Ban hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật - biện pháp nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật trong nhà trường

01/05/2011

TS. TRẦN THỊ SÁU

Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng.

Giáo dục pháp luật (GDPL) trong nhà trường là sự tác động bằng hệ thống phương pháp sư phạm nhằm trang bị cho người học và cán bộ, giáo viên, giảng viên nhà trường tri thức pháp luật, xây dựng niềm tin, tình cảm pháp luật đúng đắn, rèn luyện kỹ năng sống và xử sự theo những chuẩn mực pháp luật.
GDPL trong nhà trường đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, hình thành và bồi dưỡng nhân cách thế hệ trẻ trở thành công dân mẫu mực, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực của nền kinh tế tri thức và hội nhập toàn cầu.
 Untitled_722.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác GDPL trong trường học, thời gian qua các cơ quan chức năng đã phối hợp, triển khai hoạt động GDPL ở các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân song song với tiến trình cải cách nền giáo dục. Công tác GDPL trong nhà trường bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực và trở thành nội dung giáo dục văn hóa không thể thiếu trong quá trình đào tạo con người mới phát triển toàn diện. Việc thực hiện chương trình GDPL; việc dạy học môn giáo dục công dân, pháp luật cũng như các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đã được thực hiện khá nghiêm túc theo chỉ thị của Ban Bí thư, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo, mang lại sự khởi sắc trong đời sống pháp luật của học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao ý thức pháp luật và văn hóa pháp lý trong nhà trường. Tuy vậy, GDPL trong nhà trường vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế trên nhiều mặt: nội dung, chương trình; sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu; đội ngũ làm công tác GDPL... và đang vấp phải sự lúng túng trong việc lựa chọn hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp. Công tác GDPL chưa được chú trọng đúng mức nên chưa ngang tầm với yêu cầu của nền kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều này đã dẫn đến hiệu quả GDPL trong nhà trường còn thấp, trình độ hiểu biết pháp luật không chỉ của học sinh, sinh viên mà của đội ngũ giáo viên, giảng viên có nhiều hạn chế, sự thờ ơ, thiếu niềm tin vào pháp luật vẫn phổ biến. Theo kết quả điều tra thuộc đề tài KTN 95/02 của Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đối với gần 1000 học sinh cho thấy, 49,2% học sinh hiện nay thiếu hiểu biết về pháp luật; 71,3% học sinh thiếu ý thức tôn trọng pháp luật[1].Hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, gian lận trong thi cử đã trở thành thói quen xấu của một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên. Lối sống lệch chuẩn, tình trạng bạo lực và tội phạm học đường hiện đang trở thành vấn đề bức xúc và lo lắng của toàn xã hội. Kết quả điều tra thuộc đề tài Đánh giá nhu cầu giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã cho thấy, tại 5 trường giáo dưỡng trên toàn quốc ở thời điểm 1/2007 có tới 4338 em. Số trẻ em vi phạm pháp luật được xử lý bằng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng ngày càng tăng với tốc độ trung bình là 11,36% mỗi năm, cao hơn nhiều lần so với tỉ lệ gia tăng dân số (trong đó học sinh phổ thông 51%)[2]. Theo báo cáo của ngành giáo dục, năm học 2009 - 2010 cả nước có khoảng trên 1.600 vụ việc liên quan đến học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Bình quân 5.260 học sinh