Phương pháp định tính và định lượng trong việc xác định tỷ lệ phần trăm tác phẩm được phép sao chép theo pháp luật của CHLB Đức và Việt Nam

17/06/2022

TS. NGUYỄN THÁI CƯỜNG

Khoa Luật Dân Sự, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Một trong những ngoại lệ của quyền tác giả là người dùng có thể sao chép tác phẩm của người khác mà không xin phép, không trả tiền. Nguyên tắc này xuất phát từ học thuyết về sự cân bằng lợi ích giữa các chủ thể và lợi ích của cộng đồng trong việc sao chép tác phẩm. Việc sao chép phải đáp ứng điều kiện trong phương pháp ba bước thử của quyền sử dụng hợp lý tác phẩm. Trong thực tiễn, cách tốt nhất để đo lường sự cân bằng lợi ích là dựa vào tiêu chí số lượng tác phẩm được sao chép phải đáp ứng những tỷ lệ phần trăm nhất định. Trong phạm vi bài viết viết này, tác giả trình bày các phương pháp xác định một tỷ lệ phần trăm sao chép hợp lý tác phẩm qua kinh nghiệm của luật bản quyền của Cộng hòa liên bang (CHLB) Đức và Việt Nam, và đề xuất sửa đổi, bổ sung những ngoại lệ của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Từ khóa: Sao chép tác phẩm, Luật bản quyền, Cộng hòa Liên bang Đức.
Abstract: One of the exceptions to copyright is that users may reproduce an art work without permission from, without payment to the owner. This principle comes from the doctrine of the balance of interests between subjects and the interests of the community in reproducing works. Reproduction must meet the conditions of the three-step test of fair use, the number of works being reproduced must meet certain percentages. Within the scope of this article, the author presents methods for determining a reasonable percentage of a work's reproduction through the experience of the copyright laws of the Federal Republic of Germany and Vietnam, and also gives out proposed amendments to the exceptions of the Law on Intellectual Property of Vietnam.
Keywords: Reproduction; Copyright Law; Federal Republic of Germany.
SAO-CHÉP-TÁC-PHẨM-PHẦN-TRĂM.jpg
1. Phương pháp định tính và định lượng đối với hành vi sao chép tác phẩm theo pháp luật Việt Nam
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 36/2009/QH12 và Luật số 42/2019/QH14 (Gọi tắt là Luật SHTT). Luật SHTT tiếp tục được hoàn thiện và bổ sung theo hướng tinh gọn hơn, đáp ứng những nhu cầu về thực tiễn[2]. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để đo lường mức độ của sự cân bằng lợi ích giữa các chủ thể bằng các phương pháp định tính hay định lượng.
1.1. Phương pháp định lượng
Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao được quy định tại Điều 25 Luật SHTT. Theo đó, việc sao chép tác phẩm sẽ được áp dụng cho các trường hợp sau: (i) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân; (ii) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu. Những quy định mang tính nền tảng, tạo tiền đề cho sự hình thành ngoại lệ của quyền tác giả.
Luật SHTT Việt Nam quy định số lượng sao chép là “một bản”. Như vậy có thể hiểu là người dùng có thể sao chép toàn bộ tác phẩm. Đây là một cách tiếp cận rất mở trong pháp luật Việt Nam để qua đó mở rộng phạm vi sao chép tác phẩm theo đó không giới hạn về khối lượng tác phẩm được sao chép. Điều này có thể đi theo tinh thần của công ước Berne về quyền tác giả[3] khi công ước Berne không đưa ra tiêu chí định lượng rõ ràng là cho phép sao chép bao nhiêu bản.
