Liên bang Úc với công cuộc phòng, chống tham nhũng

01/11/2010

NGÔ QUỐC THÁI

Kiểm tra viên cao cấp, Vụ Nghiên cứu, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

1. Tổ chức các cơ quan chống tham nhũng
 Liên bang Úc thực hiện phòng, chống tham nhũng bằng việc xây dựng các trụ cột của hệ thống liêm chính quốc gia ở các cơ quan: lập pháp (Quốc hội liên bang với hai viện), hành pháp (Thủ tướng, các Bộ trưởng và Nội các), tư pháp (Tòa án tối cao liên bang) và các chính đảng có mặt trong Quốc hội như Đảng Lao động, Đảng Tự do, Đảng Quốc gia và Đảng Xanh.  
Quốc hội còn lập ra các cơ quan độc lập để thực hiện một số chức năng phòng, chống tham nhũng như Cơ quan giám sát bầu cử độc lập (Ủy ban bầu cử); Cơ quan Kiểm toán tối cao (Tổng Kiểm toán và Văn phòng Tổng kiểm toán); Cơ quan chuyên giải quyết khiếu nại của dân (Thanh tra liên bang); Ủy ban dịch vụ công, Ủy ban Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng và các công ty. Ở các bang có các tổ chức tương ứng nhưng độc lập với các tổ chức tương ứng (Cảnh sát liên bang, Giám đốc công tố liên bang) cấp Liên bang.
  Ba bang New South Wales, Queensland và Tây Úc còn thành lập Uỷ ban chống tham nhũng độc lập (ICAC) do trước đây có tình trạng tham nhũng tràn lan, kéo dài không kiểm soát được. Đặc biệt, cơ quan này được pháp luật của bang trao quyền trực tiếp khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, quay phim, đặt máy ghi âm, nghe lén điện thoại, tạo tình huống để tham nhũng bộc lộ. Riêng trường hợp phạm tội có liên quan đến các bang thì các bang cùng phối hợp, thoả thuận để giải quyết.  
2. Nhận thức, quan điểm, mục tiêu, phương pháp chống tham nhũng
Liên bang Úc có lịch sử tham nhũng và chống tham nhũng từ rất sớm (từ khi người Anh đặt chân đến). Là nước thực hiện phòng, chống tham nhũng có khoa học, bài bản, cụ thể, chặt chẽ; thực hiện đưa chương trình giáo dục phòng, chống tham nhũng vào cộng đồng, trường học và trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Úc đã tham gia Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng và Công ước OECD về chống hối lộ, được tổ chức Minh bạch quốc tế xếp thứ hạng cao (ít tham nhũng) và là nước luôn cảnh giác, chú trọng nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống tham nhũng. Ở Úc, hành vi tham nhũng thường xảy ra ở các cơ quan buông lỏng quản lý, thiếu tính minh bạch, thiếu sự kiểm soát bên trong và bên ngoài; quản lý các nguy cơ không tốt và thông qua một số hành vi tham nhũng khác như lại quả, thiên vị cho người thân, bạn bè khi phân bổ nguồn lực.
Quan điểm của Úc trong phòng, chống tham nhũng được xác định: mặc dù chi phí cho chống tham nhũng rất tốn kém, nhưng rất khó xoá bỏ hoàn toàn được tham nhũng, do đó cần chủ động, tỉnh táo, sẵn sàng chống tham nhũng. Mục tiêu cơ bản là tập trung chống tham nhũng trong quản lý đất đai, đấu thầu xây dựng dự án, cảnh sát bảo kê tội phạm ma túy, thuế; đồng thời tập trung chống hối lộ từ các nhà đầu tư nước ngoài vào Úc và những nhà đầu tư Úc hối lộ quan chức nước ngoài. Vì vậy, chính quyền Úc luôn chú ý hoàn thiện cơ chế, chính sách, có biện pháp quản lý nghiêm ngặt đối với cảnh sát và chính quyền địa phương… Đặc biệt, Úc rất chú ý nghiên cứu một cách căn bản, thực hiện chống tham nhũng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vụ tham nhũng lớn, nổi cộm; đưa ra các giải pháp tổng thể, đồng bộ, đánh giá tình hình liên quan nhằm xác định những mắt xích chính dẫn đến tham nhũng để tập trung xử lý, giải quyết có hiệu quả nhất.
