Thẩm quyền của toà án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

01/03/2004

Nguyễn Trung Tín, TS, Viện Nghiên cứu nhà n

ớc và pháp luật

Dự thảo Bộ luật tố tụng Dân sự lần thứ XII dành hai phần (Phần thứ sáu và Phần thứ chín) để quy định về tố tụng dân sự quốc tế. Trong đó có Chương XXXV “Thẩm quyền của Toà án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài”. Theo quan điểm chung, tố tụng dân sự quốc tế được hiểu là tổng thể các nguyên tắc và các quy phạm pháp luật giải quyết các vấn đề sau: 1ư Xác định thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài; 2ư Quy chế pháp lý của cá nhân và pháp nhân nước ngoài trong lĩnh vực tố tụng dân sự quốc tế;  3ư Quy chế pháp lý của quốc gia nước ngoài và các tổ chức quốc tế cấp chính phủ trong lĩnh vực tố tụng dân sự quốc tế; 4ư Uỷ thác và nhận uỷ thác quốc tế trong lĩnh vực tố tụng dân sự quốc tế; 5ư Công nhận và cho thi hành các quyết định của toà án và trọng tài nước ngoài . 1 Như vậy, việc xác định thẩm quyền của toà án một quốc gia trong việc giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là một trong năm việc trên thuộc lĩnh vực tố tụng dân sự quốc tế ở các quốc gia. Chương XXXV với tên gọi của nó rõ ràng nhằm giải quyết việc này. Tuy nhiên, cách giải quyết trong Chương này, theo chúng tôi, còn nhiều chỗ cần xem xét lại.
Thẩm quyền chung
Về thẩm quyền chung của Toà án Việt Nam trong các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, có quy định còn chưa phù hợp. Cụ thể: Khoản 1 Điều 416 quy định: “1. Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo quy định tại Chương III của Bộ luật này, nếu Chương này không có quy định khác” là không rõ. Bởi, cá nhân và pháp nhân Việt Nam cũng như nước ngoài khi yêu cầu toà án Việt Nam giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu của mình thì vấn đề đầu tiên mà họ phải xác định rõ ràng là: toà án Việt Nam có thẩm quyền không? Để trả lời câu hỏi này, họ phải chú ý tới các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia với các quốc gia hữu quan (ví dụ, các hiệp định tương trợ tư pháp), sau đó sẽ là chương XXXV (nếu được thông qua). Điều đó có nghĩa là, nếu các điều ước quốc tế liên quan và Chương XXXV không quy định rằng toà án Việt Nam có thẩm quyền, thì các cá nhân và pháp nhân trên muốn giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu của mình bằng con đường toà án, phải tìm câu trả lời trong các điều ước quốc tế và các quy định trong pháp luật tố tụng dân sự quốc tế của quốc gia khác có liên quan. Bởi vậy, theo chúng tôi, khoản này cần quy định như sau: “1. Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo quy định tại Chương XXXV này, và các vụ việc dân sự đó phải thuộc thẩm quyền của toà án theo quy định tại Chương III của Bộ luật này”. Bởi, Chương III quy định về tính chất của các vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền của toà án. Còn, Chương XXXV quy định về những vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài mà Toà án Việt Nam có thẩm quyền. Điều đó có nghĩa là, nếu các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nào đó thuộc diện các vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền của toà án theo đúng quy định tại Chương III, song không phải là các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài mà Toà án Việt Nam có thẩm quyền theo quy định tại Chương XXXV, thì Toà án Việt Nam không có thẩm quyền giải quyết, và ngược lại.
Căn cứ xác định thẩm quyền
Về căn cứ xác định thẩm quyền được quy định tại các điểm a,b,c,d,đ,e, trong khoản 2, Điều 416 của chương này có nhiều điểm không hợp lý. Dưới đây xin phân tích từng mục. Về các quy định tại các điểm a,b,c, khoản 2, Điều 416 Khi xác định thẩm quyền quốc tế trong việc giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, các quốc gia thường quy định một số dấu hiệu sao cho để toà án quốc gia mình có điều kiện giải quyết, hoặc kết quả của việc giải quyết mang tính chất khả thi nhằm mục đích bảo vệ tốt nhất các lợi ích chính đáng của các cá nhân và pháp nhân trong nước cũng như nước ngoài. Đó là các dấu hiệu như: nơi cư trú bị đơn, nơi có tài sản tranh chấp và nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại (đối với các vụ việc về đền bù thiệt hại ngoài hợp đồng)