xảy ra một vụ đánh nhau; 9 trường thì xảy ra một vụ học sinh đánh nhau. Trung bình cứ 10.000 học sinh thì có một học sinh bị kỷ luật khiển trách. Đặc biệt, năm qua đã có 7 vụ việc học sinh đánh nhau bằng hung khí dẫn đến chết người. Đáng chú ý hơn là   gần đây, trên Internet xuất hiện nhiều Video Clip quay cận cảnh học sinh đánh nhau, học sinh đánh hội đồng. Những hình ảnh trên làm cho những nhà giáo, những bậc làm cha, làm mẹ, những người có tâm huyết và trách nhiệm sửng sốt, lo lắng và phẫn nộ. Bàng hoàng hơn khi chúng ta chứng kiến nhiều em học sinh thản nhiên đứng nhìn, coi việc đánh đập, làm nhục người khác ngay tại nơi công cộng là chuyện bình thường. Tình trạng đã trầm trọng đến mức gia đình, nhà trường, xã hội không thể coi đây là trò nghịch ngợm trẻ con mà phải nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc về tính nguy hiểm của vấn đề đối với tương lai của thế hệ trẻ mà cũng là tương lai của đất nước. Vẫn là những con số báo động, tại hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông" ngày 25/11/2009 do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, đại diện Bộ Công an cho biết từ năm 2000 - 2006 số vụ phạm tội do trẻ em và vị thành niên thực hiện là 74.389 vụ với 95.103 đối tượng. Riêng năm 2006 có trên 10.000 vụ. Ngoài ra tình trạng học sinh nghiện ma túy, nghiện lên mạng, “chát - chít” tăng mạnh và ngày càng phức tạp. Tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng công nghệ cao tấn công các trang web để ăn cắp tiền qua mạng, tống tiền qua điện thoại tăng nhanh. Một số tội phạm mang tính đặc thù của ngành giáo dục như thi thuê, thi hộ, làm văn bằng giả, chứng chỉ xảy ra nhiều với hình thức ngày càng tinh vi hơn. Bên cạnh hành vi vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên, tình trạng vi phạm pháp luật của cán bộ, giáo viên, giảng viên cũng đang có xu hướng gia tăng. Theo đánh giá của Viện Chiến lược và chương trình giáo dục về hành vi pháp luật, đạo đức, lối sống của giáo viên trung học với bảy loại hành vi cơ bản là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của học sinh, xâm phạm thân thể học sinh, cố ý đánh giá sai kết quả rèn luyện và học tập của học sinh, có biểu hiện mê tín dị đoan, cờ bạc, nghiện rượu, sử dụng ma túy, thì nhìn chung, chừng 30 - 40% giáo viên có hành vi tiêu cực trong hoạt động nghề nghiệp và ứng xử xã hội. Tỉ lệ giáo viên đạt yêu cầu chất lượng chỉ khoảng 60 - 65%, số còn lại không hoàn toàn chắc chắn vì trong đó, có một tỷ lệ đáng kể có hành vi vi phạm tư tưởng, đạo đức, pháp luật, lối sống. Có thể yên tâm với khoảng 20% giáo viên, còn 20% cần được quan tâm bồi dưỡng, 60% còn lại đòi hỏi những giải pháp khác nhau, từ việc đào tạo lại, bồi dưỡng thuyên chuyển, cho đến việc sắp xếp chế độ nghỉ hoặc thôi việc[3].
Không chỉ tình trạng vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên đang tăng mạnh mà học sinh, sinh viên cũng đang là đối tượng bị các loại tội phạm xâm hại nghiêm trọng do không hiểu biết kiến thức pháp luật và sự thiếu hụt kỹ năng đương đầu và giải quyết đúng đắn các tình huống trong cuộc sống. Phát biểu tại hội thảo quốc gia phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em do liên bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Qũy nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức tại Hà Nội ngày 24/9/2010, đại diện Bộ Công an cho biết, năm qua có 1.200 vụ xứ lý hình sự, xử lý hành chính 248 vụ bạo hành trẻ em, hơn 600 trẻ bị bắt cóc ra nước ngoài. Hàng năm có trên 100 vụ giết trẻ em, 800 vụ xâm hại tình dục với gần 900 nạn nhân.