Trong phương pháp chống tham nhũng, Úc coi trọng tâm chống tham nhũng là sử dụng tư duy hệ thống và kỹ thuật lập sơ đồ để nâng cao hiệu quả các cơ quan của Chính phủ, cụ thể là:
 Một là, phải xác định rõ tính chất những vấn đề liên quan, đồng thời chỉ đạo tập trung nguồn lực cho phòng, chống tham nhũng (gọi là tư duy hệ thống). Do đó, yêu cầu mỗi cơ quan, từng cán bộ từ nhân viên đến cán bộ cao cấp làm công tác phòng, chống tham nhũng phải thực sự là người có đạo đức liêm chính, có năng lực chuyên môn tổng hợp, tư duy cao, dũng cảm, năng động, dám chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được giao. Đồng thời chịu sự giám sát của công chúng, các tổ chức xã hội và các cơ quan truyền thông đại chúng trong phòng, chống tham nhũng.
Hai là, đề cao pháp luật, trong đó bao gồm cả việc đề cao vai trò của Quốc hội trong việc ban hành luật pháp và kiểm tra giám sát mọi hoạt động của Chính phủ. Người đứng đầu các tổ chức chống tham nhũng (ICAC), Ủy ban liêm chính cảnh sát, Thanh tra, Kiểm toán do Chính phủ bổ nhiệm, có sự phê chuẩn của Quốc hội hoặc các ủy ban của Quốc hội với nhiệm kỳ 7 năm đến 10 năm. Các cơ quan này có trách nhiệm báo cáo thường niên hoặc đột xuất với Quốc hội, không phải báo cáo Chính phủ, chỉ bị giải tán khi có quyết định của lưỡng viện Quốc hội, ngân sách hoạt động của các cơ quan này do Quốc hội hoặc ủy ban thuộc Quốc hội phê duyệt. Thanh tra liên bang, các bang và ICAC các bang được thành lập và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ của mình theo quy định, tuy không có nhiệm vụ truy tố, nhưng được quyền báo cáo lên Quốc hội. Các báo cáo này công khai và được các cơ quan truyền thông đăng tải cho dân chúng biết. Đồng thời, xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ người tố cáo (còn gọi là người thổi còi - ACT 1996). Cho phép cán bộ cấp thấp nói lên tiếng nói của mình mà không bị trù dập, phân biệt đối xử. Bang New South Wales cho phép việc điều trần được thực hiện kín hoặc công khai; đồng thời cho đối tượng được quyền tiếp cận báo cáo điều tra, giải trình bảo vệ mình. Cơ chế đó dẫn đến việc không có tổ chức nào dù quyền hành lớn đến đâu mà không bị giám sát, kiểm tra và chế tài (Ủy ban giám sát của Quốc hội cử thanh tra đặc trách giám sát ICAC, giám sát đối với thanh tra, kiểm toán, ủy ban liêm chính cảnh sát, ủy ban tội phạm).
Ba là, thực hiện công khai, minh bạch về thu nhập cá nhân và người thân cùng chung sống; coi trọng tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, mua sắm tài sản công. Luật quy định ICAC, Thanh tra, Kiểm toán, Ủy ban liêm chính cảnh sát (cơ quan dân sự có trách nhiệm phòng, chống tham nhũng trong cảnh sát) được quyền yêu cầu bắt buộc đối tượng bị điều tra phải trung thực trong cung cấp thông tin, giải trình, nếu phát hiện cung cấp sai thì có thể bị khép vào tội hình sự.
Luật quy định cho ICAC có thẩm quyền lớn trong điều tra như sử dụng các phương tiện đặc biệt (có sự cho phép của cơ quan chức năng liên quan, như tòa án). Mục đích của ICAC là phát hiện hành vi tham nhũng quan trọng hơn là khởi tố, việc phơi bày những vụ việc tham nhũng quan trọng hơn là trừng phạt những cá nhân tham nhũng. Phương thức điều trần kín cũng như công khai và tính độc lập đối với chính quyền đã làm tăng tính hiệu quả của ICAC trong đấu tranh chống tham nhũng, như bằng khả năng độc lập của mình, ICAC bang New South Wales có thể điều tra các hành vi tham nhũng của thành viên Chính phủ.
