Giáo dục pháp luật trong hoạt động hòa giải

01/07/2013

NGUYỄN THỊ TĨNH

Tòa án nhân dân tỉnh Đaklak

Hòa giải là thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết tranh chấp (GQTC) dân sự tại Tòa án được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự (Bộ luật TTDS): Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự. Hòa giải trong vụ kiện dân sự không chỉ bắt buộc thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm mà pháp luật dân sự hiện hành còn khuyến khích, công nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các bên đương sự tại phiên tòa sơ thẩm và cả phiên tòa phúc thẩm. Quy định này xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự trong quan hệ dân sự. Phiên hòa giải thành, vụ kiện sẽ được chấm dứt bằng một quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự do Tòa án ban hành có hiệu lực pháp luật ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Việc đương sự tự nguyện thỏa thuận giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm hay phúc thẩm nếu không trái pháp luật, đạo đức xã hội thì đều được Hội đồng xét xử ghi nhận trong bản án và có hiệu lực thi hành.  
 Thực tiễn GQTC dân sự cho thấy, thành công của Thẩm phán và các chuyên gia tư vấn pháp luật trong phiên hòa giải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thu thập, đánh giá chứng cứ, cách thức hòa giải... nhưng yếu tố quyết định cho sự thành công của phiên hòa giải vẫn là kỹ năng truyền thụ kiến thức pháp luật của Thẩm phán và các chuyên gia tư vấn pháp luật cho người tham gia phiên hòa giải, làm cho họ hiểu và nhận thức được các quy định của pháp luật về từng vấn đề họ đang theo kiện, về chế định hòa giải, và đặc biệt làm cho họ nhận biết được lợi ích vật chất, tinh thần mà pháp luật đãi ngộ cho việc tự nguyện thỏa thuận của họ trong GQTC dân sự. Nhận định này được minh chứng từ thực tế GQTC dân sự của ngành Tòa án nhân dân tỉnh ĐăkLăk. Trong hai năm 2010 và 2011, ngành Tòa án nhân dân tỉnh ĐăkLăk thụ lý gần 13.000 vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại (gọi chung là án dân sự) và hành chính, trong đó có khoảng 30% số án hòa giải thành. Theo báo cáo của các tòa chuyên trách và các thẩm phán cấp huyện, thành phố, trong toàn tỉnh có hơn 75% số án hòa giải thành do đương sự được phổ biến pháp luật (PBPL), nhận thức được đúng sai, tự cân đối được lợi ích vật chất và tinh thần của mình khi vụ án được thỏa thuận kết thúc sớm đã tự nguyện hòa giải thành. Khoảng 20% số vụ kiện đương sự tự nguyện thỏa thuận với mục đích chính là giữ mối quan hệ với bạn hàng. Số còn lại khoảng 5% vụ kiện đương sự tự nguyện hòa giải thỏa thuận do tâm lý ngại tham gia kiện tụng kéo dài và các lý do khác.
 Đối với vụ án hành chính, pháp luật không quy định thủ tục hòa giải của các bên đương sự nhưng vẫn khuyến khích Thẩm phán phổ biến, phân tích các quy định của pháp luật về từng lĩnh vực, từng vấn đề mà người khởi kiện, người bị kiện đang hướng tới nhằm mục đích làm cho họ nhận biết được các quy định của pháp luật về vấn đề họ đang theo kiện hoặc bị kiện, tạo điều kiện cho họ đối chiếu các quy định của pháp luật vào vụ kiện, phát hiện việc khởi kiện hay bị kiện là đúng hay sai, từ đó người khởi kiện có hướng rút đơn kiện hoặc người bị kiện có hướng sửa đổi, hủy bỏ quyết định hành chính trái pháp luật của mình sớm đi đến kết thúc vụ kiện.
Như vậy, thực tế này đã đặt ra cho Thẩm phán Tòa án và các chuyên gia tư vấn pháp luật là cần có một chương trình PBPL về hòa giải cho người tham gia tố tụng (TGTT) tại Tòa án ngay từ giai đoạn chuẩn bị tiến hành phiên hòa giải, cụ thể là:
Thứ nhất, phổ biến cho cho người TGTT các quy định của pháp luật về nguyên tắc và phạm vi hòa giải của Tòa án.