Về mặt lợi ích về kinh tế, việc sao chép toàn bộ 100 phần trăm tác phẩm sẽ có thể không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền khai thác bình thường của tác phẩm gốc[4]. Vì thế, việc áp dụng tiêu chí định lượng này cần được phát huy trên thực tế. Một mặt để nâng cao vai trò của các cơ sở giáo dục đại học trong việc có những điều kiện về tài liệu tốt nhất cho người học, mặt khác phát huy quyền tự do sử dụng tác phẩm trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm mục đích đào tạo. Đây cũng là định hướng của Việt Nam trong việc xây dựng chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ. Theo đó, Điều 8 luật SHTT quy định việc công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng, khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
1.2. Phương pháp định tính
Chúng ta hoàn toàn thấy thiếu vắng phương pháp định tính trong Luật SHTT năm 2005[5]. Nghị định số 22/2018 ngày 23/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan cũng không bổ sung những thiếu sót này[6]. Mãi cho đến dự thảo của Luật SHTT qua những nỗ lực sửa đổi, bổ sung của Ban soạn thảo Luật SHTT, đã có nhiều thuật ngữ về định tính “hợp lý” đã xuất hiện trong Dự thảo[7]. Điều 25 của Dự thảo quy định các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền bao gồm: a) Tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại, trừ trường hợp sao chụp toàn bộ hoặc phần trọng yếu[8] của tác phẩm hoặc sao chép bằng thiết bị sao chép tự động hoặc các thiết bị sao chụp khác được cài đặt để sử dụng công cộng; b) Sao chụp hợp lý một phần tác phẩm nhằm mục đích giảng dạy trực tiếp của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại, trừ trường hợp tác phẩm được công bố để giảng dạy. Đến đây, xuất hiện các tiêu chí định tính như sao chụp “hợp lý”. Theo chiều hướng sửa đổi này thì chúng ta đang muốn đi theo hướng định tính[9], vừa muốn đi theo hướng định lượng. Như vậy, theo chiều hướng nào là tốt nhất.
2. Phương pháp định lượng đối với hành vi sao chép tác phẩm theo pháp luật CHLB Đức
Truyền thống luật của các nước có phần khác nhau, qua quan sát thì những quy định về sao chép tác phẩm của Hoa Kỳ mang nhiều hơn tiêu chí đinh lượng[10], pháp luật của CHLB Đức[11] thì mang tính định lượng rất rõ ràng về tỷ lệ phần trăm cụ thể còn pháp luật Việt Nam đang đứng giữa ranh giới vừa định tính vừa mang tính định lượng, cách tiếp cận của Dự thảo có thể tạo ra sự áp dụng không thống nhất trên thực tế
2.1. Định lượng không giới hạn
Điều 16 Luật bản quyền và các quyền liên quan (Luật bản quyền) của CHLB Đức quy định về quyền tạo ra bản sao tác phẩm, theo đó quyền tạo ra bản sao tác phẩm không giới hạn cho bất kể phương pháp hay số lượng mà bản sao được tạo ra. Pháp luật Đức khẳng định rõ ràng về mặt từ ngữ là việc sản xuất các bản sao của tác phẩm bất kể là theo số lượng ra sao.
Điều 16 quy đinh về quyền sao chép[12]; theo đó:(1) Quyền sao chép là quyền sản xuất các bản sao của tác phẩm, bất kể là tạm thời hay vĩnh viễn, theo quy trình nào và số lượng ra sao.
Như vậy, Điều 16 quy đinh quyền sao chép tác phẩm không giới hạn về số lượng. Điều này tạo ra rất nhiều thuận lợi trong việc phải xác định là việc sao chép là việc thực hiện trên một phần hay là toàn bộ sản phẩm như cách quy định của dự thảo sửa đổi Luật SHTT Việt Nam hiện nay[13].
2.2. Định lượng theo tỷ lệ phần trăm cụ thể
Pháp luật của Đức định lượng theo tỷ lệ phần trăm nhất định cho từng hành vi và từng mục đích cụ thể. Các trường hợp này được cụ thể hóa đến mức chi tiết nhất có thể. Theo đó, đối với các trường hợp giảng dạy của cá nhân, tổ chức thì việc sao chép là tối đa 15%. Pháp luật của Đức còn quy định cho từng trường hợp cụ thể đó là cho giáo viên, giám khảo, bên thứ ba. Có thể nói pháp luật của Đức dành khá nhiều ngoại lệ cho mục tiêu giáo dục phù hợp với cách tiếp cận về chính sách phát triển giáo dục tri thức cộng đồng của Việt Nam.