Bốn là, chú trọng nghiên cứu kỹ thuật lập sơ đồ hệ thống để thấy rõ các yếu tố và mối quan hệ, rất thiết thực cho công tác phòng, chống tham nhũng cũng như giải quyết từng vụ việc cụ thể. Coi trọng xây dựng bộ quy tắc ứng xử của công chức chuyên môn, công chức lãnh đạo. Bộ quy tắc ứng xử của công chức gồm: tính trung thực liêm chính trong công việc; hoạt động thận trọng, tuân thủ luật pháp, tập quán, quy định của cơ quan; ứng xử tận tụy, nhã nhặn, có văn hóa với mọi người; quy định về tính tự giác trong việc kê khai, trình báo và giám sát chặt chẽ việc nhận và nộp lại quà tặng của cán bộ công chức; bảo đảm tính bảo mật trong ứng xử của công chức, không cung cấp những thông tin giả, lạc hướng, không phù hợp nội bộ; không tận dụng những vị trí, công việc đang có để tư lợi hoặc đem lại lợi ích cho người quen biết; mọi lúc, mọi nơi phải tuân thủ các giá trị của đơn vị; mọi công chức đều phải kê khai tài sản trung thực.
Chú trọng điều tra, thanh tra, kiểm soát nội bộ, bảo đảm thực hiện quy trình, quy định chi tiết, chặt chẽ (biểu đồ điều tra của ICAC, kiểm toán hoạt động thanh tra). Phương thức điều tra của ICAC là: thành lập bộ phận quản lý điều tra vụ việc, bộ phận này có nhiệm vụ giám sát quá trình điều tra; xem xét nếu cần tiến hành các bước sau điều tra. Thường các bước điều tra được thực hiện từ: thẩm định các thông tin nhận được; qua thẩm định thấy dấu hiệu tham nhũng thì yêu cầu đối tượng giải trình, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cần thiết như cử người nắm tình hình ở các địa phương, có thể cử người đội lốt tham gia vụ tiêu cực, nghe lén điện thoại, đặt camera…; tiến hành điều trần kín với các nhân chứng; tiến hành điều trần công khai, công bố công khai ngày giờ, địa điểm, có các báo, đài tham dự, truyền hình trực tiếp…; cuối phiên điều trần đưa ra các báo cáo trình lên Quốc hội, nêu rõ quá trình điều tra, ai vi phạm, vi phạm cái gì, ý kiến giải trình của đối tượng… đưa ra những đánh giá về hành vi tham nhũng, hướng xử lý. Các báo cáo này được công khai.
Với nhận thức, quan điểm, mục tiêu, phương pháp tổ chức thực hiện phòng, chống tham nhũng nêu trên, trong thời gian qua, Liên bang và các bang của Úc đã hạn chế được các vụ tham nhũng phát sinh. Để chống tham nhũng có hiệu quả, Úc vẫn luôn chú ý đến các yếu tố cơ bản là:
- Thực hiện bầu cử, chọn các chính trị gia trung thực, trong đó chú trọng xây dựng một Quốc hội dân cử, thực quyền vừa là đại biểu cho dân, vừa là người kiểm tra, điều chỉnh, giám sát Chính phủ.
 - Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất cán bộ; thực hiện quy trình tuyển dụng cán bộ chặt chẽ, bảo đảm cạnh tranh công bằng, bình đẳng, minh bạch, đáp ứng yêu cầu chuyên môn; hành động tuân thủ chuẩn mực đạo đức và giá trị nghề nghiệp.
- Kiểm toán độc lập và có trách nhiệm giải trình đối với các yêu cầu thu chi ngân sách.
- Kiểm tra, thanh tra, điều tra và phân xử độc lập các trường hợp khiếu nại, tố cáo công chức trong bộ máy chính quyền.
- Coi trọng hệ thống truyền thông (báo chí) trong phòng, chống tham nhũng; thực hiện truyền thông tự do theo quy định của pháp luật (độc lập với Chính phủ; không bị cấm đoán hoặc bị nhũng nhiễu; được công nhận như một phần của các tổ chức xã hội; có quyền tiếp cận các cơ quan chính yếu như Quốc hội, toà án; tự do bày tỏ ý kiến khác nhau, kể cả những ý kiến chỉ trích Chính phủ).
