Vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền làm chủ

01/03/2012

NGUYỄN THANH BÌNH

Ban Dân chủ Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo đã quy định rõ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), các tổ chức thành viên của Mặt trận động viên nhân dân nghiêm chỉnh thi hành pháp luật về quyền làm chủ; giám sát việc thi hành pháp luật về quyền làm chủ theo quy định của Luật.
 Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2010 và những năm tiếp theo của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ (mà MTTQVN là một thành viên nòng cốt) cũng nêu nội dung chung về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân là tiếp tục phổ biến sâu rộng các qui định của pháp luật gắn trực tiếp với cuộc sống của nhân dân như: các qui định của pháp luật về quyền làm chủ, đất đai, an toàn giao thông, phòng chống ma túy, các tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường; các chế độ mà người dân được hưởng, các nghĩa vụ mà người dân phải thực hiện; các qui định của Quy chế dân chủ ở cơ sở xã, phường; các qui định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện, góp phần vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí hiện nay; các qui định của Bộ luật Dân sự v.v.. Những văn bản quy phạm pháp luật này đều ít nhiều liên quan đến việc giải quyết tốt việc phát huy quyền làm chủ của người dân. Như vậy, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền làm chủ của người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính chức năng của MTTQVN.
I. Các phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền làm chủ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
1.1.Vai trò, nhiệm vụ của MTTQVN trong công tác giải quyết khiếu nại tố, cáo được pháp luật quy định như sau:
- MTTQVN có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân đến kiến nghị, phản ánh; khi nhận được ý kiến của người dân thì nghiên cứu, chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết.  
- MTTQVN phối hợp với cơ quan nhà nước, các tổ chức thành viên trong việc giải quyết.
- MTTQVN động viên nhân dân nghiêm chỉnh thi hành pháp luật về quyền làm chủ. Để làm được điều này, MTTQVN các cấp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, giải thích rộng rãi trong nhân dân pháp luật về quyền làm chủ.
- MTTQVN giám sát thi hành pháp luật về quyền làm chủ.
Trong mọi khâu, mọi việc của MTTQVN đối với công tác tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo đều có liên quan đến việc tuyên truyền, động viên, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các tầng lớp nhân dân và đối với bản thân cán bộ, công chức nhà nước. Điều đó phản ánh chức năng mang tính tự nhiên của MTTQVN với tư cách là một tổ chức quần chúng rộng lớn nhất, đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân.
1.2. Các phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung đã được tổng kết, riêng phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khiếu nại tố cáo và phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của MTTQVN với tính cách là một chủ thể tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ngoài những điểm tương đồng có đặc thù riêng.
Các phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung bao gồm 10 hình thức sau: phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp (thường gọi là tuyên truyền miệng về pháp luật); phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động của các tổ hòa giải; phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hệ thống loa truyền thanh; phổ biến, giáo dục pháp luật bằng các tiểu phẩm văn hóa, văn nghệ liên quan đến nội dung thực hiện pháp luật để phổ biến pháp luật đến người dân; phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật bằng cách lồng ghép nội dung pháp luật vào các buổi sinh hoạt của Ủy ban MTTQVN và các tổ chức thành viên của Mặt trận và các cuộc họp nhân dân ở khu dân cư; phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua phát hành tờ gấp về nội dung pháp luật thật cụ thể ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện; phổ biến, giáo dục pháp luật bằng cách biên dịch tài liệu tìm hiểu pháp luật bằng tiếng dân tộc; phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động của các trung tâm trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật.
MTTQVN giữ vai trò động viên nhân dân nghiêm chỉnh thi hành pháp luật về quyền làm chủ. Để làm được điều này, MTTQVN các cấp phải tuyên truyền, phổ biến, giải thích rộng rãi trong nhân dân pháp luật về quyền làm chủ thông qua các hình thức:
- Phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức cho nhân dân học tập, quán triệt nội dung cơ bản của pháp luật về quyền làm chủ: quyền, nghĩa vụ của công dân; thủ tục, trình tự phát huy quyền làm chủ; trách nhiệm cơ quan nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Việc tổ chức học tập trong dân cần lồng ghép với các cuộc họp của thôn, xóm, ấp, bản, tổ dân phố, các cuộc họp của các tổ chức chính trị - xã hội, của Ban công tác Mặt trận và của Ban Thanh tra nhân dân. Uỷ ban MTTQVN phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên của MTTQ tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong nhân dân ở cơ sở những chủ trương, chính sách của Đảng, những quy định của Nhà nước về quyền làm chủ của nhân dân. Tổ chức để nhân dân học tập quán triệt các quan điểm của Đảng đối với việc phát huy quyền làm chủ, giúp nhân dân sử dụng đúng quyền và trách nhiệm của mình.