Hoạt động PBPL đầu tiên cho đương sự trong giai đoạn này của Thẩm phán được thể hiện bằng việc gửi cho các bên đương sự và những người TGTT khác thông báo tổ chức phiên hòa giải của Tòa án. Thông báo này ghi rõ thành phần tham gia phiên hòa giải, thời gian, địa điểm mở phiên hòa giải và nội dung các vấn đề cần hòa giải để đương sự có sự chuẩn bị trước khi đến tham gia phiên hòa giải. Tại phiên hòa giải, Thẩm phán và các chuyên gia tư vấn pháp luật khác trực tiếp phổ biến cho người TGTT nắm được nguyên tắc hòa giải quy định trong Bộ luật TTDS đó là Tòa án có trách nhiệm tôn trọng và ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự trong GQTC dân sự, trừ những thỏa thuận làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước và những quan hệ dân sự phát sinh từ dao dịch dân sự trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Điều này có nghĩa là Thẩm phán Tòa án phải dùng các cách thức PBPL để làm cho đương sự hiểu và nhận thức được trong quan hệ dân sự quyền tự định đoạt của họ là tối thượng nhưng không được vượt quá giới hạn pháp luật cho phép và bị chi phối bởi các quy phạm đạo đức xã hội. 
Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, để tránh tình trạng đương sự lợi dụng thủ tục bắt buộc hòa giải trong vụ kiện nhằm mục đích gây khó khăn kéo dài việc giải quyết vụ án cho Tòa án, hầu hết các Thẩm phán đều phổ biến cho các bên đương sự biết theo quy định của luật TTDS hiện hành, hòa giải là quyền nhưng cũng đồng thời là nghĩa vụ của đương sự. Trong trường hợp bị đơn được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt trong phiên hòa giải thì được coi là từ chối thực hiện quyền và nghĩa vụ trong phiên hòa giải. Tòa án có quyền lập biên bản không hòa giải được và tiếp tục giải quyết vụ kiện, không giải quyết khiếu nại của đương sự về hòa giải sau này. Nắm được quy định này, đương sự tự giác thực hiện quyền đồng thời là nghĩa vụ của mình trong phiên hòa giải, có sự chuẩn bị nội dung hòa giải chu đáo và có phương án hòa giải khả thi phù hợp pháp luật. Ngoài ra, Thẩm phán còn phải phổ biến và hướng dẫn cho đương sự biết trong một số trường hợp ngoại lệ, Tòa án có thể lập biên bản không tiến hành hòa giải được như: đương sự không tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng; đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự... để những đương sự có hoàn cảnh nêu trên hiểu và nhận thức được việc không tham gia phiên hòa giải của họ không làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.
Thứ hai, phổ biến cho người TGTT về nội dung hòa giải của Tòa án hay nói cách khác là phổ biến cho đương sự các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các bên liên hệ đến quyền nghĩa vụ của mình trong từng quan hệ tranh chấp mà Tòa án đang giải quyết. Đây được coi là bài học pháp luật tổng hợp của các bên đương sự bao gồm nhiều loại luật nội dung và luật tố tụng cùng được lồng ghép phổ biến trong một lúc và được coi là bước quan trọng, quyết định cho phiên hòa giải thành công hay không. Vấn đề này tùy thuộc vào khả năng truyền thụ kiến thức pháp lý của Thẩm phán và sự bổ trợ của chuyên gia tư vấn pháp luật của đương sự trong vụ kiện. Tại phiên hòa giải, sau khi Thẩm phán phổ biến một số quy định của pháp luật có liên quan đến các quan hệ tranh chấp trong vụ kiện, đương sự có quyền phát biểu ý kiến, trình bày quan điểm cá nhân về việc giải quyết vụ kiện. Đây là thời điểm thích hợp để Thẩm phán Tòa án thực hiện kỹ năng chuyển tải các quy định của pháp luật đối với từng vấn đề đương sự đang vướng mắc cần giải tỏa. Trong quá trình phổ biến luật nội dung có liên quan đến các vấn đề đang tranh chấp trong vụ kiện, Thẩm phán lồng ghép, phối hợp hài hòa với việc xem xét, phân tích, đánh giá chứng cứ, đối chiếu từng chứng cứ vào từng quy định của pháp luật giúp cho đương sự vừa hiểu được các quy định của pháp luật, vừa hiểu được tính có căn cứ của chứng cứ trong vụ kiện và giúp họ liên hệ trực tiếp vào vấn đề đang tranh chấp, từ đó giải tỏa vướng mắc về tâm lý cho họ, từng bước dẫn dắt họ xích lại gần nhau về lợi ích và tự bản thân họ sẽ có định hướng cho sự tự nguyện thỏa thuận giải quyết vụ kiện. Để đương sự tiếp thu các quy định của pháp luật nhanh chóng và hiệu quả, Thẩm