Điều 60a Luật quyền tác giả của Đức quy định các trường hợp được phép sử dụng hợp pháp cho giảng dạy, khoa học và các tổ chức, cơ quan. Điều 60a quy định về mục đích giảng dạy để minh họa cho việc giảng dạy và giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, tối đa 15 phần trăm tác phẩm đã xuất bản có thể được sao chép, phân phối, công bố công khai và sao chép công khai vì mục đích phi thương mại: 1. đối với giáo viên và những người tham gia sự kiện tương ứng ; 2. đối với giáo viên và giám khảo tại cùng một cơ sở giáo dục; 3. đối với bên thứ ba, trong chừng mực vì điều này phục vụ cho việc trình bày các bài học, bài học hoặc kết quả học tập tại cơ sở giáo dục.
Mục 60b quy định phương tiện giảng dạy (1) Nhà sản xuất phương tiện dạy và học có thể tái sản xuất, phân phối và cung cấp công khai tới 10 phần trăm tác phẩm đã xuất bản cho các bộ sưu tập như vậy ; (2) Mục 60a (2) và (3) câu 1 sẽ được áp dụng tương ứng; (3) Phương tiện giảng dạy và giảng dạy theo nghĩa của đạo luật này là các bộ sưu tập kết hợp các tác phẩm của một số lượng lớn các tác giả và phù hợp, có mục đích và được đánh dấu phù hợp với mục đích phi thương mại chỉ để minh họa cho việc giảng dạy và giảng dạy tại các cơ sở giáo dục (Mục 60a ).
Luật quyền tác giả của Đức có quy định nhiều ngoại lệ cho việc nghiên cứu khoa học. Mục 60c quy định về nghiên cứu khoa học. Theo đó, Với mục đích nghiên cứu khoa học phi thương mại, tối đa 15% tác phẩm có thể được sao chép, phân phối và công khai: Cho một nhóm người cụ thể để nghiên cứu khoa học của riêng họ; và đối với các bên thứ ba riêng lẻ, trong chừng mực điều này dùng để kiểm tra chất lượng của nghiên cứu khoa học: Tối đa 75 phần trăm tác phẩm có thể được sao chép cho nghiên cứu khoa học của chính mình; Các minh họa, các bài báo riêng lẻ từ cùng một tạp chí chuyên ngành hoặc tạp chí học thuật, các tác phẩm quy mô nhỏ khác và các tác phẩm chưa in có thể được sử dụng toàn bộ, loại bỏ hoàn toàn từ đoạn 1 và 2; không được phép ghi lại một tác phẩm trên phương tiện video hoặc âm thanh trong các buổi diễn thuyết, biểu diễn hoặc trình diễn công khai và để chúng có thể truy cập công khai vào một ngày sau đó. Tuy Luật không quy định mục đích học tập nhưng có thể thấy theo cách tiếp cận của học giả Đức thì xã hội Đức đang đi theo hướng mở, khuyến khích xã hội học tập và nền kinh tế tri thức, có thể nhận thấy nội hàm của nghiên cứu khoa học và học tập là tương đồng nhau.
3. Đề xuất những quy định tập trung vào phương pháp định lượng trong pháp luật Việt Nam
Theo hướng sửa đổi của Dự thảo, chúng ta hiện nay đang xác định biên độ của ngoại lệ theo hướng vừa định tính và vừa định lượng. Trong khi pháp luật Hoa Kỳ cũng có chiều hướng thiên về định lượng[14] như pháp luật của CHLB Đức. Dự thảo sử dụng khá nhiều lần chữ sao chép “hợp lý” nhưng kèm vào đó lại sử dụng phương pháp định lượng như “sao chép một bản” hay sao chép phần trọng yếu của tác phẩm[15]. Điều này xuất phát từ những ảnh hưởng nhiều của Công ước Berne trong việc quy định việc thực hành hợp lý “fair practice” trong việc nội luật hóa các trường hợp ngoại lệ của các quốc gia thành viên; pháp luật Hoa Kỳ cũng sử dụng từ “fair use” nhưng có quy định về việc căn cứ vào tiêu chí “số lượng” của tác phẩm. Việc sử dụng những tiêu chí định lượng có thể mang lại những thuận lợi khi việc xác định các hành vi sẽ rõ ràng hơn.