Tuy nhiên, các dấu hiệu này mặc dù về hình thức giống như các dấu hiệu xác định thẩm quyền theo lãnh thổ trong lĩnh vực tố tụng dân sự không có yếu tố nước ngoài, song về thực chất thì khác hẳn. Sự khác này thể hiện ở hai điểm. Thứ nhất , xuất phát từ chủ quyền quốc gia, các quốc gia chỉ quy định khi các dấu hiệu như vậy có trên lãnh thổ của mình thì quốc gia đó có thẩm quyền giải quyết. Thứ hai, các dấu hiệu như vậy được  hiểu là dấu hiệu về thẩm quyền của toà án một quốc gia chứ không phải thẩm quyền của toà án cụ thể của quốc gia đó nơi có các dấu hiệu trên (mặc dù trên thực tế có nhiều trường hợp trùng lặp như vậy). Có điều các dấu hiệu đó là khách quan đối với các bên, không phụ thuộc vào quốc tịch của họ. Do vậy, việc quy định như khoản 2 (các điểm a, b, c) của Điều 416 là không phù hợp. Theo các quy định trên, toà án Việt Nam chỉ có thẩm quyền giải quyết các vụ việc tranh chấp đó khi bị đơn là công dân nước ngoài hoặc nguyên đơn là công dân nước ngoài (đối với các vụ việc dân sự về yêu cầu đòi tiền cấp dưỡng, xác định cha mẹ). Một vấn đề đặt ra ở đây là: trong trường hợp đối với các vụ tương tự như vậy mà bị đơn hoặc nguyên đơn là công dân Việt Nam thì sao? Cách quy định như vậy rõ ràng là sự thiếu khách quan không có lời giải thích. Về quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 416 Các vụ việc ở đây có thể là vụ việc về hợp đồng có hình thức hoặc nội dung theo pháp luật Việt Nam, hoặc vụ việc bồi thường thiệt hại xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam trong đó có ít nhất một trong các bên đương sự là người nước ngoài. Điều đó có nghĩa là, thẩm quyền được xác định trên cơ sở xác định pháp luật nội dung điều chỉnh. Cách quy định này có lợi là: nếu toà án Việt Nam giải quyết thì toà án Việt Nam sẽ áp dụng pháp luật của mình. Thế nhưng, theo Điều 834 của Bộ luật Dân sự năm 1995, hình thức hợp đồng được xác lập theo pháp luật nơi giao kết, trừ trường hợp hợp đồng dân sự liên quan đến bất động sản ở Việt Nam, nội dung hợp đồng được hình thành trên cơ sở pháp luật mà các bên thoả thuận lựa chọn, nếu không thoả thuận thì áp dụng pháp luật nơi thực hiện hợp đồng, trừ việc ký kết và thực hiện hợp đồng ở Việt Nam hoặc hợp đồng liên quan đến bất động sản ở Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật Việt Nam. Việc xác định thẩm quyền theo cách này không phải là biện pháp được ưa chuộng trên thế giới. Bởi, trong trường hợp trên, nếu bị đơn ở nước ngoài hoặc tài sản (động sản) ư đối tượng của hợp đồng ở nước ngoài, theo pháp luật các quốc gia phổ biến hiện nay, toà án nước ngoài nơi có bị đơn hoặc nơi có tài sản có thẩm quyền giải quyết. Bởi vậy, trong trường hợp này, chúng ta quy định thẩm quyền của toà án Việt Nam theo dấu hiệu nơi cư trú của bị đơn hoặc nơi có tài sản tranh chấp là phù hợp hơn cả. Riêng đối với trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, việc quy định toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết khi hành vi gây thiệt hại xảy ra ở Việt Nam là phù hợp với xu hướng chung, vì toà án nơi đó có điều kiện thuận lợi để xác định ai là người có lỗi, mức độ của lỗi và mức độ thiệt hại. Tuy nhiên, việc quy định các trường hợp theo điểm d, Khoản 2, Điều 416 kể trên lại kèm theo điều kiện phải có ít nhất một trong các bên đương sự là người nước ngoài là không hợp lý và xa lạ với xu hướng chung trên thế giới. Bởi vì, trong thực tiễn điều chỉnh pháp luật về nội dung ở các quốc gia trên thế giới (trong đó có cả Bộ luật Dân sự Việt Nam), trong các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, không phải bao giờ cũng có ít nhất một bên đương sự là người nước ngoài. Điều này cũng được quy định trong khoản 2 Điều 411 của bản Dự thảo này. Do vậy, một vấn đề hợp lý đặt ra ở đây là: nếu  cũng với các vụ việc như vậy mà cả hai bên đương sự là công dân Việt Nam thì sao? Liệu toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết không? Nếu có thì tại sao lại phải kèm theo điều kiện như vậy? Nếu không, hoá ra chính công dân Việt Nam lại không có điều kiện để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình ở ngay toà án của mình trong cùng vụ việc, trong khi người nước ngoài có quyền đó. Do vậy, theo chúng tôi, phần này nên sửa như sau: “Các vụ việc về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có hành vi gây thiệt hại xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam”. Còn các trường hợp khác đã ghi nhận trong mục này nên bỏ vì đã có điểm quy định chung về nơi cư trú của bị đơn. Về quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 416 Theo chúng tôi nên bỏ quy định này, vì đã có phần quy định toà án Việt Nam có thẩm quyền khi bị đơn cư trú ở Việt Nam, trong khi đó các điều kiện nêu trong điểm này đều đã có ở phần này. Về quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 416 Các quy định của điểm này cũng không phù hợp, bởi trong các trường hợp như vậy sẽ không thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp hoặc bảo đảm thi hành quyết định của toà án bằng việc xác định dấu hiệu nơi cư trú bị đơn hoặc nơi có tài sản là đối tượng của hợp đồng. Ví dụ, nếu công dân Việt Nam là nguyên đơn đối với vụ kiện như trên, trong khi đó bị đơn cư trú ở nước ngoài hoặc tài sản ở nước ngoài, mà theo pháp luật nước ngoài, toà án nơi đó có thẩm quyền, khi đó chắc chắn công dân trên sẽ chọn toà án nước ngoài để khởi kiện, trừ trường hợp điều ước  quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài cùng ký kết hoặc tham gia có quy định khác. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia không chọn cách quy định như trên. Theo chúng tôi, trong các trường hợp đó cần quy định rằng toà án Việt Nam có thẩm quyền khi bị đơn cư trú ở Việt Nam hoặc tài sản là đối tượng của hợp đồng ở Việt Nam. Nhưng đã có quy định chung về thẩm quyền như chúng tôi đề xuất ở trên, vì thế, điểm này cần bỏ đi. Như vậy, khoản 2, Điều 416 sửa lại như sau: “2. Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài đối với ít nhất một trong các trường hợp sau đây. a, Bị đơn thường trú ở Việt Nam. b, Tài sản đối tượng của tranh chấp ở Việt Nam. c, Nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại ở Việt Nam đối với vụ việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. d, Nguyên đơn là công dân Việt Nam đối với vụ việc ly hôn”.
Thẩm quyền đặc biệt
Điều 417 quy định về thẩm quyền đặc biệt của toà án Việt Nam. Trước hết, chúng ta cần xác định thế nào là thẩm quyền đặc biệt của Toà án một quốc gia? Các quốc gia thường quy định thẩm quyền đặc biệt để bảo vệ lợi ích quốc gia, trật tự công cộng và các lợi ích cần thiết của công dân và pháp nhân của mình. Thẩm quyền đặc biệt khác với thẩm quyền chung ở hai điểm. Thứ nhất, thẩm quyền chung được quy định chung cho các trường hợp, trong khi đó thẩm quyền đặc biệt chỉ quy định cho một số trường hợp cụ thể. Thứ hai,  thẩm quyền chung không có tính chất bắt buộc nguyên đơn phải kiện tới toà án quốc gia đó mà có thể chọn toà án quốc gia khác, trong khi đó thẩm quyền đặc biệt mang tính chất áp đặt (sự áp đặt thể hiện ở chỗ nếu nguyên đơn kiện ở toà án nước ngoài mà quyết định của toà án nước ngoài đó lại cần công nhận và thi hành cưỡng bức ở quốc gia quy định thẩm quyền đặc biệt đó thì quyết định trên sẽ không được công nhận và thi hành cưỡng bức). Do vậy, việc quy định thẩm quyền đặc biệt phải xuất phát chính xác từ các lý do như chúng tôi đã nêu trên. Nếu đúng với các lý do như vậy thì thẩm quyền đặc biệt của các quốc gia ít trùng nhau. Bởi vì, nếu có sự trùng nhau thì xuất hiện nguy cơ là nguyên đơn không biết kiện ở đâu để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình được. Xuất phát từ luận điểm trên chúng tôi xin có mấy ý kiến về Điều 417.
