Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và sự tiếp nhận trong pháp luật Việt Nam

01/04/2015

Ths. ĐINH THỊ CẨM HÀ

Giảng viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

1. Khái niệm người khuyết tật
1.1. Việc sử dụng thuật ngữ “người khuyết tật”
Về mặt thuật ngữ, CRPD dùng thuật ngữ “people with disabilities” (người có khuyết tật) thay cho “disabled persons” (người tàn tật) vốn được sử dụng khá phổ biến trước đây[4]. Cách gọi này thể hiện đúng hơn thực trạng của người mang những khiếm khuyết về thể chất và tinh thần và không mang cảm giác miệt thị.
Tiếp thu tinh thần đó của CRPD, Luật Người khuyết tật năm 2010 đã dùng thuật ngữ “người khuyết tật” thay cho thuật ngữ “người tàn tật” được sử dụng trong Pháp lệnh về Người tàn tật và các văn bản pháp luật được ban hành trước đó. Thuật ngữ “người khuyết tật” chỉ xác định sự khiếm khuyết chức năng của bộ phận nào đó trong cơ thể của một người mà không hàm nghĩa là người “vô dụng”, bỏ đi như thuật ngữ “người tàn tật”. Điều này đã thể hiện sự tôn trọng phẩm giá của người khuyết tật.
Tuy vậy, qua nghiên cứu, chúng tôi thấy hiện nay việc sử dụng thuật ngữ “người khuyết tật” vẫn chưa được sử dụng đồng bộ trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến người khuyết tật của Nhà nước như: Luật Trợ giúp pháp lý vẫn sử dụng thuật ngữ “người tàn tật” mà không sử dụng thuật ngữ “người khuyết tật”; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em[5] và Luật Giáo dục[6] thì sử dụng đồng thời cả hai thuật ngữ “người tàn tật” và “người khuyết tật” mà không có quy định nào giải thích rõ đối tượng nào là “người tàn tật”, đối tượng nào là “người khuyết tật”; …
Việc sử dụng thuật ngữ “người khuyết tật” cần được sử dụng thống nhất trong tất cả các văn bản pháp luật có liên quan. Các dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đã được xác định rõ trong Luật Người khuyết tật, vì vậy, cần kiên quyết không sử dụng thuật ngữ “tàn tật” trong các văn bản pháp luật. Những văn bản nào vẫn đang sử dụng thuật ngữ “tàn tật” cần chú ý sửa đổi sang thuật ngữ “khuyết tật” trong lần sửa đổi gần nhất.
1.2. Về nội dung định nghĩa “người khuyết tật”
Điều 1 CRPD định nghĩa: “Persons with disabilities include those who have long-term physical, mental, intellectual or sensory impairments which in interaction with various barriers may hinder their full and effective participation in society on an equal basis with others”[7] (Người khuyết tật bao gồm những người có khiếm khuyết lâu dài về thể chất, tâm thần, trí tuệ hoặc giác quan mà khi tương tác với những rào cản khác nhau có thể phương hại đến sự tham gia hữu hiệu và trọn vẹn của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác).
Định nghĩa nêu trong Điều 1 CRPD đã kết hợp giữa hai yếu tố: đặc điểm khiếm khuyết về y học của một người với những rào cản khác nhau do xã hội tạo ra trong việc xác định tình trạng khuyết tật. Khi xác định người khuyết tật theo định nghĩa này, CRPD cũng đã xác định trách nhiệm xã hội trong việc tạo ra tình trạng khuyết tật. Đây có thể nói là một quan điểm rất tiến bộ, có ý nghĩa rất quan trọng trong định hướng đưa ra những giải pháp để đảm bảo cho người khuyết tật hưởng đầy đủ những quyền lợi chính đáng của mình như những người khác.
Tiếp thu quan điểm của CRPD, Luật Người khuyết tật năm 2010 đã có thay đổi trong việc sử dụng thuật ngữ, nhưng định nghĩa về người khuyết tật được quy định tại Điều 2 của Luật này lại có nội dung không khác gì cơ bản so với định nghĩa về người tàn tật trong Pháp lệnh về Người tàn tật năm 1998:
- Định nghĩa của Luật Người khuyết tật năm 2010: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”[8].
- Định nghĩa của Pháp lệnh về Người tàn tật năm 1998: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn”[9].
Nội dung của định nghĩa quy định trong cả hai văn bản trên đều giống nhau ở chỗ, coi những khiếm khuyết về mặt y học của người khuyết tật là nguyên nhân chính gây nên những khó khăn, trở ngại cho họ trong cuộc sống. Nếu so sánh với nội dung định nghĩa của CRPD thì nội dung định nghĩa của Luật Người khuyết tật năm 2010, ngoài việc thay đổi trong việc sử dụng thuật ngữ vẫn chưa thể hiện được quan điểm chủ đạo của CRPD là: chính những rào cản từ xã hội là nguyên nhân quan trọng tạo ra và làm trầm trọng hóa tình trạng khuyết tật của một người.
Vì vậy, sau khi Quốc hội chính thức phê chuẩn CRPD, Luật Người khuyết tật năm 2010 cần được sửa đổi, bổ sung và thể hiện đầy đủ hơn nữa quan điểm CRPD trong định nghĩa về người khuyết tật. Điều này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra những chính sách cụ thể để đảm bảo khả năng tham gia của người khuyết tật vào tất cả các hoạt động của đời sống xã hội.
2. Đảm bảo quyền một số nhóm người khuyết tật đặc thù
Một số nhóm người khuyết tật đặc thù mà chúng tôi muốn nêu ở đây gồm: phụ nữ khuyết tật và trẻ em khuyết tật. Qua nghiên cứu cho thấy CRPD đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em khuyết tật. Bên cạnh việc quy định nguyên tắc bình đẳng chung (Điều 3), CRPD đã dành riêng 2 điều (Điều 6 và Điều 7) thể hiện quan điểm về hai nhóm đối tượng này:
Điều 6: Phụ nữ khuyết tật
Quốc gia thành viên thừa nhận rằng, phụ nữ và các bé gái khuyết tật dễ bị phân biệt đối xử, do vậy quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp bảo đảm cho họ được hưởng trọn vẹn và bình đẳng các quyền và tự do cơ bản của con người.
Quốc gia thành viên tiến hành các biện pháp thích hợp để bảo đảm cho phụ nữ có được sự phát triển đầy đủ, sự tiến bộ tối đa và quyền năng hoàn toàn, nhằm mục đích bảo đảm cho họ thực hiện và thụ hưởng các quyền và tự do cơ bản của con người được Công ước này bảo vệ.
Điều 7: Trẻ em khuyết tật
Các quốc gia thành viên tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm cho trẻ em khuyết tật được hưởng trọn vẹn các quyền và tự do cơ bản của con người trên cơ sở bình đẳng với các trẻ em khác.
Trong mọi hành động liên quan tới trẻ em khuyết tật, lợi ích tốt nhất của trẻ phải được đặt lên hàng đầu.
Các quốc gia thành viên bảo đảm rằng trẻ em khuyết tật có quyền bày tỏ ý kiến một cách tự do về mọi vấn đề ảnh hưởng tới các em, ý kiến của trẻ em phải được cân nhắc thích đáng phù hợp với độ tuổi và sự trưởng thành của các em, trên cơ sở bình đẳng với các trẻ em khác, bảo đảm cung cấp cho các em sự trợ giúp phù hợp với lứa tuổi và với tình trạng khuyết tật để các em thực hiện quyền đó”.
Qua tìm hiểu các quy định của Luật Người khuyết tật, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em,… có thể thấy pháp luật Việt Nam chưa có những quy định riêng thể hiện sự quan tâm đặc biệt trong việc đảm bảo các quyền cho phụ nữ và trẻ em khuyết tật. Nhìn chung, quyền lợi của hai nhóm người khuyết tật đặc thù này trên các lĩnh vực hiện vẫn được đảm bảo thông qua những quy định dành cho người khuyết tật nói chung.
Vì vậy, Luật Người khuyết tật năm 2010 nên có điều khoản riêng thể hiện quan điểm của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền của phụ nữ khuyết tật và trẻ em khuyết tật. Điều này có ý nghĩa định hướng cho các cơ quan, tổ chức hữu quan sẽ có những chính sách cụ thể và thiết thực hơn trong việc đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em khuyết tật.