3.1. Về tiêu chí định lượng cụ thể về tỷ lệ phần trăm được sao chép
Trên thực tế, về phần tỷ lệ thì các cơ sở giáo dục đào tạo vẫn đang dè dặt trong việc áp dụng tỷ lệ phần trăm như thế nào là hợp lý nằm trong giao động là 1/3 của tác phẩm trong khi Luật SHTT năm 2005 lại cho phép sao chép 100 phần trăm của tác phẩm[16]. Các thư viện đã vận dụng phương pháp định lượng này trong một thời gian khá lâu và đã đem lại những hiệu quả rõ rệt. Đa phần thư viện áp dụng dịch vụ cung cấp bản sao tài liệu bằng cách cho phép sao chép từ 10-30% của tài liệu, hoặc một chương nếu tác phẩm có từ hai chương trở lên, một bài tạp chí trong một số hoặc một bản sao đầy đủ[17].
Ngoài ra, theo thống kê trung tâm thông tin – thư viện, trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh cho phép sao chép 15% trên tổng số trang tài liệu cho đối tượng là sinh viên phục vụ cho mục đích học tập, toàn bộ một bài viết trong một số của một tạp chí; một chương hay toàn bộ tài liệu nếu người sử dụng chứng minh được mình là giảng viên, người nghiên cứu, học viên cao học kèm theo bản cam kết[18] người sử dụng đăng ký sao chép 100% tác phẩm để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học theo mẫu cam kết của thư viện[19]. Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội cho phép người sử dụng được sao chép 30% trên tổng số trang tài liệu cho mục đích học tập, giảng dạy và nghiên cứu[20]. Trung tâm Thông tin – Thư viện trường Đại học Khoa học Xã hội và và Nhân văn – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, đối với tài liệu sao in từ cơ sở dữ liệu nội sinh, thư viện cho phép sao in không quá 10% phục vụ cho mục đích học tập, nghiên cứu và giảng dạy cá nhân. Trung tâm học liệu Huế cho phép sao chép 10% trên tổng số trang tài liệu, một chương nếu tác phẩm từ hai chương trở lên, một bài báo trong tạp chí hoặc tập san, bản sao tác phẩm phải nhằm mục đích học tập, giảng dạy, nghiên cứu[21]. Có thể thấy tỷ lệ được phép sao chép trong các quy định nội bộ của thư viện ít nhất là 10% và cao nhất là 30% được áp dụng đại trà cho các đối tượng mà chưa có sự phân chia rõ ràng.
Dựa vào thực tiễn như trên, chúng ta có thể chọn giải pháp trung hòa là 15 phần trăm để đảm bảo hài hòa hóa[22] và thống nhất các quy định thông qua việc vận dụng linh hoạt căn cứ vào thực tiễn áp dụng của các thư viện trong các cơ sở giáo dục đại học trong thời gian vừa qua. Theo đó, tỷ lệ phần trăm tác phẩm được sao chép được đế xuất tùy thuộc vào mức độ quan trọng của các trường hợp cụ thể:
Điều 25c) Sao chép trong trường hợp học tập: Sao chép cho việc học tập, tối đa 15 phần trăm của phần tác phẩm được sao chép. Hoạt động sao chép để học tập với mức biên độ là 15 phần trăm tác phẩm được sao chép để nâng cao trách nhiệm của người dùng và mang nhiều ý nghĩa đào tạo nhận thức về SHTT.
Điều 25a) Sao chép trong trường hợp giảng dạy: Sao chép cho việc giảng dạy, tối đa 100 phần trăm của tác phẩm được sao chép.
Lý giải cho tỷ lệ này là mục tiêu quan chính trong các cơ sở giáo dục đại học là giảng dạy[23]. Hoạt động này sẽ được quyền sao chép tự do tác phẩm với giới hạn cao nhất là “1 bản” theo như quy định của Luật SHTT, tương đương 100 phần trăm tác phẩm là hợp lý.
Điều 25b) Sao chép trong trường hợp nghiên cứu khoa học: Sao chép cho việc nghiên cứu khoa học, tối đa 75 phần trăm của phần tác phẩm được sao chép.
Tiếp theo là hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động này thông thường người sử dụng chỉ sao chép phần trọng yếu của tác phẩm.