phán và các chuyên gia tư vấn pháp luật của đương sự trong phiên hòa giải cần thể hiện cho đương sự thấy được sự quan tâm, cảm thông, sự chia sẻ tự nhiên chân thành cởi mở. Đặc biệt trong quá trình hòa giải, Thẩm phán cần tạo cho đương sự niềm tin vào sự công bằng, minh bạch của pháp luật và sự công tâm, hết lòng vì nhân dân của cán bộ đại diện cơ quan pháp luật. Khi tiếp xúc với đương sự, truyền đạt kiến thức pháp luật cho họ, Thẩm phán khéo léo lồng ghép các quy định của pháp luật với các thông lệ, tiền lệ trong đời sống hàng ngày và các chuẩn mực đạo đức trong xã hội, giữ thái độ đúng mực, tạo sự gần gũi, thân thiện để họ bày tỏ hết tâm tư nguyện vọng từ đó nắm được nguyên nhân sâu xa dẫn đến tranh chấp và có hướng tháo gỡ cho họ.
Tiến hành hoạt động tuyên truyền PBPL trong phiên hòa giải, Thẩm phán cần nhận thức được đây là bài học luật tổng hợp hết sức khó khăn đối với đương sự. Bài học này được truyền thụ với mục đích khuyến khích sự tự nguyện học hỏi tìm hiểu pháp luật và sự tự nguyện thể hiện ý chí tự GQTC của các bên đương sự. Nhận thức được vấn đề này, Thẩm phán chú trọng đầu tư nghiên cứu tìm hiểu từng quy định của từng loại luật khác nhau áp dụng vào từng quan hệ tranh chấp cụ thể trong vụ kiện, nhằm đề ra một chương trình PBPL cho đương sự sát với thực tế, ngắn gọn và dễ hiểu. Việc truyền đạt kiến thức pháp luật cho đương sự trong giai đoạn này cần ở Thẩm phán một quỹ thời gian phù hợp cộng với sự kiên trì, nhẫn nại và nhiệt huyết nghề nghiệp. Phiên hòa giải được tiến hành thành công hay không ngoài các yếu tố nêu trên, Thẩm phán còn cần phải hết sức tế nhị trong cách đặt vấn đề cho từng nội dung hòa giải, tuyệt đối tránh thể hiện sự áp đặt hay dùng uy quyền của Tòa án.
Thứ ba, phổ biến cho người TGTT biết các quy định của pháp luật về hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành. Đây cũng là vấn đề được đương sự quan tâm và cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của phiên hòa giải. Đồng thời với việc phổ biến cho đương sự các quy định của pháp luật về nội dung hòa giải, Thẩm phán và các chuyên gia tư vấn pháp luật khéo léo phối hợp nêu những quy định của pháp luật về hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành. Điều này có nghĩa là người PBPL cần làm cho đương sự hiểu và nhận thức được theo quy định của Bộ luật TTDS và Luật Thi hành án hiện hành thì trong trường hợp hòa giải thành đương sự đương nhiên được miễn một nửa trong tổng số án phí của vụ kiện, vụ án sẽ được Tòa án kết thúc bằng một Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay không bị kháng cáo kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và có thể bị cưỡng chế thi hành nếu đương sự không thi hành tự nguyện. Quan trọng hơn nữa trong phiên hòa giải thành, đương sự được quyền tự mình đề xuất phương án giải quyết vụ án, có quyền bàn bạc với nhau, có quyền chia sẻ các lợi ích vật chất bị thiệt hại trong quá trình tranh chấp, hy sinh một phần lợi ích cho nhau, có điều kiện để hiểu về nhau nhiều hơn, xỏa bỏ được tranh chấp và trên thực tế có trường hợp các đương sự còn mở ra được hướng quan hệ dân sự mới mang lại lợi ích vật chất, tinh thần lớn cho cả hai phía.
 Còn trong trường hợp hòa giải không thành, vụ án sẽ được đưa ra xét xử công khai, đương sự phải chịu các chế tài pháp lý dân sự theo quy định của pháp luật, không thực hiện chế độ miễn giảm một nửa án phí như trong trường hợp hòa giải thành và quan hệ tranh chấp đương nhiên dẫn đến sự thắng thua, được mất. Khi phổ biến hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành cho các bên đương sự, Thẩm phán và các chuyên gia tư vấn pháp luật của đương sự cần giải thích thêm các yếu tố thuận lợi của việc thi hành án thông qua việc hòa giải thành, nhấn mạnh về tính tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự trong pháp luật dân sự, tính ưu việt của sự tự nguyện thỏa thuận, nhằm vào tâm lý lợi ích của đương sự, đồng thời nắm bắt và tích cực khai thác các luồng suy nghĩ nội tâm hướng thiện của từng đương sự nhằm mục đích đạt đến sự thành công của phiên hòa giải.