- Tổ chức học tập trong các đối tượng xã hội do MTTQ trực tiếp vận động: các chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc, thân nhân Việt kiều; thông qua các vị tiêu biểu để tuyên truyền, động viên nhân dân thi hành nghiêm chỉnh pháp luật về quyền làm chủ. Mặt trận chủ trì tổ chức học tập cho những người tiêu biểu: nhân sĩ, trí thức, già làng, chức sắc, chức việc trong tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc để học tập nắm vững nội dung pháp luật về quyền làm chủ, qua đó các vị sẽ giúp Mặt trận tuyên truyền, vận động, giải thích trong giới mình, tổ chức mình thực hiện.
- Tổ chức học tập trong cán bộ chuyên trách của Ủy ban MTTQ các cấp; trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các xã, phường để nắm vững, sau đó tuyên truyền, động viên nhân dân thi hành nghiêm chỉnh pháp luật về quyền làm chủ; thực hiện tốt nhiệm vụ khi tiếp xúc với nhân dân; tiếp dân, xử lý đơn thư và tham gia với cơ quan nhà nước khi giải quyết khiếu nại tố cáo. Ủy ban MTTQ chủ trì tổ chức cho cán bộ chuyên trách công tác Mặt trận; cán bộ trong Ban Thường trực Mặt trận xã, phường, Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, làng, ấp, bản, khu phố; Trưởng Ban thanh tra nhân dân nghiên cứu, học tập để quán triệt các quy định của pháp luật về quyền làm chủ và các văn bản pháp luật liên quan để tham gia thực hiện và tổ chức thực hiện từng cấp và địa bàn dân cư.
- Ủy ban MTTQVN phối hợp với tổ chức thành viên thống nhất kế hoạch tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong đoàn viên, hội viên; giáo dục hội viên, đoàn viên gương mẫu thực hiện và vận động nhân dân thực hiện pháp luật.  
- Ngoài các hình thức trên, MTTQ các cấp phối hợp với cơ quan nhà nước hữu quan, các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức thành viên cùng cấp tổ chức việc tuyên truyền, động viên nhân dân thi hành nghiêm chỉnh pháp luật về quyền làm chủ.
Trong quá trình tiếp dân, xử lý, tham gia với chính quyền giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, cán bộ Mặt trận có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giải thích để công dân hiểu pháp luật; hướng dẫn công dân thực hiện đúng thủ tục, trình tự; động viên nhân dân thi hành đúng quyền và nghĩa vụ của mình; chấp hành các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thi hành nghiêm chỉnh pháp luật. Ở những tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, MTTQVN đã thành lập trung tâm tư vấn pháp luật, cần có thêm trách nhiệm tuyên truyền, động viên nhân dân nghiêm chỉnh thi hành pháp luật về quyền làm chủ.
Trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Mặt trận cần quán triệt tư tưởng và đồng thời là bài học mà Đảng ta đã tổng kết: phát huy quyền làm chủ của nhân dân vừa là mục tiêu, đồng thời là động lực bảo đảm cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước. Mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, từng bước thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất là bản chất tốt đẹp của Nhà nước, nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước, của chính quyền các cấp, khắc phục tình trạng suy thoái, quan liêu, tệ tham nhũng và vi phạm quyền làm chủ của dân. Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, kỷ luật, chống khuynh hướng dân chủ cực đoan, quá khích. Dân chủ phải trong khuôn khổ của pháp luật.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền làm chủ của Mặt trận phải đến từng địa bàn dân cư, thông qua các Ban công tác Mặt trận ở thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố để từ đó phổ biến tới từng hộ gia đình. Đây là thế mạnh của công tác Mặt trận và tổ chức Mặt trận, để truyền đạt chủ trương, chính sách pháp luật tới từng người dân, tổ chức các hoạt động phong trào nhân dân vì lợi ích của Đảng và Nhà nước.
II. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền làm chủ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
2.1. Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biển trong nhân dân về những chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về phát huy quyền làm chủ đã được UBMTTQ các cấp đặc biệt chú trọng; coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác Mặt trận.  
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền làm chủ của MTTQVN được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thường xuyên có sự đổi mới như: qua hệ thống thông tin đại chúng; qua đội ngũ báo cáo viên trực tiếp xuống tận thôn, làng để phổ biến và truyền đạt tại các hội nghị nhân dân; qua các pa-nô, áp phích, khẩu hiệu... Bên cạnh việc thường xuyên phối hợp với các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp - nhất là cấp cơ sở - đã chủ động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng và Nhà nước về quyền làm chủ tới nhân dân. Nhiều nơi, Mặt trận cấp tỉnh, cấp huyện đã ban hành kế hoạch tuyên truyền riêng trong hệ thống các cơ quan Mặt trận, xác định rõ những nội dung tuyên truyền, phương thức tiến hành công tác tuyên truyền pháp luật về quyền làm chủ sao cho đạt hiệu quả tốt nhất; đặc biệt trong quá trình thực hiện, các cấp MTTQ đã xác định phương châm: không cầu toàn, nóng vội, không làm ào, làm lướt mà kiên trì, thường xuyên, kết hợp với việc tổ chức những việc làm cụ thể. 
Sau khi tổng kết 5 năm công tác MTTQVN tham gia phát huy quyền làm chủ của công dân (được tổ chức vào năm 2005), cho đến nay, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền làm chủ cũng có những đổi mới tích cực. Đó là ngoài việc tiếp tục thực hiện những hình thức tuyên truyền thông thường, phổ biến; thì ở nhiều nơi, công tác này đã có nhiều hình thức đổi mới, phong phú và đa dạng hơn; chú trọng tới chất lượng và hiệu quả của công tác tuyên truyền.  Mặt trận các cấp một số nơi đã cử cán bộ biết tiếng dân tộc trực tiếp xuống tuyên truyền cho nhân dân là đồng bào dân tộc; sử dụng các băng đĩa nhạc có nội dung hay, hấp dẫn, dễ tập hợp được dân để tuyên truyền; hoặc thông qua những quần chúng tốt, có uy tín, sinh sống tại địa bàn dân cư để vận động quần chúng khác thực hiện pháp luật về quyền làm chủ; tổ chức các hội nghị để biểu dương những người tiêu biểu trong các dân tộc thiểu số ngay tại cấp huyện, để qua đó, giúp công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo quy định của pháp luật. Tại nhiều địa phương, Mặt trận các cấp đã rất chú trọng tới việc tổ chức học tập, tuyên truyền cho những đối tượng là người cao tuổi, chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng thôn, người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; nhằm tạo sự hiểu biết và ủng hộ rộng rãi mọi thành viên trong xã hội cho công tác triển khai, thực hiện pháp luật, bởi họ sẽ là những người gương mẫu thực hiện; đồng thời thông qua các vị này sẽ giúp Mặt trận tuyên truyền, vận động, giải thích trong giới mình, tổ chức mình thực hiện pháp luật. Việc phối hợp giữa Mặt trận với các tổ chức thành viên để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong đoàn viên, hội viên tích cực thực hiện và vận động nhân dân thực hiện pháp luật về quyền làm chủ cũng được đẩy mạnh.