3.2. Về tiêu chí mục đích sử dụng tác phẩm để bổ trợ cho tiêu chí định lượng
Việc xác định mục đích sử dụng tác phẩm là rất quan trọng trong việc xác định những trường hợp được phép sử dụng tác phẩm của người khác mà không xâm phạm quyền tác giả. Điều 25 luật SHTT quy định các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả theo hướng quy định các mục đích của ngoại lệ cho các trường hợp cụ thể. Theo đó, các quy định sẽ tập trung vào việc được phép sử dụng hợp pháp cho giảng dạy, nghiên cứu khoa học và học tập là các hoạt động chính của các cơ sở giáo dục đại học. Như vậy, điều luật sẽ thiết kế theo hướng phân chia thành các tiểu mục quy định cụ thể về các mục đích cụ thể của tác phẩm: giảng dạy, nghiên cứu khoa học, khai thác văn bản, dữ liệu, thư viện, lưu trữ, bảo tàng và cơ sở giáo dục, mục được phép sử dụng hợp pháp và ủy quyền sử dụng theo hợp đồng, thù lao thích hợp cho các mục đích sử dụng được phép hợp pháp; theo đó có thể thiết kế điều luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam theo hình thức như sau:
-Điều 25 Quy định chung về các trường hợp ngoại lệ;
-Điều 25a) Sao chép trong trường hợp giảng dạy;
-Điều 25b) Sao chép trong trường hợp nghiên cứu khoa học;
-Điều 25c) Sao chép trong trường hợp học tập;
-Điều 25d) Sao chép trong trường hợp sử dụng nhằm mục đích khác.
Việc đưa ra những đề mục theo từng mục đích cụ thể sẽ mang tính dễ dàng trong việc áp dụng những quy định của pháp luật vào thực tiễn. Quy định mang tính rõ ràng hơn theo từng trường hợp cụ thể mà không phải tích hợp vào một điều luật sẽ gánh nhiều nội dung như cách quy định hiện nay. Như vậy, Điều 25 sẽ làm đề dẫn cho việc áp dụng những trường hợp ngoại lệ cho các hành vi và những điều luật tiếp theo sẽ quy định hướng dẫn cụ thể. Có thể số lượng điều luật sẽ tăng lên nhưng cách làm như vậy sẽ rõ ràng hơn rất nhiều. Quy mô lớn của Luật SHTT sẽ tạo tiền đề rất tốt để chúng ta có thể xây dựng Bộ luật SHTT trong tương lai.
Ngoài ra, Điều 25 có thể quy định thêm về tiêu chí loại hình tác phẩm được sao chép bởi vì tính chất của các loại hình tác phẩm khác nhau là khác nhau như: sách giáo khoa, sách chuyên khảo, tạp chí và các loại tài liệu khác./. 
 

 


[1] Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài NCKH cấp Bộ, số B2020 – LPS – 01 về “Quyền sử dụng tự do tác phẩm qua hành vi sao chép, trích dẫn trong các cơ sở giáo dục Đại học”, do Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh là tổ chức chủ trì.
[2] Như vậy, lần sửa đổi tiếp theo này chúng ta đã mạnh dạn thiết kế lại nhiều điều luật và đưa thêm vào những khái niệm khá quan trọng làm thay đổi bản chất của những quy định về quyền tác giả. Điều này rất phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong các trường Đại học và đáp ứng tình hình phát triển mới của một xã hội học tập trên nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa các bên. Dự thảo lần 1 vào ngày 02/12/2020, dự thảo lần 2 vào ngày 14/09/2021 và dự thảo lần 3 vào ngày 04/10/2021 đến cuối tháng 10/2021 chúng ta đã có dự thảo lần 5 và 6. Điều này chứng tỏ chúng ta đang rất tích cực và nỗ lực trong việc mạnh dạn sửa đổi một cách toàn diện các nội dung để khoác trên mình một chiếc áo mới đáp ứng với thực tiễn và những cam kết của Việt Nam đã tham gia.
[3] Điều 9 Công ước Berne quy định về quyền sao chép: 1. Quy định chung; 2. Các ngoại lệ có thể; 3. Ghi âm và ghi hình):
1. Tác giả có các tác phẩm văn học nghệ thuật được Công ước này bảo hộ, được toàn quyền cho phép sao in các tác phẩm đó dưới bất kỳ phương thức, hình thức nào.
2. Luật pháp quốc gia thành viên Liên hiệp, trong vài trường hợp đặc biệt, có quyền cho phép sao in những tác phẩm nêu trên, miễn là sự sao in đó không phương hại đến việc khai thác bình thường tác phẩm hoặc không gây thiệt thòi bất hợp lý đến những quyền lợi hợp pháp của tác giả.