Chúng tôi nhận thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giảm hiệu quả GDPL trong nhà trường là thiếu cơ sở pháp lý đủ mạnh và một cơ chế thực thi hữu hiệu. Chính vì vậy, việc ban hành Luật Phổ biến, GDPL đang trở nên cấp thiết, nhằm khắc phục tình trạng trên đồng thời đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau:
Một là, tạo cơ sở pháp lý ổn định, đồng bộ, thống nhất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động GDPL, đặc biệt là GDPL trong nhà trường. Hiện nay hệ thống chính sách, pháp luật về GDPL khá đầy đủ, phong phú, thể chế cho công tác GDPL nói chung và GDPL trong nhà trường nói riêng ngày càng được tăng cường. Văn kiện Đảng qua các Đại hội lần thứ V đến nay đều đã khẳng định ý nghĩa to lớn của việc đưa GDPL vào các trường học, các cấp học, xây dựng ý thức sống có pháp luật và tôn trọng pháp luật. Sự ra đời Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, GDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trong đó chú trọng GDPL trong nhà trường một lần nữa khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của GDPL. Quán triệt chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003, phê duyệt Chương trình phổ biến, GDPL từ năm 2003 đến năm 2007. Ngày 17/12/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP trong đó ghi rõ nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tổ chức việc giảng dạy các kiến thức pháp luật phù hợp ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, GDPL từ năm 2008-2012 khẳng định giải pháp “Nâng cao chất lượng dạy và học pháp luật trong nhà trường ở các cấp học và trình độ đào tạo” là một trong các hình thức phổ biến, GDPL cơ bản; giao Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ GDPL trong trường học trên cơ sở cụ thể hoá Nghị quyết 61/2007/NQ-CP. Đồng thời việc Thủ tướng Chính phủ ký duyệt Đề án "Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, GDPL trong nhà trường" và Bộ Tư pháp thông qua Đề án "Tăng cường công tác phổ biến, GDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên" đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai hoạt động GDPL trong nhà trường. Xác định được nhiệm vụ quan trọng của GDPL trong ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hàng loạt văn bản để chỉ đạo công tác này. Ngày 17/8/2007, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 45/2007/CT-BGDĐT về việc tăng cường công tác phổ biến, GDPL trong ngành giáo dục với chín điểm cụ thể về nhận thức, nội dung, hình thức cũng như các điều kiện bảo đảm cho công tác GDPL trong toàn ngành. Như vậy, trên thực tế cơ sở pháp lý của công tác GDPL trong nhà trường rất phong phú, tuy nhiên, việc thực hiện các qui định còn tản mạn, mang tính hình thức do giá trị pháp lý của các văn bản chưa cao, chưa đủ mạnh để buộc nhà trường tiến hành một cách nghiêm túc và đầy đủ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả GDPL trong nhà trường bị hạn chế và thực tiễn này chứng tỏ đã đến lúc cần phải nhanh chóng ban hành một đạo luật về phổ biến, GDPL;
Hai là, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhà trường, xã hội và mọi công dân đối với pháp luật và GDPL trong nhà trường, thúc đẩy hoạt động GDPL trong nhà trường trở nên thiết thực, có chất lượng. Trong thực tế, tư duy giáo dục của chúng ta còn nặng "dạy chữ" hơn là "dạy người", nặng lý thuyết hơn là trang bị kiến thức cuộc sống và giáo dục kỹ năng sống cho người học. Nền giáo dục thi cử dẫn đến việc coi nhẹ công tác GDPL trong nhà trường và làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục toàn diện. Nhiều nhà trường không quan tâm đến công tác GDPL, không tổ chức hoặc mang tính hình thức khi tổ chức các hoạt động GDPL. Việc GDPL cho học sinh, sinh viên qua giờ dạy chính khóa chưa được chú trọng. Điều đó được thể hiện qua chất lượng khiêm tốn của môn đạo đức (Tiểu học), giáo dục công dân (Trung học cơ sở và trung học phổ thông), pháp luật đại cương ở Đại học, Cao đẳng. Cho tới nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng mới chỉ ban hành 19/107 chương trình giáo dục đại học có học phần Pháp luật đại cương và mới có hơn 50% số trường Đại học đưa môn Pháp luật đại cương vào giảng dạy[4]. Các hoạt động GDPL ngoài giờ lên lớp còn mờ nhạt, thiếu sức lôi cuốn người học. Xuất phát từ tình hình trên, việc ban hành Luật Phổ biến, GDPL sẽ giúp cho nhà trường và xã hội có một cách nhìn toàn diện hơn về giáo dục, đào tạo lực lượng lao động trước yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, từ đó nâng cao trách nhiệm của nhà trường đối với công tác GDPL cũng như huy động mọi nguồn lực của xã hội chung sức vào sự nghiệp "trồng người" cho đất nước.