 - Cơ quan tư pháp (thẩm phán) thực hiện phân xử trung thực, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
 - Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho giới trẻ để làm quen với việc đề kháng lại tham nhũng; gắn chương trình thông tin với phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật phòng, chống tham nhũng, pháp luật về trình tự, thủ tục tố cáo, giải quyết tố cáo tham nhũng và các quy định pháp luật liên quan dưới nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu để mọi người thực hiện; đồng thời động viên, xác định trách nhiệm công chức khi phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng; bảo đảm thực hiện nghiêm việc thông tin, khuyến cáo các cơ quan trên phương tiện truyền thông đại chúng về người tham nhũng để ngăn chặn, giáo dục, ngăn ngừa hậu quả tiếp theo do người vi phạm tham nhũng đã bị xử lý có thể gây ra; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ ở những vị trí liên quan đến tiền bạc, mua sắm. Ban hành chính sách, pháp luật với các quy định cụ thể, đơn giản, dễ hiểu để người dân dễ tiếp cận, nắm vững thông tin về chống tham nhũng. Xây dựng, thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử của công chức các cấp trong cơ quan nhà nước. 
- Xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, cơ quan có thẩm quyền còn khuyến cáo các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân, sẽ bị huỷ thầu, không chấp nhận cho đấu thầu nếu tiếp nhận người đã tham nhũng vào làm việc cho công ty của mình.
- Duy trì công tác tổ chức thực hiện pháp luật một cách đồng bộ và nghiêm túc, như: mọi tổ chức cá nhân hoạt động kinh doanh đều phải đến cơ quan thuế để nộp thuế; các tổ chức, cá nhân kinh doanh đều thực hiện bán hàng qua máy và có hệ thống quản lý thuế; ứng dụng nhiều phương tiện hiện đại để theo dõi các vi phạm (ngoài đường hầu như không có cảnh sát giao thông nhưng khả năng phát hiện vi phạm rất tốt, khi phát hiện đều gửi thông báo nộp phạt); có chế tài xử lý rất nghiêm khắc; phòng, chống tham nhũng đồng thời với bảo đảm nâng cao đời sống cho mọi người, nhất là công chức (lương của công chức nhà nước Úc cao hơn lương của người làm trong doanh nghiệp).
3. Phương thức phòng, chống tham nhũng
Quản lý người trình báo (người tố cáo tham nhũng)
Pháp luật liên bang và pháp luật của từng bang hay vùng lãnh thổ quy định về người trình báo (tố cáo) và tiếp nhận việc tố cáo tham nhũng theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, cụ thể. Trong đó quy định, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của người tố cáo; quy định nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn tiếp nhận, xử lý giải quyết công khai của công chức các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bảo vệ bí mật (danh tính) cho người tố cáo, trừ khi có lệnh của Toà án. Tuy nhiên, trên thực tế, việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng ở Úc chưa thực sự hiệu quả. Theo kết quả khảo sát của một số chuyên gia Úc thì số người im lặng, thờ ơ không tố cáo hành vi tham nhũng cũng không ít (26%).  
Trách nhiệm giải trình và minh bạch trong Chính phủ
Trong hệ thống pháp luật của liên bang và hệ thống pháp luật của các bang, minh bạch và trách nhiệm giải trình trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, hành chính được quy định cụ thể, chặt chẽ. Việc quy định minh bạch và trách nhiệm giải trình được xác định thành nguyên tắc thực hiện của công chức trên các lĩnh vực có liên quan ở các ngành, các cấp để công chức tự giác thực hiện khi có yêu cầu. Cụ thể là phải thực hiện minh bạch trong các hoạt động hành chính của các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ở tất cả các khâu, lĩnh vực của liên bang, các bang hay vùng lãnh thổ; hoạch định chính sách, pháp luật; công bố kết quả kiểm toán, hoạt động tư pháp và giám sát thực hiện pháp luật… Tất cả việc thực hiện minh bạch và trách nhiệm giải trình không chỉ là tự giác khai báo, giải trình mà công chức còn phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật và quy tắc ứng xử đạo đức, nghề nghiệp; chịu sự giám sát của công chúng và các đảng phái trong xã hội, đồng thời trả lời chất vấn của của công chúng và các cơ quan có thẩm quyền cũng như các cơ quan truyền thông đại chúng. Việc giải trình được thực hiện theo một trình tự: giải trình trong nội bộ; giải trình ra bên ngoài; công khai, dân chủ, không có ngoại lệ, theo nguyên tắc mọi người có quyền được biết thông tin.