3. Mọi việc ghi âm hay ghi hình đều được xem là sao in theo định nghĩa của Công ước này.
[4] Tính mô phỏng theo mức độ trung bình với giả định là 1 giảng viên sao chép một tác phẩm thì sẽ có đến ít nhất 73.312 tác phẩm được sao chép. Thêm vào đó, việc sao chép này là do các dịch vụ photocophy thực hiện việc sao chép giúp người sử dụng vì đa phần họ không trang bị máy photocophy cá nhân. Theo thống kê, năm 2019 Việt Nam có 73.312 giảng viên, công tác tại 237 trường đại học, học viện, 37 viện nghiên cứu khoa học, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Với số lượng người giảng dạy chính thức như vậy, theo ước tính là 73312 người trên khoản 90 triệu dân thì tỷ lệ phần trăm còn khá ít chưa làm ảnh hưởng nhiều đến sự khai thác bình thường của tác phẩm. Vậy, ngoại lệ quyền tác giả cho mục đích giảng dạy là cần thiết. https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/ty-le-giang-vien-co-trinh-do-thac-si-tien-si-tang-manh-702471.html.
[5] Điều 25 Luật SHTT quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao:
a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;
đ) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;
[6] Điều 22 Nghị định số 22/2018 ngày 23/2/2018 của Chính phủ quy định về sao chép tác phẩm:
1. Tự sao chép một bản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 của Luật sở hữu trí tuệ áp dụng đối với các trường hợp nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân không nhằm mục đích thương mại.
2. Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật sở hữu trí tuệ là việc sao chép không quá một bản. Thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số.
[7] Xem toàn văn dự thảo qua các lần bổ sung: https://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=7371.
[8] Xem thêm: Caterina Sganga, the right of reproduction, Handbook of EU Copyright law, Routledge, tr. 128.
[9] Trong Luật SHTT không thể tìm ra thuật ngữ “sao chép hợp lý”
Đến Dự thảo sửa đổi 2.0, đã xuất hiện từ sao chép hợp lý
(ii) Sao chép hợp lý một phần tác phẩm cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập không nhằm mục đích thương mại. Trong trường hợp này, thư viện thực hiện việc sao chép tác phẩm phải kèm theo thông báo về quyền tác giả;
a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại. Quy định này không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép tự động và các thiết bị sao chụp khác được cài đặt để sử dụng công cộng;
[10] Trước tháng 6 năm 2021, Luật bản quyền của Đức có sử dụng thuật ngữ “sử dụng tự do tác phẩm”. Theo đó, khi một tác phẩm độc lập được tạo ra dựa trên việc sử dụng miễn phí tác phẩm của người khác thì sẽ rơi vào trường hợp tác phẩm này sẽ được sử dụng miễn phí. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi Luật bản quyền lần này của Đức thì điều này đã bị bãi bỏ.
[11] Luật bản quyền của CHLB Đức cũng đưa ra những sửa đổi mạnh mẽ để phù hợp với tình hình phát triển mới. Dự án sửa đổi, bổ sung luật đã hoàn thành vào tháng 6/2021. Xem bản gốc tiếng Đức tại: Gesetz über Urheberrecht und verwandte Schutzrechte, http://www.gesetze-im-internet.de/urhg/, ngày truy cập 29/10/2021.
[12] Xem: § 16 Vervielfältigungsrecht, Urheberrechtsgesetz.
(1) Das Vervielfältigungsrecht ist das Recht, Vervielfältigungsstücke des Werkes herzustellen, gleichviel ob vorübergehend oder dauerhaft, in welchem Verfahren und in welcher Zahl.
(2) Eine Vervielfältigung ist auch die Übertragung des Werkes auf Vorrichtungen zur wiederholbaren Wiedergabe von Bild- oder Tonfolgen (Bild- oder Tonträger), gleichviel, ob es sich um die Aufnahme einer Wiedergabe des Werkes auf einen Bild- oder Tonträger oder um die Übertragung des Werkes von einem Bild- oder Tonträger auf einen anderen handelt.