Ba là, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất và tổng thể để xây dựng nguồn nhân lực cho công tác GDPL trong nhà trường; tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ giáo viên giáo dục công dân, giảng viên pháp luật và cán bộ làm công tác phổ biến, GDPL trong nhà trường. Thiếu về số lượng và yếu về chất lượng là ý kiến chung được đưa ra khi đánh giá đội ngũ những người làm công tác GDPL trong nhà trường. Hiện nay hầu hết các trường chưa có cán bộ chuyên trách GDPL, giáo viên, giảng viên được đào tạo đúng chuyên ngành Giáo dục công dân, Giáo dục chính trị, Luật chưa nhiều, năng lực giảng dạy và giáo dục còn yếu, một bộ phận lớn chưa được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn và chủ yếu dạy kiêm nhiệm. Ước tính cả nước còn 47% giáo viên giáo dục công dân dạy chéo môn, kiêm nhiệm[5]. Nhiều nhà giáo không nhận thức được vai trò to lớn của môn Giáo dục công dân, pháp luật trong việc giáo dục nhân cách người học. Cùng sự đánh giá đó, Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thừa nhận trong Báo cáo Tổng kết sáu năm thực hiện chỉ thị 32 của Ban Bí thư là "hiện nay đội ngũ này còn thiếu về số lượng và chưa được chuẩn hóa về mặt chất lượng"[6]. Thống kê giáo viên Giáo dục công dân tại 38 tỉnh, ở 5.934 trường Trung học cơ sở là 11.556 người, còn thiếu 1.792 giáo viên và còn hơn 43% giáo viên hiện có dạy không đúng chuyên ngành, ở 1.550 trường trung học phổ thông là 3.410 người, còn thiếu 1.792 giáo viên và hơn 15% giáo viên không đúng chuyên ngành. Nhiều nơi giáo viên thể dục cũng được bố trí dạy môn Giáo dục công dân. Trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, tình trạng thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng của đội ngũ nhà GDPL vẫn còn phổ biến. Chính vì vậy, xây dựng nền tảng pháp lý mạnh để củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm nâng cao hiệu quả công tác GDPL trong nhà trường là vấn đề cấp bách hiện nay.
Bốn là, huy động nguồn lực tài chính của Nhà nước và xã hội, tạo điều kiện cho công tác GDPL trong nhà trường được tiến hành một cách đồng bộ, rộng khắp. Thiếu một cơ chế pháp lý đủ mạnh là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc phân phối, sử dụng và mở rộng các nguồn kinh phí phục vụ hoạt động GDPL. Mặc dù chúng ta đã có Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05/8/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, GDPL và hàng loạt quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định về tài liệu, thiết bị phục vụ GDPL trong nhà trường nhưng kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện dành cho công tác phổ biến, GDPL nhìn chung còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động GDPL trong trường học. Do chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng và hiệu lực pháp lý chưa cao nên trường nào quan tâm đến công tác phổ biến, GDPL thì dự trù xin cấp kinh phí, những trường không quan tâm hoặc quan tâm nhưng e ngại thủ tục xin cấp kinh phí thì tự xoay xở hoặc tiến hành một cách chiếu lệ. Chính thiếu sự đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện GDPL đã làm giảm hiệu quả công tác GDPL trong nhà trường. Vấn đề này sẽ được khắc phục khi chúng ta có đạo luật về công tác phổ biến, GDPL.
