden. Health Policy. 1985;5:313–329. doi: 10.1016/0168-8510(85)90049-1.
[8] Hjelm K, Nyberg P, Apelqvist J. 2000, Chronic lower leg ulcers in Sweden - A survey of wound management in Primary health care, nursing homes and home care. Journal of Wound Care. 2000;3:133–38.
[9] The Swedish health Care System- The Organization and Delivery of Care, http://fall09hpm101sweden.providence.wikispaces.net/The+Organization+and+Delivery+of+Care
[10] Như chú thích số 27
[11] Như chú thích số 27
[12] Như chú thích số 27
[14] Như chú thích số 31.
[15] The Swedish health Care System- The Organization and Delivery of Care, http://fall09hpm101sweden.providence.wikispaces.net/The+Organization+and+Delivery+of+Care
[16] Như chú thích số 33
[17] Như chú thích số 33
[18] Anna H. Glenngård, 2012, Swedish institute for Health economics And lund university School of economics And management, The Swedish Health Care System, 2012, country profile.
[20] Anders Anell, Anna H Glenngård, Sherry Merkur (2012), Sweden, health care system review, in “Health systems in transition” , xvii, Vol 14, No 5, 2012.
[21] Anna H. Glenngård, 2012, The Swedish Health Care System, 2012, country profile.
[22] The Swedish health Care System- The Organization and Delivery of Care, http://fall09hpm101sweden.providence.wikispaces.net/The+Organization+and+Delivery+of+Care
[23] Swedish Tax Agency, 2009, Taxes in Sweden. A summary of the Tax Statistical Yearbook of Sweden 2009.
[24] Swedish Institute, 2009, Health care in Sweden, fact sheet, 2009, tr 3.
[25] Theo OECD 2012; các con số Thống kê của Thụy Điển năm 2012.
[26] Anna H. Glenngård, 2012, Swedish institute for Health economics And lund university School of economics And management, The Swedish Health Care System, 2012, country profile.
[27] The Swedish health Care System - The Organization and Delivery of Care, http://fall09hpm101sweden.providence.wikispaces.net/The+Organization+and+Delivery+of+Care .
[28] Swedish Institute, 2009, Health care in Sweden, fact sheet, 2009, tr 2.

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 14(246), tháng 7/2013)