 Hình thức giải trình đáng chú ý, nhất là đối với các chính trị gia, là thông qua chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội; phỏng vấn qua báo chí. Việc trả lời ý kiến chất vấn là trực tiếp, có thể biết trước bằng văn bản hoặc không được biết trước. Đối với người có nghĩa vụ, trách nhiệm giải trình, nếu có những sai phạm thì cùng với bên có câu hỏi, ý kiến chất vấn có những thoả thuận, thống nhất, xác định phương hướng rút kinh nghiệm và thời gian khắc phục, sửa chữa hậu quả của bên giải trình.
Kiểm toán độc lập nhà nước
 Tổ chức bộ máy, hoạt động của cơ quan kiểm toán do Quốc hội từng bang quy định. Tổ chức và hoạt động kiểm toán độc lập được quy định chặt chẽ, kiểm toán viên phải trung thực và chỉ tuân theo pháp luật, không phải chịu bất cứ một áp lực, chi phối, ràng buộc nào từ phía Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan khác. Tại vùng lãnh thổ Thủ đô, Kiểm toán hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn độc lập rất lớn do Quốc hội trao và được công chúng tin tưởng, ủng hộ. Phạm vi hoạt động của Kiểm toán không chỉ kiểm toán tài chính, thu chi ngân sách mà còn kiểm toán giám sát (như thanh tra công vụ) hiệu quả hoạt động của công chức, các cơ quan hành chính, sự nghiệp, toà án và cả nghị sỹ Quốc hội. Quy trình, thủ tục kiểm toán được tiến hành chặt chẽ, không nhất thiết thực hiện đồng loạt ở tất cả các cơ quan, ở tất cả phạm vi từ thu chi, giám sát hiệu quả làm việc, mà thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thậm chí chỉ chọn một vấn đề để kiểm toán.
 Kết quả hoạt động kiểm toán phải trung thực, khách quan, có đánh giá cụ thể và chỉ báo cáo trước Quốc hội để Quốc hội xem xét, quyết định xử lý các bước tiếp theo. Đối tượng bị kiểm toán không loại trừ một cơ quan, cá nhân nào, kể cả Thủ tướng và nghị sỹ Quốc hội (nếu qua kiểm toán, phát hiện có sai phạm đều phải có trách nhiệm giải trình trước Quốc hội). Nếu vi phạm thì dù công chức là Bộ trưởng hay một thủ trưởng cơ quan, đều có thể bị mất chức hay đuổi việc. Nếu là chính trị gia, bộ trưởng thuộc các đảng phái chính trị thì còn làm mất uy tín chính trị cho đảng mình. Ngược lại đối với đơn vị, cá nhân bị kiểm toán nhưng không có sai phạm thì kết quả kiểm toán cũng được công bố công khai trước Quốc hội và công chúng.
Cơ quan kiểm toán độc lập cũng phải chịu sự giám sát của một ủy ban trong Quốc hội thông qua việc thẩm định các báo cáo theo định kỳ và đột xuất.
Vai trò của phương tiện truyền thông
Theo quy định của pháp luật Úc, các phương tiện truyền thông được quyền tự do thông tin theo quy định của pháp luật, không có sự quản lý, định hướng của Nhà nước (báo chí tư nhân). Mọi hoạt động của báo chí, nếu có vi phạm thì đều bị xử lý bằng pháp luật trước tòa án. Điều đáng chú ý đối với báo chí Úc là nếu hoạt động thiếu trung thực, thiên về lợi nhuận thì cũng không thể tự tồn tại lâu dài trong xã hội. Do vậy, từng cơ quan báo chí rất chú trọng trong việc quản lý và thẩm định thông tin, bảo đảm tính chính xác trước khi đưa thông tin rộng rãi. Nhìn chung vai trò của báo chí trong xã hội Úc có tác dụng rất lớn trong việc hạn chế những vi phạm đến lợi ích của Nhà nước và người dân, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển./.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 22(183), tháng 11/2010)


Thống kê truy cập

32793393

Tổng truy cập