Đáp ứng nhu cầu khách quan của thực tiễn, dự thảo Luật Phổ biến, GDPL đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008 và Chương trình toàn khóa 2008 - 2012 của Quốc hội. Nhằm góp phần hoàn thiện những qui định liên quan đến GDPL trong nhà trường, chúng tôi xin kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Dự thảo (lần 3) như sau:
Thứ nhất, Luật cần qui định nhà trường phải xây dựng chương trình, kế hoạch phổ biến, GDPL theo từng năm học. Chương trình, kế hoạch GDPL hàng năm sẽ xác định những nội dung cụ thể, bám sát nhu cầu và phù hợp thực tiễn và là cơ sở để nhà trường triển khai có hiệu quả công tác này trong năm. Đồng thời, với việc bắt buộc xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm sẽ gắn hoạt động GDPL với hoạt động của nhà trường, một mặt nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, giảng viên trong nhà trường cũng như toàn xã hội, mặt khác tạo sự đồng bộ, thống nhất và thường xuyên trong quá trình GDPL của nhà trường. Do vậy, cần bổ sung khoản 1 vào Điều 31 Dự thảo qui định trách nhiệm của nhà trường trong việc xây dựng chương trình phổ biến, GDPL hàng năm;
Thứ hai, Điều 34 Dự thảo nên qui định nhà trường bố trí người chuyên trách (thay vì chỉ phụ trách như trong Dự thảo) làm công tác phổ biến, GDPL với tiêu chuẩn được qui định tại khoản 2 Điều 12 Dự thảo. Lý do của đề nghị trên xuất phát từ tầm quan trọng của GDPL trong nhà trường, hoạt động này đòi hỏi phải được chú trọng cả về nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp thực hiện và phải có sự đầu tư về thời gian, trí tuệ, trong lúc đó giáo viên giáo dục công dân, pháp luật có nhiệm vụ chính là dạy học nên không thể bao quát hết hoạt động GDPL trong nhà trường. Cùng với một cán bộ chuyên trách, giáo viên giáo dục công dân, pháp luật sẽ giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động GDPL. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm khoản 4 Điều 31 qui định trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, của các giảng viên, giáo viên bộ môn trong việc cùng tham gia GDPL qua hoạt động giáo dục và dạy học của mình. Giáo dục cũng như GDPL không phải là con số cộng đơn lẻ của một vài giáo viên, giảng viên qua những bài giảng trên lớp mà đòi hỏi phải có sự phối hợp   của tập thể sư phạm. Qui định này vừa nâng cao nhận thức về vai trò GDPL đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo vừa góp phần giáo dục ý thức pháp luật cho chính đội ngũ nhà quản lý giáo dục và nhà giáo. Như vậy, Điều 31 Dự thảo cần bổ sung khoản 1 về trách nhiệm của nhà trường trong xây dựng chương trình GDPL theo từng năm học và khoản 4 về nghĩa vụ GDPL cho người học của cán bộ quản lý và tất cả các giáo viên, giảng viên bộ môn;
Thứ ba, liên quan đến chất lượng đội ngũ làm công tác GDPL, luật cần qui định những người làm công tác này (cán bộ chuyên trách, giáo viên giáo dục công dân, pháp luật...) ngoài kiến thức pháp luật, đạo đức, phẩm chất họ phải có chứng chỉ nghiệp vụ GDPL. Sở dĩ đây là yêu cầu tất yếu vì nghiệp vụ GDPL giúp cho người làm công tác này nắm bắt các bước tiến hành, cách thức tổ chức, các thao tác thực hiện, nghệ thuật giáo dục qua các hoạt động, nghệ thuật giao tiếp và ứng xử với các tình huống pháp luật... qua đó nâng cao tác dụng của GDPL. Do vậy, Điều 34 nên qui định thêm khoản 1 về yêu cầu có chứng chỉ nghiệp vụ GDPL đối với người làm công tác GDPL đồng thời giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ GDPL cho đội ngũ nhà GDPL trong nhà trường;