3. Đảm bảo quyền của người khuyết tật trong một số lĩnh vực cụ thể
Đánh giá chung có thể thấy những quyền trên một số lĩnh vực cơ bản của người khuyết tật được nêu trong CRPD như: quyền được sống độc lập; quyền được tiếp cận về hạ tầng giao thông, thông tin; quyền được học tập; quyền được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; quyền được làm việc… đều được quy định đầy đủ trong Luật Người khuyết tật năm 2010 và các văn bản pháp luật có liên quan khác. Tuy nhiên, một số vấn đề quan trọng trong nội dung khuyến nghị của CRPD về việc đảm bảo từng quyền cho người khuyết tật vẫn chưa được thể hiện đầy đủ trong các quy định của pháp luật hiện hành. Mặt khác, những quy định pháp luật có ý nghĩa đảm bảo khả năng thực hiện các quyền trên thực tế vẫn chưa thực sự phù hợp và đầy đủ. Cụ thể là:
3.1. Về việc làm
Điều 27 CRPD có khuyến nghị về việc thúc đẩy cơ hội được nhận vào làm việc cũng như tự tạo việc làm. Nội dung này của CRPD đã phần nào được thể hiện trong nội dung các quy định tại Chương V Luật Người khuyết tật năm 2010. Tuy nhiên, những quy định hiện hành tại Chương này vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả mở rộng cơ hội có việc làm cho người khuyết tật do những quy định hiện hành chỉ mang tính chất khuyến khích đối với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, các cơ quan tổ chức mà chưa coi việc nhận người khuyết tật làm việc là trách nhiệm của các doanh nghiệp. Đặc biệt, Điều 27 CRPD cũng có khuyến nghị về việc quan tâm tuyển dụng người khuyết tật trong lĩnh vực công. Tuy nhiên, Luật Người khuyết tật năm 2010 không có quy định nào đề cập đến vấn đề này. Luật Cán bộ, công chức năm 2008 được coi là văn bản có liên quan nhưng trong quy định về nguyên tắc tuyển dụng công chức mới chỉ nêu nguyên tắc ưu tiên người dân tộc thiểu số[10] mà chưa đưa người khuyết tật vào diện được ưu tiên.
Theo chúng tôi, để đảm bảo cơ hội việc làm cho người khuyết tật theo khuyến nghị của CRPD trên cả lĩnh vực công và tư, Luật Người khuyết tật năm 2010 cần khôi phục lại quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp phải đảm bảo việc làm cho lao động là người khuyết tật với hình thức hoặc là nhận một tỷ lệ lao động là người khuyết tật hoặc là đóng góp vào Quỹ tạo việc làm cho người khuyết tật. Đây cũng là quy định hiện được áp dụng ở một số quốc gia. Đồng thời, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 cần bổ sung nội dung ưu tiên tuyển dụng người khuyết tật trong quy định về nguyên tắc tuyển dụng công chức.
3.2. Về tiếp cận hạ tầng giao thông - đảm bảo khả năng di chuyển
Điều 20 CRPD đề cập đến việc đảm bảo khả năng di chuyển cá nhân của người khuyết tật trong đó khuyến nghị: “Các quốc gia thành viên tiến hành các biện pháp hiệu quả để bảo đảm cho người khuyết tật di chuyển cá nhân thuận tiện một cách độc lập tối đa có thể được, bao gồm bằng những cách sau:
Tạo điều kiện cho người khuyết tật di chuyển cá nhân theo cách thức và vào thời gian họ chọn, với giá thành vừa phải;
Tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận phương tiện, thiết bị và công nghệ hỗ trợ di chuyển và các hình thức trợ giúp hoặc người trợ giúp tại chỗ, bằng cách cung cấp những tiện ích như vậy với giá thành vừa phải; cung cấp đào tạo thích hợp về kỹ năng di chuyển cá nhân cho người khuyết tật và đội ngũ nhân viên chuyên môn làm việc với người khuyết tật; khuyến khích các cơ sở sản xuất phương tiện, thiết bị và công nghệ hỗ trợ di chuyển có tính đến mọi khía cạnh về sự di chuyển của người khuyết tật”.