Một số khó khăn thường gặp trong giáo dục pháp luật ở giai đoạn hòa giải
Thực tiễn GQTC dân sự và PBPL cho những người TGTT cho thấy, các quy định của pháp luật hiện hành về hòa giải trong quan hệ dân sự có nhiều điểm ưu việt, dễ hiểu, dễ áp dụng và có tính thuyết phục cao. Các quy định này được coi là những đạo luật sống, nó vận hành thường xuyên cùng với quá trình GQTC dân sự tại Tòa án cũng như trong đời sống hàng ngày của nhân dân. Tuy nhiên cũng xuất phát từ những điểm ưu việt này, đương sự tiếp thu nhanh chóng các quy định về sự khuyến khích vật chất cũng như rút ngắn vụ kiện của Nhà nước trong hòa giải và lợi dụng nó, hay nói cách khác là “lách luật” để mưu cầu lợi ích cá nhân, làm sai lệch bản chất tốt đẹp của các quy định về hòa giải. Xin nêu một ví dụ cụ thể minh chứng cho vấn đề này: Bà Trần Thị N là chủ đại lý thu mua, gửi giữ cà phê ở thị xã Buôn Hồ tỉnh ĐăkLăk. Trong vụ cà phê 2011-2012, bà N nhận gửi kho của 30 hộ nông dân với số cà phê nhân xô hơn 300 tấn, tương đương 13 tỉ đồng vào thời điểm gửi. Bà N bán số cà phê này lấy tiền cho bà Huỳnh Kim P vay lấy lãi cao với mục đích chờ cà phê hạ giá sẽ mua hàng bù vào kho để trả cho người gửi giữ. Sau khi nhận được tiền vay, bà P bỏ trốn, bà N vỡ nợ và bị 19 hộ nông dân gửi cà phê đưa đơn khởi kiện tại Tòa án thị xã Buôn Hồ vào tháng 4/2012. Bà N biết mình sẽ bị kê biên tài sản để thi hành án cho các hộ dân đã khởi kiện nên cố tình kéo dài việc giải quyết vụ án bằng cách kéo dài thời gian cung cấp chứng cứ, không tham gia phiên hòa giải theo thông báo lần đầu của Tòa án, khi Tòa án mở phiên hòa giải lần thứ hai, bà N mới tham gia và không thiện chí thỏa thuận bất cứ nội dung nào của vụ kiện. Cũng trong thời gian này, bà N lập một hợp đồng giả vay của chị họ là Trần Thị V. tại thị xã Gia Nghĩa tỉnh ĐăkNông số tiền 10 tỉ đồng, trong hợp đồng này hai bên thỏa thuận ghi lùi thời gian mượn tiền vào tháng 4 năm 2010, thời hạn mượn 06 tháng, khi có tranh chấp nguyên đơn có quyền yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết (tức Tòa án thị xã Gia Nghĩa). Đồng thời hai bên lập hợp đồng thế chấp tài sản cam kết bà N thế chấp cho bà V toàn bộ khu xưởng chế biến cà phê, nhà kho, nhà ở của mình tại thị xã Buôn Hồ để bảo đảm số nợ vay 10 tỉ đồng nói trên.  Theo kế hoạch, bà V và bà N cùng nhau lập giả nhiều giấy đòi nợ từ tháng 11/2010 đến tháng 4/2012 cùng với nhiều thư khất nợ. Tháng 5/2012, bà V gửi đơn khởi kiện bà N tại Tòa án nhân dân thị xã Gia Nghĩa đòi bà N trả 10 tỉ đồng. Bà N được Tòa án thị xã Gia Nghĩa triệu tập giải quyết vụ kiện. Do có sự thông đồng giữa hai đương sự nên chỉ sau 20 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ vụ kiện, Tòa án nhân dân thị xã Gia Nghĩa đã thu thập đủ chứng cứ và mở phiên hòa giải, tại đây hai bên thỏa thuận trong thời hạn 20 ngày bà N phải trả cho bà V 10 tỉ đồng Việt Nam, nếu không trả được bà V có quyền yêu cầu thi hành án bán phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Thỏa thuận của bà V và bà N được Tòa án ghi nhận bằng một quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực thi hành. Đến thời điểm Tòa án thị xã Buôn Hồ xét xử xong vụ kiện của 19 hộ nông dân gửi cà phê thì về mặt pháp lý, bà N không còn tài sản để thi hành bản án. Đây không phải là trường hợp duy nhất trong hoạt động GQTC dân sự tại Tòa án. Như vậy thực tế đặt ra là, chương trình giáo dục pháp luật cho người TGTT tại Tòa án trong giai đoạn hòa giải cần thiết phải được lồng ghép việc giáo dục các chuẩn mực đạo đức, các phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục tốt đẹp trong đời sống, làm cho người TGTT thấm nhuần và thực hiện đúng bản chất ưu việt trong các quy định của pháp luật về quyền tự thỏa thuận trong GQTC dân sự.

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 14(246), tháng 7/2013)


Thống kê truy cập

32780435

Tổng truy cập