Thứ tư, Luật cần qui định giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân phải được đào tạo đúng chuyên ngành Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân. Điều đó có nghĩa là mục b, khoản 1, Điều 32 cần bổ sung "có bằng cử nhân Giáo dục chính trị hoặc Giáo dục công dân đối với giáo viên Giáo dục công dân". Sửa đổi theo hướng này vừa bảo đảm chất lượng đội ngũ nhà GDPL trong nhà trường vừa đồng thời tạo nên sự thống nhất tại Điều 34 về "Bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giáo dục công dân, pháp luật, đội ngũ làm công tác GDPL". Ngoài ra, theo Dự thảo, tiêu chuẩn của giáo viên giảng dạy giáo dục công dân là phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật đại cương trở lên (mục c khoản 1 Điều 32), theo chúng tôi là không cần thiết. Bởi vì trong chương trình đào tạo giáo viên giáo dục công dân của các trường Đại học đã trang bị cho sinh viên một khối lượng kiến thức pháp luật khá lớn so với kiến thức pháp luật đại cương qua môn học Pháp luật học (3 hoặc 5 tín chỉ), Hiến pháp và các định chế chính trị (2 tín chỉ). Hiện nay, trong xu thế chung các trường Đại học đang bổ sung nhiều môn học liên quan đến pháp luật như pháp luật chuyên ngành hoặc các học phần tự chọn như Luật Dân sự, Luật Hành chính, Luật Hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình... Việc buộc các giáo viên giáo dục công dân phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật đại cương vừa chồng chéo với khoản 1, 2 Điều 34 vừa gây nên sự lãng phí, thay vào đó tạo điều kiện để họ đầu tư vào rèn luyện nghiệp vụ GDPL sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn;
Thứ năm, đối tượng được GDPL trong nhà trường không chỉ người học mà phải xác định bao gồm cả cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên. Do vậy, người làm công tác GDPL trong nhà trường còn có nghĩa vụ GDPL cho tất cả những đối tượng trên. Xuất phát từ điều đó, Điều 28 cần bổ sung việc thực hiện hoạt động GDPL cho cán bộ, giáo viên, giảng viên nhà trường và người học ở các cấp học và trình độ đào tạo. Điều 31 bổ sung thêm khoản 3 về hình thức GDPL cho cán bộ, giáo viên, giảng viên trong nhà trường. Tương tự, khoản 2, Điều 32 nên bổ sung nghĩa vụ tổ chức hoạt động GDPL cho cán bộ, giáo viên, giảng viên trong nhà trường. Đồng thời Luật cần qui định chế độ, chính sách dành cho người làm công tác GDPL trong nhà trường nhằm khuyến khích, động viên kịp thời, thích đáng đối với những người làm công tác này.
Chúng ta đều nhận thấy rằng, GDPL cũng như GDPL trong nhà trường là qúa trình lâu dài, đó là kết quả của sự tác động mạnh mẽ và có hệ thống đến các đối tượng của ngành giáo dục và qua đó tác động đến toàn xã hội. Hoạt động này đòi hỏi phải được điều chỉnh bởi một đạo luật. Chính vì vậy, ban hành Luật Phổ biến, GDPL tạo hành lang pháp lý vững chắc, ổn định là biện pháp quan trọng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả GDPL trong nhà trường.
 

 


[1]Nguyễn Khắc Hùng (2009), Các biện pháp tổ chức GDPL cho học sinh Trung học phổ thông, Luận án Tiến sĩ giáo dục, Đại học Thái Nguyên, tr.57.
[2]Báo cáo tổng kết đề tài Đánh giá Đánh giá nhu cầu giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2008, tr34-35.
[3]Viện Nghiên cứu Chiến lược và chương trình giáo dục (2007), Nghiên cứu đánh giá thực trạng đội ngũ nhà giáo Việt Nam, Hà Nội, tr.102, tr.110.
[4]Báo cáo Tổng kết Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, GDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tr.6, tr.13.
[5]Nguyễn Khắc Hùng (2009), Tlđd.
[6]Nguyễn Khắc Hùng (2009), tlđd.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 10(195), tháng 5/2011)


Thống kê truy cập

32786476

Tổng truy cập