Trong tranh chấp về hợp đồng vận chuyển, bị đơn có thể là người vận chuyển hoặc khách hàng. Trong trường hợp khách hàng là bị đơn thì việc người vận chuyển kiện khách hàng tại quốc gia nơi khách hàng cư trú là thuận tiện hơn cả. Nhưng nếu chúng ta quy định như điểm b, khoản 1, Điều 417 thì lý do của việc bảo vệ trật tự công cộng và an ninh quốc gia không giải thích được, mà có nguy cơ các hợp đồng vận chuyển mà người vận chuyển Việt Nam đáng ra ký được thì lại không thể ký, khi chúng ta khoanh vùng cứng trong vấn đề thẩm quyền quốc tế. Bởi các bên có thể sẽ e ngại không muốn hợp tác do vì e ngại tranh chấp giữa họ sẽ không được giải quyết một cách thuận lợi. Do vậy, trong trường hợp này theo chúng tôi cứ để việc xác định thẩm quyền theo thẩm quyền chung là phù hợp và bỏ điểm b, khoản 1, Điều 417. Theo chúng tôi, các điểm b, c, khoản 2, Điều 417 cần áp dụng chung đối với công  dân Việt Nam cũng như người nước ngoài. Liên quan đến điểm d , việc tuyên bố một người mất tích, đã chết sẽ có cơ sở và thuận tiện đối toà án nếu người đó có mặt ở quốc gia đó, tại thời điểm có những sự kiện xảy ra, và những sự kiện ấy là căn cứ để ra tuyên bố đó. Tuy nhiên, trong trường hợp sự tuyên bố trên liên quan đến công dân Việt Nam nhưng các sự kiện đã nêu lại xảy ra ở nước ngoài thì cách quy định như trên lại là thiếu khách quan và khó thực hiện. Bởi, việc tuyên bố một người mất tích hoặc đã chết có thể liên quan đến việc xác lập quyền, nghĩa vụ của họ trên lãnh thổ của nhiều quốc gia chứ không phải chỉ có Việt Nam. Do vậy, trong trường hợp nước ngoài cũng quy định thẩm quyền đặc biệt như chúng ta (điểm c) thì sự yêu cầu uỷ thác tư pháp quốc tế của chúng ta để giải quyết ở điểm d sẽ khó thực hiện. Bởi vậy, theo chúng tôi nên bỏ điểm này tại khoản 2, Điều 417.
Trả lại đơn kiện
Về trường hợp trả lại đơn kiện (Điều 419), cũng có một số trường hợp không hợp lý. Việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là một quy định cần thiết để tránh việc trùng lặp trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài, các yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Sự trùng lặp sẽ làm mất thời gian, công sức của toà án cũng như các bên. Chính vì có các quy định của pháp luật về điều trên cho nên nguyên đơn, người đệ đơn phải tính trước nên đệ đơn tới toà án quốc gia nào trong số các toà án của các quốc gia có thẩm quyền (điều này xuất phát từ việc xác định dấu hiệu khác nhau khi phân định thẩm quyền quốc tế trong các nguồn quốc nội của các quốc gia). Nhưng việc trả lại đơn kiện cũng phải kèm những điều kiện nhất định.  Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là tại sao phải có điều kiện “…Việt Nam có ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế…”? Nếu điều ước quốc tế mà nước ta ký kết hoặc gia nhập quy định rằng quốc gia nhận đơn sau phải từ chối giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, thì đúng là trong trường hợp nhận đơn sau, toà án Việt Nam sẽ phải thực hiện việc đó. Nhưng trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam và quốc gia liên quan ký kết hoặc gia nhập không quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự trên, thì có nghĩa là chúng ta không trả lại đơn kiện. Các bên trong cùng vụ kiện hoặc vụ việc có thể gửi đơn đến toà án ở hai quốc gia khác nhau. Có khả năng cả hai toà án cùng thụ lý và xem xét vụ việc, và có thể dẫn tới quyết định trái nhau. Ngoài ra, đối với bản án, quyết định dân sự không có quy định trong các điều ước quốc tế trên, song được công nhận và thi hành ở quốc gia nước ngoài đó hoặc nước ngoài khác trên cơ sở pháp luật khác thì sao? Liệu khi đó nếu chúng ta giải quyết, chúng có thể tiếp tục được công nhận và cho thi hành ở Việt Nam hay không? Câu trả lời ở đây là không, vì không thể công nhận và thi hành các bản án về cùng một vụ việc hai lần được. Do vậy, theo chúng tôi cần sửa đổi lại toàn bộ Điều 419 như sau: “ Toà án Việt Nam trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong trường hợp toà án nước ngoài đã thụ lý vụ tranh chấp hoặc vụ việc, hoặc đã ra bản án hoặc quyết định dân sự đó, trừ trường hợp vụ tranh chấp, hoặc vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền đặc biệt của Toà án Việt Nam”./.
 
 

Thống kê truy cập

32969147

Tổng truy cập