Nhìn chung, việc tham gia tổ chức và thực hiện các phương thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Mặt trận các cấp là tích cực, có hiệu quả, nhiều nơi được các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận. Việc phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được UBMTTQ các cấp chú trọng, nên đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật tới đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhiều nơi, chính quyền, UBMTTQ và các đoàn thể đã xây dựng được kế hoạch phối hợp tuyên truyền. Bám sát vào nội dung của pháp luật về quyền làm chủ và các văn bản hướng dẫn của cấp trên, UBMTTQ các cấp đã chủ động tổ chức hoặc phối hợp với chính quyền và các đoàn thể để tổ chức các hoạt động tuyên truyền thiết thực, phù hợp để đưa các nội dung của pháp luật tới từng hộ gia đình, từng người dân. Qua đó, mối quan hệ giữa chính quyền với UBMTTQ được tăng cường, tạo điều kiện cho chính quyền cũng như UBMTTQ hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền làm chủ của UBMTTQ các cấp vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều nơi hoạt động còn mang tính hình thức, tính phong trào, UBMTTQ một số nơi còn chưa thực sự chủ động, sáng tạo trong tuyên truyền; hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, nội dung chưa sâu; nên hiệu quả chưa cao, chưa đủ sức hấp dẫn; hơn nữa trình độ một bộ phận cán bộ Mặt trận cấp xã còn yếu, nên việc tổ chức thực hiện và giải thích các nội dung pháp luật còn lúng túng, chưa thật sự thuyết phục được nhân dân. Một số nơi, hoạt động phối hợp với các tổ chức thành viên trong tuyên truyền còn yếu, đòi hỏi phải có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
2.2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền làm chủ của MTTQVN trong giai đoạn hiện nayđòi hỏi công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, không làm lướt, làm vội, mà phải kiên trì; nên lấy việc tổ chức những việc làm cụ thể thay thế cho công tác tuyên truyền, phổ biến thông thường. Mặt trận các cấp cần thường xuyên bổ sung, nâng cao thêm nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vấn đề này. Thực tế cho thấy trong các cuộc họp dân, người dân thường quan tâm tới các vấn đề liên quan trực tiếp tới quyền lợi của mình như: công tác đền bù giải phóng mặt bằng, việc hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình, các chính sách thuế của Nhà nước, thu chi các khoản đóng góp của dân... Những cuộc họp như vậy sẽ thu hút đông đảo nhân dân tham gia, còn các cuộc họp khác thì tỷ lệ tham gia rất thấp. Vì vậy, ngoài phương pháp vận động truyền thống, Mặt trận các cấp, nhất là cấp cơ sở, cần lồng ghép các nội dung chương trình có liên quan đến đời sống nhân dân một cách hài hoà, sinh động, có sức hấp dẫn hơn vào trong các cuộc họp; qua đó thu hút được đông đảo nhân dân tham gia. Phải lồng ghép các nội dung của Luật Khiếu nại, tố cáo trong các phong trào, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” để phát huy quyền làm chủ trực tiếp của dân và dân chủ đại diện thông qua hoạt động của Mặt trận các cấp.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền làm chủ của MTTQVN trong giai đoạn hiện nay cần:
1. Phải quán triệt sâu sắc chỉ thị 09-CT/TW ngày 06/03/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong việc giải quyết quyền làm chủ hiện nay” để có nhận thức đúng, từ nhận thức đúng mới có sự tập trung chỉ đạo, có giải pháp tổ chức thực hiện việc giải quyết quyền làm chủ sát thực và có hiệu quả cao.
2. Tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền - Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các ngành chức năng, giữa cấp trên và cấp dưới để tạo sự thống nhất về nhận thức, quan điểm, phương pháp giải quyết, chống tư tưởng đùn đẩy, né tránh, gắn với cán nhân, vị nể, bao che.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân để công dân thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình; khắc phục được tình trạng bị lợi dụng, bị kích động; tổ chức thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng hương ước, quy ước ở địa bàn khu dân cư; thực hiện tốt công khai, dân chủ, công bằng.  
4. Chăm lo công tác tiêp công dân, thông báo công khai lịch tiếp dân, ít nhất là hàng tháng đối với cấp tỉnh, huyện. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt phải dành thời gian tiếp dân, nghe dân nói, đối thoại trực tiếp với dân, nhất là những vụ việc dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài; phải chọn, cử được đội ngũ cán bộ tiếp dân có kiến thức và am hiểu chính sách pháp luật, có phẩm chất đạo đức, có kinh nghiệm vận động quần chúng. Đồng thời có chính sách, chế độ hỗ trợ, phụ cấp cho cán bộ tiếp dân và cán bộ tham mưu, giải quyết các nội dung liên quan đến quyền làm chủ của công dân.
5. Quan tâm, củng cố xây dựng các Tổ hoà giải ở thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố để tham gia hoà giải kịp thời những vướng mắc, mâu thuẫn trong nhân dân ngay tại địa bàn dân cư; khắc phục được tình trạng từ "bé xé ra to"./.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 6(214), tháng 3/2012)


Thống kê truy cập

32773885

Tổng truy cập