[13] Cách tiếp cận của dự thảo luật sở hữu trí tuệ hiện nay còn đang lúng túng trong việc quy định thêm việc sao chép một phần, toàn bộ tác phẩm và phần trọng yếu của tác phẩm. Điều 25 Dự thảo Luật SHTT quy định các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả: 1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền bao gồm:
a) Tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại, trừ trường hợp sao chụp toàn bộ hoặc phần trọng yếu của tác phẩm hoặc sao chép bằng thiết bị sao chép tự động hoặc các thiết bị sao chụp khác được cài đặt để sử dụng công cộng;
b) Sao chụp hợp lý một phần tác phẩm nhằm mục đích giảng dạy trực tiếp của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại, trừ trường hợp tác phẩm được công bố để giảng dạy;
[14] Luật quyền tác giả của Hoa Kỳ tập trung vào thiên hướng định lượng nhưng chưa rõ ràng so với pháp luật của Đức. Theo đó, tiểu mục 17 U.S. Điều §107 quy định các tiêu chí để xác định hành vi sao chép bao gồm số lượng tác phần được sao chép nhưng không quy định rõ là bao nhiêu phần tram. (1) the purpose and character of the use, including whether such use is of a commercial nature or is for nonprofit educational purposes; (2) the nature of the copyrighted work; (3) the amount and substantiality of the portion used in relation to the copyrighted work as a whole; and (4) the effect of the use upon the potential market for or value of the copyrighted work.
[15] Xem thêm án lệ liên quan đến việc làm thế nào để xác định phần trọng yếu của tác phẩm Media 24 books (pty) LTD v Oxford university press southern Africa (pty) LTD, Supreme Court of Appeal 16 september 2016; Moneyweb (pty) limited v media 24 limited berger, local division, johannesburg, 5 may 2016.
[16] Luật SHTT cho phép sao chép một bản, tức là 100 phần trăm từ tác phẩm gốc được sao chép. Thực vậy, điều 25 luât SHTT quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Theo đó, các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm: a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân.
[17] Tuy nhiên, các Trường đại học lại không áp dụng nội dung này mà áp dụng chung việc sao chép một phần tác phẩm cho sinh viên và cả giảng viên trong hoạt động thư viện.
[18] Vì Luật SHTT không quy định rõ trường đại học có phải là chủ thể có thẩm quyền áp dụng các biện pháp chế tài khi sinh viên xâm phạm quyền sao chép không? Và các biện pháp chế tài này là gì? Thư viện đã vận dụng linh hoạt trong việc đưa ra những bản cam kết giữa người dùng và thư viện. Tuy nhiên, bản chất của những bản cam kết này là gì và giá trị của những bản cam kết khi người dùng vi phạm vẫn là câu hỏi mở. 
[19] Tuy nhiên, bản cam kết này mang nhiều hơi hướng của quy định về dân sự, “truth” và “equity” trong hệ thống thông luật common law. Như vậy, nếu luật SHTT sửa đổi bổ sung theo hướng quy định tiêu chí định lượng rõ ràng thì cần thiết phải bãi bỏ những bảng cam kết bất thành văn này trên thực tế tạo sự tự do cho người sử dụng.
[20] Xem thêm: Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội. Dịch vụ photocopy và scan tài liệu. http:// www.lic.vnu.edu.vn/content/dich-vu-photocopy-scan-tai-lieu-0. Truy cập ngày 29/10/2021.
[21] Xem thêm: Trung tâm Học liệu Huế, http:// www.lrc-hueuni.edu.vn/services/services06_03. htm, truy cập ngày 29/10/2021.
[22] Ngô Nguyễn Cảnh, Quyền tác giả trong hoạt động sao chép và số hóa tài liệu tại thư viện các trường đại học, https://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/quyen-tac-gia-trong-hoat-dong-sao-chep-va-so-hoa-tai-lieu-tai-thu-vien-cac-truong-dai-hoc.html, truy cập ngày 19/10/2021.
[23] Cần phải bổ sung việc áp dụng khác nhau cho việc dạy kèm hay chính thống công lập. Trong bản án Macmillan co. v. king, District Court, D. Massachusetts, 223 F. 862, 1914 thì việc sao chép và cung cấp bản sao của tác phẩm không được xem là trường hợp ngoại lệ trong việc sử dụng “hợp lý” (fair use) của tác phẩm. Xem thêm: https://fairuse.stanford.edu/law/cases/macmillan-co-v-king/, truy cập ngày 29/10/2021.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 08 (456), tháng 04/2022.)