Nội dung trên đã được Luật Người khuyết tật năm 2010 cụ thể hóa trong các quy định tại Chương VII. Tuy nhiên, Điều 40 Luật Người khuyết tật năm 2010 đặt ra lộ trình tới năm 2025 (tức là sau 15 năm kể từ khi Luật này được thông qua) mới đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật ở tất cả nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội. Lộ trình như trên là quá dài, cần điều chỉnh theo hướng rút ngắn thời gian hoàn thành để sớm hiện thực hóa quyền tiếp cận, di chuyển của người khuyết tật.
3.3. Chăm sóc y tế và phục hồi chức năng
Vấn đề chăm sóc y tế và phục hồi chức năng cho người khuyết tật được đề cập tại Điều 25 và Điều 26 CRPD. Nội dung hai Điều này tập trung đưa ra những khuyến nghị cho các quốc gia thành viên về những nguyên tắc và biện pháp trong việc chăm sóc y tế và phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Ở Việt Nam hiện nay, khung pháp lý cho việc chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người khuyết tật về cơ bản đã đầy đủ. Liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người khuyết tật có các văn bản pháp luật quan trọng sau: Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, Luật Người khuyết tật năm 2010, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và một số nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chính sách khám chữa bệnh và phục hồi chức năng đối với người khuyết tật. Nhìn chung, nội dung các văn bản pháp luật trên đã bao quát được những khuyến nghị trong CRPD. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định làm cản trở khả năng được hưởng chế độ chăm sóc y tế và phục hồi chức năng có chất lượng và thuận lợi. Chẳng hạn như một số quy định pháp luật về bảo hiểm y tế chưa có quy định riêng tạo điều kiện cho người khuyết tật; những quy định về nơi khám chữa bệnh ban đầu, thủ tục khám chữa bệnh hay danh mục thuốc thuộc diện được bảo hiểm y tế chi trả còn gây khó khăn cho người khuyết tật trong việc thụ hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Để đảm bảo tính hiện thực của quyền được chăm sóc y tế và phục hồi chức năng phù hợp với tinh thần khuyến nghị của CRPD, cần bổ sung các quy định riêng về chế độ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật theo hướng đơn giản về thủ tục, mở rộng nơi khám chữa bệnh, tăng cường chi trả những loại thuốc đặc trị phục vụ cho nhu cầu điều trị riêng của người khuyết tật…/.

 


* Ths. Giảng viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
 
[1] http://www.un.org/disabilities/default.asp?id=1605
[3] Theo Báo cáo số 62/BC-LĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng kết tình hình thi hành Pháp lệnh về Người tàn tật và các văn bản pháp luật liên quan thì hiện nay có khoảng 6% dân số Việt Nam là người khuyết tật.
[4] Tuyên bố về Quyền của người khuyết tật (DRDP - Declaration on the Rights of Disabled Persons), được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 09/12/1975 và Nghị quyết số 37/52 ngày 05/12/1982 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Chương trình Hành động quốc tế về người khuyết tật (World Programme of Action Concerning Disabled Person) sử dụng thuật ngữ “disabled persons”.
[5] Xem Điều 40 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004.
[6] Xem Điều 63 Luật Giáo dục năm 2005.
[7] Article 1, Convention on the rights of people with disabilities
[8] Khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010.
[9] Điều 1 Pháp lệnh về Người tàn tật năm 1998.
[10] Xem Điều 38 Luật Cán bộ, công chức năm 2008.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 7(287), tháng 4/2015)


Thống kê truy cập

32774959

Tổng truy cập